CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO DÂN
KHÓA III: GIÁO DÂN NÒNG CỐT
ĐỀ TÀI VI
HƯỚNG DẪN MỘT BUỔI CẦU NGUYỆN
CỦA NHÓM HAY CỘNG ĐOÀN
I. MỤC ĐÍCH
Giúp các học viên biết cách gợi ý hướng dẫn một buổi cầu nguyện của Nhóm hay Cộng đoàn. Đây là một kỹ năng rất cần thiết cho các Linh hoạt viên (Animators) Nhóm hay Cộng đoàn Giáo hội (Hội đoàn tông đồ, Giới, Giáo họ, Giáo xứ).
II. TIẾP CẬN VẤN ĐỀ
Nhiều giáo dân - kể cả các vị chánh trương, trùm trưởng hay những anh chị đứng đầu các hội đoàn - thường tỏ ra lúng túng khi được giao công việc gợi ý hướng dẫn một buổi cầu nguyện của Nhóm hay Cộng đoàn. Thậm chí họ cũng lúng túng khi được Nhóm hay Cộng đoàn “nhờ” có lời cầu nguyện tự phát thay cho Nhóm hay Cộng đoàn trong bất kỳ một buổi tập họp đạo đức nào. Vì thế cách đơn giản và thông thường nhất là mỗi khi cầu nguyện chung, giáo dân Việt Nam thường hát kinh Chúa Thánh Thần và đọc các kinh “Tin-Cậy-Mến” hay kinh “Xin Chúa sáng soi” mà không có lời gợi ý hướng dẫn thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Kết quả là cảnh đơn điệu (monotone) và nhàm chán thường xẩy ra cho những người tham dự buổi cầu nguyện.
2.1 Xin các bạn cho biết tại sao giáo dân - kể cả các cán bộ giáo dân chúng ta - thường làm như thế?
2.2 Các bạn có cho rằng buổi đọc kinh cầu nguyện chung sẽ tốt hơn nếu có đôi lời gợi ý hướng dẫn phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của buổi đọc kinh cầu nguyện ấy không? Làm thế nào để nhiều giáo dân, nhất là các giáo dân nòng cốt, biết cách gợi ý hướng dẫn một buổi cầu nguyện của một Nhóm nhỏ hay một Cộng đoàn lớn?
2.3 Để việc gợi ý hướng dẫn buổi cầu nguyện của một Nhóm nhỏ hay một Cộng đoàn lớn đạt kết quả tốt, người hướng dẫn (linh hoạt viên) phải chuẩn bị thế nào?
III. HỌC HỎI
Có đôi điều liên quan tới việc cầu nguyện cần nhắc lại trước khi đi vào đề tài. Đó là hai điều quan trọng này:
(1)Kinh Lạy Cha là khuôn mẫu của mọi lời cầu nguyện Kitô giáo.
(2) Cầu nguyện Kitô giáo không chỉ là xin ơn mà còn là chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, xin lỗi và hiến dâng nữa.
3.1 Kinh Lạy Cha là “khuôn mẫu” của mọi lời cầu nguyện Kitô giáo.
Nhiều giáo dân Việt Nam chỉ biết Kinh Lạy Cha là Kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệđọc khi cầu nguyện. Nhưng ít giáo dân biết điều này: Kinh Lạy Cha là “khuôn mẫu” cho mọi lời cầu nguyện Kitô giáo.
Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy các môn đệ và chúng ta rằng: Thiên Chúa thực sự là Cha của chúng ta và trong tình con thảo trước hết chúng ta phải biết quan tâm tới những gì liên quan tới Người và cầu nguyện cho những điều ấy được thực hiện. Rồi sau đó, chúng ta mới quan tâm đến những điều cần thiết cho sự sống (thể lý, tâm linh) của chúng ta và cầu xin Cha ban cho chúng ta những ơn cần thiết ấy.
Những điều liên quan tới Cha là: (1) Danh Thánh Cha được vinh hiển, (2) Triều đại Cha mau đến, (3) Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Đó là ba ý đầu tiên của Kinh Lạy Cha mà mọi người con phải quan tâm nài xin Cha cho bằng được. Trong Thánh Kinh cầu xin điều gì cùng Thiên Chúa cũng hàm ý là chúng ta hành động cho lời cầu xin ấy thành hiện thực. Nên ba ý đó cũng là ba việc hệ trọng mà mỗi người con phải tìm cách thực hiện trong đời sống của mình.
Những nhu cầu phần hồn phần xác chính đáng của chúng ta là: (4) Lương thực hằng ngày, (5) Ơn tha tội, (6) Không sa chước (không nghe theo) cám dỗ và (7) Thoát khỏi sự dữ. Đó là 4 ý cầu nguyện sau của Kinh Lạy Cha mà chúng ta có quyền bày tỏ với Cha một cách chân thành, tin tưởng. Một khi chúng ta đã cầu xin và thực hiện ba ý trên thì chắc chắn Thiên Chúa là Cha sẽ ban cho những ơn mà chúng ta cầu xin cho mình, nhưmlời Chúa Giêsu đã nói: “Tiên vàn anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước. Mọi ơn sẽ được Thiên Chúa ban cho sau”
3.2 Cầu nguyện Kitô giáo không chỉ là xin ơn mà còn là chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, xin lỗi và hiến dâng.
Một thiếu sót khác trong đời sống đức tin của giáo dân Việt Nam là mỗi khi cầu nguyện, chúng ta thường chỉ biết xin Thiên Chúa ban ơn cho mình, chỉ biết xin hết ơn này đến ơn nọ. Thật ra thì trong cầu nguyện có việc xin ơn vì ơn thánh rất cần thiết cho chúng ta. Nhưng cầu nguyện thường được định nghĩa là nói chuyện với Chúa tức là chúng ta nói với Chúa và chúng ta nghe Chúa nói với chúng ta. Như thế cầu nguyện là một cuộc đối thoại, một buổi đàm đạo giữa Chúa và chúng ta. Do đó, nội dung và tâm tình của buổi cầu nguyện không chỉ là xin Chúa ban ơn cho mình, mà còn là chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa vì những ơn Chúa đã ban cho chúng ta và cho nhân loại. Cầu nguyện còn là xin Chúa thứ lỗi cho chúng ta vì chúng ta đã không sống như Chúa mong muốn. Cầu nguyện cũng còn là chúng ta quyết tâm thay đổi đời sống của mình, và dâng quyết tâm ấy lên Chúa để xin Người chứng giám và ban ơn phù trợ.
3.3 Cách chuẩn bị việc gợi ý hướng dẫn một buổi cầu nguyện của Nhóm hay Cộng đoàn.
Muốn việc gợi ý hướng dẫn một buổi cầu nguyện của Nhóm hay Cộng đoàn đạt kết quả mong muốn, chúng ta phải thực hiện 5 điều sau đây:
(1o).- Chọn ‘chủ đề’ hay ‘ý cầu nguyện’ cho buổi cầu nguyện. Và có đôi lời gợi ý hướng dẫn mọi người tham dự tập trung vào ‘chủ đề’ hay ‘ý cầu nguyện’ ấy. Chủ đề hay ý cầu nguyện thì mỗi lần, mỗi hoàn cảnh mỗi khác (ví dụ: cầu nguyện cho cháu bé đầy tháng, thôi nôi hay cho buổi tân gia, cho tiệc cưới thì khác với cầu nguyện cho người quá cố (giỗ hay mới qua đời).
(2o).- Chọn một đoạn Sách Thánh, nhất là Phúc Am, phù hợp tức ăn khớp với ‘chủ đề’ hay ‘ý cầu nguyện’ đã chọn.
(3o).- Chọn một bài hát phù hợp tức ăn khớp với ‘chủ đề’ hay ‘ý cầu nguyện’ đã chọn.
(4o).- Dành một hai phút thinh lặng để tạo bầu khí và giúp mọi người tham dự tập trung hơn vào buổi cầu nguyện.
(5o).- Có một lời nguyện tự phát phù hợp với bối cảnh của buổi cầu nguyện.
3.4 Cách thực hiện việc gợi ý hướng dẫn một buổi cầu nguyện của nhóm hay cộng đoàn.
Khi thực hiện việc gợi ý hướng dẫn buổi cầu nguyện, chúng ta có quyền linh động sắp xếp 5 yếu tố trên theo thứ tự mà chúng ta cho rằng có hiệu quả tốt nhất.
Mẫu 1: Phút thinh lặng – Lời gợi ý hướng dẫn – Đọc Lời Chúa – Lời nguyện tự phát- Hát.
Mẫu 2: Phút thinh lặng – Lời gợi ý hướng dẫn – Hát- Đọc Lời Chúa – Lời nguyện tự phát.
Mẫu 3: Lời gợi ý hướng dẫn – Phút thinh lặng- Đọc Lời Chúa – Hát- Lời nguyện tự phát.
Mẫu 4: Lời gợi ý hướng dẫn – Phút thinh lặng- Hát- Đọc Lời Chúa – Lời nguyện tự phát.
Mẫu 5: Lời gợi ý hướng dẫn – Hát- Đọc Lời Chúa – Phút thinh lặng- Lời nguyện tự phát.
Mẫu 6: Đọc Lời Chúa –Lời gợi ý suy niệm- Phút thinh lặng- Lời nguyện tự phát - Hát.
Ghi chú quan trọng:
1. Áp dụng vào buổi cầu nguyện đầu và cuối giờ học của lớp Bồi Dưỡng, chúng ta nên có một ý/lời cầu nguyện (đề tài), một bài hát là đủ (tránh mất nhiều thời gian). Ý/Lời cầu nguyện đầu giờ học nên dành cho việc xin ơn soi sáng, hướng dẫn để hiểu và yêu mến các điều sẽ học trong lớp. Ý/Lời cầu cuối giờ học nên dành cho việc cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa về ơn đã nhận được trong buổi học. Cũng có thể là Ý/Lời dâng lên Chúa quyết tâm của mình và của các anh chị em học viên khác sau khi được nghe trình bày về đề tài.
2. Nếu buổi cầu nguyện cần kéo dài (ví dụ một buổi Chầu Thánh Thể) thì chúng ta chọn nhiều đoạn Sách Thánh, nhiều bài hát, nhiều lời cầu nguyện tự phát và sắp xếp cho phù hợp.
IV. Áp dỤng
4.1 Mỗi ngày cầu nguyện một cách ý thức và tha thiết hơn với Kinh Lạy Cha.
4.2 Quan tâm để lời/buổi cầu nguyện của mình là lời chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, xin lỗi Chúa chứ không chỉ là lời/buổi xin ơn.
4.3 Áp dụng các điều mới học về việc gợi ý hướng dẫn cầu nguyện vào các buổi Sinh hoạt của Nhóm, Hội đoàn, Giới, Giáo họ và Giáo xứ.
V. CHIA SẺ
5.1 Là giáo dân nòng cốt, các bạn có quan tâm đến việc giúp cho các buổi sinh hoạt của Nhóm, Hội đoàn, Giáo họ, Giáo xứ có những phút cầu nguyện trầm lắng, chất lượng, và đa dạng không? Tại sao?
5.2 Để thực hiện những chỉ dẫn của đề tài này về việc gợi ý hướng dẫn buổi cầu nguyện của Nhóm hay Cộng đoàn, các bạn thấy có những khó khăn trở ngại nào? Làm thế nào để giải quyết được những khó khăn trở ngại ấy?
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Các tin khác