Thứ hai, ngày 11 tháng 11 năm 2024 | 02:49 AM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Tài liệu

Đọc lại Đối Thoại Và Rao Giảng ba mươi năm sau: Một quan điểm Châu Á - hai mặt của đồng tiền 

04/11/2023

 

ĐỌC LẠI ĐỐI THOẠI VÀ RAO GIẢNG BA MƯƠI NĂM SAU:
MỘT QUAN ĐIỂM CHÂU Á - HAI MẶT CỦA ĐỒNG TIỀN

Giám mục Thomas Dabre[1]

WHĐ (04.11.2023) – Ba mươi năm trước, Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn tại Rôma[2] đã biểu lộ một sự ý thức và phân tích có căn cứ về hiện tình Hội Thánh vào thời điểm ấy, khi khẳng định đúng tính cấp bách Tin Mừng của cả hai yếu tố đối thoại liên tôn và rao giảng Tin Mừng trong cùng một hơi thở. Văn kiện Đối Thoại và Rao Giảng[3] của Hội đồng Giáo hoàng này cho thấy một cách thích hợp rằng đối thoại không phủ nhận rao giảng, và ngược lại, rao giảng không phủ nhận đối thoại. Trong tám mươi chín số của văn kiện, rất nhiều số cắt nghĩa cả hai tiêu điểm này, giống như hai mặt của cùng một đồng tiền, chúng xuất phát từ sứ vụ được Đức Giêsu Kitô uỷ thác cho Hội Thánh[4].

Mặc dù gặp nhiều khó khăn từ bên trong cũng như bên ngoài, Đối thoại và Rao giảng là một mệnh lệnh mục vụ tất yếu. Theo tầm nhìn tạo sáng suốt của Công đồng Vaticanô II, Hội Thánh có lý khi nhấn mạnh nhu cầu đối thoại liên tôn trong sứ vụ của mình.

“Vì thế, Giáo hội khuyến khích con cái mình… đối thoại và hợp tác… với tín đồ của các tôn giáo khác mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo.”[5]

Văn kiện tha thiết khuyên “thực hiện các nghiên cứu chuyên môn về mối tương quan giữa đối thoại và rao giảng, lưu tâm tới mỗi tôn giáo trong bối cảnh địa lý và văn hóa xã hội của mỗi tôn giáo[6].

Đức Phaolô VI, vị giáo hoàng đầu tiên viếng thăm Châu Á, đã nói trong cuộc gặp gỡ các đại diện của các tôn giáo khác như sau:

“Vùng đất của các bạn là một vùng đất có nền văn hóa lâu đời, là cái nôi của những tôn giáo lớn, mái nhà của một quốc gia đã từng tìm kiếm Thiên Chúa với một ước muốn khôn nguôi, trong suy niệm và thinh lặng, và trong lời cầu nguyện bằng những bản thánh ca sốt sắng.” Đức giáo hoàng đã chiếm được trái tim của những người Ấn Độ khi ngài trưng dẫn bản văn nổi tiếng của Ấn giáo: “Từ hư ảo, xin dẫn tôi tới hiện thực; từ bóng tối dẫn tôi tới ánh sáng; từ chết chóc dẫn tôi tới bất tử.” Trong Đức Kitô, chúng ta thấy hoàn thành niềm khát vọng trong lời cầu nguyện này[7].

Thấm nhuần tinh thần Công đồng Vaticanô II, Đức Giáo hoàng Phaolô VI nhấn mạnh quyết tâm của Hội Thánh bắc những nhịp cầu đối thoại xuyên qua các nền văn hóa và các tôn giáo. Không lâu sau, vào năm 1965, Công đồng Vaticanô II công bố Nostra Aetate (NA): “Tuyên ngôn về mối Quan hệ của Hội Thánh với các Tôn giáo Ngoài Kitô giáo.” Văn kiện này (D&P, 1991) đã được ban hành chính là để đánh dấu kỷ niệm 25 năm công bố NA[8].

Tại một đất nước Ấn Độ đa tôn giáo, nơi mà các Kitô hữu chỉ chiếm 2,3 phần trăm dân số và người Công giáo chỉ chiếm 1,99 phần trăm dân số[9], đối thoại liên tôn trở thành một mệnh lệnh bắt buộc, cũng như trên toàn thể lục địa Á Châu với một tình trạng tương tự.

Trong khi nhấn mạnh việc đối thoại, cũng không bao giờ được làm lu mờ những đòi hỏi của việc rao giảng. Các giám mục Á Châu phát biểu rằng: “Chúng ta rao giảng Tin Mừng vì chúng ta tin rằng Đức Giêsu là Chúa và Đấng Cứu Thế, ‘mục tiêu của lịch sử nhân loại, …niềm vui của mọi tâm hồn, và sự hoàn thành mọi khát vọng của con người’.”[10]

Đối thoại và Rao giảng không thể được xem xét biệt lập, tách rời nhau, vì:

Đối thoại liên tôn và rao giảng, …là chính đáng và cần thiết. Chúng liên hệ mật thiết với nhau, nhưng không thay thế cho nhau: đối thoại liên tôn từ phía người Kitô hữu giả thiết ước muốn làm cho Đức Giêsu được người ta biết đến nhiều hơn, được nhìn nhận và yêu mến nhiều hơn; rao giảng Đức Giêsu Kitô phải được thực hiện trong tinh thần Tin Mừng của đối thoại. Hai hoạt động này phân biệt với nhau, nhưng như kinh nghiệm cho thấy, cùng một giáo hội địa phương, cùng một người, có thể tham gia vào cả hai bằng những cách thức khác nhau[11].

Tuy nhiên, trong tình hình thực tế, đối với một số người thì chỉ có đối thoại là ưu tiên chính, còn đối với một số người khác thì ưu tiên là rao giảng, và cũng có những người khác nữa vẫn tiếp tục thi hành sứ vụ bí tích trong cộng đoàn nhưng ít quan tâm tới đối thoại hay rao giảng.

Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27). Chân lý không thể bị áp đặt trên những con người vì nhân phẩm của họ là những con người tự do và có lý trí. Bên cạnh đó, ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho con người phải được chấp nhận, hấp thụ và sống để phát huy “sự sống dồi dào” mà Đức Giêsu đem đến (Ga 10,10). Làm sao điều này có thể xảy ra nếu nó được thông truyền mà không có đối thoại gì cả? Vì vậy, đối thoại là một điều kiện tất yếu sine qua non. Với một sự cần thiết cơ bản như thế của đối thoại dựa trên đức tin – vốn là một sự gặp gỡ và quan hệ tự do với Thiên Chúa – đối thoại trước hết và trên hết là một mệnh lệnh thần học.

Ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh, chúng ta biết rằng Thiên Chúa liên tục đối thoại với con người. Thực vậy, cứu rỗi là cuộc đối thoại có sức giải phóng với loài người. Biến cố Nhập Thể là cuộc đối thoại của Thiên Chúa với loài người trong Đức Giêsu và nhờ Đức Giêsu. Tuy nhiên, sự đối thoại liên tôn giữa các Kitô hữu với các tín đồ của các tôn giáo khác, như được hình dung bởi Vaticanô II, mới chỉ dần dần được chúng ta hiểu rõ hơn. Đáng buồn thay, đối thoại vẫn còn phải trở thành một nếp sống tại Châu Á, tại đây nó rất cần phải là một nếp sống.

Văn kiện D&P có lý khi chỉ ra rằng đối thoại “vừa là chứng tá vừa là sự tìm hiểu rõ hơn các niềm xác tín tôn giáo của mỗi tôn giáo[12]. Tính khả tín và hiệu quả của nó sẽ được kích thích nhờ sự tương tác, tương quan với nhau, một thái độ tôn trọng và thân thiện, bác ái và có lòng trắc ẩn đối với những người túng thiếu, nghèo khổ, cùng nhau làm việc vì một mục đích chung và như thế nghiêm túc vâng theo luật yêu thương như Đức Giêsu đã làm. Đối thoại và Rao giảng đều cho thấy khuôn mặt yêu thương của Chúa Giêsu.

Đối thoại liên tôn là một tiến trình liên tục, chặt chẽ và không thể chia cắt, nó bao gồm nhiều yếu tố tuy khác biệt nhưng liên hệ mật thiết với nhau và không thể tách rời. Ngay từ khoảng 5 thập niên trước đó, FABC đã vạch rõ nguyên tắc “đối thoại tam diện” là ưu tiên cho Hội Thánh tại Châu Á. (FABC, Hội nghị toàn thể, 1974): (1) đối thoại với người dân Châu Á, đặc biệt người nghèo, (2) đối thoại với các nền văn hóa Á Châu, và (3) đối thoại với các tôn giáo Á Châu.

Nếu mang thái độ tiêu cực đối với các tôn giáo và các nền văn hóa khác, chúng ta sẽ chỉ khơi dậy sự chống đối. Hơn nữa, Thiên Chúa là Đấng yêu thương mọi người một cách vô điều kiện, Người không muốn chúng ta tỏ ra tiêu cực với các tôn giáo và các nền văn hóa khác. Thiên Chúa đã làm chứng về mình cho những người khác và Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong các tôn giáo và các nền văn hóa khác.

Tại Châu Á, nơi các tôn giáo đang trở nên tự khẳng định mình mạnh mẽ, chúng ta phải tránh có cái nhìn tiêu cực về các nền văn hóa và các tôn giáo địa phương.

“Các tôn giáo không chỉ đơn thuần hiện hữu, hay chỉ đơn thuần sống sót. Trong một số trường hợp, chúng cho thấy rõ có một sự phục hưng. Chúng vẫn tiếp tục tạo cảm hứng và ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu tín đồ của chúng[13]. Vì vậy, cách tiếp cận của chúng ta phải tỏ ra tôn trọng hơn, nhy cảm và cẩn thận hơn, với một sự ý thức mở rộng về sự quan phòng của Thiên Chúa và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong các tôn giáo khác. Điều này đã được diễn tả rất rõ trong Vaticanô II: “…Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy, cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi” (GS 22).

Năm 1984, trong bài diễn từ tại Hội nghị toàn thể của HĐGH về Đối thoại Liên tôn, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố: “Đối thoại (liên tôn) là hoạt động cơ bản đối với Hội Thánh, vì Hội Thánh được kêu gọi hợp tác vào kế hoạch của Thiên Chúa bằng phương pháp hiện diện, tôn trọng và yêu thương đối với mọi người.” Sự hiểu biết lẫn nhau và các mối quan hệ thân thiện cũng như các cách thức nhân văn cao quý khác phải được hết sức quý trọng như là thành phần của tiến trình đối thoại. Nhưng đối thoại liên tôn không được chỉ giới hạn vào những điều ấy mà thôi, bởi vì các mối quan hệ liên tôn phải đạt tới đỉnh điểm trong sự trao đổi và chia sẻ các trải nghiệm thiêng liêng cùng với các niềm tin và sự xác tín của mình.


Mệnh lệnh Rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô

Quan tâm về sự “hoán cải”

Các đoạn văn tiêu cực vì bối cảnh thời đại

Nhập Thể đòi hỏi hội nhập văn hóa

Giải phóng con người

Truyền thông xã hội

Kết luận

 

Mệnh lệnh Rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô

“Việc rao giảng Tin Mừng cũng luôn luôn bao hàm một sự công bố minh bạch rằng trong Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, chịu chết và sống lại, ơn cứu độ được ban cho mọi người, như tặng phẩm của ân sủng và lòng nhân lành của Thiên Chúa.”[14] Do đó, đối thoại không thể thay thế cho việc làm chứng về Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất.

Tuy nhiên, chúng ta phải biết đối thoại có nghĩa là gì và không có nghĩa là gì. Ví dụ, việc rao giảng không phải là công kích hay chối bỏ những giá trị cao quý trong các tôn giáo khác, trái lại, các khía cạnh tốt đẹp ấy phải được giữ lại và sử dụng để phục vụ cho lợi ích chung. Tin Mừng không đe doạ, cũng không công kích các tôn giáo khác, nhưng hoàn thiện và kiện toàn các tôn giáo ấy. Không có mất mát, chỉ có lợi lộc trong tiến trình gặp gỡ.

Cần phải có một sự khẳng định không mơ hồ về Đức Giêsu Kitô như là Đấng Cứu Độ duy nhất, như văn kiện D&P đã làm[15], vì đã có một sự thờ ơ, một quan điểm hòa đồng tôn giáo sai lầm nơi một số người, linh mục, tu sĩ và trí thức chịu ảnh hưởng bởi bầu khí tục hóa và một khái niệm lệch lạc về ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Đồng thời chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng mình không hiểu được hoàn toàn mặc khải Kinh Thánh, cả khi chúng ta rao giảng mặc khải ấy.

Mầu nhiệm thần linh của Đức Giêsu vượt quá sự hiểu biết. Trong cả việc đối thoại và rao giảng, chúng ta không sở hữu sự thật đầy đủ của Đức Giêsu. Tất cả chúng ta đều là những người đang tìm kiếm sự thật trong tình yêu. Bản thân chúng ta không hiểu mầu nhiệm Đức Giêsu. Mầu nhiệm này luôn luôn vượt quá chúng ta. Vì vậy, trong tất cả sự khiêm tốn và vui tươi, chúng ta diễn tả điều chúng ta tin bằng cách này, không phải trong thái độ cao ngạo và tự phụ.

Quan tâm về sự “hoán cải”

Số 11 của văn kiện D&P định nghĩa đúng về “hoán cải” như là “một sự thay đổi lòng trung thành tôn giáo, và đặc biệt là để chấp nhận đức tin Kitô giáo.” Tuy nhiên, khái niệm hoán cải phải được cắt nghĩa đúng để nó không thể tạo ấn tượng sai lạc về sự xóa bỏ đạo trước.

Trong tiến trình hoán cải, “người ta có thể quyết định rời bỏ một tình trạng thiêng liêng hay tôn giáo trước kia của mình để đi theo một tình trạng khác”[16]. Điều này phải được diễn tả một cách cẩn thận và tinh tế bởi vì sự hoán cải về với Thiên Chúa trong Đức Giêsu không bao giờ là một sự cắt đứt và xoá bỏ những gì cao quý trong đạo trước. Hoán cải không phải là sự tha hóa nhưng là sự soi sáng và tăng trưởng trong việc nắm giữ sự thật, được mặc khải trong Đức Giêsu.

Bởi vì: “Tất cả những gì là chân lý và ân sủng đã được tìm thấy nơi các dân tộc như một sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa… Bởi vậy, bất cứ điều gì tốt đẹp được nhận biết là đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những lễ chế và văn minh riêng của các dân tộc, sẽ không bị hủy diệt, mà còn được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất, để Chúa được tôn vinh, …và con người được hạnh phúc.”[17] Trong việc rao giảng Tin Mừng, “…họ (các Kitô hữu) nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác…”[18]

Một cách chí lý, D&P nhắc đúng về những khó khăn phải luôn luôn lưu tâm đến, đặc biệt tại một châu lục như Châu Á, nơi mà Hội Thánh không ngừng phải đối diện.

a) Gánh nặng lịch sử khiến cho việc rao giảng trở nên khó khăn hơn, vì các phương pháp loan báo Tin Mừng trong quá khứ đôi khi gây sợ hãi và nghi ngờ cho những tín đồ của các tôn giáo khác.

b) Tín đồ của các tôn giáo khác có thể sợ rằng sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh rốt cuộc sẽ dẫn đến việc xóa bỏ tôn giáo và văn hóa của họ.

c) Tại một số nơi, luật pháp cấm việc cải đạo, hay những người trở lại Kitô giáo thường gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng, như bị những người đồng đạo cũ tẩy chay, bị nghi kỵ và chèn ép bởi môi trường xã hội đa văn hóa[19].

Tuy nhiên, “không có loan báo Tin Mừng đích thực nếu không rao giảng danh thánh, giáo huấn, đời sống, các lời hứa, Nước Trời và mầu nhiệm của Đức Giêsu Nadarét, Con Thiên Chúa.”[20] Do đó, việc rao giảng của Hội Thánh phải từ từ và kiên nhẫn, hợp với nhịp bước của những người nghe sứ điệp, tôn trọng tự do của họ, thậm chí tôn trọng sự “chậm tin” của họ.” (EN số 79).

Việc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh đặt những đòi hỏi nghiêm túc đối với cả Hội Thánh rao giảng và các thành viên của Hội Thánh đang dấn thân trong việc loan báo Tin Mừng, cũng như đối với những người được Chúa kêu gọi để vâng phục đức tin Kitô giáo.

Tại Ấn Độ, có một sự hiểu lầm rất thô thiển rằng sự hoán cải diễn ra là bởi sự cưỡng bức, lừa gạt hay lôi kéo, hay thuần tuý bởi việc ban nghi thức rửa tội.

Một vấn đề nghiêm trọng là sự hiểu sai về ý nghĩa của các thuật ngữ nhạy cảm như hoán cải, rửa tội, đối thoại, v.v… Đây là điều cũng đáng phải lưu tâm. Bất chấp mọi trở ngại trên đường, sứ vụ rao giảng Tin Mừng – tất yếu bao gồm đối thoại và rao giảng – phải được tiếp tục, vì Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ phổ quát.

Đức Giáo hoàng Phaolô VI từng nói, “Việc trình bày sứ điệp Phúc Âm không phải là một công việc tùy ý Hội Thánh. Nó là một bổn phận Hội Thánh phải làm do lệnh truyền của Chúa Giêsu, để người ta có thể tin mà được cứu độ.”[21] Văn kiện D&P có lý khi dẫn chứng Tông đồ Gioan là người tự giới thiệu mình trước hết là một chứng nhân, nghĩa là người đã thấy Đức Giêsu và khám phá mầu nhiệm của Đức Giêsu (x. Ga 13,23-25; 21,24). “Chúng tôi công bố cho anh em điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” – về Lời sự sống – ”để cả anh em cũng được chia sẻ sự sống của chúng tôi” (1 Ga 4,14).

Đối thoại và Rao giảng trở thành đáng tin và hiệu quả khi đó là sự biểu lộ các niềm xác tín và cam kết của chúng ta. Đương nhiên thần học và các khái niệm có ý nghĩa xác định của chúng, nhưng chúng phải được trình bày bằng những hình thức hiện sinh và kinh nghiệm.

Các đoạn văn tiêu cực vì bối cảnh thời đại

Thánh Phaolô nói tiêu cực về những người đã không nhận biết Thiên Chúa trong công trình tạo dựng của Người và đã rơi vào tình trạng sùng bái ngẫu tượng và nếp sống đồi truỵ (x. Rm 1,18-32). Nhưng ngài cũng cho thấy một thái độ tích cực đối với Dân Ngoại (x. Cv 14,8-18; và 17,22-34). Chắc chắn rằng Đức Giêsu soi sáng cho hết mọi người (x. Ga 1,9). Đối với chúng ta, nhu cầu cấp bách là có một cái nhìn phê bình về những đoạn văn tiêu cực trong Kinh Thánh, liên quan đến những người ngoại giáo, những lương dân, những người Ai Cập, những người tôn thờ ngẫu tượng, phụ nữ, v.v…

Do đó, đặc biệt khi các Kitô hữu chỉ là một thiểu số trong cộng đồng, những người giảng thuyết và truyền giáo cần giúp cho người nghe hiểu đúng những đoạn văn Kinh Thánh bị chi phối bởi bối cảnh thời đại như thế. Với sự phân định sáng suốt, chúng ta cần tách riêng Lời của Thiên Chúa với những lời của loài người mà qua đó Lời của Thiên Chúa đến với chúng ta. Lắm khi ngay cả người Công giáo cũng không có khả năng cắt nghĩa đúng những đoạn văn như thế. Những đoạn văn tiêu cực ấy được công bố trong Phụng vụ. Cần phải cẩn thận cắt nghĩa một cách khôn ngoan để Lời của Thiên Chúa không gây ra tức giận, khó chịu, nhưng soi sáng và an ủi người nghe.

Chắc chắn có những yếu tố và những phần trong các tôn giáo khác mâu thuẫn, bất nhất, thậm chí không thể phù hợp với mặc khải Kitô giáo. Những yếu tố ấy có thể được đưa ra xem xét đúng lúc, với thái độ khiêm tốn và khôn ngoan và san khi đã dùng tình yêu chinh phục được sự tin cậy của các tín đồ khác đạo, hãy nhớ rằng bản thân chúng ta cũng có những ý tưởng và những việc thực hành cần được xét lại, vì Mặc Khải thì hoàn hảo, nhưng chúng ta thì không.

Lời xin lỗi của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II có một ý nghĩa đặc biệt cho người dân Châu Á. Ngài nói: “Chúng ta hãy xin được tha thứ … vì hành vi bạo lực mà một số người đã sử dụng trong việc phục vụ sự thật, và vì những thái độ nghi kỵ và thù nghịch đối với những tín đồ thuộc các tôn giáo khác”[22] Người ta có thể sẵn sàng chấp nhận một lời phê bình có cơ sở và xây dựng khi được nói ra với thái độ khiêm tốn, nhưng những bình phẩm tiêu cực thì chỉ làm người nghe thêm cứng lòng và như thế làm cho việc rao giảng Tin Mừng càng khó khăn hơn, như được chứng minh bởi sự trỗi dậy hiếu chiến trong các tôn giáo khác.

Ở đây, cũng hữu ích để chỉ ra rằng cộng đồng Kitô giáo bắt nguồn từ thời các tông đồ – nhiều thế kỷ trước khi nhiều quốc gia Châu Âu đón nhận Kitô giáo – với các truyền thống bắt nguồn từ Thánh Tôma Tông đồ[23]. Mặc dù thế, khá nhiều người vẫn coi Hội Thánh xa lạ với Châu Á[24]. So với tín đồ của các tôn giáo khác, các Kitô hữu thường tạo ấn tượng họ là một cộng đồng rất Tây hóa tại những đất nước như Ấn Độ, Pakistan, Philippine, Malaysia, Singapore, Sri Lanka, v.v…

Điều này một phần cũng là vì các trường học do Hội Thánh trông coi chủ yếu dạy bằng tiếng Anh, và những người Công giáo thường theo nếp sống cũng như các giá trị Phương Tây. Có những cộng đồng Công giáo địa phương bị Tây hóa đến mức như là đã trở thành những thuộc địa của những công dân nói tiếng Anh không có khả năng giao tiếp với nhau bằng bất cứ thứ tiếng Ấn Độ nào.

Nhập Thể đòi hỏi hội nhập văn hóa

Bằng việc nhập thể, Đức Giêsu đã hòa nhập vào mọi thực tại và mọi nền văn hóa để kiện toàn những thực tại ấy. Vì vậy, Hội Thánh tại Châu Á phải tiếp thu nhiều nền văn hóa của Châu Á để biến đổi chúng từ bên trong, trong tinh thần của mầu nhiệm Nhập Thể. Các khuôn mẫu và phạm trù tư tưởng La-Hy có những giá trị xứng đáng của chúng, nhưng chúng cần được tích hợp với cách diễn tả và thực hành của Châu Á.

Trong một thế giới toàn cầu hóa, không có gì sai khi chấp nhận tiếng Anh và các giá trị của xã hội Phương Tây, nhưng không được phương hại đến cội nguồn của chúng ta. Tại một châu lục mà người Kitô hữu chỉ chiếm 3 phần trăm dân số, nền văn hóa nổi trội được hình thành bởi các tôn giáo khác và các nền văn hóa khác. Người ta thường nói: “Ở Rôma thì sống như người Rôma”, nghĩa là nhập gia tùy tục. Vì vậy, ở Châu Á, chúng ta phải chấp nhận các nền văn hóa khác nhau của Châu Á, và điều này dẫn đến các vấn đề của sự hội nhập văn hóa.

Hội nhập văn hóa đích thực giúp Kitô hóa các nền văn hóa địa phương để các nền văn hóa địa phương cũng định hình đời sống của các cộng đồng Kitô giáo. Một sự thâm nhập lẫn nhau như thế là điều bắt buộc để sứ vụ của Hội Thánh phát triển và hôm nay nó càng trở nên cấp bách hơn vì hiện tượng toàn cầu hóa đang đe dọa các nền văn hóa địa phương. Khó có thể thấy được làm thế nào sứ điệp của Hội Thánh có thể trở nên dễ hiểu và viên mãn nếu không có một tiến trình hội nhập văn hóa đúng đắn và sáng suốt. Như thế, chúng ta được kêu gọi đối diện với những vấn đề phức tạp cả trong lãnh vực đối thoại và văn hóa[25].

Ngay từ thế kỷ 17 trở lại đây, đã có những cố gắng nghiêm túc để hội nhập đức tin Kitô giáo vào các nền văn hóa Á Châu và chấp nhận một số các việc thực hành, các khái niệm, âm nhạc và nếp sống của người dân bản địa. Matteo Ricci, Roberto de Nobili, Stephen Thomas, Joseph Vaz, Brahmabandhab Upadhyay và nhiều người khác đã có những cố gắng đáng khen ngợi nhằm tạo ra một sự thẩm thấu và phối hợp đáng tin cậy giữa đức tin Kitô giáo và các tôn giáo lớn khác. Chính nhờ tính đáng tin cậy của những nhà tiên phong tận tuỵ và thông thái mà viễn ảnh về một Hội Thánh địa phương hội nhập đích thực tại Châu Á đang dần dần được nhìn nhận[26].

Văn phòng Loan báo Tin Mừng của FABC đã tổ chức một Hội nghị Tham vấn về đề tài “Loan báo Tin Mừng và Hội nhập văn hoá”, hợp tác với Trung tâm Thánh Kinh Huấn giáo và Phụng vụ (National Biblical Catechetical and Liturgical Centre – NBCLC), tại Bangalore, Ấn Độ, năm 2000. Các thành viên tham dự Hội nghị cảm thấy rằng: “Vì rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ trọng tâm của các Giáo hội Á Châu và vì thế là của tất cả các Văn phòng của FABC, chúng tôi khuyến nghị rằng chiều kích hội nhập văn hóa phải hiện diện trong các hoạt động của tất cả các Văn phòng khác của FABC.”[27]

Việc hội nhập văn hóa đáng tin cậy đòi hỏi hàng giáo phẩm phải tránh tình trạng quá quan liêu, tự tôn, nhưng phải sống với tinh thần bình đẳng và tính giản dị khiêm tốn, không phô trương. Vẫn còn tồn tại một khoảng cách giữa lãnh đạo giáo hội và người dân. Lý do cũng có thể là vì các mối quan tâm về chức vụ/quản trị, đây cũng là điều cần phải điều chỉnh lại.

Tại Châu Á, các lãnh đạo tôn giáo được tôn trọng như là những người có trải nghiệm thiêng liêng thâm sâu về Thiên Chúa. Tại Châu Á, những người lãnh đạo tôn giáo được mong đợi phải không dính bén với của cải, với con người và địa vị. Các cộng đồng tôn giáo của họ không có một hệ thống tổ chức phức tạp và quan liêu giống như trong Hội Thánh. Khía cạnh thể chế của Hội Thánh cần phải được đơn giản hóa và những con người nắm giữ quyền bính không được phô trương địa vị và ham muốn phô trương quyền lực bên ngoài. Mọi tác vụ của chúng ta phải được thực thi trong tinh thần an bình, hài hòa, bình đẳng và huynh đệ[28]. Điều đáng mừng là những cố gắng nghiêm túc đang được thực hiện theo hướng này.

Giải phóng con người

Chúng ta nhìn thấy tại Châu Á nói chung, và tại Ấn Độ nói riêng: Một mặt là sự hiện diện tràn lan của vô số các truyền thống tôn giáo và ý thức hệ khác nhau, và mặt khác là tình trạng đói nghèo và áp bức chính trị rộng khắp.

Phần lớn dân Châu Á sống trong cảnh nghèo khổ. Thật đáng buồn, tại Châu Á khoảng 40 phần trăm trong 780 triệu người dân sống dưới mức 2 US$ một ngày, với tất cả những điều xấu xa, những đau khổ, tình trạng mù chữ, mất nhân phẩm, bệnh tật, v.v… phát sinh từ đó[29]. Trong bối cảnh đáng sợ này, Hội Thánh phải nhất quán làm việc cho bác ái, trợ giúp, công bằng xã hội và hòa bình với sự dấn thân mạnh mẽ hơn. Một chương trình đáng tin cậy vì công lý và hòa bình đích thực phải bao gồm một hoạt động toàn diện để xoá bỏ nghèo đói trong tình liên đới với người nghèo. Như thế, cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại vì sự phát triển toàn diện, công bằng xã hội và giải phóng con người.

Cũng có nhu cầu liên kết với nhau trong cố gắng giải quyết những vấn đề lớn mà xã hội và thế giới đang phải đối mặt, tình trạng nghèo đói, nạn bạo hành phụ nữ, hệ thống đẳng cấp bất hợp lý, hệ sinh thái bị tàn phá, v.v… Một nhu cầu cấp bách của Châu Á là phải hiểu ra rằng chúng ta không thể sống và hoạt động cô lập với người khác, nhưng phải làm mọi sự trong tình liên đới với những người khác thuộc các môi trường khác nhau. Do đó Hội Thánh tại Châu Á và Ấn Độ phải liên kết với rất nhiều phong trào khác nhau đang hoạt động cho sự đổi mới xã hội, công lý và hệ sinh thái đang kêu gọi sự công bằng và bảo vệ quyền con người. Tình hình địa chính trị tại Châu Á rất mong manh. Khủng bố và bạo lực đang tràn lan trong xã hội Châu Á ở mọi bình diện. Có những cuộc chiến và xung đột địa chính trị, tôn giáo và cộng đồng tại các quốc gia như Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Philippine, Thái Lan, v.v… Trong tình hình như thế, các lãnh đạo Hội Thánh phải nổi lên như là những người xây dựng hòa bình. Để giải quyết các vấn đề và các xung đột này, các phương pháp và các kỹ năng phải được thúc đẩy ở mọi bình diện.

Cả người lãnh đạo cũng như người dân cần phải học cách giải quyết các vấn đề và các xung đột. Hội Thánh phải có những bước đi nhằm tạo ra một tiến trình chữa lành trong một thế giới bị xâu xé và đổ vỡ.

“Tại nhiều nơi trên thế giới, cần có những con đường cho hòa bình để chữa lành những vết thương chưa được chữa lành. Cũng cần có những con người xây dựng hòa bình, những người nam người nữ được đào tạo để hoạt động một cách mạnh bạo và sáng tạo nhằm khởi xướng những tiến trình chữa lành và gặp gỡ mới mẻ.”[30]

Đương nhiên Hội Thánh không làm chính trị, nhưng chắc chắn Hội Thánh có thể dấn thân bênh vực công lý và hòa bình một cách nghiêm túc hơn.

Trong vài thế kỷ, Hội Thánh tại Châu Á đã có một sự cống hiến quyết định cho sự biến đổi xã hội, và sự cống hiến này đã được đánh giá cao bởi những tín đồ của các tôn giáo khác. Tại Ấn Độ, chẳng hạn, vai trò rõ rệt của các nhà truyền giáo trong tiến trình khó khăn của việc biến đổi xã hội đã rất được hoan nghênh. Nhiều nhà cải cách, nhiều lãnh tụ xã hội, chính trị và quốc gia của Ấn Độ đã được cảm hứng rất nhiều bởi các giá trị Kitô giáo mà họ đã được hấp thụ trong nền giáo dục Phương Tây.

“Loan báo Tin Mừng có nghĩa là đem Tin Mừng vào trong mọi giai tầng của nhân loại, và nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng mà biến đổi và đổi mới nhân loại từ bên trong.”[31]

Loan báo Tin Mừng không phải là một cái gì ở bên ngoài và vô dụng. Đúng hơn, nó giống như men, dù chỉ một dúm nhỏ nhưng đủ tác động để làm cho bột dậy men từ bên trong. Tại các nước Châu Á, vì Hội Thánh chỉ là một thiểu số, khái niệm loan báo Tin Mừng rộng rãi có ý nghĩa đặc biệt. Có một phạm vi rộng cho việc thực thi một việc rao giảng biến đổi cuộc sống khi chúng ta nghĩ đến những căn bệnh tràn lan như nghèo đói, bất bình đẳng, bóc lột, hệ thống đẳng cấp, mù chữ, kỳ thị giới tính, v.v… Nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động vì sự đổi mới xã hội có thể là một con đường êm ả hơn để đi đến đối thoại liên tôn và rao giảng Đức Giêsu.

Truyền thông xã hội

Tại Châu Á, chúng ta phải kiên trì sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để thúc đẩy Tin Mừng. Các tiện ích như mạng Internet, You Tube, Facebook, email, v.v…, có thể được sử dụng một cách thận trọng để phục vụ việc rao giảng. Vì việc rao giảng minh nhiên có những khó khăn của nó trong việc thông truyền sự sống và sứ điệp của Đức Giêsu, các giá trị Tin Mừng và giáo huấn xã hội của Hội Thánh có thể được truyền đạt một cách dễ dàng và mau chóng hơn rất nhiều cho mọi người nhờ các phương tiện truyền thông xã hội.

“Các phương tiện ấy là những ân huệ của Chúa và là cơ hội để kiến tạo các mạng lưới kết nối xã hội và vun đắp tình bạn và sự hiệp thông. Chúng tôi cũng nhìn nhận tiềm năng và những cơ hội vô biên mà các phương tiện mới cống hiến cho việc giáo dục, loan báo Tin Mừng và giáo dục đức tin.”[32]

Kết luận

Văn kiện này với các suy tư của nó về Đối thoại và Rao giảng phải được hoan nghênh vì cách trình bày rất tích cực, cởi mở một cách mạnh dạn và toàn diện về thần học. Sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh cần phải được bền bỉ cập nhật trong tinh thần cuộc tân Phúc âm hóa. “Nhìn về tương lai với sự dấn thân cho một cuộc Phúc Âm hóa mới mẻ, mới trong nhiệt huyết, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn đạt.”[33] Loan báo Tin Mừng không thể được thực hiện một cách máy móc và khuôn sáo. Nó cần những sáng kiến giàu tính sáng tạo dưới ánh sáng của tình hình thay đổi không ngừng trong Hội Thánh, xã hội và thế giới.

Với tất cả sự mãn nguyện, chúng ta phải ghi nhận tính cởi mở và sự quý trọng mà Văn kiện này dành cho các tôn giáo khác và các truyền thống của họ, đồng thời tuân giữ lệnh truyền vĩnh viễn phải rao giảng. Tuy nhiên, các quan điểm chung của Văn kiện phải được áp dụng với sự thận trọng và phân định sáng suốt trong bối cảnh thực tế phức tạp của Châu Á. Được sinh động bởi văn kiện mục vụ rất soi sáng này, sứ vụ đầy thách thức của Đối thoại liên tôn và Rao giảng chắc chắn có thể được thúc đẩy xa hơn.

Chuyển ngữ: Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên
Từ: Tập san Pro Dialogo số 167 (LVI) 01/2021 của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, link tại dimmid.org

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 136 (Tháng 7 & 8 năm 2023)

 



[1]
 Giám mục giáo phận Puna (Ấn Độ); Nguyên thành viên Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn.

[2] Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn (Pontifical Council for Interreligious Dialogue – viết tắt là PCID) là một cơ quan của giáo triều Rôma, đã được thiết lập bởi ĐGH Phaolô VI ngày 19 tháng 5, 1964 với tên gọi là ‘Văn phòng cho những người ngoài Kitô giáo’, sau này được ĐGH Gioan Phaolô II đổi tên vào ngày 28 tháng 6, 1988.

[3] Văn kiện này của PCID có nhan đề: Dialogue and Proclamation: Reflection and Orientations on Interreligious Dialogue and the Proclamation of the Gospel of Jesus Christ, được công bố ngày 19 tháng 5, 1991 – Từ đây được viết tắt là D&P, tại https://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/interelg/documents/rc_pc_interelg_doc_19051991_dialogue-and-proclamatio_en.html

[4] Xem DAP các số 2,3,9,10, 14–54 và 55–76. The following two sections form the major part of the discussion on Dialogue and Proclamation, respectively.

[5] Nostra Aetate, số 2. Bản dịch tiếng Việt của Giáo hoàng Học viện Piô X.

[6] Xem D&P, số 88.

[7] Xem Jacques Dupuis, chủ biên, The Christian Faith in the Doctrinal Documents of the Catholic Church, ấn bản 6, New York, Alba House, 1995, số 1031, 399.

Đây là bản thánh ca từ quyển Brihadaranyaka Upanisad, 1,3,28 của Ấn giáo. Và Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 38 tại Bombay, Ấn Độ, 1964.

[8] Xem D&P, số 1, cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc rao giảng bên cạnh việc đối thoại trong NA số 2.

[9] Theo số liệu cuộc điều tra dân số năm 2011 của Ấn Độ. Xem https://en.wikipedia.org/wiki/Religion_in_India; truy cập ngày 12 tháng 1, 2021.

[10] Những lời phát biểu này – được gợi hứng bởi Gaudium et Spes,số 35 – được trích từ “The Final Statement of the 7th Plenary Assembly of the Federation of Asian Bishops’ Conferences (FABC), Samphran, Thailand, 3-12 tháng 1, 2000, Phần I, n.5; bản văn đầy đủ có thể truy cập tại: https://www.ucanews.com/story-archive/?post_name=/2000/04/11/final-statement-of-seventh-fabcplenary-assembly&post_id=1116#accessed  on January 12, 2021.

[11] Xem D&P, số 77.

[12] Xem D&P số 9.

[13] Xem D&P số 4. Điều này cũng được nêu bật trong Ecclesia in Asia, ch. 1, về Bối cảnh Châu Á.

[14] Xem Evangelii Nuntiandi, Tông huấn của ĐGH Phaolô VI, số 27 (1975). Từ đây viết tắt là EN.

[15] Xem D&P số 66, trích dẫn EN số 5.

[16] Xem D&P, số 41.

[17] Xem Vaticanô II, Ad Gentes, số 9

[18] Vaticanô II, Nostra Aetate, số 2; xem D&P số 17.

[19] Xem D&P, số 74.

[20] Xem EN, số 22.

[21] Xem EN, số 6.

[22] Lấy từ một bài giảng của ĐTC ngày Chúa nhật, 12-3-2000, được Hồng y Blasé J. Cupich dẫn trong “Evangelization: What is it? What is it not?”, có thể truy cập tại:  https://www.chicagocatholic.com/cardinal-blase-j.-cupich/-/article/2018/02/07/evangelization-what-is-it-what-is-it-not-

[23] Để biết thêm chi tiết về lịch sử Kitô giáo tại Ấn Độ, xem John Dayal, Dominic Emmanuel và Francis Gonsalves, “Christians in India,” trong The Other Side: Redefining Bharat, ed., idem., New Delhi, Vitasta and Times Group Books, 2012, tr. 1-32.

[24] Chẳng hạn, xem Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng của ĐGH Gioan Phaolô II năm 1999, Ecclesia in Asia, ch. I và số 20.

[25] Xem D&P, số 45.

[26] Xem Falcao, Nelson. The Kristapurana of Tomas StephensS.J. (15491619) – An EnglishTranslation. Kristu Jyoti College, Bangalore 2012 và The Kristapurana of Tomas Stephens, S.J(1549-1619) – A Marathi Translation. Kristu Jyoti College, Bangalore 2009. Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, ch.1 và số 20 trích dẫn Giovanni da Montecorvino, Matteo Ricci và Roberto de Nobili.

[28] Các giá trị này được thấy trong Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại cho Hòa bình Thế giới và Sống Chung, được ký chung bởi Đức giáo hoàng Phanxicô và lãnh tụ Hồi giáo Ahmad Al-Tayyeb của Al-Azhar, ngày 4-2-2019. Bản văn được truy cập tại: http://www.vatican.va/content/francesco/en/travels/2019/outside/documents/papa-francesco_20190204_documento-fratellanza-umana.html; truy cập ngày 13-1-2021.

[29] Xem Báo cáo của Ngân hàng Thế giới 2018. Đại dịch Covid-19 đã làm cho tình hình này còn tồi tệ hơn.

[30] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54, 2021.

[31] EN, số 18.

[32] Hội nghị 8 của “Viện Giám mục về Truyền thông Xã hội” (BISCOM VIII), Tuyên bố chung, Bangkok, Thái Lan, 3–9 tháng 9, 2012.

[33] ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn từ cho các Giám mục Châu Mỹ Latinh, 1983.

 

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Tại thị quốc của những tòa nhà chọc trời, Đức Giáo Hoàng ca ngợi một tình yêu xây dựng
Tại thị quốc của những tòa nhà chọc trời, Đức Giáo Hoàng ca ...
Bài giảng của Đức Phanxicô trong Thánh Lễ khai mạc phiên họp toàn thể thứ hai của Thượng hội đồng
Bài giảng của Đức Phanxicô trong Thánh Lễ khai mạc phiên họp toàn ...
Khi Thượng hội đồng khai mạc, Vatican nói không với vấn đề nữ phó tế
Khi Thượng hội đồng khai mạc, Vatican nói không với vấn đề nữ ...