Giáo hội mang đến cho thế giới món quà hy vọng này có chân trời là sự sống vĩnh cửu, và có người bảo lãnh, là Chúa Giêsu Kitô và sự phục sinh của Ngài.

Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 9 tháng 12, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa đã trình bày bài thuyết giảng tĩnh tâm thứ hai cho Mùa Vọng 2022 trước Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma.

Trong bài thuyết giảng có chủ đề: “Cửa Đức Cậy – Niềm hy vọng đời đời”, Đức Hồng Y đã nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm hy vọng Kitô giáo, và khuyến khích Giáo hội mang đến cho thế giới món quà hy vọng này có chân trời là sự sống vĩnh cửu, và có người bảo lãnh, là Chúa Giêsu Kitô và sự phục sinh của Ngài.

Ngài lưu ý rằng Đền Thờ Giêrusalem có một cánh cửa được gọi là “Cửa Đẹp” (Cv 3:2) và đền thờ của Thiên Chúa, là trái tim của chúng ta, cũng có một “cửa đẹp” là cánh cửa của hy vọng – cánh cửa của chúng ta mở ra chào đón Chúa Kitô đến.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,

cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,

để Đức Vua vinh hiển ngự vào (Tv 24:7)

Chúng ta đã lấy câu thánh vịnh này làm kim chỉ nam cho các bài suy niệm Mùa Vọng, nghĩa là như những cánh cửa mở ra các nhân đức đối thần: tin, cậy, mến. Đền thờ Giêrusalem – chúng ta đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ – có một cánh cửa gọi là “Cửa Đẹp” (Cv 3:2). Đền thờ của Thiên Chúa là trái tim của chúng ta cũng có một “cửa đẹp”, và đó là cánh cửa của niềm hy vọng. Đây là cánh cửa mà hôm nay chúng ta muốn cố gắng mở ra để đón Chúa Kitô, Đấng đang ngự đến.

Chờ đợi niềm hy vọng hồng phúc

Đâu là đối tượng thích hợp của “niềm hy vọng hồng phúc”, mà chúng ta tuyên bố là “đang trông đợi” trong mỗi Thánh Lễ? Để nhận ra sự mới lạ tuyệt đối do Chúa Kitô mang lại trong lĩnh vực này, chúng ta cần đặt sự mặc khải của Phúc âm trên nền tảng của niềm tin cổ xưa về đời sau.

Về điểm này, ngay cả Cựu Ước cũng không có câu trả lời. Ai cũng biết rằng chỉ ở phần cuối của Cựu Ước, ta mới có thể tìm thấy một số tuyên bố rõ ràng về cuộc sống sau khi chết. Trước đó, niềm tin của Israel không khác với niềm tin của các dân tộc láng giềng bao nhiêu, đặc biệt là niềm tin của người Lưỡng Hà (Mesopotamia). Cái chết kết thúc cuộc sống mãi mãi; tất cả chúng ta, dù tốt hay xấu, đều kết thúc trong một loại “ngôi mộ chung” ảm đạm mà ở những nơi khác người ta gọi là Arallu và trong Kinh thánh là Sheol. Không có gì khác biệt là niềm tin thống trị trong thế giới Hy Lạp-Rôma trong thời Tân Ước. Người ta gọi nơi bóng tối buồn bã đó là Inferi, hay Hades, nghĩa là a tì địa phủ.

Điều tuyệt vời phân biệt Israel với tất cả các dân tộc khác là, bất chấp mọi thứ, họ vẫn tiếp tục tin vào lòng nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa. Người Babylon cho rằng cái chết là do sự ghen tị của các thần minh chỉ muốn dành sự bất tử cho riêng mình, dân Israel không nghĩ như thế nhưng quy cái chết là là tội lỗi của con người (St 3), hoặc đơn giản là do bản chất có sinh có tử của con người. Đúng là đôi khi, con người Kinh Thánh đã không giữ im lặng trước một số phận dường như không phân biệt giữa người công chính và kẻ tội lỗi. Tuy nhiên, dân Israel chưa bao giờ nổi loạn. Trong một số lời cầu nguyện theo Kinh thánh, dường như dân Israel đã đi xa đến mức ước muốn và thoáng thấy khả năng có một mối quan hệ với Thiên Chúa sau cái chết: một hữu thể “được lôi ra khỏi địa ngục” (Tv 49:16), “được ở bên Thiên Chúa luôn mãi” (Tv 73, 23 ) và “thỏa lòng hân hoan trước mặt Người” (Tv 16, 11).

Vào cuối Cựu Ước, khi kỳ vọng này, đã chín muồi trong lòng đất của linh hồn Kinh thánh, cuối cùng được đưa ra ánh sáng, thì nó không diễn đạt mình, theo cách của các triết gia Hy Lạp, như là sự sống còn của một linh hồn bất tử, mà, khi thoát khỏi thể xác, thì quay trở về với thế giới siêu phàm của mình. Phù hợp với quan niệm Kinh Thánh về con người, như một thể thống nhất không thể tách rời giữa linh hồn và thể xác, sự sống còn bao gồm trong sự sống lại của cả thân xác và linh hồn từ trong cõi chết (Dn 12: 2-3; 2 Mac 7: 9).

Chúa Giêsu đột nhiên đưa xác tín này đến mức tỏ tường nhất và – điều quan trọng nhất là – Ngài đưa ra bằng chứng không thể chối cãi bằng cách sống lại từ trong cõi chết. Sau Ngài, đối với một tín hữu, cái chết không còn là một cuộc hạ cánh, mà là một cuộc cất cánh!

Món quà đẹp nhất và di sản quý giá nhất mà Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị của Anh Quốc để lại cho quốc gia và thế giới sau 70 năm trị vì, là niềm hy vọng Kitô giáo của bà vào sự sống lại của người chết. Trong nghi thức tang lễ, được theo dõi trực tiếp bởi hầu hết những người có quyền lực trên trái đất và qua truyền hình, bởi hàng trăm triệu người, trong bài đọc đầu tiên, những lời sau đây của Thánh Phaolô đã được công bố, theo ý muốn rõ ràng của bà:

Tử thần đã bị chôn vùi.

Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi?

Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?

Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.

Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. (1Cr 15: 54-57).

Và trong bài Tin Mừng, vẫn theo di nguyện của bà, những lời sau của Chúa Giêsu đã được cất lên:

Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở.. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó (Ga 14:2-3).

Đức Cậy, một nhân đức tích cực

Chính vì chúng ta vẫn còn đắm chìm trong thời gian và không gian, nên chúng ta thiếu những phạm trù cần thiết để trình bày cho chính chúng ta về những gì bao gồm trong “cuộc sống vĩnh cửu” với Thiên Chúa. Nó giống như cố gắng giải thích ánh sáng là gì cho một người mù bẩm sinh. Thánh Phaolô chỉ nói đơn giản:

Gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang.

Gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ

Gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí. (1 Cr 15,43-44).

Một số nhà thần bí, ngay trong cuộc sống đời này, đã được ban cho cảm nghiệm vài giọt trong đại dương hân hoan vô tận mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho dân Người, nhưng tất cả đều nhất trí khẳng định rằng không lời nào có thể diễn đạt được điều đó bằng lời nói của con người. Người đầu tiên trong số họ là Tông đồ Phaolô. Thánh nhân tâm sự với các tín hữu thành Côrintô rằng, mười bốn năm trước, ngài đã được đưa đến “thiên đường thứ ba”, trên trời cao, và đã nghe “những lời không thể diễn tả được mà không ai được phép nói lại”. (2 Cr 12: 2-4). Ký ức mà trải nghiệm đó để lại trong ngài có thể cảm nhận được trong những gì ngài viết vào một dịp khác:

Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. (1 Cr 2:9).

Nhưng hãy bỏ qua những gì sẽ xảy ra ở thế giới bên kia (là điều mà chúng ta có thể nói rất ít) mà thay vào đó hãy đến với cuộc sống hiện tại của chúng ta. Suy tư về niềm hy vọng Kitô giáo có nghĩa là suy tư về ý nghĩa tối hậu của sự hiện hữu của chúng ta. Về vấn đề này, có một điểm chung cho tất cả mọi người: đó là niềm khao khát được sống “tốt”, được “hạnh phúc”. Tuy nhiên, ngay khi bạn cố gắng hiểu từ “tốt” nghĩa là gì, thì lập tức nảy sinh hai hạng người: hạng người thứ nhất là những người chỉ nghĩ đến lợi ích vật chất và cá nhân; và hạng người thứ hai là những người cũng nghĩ đến lợi ích đạo đức của tất cả mọi người, đến điều được gọi là “thiện ích chung”.

Đối với hạng người thứ nhất, thế giới đã không thay đổi bao nhiêu kể từ thời tiên tri Isaia và thời của Thánh Phaolô. Cả hai đều đưa ra câu nói đã từng thịnh hành vào thời của các ngài: “Chúng ta hãy ăn uống vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (Is 22, 13; 1 Cr 15, 32). Thú vị hơn là hãy cố gắng hiểu những người đề xuất – ít nhất như một lý tưởng – để “sống tốt” không chỉ về vật chất và cá nhân, mà còn về mặt đạo đức và cùng với những người khác. Có những trang web trên internet phỏng vấn những người cao tuổi về việc họ đánh giá cuộc sống mà họ đã sống khi đến thời xế bóng như thế nào. Nói chung, họ là những người đàn ông và phụ nữ đã sống một cuộc sống giàu có và đàng hoàng, phục vụ gia đình, văn hóa và xã hội, nhưng không có bất kỳ liên quan nào đến tôn giáo. Thật thảm hại khi thấy họ cố gắng khiến mọi người tin rằng một người hạnh phúc khi được sống như vậy. Nỗi buồn vì đã sống – và chẳng bao lâu nữa không còn sống nữa! – bị che giấu bởi lời nói của họ, đã hét lên từ đôi mắt của họ.

Thánh Augustinô đã diễn tả cốt lõi của vấn đề: “Sống tốt có ích gì, nếu không được sống luôn mãi?”. Trước ngài, Chúa Giêsu đã nói: “Người nào được cả thiên hạ mà mất mạng sống, thì có ích gì?”. (Lc 9:25). Đây là lời đáp thích đáng cho niềm hy vọng thần học – và nó khác biết bao. Lời đáp này bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta để sống chứ không phải để chết; rằng Chúa Giêsu đến để bày tỏ sự sống đời đời cho chúng ta và để bảo đảm với chúng ta qua sự sống lại của Ngài.

Cần phải nhấn mạnh một điều để không rơi vào một sự hiểu lầm nguy hiểm. Sống không “luôn luôn” đối lập với sống “tốt”. Hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu là điều làm cho cuộc sống hiện tại trở nên tươi đẹp, hoặc ít nhất là có thể chấp nhận được. Mọi người trong cuộc đời này đều có phần của mình trên thập tự giá, kể cả các tín hữu lẫn những người không tin. Nhưng đau khổ mà không biết vì mục đích gì là một chuyện, còn đau khổ vì biết rằng “những đau khổ hiện tại chẳng sánh được với vinh quang mai sau sẽ tỏ ra nơi chúng ta” (Rm 8:18) lại là một chuyện khác.

Niềm hy vọng thần học có một vai trò quan trọng liên quan đến việc phúc âm hóa. Một trong những yếu tố quyết định sự lan truyền nhanh chóng của đức tin, trong những ngày đầu của Kitô giáo, là lời loan báo về một cuộc sống mai hậu sau khi chết vô cùng viên mãn và hân hoan hơn cuộc sống trần gian.

Hoàng đế Hadrian đã xây dựng những biệt thự ngoạn mục cho mình ở nhiều nơi trên thế giới và đã chuẩn bị khu vực ngày nay là Castel Sant'Angelo hay Lâu đài Thiên Thần, cách đây không xa, để làm lăng mộ của ông. Gần chết, ông đã viết một loại văn bia cho ngôi mộ của mình. Nói với linh hồn của mình, ông ấy khuyên nó hãy nhìn lại lần cuối những vẻ đẹp và thú vui của thế giới này, bởi vì - ông ấy nói - bạn sắp đi xuống “những nơi không màu, gian khổ và trần trụi”. Hades – A tì địa phủ! Trong một bầu không khí như thế, người ta có thể tưởng tượng cú sốc tinh thần chắc hẳn đã gây ra bởi lời hứa về một cuộc sống viên mãn và tươi sáng hơn nhiều so với cuộc sống bị bỏ lại bởi cái chết. Điều này giải thích tại sao ý tưởng và biểu tượng về cuộc sống vĩnh cửu lại xuất hiện thường xuyên trong các lễ chôn cất của các tín hữu Kitô trong hầm mộ.

Trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, hoạt động bề ngoài của Giáo Hội, nghĩa là truyền bá Tin Mừng, được trình bày như là “việc mang lại lý do cho niềm hy vọng”: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng.” (1Pr 3:15-16). Đọc những gì đã xảy ra sau lễ Phục sinh, người ta có cảm tưởng rõ ràng rằng Giáo hội được sinh ra từ sự trào dâng “một niềm hy vọng sống động” (1Pr 1:3) và với niềm hy vọng này, các Tông đồ lên đường chinh phục thế giới. Ngay cả ngày nay chúng ta cần tái sinh niềm hy vọng nếu chúng ta muốn thực hiện một cuộc tân phúc âm hóa. Không có gì được thực hiện mà không có hy vọng. Con người đi đến những nơi có không khí hy vọng và trốn chạy khỏi những nơi họ không cảm thấy sự hiện diện của nó. Hy vọng là điều mang lại cho những người trẻ can đảm để lập gia đình hoặc theo ơn gọi tu trì và linh mục, là điều giúp họ tránh xa ma túy và những thứ tương tự khác đầu hàng trước sự tuyệt vọng.

Thư gửi tín hữu Do Thái so sánh niềm hy vọng với một cái mỏ neo: “Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn” (Dt 6: 18-19). Chắc chắn và vững chắc vì được ném vào cõi vĩnh hằng. Nhưng chúng ta có một hình ảnh khác của hy vọng, theo một nghĩa nào đó ngược lại: đó là cánh buồm. Nếu mỏ neo là thứ mang lại cho con thuyền sự an toàn và giữ cho con thuyền vững vàng giữa sóng biển dập dềnh thì cánh buồm là thứ đưa con thuyền ra đi và tiến trên biển cả. Hy vọng với con thuyền Giáo Hội liên quan đến cả hai hình ảnh này.

So với quá khứ, ngày nay chúng ta ở trong một hoàn cảnh tốt hơn về mặt hy vọng. Chúng ta không còn phải mất thì giờ bảo vệ niềm hy vọng Kitô giáo khỏi các cuộc tấn công từ bên ngoài; do đó, chúng ta có thể làm điều hữu ích và hiệu quả nhất, đó là công bố niềm hy vọng của chúng ta, cống hiến nó và chiếu tỏa nó trên thế giới. Không đưa ra nhiều lời hộ giáo cho bằng các diễn từ về niềm hy vọng.

Chúng ta hãy xem điều gì đã xảy ra liên quan đến niềm hy vọng của Kitô hữu trong hơn một thế kỷ nay. Lúc đầu, có cuộc tấn công trực diện vào niềm hy vọng Kitô bởi những người như Feuerbach, Marx, Nietzsche. Trong nhiều trường hợp, niềm hy vọng của Kitô giáo là mục tiêu trực tiếp cho sự chỉ trích của họ. Cuộc sống vĩnh cửu, mai hậu, thiên đường: tất cả những điều này được coi là sự phóng chiếu hão huyền của những mong muốn và nhu cầu không được thỏa mãn của con người trên thế giới này, như một sự “lãng phí những kho báu trên trời dành cho trái đất”. Các tín hữu đã phải cố gắng bảo vệ nội dung của niềm hy vọng Kitô, thường với sự khó chịu không che giấu được. Niềm hy vọng Kitô giáo là “thiểu số”. Cuộc sống vĩnh cửu hiếm khi được nói đến và rao giảng.

Tuy nhiên, sau khi phá hủy niềm hy vọng Kitô giáo, nền văn hóa Mác-xít đã không chậm trễ nhận ra rằng con người không thể sống nổi nếu không có hy vọng. Và họ đã phát minh ra “Nguyên tắc Hy vọng”. Với nó, nền văn hóa Mác-xít không tuyên bố đã phá hủy niềm hy vọng của Kitô giáo, mà tệ hơn, nó cho rằng đã vượt ra ngoài niềm hy vọng Kitô và trở thành người thừa kế hợp pháp của niềm hy vọng ấy. Đối với tác giả của “Nguyên tắc hy vọng” (xin lưu ý các bạn nguyên tắc chứ không phải nhân đức) thì chắc chắn rằng hy vọng rất quan trọng đối với con người. Nó có thật và có một lối thoát là “sự xuất hiện của con người ẩn giấu”, tức là những khả năng vẫn còn tiềm ẩn của con người. Biểu hiện của Con Người, là Chúa Kitô, được thay thế bằng biểu hiện của con người ẩn giấu, parousia hay sự quang lâm lần thứ hai của Chúa Kitô được thay thế bằng utopia, một xã hội hoàn chỉnh không tưởng.

Tôi nhớ, trong vài thập kỷ, đã có rất nhiều cuộc nói chuyện về chủ đề này trong các trường đại học và đối với nhiều nhà tư tưởng Kitô giáo, điều xem ra rất đáng khích lệ là có những người nào đó ở phía bên kia đã chấp nhận coi trọng hy vọng và thiết lập một cuộc đối thoại về điều đó. Đặc biệt là vì sự đảo ngược quá tinh tế và ngôn ngữ thường giống nhau. Quê hương trên trời trở thành “quê hương của bản sắc”; không phải là nơi mà cuối cùng con người nhìn thấy Chúa, mặt đối mặt, mà là nơi anh ta nhìn thấy con người thực, nơi có sự đồng nhất hoàn hảo giữa những gì con người có thể trở thành và những gì con người đạt được. Cái gọi là “thần học về hy vọng” đã ra đời để đáp lại thách thức này, nhưng thật không may, đôi khi lại chấp nhận đường lối của cộng sản. Điều ít được nhận thấy nhất trong tất cả các bài viết này chính là điều mà Thánh Phêrô gọi là “niềm hy vọng sống động” (1 Pt 1:3), sự hào hứng của niềm hy vọng, nghĩa là cuộc sống chứ không phải ý thức hệ.

Bây giờ, tôi đã nói, tình hình đã thay đổi một phần. Nhiệm vụ mà chúng ta có trước mắt, liên quan đến niềm hy vọng, không còn là bảo vệ nó và biện minh cho nó về mặt triết học và thần học, mà là loan báo nó, bày tỏ nó và trao nó cho một thế giới đã đánh mất niềm hy vọng và đang ngày càng chìm sâu vào chủ nghĩa bi quan và chủ nghĩa hư vô, vào “hố đen” thực sự của vũ trụ.

Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes)

Một cách làm cho niềm hy vọng trở nên sống động và lan tỏa là cách được Thánh Phaolô trình bày khi ngài nói rằng “đức ái hy vọng tất cả” (1Cr 13:7). Điều này không chỉ đúng với cá nhân, mà còn đúng với toàn thể Giáo hội. Giáo Hội hy vọng mọi sự, tin tưởng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Giáo Hội không thể tự giới hạn trong việc tố cáo những khả năng của cái ác đang tồn tại trong thế giới và trong xã hội. Chắc chắn chúng ta không được bỏ qua nỗi sợ bị trừng phạt và địa ngục; và chúng ta cũng không được ngừng cảnh báo mọi người về khả năng gây hại mà một hành động hoặc một tình huống có thể gây ra, chẳng hạn như những vết thương gây ra cho môi trường. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng chúng ta đạt được nhiều hơn một cách tích cực, khi nhấn mạnh vào những khả năng tốt đẹp; theo thuật ngữ Phúc Âm, bằng cách rao giảng lòng thương xót. Có lẽ thế giới hiện đại chưa bao giờ tỏ ra thiện cảm với Giáo hội và quan tâm đến sứ điệp của Giáo hội như trong những năm của Công đồng Vatican. Và lý do chính là Công đồng đã trao ban hy vọng.

Một số người sẽ nói rằng nhưng làm theo cách này há chẳng phải chúng ta tự đưa mình đến chỗ thất vọng và tỏ ra ngây thơ hay sao? Đây là cám dỗ lớn lao chống lại niềm hy vọng, do sự thận trọng của con người gợi ra, hoặc do sợ bị chứng minh là sai bởi các sự kiện và đó là điều đang xảy ra một phần đối với Công đồng. Dám nói về “niềm vui và hy vọng” (gaudium et spes) được xem là một sự ngây thơ mà chúng ta thậm chí phải hơi xấu hổ về điều đó. Đây là điều mà nhiều người đã nghĩ về Đức Gioan 23 khi ngài công bố Công đồng.

Chúng ta phải khởi động lại phong trào hy vọng do Công đồng khởi xướng. Sự sống đời đời là một chiều kích rất lớn; nó cho phép chúng ta hy vọng vào tất cả mọi người, không bỏ rơi bất cứ ai trong vô vọng. Tông đồ Phaolô đã ra lệnh cho các Kitô hữu ở Rôma phải tràn đầy hy vọng. Ngài viết: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15:13).

Giáo hội không thể trao tặng cho thế giới một món quà nào tốt hơn là mang lại cho nó niềm hy vọng; không phải là những hy vọng thế tục, phù du, kinh tế hay chính trị, mà Giáo hội không có năng lực cụ thể, nhưng là niềm hy vọng thuần khiết và đơn sơ, niềm hy vọng mà dù không biết đi chăng nữa, vẫn có vĩnh cửu là chân trời và có người bảo đảm cho niềm hy vọng ấy là Chúa Giêsu Kitô và sự phục sinh của Người. Sau đó, chính niềm hy vọng thần học này sẽ hỗ trợ tất cả những hy vọng chính đáng khác của con người. Bất cứ ai đã từng gặp bác sĩ thăm một người bệnh nặng đều biết rằng cách hỗ trợ lớn nhất mà bác sĩ có thể cung cấp, tốt nhất hơn tất cả các loại thuốc, là nói với anh ta: “Bác sĩ tin tưởng tràn trề; bác sĩ có những hy vọng tốt cho anh!”.

Hy vọng, được hiểu theo cách này, biến đổi mọi thứ mà nó tiếp xúc. Hiệu quả của nó được mô tả rất hay trong đoạn văn này từ tiên tri Isaia:

Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn,

trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.

Nhưng những người cậy trông Thiên Chúa

thì được thêm sức mạnh.

Như thể chim bằng, họ tung cánh.

Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,

và đi mãi mà chẳng chùn chân. (Is 40:30-31)

Thiên Chúa không hứa loại bỏ những lý do khiến chúng ta mệt mỏi và kiệt sức, nhưng Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng. Hoàn cảnh tự nó vẫn như cũ, nhưng niềm hy vọng mang lại sức mạnh để vượt lên trên nó. Trong Sách Khải Huyền chúng ta đọc thấy rằng

Khi con Mãng Xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai. Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay vào sa mạc, vào nơi dành cho bà (Kh 12:13-14).

Hình ảnh đôi cánh của đại bàng rõ ràng được lấy cảm hứng từ bản văn của ngôn sứ Isaia. Do đó, người ta nói rằng toàn thể Giáo hội đã được ban cho những đôi cánh hy vọng to lớn, để nhờ đó, Giáo hội luôn luôn có thể thoát khỏi những tấn công của sự dữ, vượt qua những khó khăn một cách hăng hái.

“Hãy đứng dậy và bước đi!”

Cánh cửa của ngôi đền được gọi là “Cổng Đẹp” được biết đến với phép lạ xảy ra gần đó. Một người què nằm trước cổng để xin bố thí. Một ngày nọ, Thánh Phêrô và Thánh Gioan đi ngang qua và chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra. Người què, được chữa lành, nhảy dựng lên và cuối cùng, sau nhiều năm nằm đó bị bỏ rơi, anh ta cũng đi qua cửa đó và vào đền thờ “nhảy múa và ngợi khen Thiên Chúa” (Cv 3:1-9).

Điều gì đó tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta đối với niềm hy vọng. Về mặt thiêng liêng, chúng ta cũng thường thấy mình ở vị trí của một người què quặt trước ngưỡng cửa đền thờ: bất động, thờ ơ, như thể bị tê liệt trước những khó khăn. Nhưng ở đây, niềm hy vọng thiêng liêng lướt qua chúng ta, được Lời Chúa mang đến, và cũng nói với chúng ta, giống như Thánh Phêrô nói với người què: “Hãy đứng dậy và bước đi!” Và chúng ta đứng dậy và cuối cùng bước vào trung tâm của Giáo hội, sẵn sàng đảm nhận, một lần nữa và vui vẻ, các nhiệm vụ và trách nhiệm. Chúng là những phép lạ hằng ngày phát sinh từ đức cậy. Đức cậy thực sự là một người làm phép lạ tuyệt vời; đức cậy đã giúp hàng ngàn người tàn tật đứng dậy hàng ngàn lần.

Ngoài việc rao giảng Tin Mừng, đức cậy giúp chúng ta trên hành trình nên thánh cá nhân. Đối với những người thực hành đức cậy, nó trở thành nguyên tắc của sự tiến bộ tâm linh. Đức cậy cho phép bạn luôn khám phá ra “những khả năng tốt đẹp” mới, luôn là điều có thể làm được. Đức cậy không để chúng ta an nhàn trong sự thờ ơ và lạnh nhạt. Khi bạn muốn nói với chính mình: “Không còn gì để làm nữa”, đức cậy sẽ đến và nói với bạn: “Hãy cầu nguyện!”. Bạn trả lời: “Nhưng tôi đã cầu nguyện rồi!” và đức cậy nói: “Hãy cầu nguyện một lần nữa!”. Và ngay cả khi hoàn cảnh trở nên cực kỳ khó khăn và dường như không thể làm gì hơn nữa, thì đức cậy vẫn chỉ cho bạn một nhiệm vụ: hãy kiên trì cho đến cùng và đừng mất kiên nhẫn, hãy kết hợp bản thân với Chúa Kitô trên thập giá. Như chúng ta đã nghe, vị Tông đồ khuyến khích “hãy tràn đầy hy vọng”, nhưng ngài ngay lập tức thêm vào cách thức điều này có thể thực hiện được: “nhờ Chúa Thánh Thần”. Không phải bởi những nỗ lực của chúng ta.

Giáng Sinh có thể là dịp cho một bước nhảy vọt của hy vọng. Nhà thơ vĩ đại đương thời với chúng ta về các nhân đức thần học, Charles Péguy, đã viết rằng Đức tin, Đức cậy và Đức ái là ba chị em, hai người lớn và một bé gái. Họ nắm tay nhau đi xuống phố: hai cô lớn Đức tin và Đức ái ở hai bên và cô bé Đức cậy ở giữa. Mọi người khi nhìn thấy họ đều nghĩ rằng chính hai cô lớn đang kéo cô bé ở giữa. Họ sai! Chính cô ấy là người kéo theo mọi thứ. Bởi vì nếu hy vọng không thành, mọi thứ sẽ dừng lại.

Muốn đặt một cái tên đàng hoàng cho cô gái bé nhỏ này, chúng ta chỉ có thể gọi cô là Maria, một người dưới thế này – Dante Alighieri, một nhà thơ vĩ đại về các nhân đức thần học khác đã nói – “đối với loài người trần thế nguồn hy vọng là nguồn sống”.

1.Augustine, On the Gospel of John, 45, 2 (Quid prodest bene vivere si non datur semper vivere?).

2.Cit. in Marguerite Yourcenar, Memoirs of Hadrian.

3.Ernst Bloch, Das Prinzip Hoffnung, 3 vol. Berlin 1954–1959.

4.Ch. Péguy, Le porche de la deuxième vertu.

5.Paradise, XXXIII.


Source:cantalamessa.org