Bài tham luận tại Đại Hội Dân Chúa của giới hiền mẫu Phú Cường
PHỤ NỮ THAM GIA VÀO CÔNG VIỆC XÂY DỰNG HỘI THÁNH CHÚA
Chúng con rất hân hoan được tham dự Đại Hội Dân Chúa 2010, kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi mới, để chúng ta tiến bước vững vàng trong cuộc hành trình Đức Tin của đòan môn đệ Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam.
Kính thưa quý Đức cha, quý Cha và Cộng đòan:
Chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng biến chuyển, và một đất nước đang thay đổi từng ngày, có những bước tăng vọt quá nhanh về sự đầu tư và phát triển, trong lúc người dân lao động nói chung và người Kitô hữu nói riêng nao núng trước những quy hoạch, đền bù, thay đổi cuộc sống, và chưa được định hướng và trang bị cho mình kiến thức cần có để có thể thích ứng với hoàn cảnh xã hội đang có nhiều đổi thay về các lãnh vực kinh tế, văn hóa, luân lý, cách ứng xử giao tiếp trong xã hội, và ngay cả trong lãnh vực đời sống đức tin Kitô giáo. Và vì thế, việc tham gia vào các công việc của Giáo Hội của người giáo dân, nhất là của nữ giới, còn nhiều bất cập và hạn chế do sự nhận thức về vai trò của mình trong Giáo Hội còn mơ hồ, cũng như sự thiếu tin tưởng nơi hàng giáo sĩ. Do đó việc đào tạo nhân sự giáo dân để giúp cho họ có được sự nhận thức đúng đắn để có thể tham gia vào sứ vụ của Giáo Hội trong bối cảnh xã hội hôm nay là điều cần thiết và cấp bách.
Chương trình đào tạo nhân sự phải thiết thực, cụ thể mang tính thời sự, đáp ứng được những thao thức của người thời đại hôm nay chứ không chỉ là những lý thuyết suông. Chẳng hạn như việc đào tạo giáo lý viên dạy giáo lý hôn nhân, cần phải thể hiện tính chuyên biệt bao gồm các lãnh vực: giáo lý, tâm lý hôn nhân & gia đình, tính dục và các lãnh vực thuộc về sinh học. Đừng để các giáo lý viên mang tâm trạng của một thầy dạy giáo lý chỉ với mục đích duy nhất: trao ban một số kiến thức giáo lý theo yêu cầu, như là điều kiện ắt có và đủ để được kết hôn, nhưng thiếu chuyên môn, để có thể cung cấp cho các bạn trẻ hành trang dấn thân vào đời sống gia đình với trọn vẹn ý hướng ngay lành, và trao cho các bạn nguồn năng lực thích hợp, hầu có thể vượt qua những thách đố của đời sống gia đình.
Giáo Hội tại Việt Nam phải coi chị em phụ nữ là nguồn nhân lực năng động trong việc giúp Giáo Hội thi hành sứ vụ của mình. Vì thế, các mục tử cần phải quan tâm và khích lệ chị em phụ nữ mạnh dạn tham gia vào các công việc của Giáo Hội. Sự quan tâm phải được thể hiện qua những chương trình huấn luyện mục vụ cụ thể và phù hợp với hoàn cảnh sống của chị em. Chẳng hạn, các chị em từ có độ tuổi 41-55, có thu nhập ổn định, cuôc sống trên trung bình, không làm việc theo giờ hành chánh, học lực từ lớp 12 trở lên. Rất thích hợp cho việc đào tạo nguồn nhân lực ở các vai trò lãnh đạo, trở thành cộng sự viên đắc lực với cha sở, và các cha đặc trách trong các hoạt động của các giới, các đoàn thể. Kinh nghiệm cho thấy, người nữ trong vai trò lãnh đạo đầu ngành ở các hội đoàn, các giới, đóng vai trò quan trọng cho việc thăng tiến của các hội đoàn. Chúng con ước mong làm sao, các vị mục tử mở các khóa huấn luyện mục vụ riêng cho chị em phụ nữ chúng con, để chúng con thực sự sống có trách nhiệm với Giáo Hội và mạnh dạn đảm nhận những trách nhiệm liên quan đến việc xây dựng Hội Thánh Chúa trở thành dấu chỉ của Nước Thiên Chúa giữa trần gian.
Đặc biệt, đứng trước những khủng hoảng về đời sống gia đình, các mục tử cần phải đưa ra đường lối mục vụ thích hợp để giúp các bà mẹ luôn giữ được chiếc nôi tình yêu gia đình. Hội Các Bà Mẹ Công Giáo hay giới Hiền Mẫu là địa chỉ đáng tin cậy để thực hiện được đướng lối mục vụ này. Tuy nhiên, chương trình sinh hoạt cần được canh tân sao cho mọi bà mẹ Công Giáo cảm thấy hứng thú khi tham gia sinh họat, và coi đó như trường học cầu nguyện và chu cấp thêm kinh nghiệm và kiến thức về vai trò làm mẹ và làm vợ trong cuộc sống hiện tại hôm nay, giúp họ nhận ra những thách đố để vượt qua hầu làm cho gia đình thực sự là Giáo Hội tại gia.
Ngoài ra, có một vị trí mà chị em phụ nữ chúng con thường đảm nhận trong các nhà xứ. Vị trí đó, theo nhận định của chúng con, rất quan trọng, nhưng ít được các vị mục tử quan tâm một cách đúng mực, đó là “bà bếp” của các cha. Chúng con thiết nghĩ, nhiệm vụ đó cũng là một cách thế chị em phụ nữ chúng con tham gia vào việc của Giáo Hội. Vì thế, cần phải có chương trình mục vụ cho các “bà bếp”. Các chị em phụ nữ giúp việc bếp núc cho nhà xứ cũng cần được bồi dưỡng về đời sống tâm linh và cũng cần được hướng dẫn để nhận nhận ra rằng, đó cũng là nhiệm vụ phục vụ Giáo Hội, chứ không đơn thuần như một người nội trợ.
Chúng con thật tự hào là một người Công gíao, và nhất là một bà mẹ Công giáo. Mỗi ngày chúng con vừa làm việc mưu sinh, vừa lo chu tất việc bổn phận trong việc chăm sóc cha mẹ và chồng con, đó là một thói quen lành mạnh, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Ngoài ra, chúng con cũng khao khát được chúng tay góp sức với các vị mục tử để xây dựng Hội Thánh Chúa theo đúng bậc sống của mình. Chúng con ước mong Đại hội Giáo dân tìm ra được tiếng nói chung, các phương thế giúp chị em phụ nữ chúng con có thể tham gia cách tích cự vào đời sống Giáo Hội, hầu làm cho Danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được tỏ hiện ngay trên trần thế này.
Xin kính chào qúi đức cha, quí cha và đại hội.
Các tin khác