MỤC VỤ ĐỐI THOẠI
NƠI MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA VIỆT NAM
VỚI BA TÔN GIÁO
DẪN NHẬP
Trước Công Đồng Vat.II, Giáo Hội ít nhấn mạnh tới đối thoại mà tập trung vào việc dậy dỗ. Như Thông Điệp “Mẹ và Thầy” của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23. Và vì thế Giáo Hội quan tâm tới việc giáo huấn hơn là lắng nghe và đối thoại. Mãi đến Công Đồng Vat. II thì Giáo Hội mới chính thức đối thoại với những người khác mình.
Ngày nay, “Đối thoại là con đường mới của Giáo Hội.”[1] Chúng diễn tả yếu tính Giáo Hội hiểu biết về mình: Giáo Hội là Đối thoại. Đối thoại là con đường, là nghĩa vụ sống mỗi ngày của Giáo Hội và là cách Giáo Hội rao giảng Phúc Âm.
Có bốn loại đối thoại. Một là đối thoại qua cuộc sống. Hai là đối thoại bằng hành động. Ba là đối thoại theo kinh nghiệm cảm nghiệm đức tin tôn giáo. Bốn là đối thoại Thần học.
Sắc lệnh Đối Thoại với các tôn giáo viết: “Đáp trả Thánh Thần trong hoàn cảnh cụ thể và linh hoạt là phát triển văn hóa đối thoại với các tín hữu của các tôn giáo. Văn hóa đối thoại phải trở nên dấu hiệu đặc biệt của xã hội chúng ta, để cho toàn thể nhân loại nhận biết vinh quang cao cả của Thiên Chúa Đấng trợ giúp con người.”
Trong văn hóa Việt Nam, chữ “Nhân” với nghĩa là “Tính Người” bao gồm chữ “Nhị” và bộ “Nhân đứng”. Tính người bộc lộ trong quan hệ giữa hai người.
L. Pheurbach từng viết: “Con người cá thể không chứa bản chất con người ở trong mình… Bản chất con người chỉ bộc lộ trong giao tiếp, trong thể thống nhất giữa con người với con người. Con người để cho mình chỉ là con người theo nghĩa thông thường; còn con người trong giao tiếp với đồng loại, trong sự thống nhất giữa Tôi với Anh mới chính là Thượng Đế.”[2]
Đối thoại làm con người trở nên giống Thượng Đế. Tính người và tính Thượng Đế được tăng cường, khi tính cộng đồng lại là một trong những đặc trưng văn hóa của Người Việt. Do tính cộng đồng, người Việt Nam rất thích đối thoại.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, hòa bình và tôn giáo có tương quan mật thiết với nhau. Trong cuộc hội thảo về đề tài “Các tôn giáo trên địa cầu và nhân quyền” được tổ chức tại Paris, do UNESCO và Viện Văn Hóa Đức tổ chức, vào tháng hai năm 1989, giáo sư Hans Kung phát biểu: “Không thể có hòa bình giữa các dân tộc trên địa cầu, nếu không có hòa bình giữa các tôn giáo.”
Còn Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI khẳng định: “Không có hòa giải, không có hòa bình, hòa giải dẫn tới hòa bình.” Thêm vào đó, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) xác tín rằng: “Đại kết và đối thoại đã trở thành điều thiết yếu để ta thực hiện bất cứ tác vụ nào.”
Vì thế, “Mỗi thành viên và tất cả cộng đồng Kitô hữu được mời gọi để tham gia đối thoại, dù không luôn luôn ở cùng một trình độ hoặc cùng một phương thức.”[3] Do đó, đối thoại là nghĩa vụ và là cách thức truyền giáo của Giáo Hội hiện nay.
NỘI DUNG
1. Nguyên tắc
Mục vụ đối thoại là một công trình xây dựng tinh thần. Xây dựng tinh thần cũng phải có mô hình hay nguyên tắc. Hai nguyên tắc tối quan trọng trong đối thoại hiệp thông: “Yêu và Tin.”
1.1. Yêu
Yêu thương thể hiện qua những thái độ căn bản:
Khiêm tốn, kính trọng, kiên nhẫn, lắng nghe.
Về khiêm tốn, Chúa Giêsu kêu mời: “Hãy học cùng Ta, vì Ta khiêm tốn và hiền lành.”
Về kính trọng, sách Gương Phúc khuyên: “Không bao giờ nói hay về mình, luôn biết kính trọng người khác. Đó là khôn ngoan và toàn hảo nhất.” Và kinh nghiệm cho thấy, một sự tôn trọng được sinh ra bởi tình yêu có thể duy trì sáng tạo.
Về kiên nhẫn: “Kiên nhẫn là hơi thở sâu của đam mê”â (E. Jungel).
Về lắng nghe, chúng ta hầu hết không bao giờ nghe đầy đủ câu:
“Khi chúng ta trao đổi, chúng ta có thể nghe nhau, nghe trước khi xét đoán.”
1.2.Tin
Tin thể hiện qua thái độ căn bản:
Nhận và cho, hiểu biết, liên kết, gắn bó.
Tin là tiền đề căn bản khác trong đối thoại hiệp thông. Tin có trong đối thoại hiệp thông như trái đất có cây. Không có gì xấu xa hơn khi người ta phải đối mặt với một bức tường nghi ngờ. Thẻ tín dụng tuỳ thuộc vào niềm tin kinh tế. Và thẻ đối thoại tuỳ thuộc vào niềm tin của mỗi cuộc hiệp thông.
Qủa thực, “ Yêu và Tin” đáp ứng hai tố chất căn bản nơi con người, tương đương với “Tình và Lý.” Có thể nói: “Tin và Yêu” vừa là động lực vừa là mục tiêu của thần học mục vụ trong đối thoại hiệp thông.[4] “Tin và Yêu” thúc đẩy ta đối thoại và đối thoại để đạt tới “Tin và Yêu” hơn.
2. Động lực thiêng liêng
Động lực chính của đối thoại là gì?
Đó là tinh thần Cầu nguyện và Thần học Đối thoại Hiệp thông.
2.1. Trước hết là tinh thần Cầu nguyện
“Thiên Chúa ở trong tất cả.”
Câu chuyện một người học trò hỏi Thầy: “Thiên Chúa ở đâu?
Thầy đáp: “Hãy nói cho ta biết ở đâu Thiên Chúa không ở?”
Kinh nghiệm đối thoại của thánh Ignatiô. Ngài đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa, chiêm niệm trong hành động, tất cả trong tình yêu, đó là hành động hoàn hảo: “Trong Ngài chúng ta sống, di chuyển và hiện hữu.”[5]
Câu chuyện thánh Augustinô và Em bé: “Một hôm thánh Augustinô, ở Ostia, cảng Roman, đi bách bộ trên bãi biển. Đang trầm tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì thấy một đứa trẻ dùng vỏ sò hì hục múc nước biển đổ vào lỗ cáy ở bãi cát.
Ngài hỏi: con đang làm gì thế?
Đứa bé đáp: “Con muốn tát cạn nước biển vào lỗ cáy này.”
Thánh nhân hiền hoà đáp: “Con thấy biển thì bao la vô tận, con không thể tát biển vào trong một cái lỗ cáy được!”
Đứa trẻ nói ngay: “Ngài cũng không thể hiểu thấu điều mà Ngài đang suy nghĩ với sự hiểu biết của Ngài.”
Qua đó, chúng ta hiểu “Hiệp Thông Đối Thoại” mặc dầu là khoa học nghệ thuật, nhưng còn là mầu nhiệm nữa. Cần có đời sống nội tâm sâu xa, vì Thiên Chúa chủ động hướng dẫn từng con người. Thánh Kinh quả quyết, “Mọi người được Thiên Chúa dậy bảo.”
2.2. Thứ đến là Thần học Đối thoại Hiệp thông
Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thiên Chúa là tương quan: Cha, Con, Thánh Thần. Đó là sứ điệp “Đối Thoại” nơi Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.[6]
Ngoài ra, ngày nay người ta còn đề cập tới Chúa Kitô.
Mẫu đối thoại hoàn hảo của Thiên Chúa, với hai bản tính, bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Theo M. Aubert: “Đối thoại đòi phải biết đổi chỗ đứng …là con đường tinh thần mà người tín hữu phải đi…tìm ra con đường của mình và tìm thấy người khác ở ngay trong nội tâm của mình.”
3. Áp dụng đối thoại tôn giáo
Năm 2001: Liên Hiệp Quốc chọn “Năm Quốc tế đối thoại giữa các nền văn minh.” Nhằm cổ võ sự tôn trọng và quí mến những nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Khích lệ đối thoại để xây dựng một nền văn minh tình thương và hòa bình.
Tông Huấn Giáo Hội Á Châu khẳng định: “Tiếp xúc, đối thoại, hợp tác với những người theo các tôn giáo khác, là một trách nhiệm mà Công Đồng Vat. II trao lại cho toàn thể Giáo Hội như là một bổn phận và một thách đố.”[7]
“Đại kết và đối thoại đã trở thành điều thiết yếu để ta thực hiện bất cứ tác vụ nào.”[8]
Nhận biết các ưu điểm của các tôn giáo, để trân trọng, quí mến, yêu thương vàphát huy các điểm tốt của họ. Theo Chân Phước Têrêsa Calcutta: “Giúp họ sống tốt tôn giáo của họ. Nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ thực hiện Thánh Ý của Ngài.”
Chúng ta bắt đầu đối thoại với ba Tôn Giáo: Phật, Cao Đài, và Hòa Hảo.
3.1. Phật Giáo
Phật Giáo chú trọng tới nỗi khổ của con người.
Đức Phật dậy: “Ta chỉ dậy một điều là Khổ và Diệt Khổ.”
Tượng Phật gần gũi với nét “Hiền Hòa, nhân ái.” Phật Bà Quan Âm, biến thể của Quán Thế Âm Bồ Tát, có khả năng quán xuyến hết các âm thanh của thế giới, tiếng kêu khổ của con người, trở thành vị Thần Hộ Mệnh của cư dân nông nghiệp, có “nghìn mắt, nghìn tay.” Cũng như Tục ngữ LaTinh: “Con mắt nhà nông phân bón ruộng đồng”. VàTục ngữ Việt Nam: “Đông tay hơn hay làm.”
Trong lịch sử Việt Nam, Phật Giáo rất nhập thế, ví dụ: cố vấn cho nhà Vua trong những việc hệ trọng. Vì thế, Phật tử rất chú tâm tới việc đời. Khẩu hiệu hành đạo: “Cứu nạn cứu khổ.” Và chủ trương: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người.” Trước hết, cứu người thân khỏi khổ: “Phật trong nhà không thờ, đi thờ Thích Ca ngoài đường.” Họ cũng quan niệm: “Thi ân bất cầu báo.”
3.2. Cao Đài
Tôn giáo Dân Tộc, nhằm tổng hợp các tôn giáo đã có, tạo ra tôn giáo mới, gọi tắt là Cao Đài.
Chủ trương: “Thiên nhân hợp nhất, vạn giáo nhất lý, làm lành lánh giữ, sùng bái một Đấng Cao Cả, Chúa Tể Càn Khôn vũ trụ, hóa sanh muôn loài, cha chung vạn vật, hằng ngày tín hữu phải cầu nguyện cho mọi người biết nhìn nhau như anh em một cha, bạn học một thầy, nhân loại hòa hiệp thái bình, chung hưởng hạnh phúc mà Cha Đại Từ Bi dành cho.”
Đối tượng thờ chủ yếu và trên hết là: “Con Mắt Trái.” Gọi là Thiên Nhãn. Biểu tượng cho Tâm Linh vô hình. Mắt Trời là duy nhất và thống nhất ở khắp mọi nơi, là tinh thần tổng hợp vạn giáo. Mắt Trời soi xét tất cả, không việc gì không biết; tín đồ nhìn vào Thiên Nhãn thấy như đang nhìn vào chính cõi Tâm Linh của mình (Tâm tại nhãn).
Cao Đài chủ trương đề cao cái Tâm vì Tâm do Thượng Đế ban cho, hiệp với Thân, làm nên con người. Tâm con Người và Tâm Vũ Trụ đồng nhất lý.
Năm 1936, hội nghị quốc tế tôn giáo họp ở London nhìn nhận: “Cao Đài là một tôn giáo khoan dung nhất thế giới.” Tổng hợp các tôn giáo, từ Nho, Phật, Đạo tới các tôn giáo Tây Phương; tổng hợp các truyền thống dân tộc.
3.3. Hòa Hảo
Tổng hợp Phật và đạo Ông Bà.
Giáo lý: “Thiên kinh vạn quyển, Hiếu nghĩa vi tiên.”
Chủ trương “Hiếu Hòa và Giao Hảo”.
Thực thi thuyết Tứ Ân: Ân Tổ Tiên Cha Mẹ; ân Đất Nước; ân Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng); ân Đồng Bào và Nhân Loại.
Về giáo dục, họ giữ tam cương ngũ thường, tránh nạn tứ đổ tường và hy sinh cho Quê Hương Dân Tộc.
Tu tại gia, cốt ở “trau tâm trỉa(sửa) tánh.”
KẾT LUẬN
Nhận ra những điểm tốt nơi ba tôn giáo sống gần chúng ta nhất, sẽ giúp chúng ta biết trân trọng, yêu thương và phát huy những gía trị cao quí . Cụ thể, trong đời sống, chúng ta coi nhau như anh em. Hằng năm vào những dịp lễ lớn của nhau, chúng ta thường hay cử phái đoàn đến dự lễ và dùng cơm.
Trong hành động, theo quan niệm dân gian, người ta cho rằng: “Bắc cầu, bồi lộ, thí nước, phúc ba đời”. Vì thế, trong việc lập công tích đức, chúng ta cùng nhau xây dựng cầu cống, đường sá, làm từ thiện để góp phần phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống con người là rất thuận lợi và phù hợp với công cuộc truyền giáo mới.
Mục vụ đối thoại là con đường truyền giáo mới. Nó phát xuất từ Công đồng Vat. II, phù hợp với văn hóa Việt Nam và mang tính thời đại. Người đối thoại cần có lý tưởng, tinh thần cầu nguyện, hiểu biết thánh ý Chúa, hiểu biết tâm lý con người, và nắm vững các nguyên tắc, động lực của nghệ thuật đối thoại.
Đặc biệt, luôn được nung đúc bởi Thần Học mục vụ đối thoại hiệp thông: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và Ngôi Lời Nhập Thể.” Hầu dẫn đưa nhân loại tiến đến lý tưởng “Chân Thiện Mỹ,” đi vào “Vinh Quang Thiên Chúa” ngay đời này.
Hình tượng: “Mặt trời và tình bạn” gợi cho thấy đối thoại là nhu cầu sống, với những điều kiện, như : tin, yêu, chân thành, chia sẻ, khôn ngoan, đạo đức, cao thượng.
Dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, chúng ta cần tiếp tục suy tư và đối thoại hiệp thông như thể là do sức mình, nhưng kết quả như thể do ân sủng Thiên Chúa, trong môi trường mục vụ văn hóa của chúng ta thời nay.
Ngày, 24-05-2013 (15-04-2013 AL)
Linh mục Gioankim Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
[1]ĐT.C. P.VI, Tông Huấn Ecclesia suam.
[2]L. Pheurbach, Kagan M.C.1988: Mir obscheija. – Moskva: Politizdat.
[3]Tông Huấn, Sứ Vụ Đấng Cứ Độ, RM:Redemptoris Missio.
[4]Kagan M.C. 1988: Mir obscheija. – Moskva: Politizdat, 44-80.
[5]TĐCV 17:28
[6]Kagan M.C. 1988: Mir obscheija. – Moskva: Politizdat.Ibid, 174-215
[7]Tông Huấn Giáo Hội Á Châu (EA) 31.
[8]Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC), tại Samphran, Thái Lan, 2000.
Các tin khác