Kết thúc chặng Congo của chuyến tông du châu Phi của mình, hôm 3/2/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu các Giám mục Congo đừng giới hạn hành động của họ vào việc dấn thân chính trị.
Nói gì với các Giám mục của CHDC Congo ? Thông điệp nào gởi đến họ lúc kết thúc chuyến tông du bốn ngày bị ám ảnh bởi cuộc chiến ở phía đông của đất nước, khi Giáo hội là tổ chức vững chắc duy nhất ở CHDC Congo (người Công giáo chiếm 40% dân số), đối mặt với một Nhà nước suy yếu ?
Đó là những câu hỏi mà Đức Thánh Cha cố gắng trả lời trước các Giám mục của Congo, trước khi bay đến Nam Phi.
Đối với các nhà lãnh đạo Công giáo của « Giáo hội mà, như Chúa Giêsu, muốn lau khô nước mắt của người dân », Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài phát biểu của mình, đã gởi đến cả sự khuyến khích và cảnh giác của mình. « Tôi biết ơn anh em về cách thức mà anh em can đảm loan báo sự an ủi của Chúa, bằng cách bước đi giữa dân chúng, chia sẻ đau khổ và hy vọng của họ ».
« Làm cho tiếng nói ngôn sứ của anh em được lắng nghe »
Nhưng, khi gặp gỡ các Giám mục Congo, Đức Thánh Cha cũng muốn nhắc nhở các ngài rằng sự dấn thân chính trị không bao giờ là hành động duy nhất của họ. Đức Thánh Cha khuyên : « Do đó, anh em cũng được kêu gọi để tiếp tục làm cho tiếng nói ngôn sứ của anh em được lắng nghe để các lương tâm cảm thấy bị chất vấn và mỗi người trở thành diễn viên và trách nhiệm cho một tương lai khác ». Đức Thánh Cha nói tiếp : « Nhưng hãy cẩn thận, đó không phải là một hoạt động chính trị ».
Các Giám mục Congo đặc biệt dấn thân vào lãnh vực chính trị, và từ nhiều năm nay rồi. Vào năm 1969, các ngài nằm trong số những người đầu tiên tố giác khuynh hướng độc gtài của chế độ thống soái Mobutu. Gần đây hơn, vào năm 2016, chính các ngài là những người gây áp lực để Tổng thống Joseph Kabila không sửa đổi Hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ thứ hai của ông ngoài những gì luật pháp của nước này quy định. Một thỏa thuận được ký kết vào đêm giao thừa năm 2016, sau các cuộc đàm phán kỳ lạ giữa Giáo hội và các đảng chính trị, như thế đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống, người đã rút lui thực sự vào cuối hai năm sau đó.
Đối với Đức Thánh Cha, nếu « lời ngôn sứ của Kitô giáo » thực sự phải được thể hiện « trong nhiều hoạt động chính trị », thì điều đó không phải là « nhiệm vụ của các Giám mục và mục tử nói chung ». Vì vai trò của các ngài, như Đức Thánh Cha nhấn mạnh,
« là loan báo Lời Chúa
để đánh thức các lương tâm,
để tố giác sự dữ,
để an ủi những người sầu khổ và tuyệt vọng ».
« Những mục tử », « chứ không phải là doanh nhân »
Những phê bình này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mở rộng với sự cảnh giác đối với các linh mục điều hành các doanh nghiệp, một hiện tượng phổ biến nới các nước châu Phi : « Chúng ta là những mục tử và là những tôi tớ của người dân, chứ không phải là những doanh nhân ! », Đức Thánh Cha tuyên bố và đồng thời nhấn mạnh « sự gần gũi » và « chứng tá » của các Giám mục đối với người dân của mình.
« Chúng ta là những mục tử, chứ không phải là những người quản lý tài sản », Đức Thánh Cha ứng khẩu và đồng thời mời gọi có « lòng trắc ẩn », « nghĩa là chịu đau khổ với ». Ngài nhắc lại rằng với tư cách là một Giáo hội, “chúng ta cần hít thở bầu không khí trong lành của Tin Mừng, xua đuổi không khí ô nhiễm của tính trần tục, giữ trái tim trẻ trung của đức tin“.
Một chuyến tông du rất “chính trị”
Tuy nhiên, đây lại là một chuyến tông du rất “chính trị” mà Đức Thánh Cha kết thúc vào ngày 3/2 khi rời Kinshasa. Trước mặt các nhà lãnh đạo chính trị, ngài không bỏ qua những lời phê bình, đến độ báo chí Congo giật tít như « Phanxicô, người xung kích ». Tại sân vận động hôm 2/2, ngài đã yêu cầu 65000 bạn trẻ hô vang câu « Không tham nhũng », trước khi họ bắt đầu những khẩu hiệu chống chính phủ.
Nhưng đối với Đức Phanxicô, những lời cảnh báo này là một câu trả lời trực tiếp cho một mối lo âu. Nếu ngài nhận thức rõ sự dấn thân chính trị của các Giám mục, và ý thức rằng đó là một lực lượng đối lập với chính phủ từ khi đất nước được độc lập, vào năm 1960, thì ngài cũng lo ngại rằng các nhà lãnh đạo Công giáo quá bị lôi cuốn bởi sự dấn thân này để cống hiến hết mình cho người dân của mình.
« Ở nước chúng tôi, các Giám mục nhìn lên cao, hướng về giới chính trị, nhưng quên nhìn xuống, tức là nhìn xuống người nghèo », một nhân vật rất dấn thân trong Giáo hội Congo khẳng định. Một nhận thức được chia sẻ rộng rãi bởi các tín hữu, những người đôi khi coi các Giám mục của mình là chính trị gia, hơn là các mục tử.
Tý Linh
(theo Loup Besmond de Senneville, nhật báo La Croix)