HIỆP HÀNH HOÀN VŨ
GIÁO DÂN & THẦN HỌC
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
Dẫn nhập
Thượng hội đồng 23, quyết tâm tiếp bước Công đồng Vat. II, đổi mới. Hợp với lý tưởng Kinh Thánh: “Trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị”[1] và qui luật: “Sống là thay đổi”. Trước hết là đổi mới tư duy. Có nghĩa là “Xem xét và quyết định lại” mọi vấn đề trong mọi lãnh vực, vào ngàn năm thứ Ba. Đặc biệt trong việc Loan báo Tin mừng, qua con đường đối thoại và hòa giải. Trước đây, đối thoại thần học, luôn dành cho các nhà chuyên môn, cho các nhà thần học. Hôm nay, thần học thuộc toàn dân Chúa và họ được mời gọi nghiên cứu và sống thần học. Thần học mang tính thiêng liêng được phát triển bằng cách quỳ gối, thấm nhuần sự tôn thờ và cầu nguyện. Cần phát triển một nền thần học bình dân, chú ý đến giáo dân. Họ có khả năng giải quyết với lòng thương xót những vết thương còn mở, của nhân loại và tạo vật[2]. Sau đây, tôi xin chia sẻ về Hiệp hành hoàn vũ: Giáo Dân và thần học.
Nhận thức
Thần học là sự giải thích – có ý thức và có phương pháp – mạc khải của Thiên Chúa vốn đã được đón nhận và được nắm giữ trong đức tin[3]. Đôi khi chúng ta quá chú trọng đến kiến thức mà quên đến mối tương quan với Thiên Chúa. Vậy thần học là gì và có thần học thời nay đặc điểm gì?
Thần học là gì? Thần học, nguyên nghĩa là môn học nghiên cứu về Thiên Chúa và Lời của Người. Theo Phúc âm, Thiên Chúa là Tình yêu và Ngôi Lời của Người là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhập thể là tình yêu thương xót với hai giới răn Mến Chúa Yêu người. Vậy, thần học là Tình yêu thương xót, qua mến Chúa yêu người, trong đại lộ mới là “Văn hóa-Khoa học”.
Thần học hôm nay có đặc điểm gì? Trước hết, thần học quỳ gối, cầu nguyện và giải thích hiện tại một cách tiên tri và nhận ra những con đường mới cho tương lai. Nền thần học có khả năng thích ứng với Giáo hội có tính đồng nghị, truyền giáo và ra đi. Dưới ánh sáng Mặc Khải, phải đồng hành với những thay đổi thời đại, một thay đổi, biến hóa có hệ thống. Thứ đến, thần học bối cảnh cơ bản, tuân theo phương pháp quy nạp để đọc và giải thích Tin Mừng trong điều kiện sống hàng ngày của con người. Tiếp theo, thần học phải mang tính môi trường địa lý, xã hội và văn hóa. Tính khoa học về Thiên Chúa, theo sau sự phân định các dấu chỉ thời đại, phải có khả năng ủng hộ một văn hóa đối thoại bằng cách cởi mở với tất cả mọi người, những người có đức tin cũng như những người không có đức tin[4]. Rồi đến, thần học, không thể bị nhốt vào sự tự quy chiếu, dẫn đến cô lập và vô nghĩa, thần học liên ngành về một chủ đề nghiên cứu, yêu cầu thích hợp các phạm trù mới được phát triển bởi kiến thức khác, để thâm nhập và truyền đạt các chân lý đức tin và truyền tải giáo huấn của Chúa Giêsu trong ngôn ngữ ngày nay, độc đáo và nhận thức phê phán[5]. Đúng với hướng đi của Công đồng Vat. II: “Thực tại và Ân sủng”. Theo Thánh Tôma: “Ân sủng không phá đổ bản tính tự nhiên”[6]. Mối tương quan giữa tự nhiên và ân sủng liên quan đến toàn thể sứ điệp Ki-tô giáo về mối tương hệ giữa thần học và triết học, tình yêu tự nhiên và đức ái, thần bí tự nhiên và thần bí siêu nhiên, xã hội dân sự và Giáo Hội, Thiên Chúa và vai trò, giá trị của các thực tại trần gian. Qua mầu nhiệm Ngôi hiệp, Thiên Chúa đã nâng con người trở thành Ngôi vị Thần linh. Ân sủng không phá hủy cũng không làm biến dạng những luật tắc của lãnh vực tự nhiên. Chẳng hạn, một ki-tô hữu là một công dân, có bổn phận thi hành những luật lệ giống như các công dân khác. Ân sủng hoạt động ngay bên trong chính những cấu trúc của lãnh vực tự nhiên. Theo tư tưởng của Tôn sư Tô-ma, giữa ân sủng và tự nhiên luôn có một mối tương hỗ mật thiết với nhau. Ân sủng không phải là một điều gì đó hoàn toàn xa lạ đối với con người, nhưng ân sủng hoàn thiện con người và đồng thời giúp con người thành toàn được những khát vọng và nhu cầu thâm sâu nhất của mình. Học thuyết Ki-tô giáo mặc khải cho con người khát vọng hạnh phúc sâu thẳm vô biên của chính mình, nhưng nếu không có ân sủng trợ giúp thì con người không thể nào đạt được cứu cánh đích thực của mình[7]”.
Đào luyện
1. Nghiên cứu
Toàn thể dân Chúa nghiên cứu thần học, để đời sống của người dân trở thành đời sống thần học[8]. Không rơi vào sự cám dỗ sử dụng quyền lực và ảnh hưởng, cạnh tranh hoặc hống hách. Nhiệm vụ đích thực là phục vụ. Điều quan trọng là nhường chỗ cho thế hệ lãnh đạo mới. Điều này đòi hỏi phải thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo giới trẻ, những người sẽ đứng vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo tương lai[9]. Đặc biệt, trong việc đào tạo, dẫn Dân Chúa hướng tới Chúa Giêsu Thánh Thể với lòng yêu mến, tôn thờ, khao khát để Người ban Thánh Thần. Ví dụ, trường hợp đối thoại của một người lao động bình dân tại Lộ Đức với một nhà thần học nổi tiếng. Sau thời gian tâm sự lâu giờ, trước lúc tạm biệt chia tay, nhà thần học thấy những tư tưởng của ông như của một nhà thần học, nên hỏi: “Ông đã học những điều chúng ta vừa trao đổi ở đâu”? Ông trả lời: “Nơi Chúa Giêsu Thánh Thể”. Tiếp đến, Bonaventura, trả lời thắc mắc của một cụ già, nghèo, dốt: “Bà có thể yêu mến Chúa hơn cả một tiến sĩ thần học”. Đúng như Thánh kinh: “Thiên Chúa dạy bảo từng người”; và : “Thánh Thần là Thày dạy và là Đấng nhắc nhở những điều Chúa Giêsu dạy”.
2. Sống thần học
Là sống Tình yêu và lòng thương xót. Sống tình yêu là thực hiện sống bản chất tình yêu. Sống bản chất tình yêu là luôn mong muốn và làm những điều tốt lành cho con người và môi trường với lòng thương xót. Đó là sống tình yêu mục vụ trong từng hoàn cảnh, cụ thể, thiết thực để tất cà được hạnh phúc vĩnh hằng bền vững, một cách vô tư và vô vị lợi.
3. Minh họa
Thánh Juan Diego đã ở lại chăm sóc người chú thay vì đi gặp Giám mục như lời Đức Mẹ yêu cầu. Đức Mẹ đã không trách cứ, nhưng còn chữa lành bệnh cho người chú. Tương tự như vậy, Giáo hội chú ý đến nỗi đau sâu sắc của mỗi người[10]?
4. Phương thức
Thực tại
“Qui nạp” thay vì “diễn dịch”. Đi từ thực tại tới Ân sủng, bắt đầu với những tình huống cụ thể. Đi từ chi tiết tới nguyên lý. Đi từ Mục vụ tới Thàn học. Đi từ con người, môi trường tới Thiên Chúa. Sau đó, họ nên tìm cách phân định “các dấu chỉ thời đại”. Theo công thức mục vụ: “Cả…Cả..”; và: “Cân bằng hài hòa”, chúng ta có thể đề ra nguyên tắc: “Thần học- Mục vụ - Thần học” hay: “Mục vụ giữa hai Thần học”. Không giống như những con ngựa bị bịt mắt và không thể nhìn được hướng này hay hướng khác.
Ân sủng
Gặp gỡ Chúa Giêsu hằng sống. Người trao ban Thánh Thần. Kinh nghiệm đời sống trong Thánh Thần thường là được biến đổi, một cách nhẹ nhàng mà mãnh liệt, bất ngờ và lạ lung, là “ bước ngoặt trong cuộc sống”! Tuy nhiên, thực tế, giống như một ngọn lửa đang cháy rất mãnh liệt nhưng có nguy cơ lụi tàn nếu không được tiếp tục nuôi dưỡng. Chính vì lý do này, cần được tiếp nối đào tạo, nhằm duy trì những ân sủng đã nhận được và hỗ trợ tiến trình tăng trưởng dần dần trong đức tin và cầu nguyện, trong đời sống luân lý và bí tích, và trong thực hành bác ái và hợp tác trong sứ vụ của Giáo hội. Về đặc sủng, cổ võ chứ không kiểm soát các đặc sủng. Vì thế, để phát huy đặc sủng, chúng ta phải noi theo Đấng là Thầy trong việc cổ vũ đặc sủng: Chúa Thánh Thần. Kinh nghiệm Lễ Ngũ Tuần, Người là “Hỗn độn và Hài hòa”. Và Ngài là Thầy dạy phát huy các đặc sủng. Đặc biệt các đặc sủng phục vụ Phúc âm loan báo Tin Mừng phải luôn được coi trọng, nhất là nhắm đến những người chưa biết Đức Kitô. Chúng ta không được nghĩ: “Khi đã lãnh Phép Rửa trong Thánh Thần thì người đó đã là một Kitô hữu trọn vẹn”. Lộ trình nên thánh luôn bao hàm sự tăng trưởng trong việc hoán cải mang tính cá vị và hiến thân phục vụ cách quảng đại cho Đức Kitô và tha nhân, chứ không chỉ trong sự an ủi thiêng liêng./.
Kết luận
Đức Thánh cha Phanxicô nhấn mạnh: “Bổn phận của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt của các chủ chăn và các nhà thần học, là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, lắng nghe, phân định và giải thích các thứ ngôn ngữ của thời đại, rồi nghiệm xét dưới ánh sáng lời Chúa, để chân lý mạc khải luôn được nhận thức, được thấu triệt, và được trình bày cách thích hợp hơn”[11]. Vì thần học để phục vụ Giáo hội và thế giới[12] bằng “Cả Khoa bảng cả bình dân”; “cả suy tư và giải thích kho tàng Thánh Kinh và Thánh Truyền cả đi vào cuộc sống của người dân” . Để thay đổi quan niệm này, Đức Thánh Cha gọi là “cuộc cách mạng văn hóa can đảm”. Đây là một thách đố không nhỏ đối với Giáo hội thời nay./.
Truyền thông TGP/SG và HVCG/VN
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
[1] 2 Pet. 3, 13-14
[2] Đức Phanxicô, tự sắc Ad theologiam promovendam (Thúc đẩy thần học), 1.11. 2023
[3] Karl Rahner
[4] Đức Phanxicô, tự sắc Ad theologiam promovendam (Thúc đẩy thần học), 1.11. 2023
[5] Ibid.,
[6] Giuse Nguyễn Hữu Nghị, OP. Tương quan giữa tự nhiên và Ân sủng trong tư tưởng thánh Toma
[7] P. MAGNARD, Nature et histoire dans l’apologétique de Pascal, Paris, 1975, p. 271.Thời sự Thần học – Số 55, Tháng 01/2012, tr. 61-80)
[8] Ibid.,
[9] Ibid.,
[10] Đức Phanxicô, ACI Prensa 14/11/2023
[11] GS, 44
[12] Đức Giáo Hoàng Clemente XI, hàn lâm viện Tòa Thánh về Thần học vào ngày 23/4/1718
Các tin khác