Thứ ba, ngày 30 tháng 04 năm 2024 | 01:49 PM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Thánh kinh

SUY NIỆM LỜI CHÚA CN 2 MÙA VỌNG A

Lời Chúa: Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12

MỤC LỤC

 

1. Sám hối

2. Đấng sẽ đến

3. Trở về cùng Chúa

4. Suy niệm của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

5. Thời Hoang Dã – Lm Vũ Đình Tường

6. Anh em hãy hối cải

7. Nước Thiên Chúa đã đến gần

8. Sứ mạng Tiền Hô

9. Hãy thống hối vì Nước Trời đã đến gần

10. Mở đường Chúa đến

11. Chúa chỉ cần tôi một tấm lòng

12. Nước Trời đã gần bên

13. Mùa loan báo – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

14. Hãy sám hối ăn năn – Lm. Phêrô Trần Minh Đức

15. Lời công bố của Gioan Tẩy Giả

16. Dọn cho Chúa một con đường

17. Dọn đường Tình Yêu -ĐGM Antôn Vũ Huy Chương

18. Mùa Vọng: Mùa màu tím – ĐGM Vũ Duy Thống

19. Món “ăn năn” – ĐGM Giuse Vũ Duy Thống

20. Thế giới luôn cần những con đường đầy hoa

21. Hướng lòng về ngày Con Người sẽ đến

22. Kinh nghiệm trở về – Achille Degeest

23. Hãy dọn đường Chúa – R. Veritas

24. Hãy sám hối

25. Hãy sám hối

26. Làm việc

27. Tương lai

28. Chiếc rìu sát gốc cây

29. Sứ giả của Thiên Chúa

30. Ăn năn sám hối

31. Gioan Tiền Hô

32. Đường nào

33. Hoà bình

34. Dọn đường cho Chúa- Lm. Bùi Công Huy

35. Chuẩn bị đón nhận Nước Trời- Lm. Bùi Mạnh Tín

36. Xin cho con biết lắng nghe- Lm. Bùi Quang Tuấn

37. Thống hối- Lm. Cao Vũ Nghi

38. Lời khuyên duy nhất- Lm Phạm Quốc Hưng

39. Hãy ăn năn thống hối - Trần Minh Đức

40. Xác quyết Thiên Chúa đang sống

41. Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu An

42. Chú giải của Noel Quesson

 

 

 

1. Sám hối

Tất cả các lời kinh và các bài đọc của thánh lễ hôm nay đều nói lên tâm tình chuẩn bị đón Chúa cứu thế. Chuẩn bị cách nào thì Phúc Âm trả lời rõ ràng.

Qua bài Phúc Âm ta thấy thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu với ta một cách chuẩn bị tốt nhất mà chính ngài đã rao giảng. Cách chuẩn bị đó là ăn năn sám hối. Ai cũng hiểu ăn năn sám hối là gì. Đó là vấn đề quen, nhưng thực hiện vấn đề quen chưa chắc đã là quen. Vì thế tôi xin chia sẻ vài nhận xét vắn tắt của tôi mong góp phần giúp thực hiện sự ăn năn sám hối một cách chu đáo hơn.

Nhận xét thứ nhất của tôi là khi ăn năn sám hối, ta thường rất chú trọng đến việc nhìn vào chính mình. Đó là việc làm đúng. Nhưng trong tôn giáo của ta, nếu quá nhấn mạnh đến việc nhìn vào chính mình thì sự ăn năn sám hối sẽ rất thiếu sót. Theo tinh thần thánh Gioan Tẩy giả thì trong ăn năn sám hối rất cần nhìn lên Chúa, rất cần gặp gỡ Chúa. Thánh Gioan Tẩy giả chỉ vào Đức Kitô mà nói: Đây Chiên Thiên Chúa. Với lời đó, thánh Gioan Tẩy giả muốn ta nhìn vào Chúa Giêsu, lấy đức tin gặp gỡ Chúa Giêsu, xin Chúa thương xót, ban ơn giúp ta thấy được sự xấu xa độc hại của tội lỗi, giúp ta biết gớm ghét tội lỗi, giúp ta biết chọn lựa đàng lành.

Nhận xét thứ hai của tôi là khi ăn năn sám hối ta thường rất chú trọng đến những bổn phận đối với Chúa, như đi lễ, đọc kinh tin cậy mến, đó là việc làm đúng. Nhưng trong tôn giáo của ta, nếu hầu như chỉ chú trọng đến việc đó, thì ăn năn sám hối rất thiếu sót. Theo tinh thần thánh Gioan Tẩy giả thì trong ăn năn sám hối, rất cần nghĩ tới những bổn phận đối với gia đình, bạn bè, đồng bào, xã hội, tổ quốc, cứ xem lại những lời thánh Gioan Tẩy giả trả lời từng giới người đến hỏi ý kiến ngài, ta sẽ thấy ngài luôn khuyên mọi người giữ đức công bằng. Đừng làm hại đồng bào, dù là của cải, dù là tính mạng, dù là thanh danh, dù là thời giờ. Hơn nữa, hãy đối xử tốt theo đức công bằng với mọi người mình có liên hệ.

Nhận xét thứ ba của tôi là khi ăn năn sám hối, ta thường rất chú trọng đến “tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”, đó là việc làm đúng nhưng trong tôn giáo của ta, nếu hầu như chỉ chú trọng đến những sự đó, thì việc ăn năn sám hối vẫn còn thiếu sót lắm. Theo tinh thần thánh Gioan Tẩy giả thì trong ăn năn sám hối còn cần để ý đến những nguồn, người gốc, đã gây nên những tội tư tưởng, tội lời nói, tội việc làm, và tội do thiếu sót. Một trong những nguồn gốc đó là tính hư nết xấu. Thánh Gioan Tẩy giả đã nói tới những núi đồi cần phải bạt đi, những con đường cong queo đều phải uốn ngay lại. Tôi hiểu ngài cố ý nói về tính hư nết xấu tự nó chưa phải là tội, nhưng nó là đầu mối đưa tới tội lỗi. Tính hư nết xấu, chẳng hạn như tính tự cao tự đại, tính tham lam, tính nhỏ nhen. Đó là những cong queo, đó là những đồi núi cần phải sửa lại.

 

 

2. Đấng sẽ đến

Mùa vọng là mùa trông đợi. Chúng ta trông đợi Chúa đến trong đêm giáng sinh. Đó là một sự trông đợi có tính cách nghi lễ nhằm kỷ niệm sinh nhật Chúa Giêsu tại Bêlem. Nhưng đồng thời mùa vọng còn là trông đợi Chúa lại đến vào ngày sau hết như lời Ngài đã hứa. Và lời rao giảng của Gioan được coi như là một lời kêu mời chúng ta tích cực chuẩn bị để bước vào thời đại mới ấy. Vậy thì đâu là sứ điệp của Gioan?

Trước hết ông đã rao giảng sự ăn năn hối cải vì Nước Trời đã gần đến. Những hình ảnh ông sử dụng gợi lên một cảnh tượng tiêu điều của sa mạc cát nóng, của hoang địa khô chồi cằn cỗi. Thế nhưng, người Do Thái và nhất là giai cấp lãnh đạo đã coi thường lời kêu gọi ấy. Họ nghĩ rằng mình là dân riêng của Chúa, nhưng thực ra họ chỉ là một loài rắn độc. Con rắn của ma quỷ, đối nghịch với Thiên Chúa. Vì thế Gioan đòi buộc họ phải sám hối ăn năn, đừng nại vào dòng dõi xác thịt. Dân riêng của Chúa trong thời đại mới được tạo nên nhờ sám hối khi lãnh nận dòng nước thanh tẩy.

Trong phần thứ hai của đoạn Tin Mừng, Gioan giới thiệu Đấng đến sau ông nhưng lại quan trọng hơn ông gấp bội. Gioan tự nhận không xứng đáng làm một kẻ nô lệ hèn hạ nhất của Ngài.

Theo tục lệ Do Thái, thì một kẻ nô lệ không buộc phải cởi giày hay xách dép cho chủ. Người môn đệ có thể giúp việc thầy như một nô lệ, trừ việc xách dép hay cởi giày. Trong việc tế tự, trước khi tư tế hành lễ thì một trong các nô lệ phục dịch tại đền thờ, sẽ cởi giày dép để tư tế đi chân không. Hạng người này bị loại vĩnh viễn khỏi mọi đặc quyền Do Thái. Người Do Thái không bao giờ được cưới hỏi với loại người này.

Nếu có ám chỉ đến tục lệ này thì Gioan cũng vạch rõ sự khác biệt giữa ông và Đấng Cứu Thế sẽ đến. Đấng sẽ đến có quyền phán xét, thiêu huỷ kẻ dữ và thánh hoá người lành. Trong khi đó, thanh tẩy của Gioan được hiểu như là một nghi thức áp dụng cho đoàn người hối cải, trông nhờ vào thanh tẩy của thời cứu chuộc để thoát khỏi sự phán xét sắp đến.

Trông chờ Chúa đến, cũng có nghĩa là chuẩn bị đón mừng Chúa trong đêm giáng sinh cũng như trong những biến cố cuộc đời. Và lời kêu gọi của Gioan vẫn có giá trị đối với chúng ta ngày hôm nay: Hãy sám hối, hãy trở nên người mới, trong cách suy nghĩ, trong cách cư xử đối với Chúa và đối với anh em. Bởi vì đón nhận Chúa là đi vào một cuộc sống mới, một thời đại mới.

Nói đến hối cải chúng ta thường chỉ dừng lại ở việc xét mình xưng tội, nhưng lại không mấy nghĩ rằng mình phải trở thành một con người mới, sống trong một thời đại mới, thời đại cứu chuộc, thời đại ân sủng và tình thương của Chúa.

 

 

3. Trở về cùng Chúa

Trong khi thực hiện bức hoạ nổi tiếng “Bữa tiệc ly” Leonard de Vinci đã cãi vã với một người bạn. Ông nhiếc mắng bạn ấy bằng những lời gay gắt và những cử chỉ doạ nạt. Khi cuộc cãi vã đã qua, ông trở lại công việc đang làm là vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu. Nhưng ông không thể phác hoạ được một nét. Cuối cùng ông nhận ra sự lo lắng phiền lòng. Ông liền bỏ bút vẽ, đi tìm người bạn mà ông đã xúc phạm và xin người bạn ấy tha thứ cho mình. Thế rồi ông trở về và bình tĩnh vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu.

Như nhà hoạ sĩ, chúng ta đang cố gắng đặt Chúa Giêsu vào tác phẩm của mình là lễ Giáng sinh. Chúng ta muốn Chúa Giêsu là trung tâm của việc chúng ta cử hành. Và chúng ta nghe tiếng Gioan Tiền hô khuyên nhủ: Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến. Vậy đâu là sự liên kết giữa tâm tình sám hối và việc chuẩn bị đón mừng Chúa đến?

Như chúng ta đã biết trở ngại lớn nhất cho việc đón mừng Chúa đến chính là tội lỗi. Vì thế để dọn đường cho Chúa, chúng ta phải từ bỏ tội lỗi, phải sống tinh thần sám hối. Léonard de Vinci đã không thể vẽ được khuôn mặt Chúa Giêsu khi ông cảm thấy mình còn tội lỗi, mình còn xúc phạm đến người khác. Chúng ta cũng không thể đặt Chúa Giêsu vào bức hoạ giáng sinh bao lâu chúng ta chưa sám hối. Vậy sám hối là gì?

Tôi xin thưa sám hối là lo buồn về điều đã vấp phạm hay hối hận vì điều mình đã không làm. Thực vậy, tâm tình sám hối không phải chỉ là việc quay trở về dĩ vãng, bằng cách ăn năn những gì đã lỗi phạm, mà hơn thế nữa còn phải hướng tới tương lai, bằng cách dốc quyết uốn nắn sửa đổi lại những sai lỗi vấp phạm ấy, để thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời. Và như vậy, sám hối đòi hỏi phải có một cái nhìn mới, một thái độ mới, một cuộc sống mới, và cốt lõi của nó bao gồm sự trở về cùng Chúa.

Trong cuộc sống, rất nhiều lần chúng ta đã không thực hiện những điều làm vui lòng Chúa chẳng hạn như: cầu nguyện, học hỏi giáo lý, cảm thông và giúp đỡ những người chung quanh. Trái lại, chúng ta thường hay làm những điều Chúa không muốn, và chẳng bao giờ làm điều Chúa muốn cã. Đó chính là hàng rào cản ngăn Chúa đến với chúng ta, và chúng ta đến với Chúa, nhất là trong mùa Giáng sinh này.

Chính vì thế, trong những ngày nay chúng ta hãy chạy đến nơi toà giải tội để được tha thứ. Việc xưng tội không chỉ để tẩy xoá những vết nhơ tội lỗi mà hơn thế nữa còn giúp chúng ta xa tránh tội lỗi, nhờ đó mà phục vụ Chúa một cách chân thành hơn.

Hãy ra sức khử trừ tội lỗi, Hãy cố gắng phá huỷ cho bằng được những chướng ngại vật trên con đường Chúa sẽ đến viếng thăm. Khử trừ tội lỗi sẽ giúp chúng ta nhìn thấy Đức Kitô một cách rõ ràng hơn. Khử trừ tội lỗi sẽ làm cho con đường Chúa đến với chúng ta và chúng ta đến với Chúa được trở nên bằng phẳng và dễ dàng hơn. Khử trừ tội lỗi sẽ biến tâm hồn chúng ta trở thành một hang đá, máng cỏ sống động cho Chúa. Thế nhưng, chúng ta đã làm được những gì để dọn đường Chúa đến?

 

 

4. Suy niệm của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

CÁC SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN TIỀN HÔ

Các nước đang phát triển có hướng đô thị hóa rất mạnh. Dân quê bỏ đồng ruộng ra thành thị. Chính phủ lo đô thị hóa nông thôn. Càng phát triển, người ta càng có khuynh hướng tiêu thụ rất mạnh: ăn sang, mặc đẹp. Vậy mà Phúc Âm hôm nay đưa ra hình ảnh thánh Gioan Tiền Hô, một người sống trong sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo da thú. Phải chăng là Phúc Âm đã lỗi thời, đi ngược với đà tiến hóa của nhân loại?

Để trả lời cho vấn nạn này, trước hết ta hãy cùng nhau đào sâu những sứ điệp Phúc Âm được nhắn gửi qua đời sống của thánh Gioan Tiền Hô. Thánh Gioan Tiền Hô tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Đây không phải là một tiếng kêu vô hồn vô nghĩa. Nhưng là tiếng kêu có nội dung, là những sứ điệp gửi đến loài người.

1) Sứ điệp thứ nhất mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy vào sa mạc.

Vào sa mạc là sống với thiên nhiên, sống hòa hợp với đất trời, bảo vệ cây cỏ, dã thú. Trong nền văn minh tiêu thụ hiện nay, người ta khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không nghĩ đến tái tạo. Thiên nhiên đang bị hủy diệt, rừng xanh đang lâm nguy, súc vật đang kêu cứu. Trong bối cảnh ấy, sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô có giá trị như một thức tỉnh con người trước sức tàn phá của nền văn minh tiêu thụ.

Vào sa mạc là tìm nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi. Vì các đô thị lớn đã hoàn toàn bị ô nhiễm: ô nhiễm vì tiếng động, ô nhiễm vì khói xăng, ô nhiễm vì rác rưởi, ô nhiễm vì bụi bặm.

Thế nhưng sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô vượt lên trên những nhu cầu của xã hội, của sức khỏe để nhắm vào đời sống tâm linh con người. Nhịp sinh hoạt trong xã hội công nghiệp càng ngày càng tăng tốc độ. Con người luôn luôn vội vã đuổi theo công việc. Vì thế dễ rơi vào tình trạng sống hời hợt bề mặt. Không có thời giờ lắng xuống bề sâu. Vào sa mạc tâm linh, tức là tạo cho mình một thời gian và một không gian yên tĩnh. Dứt lìa những bận bịu lo toan trong cuộc sống để trở về với mình, đối diện với lòng mình.

Sa mạc không có đường đi. Nên người đi vào sa mạc sẽ đi theo con đường Chúa chỉ dẫn. Như xưa dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc, không biết đường đi, chỉ biết đi theo áng mây cột lửa nên đã tìm thấy đường đi về với Chúa, đã gặp được Chúa, đã thành dân của Chúa. Như tiên tri Êlia chạy trốn trong sa mạc đã chẳng tìm được đường thoát thân. Nhưng đã được Chúa chỉ cho con đường hy vọng. Như Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày, nên đã tìm thấy con đường của Chúa Cha là hy sinh, khiêm nhường, sống trọn tình con thảo.

Cũng vậy, người vào sa mạc tâm linh sẽ gặp mình và trong sâu thẳm lòng mình sẽ gặp được Chúa. Vì Chúa còn thân thiết với ta hơn chính bản thân ta. Vì Chúa còn sâu xa hơn chính nội tâm ta.

2) Sứ điệp thứ hai mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sống khổ hạnh.

Ta tưởng sống khổ hạnh đã đi vào quá khứ. Thực ra các nước văn minh đang đi vào con đường của thánh Gioan Tiền Hô. Một trong các vấn đề lớn của người phương tây hiện nay là giữ sao cho khỏi lên cân, để khỏi bị cholesterol, để khỏi bị chứng bệnh xơ cứng động mạch, để ngăn chặn bệnh tiểu đường, để khỏi bị mỡ bao tim, người ta đã phải kiêng ăn, bớt uống.

Ăn uống đơn sơ đạm bạc không những có lợi cho sức khỏe mà còn giúp ta tiết kiệm để chia sớt với những vùng thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng vượt lên trên tất cả sức khỏe thân xác lẫn đạo đức liên đới xã hội, nếp sống khổ hạnh trước hết và trên hết nhắm phục vụ đời sống tâm linh. Ăn uống là nhu cầu căn bản của con người. Nó thuộc về bản năng sinh tồn. Ăn uống đứng đầu các khoái lạc. Khi làm chủ được ăn uống, người khổ hạnh cũng dễ tiến tới làm chủ được bản thân. Chế ngự được bản năng ăn uống, ta sẽ dễ chế ngự được tham, sân, si khác trong con người. Đó là bước khởi đầu trên con đường đức hạnh dẫn ta đến gặp Chúa và trở nên thân thiết với Chúa.

3) Sứ điệp thứ ba mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sám hối.

Phải sám hối vì con người là lầm lỗi, là xa lạc. Các thánh chính là những vị không ngừng sám hối để đổi mới bản thân cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng.

Phải sám hối vì đó là điều kiện tiên quyết để đón nhận Tin Mừng, để được vào Nước Trời.

Có hai đặc tính giúp xác định một sám hối đúng nghĩa:

Đặc tính thứ nhất là triệt để. Sám hối không phải là ngồi đó mà than khóc. Nhưng là thay đổi đời sống. Không phải thay đổi một phần mà thay đổi trọn vẹn. Là đổi mới hoàn toàn. Sám hối phải triệt để như dân thành Ninivê, bỏ hết việc ăn chơi, bỏ đàn hát, đọc kinh cầu nguyện, xức tro, mặc áo nhặm. Sám hối phải triệt để như Phaolô, bỏ hẳn ngựa, gươm, bỏ hẳn nếp sống cũ, bỏ hẳn con đường cũ, để tin nhận Đức Kitô, sống một nếp sống hoàn toàn mới. Sám hối phải triệt để như Giakêu, bán hết gia tài, đền bồi gấp bốn, chia sẻ với người nghèo…

Đặc tính thứ hai là cấp bách. Không từ từ do dự vì thời giờ đã tới hồi cấp bách. Cái rìu đã đặt sẵn ở gốc cây. Cái sàng đã đặt sẵn ở sân lúa. Cây không sinh trái sẽ bị đốn ngay. Trấu sẽ bị sàng lọc ra ngoài.

Như vậy, con người và sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô không hề lỗi thời. Những sứ điệp sa mạc, sứ điệp khổ hạnh và sứ điệp sám hối vẫn luôn hiện thực. Những sứ điệp ấy soi sáng con đường ta đi, phải tu sửa để gặp được Thiên Chúa Cứu Độ. Cuộc đời gương mẫu của thánh nhân là sức nóng vừa lôi cuốn vừa thúc giục ta. Vì thế Chúa Giêsu đã khen Ngài là “ngọn đèn chiếu sáng và tỏa nóng”. Ánh sáng của Ngài báo hiệu một bình minh chói lọi huy hoàng. Sức nóng của Ngài dẫn ta đến tận nguồn lò lửa. Lò lửa ấy sẽ chiếu sáng, sẽ đốt cháy mọi trái tim trong tình yêu và sẽ thanh luyện ta nên tinh tuyền. Bình minh ấy, lò lửa ấy chính là Mặt Trời Công Chính, là Chúa Giêsu mà chúng ta đang chờ mong trong đêm tối cuộc đời này. Amen.

GỢI Ý SUY NIỆM

1) Thánh Gioan Tiền Hô chuyển đến ta những sứ điệp nào?

2) Đối với bạn, sứ điệp nào cấp bách hơn cả?

3) Cấp bách và triệt để là hai đặc tính của sám hối Phúc Âm. Bạn có quyết tâm làm lại cuộc đời của mình hoàn toàn và ngay hôm nay không?

4) Bạn đã bao giờ cảm nghiệm niềm vui thiêng liêng do cầu nguyện, sám hối và tự chế chưa?

 

 

5. Thời Hoang Dã – Lm Vũ Đình Tường

Những tuần sắp tới Kinh Thánh nhắc nhiều về thánh Gioan Tẩy Giả vì thế chúng ta đi tìm hiểu về con người đặc biệt này.

Là người đặc biệt với sứ vụ đặc biệt. Sứ vụ đó nghe có vẻ đơn giản nhưng là nguyên nhân dẫn đến việc đầu Gioan lìa cổ. Một là do giằng co giữa hai thế lực giữa sự công chính và sự gian ác. Hai là do quyết định hồ đồ, quyết định lúc cao hứng của người lãnh đạo trong dân chúng. Ba là do con người quan trọng hóa danh tiếng, địa vị cá nhân hơn mạng sống người khác. Điểm này cho thấy việc quí sự sống cách hẹp hòi, ích kỉ dẫn đến tình trạng sự sống cá nhân mình, thân nhân mình thì trọng còn sự sống thiên hạ thì coi thường. Bắt người khác hi sinh để mình sống hạnh phúc đồng nghĩa tội sát nhân.

Thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi thay đổi quan niệm sai lầm phò sự sống một cách hẹp hòi, ích kỉ. Sự sống con người quí trọng giống nhau, dù lớn hay nhỏ, dù khôn hay khờ sự sống của họ đều quí vì đều do Thiên Chúa ban cho. Trước khi xuất hiện trước công chúng, rao giảng về thống hối và kêu gọi mọi người hãy tỉnh thức, đừng ngủ mê nhưng tỉnh thức chuẩn bị tấm lòng đón mừng Chúa Cứu Thế, thánh Gioan Tẩy Giả sống một cuộc sống hoang dã thời xưa. Mình mặc áo lông lạc đà, đai lưng bằng da thú và sống nơi xa mạc. Nuôi thân bằng châu chấu và mật ong rừng nhưng ngài nuôi đời sống tâm linh bằng một tình yêu cao vời. Tình yêu cao vời đó thấm nhuần cuộc đời Gioan. Nhờ cha mẹ sống trung tín, thánh thiện của ông Zacaria và bà Elizabeth. Chính lối sống cao trọng đó thấm nhập vào tâm hồn con trẻ Gioan. Ông lớn lên trong một gia đình hết lòng yêu mến Thiên Chúa. Tình yêu chân chính uốn nắn tâm hồn Gioan biến ông thành người khiêm nhường.

Thánh Luca 3,16 thuật lại lời của Gioan

Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho người.

Ơn gọi làm nhân chứng cho Đức Kitô là kêu gọi mọi người thống hối, ăn năn, thay đổi cách sống theo xã hội để trở về với đường lối Chúa. Gioan không mang một chức vị nào trong xã hội thế nhưng lời kêu gọi của Gioan đánh động tâm não hàng nhiều ngàn người. Phúc âm thuật lại khắp mọi ngành nghề tìm đến hỏi Gioan về cách hoán cải tâm hồn. Gioan trở nên nổi tiếng giữa muôn người nhưng danh tiếng vang lừng không mê hoặc lòng ông, không rơi vào cạm bẫy của vinh quang giả tạo, không lạc vào mê hồn của phồn hoa. Gioan đứng vững, không lung lay trước cám dỗ, tán tụng, tung hô của đại chúng mong ông làm lãnh đạo họ. Ông biết rõ nhiệm vụ của mình là mở đường cho Chúa. Ông luôn vững vàng trong ơn gọi chứng nhân. Đời sống chứng nhân được an bài nơi Thiên Chúa. Kinh thánh thuật lại,

Cậu bé càng lớn thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt Israel. Lc 1,80.

Kinh thánh không ghi chép về cuộc đời của phân phụ ông là Zacaria nhưng truyền thống thuật lại là ông bị hoàng đế Hêrôđê cha giết chết nên bà Elizabeth phải bồng con chạy trốn trong hoang địa, trở thành dân tị nạn chính tại quê hương mình.

Dù là dân tị nạn, dù bị bách hại, dù phải sống nơi hoang địa nhưng sứ mạng của Gioan là đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế vẫn được thực hiện một cách trọn hảo. Điều này cho thấy quyền hành, thế lực thế gian không đủ khả năng ngăn cản điều Thiên Chúa muốn thực hiện để cứu dân Người. Thiên Chúa có cách riêng của Ngài và cách đó thường vượt quá trí hiểu, vượt trên suy đoán, vượt qua mọi tính toán của cả ma quỉ lẫn con người. Lời Gioan rao giảng không mới lạ gì. Nếu có mới là cách rao giảng mới mẻ. Cái mới trong con người Gioan chính là ông rao giảng với tất cả tâm hồn và thực hiện điều mình rao giảng và cuối cùng là sẵn sàng đổ máu đào làm chứng điều ông tin và rao giảng. Chính lối sống chứng nhân nhiệt thành làm rung động bao tâm hồn, chuyển hoá bao con tim.

Nhiệm vụ của Gioan được tiên tri Isaiah 40,3 tiên báo trước đó bảy thế kỉ

Có tiếng hô trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chống gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.

Tiên tri Malachi cũng tiên đoán về ơn gọi của Gioan khi ông thông báo,

Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. 3,1

Sứ giả đây chính là Gioan và Ta chính là nói về Đấng Cứu Thế.

 

 

6. Anh em hãy hối cải

(Suy niệm của Lm. JB. Hoàng Văn Khanh)

Suốt tuần I Mùa Vọng đã vang lên lời loan báo đầy hứa hẹn của ngôn sứ Isaia về một Đấng Thiên sai cứu độ thuộc vương triều Đavít, mang tên gọi Emmanuel (Is 7,14), sẽ xuất hiện như vị Thủ lãnh để giải cứu dân Chúa khỏi vùng bóng tối (Is 9,1-5) và phục hưng dân Chúa trong trật tự công lý và hoà bình (Is 11,1-9); bấy giờ toàn nhân loại sẽ hành hương về Giêrusalem để phụng thờ Giavê (Is 2,2-5). Vào những lúc bi thảm của lịch sử, những sấm ngôn ấy đã nung nấu nơi tâm hồn con người niềm hy vọng tha thiết: “Trời cao hãy đổ sương mai và ngàn mây hãy mưa vị Cứu tinh”. Chúa nhật II Mùa Vọng hôm nay nói cho ta vị Cứu tinh mà nhân loại ngàn năm chờ mong ấy đang đến qua sự dọn đường của Gioan Tẩy giả, vị ngôn sứ cuối cùng của thời chuẩn bị, đồng thời là vị Tiền hô loan báo và chỉ cho thấy khi Đấng Cứu thế xuất hiện.

1. Gioan Tẩy giả là vị Tiền hô

Gioan Tiền hô, cũng gọi là Tẩy giả, xuất hiện trên sân khấu cứu độ cách đặc biệt. Đặc biệt vì ông được cưu mang và sinh hạ cách lạ thường khi cha mẹ là Giacaria và Elisabeth đã hết thời sinh nở (Lc 1,7). Điều đó nói lên tình yêu vô cùng của Thiên Chúa đúng với tên mà thiên thần đã đặt cho ông ngày truyền tin: Gioan nghĩa là “Thiên Chúa thương”. Đặc biệt vì ông đã được thánh hoá từ trong lòng thân mẫu nhờ cuộc viếng thăm của Đức Maria đang cưu mang Ngôi Lời (Lc 1,15.44). Ngày ông sinh ra, phụ thân hết câm và mở miệng tiên báo về sứ mệnh cao cả và định mạng của con mình (Lc 1,64.67), đến nỗi mọi người đều sửng sốt và tự hỏi: “Rồi đây con trẻ này sẽ thế nào ?” (Lc 1,66). Ông rút vào hoang địa tĩnh lặng, sống đời khổ chế, ăn châu chấu và uống mật ong rừng (Mt 3,1-4), để trầm tư  mặc tưởng về sứ vụ sắp thi hành. Ông xuất hiện bên bờ sông Giođan, rao giảng và làm phép rửa sám hối chuẩn bị cho phép Rửa của Chúa Giêsu bằng Thánh Thần để ban ơn tha tội (Mt 3,11) Ông khiêm tốn nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa (Mt 3,3), là người tôi tớ không xứng đáng cởi quai dép cho Đấng sắp đến, Đấng có trọn quyền phán xét (Mt 3,11), là tiền hô dọn đường cho Đấng Thiên sai cứu độ đang đến là chính Chúa Giêsu (Ga 1,15). Ông đã làm chứng Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn (Ga 1,34) và chỉ cho mọi người biết Ngài là Chiên Thiên Chúa (Ga 1,35). Thế mà khi ngồi trong tù vì đã thẳng thắn vạch tội nhà vua, ông đã băn khoăn sai các môn đồ đến hỏi Chúa Giêsu là đấng phải đến hay còn phải đợi một ai khác (Lc 7,18). Cái chết của ông vì chân lý cũng loan báo trước cái chết vô tội của Đấng mà ông có sứ vụ dọn đường. Cả cuộc đời của Gioan là một chuẩn bị và dọn đường cho Đấng Thiên sai Giêsu xuất hiện để cứu độ.

Giáo hội tiếp tục bước đi trên con đường của Gioan để thực thi sứ vụ truyền giáo mà Giáo hội xác tín là lý do hiện hữu của mình: “Giáo hội lữ hành, tự bản chất, là truyền giáo”(AG 2). Kitô hữu luôn noi theo gương Gioan để sống ơn gọi của mình là làm chứng nhân cho Đức Kitô, giới thiệu Ngài cho mọi người và dọn đường để Ngài đến với mọi tâm hồn.

2.  Hãy sám hối

Lời rao giảng của Gioan gồm tóm trong câu:Hãy sám hối. Các ngôn sứ thời Cựu ước luôn mời gọi mọi người hãy trở về với Thiên Chúa để được tha thứ. Khi bắt đầu sứ vụ, Chúa Giêsu cũng tha thiết mời gọi hãy sám hối (Mc 1,15). Ngài truyền cho các Tông đồ hãy đi rao giảng để mọi người sám hối mà nhận lãnh ơn tha tội (Lc 24,47).

Hoán cải là sự thay đổi tận căn và toàn diện: từ não trạng, tư tưởng đến bản thân, hành động và cuộc sống. Cuộc trở lại nào cũng đòi phải chiến đấu cam go, cho đến lúc được Chúa chiếm hữu qua những thanh luyện. Chướng ngại lớn nhất của hoán cải là tính kiêu căng, sự tự mãn cho mình là công chính không cần ơn cứu độ, là mãi mê với sự đời và hưởng thụ vật chất. Gioan đã tuyên bố cách đanh thép: “Hãy làm việc lành chứng tỏ lòng sám hối. Lưỡi rìu đã kề sẵn gốc cây. Cây nào không sinh quả tốt, sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,7-10). Ông Giakêu đã thật sự hoán cải khi sẵn sàng đền bù gấp bốn cho những ai bị ông làm thiệt hại, bố thí phân nữa tài sản cho kẻ nghèo và từ bỏ tất cả để theo Chúa Giêsu (Lc 19,8). Hoán cải theo sấm ngôn Isaia là lấp đầy những hố sâu của lòng ích kỷ, tham vọng và hưởng thụ, là bạt đi những đồi cao của kiêu căng tự mãn, là uốn cho ngay những quanh co lươn lẹo trong tư tưởng và hành động dối trá, để có thể đón nhận Đấng Cứu thế và sống tình liên đới huynh đệ với mọi người.

Kết luận

Hãy hoán cải. Hãy thành tâm trở về với Chúa, nổ lực tìm kiếm Người, nhiệt thành đáp ứng lời mời gọi sám hối bằng việc thực thi đức bác ái là giềng mối trọn lành (Cl 3,14) và là sự chu toàn mọi lề luật (Rm 13,10). Đó là điều kiện tiên quyết để dọn đường Chúa đến trong tâm hồn và đời sống của mình và của mọi người.

 

 

7. Nước Thiên Chúa đã đến gần

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô