Trong ngày thứ ba làm việc của đại hội đồng lục địa các Giáo hội Châu Đại Dương diễn ra ở Suva (quần đảo Fidji), phó thư ký của THĐ Giám mục, nữ tu Nathalie Becquart, đã gởi lên chủ đề « Trở thành một Giáo hội hiệp hành hơn ». Theo nữ tu, tính hiệp hành biểu lộ đặc tính lữ hành của Giáo hội.
Các Giáo hội của Châu Đại Dương họp châu lục ngày 6/2/2023
Tính hiệp hành, chăm sóc đại dương và đào tạo truyền giáo : những thách thức mục vụ này đã được thảo luận vào ngày 7/2/2023 ở Suva, thủ đô của quần đảo Fidji, bởi Hội nghị của THĐ lục địa Châu Đại Dương. Vào ngày làm việc thứ ba, mở đầu phiên họp, Đức cha Peter Chong Loy, Tổng Giám mục Suva, đã tuyên bố rằng những chủ đề được được chọn bởi bốn Hội đồng Giám mục của Châu Đại Dương như là những chủ đề quan trọng phải suy nghĩ cùng nhau.
Tính hiệp hành, đó là học hỏi cùng nhau
Trong bài tham luận của mình, nữ tu Becquart đã giải thích rằng tính hiệp hành có thể được sánh với một người trưởng thành theo thời gian, nhưng vẫn là như vậy trong căn tính của mình. Sơ cũng nói thêm rằng tính hiệp hành chỉ được học hỏi bằng cách « cùng nhau thực hành » nó, và nó liên quan đến căn tính của Giáo hội.
« Các Đức Cha đang ở đầu của tính hiệp hành », Sơ nói với các Giám mục hiện diện ở hội nghị, và tiếp đến dùng một phép ẩn dụ để giúp hiểu rằng tính hiệp hành là một cái nhìn năng động, chứ không phải tĩnh, về Giáo hội trong lịch sử. Cũng giống như biển là một không gian thay đổi và chuyển động, ngay cả khi nó yên tĩnh. Vì thế, mọi người gặp rủi ro khi họ băng qua nó ; từ đó cần phải biết làm thế nào để duy trì sự cân bằng để tồn tại.
Tiếp đến, Sơ khẳng định rằng Giáo hội thể hiện những khía cạnh trường tồn trong thời gian và không gian, nhưng Giáo hội thích nghi dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đồng thời vẫn luôn trung thành với cội nguồn của mình. Và cũng giống như có một « trọng tâm của kinh nghiệm » trong sự kiện trở thành môn đệ của Chúa Kitô, mỗi Kitô hữu được mời gọi sống cuộc gặp gỡ của mình với Chúa Kitô.
Áp dụng phong cách hiệp hành của Chúa Giêsu
Tính hiệp hành « là cách thức hiện hữu của Giáo hội ngày nay », Sơ nhấn mạnh và đồng thời quy chiếu đến Công đồng Vatican II, khi nêu rõ rằng « Giáo hội đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa » mọi nơi và mọi lúc. Theo nghĩa này, Giáo hội sống một kinh nghiệm về mầu nhiệm vượt qua, đang khi sự đau khổ và những khó khăn là những khía cạnh của tính hiệp hành.
« Trở thành một Giáo hội hiệp hành có nghĩa là áp dụng phong cách hiệp hành của Chúa Giêsu », Sơ nói tiếp, đặc biệt trên « con đường Emmaus ». Và trở lại với hình ảnh biển cả, Sơ nhấn mạnh rằng « việc lắng nghe đại dương và đáp lại những chuyển động của nó » là điều cần thiết.
Nữ tu Becquart lưu ý rằng tính hiệp hành biểu lộ đặc tính lữ hành của Giáo hội. Hình ảnh dân Thiên Chúa quy tụ giữa các quốc gia diễn tả đặc tính xã hội, lịch sử và truyền giáo của mình, tương ướng với tình trạng và ơn gọi trung gian của mỗi con người.
Thực hành giáo hội học của Công đồng Vatican II
Sơ Nathalie sau đó nhận xét rằng lời mời gọi này đối với Giáo hội ngày nay là áp dụng tính hiệp hành như một cách để dấn thân vào thế giới, đồng thời nhấn mạnh rằng « tính hiệp hành là Công đồng Vatican II trong một từ », như một thần học gia người Úc đã nói. Thần học gia này nói : « Những gì chúng ta làm không gì khác hơn là đón nhận giáo hội học của Công đồng Vatican II, đưa nó vào thực hành và theo đuổi việc tiếp nhận liên lỉ Công đồng Vatican II ».
Trọng tâm của tính hiệp hành, như Vatican II diễn tả, nằm trong « ơn gọi chung của chúng ta với tư cách là những người đã được rửa tội ». Quả thế, Giáo hội đã hiểu rằng Chúa Thánh Thần không chỉ nói với « hàng giáo phẩm, mà còn với tất cả những người đã được rửa tội và tất cả những người thành tâm thiện chí ».
Nhưng bây giờ không phải là vấn đề « xóa bỏ hàng giáo phẩm » ; tính hiệp hành, đó là « tìm ra một cách thức liên kết tính tập đoàn và tính hiệp hành » ; điều chỉnh nguyên tắc phẩm trật cấu thành của Giáo hội, vốn đã có từ đầu, với nguyên tắc hiệp hành vốn là hàng đầu.
« Chúng ta là một cộng đồng, tất cả cùng nhau, như một thân thể, và chúng ta đang học lại điều đó », Sơ kết luận và nói thêm rằng « điều đó không dễ dàng chút nào ». Sơ khẳng định, có nhiều thách thức, nhưng
« chúng ta biết rằng Chúa Giêsu Kitô ở với chúng ta và Ngài mời gọi chúng ta thực hiện hành trình này ».
Tý Linh
(theo Bernadette Mary Reis và Tiziana Campisi, Vatican News)