CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO DÂN
KHÓA III: GIÁO DÂN NÒNG CỐT
ĐỀ TÀI IX
CÁCH LÃNH ĐẠO PHÙ HỢP VỚI TINH THẦN PHÚC ÂM
& GIÁO HỘI HỌC NGÀY NAY
I. MỤc đích
1.1 Giúp các học viên thấy rõ các tính chất và ưu khuyết điểm của hai phong cách lãnh đạo thường gặp thấy trong đời sống và hoạt động phục vụ của Giáo hội. Đó là cách lãnh đạo mang tính thống trị hay áp đặt (dominating leadership) và cách lãnh đạo không mang tính thống trị (non - dominating leadership).
1.2 Giúp các học viên biết chọn lựa cách lãnh đạo không mang tính thống trị (non - dominating leadership) là phong cách lãnh đạo phù hợp hơn với Phúc âm và với trào lưu tiến bộ của loài người ngày nay.
II. TiẾp cẬn vẤn đỀ
Các tổ thảo luận về ba câu hỏi sau đây, rồi báo cáo kết quả cho cả lớp:
2.1 Thế nào là lãnh đạo hay lãnh đạo là gì?
2.2 Theo các bạn thì trong đời sống xã hội, chính trị có mấy loại hay mấy phong cách lãnh đạo? Phong cách lãnh đạo nào phù hợp hơn với trào lưu tiến bộ của loài người? Tại sao?
2.3 Theo các bạn thì trong đời sống Giáo hội, có mấy loại hay mấy phong cách lãnh đạo? Phong cách lãnh đạo nào phù hợp hơn với Phúc Am và với trào lưu tiến bộ của loài người? Tại sao?
III. HỌC hỎi
3.1 Thế nào là lãnh đạo hay lãnh đạo là gì?
Lãnh đạo là một nghệ thuật qui tụ, phát triển, động viên, hướng dẫn khả năng con người nhằm đến một mục tiêu nào đó.
Lãnh đạo còn là những gì đóng góp vào tiến trình phát triển, để hướng khả năng con người vào một mục tiêu nào đó (mọi thành viên của tập thể đều ý thức, tinh thần làm chủ tập thể cao).
3.2 Những phong cách lãnh đạo khác nhau trong đời sống xã hội, chính trị:
(1o) Độc tài:
|
|
* Ưu điểm
|
* Khuyết điểm |
- Hoạch định mau lẹ. - Ít tốn thời gian. - Bảo vệ ý kiến thiểu số.
|
- Dễ gây bất hòa, - Không có hợp tác, - Không gây ý thức tập thể, - Dễ chủ quan, - Thực hiện chậm. |
(2o) Dân chủ:
|
|
* Ưu điểm
|
* Khuyết điểm |
- Có tinh thần tập thể, - Có hợp tác, - Dễ phát huy sáng kiến, -Ý kiến đa số được tôn trọng, - Hướng đi vững chắc, -Thực hiện mau lẹ
|
- Hoạch định chậm, - Mất nhiều thời gian, - Dễ gây trang chấp, - Không bảo vệ ý kiến thiểu số.
|
(3o) Buông lỏng (ba phải):
|
|
* Ưu điểm |
* Khuyết điểm |
- Thoải mái sáng kiến nhiều, - Không bị ràng buộc trách nhiệm, - Không cần suy nghĩ.
|
- Khó thống nhất công việc, - Thực hiện chậm trễ, vì mỗi người mỗi ý, - Dễ xích mích đổ vỡ. |
3.3 Những điều quan trọng cần ghi nhớ khi đề cập đến quyền bính và cách lãnh đạo trong Giáo hội:
3.3.1 Giáo hội không phải là một hiệp hội, một tổ chức thuần túy con người. Giáo hội là mầu nhiệm hiệp thông, là cộng đoàn có phẩm trật do Thiên Chúa sắp đặt. Vì thế Giáo hội không phải là một thể chế dân chủ. Nhưng Giáo hội cũng không phải là một cơ chế độc tài.
3.3.2 Quyền bính trong Giáo hội là do chính Thiên Chúa ban cho những ai được chọn (không phải vì họ thánh thiện, tài ba hơn người mà chỉ vì họ được Thiên Chúa giao phó trọng trách lãnh đạo (= phục vụ) cộng đoàn. Nhưng khi thi hành quyền bính lãnh đạo thì những người được giao quyền, phải hành xử theo tinh thần Phúc Am và gương sáng của chính Đức Giêsu Kitô.
3.4 Cách thể hiện quyền bính trong lịch sử Giáo hội.
3.4.1 Tuy Giáo hội có Tin Mừng làm tiêu chuẩn và quy luật, có Đức Giêsu làm gương mẫu, nhưng phải thú nhận rằng trong lịch sử hai ngàn năm, Giáo hội cũng không tránh khỏi bị lây nhiễm bởi các nền văn hóa khác nhau trong phong cách lãnh đạo. Mặt khác, suốt bao nhiêu thế kỷ, người giáo dân không được coi trọng đúng mức ngay trong lòng Giáo hội, nên việc lãnh đạo cai quản những người này không sao tránh khỏi “mặc cảm tự tôn” từ phía này và “mặc cảm tự ti” từ phía kia. Phong cách lãnh đạo trong thời gian dài của lịch sử tập trung vào một người và mang tính thống trị, áp đặt, thậm chí có lúc có nơi đi tới chỗ chuyên chế, độc tài. Người lãnh đạo áp đặt uy quyền cai trị của mình trên những người “bị lãnh đạo”. Người lãnh đạo hành xử quyền lãnh đạo mà chỉ qui chiếu vào một mình mình, ít hoặc không hề quan tâm chú trọng đến những người “bị lãnh đạo”, có khi cũng chẳng mấy quan tâm đến việc học tập gương Đức Giêsu là Vị Lãnh Đạo duy nhất và tuyệt vời mà Thiên Chúa Cha đã sai đến để lãnh đạo toàn thể nhân loại trên hành trình tiến về Nhà Cha.
3.4.2 Ngày nay, một phần nhờ khám phá Tin Mừng một cách sâu sắc và nhờ nỗ lực đem Đức Giêsu Kitô vào trung tâm đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn, một phần nhờ sự canh tân của Công đồng Vatican II trong những gì liên quan tới người giáo dân, một phần khác nhờ ảnh hưởng của trào lưu dân chủ của xã hội tiến bộ, Dân Chúa khám phá và xây dựng một phong cách lãnh đạo không mang tính thống trị. Cách lãnh đạo này tôn trọng những con người “được lãnh đạo” (có nghĩa là được phục vụ) và tìm hết mọi cách, mọi dịp để giúp họ phát huy hiểu biết, khả năng và ý thức trách nhiệm xây dựng cộng đoàn của tất cả mọi người.
3.5 So sánh các đặc điểm và cách biểu hiện của hai phong cách lãnh đạo thống trị và không thống trị.
3.5.1 Phong cách lãnh đạo mang tính thống trị (dominating leadership):
(1o) Đặc điểm:Người lãnh đạo phục vụ bằng cách chu cấp tất cả cho những người dưới quyền gần giống như các bà mẹ đút mớm cơm cho trẻ thơ. Người “bị lãnh đạo” kiểu này chỉ có việc đón nhận mọi thứ đã dọn sẵn, không phải vất vả đóng góp một chút công sức nào.
Kết quả là những người “bị lãnh đạo” kiểu này suốt đời vẫn chỉ là trẻ thơ không bao giờ lớn lên, không bao giờ trưởng thành. Cái gì cũng chờ người lãnh đạo ban phát cho. Bao tài năng, tiềm lực… trong họ không bao giờ được phát huy để làm cho đời sống bản thân họ và cộng đoàn được phong phú.
(2o) Biểu hiện:Người lãnh đạo theo kiểu thống trị này thường có những lời phát biểu như sau:
- “ Việc ấy tốt cho chị (cho anh) đấy!”
- “ Tôi làm hết mọi việc cho người của tôi”
- “ Tôi biết người của tôi mà….”
- “ Họ chẳng biết gì, chẳng làm được gì…”
- “ Tôi không thể trông cậy gì ở họ cả…”
- “ Tôi đã học 4 năm thần học”
- “ Thảo luận, bàn bạc làm chi cho mất thời giờ!”
- “ Xin đừng ai phê phán gì”
- “ Ở đây tôi là ông chủ!”
Tất cả những lời phát biểu trên đều hàm ý tự tôn (mình) và khinh miệt người khác, lấy mình làm thước đo, làm tiêu chuẩn (tất cả qui chiếu vào cái tôi của người lãnh đạo) và không tin tưởng, không giúp người khác phát triển khả năng.
3.5.2 Phong cách lãnh đạo không mang tính thống trị (non-dominating leadership):
(1o) Đặc điểm:Người lãnh đạo phục vụ bằng cách xây dựng con người thuộc quyền mình: hướng dẫn chỉ vẽ cho họ; khám phá các tài năng và làm cho người khác có khả năng lãnh đạo hay chu toàn công việc; chia sẻ trách nhiệm với họ; lắng nghe ý kiến của họ; lên kế hoạch cũng như cùng với họ cầu nguyện và đưa ra quyết định.
(2o) Biểu hiện:Người lãnh đạo theo phong cách không thống trị này thường có những lời phát biểu sau đây:
- “Tôi chỉ là người phục vụ giữa anh em”
- “Mọi người đều có phẩm giá như nhau, đều bình đẳng trước mặt Chúa, đều là anh em trong cùng một gia đình”
- “Không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui thấy anh em mình tiến bộ, thay đổi, trưởng thành!”
- “Ý kiến của nhiều người bao giờ cũng phong phú hơn ý kiến của một người”
- “Nhiều người cùng lo chắc kết quả sẽ tốt hơn một người lo”
- “ Cảm ơn anh/chị đã có ý kiến, đã phê bình thẳng thắn, đã quan tâm tới việc chung mà đóng góp”
Tất cả những lời phát biểu trên diễn tả một tâm hồn khiêm tốn, yêu thương, kính trọng người khác; không lấy mình làm “trung tâm” mà nhắm tới người khác là đối tượng phục vụ; lấy sự thăng tiến của người khác là niềm vui của mình; quan niệm Giáo hội là một cộng đoàn mà mọi thành viên có trách nhiệm và quyền lợi xây dựng cho nhau, cho cộng đoàn, Giáo hội là một cộng đoàn mà trong đó mọi người có phần và phải góp phần để làm cho cộng đoàn lớn lên, phát triển, hoàn thành sứ mạng.
Rõ ràng cách lãnh đạo không mang tính thống trị này là phong cách phù hợp hơn với Phúc Âm, gần hơn với cách sống và lãnh đạo (phục vụ) của Đức Giêsu Kitô và đồng thời cũng phù hợp hơn với trào lưu tiến bộ của loài người ngày nay.
3.6 Những nguyên tắc chính của phong cách lãnh đạo phù hợp với Phúc Am và với Chúa Giêsu Kitô:
* Nguyên tắc 1:Trọng con người hơn vấn đề, sự việc, công tác.
* Nguyên tắc 2:Khám phá và khơi dậy tiềm năng của người khác hơn là cho họ điều gì.
* Nguyên tắc 3:Giúp, gợi ý các phương pháp hơn là giải quyết thay cho người khác.
* Nguyên tắc 4:Giúp cho người khác nhận ra rằng: mọi vấn đề có thể giải quyết bằng nhiều phương cách khác nhau. Chọn lựa phương cách nào cũng phải theo nguyên tắc: Con người quan trọng hơn (>) công việc; Tốt nhiều xấu ít.
* Nguyên tắc 5:Tạo cho mọi người cảm tưởng và thâm tín rằng vấn đề là của họ, là vì họ và do họ quyết định, thực hiện.
- Nguyên tắc 6:Sự hiện diện của người lãnh đạo không phải để tập trung, thu hút chú ý của mọi người vào mình, nhưng là để giúp mọi người gắn bó và cộng tác chặt chẽ với nhau vì lợi ích chung.
IV. Áp dỤng
4.1 Đào sâu giáo huấn của Công đồng Vatican II về Giáo hội nói chung, về người giáo dân nói riêng, để có một nền tảng giáo lý và giáo hội học vững chắc về cách lãnh đạo không mang tính thống trị.
4.2 Thường xuyên suy gẫm và học hỏi cách sống, cách phục vụ, cách lãnh đạo của Đức Giêsu Kitô, để thấm nhuần tinh thần yêu thương, kính trọng con người và khiêm nhường phục vụ mọi người của Con Thiên Chúa.
4.3 Áp dụng cách lãnh đạo không mang tính thống trị vào cách thực thi vai trò, trách nhiệm của mình trong Hội đoàn, Giới, Giáo họ, Giáo xứ ?
V. Chia sẺ
5.1 Từ trước đến giờ bạn thực hiện vai trò lãnh đạo hay “đầu tầu” của mình trong Hội đoàn, Giới, Giáo họ hay Giáo xứ theo phong cách nào? Bạn thu lượm được kết quả ra sao từ cách lãnh đạo ấy.
5.2 Muốn lãnh đạo theo phong cách phù hợp với Phúc Âm và với cách sống và phục vụ của Đức Giêsu Kitô hơn, cũng phù hợp với trào lưu tiến bộ của loài người ngày nay hơn, người lãnh đạo cộng đoàn Giáo hội phải làm những gì?
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Các tin khác