2/1/2023 10:44:33 PM
📷
Bandeko, bobóto [Bình an cho anh chị em]
R/ Bondeko [Chúng ta là anh chị em một nhà]
Bondéko [Chúng ta là anh chị em một nhà]
R/ Esengo [Thật là vui thay]
Esengo, niềm vui: nhìn thấy và gặp gỡ anh chị em thật là niềm vui lớn lao: tôi đã rất trông chờ giây phút này. Cảm ơn anh chị em đã đến đây!
Tin Mừng vừa nói với chúng ta rằng vào chiều ngày Phục Sinh các môn đệ cũng rất vui mừng, và niềm vui này bừng phát “khi họ nhìn thấy Chúa” (Ga 20,20). Trong bầu khí hân hoan và kinh ngạc đó, Đấng Phục Sinh nói chuyện với các môn đệ của Người. Người nói gì với họ? Trên hết là năm chữ: “Bình an cho anh em!” (câu 19). Đó là một lời chào, nhưng hơn cả một lời chào: đó là một món quà. Bởi vì bình an, bình an đã được các thiên thần loan báo trong đêm ở Bêlem (x. Lc 2,14), bình an mà Chúa Giêsu đã hứa để lại cho các môn đệ của Người (x. Ga 14,27), giờ đây, lần đầu tiên, được long trọng ban cho họ. Bình an của Chúa Giêsu, điều cũng được ban cho chúng ta trong mỗi Thánh Lễ, là bình an của lễ Phục Sinh: bình an đến từ sự phục sinh, bởi vì trước tiên Chúa phải đánh bại kẻ thù của chúng ta là tội lỗi và sự chết, và hòa giải thế giới với Chúa Cha. Người đã phải trải qua sự cô đơn và sự bỏ rơi của chúng ta, địa ngục của chúng ta, đón nhận và xoá bỏ những khoảng cách tách chúng ta khỏi sự sống và niềm hy vọng. Giờ đây, sau khi xóa bỏ khoảng cách giữa Trời và Đất, giữa Thiên Chúa và con người, Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ của Người.
Chúng ta hãy đứng vào vị trí của họ. Ngày hôm đó, họ hoàn toàn mất nhuệ khí bởi biến cố thập giá, bị tổn thương trong lòng vì đã chạy trốn và bỏ rơi Chúa Giêsu, thất vọng vì cái kết của Người, và sợ rằng cuộc sống của họ cũng sẽ kết thúc giống như Người. Lòng họ mang mặc cảm tội lỗi, thất vọng, buồn bã, sợ hãi... Tuy nhiên, Chúa Giêsu đến và loan báo bình an ngay cả khi tâm hồn các môn đệ tràn đầy thất vọng. Người loan báo sự sống ngay cả khi họ cảm nhận bị bao quanh bởi sự chết. Nói cách khác, bình an của Chúa Giêsu đến vào lúc họ bất ngờ và ngạc nhiên khi mà mọi sự đối với họ dường như đã kết thúc, khi không có một tia sáng bình an nào. Đây là điều Chúa làm: Người làm chúng ta kinh ngạc, Người nắm tay chúng ta khi chúng ta sắp chìm, Người nâng chúng ta lên khi chúng ta rơi xuống tận đáy. Thưa anh chị em, với Chúa Giêsu, sự dữ không bao giờ chiến thắng, nó không bao giờ có tiếng nói quyết định. “Vì Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14) và bình an của Người chiến thắng. Vì vậy, chúng ta, những người thuộc về Chúa Giêsu, không bao giờ được để cho nỗi buồn ngự trị trong chúng ta, chúng ta không được để cho sự cam chịu và số phận nắm giữ chúng ta. Dù cho bầu khí đó thống trị xung quanh chúng ta, thì chúng ta đừng như vậy. Trong một thế giới chán nản vì bạo lực và chiến tranh, các Kitô hữu phải hành động như Chúa Giêsu. Như muốn nhấn mạnh vào vấn đề, Chúa lặp lại với các môn đệ: Bình an cho anh em! (x. Ga 20,19. 21). Chúng ta được mời gọi để biến thông điệp hòa bình đầy cảm hứng và mang tính ngôn sứ này thành của chúng ta và công bố nó cho thế giới.
Nhưng, chúng ta có thể tự hỏi, làm thế nào chúng ta có thể gìn giữ và vun trồng bình an của Chúa Giêsu? Chính Chúa chỉ cho chúng ta ba suối nguồn bình an, ba nguồn mạch chúng ta có thể kín múc để tiếp tục nuôi dưỡng nó. Đó là sự tha thứ, cộng đoàn và truyền giáo.
Chúng ta hãy nhìn vào nguồn mạch đầu tiên là sự tha thứ. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu các con tha tội cho ai, thì người ấy sẽ được tha” (c. 23). Nhưng trước khi trao quyền tha tội cho các tông đồ, Chúa đã tha thứ cho họ; không phải bằng lời nói, nhưng bằng một hành động, cử chỉ đầu tiên của Đấng Phục sinh. Tin Mừng nói với chúng ta rằng “Người tỏ cho họ xem tay và cạnh sườn Người” (c. 20). Người chỉ cho họ xem những vết thương của Người. Chúa tỏ cho họ xem những vết thương của Người, bởi vì sự tha thứ nảy sinh từ những vết thương. Nó nảy sinh khi những vết thương chúng ta gánh chịu không để lại vết sẹo hận thù, mà trở thành cách thế để chúng ta dành chỗ cho người khác và chấp nhận những yếu đuối của họ. Khi đó, khiếm khuyết của chúng ta trở thành cơ hội và sự tha thứ trở thành con đường dẫn đến hòa bình. Đó không phải là chúng ta bỏ mọi thứ qua một bên và hành động như thể không có chuyện gì xảy ra, nhưng là yêu thương mở lòng với người khác. Đây là những gì Chúa Giêsu làm: trước sự sầu khổ và xấu hổ của những người đã từ chối và bỏ rơi Người, Người tỏ cho thấy những vết thương của Người và mở ra nguồn mạch của lòng thương xót. Chúa không dùng nhiều lời, nhưng mở rộng trái tim thương tích của Người, để nói với chúng ta rằng Người luôn luôn bị thương tích vì yêu thương chúng ta.
Thưa anh chị em, khi tội lỗi và nỗi buồn đè nặng chúng ta, khi mọi thứ không như ý, chúng ta biết nhìn vào đâu: nhìn vào những vết thương của Chúa Giêsu, Đấng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta bằng tình yêu thương vô biên và chịu thương tích của Người. Chúa biết những vết thương của chúng ta, Người biết những vết thương của đất nước của anh chị em, của dân tộc anh chị em, của miền đất của anh chị em! Chúng là những vết thương bỏng rát, liên tục bị nhiễm trùng bởi hận thù và bạo lực, trong khi liều thuốc công lý và dầu hy vọng để xoa dịu dường như không bao giờ đến. Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đau khổ với anh chị em, Người nhìn thấy những vết thương anh chị em mang trong lòng và muốn an ủi và chữa lành cho anh chị em bằng cách trao cho anh chị em trái tim thương tích của Người. Thiên Chúa lặp lại với tâm hồn của anh chị em những lời Người đã nói hôm nay qua ngôn sứ Isaia: “Ta muốn chữa nó cho lành, sẽ dẫn nó đi và cho nó đầy tràn an ủi” (Is 57,18).
Cùng với nhau, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu luôn ban cho chúng ta khả năng được tha thứ và bắt đầu lại, và cũng có sức mạnh để tha thứ cho chính mình, cho tha nhân và cho lịch sử! Chúa Kitô mong muốn điều này: Người muốn xức dầu cho chúng ta bằng sự tha thứ của Người để ban cho chúng ta bình an và can đảm để tha thứ cho người khác, can đảm để thực hiện việc đại xá của tâm hồn cho người khác. Thật tốt biết bao nếu chúng ta gột rửa tâm hồn mình khỏi sự tức giận, day dứt, mọi hiềm khích và hận thù!
Anh chị em thân mến, xin cho hôm nay là giây phút ân sủng để đón nhận và cảm nghiệm sự tha thứ của Chúa Giêsu! Xin cho đây là thời điểm thích hợp cho những người trong anh chị em đang mang một gánh nặng trong lòng và mong muốn trút bỏ chúng để có thể thở phào nhẹ nhõm. Và cầu mong nó là thời điểm thuận lợi cho tất cả anh chị em ở đất nước này, những người tự xưng mình là Kitô hữu nhưng lại tham gia vào bạo lực; Chúa đang nói với anh chị em: “Hãy hạ vũ khí xuống, hãy đón lấy lòng thương xót”. Và với tất cả những người bị thương và bị áp bức của dân tộc này, Người đang nói: “Đừng sợ chôn cất các vết thương của anh chị em trong vết thương của Ta”. Hỡi anh chị em, chúng ta hãy làm điều đó. Đừng ngại tháo cây Thánh giá khỏi cổ và lấy ra khỏi túi của anh chị em, hãy cầm lấy cây Thánh giá trên tay và đặt gần trái tim của anh chị em để chia sẻ những vết thương của anh chị em với những vết thương của Chúa Giêsu. Hãy để Chúa Kitô có cơ hội chữa lành tâm hồn chúng ta, hãy trao cho Người quá khứ, mọi sợ hãi và phiền muộn của anh chị em. Thật đẹp biết bao khi mở những cánh cửa trái tim và những cánh cửa của ngôi nhà cho sự bình an của Người! Và tại sao không viết những lời của Người trên những bức tường trong phòng của anh chị em, trên quần áo của anh chị em, và đặt những lời này như một biển báo bên ngoài nhà của anh chị em: Bình an cho anh chị em! Trưng bày những lời này sẽ là lời tuyên bố mang tính ngôn sứ cho đất nước của anh chị em, và là một phúc lành của Chúa ban cho bất cứ ai anh chị em gặp gỡ. Bình an cho anh chị em: chúng ta hãy nhận lãnh ơn tha thứ của Chúa và đến lượt chúng ta hãy tha thứ cho nhau!
Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào nguồn mạch thứ hai của bình an: đó là cộng đoàn. Chúa Giêsu Phục Sinh không chỉ nói với từng cá nhân các môn đệ của Người; Người gặp gỡ họ cùng với nhau. Người ban bình an của Người cho cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên này. Không có Kitô giáo nếu không có cộng đoàn, giống như không có hòa bình nếu không có tình huynh đệ. Nhưng là một cộng đoàn, chúng ta đang hướng về đâu, chúng ta sẽ tìm thấy bình an ở đâu? Chúng ta hãy nhìn các môn đệ lần nữa. Trước lễ Phục sinh, họ đi theo Chúa Giêsu, nhưng vẫn tiếp tục suy nghĩ theo cách của con người: họ hy vọng vào một Đấng Cứu thế chiến thắng, Đấng sẽ đánh bại kẻ thù của Người, làm nên những điều kỳ diệu và phép lạ, đồng thời làm cho họ trở nên giàu có và nổi tiếng. Thế nhưng những ước muốn trần tục đó đã khiến họ trắng tay và cướp đi sự bình an của cộng đoàn, làm nảy sinh những tranh cãi và chống đối (x. Lc 9,46; 22,24). Chúng ta đối mặt với cùng một mối nguy hiểm: ở bên những người khác, nhưng lại đi con đường của riêng mình; trong xã hội, và ngay cả trong Giáo hội, chúng ta tìm kiếm quyền lực, sự nghiệp, tham vọng của riêng mình… Chúng ta đi theo con đường của riêng mình thay vì con đường của Chúa, và chúng ta kết thúc giống như các môn đệ: đằng sau những cánh cửa đóng kín, không có hy vọng, và đầy sợ hãi và thất vọng. Tuy nhiên, vào Lễ Phục Sinh, một lần nữa họ tìm thấy con đường dẫn đến hòa bình, nhờ Chúa Giêsu, Đấng thổi hơi trên họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Nhờ Chúa Thánh Thần, họ sẽ không còn nhìn vào những gì chia rẽ họ, nhưng nhìn vào những gì liên kết họ. Họ sẽ đi vào thế giới không còn vì bản thân họ, nhưng vì những người khác; không phải để thu hút sự chú ý, nhưng để mang lại hy vọng; không để được chấp thuận, nhưng để vui tươi dành cuộc đời họ cho Chúa và cho những người khác.
Thưa anh chị em, luôn luôn có mối nguy hiểm là chúng ta có thể đi theo tinh thần của thế gian thay vì Thần Khí của Chúa Kitô. Làm thế nào chúng ta có thể cưỡng lại sự cám dỗ của quyền lực và tiền bạc và không đầu hàng trước sự chia rẽ, trước những cám dỗ của việc tìm kiếm danh vọng đang làm xói mòn cộng đồng, và trước những ảo tưởng sai lầm về lạc thú và phù thủy khiến chúng ta trở nên ích kỷ và tự cho mình là trung tâm? Một lần nữa, qua ngôn sứ Isaia, Chúa chỉ đường cho chúng ta. Người nói với chúng ta: “Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát, để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung, và ban sinh lực cho những cõi lòng tan nát” (Is 57,15). Con đường của Chúa là chia sẻ với người nghèo: đó là phương thuốc tốt nhất chống lại những cám dỗ của chia rẽ và thế tục. Hãy có can đảm để nhìn đến người nghèo và lắng nghe họ, bởi vì họ là thành viên của cộng đoàn chúng ta và không phải là những người xa lạ bị khuất xa tầm mắt và lương tâm của chúng ta. Chúng ta hãy mở lòng với người khác, thay vì khép kín trong những vấn đề của riêng mình hoặc những mối quan tâm hời hợt. Chúng ta hãy bắt đầu từ những người nghèo và chúng ta sẽ khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều chia sẻ sự nghèo khó nội tâm, tất cả chúng ta đều cần Thần Khí của Thiên Chúa để giải thoát chúng ta khỏi tinh thần thế tục, và sự khiêm nhường là sự cao cả và tình huynh đệ là của cải đích thực của mọi Kitô hữu. Chúng ta hãy tin tưởng vào cộng đoàn và, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, xây dựng một Giáo hội thoát khỏi tinh thần thế tục, nhưng tràn đầy Chúa Thánh Thần, không quan tâm đến việc tích trữ của cải nhưng tràn đầy tình yêu thương huynh đệ!
Cuối cùng, chúng ta đến nguồn bình an thứ ba là truyền giáo. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Người sai chúng ta như Chúa Cha đã sai Người. Thế nhưng Chúa Cha đã sai Người đến thế gian như thế nào? Chúa Cha đã sai Người đi phục vụ và hiến mạng sống vì nhân loại (x. Mc 10,45), để tỏ lòng thương xót đối với từng người (x. Lc 15) và tìm kiếm những người xa lạc (x. Mt 9,13). Tóm lại, Chúa Cha đã sai Người đến vì mọi người: không chỉ vì người công chính, mà còn vì tất cả mọi người. Theo nghĩa này, những lời của ngôn sứ Isaia một lần nữa vang vọng: “Bình an, bình an cho khắp xa gần, Đức Chúa phán” (Is 57,19). Trước hết là cho những người ở xa, rồi đến những người ở gần: không chỉ cho “những người thuộc chúng ta”, mà còn cho tất cả.
Thưa anh chị em, chúng ta được kêu gọi trở thành những nhà truyền giáo của hòa bình, và điều này sẽ mang lại hòa bình cho chúng ta. Đó là một quyết định mà chúng ta phải đưa ra. Chúng ta cần tìm chỗ trong trái tim mình cho mọi người; tin rằng sự khác biệt về sắc tộc, khu vực, xã hội và tôn giáo chỉ là thứ yếu và không phải là trở ngại; rằng những người khác là anh chị em của chúng ta, là thành viên của cùng một cộng đồng nhân loại; và hòa bình do Chúa Giêsu mang đến cho thế giới là dành cho tất cả mọi người. Chúng ta cần tin rằng Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hợp tác với mọi người, để phá vỡ vòng xoáy bạo lực, để phá bỏ những âm mưu thù hận. Vâng, các Kitô hữu, những người được Chúa Kitô sai đến, được gọi theo bản chất là lương tâm của hòa bình trong thế giới của chúng ta. Không chỉ đơn thuần là những lương tâm phê phán, mà trên hết là những chứng nhân của tình yêu. Không quan tâm đến quyền lợi riêng của họ, nhưng đến những quyền lợi của Tin Mừng, đó là tình huynh đệ, tình yêu và sự tha thứ. Không tìm kiếm lợi ích của riêng mình, mà là những nhà truyền giáo về “tình yêu điên cuồng” của Thiên Chúa dành cho mỗi con người.
Bình an cho anh em, hôm nay Chúa Giêsu nói với mọi gia đình, cộng đoàn, nhóm sắc tộc, khu phố và thành phố ở đất nước tuyệt vời này. Bình an cho anh em! Xin cho những lời này của Chúa chúng ta vang vọng trong sự thinh lặng của trái tim chúng ta. Chúng ta hãy nghe những lời này được nói với chúng ta và chúng ta hãy chọn trở thành chứng nhân của sự tha thứ, những người xây dựng cộng đoàn, những người mang sứ mạng hòa bình trong thế giới của chúng ta.
Moto azalí na matóyi ma koyóka [Ai có tai để nghe]
R/ Ayoka [Xin hãy nghe]
Moto azalí na motéma mwa kondima [Ai có tim để đón nhận]
R/ Andima [Xin hãy đón nhận]
Các tin khác