CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO DÂN
KHÓA III: GIÁO DÂN NÒNG CỐT
ĐỀ TÀI X
LÀM VIỆC CHUNG HAY CÙNG LÃNH ĐẠO
TRONG CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI
I. MỤc đích
1.1 Giúp các học viên khám phá sự phong phú và cần thiết của cách làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Nhóm hay Cộng đoàn trong Giáo hội.
1.2 Và giúp họ nhận thức sâu sắc về những đòi hỏi của cách làm việc chung hay cùng lãnh đạo ấy để họ nỗ lực rèn luyện và học hỏi.
II. TiẾp cẬn vẤn đỀ
2.1 Trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, sự hợp tác giữa nhiều người thường có nhiều lợi thế hơn là của một người. Có phải thế không? Xin các bạn hãy kể một số lợi thế ấy và cho biết do đâu mà có những lợi thế ấy?
2.2 Các bạn đã có kinh nghiệm gì về cách làm việc chung, làm việc nhóm, ê-kíp hay cùng lãnh đạo trong hội đoàn hay giáo xứ? Đề nghị các bạn chia sẻ kinh nghiệm ấy.
2.3 Ngày nay nhiều người thích định nghĩa: “Giáo hội là một cộng đoàn trong đó mọi người có phần và phải góp phần (participatory Church)” để làm nổi bật tính đồng trách nhiệm (co-responsibility) trong Cộng đoàn Giáo hội. Theo bạn thì phải làm thế nào để thể hiện tính đồng trách nhiệm ấy trong giáo xứ của bạn?
III. HỌc hỎi
Trong phần học hỏi này, chúng ta sẽ xem xét 3 vấn đề: (1o) Ý nghĩa hay lý do, (2o) Kết quả, (3o) Điều kiện cần có để làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Cộng đoàn Giáo hội.
3.1 Ý nghĩa và lý do của cách làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Cộng đoàn Giáo hội.
(1o) Làm việc chung, làm việc nhóm, làm việc ê-kíp, làm việc tập thể là cách làm việc do nhiều người cùng làm và trái ngược với cách làm việc cá nhân, cá thể, chỉ do một người làm. Làm việc chung khi liên quan tới việc thực hiện mục tiêu của tập thể hay cộng đoàn thường mang tính lãnh đạo. Vì thế làm việc chung cũng chính là cùng lãnh đạo vậy.
(2o) Tập hợp nhiều người cùng đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung: mọi người là đối tác (partner), là bạn, là cộng sự và là đồng đội (companion) của nhau.
(3o) Một người không thể có cái nhìn toàn diện của vấn đề hay công việc. Cũng không có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu, nhất là trong trường hợp có nhiều khó khăn phức tạp. Nhiều người hợp tác với nhau, làm việc chung với nhau sẽ tạo nên sức mạnh lớn hơn, sẽ nhân khả năng sẵn có lên gấp nhiều lần (Một cộng một không chỉ là hai mà có thể là ba, là bốn).
(4o) Làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Cộng đoàn Giáo hội là thực thi giáo huấn và gương lành Đức Giêsu Kitô để lại cho chúng ta: Đức Giêsu đã gọi và chọn 12 môn đệ làm tông đồ (Mc 3,3-19), đã sai 12 tông đồ (Mt 10,1-16) và Người đã sai họ từng hai người một (Mt 6,7). Sau đó Đức Giêsu còn sai 72 môn đệ đi rao giảng nữa.
(5o) Mọi Kitô hữu - không phân biệt người đến sớm hay đến trễ, già hay trẻ, đàn ông hay phụ nữ - đều được ông chủ vườn nho mời vào làm việc trong vườn nho của ông. Ong chủ là Thiên Chúa, Vườn Nho là Vương quốc của Người (Mt 20, 1-7).
(6o) Mỗi Kitô hữu đều nhận được từ Thiên Chúa những ơn huệ khác nhau (đoàn sủng) để với tư cách là chi thể của nhau, chúng ta phục vụ lẫn nhau, bổ sung cho nhau và làm cho Thân Thể Đức Kitô nên giầu có (Xem 1 Cr 12 và 1 Cr 3,5-8).
(7o) Mầu nhiệm Thiên Chúa là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Ba Ngôi) thông hiệp với nhau trọn vẹn và cùng nhau thực hiện mọi công trình (tạo dựng và cứu độ) là nền tảng vững chắc và sâu sắc nhất của cách làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Cộng đoàn Giáo hội. Các tín hữu đầu tiên đã hiểu hơn ai hết điều này (Cv 4,32-35).
3.2 Kết quả của cách làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Cộng đoàn Giáo hội.
So với cách làm việc cá nhân hay cá thể thì cách làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Cộng đoàn Giáo hội sẽ đem lại những kết quả nổi bật sau đây:
(1o) Việc làm sẽ phong phú hơn vì nhiều người đóng góp phần hay nhất của mình.
(2o) Việc làm sẽ toàn diện hơn vì tập hợp được sự đóng góp của nhiều người như có nhiều mắt, nhiều tai, nhiều óc, nhiều tim hơn.
(3o) Việc làm sẽ hiệu quả hơn vì do nhiều người thực hiện (nhiều tay, nhiều chân).
(4o) Việc làm sẽ thể hiện tính cộng đoàn, tình liên đới một cách rõ nét (cùng suy nghĩ, cùng bàn bạc, cùng quyết định và cùng thực hiện).
(5o) Mỗi thành viên sẽ khiêm tốn hơn nhờ có sự trao đổi, cọ sát ý kiến với nhau và nhờ phân công mỗi người đảm nhận một phần công việc.
3.3 Điều kiện cần có để làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Cộng đoàn Giáo hội.
(1o) Mọi người cần có một tầm nhìn (vision). Tầm nhìn chung là điều kiện đầu tiên có tính căn bản vì nếu không có chung một tầm nhìn Nhóm hay Cộng đoàn Giáo hội không thể thống nhất trong mục tiêu và hành động được. Thành ngữ hay được nhắc đến ngày này là: “từ một tầm nhìn đến một hành động” (from one vision to one action).
(2o) Mọi người phải thống nhất về mục tiêu chung (một mục tiêu).
(3o) Mọi người phải có cùng một động cơ phục vụ: lợi ích chung của Cộng đoàn Giáo hội được đặt lên trên tất cả (một động cơ).
(4o) Mọi người phải nhất trí với nhau về một số nguyên tắc hay nội qui mà mọi người phải tuân giữ (một nguyên tắc).
(5o) Mọi người phải nhất trí về phương pháp thực hiện (một phương pháp).
(6o) Mọi người phải chân thành, khiêm tốn, cởi mở, tích cực, kỷ luật và biết phục thiện. Cũng phải quan tâm đến việc tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi không ngừng để nâng cao hiểu biết và nhận thức (một tinh thần).
(7o) Phải xác định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên, tùy theo khả năng và hoàn cảnh, nhằm lợi ích cao nhất của cộng đoàn. Không được quên vai trò chính yếu và vị trí số một của linh mục chánh xứ hay người được ủy quyền (một sự phân công cụ thể và hợp tình hợp lý).
IV. Áp dỤng
4.1 Mỗi người sẽ nỗ lực đào sâu hơn nữa về ý nghĩa tự nhiên và siêu nhiên (tức ý nghĩa nhân bản và thần học) của cách làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Cộng đoàn Giáo hội.
4.2 Mỗi người sẽ nỗ lực đem những điều đã tiếp thu được từ đề tài này vào cách làm việc hay lãnh đạo của mình.
4.3 Mỗi người chia sẻ về những thay đổi cần thiết mà cá nhân mình cần thực hiện nếu muốn làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Cộng đoàn Giáo hội có hiệu quả cao nhất.
V. Chia sẺ
5.1 Hãy chia sẻ những khó khăn, trở ngại - chủ quan và khách quan - của cách làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Cộng đoàn Giáo hội mà mỗi người đã trải qua trong quá trình phục vụ cộng đoàn và giáo xứ của mình.
5.2 Hãy đưa ra một chứng từ cụ thể cho thấy cách làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Cộng đoàn Giáo hội đem lại nhiều lợi ích nhân bản và thiêng liêng cho cộng đoàn cũng như cho chính những người tham gia làm việc chung hay cùng lãnh đạo trong Cộng đoàn
5.3 Theo bạn thì làm thế nào để một Nhóm hay một Cộng đoàn Giáo hội (ví dụ Hội đoàn Tông đồ, Giáo họ, Giáo xứ, Giáo phận) có một tầm nhìn, một mục tiêu, một động cơ hoạt động, một nguyên tắc, một tinh thần và một sự phân công cụ thể và hợp tình hợp lý?
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Các tin khác