CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO DÂN
KHÓA IIB
GIÁO DÂN NÒNG CỐT
TINH THẦN & KỸ NĂNG
GIÊRÔNIMÔ NGUYỄN VĂN NỘI
2 0 0 3
THƯ GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH
ĐÀO TẠO GIÁO DÂN TRUNG CẤP & NGẮN NGÀY
Sài gòn ngày 11 tháng 07 năm 2003
Trọng kính quí Đức Cha,
Kính thưa quí Cha,
Anh chị em giáo dân thân mến,
Con tin rằng quí Đức Cha, quí Cha và anh chị em đều cho rằng việc huấn luyện đào tạo giáo dân là một trong các mối ưu tiên hàng đầu của các giáo phận hiện nay. Nhưng thực hiện công việc ấy thế nào thì quả là một vấn đề khó khăn, cần nhiều suy nghĩ, tìm tòi thử nghiệm và nỗ lực. Ở một vài nơi đã có những lớp, những khóa đào tạo mang tính bài bản. Nhưng đó chỉ là những cố gắng riêng lẻ và còn ở bước đầu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực sự của giáo dân trong các giáo phận.
Riêng con, trong mấy năm gần đây vì được một số giáo xứ yêu cầu, con đã tổ chức được một số khóa bồi dưỡng và đào tạo giáo dân về một số lãnh vực hay chủ đề. Các khóa do con tổ chức có tính “mì ăn liền” vì nhằm đáp ứng một số nhu cầu cụ thể và cấp bách của một số giáo xứ. Nay nhìn lại, con nẩy ra ý định liên kết các khóa ấy lại với nhau thành một chương trình đào tạo tuy chưa mang tính académique nhưng có thể đã đáp ứng được một phần nào khát vọng học hỏi của nhiều giáo dân hiện nay, trong khi chờ đợi các giáo phận có chương trình thần học giáo dân chính thức.
Con mạnh dạn gửi bài giới thiệu này đến quí Đức Cha, quí Cha và anh chị em giáo dân với thiện chí muốn đóng góp vào công việc chung của Giáo hội Việt Nam. Con rất mong được quí Đức Cha và quí Cha chúc lành cho cố gắng này của con. Con tạm gọi chương trình này là CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO DÂN TRUNG CẤP & NGẮN NGÀY. Trung cấp vì chương trình ở mức độ cao hơn trình độ Giáo lý Rước Lễ-Thêm Sức-Bao Đồng. Ngắn ngày vì mỗi khóa chỉ cần 20-40 buổi học. Chương trình gồm 7 khóa như sau:
Khóa I: Giáo dân trưởng thành,
Khóa II: Giáo dân truyền giáo,
Khóa III: Giáo dân nòng cốt,
Khóa IV: Giáo dân với các phương pháp Thánh Kinh thực hành,
Khóa V: Giáo dân xây dựng Cộng đoàn Giáo hội cơ bản,
Khóa VI: Giáo dân với gia đình và công tác mục vụ gia đình,
Khóa VII: Giáo dân cầu nguyện,
Con xin phép quí Đức Cha, quí Cha và anh chị em cho phép con được trình bày đôi nét (mục đích, đối tượng, nội dung hay giáo trình khóa, thời gian và tài liệu giáo khoa) của mỗi khóa kể trên. Và con cũng xin quí Đức Cha và quí Cha cho phép con được nói rằng: Con sẵn sàng phục vụ các giáo phận, các giáo xứ một hay nhiều khóa trong chương trình này nếu được quí Đức Cha và Cha yêu cầu mà không đặt một điều kiện gì cả.
Kính chúc quí Đức Cha, quí Cha và anh chị em an khang hồn xác và tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần trong sứ vụ.
Trân trọng
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
KHÓA I
GIÁO DÂN TRƯỞNG THÀNH
1. Mục đích: Giúp giáo dân có hiểu biết tương đối về Công đồng Vatican II và về Tông huấn “Giáo hội tại châu Á”. Từ đó có hiểu biết sâu sắc hơn về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo hội và trong xã hội ngày nay.
2. Đối tượng: Mọi thành phần giáo dân có thiện chí muốn học hỏi để nâng cao hiểu biết và có thêm kinh nghiệm sống Đức Tin một cách trưởng thành và dấn thân hơn.
3. Nội dung hay giáo trình Khóa gồm 10 đề tài như sau:
Đề tài 01.- Từ “Hội nghị Giáo dân Á châu lần thứ 2 tại Thái Lan” đến việc đào tạo giáo dân trưởng thành tại Việt Nam”.
Đề tài 02.- Công Đồng Vatican II là Lễ Hiện xuống mới đối với Giáo hội thế kỷ XX và các thế kỷ sau.
Đề tài 03.- Từ Giáo hội là “Mầu nhiệm Hiệp thông”, là “Cộng đoàn Dân Chúa” đến “Giáo hội là Cộng đoàn mà trong đó mọi người có phần và phải góp phần (Participatory Church)”.
Đề tài 04.- Từ “Giáo hội phục vụ thăng tiến con người” đến “Giáo hội làm chứng”.
Đề tài 05.- Kitô hữu là con Thiên Chúa, là môn đệ của Đức Giêsu và là cộng tác viên của Chúa Thánh Thần.
Đề tài 06.- Bí Tích Thánh Tẩy trong đời sống giáo dân.
Đề tài 07.- Bí Tích Thêm Sức trong đời sống giáo dân.
Đề tài 08.- Bí Tích Thống Hối- Giải Hòa trong đời sống giáo dân.
Đề tài 09.- Bí Tích Hôn Phối trong đời sống giáo dân.
Đề tài 10.- On gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới hôm nay.
4. Thời gian:Nếu mỗi tiết học là 45 phút, thì cả khóa cần một thời gian khoảng 40 tiết. Nếu mỗi buổi học gồm hai tiết thì cần khoảng 20 buổi học, không kể buổi khai giảng và buổi bế giảng dành cho việc lượng giá.
5. Tài liệu: Cuốn “ĐỂ GIÁO DÂN LÀ MÙA XUÂN CỦA GIÁO HỘI”
6. Ghi chú: Giáo trình trên đã được giảng dạy trong Chương trình Giáo lý cho người trưởng thành do các cha Dòng Đa Minh tổ chức tại Tu viện Mai Khôi năm 2001 và tại giáo xứ Thiên An, hạt Tân Sơn Nhì, Giáo phận Sàigòn đầu năm 2002.
KHÓA II
GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO
1. Mục đích: Giúp giáo dân có một hiểu biết sâu sắc hơn về sứ mạng và phương pháp Truyền giáo của Giáo hội và của Kitô hữu ngày nay. Cũng giúp họ hiểu rõ hơn về nội dung đức tin Kitô giáo để họ biết họ phải giới thiệu AI (Chúa Giêsu) và giới thiệu CÁI GÌ (giáo lý Đức Tin) cho người khác.
2. Đối tượng:Mọi thành phần giáo dân có thiện chí, nhất là các thành phần có trách nhiệm về việc truyền giáo trong giáo xứ và trong các Hội đoàn Tông đồ.
3. Nội dung hay giáo trình Khóa gồm 19 đề tài như sau:
Đề tài 01: Tầm quan trọng của việc truyền giáo đối với Giáo hội Công giáo.
Đề tài 02: Lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô.
Đề tài 03: Ý thức và nỗ lực truyền giáo của Hội thánh Công giáo.
Đề tài 04: Thế nào là Truyền giáo (Phúc Am hóa)?
Đề tài 05: Đức Giêsu nói về Cha.
Đề tài 06: Đức Giêsu rao giảng về Nước Trời.
Đề tài 07: Đức Giêsu nói về Cánh Chung.
Đề tài 08: Đức Giêsu Nadarét là Đấng Cứu Độ.
Đề tài 09: Đức Giêsu thiết lập Giáo hội Công giáo.
Đề tài 10: Chúa Thánh Thần trong & ngoài Giáo hội Công giáo.
Đề tài 11: Mầu nhiệm Giáo hội Công giáo.
Đề tài 12: Ơn gọi, sứ mạng và đặc tính của Giáo hội Cônggiáo.
Đề tài 13: Đời sống bí tích của Kitô hữu.
Đề tài 14: Đời sống cầu nguyện của Kitô hữu.
Đề tài 15: Đời sống luân lý của Kitô hữu.
Đề tài 16: Đời sống tin cậy mến của Kitô hữu.
Đề tài 17: Đối tượng của việc Truyền giáo của Giáo hội Việt Nam ngày nay.
Đề tài 18: Các nhân tố và phương pháp Truyền giáo ngày nay.
Đề tài 19: Vai trò của việc giảng dạy giáo lý và của các giáo lý viên.
4. Thời gian: Nếu mỗi tiết học là 45 phút, thì cả khóa cần một khoảng thời gian 68 tiết học. Nếu mỗi buổi học gồm hai tiết thì cần khoảng 34 buổi học, không kể buổi khai giảng và buổi bế giảng dành cho việc lượng giá.
5. Tài liệu:Cuốn “GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO” (sẽ được phổ biến trong thời gian gần đây).
6. Ghi chú:Giáo trình này đã được giảng dạy tại giáo xứ Thiên An, hạt Tân Sơn Nhì, Giáo phận Sàigòn, đầu năm 2003. Giáo trình này cũng đã được Vietcatholic đăng tải.
KHÓA III
GIÁO DÂN NÒNG CỐT
1. Mục đích: Giúp thành phần giáo dân nòng cốt hiểu biết tương đối về hướng xây dựng Cộng đoàn Giáo xứ, về tinh thần và kỹ năng phục vụ để họ thực hiện cách dễ dàng và hiệu quả hơn các chức vụ được cộng đoàn giao phó.
2. Đối tượng:Thành phần giáo dân nồng cốt của giáo xứ được hiểu là các thành viên của Hội đồng Mục vụ giáo xứ, của Ban Điều hành giáo họ và của Ban Trị sự hay Phụ trách Hội đoàn Tông đồ. Cũng nên mở rộng đến một số giáo dân có trình độ và thiện chí có thể đảm nhận các chức vụ trong giáo xứ trong tương lai.
3. Nội dung hay giáo trình Khóa gồm 13 đề tài như sau:
Đề tài 01: Từ Cộng đoàn Giáo hội đầu tiên của Sách Tông đồ Công vụ…
Đề tài 02: … Đến Cộng đoàn Giáo xứ của chúng ta ngày nay.
Đề tài 03: Vai trò của giáo dân nói chung và giáo dân nòng cốt nói riêng trong đời sống Giáo xứ.
Đề tài 04: Ý nghĩa của quyền bính trong Giáo hội: phục vụ Dân Chúa.
Đề tài 05: Chức năng của người lãnh đạo Nhóm hay Cộng đoàn trong Giáo hội.
Đề tài 06: Hướng dẫn một buổi cầu nguyện của Nhóm hay Cộng đoàn (2-3 buổi thực tập).
Đề tài 07: Thế nào là một cuộc họp thành công và cách điều hành cuộc họp ấy (2-3 buổi thực tập).
Đề tài 08: Phẩm chất của người lãnh đạo theo gương Chúa Giêsu Kitô.
Đề tài 09: Cách lãnh đạo phù hợp với tinh thần Phúc Am và Giáo hội học ngày nay.
Đề tài 10: Làm việc chung hay cùng gánh trách nhiệm trong Nhóm hay Cộng đoàn.
Đề tài 11: Soạn thảo, thực hiện và lượng giá một kế hoạch hay dự án mục vụ (2-3 buổi thực tập)
Đề tài 12: Cách thực hiện sổ sách kế toán và báo cáo tài chánh (1-2 buổi thực tập)
Đề tài 13: Cách nuôi dưỡng tinh thần và rèn luyện kỹ năng phục vụ.
4. Thời gian: Vì có một số đề tài cần có từ 1 đến 2, 3 buổi thực tập (đề tài 6, 7, 11 và 12) nên cả khóa cần một khoảng 40 tiết học. Nếu mỗi buổi học hai tiết thì cần từ 16 đến 20 buổi học, không kể buổi khai giảng và buổi bế giảng dành cho việc lượng giá.
5. Tài liệu:Cuốn “GIÁO DÂN NÒNG CỐT (TINH THẦN & KỸ NĂNG)”
6. Ghi chú: Giáo trình cũ gồm 10 đề tài đã được giảng dạy cho các Hội đồng Mục vụ hạt Gia định, hạt Chợ Quán và giáo xứ Nhân Hòa (1998-1999), giáo xứ Thiên An (2002), Tân Phước (2003) hạt Tân Sơn Nhì, Giáo phận Sàigòn. Giáo trình mới gồm 13 đề tài đã được giảng dạy tại giáo xứ Hòa Thuận, Giáo phận Xuân Lộc, trong năm 2003 này. Giáo trình này cũng đã được Vietcatholic đăng tải.
KHÓA IV
GIÁO DÂN VỚI CÁC PHƯƠNG PHÁP THÁNH KINH THỰC HÀNH
1. Mục đích: Giúp giáo dân có hiểu biết tối thiểu về tầm quan trọng của Lời Chúa đối với Giáo hội và Kitô hữu và biết dùng cách thành thạo các phương pháp tiếp cận Thánh Kinh, được gọi là các Phương pháp Thánh Kinh thực hành.
2. Đối tượng:Mọi thành phần giáo dân có thiện chí muốn học hỏi để biết cách sử dụng thành thạo các Phương pháp Thánh Kinh thực hành để tiếp cận với Kho tàng Lời Chúa hoặc một mình hoặc trong nhóm nhỏ hay trong các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.
3. Nội dung hay giáo trình Khóa gồm 6 đề tài như sau:
Đề tài 01: Tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống Giáo hội và Ki-tô hữu.
Đề tài 02: Phương pháp đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện (2-3 buổi thực tập).
Đề tài 03: Trình bày tổng quát về chia sẻ Lời Chúa.
Đề tài 04: Chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp 7 bước (2-3 buổi thực tập).
Đề tài 05: Chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp xem-xét-làm (2-3 buổi thực tập).
Đề tài 06: Khám phá Lời Chúa theo tiến trình 6 bước (3-4 buổi thực tập).
4.Thời gian: Vì có một số đề tài cần từ 2 đến 3 buổi thực tập, nên cả khóa cần khoảng 38 tiết học. Nếu mỗi buổi học gồm haitiết thìcần 19 buổi học, không kể buổi khai giảng và buổi bế giảng dành cho việc lượng giá.
5. Tài liệu:Cuốn “CÁC PHƯƠNG PHÁP THÁNH KINH THỰC HÀNH”
6. Ghi chú: Giáo trình này đã được giảng dạy tại Tu Viện Nữ Đa Minh Bắc Ninh, Thủ đức năm 2002 và tại Học viên Liên Dòng Thánh Tôma cho các nam nữ tu sĩ lớp thần học 3, năm 2002.
Ngoài ra cuốn “Các Phương pháp Thánh Kinh thực hành” đã được Ban Giáo lý giáo phận Phú Cường photocopy 1.000 bản để gửi cho tất cả các linh mục và giáo lý viên của giáo phận.
KHÓA V
GIÁO DÂN XÂY DỰNG CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN
1.Mục đích: Giúp giáo dân có hiểu biết tương đối về các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản để mến mộ và quyết tâm xây dựng các Cộng đoàn ấy trong địa bàn dân cư thuộc giáo xứ.
2.Đối tượng:Mọi thành phần giáo dân có thiện chí muốn sống và thể hiện tính cộng đoàn và hiệp thông của Giáo hội một cách cụ thể và thiết thực hơn trong tình liên kết huynh đệ với các anh chị em giáo dân khác cùng sống trong một địa bàn
3. Nội dung hay giáo trình Khóa gồm 16 đề tài như sau:
Đề tài 01: Thế nào là một Cộng đoàn Giáo hội cơ bản?
Đề tài 02: Nguyên nhân xuất hiện và tầm quan trọng của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.
Đề tài 03: Nền tảng Thánh Kinh và Giáo hội học của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.
Đề tài 04: Mô hình mẫu của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.
Đề tài 05: Lời Chúa là trung tâm đời sống của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.
Đề tài 06: Phương pháp đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện (Lectio Divina) trong các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản (2-3 buổi thực tập).
Đề tài 07: Ý nghĩa của việc chia sẻ Lời Chúa
Đề tài 08: Chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp 7 bước trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản (2-3 buổi thực tập).
Đề tài 09: Chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp xem-xét-làm trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản (2-3 buổi thực tập).
Đề tài 10: Khám phá Lời Chúa theo tiến trình 6 bước trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản (3-4 buổi thực tập).
Đề tài 11: Sống và xây dựng tình huynh đệ Phúc Am trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.
Đề tài 12: Ý nghĩa và thực hành việc chia sẻ đời sống trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.
Đề tài 13: Dấn thân Giáo hội và xã hội của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản trong địa bàn giáo xứ và dân cư.
Đề tài 14: Vai trò của các linh hoạt viên trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.
Đề tài 15: Phẩm chất của các linh hoạt viên trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.
Đề tài 16: Kỹ năng thứ nhất của các linh hoạt viên trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản: hướng dẫn một buổi cầu nguyện (2-3 buổi thực tập).
Đề tài 17: Kỹ năng thứ hai của các linh hoạt viên trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản: điều hành một buổi họp thành công (2-3 buổi thực tập).
4. Thời gian: Vì một số đề tài cần 2-3 buổi thực tập, nên cả khóa cần một thời gian khoảng 60 tiết học. Nếu mỗi buổi học hai tiết thì cần khoảng 30 buổi học, không kể buổi khai giảng và buổi bế giảng dành cho việc lượng giá.
5. Tài liệu: Cuốn“XÂY DỰNG CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN.
6. Ghi chú: Giáo trình này đang được giảng dạy tại giáo xứ Tân Định, Giáo phận Sàigòn và đang được Vietcatholic đăng tải.
KHÓA VI
GIÁO DÂN VỚI GIA ĐÌNH
1.Mục đích: Giúp giáo dân, nhất là những người làm vợ làm chồng và làm cha làm mẹ trong gia đình, hiểu biết tương đối về các tính chất, chức năng và nhiệm vụ của gia đình Kitô giáo, theo giáo huấn của Giáo hội (Tông huấn Gia đình 1981 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II và gợi ý của Hội đồng Giáo hoàng về gia đình chuẩn bị cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ 4 của các gia đình tại Manila (Philíppin), tháng 01 năm 2003).
2. Đối tượng:Mọi thành phần giáo dân, nhất là những người làm vợ làm chồng làm cha làm mẹ, muốn nâng cao hiểu biết và có thêm kinh nghiệm sống ơn gọi hôn nhân và gia đình Kitô giáo một cách ý thức và sâu sắc hơn.
3. Nội dung hay giáo trình Khóa gồm 25 đề tài gồm hai phần như sau:
Phần I: Giáo dân với gia đình gồm 12 đề tài (theo gợi ý của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, chuẩn bị cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ 4 của các gia đình tại Manila (Philípin) tháng 01.2003):
Đề tài 01: Gia đình Kitô hữu tiếp nhận và loan báo Tin Mừng.
Đề tài 02: Gia đình Kitô hữu là chứng nhân của Giao ước Vượt Qua.
Đề tài 03: Gia đình Kitô hữu là Trung tâm của Phúc Am hóa.
Đề tài 04: Gia đình Kitô hữu là Hội Thánh tại gia.
Đề tài 05: Sự thánh thiện của Gia đình Kitô hữu nhằm phục vụ Tin Mừng.
Đề tài 06: Thánh Thể là dấu chỉ và lương thực cho Tình Yêu đôi bạn không giới hạn.
Đề tài 07: Thứ tha và hòa giải trong gia đình Kitô hữu.
Đề tài 08: Gia đình Kitô hữu là cộng đoàn cầu nguyện.
Đề tài 09: Gia đình Kitô hữu là trung tâm và nguồn mạch của thiện ích trong xã hội.
Đề tài 10: Gia đình và Tình yêu đối với những người yếu kém nhất.
Đề tài 11: Gia đình Kitô hữu chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ.
Đề tài 12: Gia đình Kitô hữu là cung thánh của sự sống.
Phần II: Giáo dân với Mục vụ gia đình gồm 13 đề tài (theo Tông huấn gia đình (1981) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II):Đề tài 01: Ý nghĩa & Tầm quan trọng của Mục Vụ Gia Đình.
Đề tài 02: Các giai đoạn của Mục Vụ Gia Đình.
Đề tài 03: Những cơ cấu của Mục vụ Gia đình
Đề tài 04: Những người có trách nhiệm về Mục Vụ Gia Đình.
Đề tài 05: Hoạt động Mục vụ trong những hoàn cảnh đặc thù và cho các cuộc hôn nhân hỗn hợp.
Đề tài 06: Hoạt động Mục vụ trong một vài hoàn cảnh trái qui tắc.
Đề tài 07: Hoạt động Mục vụ cho những người không có gia đình và cho các gia đình trẻ.
Đề tài 08: Nội dung Khóa Giáo lý Hôn nhân.
Đề tài 09: Cách Tổ chức & Giảng dạy Khóa Giáo lý Hôn nhân.
Đề tài 10: Các Sinh hoạt Mục vụ Gia đình trong giáo xứ.
Đề tài 11: Mục vụ Tư vấn về Hôn nhân và Gia đình.
Đề tài 12: Việc Đào tạo Nhân viên Mục vụ Gia đình.
Đề tài 13: Ban hay Văn phòng Mục vụ Gia đình Giáo phận và hoạt động của Ban hay Văn phòng ấy.
4.Thời gian: Mỗi đề tài trên cần từ 2 đến 4 tiết học (mỗi tiết học là 45 phút), nên cả khóa cần một thời gian khoảng đến 40 tiết học. Nếu mỗi buổi học gồm hai tiết thì cần khoảng 20 buổi học, không kể buổi khai giảng và buổi bế giảng dành cho việc lượng giá.
5. Tài liệu: Hai Cuốn “SUY NGHĨ HỌC HỎI VỀ GIA ĐÌNH (12 ĐỀ TÀI) & MỤC VỤ GIA ĐÌNH”
6. Ghi chú: Cuốn “Suy nghĩ và học hỏi về gia đình”đã được phổ biến khá rộng rãi trong các giáo phận qua Email, Vietcatholic, Ephata, Báo và Sách. Có một số giáo phận đã dùng làm tài liệu sinh hoạt và học hỏi cho các giới gia trưởng hiền mẫu.
Còn cuốn “Mục vụ Gia đình” đã được giảng dạy tại tu viện Dòng Thánh Thể Sàigòn và tại Học viện Liên Dòng Thánh Tôma (cho các tu sĩ nam nữ lớp thần học 3) và đã được báo điện tử EPHATA của Dòng Chúa Cứu thế đăng tải.
KHÓA VII
GIÁO DÂN CẦU NGUYỆN
1.Mục đích: Giúp giáo dân có hiểu biết tối thiểu về cầu nguyện Kitô giáo về cả lý thuyết lẫn thực hành để làm cho đời sống đức Tin thêm phong phú.
2.Đối tượng:Mọi thành phần giáo dân có thiện chí muốn học hỏi để nâng cao hiểu biết và có thêm kinh nghiệm về cầu nguyện.
3. Nội dung hay giáo trình Khóa: sẽ xác định sau.
4.Thời gian:Sẽ ấn định sau.
5. Tài liệu: Cuốn “GIÁO DÂN CẦU NGUYỆN”
6. Ghi chú: Giáo trình sẽ được soạn sau.
KHÓA VIII
GIÁO DÂN VỚI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
1.Mục đích: Giúp giáo dân, nhất là anh chị em (trí thức) có hiểu biết tương đối về giáo huấn xã hội của Giáo hội (hay giáo dân với giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề xã hội) để làm chứng và xây dựng Công Lý và Hòa Bình trong các môi trường và lãnh vực xã hội.
2.Đối tượng:Mọi thành phần giáo dân có thiện chí, nhất là giới trí thức, muốn học hỏi để nâng cao hiểu biết và có thêm kinh nghiệm về giáo huấn xã hội của Giáo hội.
3. Nội dung hay giáo trình Khóa: sẽ xác định sau.
4.Thời gian:Sẽ ấn định sau.
5. Tài liệu: Cuốn “GIÁO DÂN VỚI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI”
6. Ghi chú: Giáo trình sẽ được soạn sau.
GHI CHÚ:
1.Có một số đề tài của khóa này trùng lắp với một số đề tài của khóa khác. Sở dĩ có như thế, vì khi soạn các đề tài để giảng dậy thì nội dung mỗi khóa độc lập với các khóa khác. Khi nào tổ chức giảng dạy cả chương trình cho cùng một số đối tượng thì sẽ điều chỉnh lại cho không còn trùng lắp nữa.
2.Tùy theo nhu cầu, có thể thêm các khóa khác về các chủ đề khác mà giáo dân đòi hỏi, ví dụ: Giáo dân với Phụng vụ, Giáo dân với Hội nhập Văn Hóa, v.v…
Ngày 11 tháng 07 năm 2003
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Các tin khác