Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024 | 10:06 AM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Khóa học

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO DÂN

KHÓA IIB: TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN THỰC HÀNH

ĐỀ TÀI II

RÚT KINH NGHIỆM LỊCH SỬ

ĐỊNH HƯỚNG NHỮNG CHIẾN LƯỢC CHO TƯƠNG LAI

I. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỀ TÀI

Giúp các học viên có cái nhìn tổng quát về lịch sử hơn 2000 năm của Giáo hội Công giáo để rút ra được hai bài học quí gía này là:

(1o) Giáo hội đã có những thời gian dài hàng thế kỷ sống không trung thành với giáo huấn của Chúa Giê-su và truyền thống của Giáo hội thời các Tông đồ và các Giáo phụ và

(2o) Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động trong lịch sử Giáo hội để canh tân đổi mới con người và cơ cấu Giáo hội, nhất là trong những gì liên quan tới thành phần đông đảo nhất trong Giáo hội là giáo dân.

II. PHẦN TRAO ĐỔI NHÓM NHỎ CỦA HỌC VIÊN (30 phút).

2.1 Tại sao phần đông giáo dân không “dám” lãnh trách nhiệm lãnh đạo trong giáo xứ?

2.2 Tại sao nhiều giáo dân không “đủ khả năng” lãnh trách nhiệm lãnh đạo trong giáo xứ?

2.3 Tại sao vẫn có những linh mục không muốn cho giáo dân đóng vai trò lãnh đạo, điều hành trong hội đoàn, giáo xứ?

2.4 Do đâu mà trong nhiều giai đoạn lịch sử và tại nhiều Giáo hội địa phương vẫn ngấm ngầm có hiện tượng xung khắc, đối đầu giữa giáo sĩ và giáo dân và hiện tượng người giáo dân bị miệt thị?

III. PHẦN HỌC HỎI QUA SỰ TRÌNH BÀY CỦA HƯỚNG DẪN VIÊN (60 phút).

Trong chiều hướng canh tân Giáo hội, có một trở ngại rất to lớn nơi cả hàng giáo sĩ lẫn hàng giáo dân là đem áp dụng những Giáo huấn của Công đồng Va-ti-can II về vai trò, ơn gọi và sứ mạng người giáo dân vào thực tế. Một số người nặng lời chỉ trích kết án. Một số khác chán nản và bỏ cuộc.  Phần đại đa số ù lì, bất động. Cả ba hạng người trên đều không quan tâm đến bài học lịch sử của Giáo hội để rút ra những điều bổ ích và nhất là để định hướng những chiến lược tương lai. 

Linh mục Manny Flores, Dòng Tên, quốc tịch Phi, là chánh xứ  của một giáo xứ 17.000 giáo dân, đồng thời cũng là giáo sư  Đại chủng viện. Tại giáo xứ rộng lớn hầu như toàn tòng là giáo dân, trong lúc hàng giáo sĩ trở thành quá ít ỏi không đủ sức đáp ứng các nhu cầu mục vụ, linh mục Manny Flores đi tìm con đường sống cho giáo xứ của mình. Con đường mà linh mục Manny Flores đã tìm ra là RÚT KINH NGHIỆM LỊCH SỬ, ĐỊNH HƯỚNG NHỮNG CHIẾN LƯỢC CHO TƯƠNG LAI. Trong đó ngài nhìn ra nhu cầu khẩn thiết là phải đoàn ngũ hóa và tăng cường sức mạnh cho hàng giáo dân để nâng cao đời sống đạo của giáo xứ. Trong bài thuyết trình tại Đại Hội Canh Tân Đặc Sủng Toàn Quốc Hoa Kỳ lần thứ 28 được tổ chức tại Anaheim Convention, California, ngày 30.8.2000, linh mục Manny Flores đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu này với các đại biểu Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng đến từ khắp nơi trên toàn nước Mỹ, vào đúng thời điểm mở đầu thiên niên kỷ thứ ba của Giáo hội và nhân loại.

3.1 Lịch sừ 2000 năm của Giáo hội Công giáo:

Rút kinh nghiệm qua những bài học lịch sử từ Giáo hội của Giao Ước Mới (Giáo hội Tiên khởi), rồi trải qua hai mươi thế kỷ và dừng lại tại Công đồng Va-ti-can II, linh mục Manny Flores nhìn ra chiến lược của Giáo hội chính là cần phải đoàn ngũ hóa và tăng cường sức mạnh cho tầng lớp giáo dân. Hành trình này phải trải qua bốn giai đoạn như sau:

(1o)  Sám hối và cầu nguyện theo tinh thần của Gio-an Tiền Hô mở đầu cho triều đại mới của Đấng Cứu Thế: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1: 15).

(2o) Khơi động tinh thần canh tân, cải cách, đổi mới.

(3o) Các tầng lớp trong Giáo hội phải sống tinh thần khiêm cung nhìn nhận mình là các tội nhân. Hãy noi gương Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã thay mặt Giáo hội xin lỗi thế giới khoảng 100 lần về các lỗi lầm của Giáo hội trong lịch sử.

(4o) Hãy chỗi dậy sống trong niềm tin và tín thác nơi Thiên Chúa.

Linh mục Flores chia lịch sử Giáo hội Công giáo hai ngàn năm thành 10 thời kỳ như sau:

1/ Giáo hội Tân Ước (New Testament Church) từ năm 33 đến năm 100.

Đây là Giáo Hội do Chúa Ki-tô thành lập và được Chúa Thánh đến khởi động. Qua phép rửa, mọi tín hữu đều xứng đáng trở thành môn đệ Chúa Giê-su, dưỡng tử của Chúa Cha, đền thờ Chúa Thánh Linh, phần tử của Giáo hội là Thân Thể Chúa Ki-tô và là Dân Chúa. Với những tư cách đó, mọi tín hữu đều được mời gọi sống thánh thiện, đều được kêu mời làm mục vụ, tức làm vườn nho của Chúa tùy theo nhu cầu, các đặc sủng và truyền thống. Vào thế kỷ đầu tiên của Giáo hội này, chưa có một hàng rào nào phân cách giữa giáo sĩ  và giáo dân.

Các Tông đồ hoặc các cộng tác viên của các ngài chính là những người mang trong mình đầy sủng lực như lời Chúa Giê-su đã hứa khi thăng thiên: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri-a và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8).

Quả thực sau khi đã nhận lãnh được tràn đầy Thánh Thần, các Tông đồ mạnh dạn và phấn khởi túa ra tứ phía, lên đường làm chứng tá cho Tin Mừng và Chúa Ki-tô Phục Sinh. Từ lời rao giảng cho tới phong thái của các ngài toát ra sủng lực của Thần Khí, khiến những ai đến nghe các ngài giảng hoặc tiếp xúc với các ngài đều được chữa lành và quay trở lại với Thiên Chúa. Quyền  năng và sức mạnh của các ngài không do phong chức hoặc bổ nhiệm, nhưng do Thánh Thần tràn đầy trong các ngài.

2/ Các Thế kỷ Sơ khai  (Early Centuries) từ năm 100 đến năm 300.

Đây là thời kỳ của các Giáo phụ nổi bật với các tên tuổi như Po-ly-cáp, I-nha-ti-ô An-ti-ô-ki-a, Thánh An-tôn. Các Giáo phụ nhấn mạnh đến căn tính và phẩm giá (identity & dignity) của mọi Ki-tô hữu: “Là một tín hữu đã nhận phép rửa, các con hãy nhớ mình thuộc phần tử của Thân Thể nào?” và đến việc mỗi người cần được biến đổi (transformation): “Ngài đã trở thành con người để chúng ta có thể trở thành linh thánh.” Danh từ giáo sĩ  (kleros) chỉ được sử dụng từ năm 200, còn danh từ giáo dân (laicus) thỉnh thoảng được sử dụng từ sau năm 220. Danh từ tư tế được hiểu là linh mục, bắt đầu được sử dụng trong các cộng đoàn nhỏ. Vào thời kỳ này Giáo hội  bị coi là bất hợp pháp, bị bách hại và thường dẫn đến tử đạo.

3/ Giáo hội do Giáo sĩ Chuyên chế (Clerical-Imperial Church) từ năm 300 đến năm 450.

Vào thời Hoàng đế Cons-tan-ti-nô, qua sắc chỉ Mi-lan năm 313, Giáo hội được hợp thức hóa sau 300 năm bị bách hại và khi đó Giáo hội Ki-tô giáo trở thành một xã hội lý tưởng. Nhiều người tin theo Ki-tô giáo và tới thời hoàng đế Thê-ô-đô-si-ô I, năm 395, Ki-tô giáo trở thành quốc giáo. Hàng giáo sĩ, nhất là các giám mục trở nên như các quan chức trong các cấu trúc chính quyền. Tiếng La tinh trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia Ro-ma. Giáo hội lệ thuộc quốc gia và đôi khi còn hy sinh các lợi ích linh thiêng cho các mục tiêu cai trị.

Vào thời điểm này khẩu hiệu “một Đế quốc, một Tôn giáo” được coi như một đòi hỏi của Thánh Kinh. Tầng lớp Giáo sĩ vươn mình dậy nắm giữ cả hai quyền lực thần quyền và thế quyền trong tay đã đưa đến tình trạng tầng lớp giáo dân bị hạ xuống đáy Giáo hội (left at the bottom) và giáo sĩ  đi vào thoái hóa.

Từ những suy thoái chạy theo quyền lực và sống thế tục, trong Giáo hội xẩy ra nhiều tệ trạng khiến nhiều tín hữu tìm vào sống trong sa mạc. Nhiều người thành tâm nhìn ra Giáo hội đang trải qua một cơn bách hại mới do lối cai trị Giáo hội theo kiểu trần tục, đặc biệt Pa-cho-mi-us tổ chức các cộng đoàn ẩn tu. Các vị ẩn tu này ảnh hưởng được Giáo hội và nhiều vị trở thành giám mục và các nhà lãnh đạo thánh thiện.

4/ Đế quốc Rô-ma sụp đổ (Fall of the Roman Empire) từ năm 450 đến năm 800.

Giáo hội chuyên chế sụp đổ cùng với sự sụp đổ của Đế quốc Rô-ma. Từ đây phát sinh chủ nghĩa Giáo hội trở về sống lối sống khắc khổ (Mo-nas-ti-cism) của các tu sĩ khổ tu với cao điểm là Thánh Bê-nê-đic-tô tác động đến Giáo hội thật sâu rộng với chủ trương các tín hữu:

• sống lối sống “vừa cầu nguyện vừa lao động”,

• thích nghi theo lối sống nông thôn,

• tập trung thành các cộng đoàn cầu nguyện và tôn sùng Thánh Thể.

Đức Giáo Hoàng Grê-gô-ri-ô Cả thiết lập Thánh Thể như một khuôn mẫu cho lối sống tu trì và lối sống của các thầy dòng trở thành khuôn mẫu cho lối sống của hàng giáo sĩ cũng như cho những ai nắm giữ chức vụ lãnh đạo trong Giáo hội. Vào thời kỳ này, nhiều quốc gia Bắc Âu tin theo Ki-tô giáo nhờ các hoạt động của tầng lớp giáo dân như O-laf, E-rich.

5/ Thánh Đế Quốc Ro-ma và Giáo Hội Phong Kiến (Holy Roman Empire and Feudal Church) từ năm 800 đến năm 1000.

Năm 800 Hoàng đế Charlemagne của nước Pháp được phong làm hoàng đế đầu tiên của Thánh Đế Quốc Roma là người bảo vệ ngai giáo hoàng. Thế quyền và giáo quyền phối hợp, nối kết với nhau thành một tổ chức được coi như linh thánh (both seen  as divinely instituted).

Từ đây hàng giáo sĩ bắt đầu coi mình đứng ở trên nấc thang cao nhất hoặc ngồi ở chiếu trên cao. Với đà tiến này, hàng ngũ giáo dân tụt thang dần đến nấc thang thấp nhất, ngồi chiếu rốt bét. Ngay trong phụng vụ, giáo dân chỉ còn biết lắng nghe và theo dõi các nghi lễ phụng vụ bằng tiếng La tinh mà họ chẳng hiểu gì. Mọi chức vụ đều nằm trong tay hàng giáo sĩ và giáo dân chỉ còn là thành phần nghe dạ bảo vâng. Họ không được nắm giữ các chức vụ như lãnh đạo, giáo chức, thuyết trình viên hoặc giám đốc.

6/ Hàng ngũ giáo dân bắt đầu chỗi dậy (Beginning of the Rise of the Laity) từ năm 1000 đến năm 1600.

Trước những suy thoái trầm trọng của hàng giáo sĩ khi tham gia vào cả hai quyền lực: thần quyền và thế quyền, Đức Giáo Hoàng Grê-gô-ri-ô VII phải cố công cải cách hàng giáo sĩ. Trước tiên, ngài tấn công vào việc buôn bán chức sắc trong Giáo hội và cả các đồ thờ phượng nữa, kiểm soát chuyện phòng the giáo sĩ, chuyển tài sản cho con cái của giáo sĩ.  Từ những suy sụp và thoái hóa này trong giới giáo sĩ, Đức Grê-gô-ri-ô bắt buộc các giáo sĩ phải sống độc thân. Từ đây con đường canh tân triển nở với các dòng khổ tu nổi tiếng. Những trào lưu tu sĩ mới mọc lên xanh tươi trong Giáo hội nhất là các dòng khất thực của Thánh Phan-xi-cô As-si-si, Thánh Đa-minh. Tất cả các dòng tu này chủ trương:

• Rao giảng Tin Mừng bằng gương mẫu đời sống khó nghèo và hăng say lên đường loan báo Tin Mừng.

• Hướng về mục vụ hơn là cai trị trong Giáo hội bằng rao giảng Tin Mừng và chăm sóc đời sống tâm linh cho các tín hữu.

• Phát động các canh tân thần học, nhờ đó đã triển nở được những nhà thần học lừng danh.

Về phía giáo dân, người ta thành lập được những phong trào sống đời sống khó nghèo, những nhóm học hỏi Thánh Kinh để lên đường loan báo Tin Mừng, giảng dậy và hướng dẫn tu đức. Từ đây cũng phát sinh ra một số những trệch hướng và tà giáo. Rồi cao trào thập tự quân đã huy động được nhiều hiệp sĩ, nhiều nhà chỉ huy và nhiều chiến sĩ lên đường dành lại Đất Thánh. Nhờ đó vai trò của giáo dân được nâng cao. Thêm vào đó, phát minh máy in cũng như cao trào kinh doanh đi tìm thuộc địa đã đưa địa vị người giáo dân không bị khinh thường như trước nữa.

7/ Cải cách và Công đồng Tri-đen-ti-nô (Reformation & The Council of Trent) từ năm 1517  đến năm 1563.

Đây là những nguyên do cấu tạo nên cuộc Cải Cách của anh em Tin Lành:

•     Giáo triều thời Phục Hưng suy đồi và đánh mất nửa vương quốc Chúa Ki-tô.

•     Cuộc ly dị giữa tu đức và thần học, giữa thần học và Thánh Kinh cũng như các Giáo phu.

•     Việc phân chia thành các quốc gia dẫn đến việc sống độc lập khỏi giáo triều.

•     Giáo hội quá bị lệ thuộc vào nền văn minh Tây Phương.

•     Các kinh nghiệm và tư cách vững vàng của Luther, Calvin, Zwingli.

Công cuộc Cải Cách này di động theo nhiều phương hướng, nhưng đều chung một khuynh xác quyết nhân cách của người giáo dân trong Giáo hội. Tuy thế, không phải khuynh hướng nào cũng chống giáo sĩ.

Sau đây là những yếu tố chính đẩy các nghị phụ khai mở Công Đồng Tri-đen-ti-nô:

• Việc can thiệp của tầng lớp giáo dân trưởng giả vào các quyết định của các giám mục và các chủ chăn.

• Một số Nhà Cải Cách tấn công chức linh mục.

• Chủ nghĩa phong kiến vẫn còn chiếm ưu thế trong hệ thống giáo sĩ nắm lấy quyền hành và đặc ân.

Như vậy Công đồng Tri-đen-ti-nô nhấn mạnh đến việc bảo vệ chức linh mục và củng cố hệ thống hàng giáo phẩm từ ngôi vị giáo hoàng tới phó tế. Từ tầm nhìn thiếu quân bình này, hàng giáo sĩ được nâng cao, được bảo vệ và dĩ nhiên tầng lớp giáo dân bị hạ cấp và không được nhắc nhở gì đến trong các văn kiện Công Đồng. Chiến lược của Công đồng Tri-đen-ti-nô nhằm đào tạo hàng giáo sĩ cả về học vấn cũng như tu đức, trong lúc tầng lớp giáo dân bị quên lãng.

8/ Giáo hội sau Công đồng Tri-đen-ti-nô (The Church after Trent) từ năm 1563 đến năm 1950.

Tầm nhìn thiếu quân bình của Công đồng Tri-đen-ti-nô được kéo dài đến giữa thế kỷ hai mươi và không ai dám bình phẩm. Giáo hội trở thành dị ứng và bảo vệ trước các đề tài như “chức linh mục của người giáo dân”, “mục vụ giáo dân”. Những ai đưa ra các đề tài này thường bị chụp mũ là theo chủ nghĩa Thệ Phản.

Việc tái khám phá Thánh Kinh tạo ra được một cải cách đáng kể trong Giáo hội. Cá nhân hoặc nhóm nhỏ chia sẻ Thánh Kinh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, chứ không phải giáo sĩ, đã giúp người tín hữu được nuôi dưỡng tâm linh và phát triển kiến thức và cảm nghiệm Thánh Kinh, cũng như tăng gia niềm khao khát sống Lời Tin Mừng.

9/ Các Phong trào Giáo dân Công giáo và Công Giáo Tiến Hành (Catholic Lay Movements and Catholic Action) từ năm 1800 đến năm 1963.

Được kể là Các Phong trào Giáo dân Công giáo tức là các Phong trào do anh chị em giáo dân hình thành và thường không được hàng giáo phẩm chúc lành cũng như lãnh đạo. Thí dụ như các tổ chức các học giả, các liên minh thợ thuyền và doanh thương, các nhóm sắc tộc, cả trên bình diện địa phương cũng như quốc tế.

•  Họ thường thuộc thành phần có ăn học và có tư cách muốn sống theo đường lối sống và hoạt động của Tin Mừng

•  Đôi khi họ có những cảm nhận chống đối giáo sĩ. Nhưng chủ yếu các cao trào này phát khởi từ tình cảm muốn sống và hoạt động theo đường lối Tin Mừng. Yếu tố tích cực này đã đem nhiều người giáo dân sống nếp sống tâm linh sung mãn.

Công Giáo Tiến hành mang ý“người giáo dân chia sẻ việc tông đồ của hàng giáo phẩm” hoặc đây là sự cộng tác, phối hợp tông đồ giữa hàng giáo phẩm và giáo dân.

• Các phong trào này chính thức được hàng giáo phẩm nhìn nhận và hướng dẫn

• Họ đi theo một đường lối tu đức và hoạt động phong phú và hữu hiệu trong môi trường họ sống.

Những phong trào này đã đưa đến một số tranh chấp giữa hàng giáo sĩ và giáo dân, do đó, qua sự can thiệp của một số giám mục và đức giáo hoàng, hàng giáo sĩ thắng thế. Thế là những cơ may thăng tiến giáo dân bị chận lại hoặc bị hàng giáo phẩm kiểm soát hoặc hạn chế. Có nhiều nơi, các đoàn thể mang danh là Công Giáo Tiến Hành chỉ là những đoàn thể đọc kinh hoặc phục vụ trong thánh đường dưới quyền điều động của linh mục.

10/ Công đồng Va-ti-can II (The Church of Vatican II) từ năm 1962 đến ngày nay.

Đã từ lâu trước Công đồng Va-ti-can II, hàng ngũ giáo dân hoàn toàn im lặng về các vấn đề liên quan đến thế đứng và vai trò giáo dân trong Giáo hội dưới ánh sáng Tin Mừng. Chính Công đồng Va-ti-can II đã tung ra các chứng liệu chính thức nhìn nhận phong trào giáo dân đã tiến triển hàng ngàn năm nay rồi. Những văn kiện chính thức này không phải chỉ là những biểu hiện như những cái gật đầu, nhưng trái lại, đây là những văn kiện quan trọng làm khơi dậy tầm vóc của tầng lớp giáo dân.

Công đồng Va-ti-can II dành hẳn một văn kiện bàn về giáo dân, đó là Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân (Apostolicam Actuositatem). Và trong lược đồ về Giáo hội tức Hiến chế Tín lý (Lu-men Gentium), Công đồng dành hẳn chương bốn đề cập rất nhiều đến vai trò và vị trí của người giáo dân trong Giáo hội. Nhịp tiến của Giáo hội đã đẩy hàng ngũ giáo dân tiến lên phía trước như thế, tuy nhiên, sau Công đồng gần nửa thế kỷ rồi, tại nhiều địa phương vẫn còn duy trì vai trò độc tôn giáo sĩ và khinh thường giáo dân như trong thời phong kiến. Chúng ta nên nhớ Công đồng Va-ti-can II mang một kích thước trọng yếu toàn cầu nhất lịch sử Giáo hội với sư tham dự của 2600 giám mục từ khắp thế giới, trong lúc Công đồng Va-ti-can I chỉ có 737 nghị phụ và Công đồng Tri-đen-ti-nô chỉ có dưới 40 giám mục và hầu hết là người Ý.

3.2 Các Giáo huấn của Công đồng Va-ti-can II về Giáo Dân:

1/ Giáo hội không còn đặc hữu đồng hóa hoặc ưu tiên là hàng giáo sĩ nữa.

Giáo hội chính là toàn thể Dân Chúa (GH, Ch. II). “Nhờ Phép Rửa, tất cả mọi người cùng chia sẻ vào mục vụ ba mặt của Chúa Giê-su Ki-tô là ngôn sứ, tư tế và vương giả. Tất cả những gì đã phát biểu liên quan đến Dân Chúa đều được áp dụng bình đẳng cho giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ.” Thật vậy, hoạt động tông đồ chính là “việc tham gia vào sứ mệnh cứu độ của chính Giáo hội” (GH 30, 31).

2/ Mục vụ là việc phục vụ hơn là một địa vị.

Tất cả những gì là quyền hành của linh mục đều phải được đem vào phục vụ Dân Chúa, vì giáo sĩ cũng chỉ là một thành phần của Dân Chúa.

3/ Mục vụ không còn là một danh từ chỉ được xử dụng cho các linh mục.

Xưa kia từ ngữ hoạt động tông đồ được xử dụng cho mục vụ giáo dân (GH 18; HN 2). Công đồng Va-ti-can II cũng nhìn nhận các mục vụ phụng tự của những em giúp lễ, đọc sách thánh, ca đoàn, dậy giáo lý. Xin xem thêm sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân của Công Đồng Va-ti-can II.

4/ Người giáo dân thực thi chức linh mục khi tham dự vào việc cử hành Thánh Thể, tiếp nhận các bí tích, dâng lời cầu nguyện và tạ ơn, làm chứng tá bằng đời sống thánh thiện, hy sinh và làm việc bác ái.

5/ Ơn gọi đặc biệt của giáo dân  chính là đi mở mang Nước Chúa bằng việc dấn thân vào các lãnh vực trần thế và hướng dẫn người khác sống theo Tin Mừng. Họ được Thiên Chúa mời gọi phải đóng góp vào việc thánh hóa trần thế như một loại men, theo tinh thần của Tin Mừng.

IV. PHẦN KẾT LUẬN

Có hai lý do khiến tôi chọn bài thuyết trình này của linh mục Manny Flores SJ trong Đại Hội Canh Tân Đặc Sủng Toàn quốc Hoa Kỳ lần thứ 28 tại Anaheim (CA) USA làm đề tài II cho Khóa TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN THỰC HÀNH mà tôi sắp mở tại một số giáo xứ: 

Lý do thứ nhất: Bài thuyết trình của cha Manny Flores, cách gián tiếp, giải thích cho chúng ta biết tại sao Giáo hội ngày nay gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng những chỉ thị  của Công đồng Va-ti-can II, về vai trò, ơn gọi và sứ mạng của giáo dân: Chính lịch sử Giáo hội đã tạo ra các khó khăn ấy. Và không phải một sớm một chiều mà Giáo hội có thể “xóa bàn làm lại”.  Cần nhiều thời gian và công sức đóng góp của nhiều thành phần Dân Chúa. Cũng cần mọi người giữ thái độ bình thản, can đảm và khách quan nhìn vào lịch sử để rút ra hướng đi trong sáng và vững chãi trong tương lai.

Lý do thứ hai: Qua bài thuyết trình đặc sắc trên, linh mục Manny Flores muốn gửi gấm tâm tư nguyện vọng của mình là mỗi người trong chúng ta, từ giáo sĩ cho tới giáo dân, nên nhớ kỹ rằng chúng ta đều là chi thể trong Thân Thể Huyền Diệu của Chúa Ki-tô là Giáo Hội. Nơi đây, các chi thể không thể kèn cựa nhau, kỳ thị nhau, chèn ép nhau, đè bẹp nhau, khinh thị nhau để mình nổi bật, để mình chế ngự; trái lại, mọi chi thể phải sống thuận thảo với nhau, yêu thương nhau, phục vụ nhau như huynh đệ trong tình yêu Chúa Ki-tô theo lời Thánh Phao-lô căn dặn tha thiết các tín hữu Ê-phê-sô: “Anh em hãy ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một Thân Thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm Hy Vọng” (Ep 4: 2-4). Muốn thế thì “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để sống thật sự công chính và thánh thiện” (Ep 4:22-24).

(Ghi chú: đề tài này chỉ là công việc viết lại và thu ngắn bài RÚT KINH NGHIỆM LỊCH SỬ ĐỊNH HƯỚNG NHỮNG CHIẾN LƯỢC CHO TƯƠNG LAI của tác giả Hoàng Quý, đăng trên website Tiếng nói giáo dân. Xin chân thành cám ơn anh Hoàng Quý đã cho phép sử dụng).

Sàigòn ngày 18 tháng 01 năm 2005

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Các tin khác

    (Trang 1/5)    1 2 3 4 >

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô