Theo Elise Ann Allen của tạp chí CruxNow, khi Thượng Hội đồng Giám mục về Tính đồng nghị đang diễn ra của Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc giai đoạn thứ hai và chuẩn bị cho cuộc họp đầu tiên trong số hai cuộc họp lớn tại Rôma, các nhà tổ chức đã cho biết một chủ đề nổi bật trong tiến trình này là cổ vũ tính đa dạng của Giáo hội.
Phát biểu với các thành viên báo chí hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám Mục Timothy John Costelloe của Perth, chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc, cho biết: “Một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta đang trải nghiệm trong cuộc hành trình, và trải nghiệm một cách rất mạnh mẽ trong các phiên họp cấp châu lục này, là thực sự có nhiều hơn một cách để trở thành Giáo hội.”
Ngài nói, “Tôi nghĩ đó là một điều rất quan trọng và là một điều đang xuất hiện như một đặc điểm quan trọng của hành trình đồng nghị này”.
Theo ngài, khi tiến trình thượng hội đồng diễn ra, “chúng ta sẽ trải nghiệm sâu sắc hơn về tính đồng nghị và khi làm điều đó, chúng ta đang nhận ra và tôn vinh thực tại đa dạng lớn lao này”.
Sự đa dạng luôn là một phần của Giáo hội, nhưng Đức Tổng Giám Mục Costelloe bày tỏ niềm tin chắc rằng đó là điều mà “chúng ta cần phải thừa nhận và ngày càng nhiều hơn nữa để ăn mừng và biết ơn Thiên Chúa.”
Ngài cho biết, “Tôi muốn nói rằng những gì đang xảy ra, cả trong thế giới lý tưởng, lẫn trong thực tế, là chúng ta đang bắt đầu trải nghiệm một sự thống nhất sâu sắc, một điều vốn không dựa trên sự độc dạng, vì tất cả chúng ta đều biết, thống nhất và độc dạng không phải cùng là một điều”.
Đức Tổng Giám Mục Costelloe đã phát biểu cùng với các nhà tổ chức khác, bao gồm Sơ Nathalie Becquart, Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, tại một cuộc họp báo về việc kết thúc giai đoạn lục địa của thượng hội đồng, trong đó có bảy phiên họp các giám mục lục địa và các đại biểu khác thảo luận về những thách thức và cơ hội mà giáo hội của họ đang đối diện.
Được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chính thức khai mạc vào tháng 10 năm 2021, Thượng hội đồng Giám mục về tính đồng nghị có tên chính thức là “Vì một Giáo hội đồng nghị: Hiệp thông, Tham gia, Sứ mệnh,” và là một tiến trình gồm nhiều giai đoạn sẽ đạt đến cao điểm trong hai cuộc họp tại Rôma vào tháng 10 năm nay và tháng 10 năm 2024.
Mặc dù vẫn còn khó định nghĩa đối với nhiều người, nhưng “tính đồng nghị” thường được hiểu là đề cập đến phong cách quản lý hợp tác và tư vấn, trong đó tất cả các thành viên, giáo sĩ và giáo dân, tham gia đưa ra quyết định về đời sống và sứ mệnh của Giáo hội.
Từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10, các giám mục và các đại biểu được chọn, bao gồm cả giáo dân, sẽ tập trung tại Rôma để tham gia phần đầu của cuộc thảo luận gồm hai phần, sẽ kết thúc bằng một cuộc tập hợp tương tự vào tháng 10 năm 2024. Theo các nhà tổ chức, thao tác này nhằm mục đích làm cho Giáo Hội trở thành một nơi cởi mở và chào đón hơn, ít bị chi phối bởi cấu trúc quyền lực giáo sĩ và nhiều hơn về việc lãnh đạo theo lối hợp tác.
Sau khi tham khảo ý kiến ban đầu với giáo dân ở cấp giáo phận, các báo cáo tóm tắt các kết luận đã được gửi đến các hội đồng giám mục quốc gia và một tài liệu đã được soạn thảo làm cơ sở suy tư cho giai đoạn châu lục của thượng hội đồng.
Tài liệu, được công bố vào tháng 10 năm ngoái, đã đưa ra một cái nhìn hoàn cầu về những gì người Công Giáo ở mọi bình diện của Giáo Hội tin rằng cần phải xảy ra để trở thành một nơi chào đón và hòa nhập. Tài liệu đã công khai đề cập đến các chủ đề cấm kỵ trong Giáo Hội, chẳng hạn như cách đối xử với cộng đồng LGBTQ, các gia đình trong các tình huống bất hợp lệ như các cặp vợ chồng ly hôn và tái hôn, và việc bao gồm phụ nữ, trong đó có việc phong chức linh mục cho phụ nữ, cũng như các chủ đề liên quan đến khu vực, chẳng hạn như môi trường và những người sống trong bối cảnh chiến tranh.
Là một phần của giai đoạn lục địa, bảy Phiên họp đã được tổ chức từ tháng Hai đến tháng Ba năm nay để các giám mục thảo luận về tài liệu của giai đoạn lục địa và các vấn đề xuất hiện trong khu vực của họ. Các kết quả đã được gửi đến Vatican để hỗ trợ việc chuẩn bị cho cuộc họp tháng 10 tại Rôma.
Các Phiên họp lục địa bao gồm các khu vực Bắc Mỹ, Châu Đại Dương, Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Madagascar, Châu Mỹ Latinh và Caribê và Trung Đông.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm, Nữ tu Becquart lặp lại nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Costelloe, ca ngợi sự đa dạng của mỗi phiên họp lục địa và của Giáo Hội địa phương ở những khu vực tổ chức phiên họp.
Bà nói: “Sự đa dạng có thể là một con đường dẫn đến sự hiệp nhất” trong Giáo Hội, đồng thời cho biết mỗi Giáo Hội địa phương “có một điều gì đó để chia sẻ với người khác” và trong mỗi hội đồng, “có một điều gì đó được trao tặng như một món quà”.
Nữ tu Becquart, người đã tham dự phần lớn trong bảy phiên họp châu lục, cho biết một trong những khía cạnh nổi bật nhất của giai đoạn thượng hội đồng này là được trải nghiệm cuộc sống của giáo hội địa phương ở mỗi nơi.
Bà lưu ý rằng trong cuộc họp toàn lục địa về Trung Đông, được tổ chức ở Libăng và có sự tham dự của những người đứng đầu nhiều nghi lễ và giáo hội khác nhau trong khu vực, đã nhận xét rằng thường là các giám mục phải đến [Rôma], nhưng thay vào đó, lại có các viên chức chính thức từ giáo triều Rôma đến với các ngài.
Bà cho rằng “Bây giờ bạn không thể nghĩ Giáo hội chỉ có người Công Giáo địa phương”. Bà nhận định rằng phần lớn là do di cư và sự ra đời của thế giới kỹ thuật số, các cộng đồng địa phương không còn bị cô lập với những cộng đồng khác, và nhiều cộng đồng có các thành viên đến từ các khu vực khác nhau, có nghĩa là Giáo hội “không thể chỉ coi mình là Giáo hội địa phương với người dân địa phương.”
Nói về tiến trình thượng hội đồng, bà nói, “chúng ta sống nó như một sự trao đổi ơn phúc: mỗi nền văn hóa, mỗi giáo hội địa phương, có một điều gì đó để hiến tặng người khác. Trong mỗi bạn đều có những hạt giống của tính đồng nghị, nhưng cũng có những trở ngại.”
Bà nói: “Việc có tất cả những sự đa dạng này không phải là một trở ngại”, đồng thời cho biết một trong những câu hỏi chính mà thượng hội đồng phải xem xét là, “Điều gì nên được quyết định ở mỗi bình diện” của Giáo hội, và “làm thế nào để nói rõ được nguyên tắc đặc thù này là sự hợp nhất với sự thích ứng và sự linh hoạt.”
Ngoài bảy Phiên họp châu lục, một “thượng hội đồng kỹ thuật số” song song đã được tổ chức trực tuyến, một thượng hội đồng, theo Cha Lucio Adrián Ruiz, tổng thư ký Thánh Bộ Truyền thông của Vatican, nhằm thu thập khoảng 150,000 câu trả lời từ 115 quốc gia trên thế giới.
Ngài nói, hầu hết những người tham gia ở độ tuổi 18-40 và khoảng 30% là người không có đức tin, đồng thời cho biết kết quả của các cuộc thảo luận trực tuyến diễn ra sẽ là một phần quan trọng của cuộc thảo luận tháng 10.
Cha Hyacinthe Destivelle thuộc Thánh Bộ Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo của Vatican cũng tham dự cuộc họp báo hôm thứ Năm để thảo luận về bốn hội nghị quốc tế diễn ra từ năm 2022 đến 2023 nhằm khám phá khía cạnh đồng nghị trong bốn truyền thống Kitô giáo khác nhau: Các Giáo Hội Chính thống và Chính thống giáo Đông phương, phong trào Thệ phản lịch sử và các thực tại giáo hội mới.
Cha Destivelle nói, “Tính đồng nghị và phong trào đại kết trên thực tế là hai con đường có một mục tiêu chung: một chứng tá tốt hơn của các Kitô hữu ngày nay, ‘để thế giới tin tưởng’”.
Khi được các phóng viên hỏi xem vẫn còn những trở ngại nào trong quá trình này và liệu có bất cứ sự minh xác nào nữa về ý nghĩa của tính đồng nghị đối với những người vẫn còn bối rối hay không, Nữ tu Becquart cho biết thượng hội đồng là một diễn trình diễn ra “từng bước một” và không phải ai cũng sống tính đồng nghị theo cùng một cách.
Tuy nhiên, bà nói rằng theo kinh nghiệm của mình, các Phiên họp châu lục đã thể hiện “một cam kết lớn hơn để tiếp tục con đường đồng nghị và xác tín rằng đó là con đường của ngày hôm nay.”
Đức Tổng Giám Mục Costelloe thừa nhận rằng một số người vẫn đang vật lộn với diễn trình “và không hiểu nó”.
Ngài nói “Cách duy nhất để hiểu hành trình thượng hội đồng là tham dự vào hành trình thượng hội đồng, và tham dự vào trong nó sẽ giúp chúng ta hiểu nó là gì”, đồng thời ngài lưu ý rằng cho đến nay vẫn còn nhiều người chưa tham dự vào thượng hội đồng, "nhưng lời mời vẫn có đó."
Ngài cảnh cáo việc muốn có câu trả lời ngay lập tức “cho một điều gì đó sẽ chỉ được biết khi cuộc hành trình tiếp diễn. Chúng ta cần phải kiên nhẫn và để nó khai mở, sử dụng tất cả các kỹ năng và hiểu biết mà chúng ta có, và tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt chúng ta theo hướng chúng ta cần đi.”
Một điều mà Đức Tổng Giám Mục Costelloe coi là chìa khóa để hiểu về thượng hội đồng khi nó tiến triển, đó là, khác với các cuộc họp thượng hội đồng trước đây, diễn trình này không tập trung vào bất cứ vấn đề nào, mà đúng hơn là “một thượng hội đồng về cách thức giáo hội lớn lên trong sự hiểu biết về tư cách là một Giáo Hội đồng nghị, làm thế nào Giáo Hội có thể tìm ra những cách tốt hơn và hiệu quả hơn để giải quyết những vấn đề này”.
Ngài nói: “Một trong những nguy cơ của thượng hội đồng này là chúng ta nghĩ nó như một thượng hội đồng về vấn đề này hay vấn đề kia, nhưng đó là một thượng hội đồng về cách trở thành đồng nghị và giải quyết bất cứ vấn đề nào theo cách thức đồng nghị”.
Nữ tu Becquart cho biết tài liệu làm việc chính thức cho cuộc họp ở Rôma vào tháng 10, được gọi là instrumentum laboris, sẽ được công bố vào tháng 5.
Mặc dù từ chối đưa ra chi tiết cụ thể, nhưng bà đã đưa ra gợi ý về những người, ngoài các giám mục, có thể tham dự với tư cách là thính giả và quan sát viên, lưu ý rằng các phiên họp lục địa cũng có sự tham dự của các nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác, bao gồm cả người Hồi giáo, cũng như những người không có đức tin.