WGPSG -- Thư Chung của HĐGMVN ngày 10.10.2013, các Đức Giám mục kêu gọi Cộng đoàn Dân Chúa tại Việt Nam tích cực tham gia vào công cuộc Tân-Phúc-Âm-hóa trong kế hoạch ba năm 2014-2016. Đặc biệt, “Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ Loan báo Tin Mừng. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình” (số 5).
“Để thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng” (số 6). Như thế, các gia đình Kitô hữu, noi gương và bước theo Gia đình Thánh: Giêsu - Maria - Giuse luôn xin vâng theo chương trình cứu độ của Chúa Cha (số 1), nguyện để cho gia đình mình được Phúc Âm hóa, được thánh hóa nhờ làm cho Đấng Thánh - Con Thiên Chúa hiện diện sâu đậm hơn trong gia đình (số 2-7), nhờ đó gia đình tham gia vào sứ vụ Phúc Âm hóa của Hội Thánh trong Thánh Thần đổi mới (số 8-12).
Từ mẫu gương Thánh Gia, mỗi gia đình Công giáo xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, mái ấm tình thương và sống niềm vui đức tin.
- Mẫu gương Thánh Gia
Phúc Âm Lễ Thánh Gia kể chuyện: gia đình Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu đi hành hương về Giêrusalem. Hai ông bà là người sùng đạo, tuân giữ lề luật cách trung tín. Theo luật quy định, người Do Thái phải hành hương về Đền Thánh “mỗi năm ba lần mọi người nam phải trình diện trước Đấng toàn năng là Đức Chúa”. Họ đi bộ về Nhà Chúa phải mất một tuần lễ. Vừa đi vừa hát “thánh vịnh lên đền”: Tôi vui sướng biết bao khi người ta nói với tôi rằng nào ta tiến về Nhà Chúa.
Chúa Giêsu lên 12 tuổi, cùng cha mẹ và đoàn hành hương tiến về Đền Thờ theo tập tục ngày lễ. Đối với người Do Thái, 12 tuổi là tuổi trưởng thành. Chúa Giêsu bộc lộ sự khôn ngoan trước các bậc thông thái. Sau khi dự lễ vượt qua, Người ở lại Đền Thờ tranh luận với các tiến sĩ luật “mọi kẻ nghe Ngài đều sửng sốt về trí thông minh và các lời Ngài đối đáp”.
Sau đó, cả gia đình trở về Nazareth. “Chúa Giêsu hằng vâng phục hai ông bà”. Con Thiên Chúa làm người và thuộc về một gia đình, một mái ấm có cha có mẹ. Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Mái nhà là trường học đầu tiên. Cha mẹ là thầy cô căn bản. Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt trong Thánh Gia đạo hạnh. 30 năm sống dưới mái nhà Nazareth, Đức Giêsu đã thành một người chín chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ Chúa Cha trao phó. Đức Giêsu đã học nơi Thánh Giuse tinh thần lao động miệt mài, tâm tình tín thác và luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, lòng nhiệt thành chu toàn trách nhiệm đối với gia đình. Đức Giêsu học nơi Đức Mẹ nét đẹp hiền lành đơn sơ tế nhị, tận tụy phục vụ, tin tưởng phó thác, cầu nguyện thâm trầm. Nếp sống đạo đức của cha mẹ đã ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời Đức Giêsu. Người thừa hưởng nơi cha mẹ lòng yêu mến lề luật, gắn bó với Đền Thờ, thói quen siêng năng nghe và đọc Lời Chúa. Người học nơi cha mẹ tâm tình vâng phục thánh ý Chúa, thái độ hiền lành khiêm nhường, tinh thần phục vụ quên mình, chuyên chăm làm việc, ân cần âu yếm đối với con cái. Gia sản quý báu từ Thánh Gia bàng bạc trong những lời Người giảng dạy, trong đời sống của Người.
- Gia đình “ngôi nhà thờ phượng Chúa”
Công Đồng Vaticanô II đã ví “Gia đình như một Hội Thánh nhỏ” (Hiến chế Ánh sáng muôn dân số 11). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã định nghĩa: “Gia đình là Hội Thánh tại gia” (Tông huấn đời sống gia đình số 11).
Gia đình là Hội Thánh tại gia, bởi lẽ:
- Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong gia đình Nazareth, có Thánh Giuse và Đức Mẹ. Thánh gia là mẫu mực cho mọi gia đình.
- Gia đình Công giáo là trường học đức tin đầu tiên, là môi trường sống các bí tích và thực hành các nhân đức Kitô giáo. “Gia đình Công giáo trở thành nơi gặp gỡ đặc biệt, có sức thánh hoá với tình yêu của Đức Kitô” (Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 15).
- Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con cái.
- Gia đình là cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa. Qua đời sống cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, gia đình toả sáng sự bình an, trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện.
Để trở thành Hội Thánh tại gia, mỗi thành viên phải ý thức về căn tính cao cả và chức năng quan trọng của mình. Mỗi ngày, thể hiện rõ nét hơn những tính chất căn bản của Hội Thánh tại gia như hiệp thông, liên đới, yêu thương, thuận hoà, tôn ti trật tự, kinh nguyện sáng tối, sống phục vụ, làm chứng nhân Tin Mừng.
- Gia đình “trường dạy đức tin”
Gia đình là nơi trẻ em và thanh thiếu niên hấp thụ nền giáo lý chân chính từ cha mẹ. Công đồng Vaticanô II mong muốn các bậc cha mẹ là những người đầu tiên “dùng gương lành và lời nói, truyền dạy đức tin cho con cái”. (Hiến chế tín lý về Giáo hội số 11). Gia đình chu toàn được sứ mệnh cao cả này nhờ yêu thương, cùng nhau học hỏi và cầu nguyện để hạt giống đức tin được triển nở. (Sắc lệnh tông đồ giáo dân số 11).
Cha mẹ chăm lo giáo dục nhân bản và giáo dục tâm linh cho con cái.
Với con cái, cha mẹ là những sứ giả đầu tiên của Chúa (GLTC # 2225). Hạt giống đức tin nơi trẻ em được gieo và chăm sóc trong môi trường gia đình sẽ phát triển thành cây đức tin. Gia đình là vườn ươm, là thửa đất tốt. Dạy giáo lý như cung cấp chất dinh dưỡng. Tuỳ theo mức độ hấp thụ, tuỳ theo thời điểm, cây đức tin nơi đứa trẻ sẽ phát triển và đơm bông kết trái. Dạy giáo lý tại gia đình, cha mẹ góp phần với Hội Thánh trong sứ vụ đào tạo đức tin cho con cái.
- Dạy con từ thuở còn thơ: Phải giáo dục đức tin cho con cái từ những năm đầu của tuổi thơ nhi. Dạy dạy giáo lý trong gia đình luôn đi trước, đi kèm và phong phú hoá các hình thức giáo lý khác. Cha mẹ có sứ mạng dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa (GLCG # 2226). Những kinh đọc vắn tắt mà trẻ nhỏ bập bẹ sẽ là khởi điểm cho một cuộc đối thoại đầy tình yêu mến với Thiên Chúa mà sau này nó sẽ bắt đầu nghe lời. (Tông huấn dạy giáo lý, số 36).
- Dạy con cầu nguyện: Những giờ đọc kinh cầu nguyện là những giờ giáo lý sống động nhất vì bản chất và mục đích của việc dạy giáo lý là truyền đạt sức sống Tin Mừng và đưa đến đối thoại, gặp gỡ chính Đức Kitô; và như vậy đọc kinh cầu nguyện là thể hiện chiều kích hàng dọc này (GLCG # 2685).
- Dạy con làm quen với Lời Chúa: Cha mẹ kể chuyện Thánh Kinh, chuyện về Đức Giêsu, chuyện các Thánh, chuyện người tốt việc tốt để chúng làm quen với Lời Chúa. Có thể lợi dụng nhiều cơ hội để kể chuyện Phúc Âm, giảng giải Lời Chúa một cách đơn sơ, ấm cúng và đầy ý vị.
- Dạy con học giáo lý: Thiếu nhi học giáo lý ở các lớp học, chúng cũng cần được bồi dưỡng, nhắc nhở để những điều đã học được thông hiểu và ghi vào ký ức. Những dịp con cái được nhận lãnh bí tích (Xưng Tội, Rước Lễ, Thêm Sức), cha mẹ cần lưu tâm đến giáo lý nhiều hơn và tích cực giúp chúng nhận lãnh bí tích cách sốt sắng. Giáo lý tại gia không những nhắm đến con cái mà chính các bậc cha mẹ cũng phải học hỏi trau dồi giáo lý. Cha mẹ là người hướng dẫn chăm sóc cho con cái biết Chúa Kitô nhưng đồng thời cùng với con cái, cha mẹ cũng là những người cần được học hỏi để yêu mến Chúa Kitô hơn.
- Gia đình “mái ấm tình thương”
Gia đình là cộng đoàn hiệp thông và liên đới chặt chẽ giữa các thành viên với nhau, bình đẳng về phẩm giá, về ơn gọi trước mặt Chúa và trước mặt nhau. Nhờ đó gia đình trở nên mái ấm với cuộc sống an hoà, yêu thương đầm ấm, chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh quên mình vì hạnh phúc của nhau.
Gia đình là cộng đoàn phục vụ yêu thương. Luật yêu thương thúc đẩy gia đình Công giáo gắn bó chặt chẽ với Hội Thánh là dân Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế, để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, cùng cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền bá đức tin. Noi gương Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, hiến thân phục vụ mọi người.
Từ "GIA ĐÌNH" bao gồm người cha, người mẹ và con cái. Trong Anh ngữ, gia đình là "FAMILY", từ này có một ý nghĩa rất sâu đậm, được diễn đạt như sau: Family = (F)ather (A)nd (M)other, (I) (L)ove (Y)ou! Nghĩa là: “Cha Và Mẹ Ơi, Con Yêu Thương Cha Mẹ”.
Hãy gìn giữ mái ấm gia đình. Hãy đặt ưu tiên cho niềm vui hạnh phúc gia đình.
Ngày nay, trong xã hội tiêu thụ, vì bận rộn với công việc kiếm tiền, một số cha mẹ không gần gũi, không dành thời giờ cho con cái. Vì thế, chúng cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu tình thương. Theo mức độ, con cái sẽ lâm bệnh chán nản, buồn phiền, không thích học nữa, lỳ lợm, xấc láo, ích kỷ, vô cảm, đua đòi thiếu suy nghĩ. Một số phụ huynh chỉ mong con mình học giỏi, thành đạt, kiếm được nhiều tiền. Họ ít quan tâm đến đời sống đạo đức của con, không lo giáo dục đức tin cho con. Có cha mẹ quan niệm, lo cho con được Xưng Tội, Rước Lễ, Thêm Sức là đủ rồi; vì thế có em sau khi Thêm Sức là bỏ nhà thờ. Sự đa dạng của vi tính và internet quá hấp dẫn lôi kéo con cái chúng ta ra khỏi thực tế rồi đi vào thế giới ảo. Lối sống hiện đại cũng dễ đánh mất bầu khí mái ấm. Mỗi người có một phòng riêng, một thế giới riêng nên mọi người ít quan tâm đến nhau, ít giúp đỡ nhau. Hãy nhớ gia đình là thiêng liêng cao quý, còn công việc chỉ là vật chất tầm thường. Mọi thành viên có thể hy sinh công ăn việc làm cho mái ấm gia đình.
Tình yêu từ mái ấm sẽ làm trổ sinh hoa trái cho đời sống gia đình.
- Lòng bác ái: Trên mọi đức tính hãy có lòng bác ái, đó là mối dây liên kết tuyệt hảo (Col 3,14). Bác ái là tình yêu rộng lớn; là tình yêu mạnh hơn tội lỗi, sự dữ, khổ đau và cái chết. Tình yêu mãnh liệt như thế mới liên kết mọi sự và mọi người lại với nhau. Chính Thiên Chúa đã gieo vào lòng chúng ta lòng bác ái đó. Là tình yêu được tiếp sức bởi tình yêu của Thiên Chúa, lòng bác ái giúp mọi người gắn bó với nhau làm nên mái ấm gia đình. Lòng bác ái làm cho mọi người chấp nhận nhau, chịu đựng lẫn nhau, tha thứ hy sinh cho nhau, chia sẻ cho nhau, ban tặng cho nhau bản thân mình. (Col 3,12-13).
- Niềm vui: Hạnh phúc là niềm vui của mỗi người và mọi người trong gia đình chung sống với nhau. Niềm vui của chồng vợ, con cái cháu chắt. Niềm vui đời thường, niềm vui nhỏ làm thành hạnh phúc. Niềm vui từ tình yêu làm cho gia đình thành mái ấm.
- Bình an trong gia đình: Tâm hồn bình an là tâm hồn đạo đức. Chúng ta được bình an khi hòa giải với Chúa, tin và yêu Chúa. Chúng ta được bình an khi hòa giải với chính mình, khi hòa giải với những người sống chung quanh. Chúng ta được bình an khi tâm hồn không chất chứa tham vọng, không chất chứa oán hờn ganh ghét. Chúng ta được bình an khi tâm hồn không bị xáo trộn bởi đam mê bất chính. Chúng ta được bình an khi là con người tự do đích thực và tôn trọng người khác. Đó là bình an Chúa Kitô ban tặng cho chúng ta.
- Gia đình sống niềm vui đức tin
Chiều thứ Bảy ngày 26.10.2013, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ hàng trăm ngàn tín hữu tham gia cuộc hành hương của các gia đình tại Roma. Cuộc gặp gỡ do Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân tổ chức với chủ đề “Hỡi gia đình, hãy sống niềm vui đức tin”.
Đức Thánh Cha mời gọi: Hỡi các gia đình thân mến. Chúa Giêsu nói: “Hãy đến cùng Thầy, hỡi tất cả những ai vất vả và bị đè nén”! Chúa biết những cơ cực của anh chị em, những gánh nặng trong cuộc sống chúng ta. Nhưng Ngài cũng biết ước muốn sâu xa của chúng ta mong tìm được niềm vui được bồi dưỡng! Anh chị em có nhớ chăng? Chúa Giêsu đã nói: “Ước gì niềm vui của các con hôm nay được tràn đầy” (Ga 15,11). Ngài đã nói điều đó với các tông đồ và hôm nay, Ngài lập lại điều đó với chúng ta. Vì vậy, đây là điều đầu tiên mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em, và đó là một câu của Chúa Giêsu: “Hãy đến cùng Thầy, hỡi các gia đình trên toàn thế giới, và Thầy sẽ bồi dưỡng cho các con, để niềm vui của các con được tràn đầy”.
Với các gia đình trẻ, Đức Thánh Cha khuyên: các đôi vợ chồng trẻ, đừng bao giờ để một ngày kết thúc mà chưa làm lành với nhau. Chính nhờ biết làm hoà với nhau sau mỗi lần cãi vã, hiểu lầm, ghen ngầm, và kể cả phạm tội nữa, mà làm mới lại bí tích Hôn Nhân. Biết làm hoà với nhau sẽ mang lại sự hiệp nhất trong gia đình. Phải nói điều đó cho các bạn trẻ, các đôi vợ chồng trẻ, dù biết không dễ thực hiện nhưng đó là một con đường đẹp, rất đẹp. Cần phải nói cho các bạn trẻ con đường tốt đẹp đó!
Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến trẻ thơ và người già. Ngài nói: Tôi vui mừng được biết Hội đồng Toà Thánh về Gia đình đã chọn bức icôn Dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ làm biểu tượng mới về gia đình. Bức tranh thể hiện Đức Mẹ và Thánh Giuse bế Hài Nhi lên Đền Thờ để chu toàn bổn phận như Luật dạy; ngoài ra, còn có hai cụ già Simêon và Anna, được Thánh Thần thúc đẩy, đã nhận Hài Nhi làm Đấng Cứu Thế. Tên của bức icôn mang ý nghĩa: “Lòng thương xót của Chúa từ đời nọ đến đời kia”. Một Giáo hội biết chăm sóc trẻ thơ và người già thì trở thành người Mẹ của mọi thế hệ tín hữu, đồng thời phục vụ xã hội nhân loại để tinh thần thương yêu, tinh thần của gia đình và sự liên đới giúp mọi người biết tái khám phá tình phụ tử và mẫu tử của Thiên Chúa.
Bí quyết giúp các gia đình sống niềm vui đức tin là có Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình. Phúc - Âm - hóa được thể hiện nơi gia đình qua đời sống làm chứng dấn thân cụ thể. Người ta nhận ra các gia đình Kitô hữu đích thực qua sự trung tín, nhẫn nại, biết quảng đại đón nhận sự sống, kính trọng người già. Phúc - Âm - hóa giúp gia đình trở thành môi trường, là cái nôi cho con cái trưởng thành trong đức tin và lòng mến. Khi đã thấm nhuần tinh thần Tin Mừng, gia đình tham gia sứ mạng Phúc - Âm - hóa bằng cách kết nghĩa, làm bạn với anh chị em lương dân, yêu thương giúp đỡ họ và nói cho họ về Thiên Chúa yêu thương.
Nguyện xin cho các gia đình Công giáo biết noi theo gương sáng của Thánh Gia Thất, chiếu tỏa ánh sáng đức tin, tích cực góp phần thi hành sứ mệnh truyền giáo, đem lại hoa quả dồi dào trên quê hương Việt Nam thân yêu.