Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt, C.S.s.R.
Bài chia sẻ khóa thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn 2015.
DẪN NHẬP
Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, ngày 30 tháng 11 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc “Năm Đời sống thánh hiến” và kết thúc vào lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thờ, ngày 02 tháng 02 năm 2016. Trong dòng chảy thiêng liêng của Hội Thánh Công Giáo toàn cầu, Giáo phận Qui Nhơn cùng hòa mình vào bằng nhiều cách, riêng với Linh mục đoàn đã chọn cách cùng Hội Thánh suy tư về Đời sống thánh hiến qua loạt bài trong tuần thường huấn có chủ đề: “Đời sống thánh hiến trong nhãn quan mục vụ và truyền giáo”. Ở đây, đề tài số 3: “Tương quan giữa các Dòng tu với nhau với Giáo phận và Giáo xứ” có nội dung thật rõ.
Tương quan thế nào kể ra là được? Nói một cách hình ảnh, cũng như người làm nông, chỉ cần đến vụ, qua cơn mưa đầu mùa đất đủ độ ẩm cho hạt giống nẩy mầm là gieo hạt xuống, chờ mầm thành cây, chăm chỉ cần cù bón phân làm cỏ,… đến mùa thu hoạch là xong. Bây giờ có vẻ như không còn đơn giản, muốn làm đạt năng xuất, người nông dân phải biết về chính hạt giống trước khi gieo trồng. Cũng là lúa, nhưng giống lúa OM 4281 hay VND 95-20 có sức kháng sâu rầy mạnh, không chỉ cho năng xuất cao mà hạt gạo của các giống lúa này trắng và chất lượng hơn giống lúa IR 50404. Cũng vậy, khi nói đến tương quan giữa các Dòng tu, giữa Dòng tu với Giáo phận và Giáo xứ… trước hết ta nên tìm hiểu về chính lối sống ấy. Hơn nữa, để bao hàm hết các dạng thức tu trì trong Hội Thánh, ta bàn về đời sống thánh hiến thì gói trọn được tất cả.[1] Sau khi xác định vài tiêu điểm như thế, với đề tài này xin được chia sẻ qua những bước: 1/. Những nét căn bản của đời sống thánh hiến (Thánh hiến, Sứ vụ, Đặc sủng); 2/. Trong cánh đồng Hội Thánh có nhiều vườn hoa; 3/. Để hoa thơm khoe sắc (Tương quan giữa các Dòng, Tương quan với Giáo phận, Tương quan với Giáo xứ); 4/. Thử thách và hướng đi
Năm thánh hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước những người con của Hội Thánh đang sống đời tận hiến là sống niềm vui, sống ngôn sứ, sống hiệp thông, ra khỏi nhà, lắng nghe tiếng Thánh Linh và các nhu cầu thời đại.[2] Với đề tài này, mong ước của Đức Giáo Hoàng nơi chúng ta được nâng lên một cung bậc mới. Vì trong tương quan, những giá trị trên không có cách đơn độc nơi mỗi Hội Dòng, mà là có cùng nhau và cùng giúp nhau để có. Nguyện xin Mẹ Hằng Cứu Giúp ban ơn để “lời hay ý đẹp” không nằm lì trên trang giấy mà thực sự đi vào đời sống làm thay đổi thế giới, nhờ Hội Thánh có đời thánh hiến thực sự như nó là.
I. NHỮNG ĐƯỜNG NÉT CĂN BẢN CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
1. Thánh hiến
Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Dân thánh, vì thế mọi người đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ theo Ngài là đặt Ngài làm quan trọng nhất hơn mọi giá trị khác: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xưng với Thầy. Ai yêu con trái con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). Điều Chúa Giêsu đòi hỏi là dành cho tất cả những ai theo Ngài, chứ không phải chỉ dành cho một nhóm ưu tuyển. Ngày xưa thường hiểu đời tu là bậc sống hoàn thiện hơn đời sống gia đình. Từ sau Công Đồng Vatican II, cách hiểu này không còn nữa. Tất cả mọi người được kêu mời yêu mến Chúa trọn vẹn, hết lòng, hết sức hết linh hồn. Tất cả mọi người đều có ơn gọi nên thánh một cách quyết liệt như nhau, không thể có cách yêu Chúa nữa vời hay nên thánh mạnh nhẹ khác nhau. Thánh Công Đồng viết: “Ðược Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh. Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận… Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái”.[3]
Như thế, vấn đề đặt ra là việc yêu mến Chúa Giêsu, việc nên thánh giữa người sống ơn gọi Đời thánh hiến và người sống ơn gọi Gia đình khác nhau thế nào? Về tính chất và cường độ thì không khác nhưng khác nhau về cách thức. Người sống ơn gọi Gia đình yêu mến Chúa Giêsu, sống lời mời gọi nên thánh qua việc chu toàn bổn phận trong đời sống gia đình một cách trọn hảo. Anh A với chị B, anh yêu chị không chỉ là do sự rung cảm tự nhiên của con tim, sự mách bảo của lý trí cho biết chị là người vợ hiền dâu thảo, nhưng anh yêu chị, sống thuỷ chung, hy sinh vuông tròn bổn phận làm chồng, làm cha do anh yêu mến Chúa Giêsu, anh thực hiện lời mời gọi nên hoàn thiện của Chúa Giêsu trong đời sống gia đình. Có thể nói đây là cách anh yêu mến Chúa Giêsu gián tiếp. Người sống Đời thánh hiến thì yêu mến Chúa Giêsu, sống lời mời gọi nên thánh cách trực tiếp, được thể hiện qua việc tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng.
Trong sắc lệnh “Canh tân thích nghi đời sống Dòng tu” số 5 nói đến việc sống “cho một mình Thiên Chúa”. Sắc lệnh viết: “Tu sĩ Hội Dòng nào cũng phải ghi tâm điều này: chính nhờ khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm mà mình đã đáp ứng ơn thiên triệu, vì thế chẳng những phải chết đi cho tội lỗi (x. Rm 6,11), nhưng còn phải từ bỏ thế gian để sống cho một mình Thiên Chúa”. Thiên Chúa đòi người tu sĩ sống cho một mình Ngài không có nghĩa Ngài là Đấng nghen tương, thương nhân loại, đặc biệt những người tận hiến, bằng tình yêu “chiếm hữu”như tình yêu vợ chồng, tức là đối tượng mình thương mến thuộc riêng về mình. Mặc dù trong Kinh Thánh, Thiên Chúa có nói Ngài là vị thần nghen tương (x. Xh 20,5) hay dùng tình yêu vợ chồng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người, nhưng phải hiểu ý nghĩa cách nói đó trong mạch văn và bối cảnh chứ không cho phép ta hiểu theo nghĩa đặc tính của hữu thể. “Sống cho một mình Thiên Chúa” là không có trung gian, là cách yêu mến Ngài trực tiếp, “diện đối diện”, không phải trong hiện hữu hay cảm nhận mà là trong lối sống được xác định qua ba lời khuyên Tin Mừng. Một lối sống như thế, được gọi là “ân huệ thần linh”[4] đáp trả lại tình yêu của Vị Thiên Chúa đã mặc khải mình qua miệng ngôn sứ Isaia (x. Is 7,14) và được ứng nghiệm trong thời Tân Ước: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23).
Đối với tình yêu nhân loại dành cho Chúa, đời thánh hiến và đời sống gia đình không khác nhau ở mức độ hơn thua, nhưng khác nhau ở cách thức đáp trả chiếu theo sứ mạng mà ơn gọi Kitô hữu lãnh nhận. Nếu đời sống gia đình làm phát triển Hội Thánh thì đời sống thánh hiến là bằng chứng hùng hồn về sự hiện hữu của Chúa Giêsu, là chứng tá Nước trời trong hiện tại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định: “Đời sống thánh hiến thật sự là một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, trong tương quan với Cha và với anh em Người”.[5] Vì thế, ngài dạy rằng: “Trong thế giới của chúng ta, những dấu vết của Thiên Chúa dường như bị xóa nhòa, nên người ta cảm thấy nhu cầu khẩn trương của một chứng tá ngôn sứ thật mãnh liệt từ phía những người thánh hiến. Tiên vàn chứng tá đó công bố vị thế tối thượng của Thiên Chúa và của những điều thiện hảo sắp tới”.[6]
Trở về với Lời Chúa thì thấy trong thời gian rao giảng công khai, Chúa Giêsu có nhiều môn đệ. Trong số các ngài, có nhóm 12 được Chúa chọn để ở riêng với Chúa, được Chúa huấn luyện và được sai đi (x. Mc 3,13-14). Có thể nói, cũng một cách như thế, trong thời đại hôm nay, thời của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho ơn cứu độ của Chúa Giêsu trở thành viên mãn nơi mỗi con người, những người sống đời thánh hiến là những người được Chúa chọn để ở riêng với Chúa, được sai đi phục vụ Nước Chúa và nhất là qua việc tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng trở thành chứng tá cho sự hiện diện của Nước Trời ngay từ bây giờ. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội viết: “Bậc tu trì giải thoát người tu sĩ bớt những lo lắng trần tục, cùng tỏ lộ cách hoàn hảo hơn cho mọi tín hữu thấy của cải trên trời đã có ngay dưới trần gian này, và làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, đồng thời tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời […] Bậc sống ấy đặc biệt cho ta thấy Nước Thiên Chúa vượt trên mọi sự trần thế và những đòi hỏi của Nước ấy cao cả biết bao”.[7] Do đó, chân phúc Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Tông thư “Chứng tá Phúc âm” đã dạy: “Chính vì Nước Trời mà các con đã quảng đại hiến dâng cho Đức Kitô trọn tình yêu mãnh liệt và nhu cầu sở hữu cũng như quyền tự do quyết định đời sống, là những thứ rất quý hoá đối với con người”.[8] Và một khi sống như thế, người thánh hiến “làm cho Nước cánh chung của Thiên Chúa đến gần hơn với cuộc sống của hết mọi người, trong những điều kiện của trần thế; nó làm cho Nước ấy hiện diện giữa thế gian một cách nào đó”.[9]
Đời sống tu trì là “ân huệ thần linh mà Giáo Hội đã nhận lãnh bởi Chúa mình và luôn gìn giữ nhờ ơn Người”.[10] Cuộc sống này được thiết kế trên ba lời khuyên Tin Mừng, nó có tính pháp lý, nhưng “điều căn bản làm nên yếu tính đời tu, không phải là những ràng buộc có tính pháp lý, nhưng là tinh thần tin yêu cảm mến và tôn thờ làm cho một người từ bỏ những gì không thuộc về Chúa để hoàn toàn sống cho một mình Thiên Chúa”.[11] “Việc tận hiến không phải là kết quả của ba lời khuyên Phúc Âm, nhưng chính việc tận hiến đã đưa đến việc tuyên giữ ba lời khuyên”.[12] Vì thế, điều quan trọng đối với người tu là luôn ý thức việc đáp lại ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa ban khi Ngài chọn gọi mình vào đời sống thánh hiến mà sẳn sàng tận hiến bản thân cho Chúa và vì Chúa. Sự thánh hiến được giải thích rất rõ trong văn kiện của Thánh Bộ Tu Sĩ có tựa đề là “Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Hội Thánh về đời tu”. Ở đây xin trích dẫn một vài tài liệu tiêu biểu cho thấy rõ sự thánh hiến trong đời sống tu là gì:
- “Sự tận hiến là nền tảng của đời tu […] Sự thánh hiến là một tác động của thiên Chúa. Thiên Chúa kêu gọi một người, đặt riêng người ấy ra để người ấy tận hiến cho Người một cách đặc biệt. Đồng thời ngài cũng ban ơn đáp trả, thành thử sự tận hiến diễn tả, về phía con người, sự đáp trả bằng một sự phó thác toàn thân sâu xa và tự nguyện”.[13]
- “Ðời sống tận hiến qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm là một lối sống bền vững, nhờ đó các tín hữu theo sát Ðức Kitô, dưới tác động của Thánh Linh, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa như Ðấng đáng mến yêu tột bậc”.[14]
- Thánh Giáo Hoàng Phaolô II đã nói rất mạnh rằng: “Trong đời sống thánh hiến, vấn đề không phải chỉ là theo Chúa Kitô với cả con tim, bằng cách yêu mến Người hơn cha mẹ mình, hơn con trai hay con gái mình” (x. Mt 10,37), như mỗi môn đệ đều phải làm, nhưng còn là sống và diễn tả điều đó bằng việc biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, bằng một cuộc gắn bó triệt để […] người được thánh hiến không chỉ bằng lòng với việc đã chọn Đức Kitô làm ý nghĩa đời mình, nhưng còn tìm cách diễn lại nơi chính mình, trong mức độ có thể, “nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế”.[15]
- Trong năm Thánh Hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi những người tận hiến “hãy đi theo Đức Kitô như Tin Mừng đã dạy […] gắn bó toàn thân với Người, đến nỗi có thể nói như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21). Các lời khấn chỉ có ý nghĩa khi làm “thể hiện tình yêu say đắm ấy”.[16] Người tận hiến hãy tự hỏi: “Chúa Giêsu có còn là tình yêu thứ nhất và độc nhất” [17] đối với mình nữa không?
2. Sứ Vụ
Người thánh hiến chỉ sống cho một mình Thiên Chúa, dĩ nhiên, không có nghĩa là họ được đưa vào trong tình yêu nhiệm mầu sâu thẳm của Thiên Chúa, kết hiệp mật thiết với Ngài và như thế là hết. Không! Chúa gọi các môn đệ đến ở với Chúa để Ngài sai họ đi (x. Mc 3,13-14), tức là người môn đệ luôn có sứ mạng là lãnh nhận một sứ vụ trong số nhiều dạng thức khác nhau, nhưng đều qui về một mối là phục vụ và là chứng tá cho Nước Chúa Giêsu thiết lập đã có và đang đến. Không có thánh hiến mà không có sứ vụ. Thánh Giáo Hoàng Phaolô II đã viết: “Phải khẳng định rằng sứ mạng là thiết yếu cho mọi Tu Hội, không những cho những Tu Hội hoạt động tông đồ mà còn cho cả những Tu Hội chiêm niệm nữa. [...] Do đó, có thể nói rằng người tận hiến “được sai đi” do chính sự thánh hiến của mình, người ấy làm chứng cho sứ mạng theo lý tưởng của Tu Hội mình”.[18]
Ngoài loại sứ vụ như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết và được trích dẫn ở trên, “chính đời thánh hiến đã trở thành một sứ vụ”, thì đời thánh hiến có nhiều loại sứ vụ khác nhau chẳng hạn như: tân phúc âm hoá, tái phúc âm hoá, truyền giáo, đối thoại đại kết, đối thoại liên tôn, mục vụ… nói chung, sứ vụ được hiểu như mọi hoạt động tông đồ trong Hội Thánh. Giữa thánh hiến và sứ vụ có một tương quan mật thiết thuộc về bản tính. Chân phúc Giáo Hoàng Phaolô VI dạy: “Các tu sĩ hiến thân làm việc tông đồ trong sứ mạng chính yếu nhất, tức là rao giảng lời Chúa cho những ai mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho việc dẫn đưa họ về với đức tin. Một ơn vĩ đại như thế đòi hỏi phải sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa để có thể truyền thông sứ điệp của Ngôi Lời nhập thể”.[19] Bộ Giáo luật 1983 nói về điểm này như sau: “Hoạt động tông đồ của các tu sĩ tiên vàn hệ tại việc chứng tá của đời tận hiến. Họ có bổn phận hun đúc đời sống chứng tá nhờ lời cầu nguyện và việc đền tội”.[20] Còn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì: “Trước khi được thể hiện bằng những công việc bề ngoài, sứ mạng cốt ở việc làm cho chính Đức Kitô hiện diện bằng chứng tá bản thân. Đó là thách đố, đó là mục đích đầu tiên của đời thánh hiến ! Càng để cho mình đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, người tận hiến càng làm cho Người hiện diện và hành động trong thế giới, để cứu độ nhân loại”.[21]
Bên cạnh tương quan theo nghĩa bản tính, còn có tương quan theo nghĩa hiệu năng. Nếu dùng hình ảnh để minh hoạ, có thể ví tương quan giữa thánh hiến và sứ vụ như tương quan giữa xăng và chiếc xe máy. Phải có xăng xe mới chạy được, nếu chỉ có sức người dẫn bộ, xe cũng lăn nhưng đến một lúc nào đó người ta phải đành bỏ, nhất là khi đường xa, trời nắng... Từ cái nhìn thực tiễn, Chân phúc Giáo Hoàng Phaolô VI dạy: “Chúng ta đừng quên điều này là mọi tổ chức của nhân loại đều có thể bị sói mòn, khiến quy luật trở nên khô khẳng và có nguy cơ chỉ còn lại hình thức. Sự chăm chú giữ luật bề ngoài tự nó không đủ để bảo đảm giá trị của cuộc sống ấy. Vì thế luôn luôn phải hồi sinh những hình thức bên ngoài bằng những cố gắng bên trong, nếu không có sự cố gắng này, những hình thức bên ngoài không bao lâu sẽ trở nên một gánh nặng”.[22]
Dù vậy, trong thực tế đời thánh hiến, sứ vụ thường được chú trọng trong khi chiều kích thánh hiến của đời tu hay bị lãng quên. Có thể đối với đời tu thánh hiến là đương nhiên nên ít được nghĩ tới, làm sao giữ đừng để lỗi các lời khấn là được. Điều đó cũng dễ hiểu, vì sứ vụ tự nó là mặt nổi, các tín hữu thường đánh giá người tu sĩ qua những việc họ làm. Bản thân người tận hiến, cộng đoàn và cả Hội Dòng cũng vậy, được đánh giá cao, khen ngợi, trân trọng, tín nhiệm qua những việc phục vụ. Mặt khác, tác động tiêu cực từ về phía xã hội trong thời đại thực dụng, chuộng kỹ thuật muốn thấy ích lợi trước mắt dễ làm người tu giảm nhẹ chiều kích thánh hiến trong cuộc sống của mình. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô nhận xét: “Ngày nay có nhiều người thắc mắc tự hỏi: đời tận hiến có ý nghĩa gì? Tại sao lại chọn đời sống đó đang khi có biết bao nhu cầu cấp bách trong lãnh vực bác ái và cả trong việc loan báo Tin Mừng nữa, có thể đáp ứng được mà không cần phải chấp nhận những cam kết đặc biệt của đời thánh hiến? Đời thánh hiến lại chẳng phải là một cách “phung phí” những năng lực có thể sử dụng có hiệu năng cao hơn, có lợi hơn cho nhân loại và cho Giáo Hội đó sao?”.[23] Có lẽ trên quê hương Việt Nam, đời tu được quí trọng nên chưa ai đặt lại vấn đề như thế, nhưng trong thực tế, chỉ nghĩ đến công việc coi nhẹ thánh hiến không phải là hiếm gặp trong đời sống thánh hiến hiện nay. Phải chăng vì thế, ngày nay Hội Thánh có nhiều công trình nhưng lại thiếu những người tu sĩ được nể trọng về đức độ và nhân cách. Vì thế, trong khi nhiệt thành với sứ vụ người tu sĩ cần luôn tâm niệm điều này: “Điều quan trọng nhất không phải là điều tu sĩ làm, nhưng là điều tu sĩ là như những con người thánh hiến cho Thiên Chúa”.[24]
Các tin khác