CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO DÂN
KHÓA IIB: TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN THỰC HÀNH
ĐỀ TÀI IX
TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN HỌC TẬP PHƯƠNG PHÁP
LÀM VIỆC CÁ NHÂN
I. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỀ TÀI
Để hoạt động tông đồ một cách hiệu quả, ngoài các phương pháp có mục đích làm cho đời sống tâm linh được luôn bồi dưỡng cho phong phú, các tông đồ giáo dân cần phải biết sử dụng một số phương pháp có tính “công việc” nữa được gọi là phương pháp làm việc cá nhân, như tìm công tác, làm sổ công tác và sổ liên lạc. Đó chính là mục đích của đề tài IX này vậy.
II. PHẦN HỌC HỎI QUA SỰ TRÌNH BÀY CỦA HƯỚNG DẪN VIÊN (60 phút).
Ngoài một số phương pháp mà các học viên đã được hướng dẫn từ trước tới nay, còn một số phương pháp khác cũng giúp tăng cường đời sống tâm linh và kỹ năng truyền giáo của người tông đồ giáo dân. Đó là phương pháp làm việc cá nhân gồm những việc chính sau đây: tìm công tác, thực hiện sổ công tác hay hoạt động tông đồ và sổ liên lạc.
2.1 TÌM CÔNG TÁC
Tìm công tác là đi tìm những hoạt động nhằm dẫn dắt người khác tới gặp gỡ Chúa. Vì thế công tác còn được gọi là những hoạt động tông đồ.
(1). Tùy theo “tính chất thường xuyên” của công tác, chúng ta có thể gọi là công tác bình thường, bất bình thường hay chuyên biệt:
(a) Công tác bình thường là những công tác thường xuyên mỗi tông đồ giáo dân phải làm để cải thiện môi trường mình sống và làm việc mỗi ngày một tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn. Đó là các công tác đi thăm các bệnh nhân, đi ủy lạo những người già cả neo đơn, đi khuyên nhủ những người lầm lỗi, đi dậy bảo các em bé hư hỏng, bụi đời, thất học... ở trong khu xóm. Đó là những công tác nhằm giải quyết những xích mích, những tranh giành, những đổ vỡ của cơ sở mình làm việc. Đó là những công tác nhằm lành mạnh hóa, cải tiến nếp sống tập thể của môi trường mình sinh sống theo Tin Mừng...
(b) Công tác bất thường là các công tác hàng tháng, hàng năm tổ chức một vài lần như đi thăm các trại cùi, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, trại bại liệt, nhà tù... Tông đồ giáo dân không có mặt thường xuyên tại đó để thực hiện các công tác tông đồ. Các công tác đó mang tính cách công tác xã hội và chứng nhân Tin Mừng.
(c) Công tác chuyên biệt là công tác mà một nhóm chuyên tâm thực hiện. Tùy theo thành phần và số lượng tông đồ giáo dân, tùy theo nhu cầu của môi trường, tùy theo khả năng của từng nhóm mà phân chia ra những công tác chuyên biệt. Sẽ có những nhóm đặc trách các công tác giáo dục thiếu nhi, có những nhóm chuyên lo tổ chức cầu nguyện trong gia đình, có những nhóm nhận dậy giáo lý tân tòng, có những nhóm đảm trách việc tìm công ăn việc làm, có những nhóm đi làm công tác xã hội hoặc giáo dục thanh thiếu niên phạm pháp và có những nhóm chuyên trách báo chí, phát thanh, mạng lưới, văn nghệ.
Mỗi nhóm - ngoài những công tác bình thường- còn có thể lựa chọn thêm cho mình một công tác chuyên biệt trong giáo xứ, để tạo ra những sinh hoạt khởi sắc và hữu hiệu hơn. Như vậy nhóm có thể được hình thành thay vì cùng nằm trong một khu vực địa dư, thì lại được quy tụ do cùng một sở trường, một khuynh hướng, một môi trường làm việc.
(2) Tùy theo “chiều sâu” của công tác chúng ta có thể gọi là công tác thăm viếng hay tiếp xúc cá nhân:
(a) Công tác thăm viếng: Một công tác thông thường và quan trọng là công tác thăm viếng. Công tác thăm viếng chú trọng vào hành động thiết thực khi đến thăm một người, một gia đình, một phòng bệnh... Cũng như công tác tiếp xúc cá nhân, từng hai người trong nhóm hoặc cả nhóm phải tìm hiểu địa điểm mình sẽ tới công tác và cầu nguyện cho họ trước. Ngoài công việc thăm hỏi sức khỏe và công ăn việc làm của họ, chúng ta hãy bắt tay vào những công việc giúp đỡ cụ thể, thiết thực trong gia đình hay trong phòng bệnh.
Công tác thăm viếng là một công tác mở đường dọn lối cho công tác tiếp xúc cá nhân trở thành hữu hiệu. Chính Chúa Giê-su đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Sau khi anh bị người Do Thái chất vấn về phép lạ này, Ngài đã trở lại gặp anh để dẫn dắt anh tới niềm tin : ”Còn anh, anh có tin vào Con Người không?” (Ga 9, 1-41).
Phúc âm (Lc 1,39-56) đã kể lại sự kiện Mẹ Ma-ri-a đã đến thăm người bà con là bà E-li-za-bet như thế nào: Mẹ đã chuẩn bị hành trang lên đường, đã chân tình thắm thiết chào hỏi bà và ở lại phục vụ bà suốt ba tháng trời.
(2) Công tác tiếp xúc cá nhân: Một trong những công tác thông thường và quan trọng của tông đồ giáo dân là công tác tiếp xúc cá nhân. Chính nhờ công tác này, chúng ta sẽ dẫn dắt người khác tới gặp gỡ Chúa. Chính Chúa cũng đã thường xuyên xử dụng phương pháp tiếp xúc này. Điển hình là câu chuyện Chúa Giê-su gặp thiếu phụ Sa-ma-ri bên bờ giếng. Người đã tìm cách nói chuyện với người phụ nữ ấy về vấn đề nước uống và dẫn nàng tới lãnh vực thần linh: ”Thưa Ngài, tôi nhận biết Ngài là một tiên tri...” (Ga 4, 1-30).
Câu chuyện với hai môn đệ trên đường Em-mau cũng tương tự như thế. Để nhập bọn với hai môn đệ trên đường Em-mau, Người giả bộ là người khách bộ hành và bắt chuyện với các ông bằng một câu hỏi đi vào những lo âu trăn trở của các ông: ”Các ông đang nói truyện gì thế?” Sau khi các ông nói về các diễn tiến về cuộc tử nạn của Ngài, Ngài bỏ lãnh vực tự nhiên là hỏi han câu chuyện, để đi thẳng vào lãnh vực thần linh của Kinh Thánh nhằm thắp sáng các ông. Và sau cùng Ngài cũng chinh phục các ông bằng “cú hạ đo ván” khi Người ngồi ăn và bẻ bánh với các ông. Chính lúc đó, các ông mới nhận ra Người và liền hăm hở trở về Giê-ru-sa-lem để loan báo việc họ gặp Chúa (Phục sinh) cho các môn đệ khác (Lc 24, 13-35).
Như vậy, trước khi tiếp xúc cá nhân, chúng ta cần phải tìm hiểu, nghiên cứu đối tượng mà mình sẽ gặp. Tiếp theo chúng ta phải cầu nguyện nhiều cho họ vì đây là một công tác tế nhị, phức tạp và đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Chuyển hoá lòng người là công việc của Thần Khí, do đó, nếu chúng ta thiếu khiêm tốn, kiên tâm và cầu nguyện, chúng ta sẽ không thể hoàn thành được. Trong lúc tiếp xúc, chúng ta cũng cần phải vận dụng kỹ thuật tâm lý, uyển chuyển từ việc thăm hỏi bình thường, đến những câu chuyện họ ưa thích, quan tâm. Chúng ta phải tỏ ra chú ý và kiên nhẫn lắng nghe họ nói, rồi dần dần chúng ta dẫn đưa họ vào lãnh vực luân lý và siêu linh. Chúng ta đừng quên trong lúc nghe họ nói, chúng ta vẫn phải cầu nguyện. Nếu chúng ta đi công tác hai người, thì hãy luân phiên nhau cầu nguyện cho họ: một người nói chuyện, một người cầu nguyện.
2.2 THỰC HIỆN SỔ CÔNG TÁC hay HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ
Để hoạt động tông đồ đạt hiệu quả, người tông đồ giáo dân phải biết sử dụng sổ công tác hay sổ hoạt động tông đồ (còn được gọi là SỔ TAY CHIẾN SĨ). Sổ công tác là phương tiện hữu hiệu giúp một tông đồ giáo dân thể hiện phương pháp Sống Lời Chúa và thực hiện công tác trong nhóm. Nói cách khác, công tác của người/nhóm tông đồ giáo dân phải dựa trên những gì được ghi chép trong sổ. Không có sổ công tác, chúng ta sẽ chẳng thể làm việc nghiêm chỉnh và hữu hiệu được. Mỗi tông đồ giáo dân cần ý thức và thực hiện đứng đắn cách thức sử dụng sổ này.
Sổ công tác sẽ cung cấp cho chúng ta các dữ kiện suy nghĩ và làm việc. Sổ công tác cũng còn ghi lại các bước tiến triển trong đời sống và hoạt động cho Tin Mừng của chúng ta và của nhóm. Có hai cách thực hiện việc ghi chép sổ công tác:
(1) Ghi chép một cách hệ thống, bài bản: hàng tuần chúng ta nên mở sổ công tác ra một vài lần để ghi chép theo cách thức sau đây:
a- Trang bên trái ghi chép:
* Ngày, tháng, năm trên đầu trang.
* Các hiện tượng, các sự kiện, các biến cố mình quan sát thấy trong ngày, trong tuần xẩy ra trong gia đình, khu xóm, học đường, sở làm, họ đạo...
* Những phân tách các nhân vật, các lý do, các hậu quả.
b- Trang bên phải ghi chép:
* Nửa trang trên, ghi chép những phán đoán tự nhiên và siêu linh của mình.
* Nửa trang dưới, ghi những đề nghị hành động của mình theo hai câu hỏi:
+ Nhóm phải làm gì?
+ Nhóm phải làm thế nào?
(2) Ghi chép theo kiểu nhật ký: thay vì ghi chép một cách hệ thống, bài bản những gì đã quan sát, phán đoán và đề nghị hành động theo phương pháp ghi chép ở trên, chúng ta có thể ghi chép lại một cách uyển chuyển, thơ mộng, cảm kích như viết nhật ký.
Dù ghi chép dưới hình thức nào, chúng ta cũng nên viết theo diễn tiến của phương pháp, qua 3 giai đoạn: quan sát - phán đoán - hành động. Và sau cùng chúng ta nên kết thúc bằng một lời cầu nguyện.
2.3 THỰC HIỆN SỔ LIÊN LẠC
Nếu sổ công tác hay hoạt động tông đồ ghi chép tất cả những gì liên quan đến các hoạt động tông đồ, thì sổ liên lạc chỉ ghi những gì liên quan tới những người cùng hoạt động tông đồ với chúng ta và những đối tượng chúng ta có liên hệ. Chúng ta dành cho mỗi người một trang. Chúng ta ghi chép như một phiếu lý lịch bỏ túi:
1/ Tên thánh, tên họ.
2/ Ngày sinh, nơi sinh.
3/ Tôn giáo, nghề nghiệp.
4/ Trình độ học vấn.
5/ Sở thích, sở trường.
6/ Những ngày kỷ niệm: sinh nhật, quan thầy, thành hôn...
7/ Gia cảnh: có bao nhiêu người, mức sống tinh thần và vật chất.
8/ Địa chỉ và điện thoại liên lạc (nếu có).
Mỗi tiết mục vừa rồi đều cần thiết, nhờ đó chúng ta nắm vững được cuộc sống của những người chúng ta có liên hệ công tác và sẽ phát huy được tinh thần đồng đội gắn bó và hiệu quả trong công tác. Những người có liên quan với chúng ta, làm sao họ không cảm động khi chúng ta nhớ được những ngày kỷ niệm chính của họ với một chút quà nhỏ và một lời cầu chúc?
Đối tượng chúng ta muốn tới tiếp xúc là người đạo Phật sao? Chúng ta phải nói với họ đôi điều về đạo Phật và không được khích bác tôn giáo của họ. Chúng ta tìm cách chiếm được tình cảm của họ trước rồi hãy dẫn đưa họ đến Tin Mừng. Biết được trình độ văn hoá của từng người, chúng ta có thể đưa ra những đề nghị giúp họ thăng tiến: đi học các lớp chuyên môn, đi đến thư viện bạn quen biết, đi dự các buổi thuyết trình. Với những người văn hóa kém và ít khả năng tài chánh, chính chúng ta hoặc anh chị em trong nhóm tông đồ sẽ thay đổi nhau đến hướng dẫn học tập.
Chúng ta biết được sở trường hoặc sở thích của một người nào, chính là chúng ta đã chiếm được một nửa thiện cảm của họ rồi. Tùy theo trường hợp, chúng ta hãy biết tận dụng sở trường của họ. Họ giỏi Anh văn, chúng ta hãy giới thiệu cho họ chỗ dậy. Họ thành thạo đàn ghi-ta, chúng ta hãy tổ chức mời họ trình diễn trong nhóm hoặc trong các buổi văn nghệ. Họ thích nữ công gia chánh, chúng ta có thể giới thiệu cho họ lớp học, người dậy...
Một trong những chi tiết quan trọng chúng ta phải lưu ý là gia cảnh của mỗi người. Gia đình khá giả hay khó khăn? Giáo dục cởi mở hay khắt khe? nề nếp hay lộn xộn, thuận hòa hay xích mích? Chính thực trạng gia cảnh này sẽ tác động đến nhóm và ngược lại nhóm cũng phải tác động lại. Chính ở đây nảy sinh ra nhiều công tác cho nhóm.
Địa chỉ liên lạc của mỗi người giúp nhóm sắp xếp các thành viên gần nhau thành một nhóm, đồng thời phân bổ công tác cho các nhóm theo ranh giới khu vực. Vấn đề thông tin liên lạc của nhóm cũng trở thành dễ dàng khi mỗi người trong nhóm nắm vững địa chỉ của nhau. Như vậy, chúng ta thấy sổ liên lạc là cần thiết và hữu hiệu cho nhóm. Chính nhờ sổ liên lạc này mà tình huynh đệ trong nhóm được liên kết chặt chẽ và gắn bó hơn. Chính nhờ sổ liên lạc này, chúng ta nhìn thấy rõ nhiệm vụ và công việc của mình hơn khi phải đi thăm viếng, hoặc tiếp xúc với những đối tượng phục vụ của chúng ta.
Ghi chú:Chúng ta có thể dùng chung một cuốn sổ để làm sổ tay hoạt động tông đồ và số tay liên lạc.
III. PHẦN THỰC TẬP CỦA HỌC VIÊN (45 phút)
2.1 Mỗi học viên thực hiện việc làm sổ công tác và sổ liên lạc theo cách hướng dẫn viên đã trình bày ở trên.
2.2 Khi thực hiện việc làm sổ công tác và sổ liên lạc, anh chị gặp phải những khó khăn nào? Để vượt qua những khó khăn ấy, anh chị thấy mình cần phải làm gì?
IV. PHẦN KẾT LUẬN
Việc tông đồ hay truyền giáo vừa là một môn khoa học vừa là một môn nghệ thuật. Cả khoa học lẫn nghệ thuật đều cần đến các phương pháp. Phương pháp được sánh như những chìa khóa, mở cửa cho chúng ta bước vào một lãnh vực, một thế giới mới. Hoạt động tông đồ mà không có phương pháp thì không thể thành công được. Ngoài một số phương pháp trực tiếp ảnh hưởng đến sự phong phú của đời sống tâm linh, còn có một số phương pháp khác giúp người tông đồ biết cách làm việc cá nhân một cách khoa học. Tìm công tác, thực hiện sổ công tác và sổ liên lạc là những phương pháp giúp người tông đồ giáo dân đạt được kết quả nhanh hơn, dễ hơn và lâu bền hơn trong hoạt động tông đồ.
Ghi chú:đề tài này chỉ là công việc thu ngắn và viết lại bài PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH của tác giả Hoàng Quý, đăng trên website Tiếng nói giáo dân. Xin chân thành cám ơn anh Hoàng Quý đã cho phép sử dụng.
Sàigòn ngày 10 tháng 02 năm 2005
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Các tin khác