Thứ ba, ngày 30 tháng 04 năm 2024 | 09:14 AM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Thánh kinh

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN C

CUỘC SỐNG MAI HẬU

A. DẪN NHẬP

 

          Chết là một qui luật phổ biến : mọi người đều phải chết. Người Việt nam chúng ta tin rằng, trong tình trạng bình thường, cuộc đời của mỗi người phải trải qua 4 giai đọan : sinh, lão, bệnh, tử. Chết là giai đọan kết thúc cuộc đời. Nhưng chết rồi sẽ ra sao ? Đi về đâu ? Hay là đi vào hư vô ?  Người Việt chúng ta tin rằng chết là trở về cội nguồn vì “Sinh ký tử qui” (Hòai Nam Tử) : Sống là gửi, là nhờ, chết mới là về !

 

          Trong thời Đức Giêsu, người ta cũng tin như thế, nhất là với nhóm biệt phái. Nhưng nhóm Sađucêu là những tư tế thiên về chính trị và vật chất thì không tin như thế. Họ không tin có sự sống lại và sự sống đời sau. Do đó họ đã cố bịa ra một câu chuyện kỳ cục để gài Đức Giêsu vào thế bí và để cho mọi người thấy rằng sống lại là một chuyện lố bịch. Nhưng dựa vào Kinh Thánh, Đức Giêsu đã chứng minh cho họ là có sự sống lại và có đời sau; đồng thời cũng cho họ biết là đời sống mai hậu khác với đời sống ở trần gian này, không còn cưới vợ gả chồng nữa, người lành sống lại giống như các thiên thần luôn lo việc phụng thờ và ca ngợi Thiên Chúa trong hạnh phúc vinh quang.

 

          Chúng ta vẫn tuyên xưng niềm tin ấy khi đọc kinh Tin kính :”Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Lời thánh Phaolô nhắn gửi cho tín hữu Côrintô càng làm cho chúng ta xác tín :”Nếu chết là hết, thì quả thật chúng ta là những kẻ khốn nạn nhất trong thiên hạ”(x. 1Cr 15,19). Cuộc sống của chúng ta ở trần gian này là cuộc hành trình đi về nguồn cội là quê trời, nơi mà Đức Giêsu đã nói :”Để con ở đâu thì chúng cũng ở nơi đó với Con”. Cuộc sống mai hậu của chúng ta sẽ như thế nào thì tùy thuộc vào cuộc sống hiện tại của chúng ta ở trần gian này vì “gieo giống nào thì gặt giống ấy”.

         

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

 

          + Bài đọc 1 : 2Mcb 7,1-2.9-14.

 

          Khi cuộc bách hại khốc liệt xẩy ra vào thế kỷ II thời vua Antiochus, dân Do thái đã có những vị tử đạo. Câu chuyện kể về một bà mẹ với 7 người con thà chịu chết chứ không chịu bỏ đạo Chúa đã chứng tỏ  niềm tin ngày càng gia tăng rằng sau khi chết, mỗi người vẫn còn tiếp tục sống. Lần đầu tiên các vị tử đạo của Cựu ước đã khẳng định xác kẻ lành sẽ được phục sinh. Sở dĩ những thanh niên này can đảm chối từ sự sống trần thế, là vì họ tin chắc rằng  Thiên Chúa đủ quyền năng để phục sinh họ vĩnh viễn.

 

          Giá trị câu chuyện ở chỗ cho thấy sự phục sinh không là một ý tưởng. Đó là niềm hy vọng cho những ai chịu mất mạng. Hồng ân đáp lại sự dâng hiến.  Ai không bao giờ cho  sẽ không mong lãnh nhận được điều gì. Tư tưởng này liên kết với Tin mừng hôm nay.

 

          + Bài đọc 2 : 2Tx 2,16-3,5.

 

          Tiếp theo đoạn thư của Chúa nhật tuần trước, thánh Phaolô khuyên tín hữu Thessalonica hãy kiên tâm bền chí. Khó khăn không thiếu, nhưng phương tiện để vượt qua cũng nhiều, đó là lòng trung tín chân thật dựa trên Lời Chúa và những hướng dẫn của ngài.

 

          Sau đó, ngài xin họ cầu nguyện cho việc truyền giáo của ngài được thành công, dù gặp nhiều chông gai. Ngài phục vụ Lời Chúa và mong Lời Chúa được hoàn thành cũng như được “tôn vinh” nơi lời đáp  xin vâng của những người được Lời Chúa kêu gọi.

 

          + Bài Tin mừng : Lc 20,27-38.

 

          Nhóm Sađucêu thiên về chính trị có quan điểm khác với nhóm biệt phái và luật sĩ. Họ không tin có cuộc sống đời sau.  Họ không công nhận điều gì  ngoài những điều Thiên Chúa đã mạc khải cho Maisen. Họ bác bỏ sự sống lại và cho rằng đó chỉ là truyền thống hoàn toàn của con người. Họ tưởng rằng cuộc sống mai hậu nếu có thì cũng chỉ như cuộc sống ở đời này, cũng cưới vợ gả chồng, sinh con cái và hưởng thụ tất cả lạc thú như ở đời này. Nên họ đưa ra cho Đức Giêsu một vấn nạn khó giải quyết.

 

          Để trả lời cho họ, Đức Giêsu vừa xác nhận có sự sống đời sau, vừa cho họ biết ý nghĩa về cuộc sống ấy :

          - Trong cuộc sống mai hậu, người ta sẽ bất tử, không còn vấn đề truyền sinh, nên không còn cưới vợ gả chồng nữa.

          - Trong ngày sống lại, người ta sẽ giống như các thiên thần để hưởng hạnh phúc bên Chúa.

          Đức Giêsu cho chúng ta hiểu rằng ngôn ngữ loài người không đủ sức diễn tả  tình trạng cụ thể của người được phục sinh. Câu hỏi của nhóm Sađcêu vì thế không đáng phải ghi nhớ.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

 

                                  Cuộc sống mai hậu của chúng ta

 

I. MỘT VẤN NẠN ĐƯỢC ĐẶT RA

 

          1. Thân thế nhóm Sađucêu

 

          Trong thời Đức Giêsu, có ba nhóm rất có thế lực và chi phối đời sống tôn giáo cũng như xã hội Do thái. Ba nhóm ây là luật sĩ, biệt phái và Sađucêu. Nhóm luật sĩ và biệt phái là những người đạo đức chuyên lo việc học hỏi Thánh Kinh và giữ luật một cách tỉ mỉ. Họ chuyên lo việc đạo chứ không quan tâm đến chính trị. Tuy thế, họ là những người giả hình và hay chống đối Đức Giêsu. Nhiều lần Ngài đã phải thẳng thắn vạch trần bộ mặt giả dối của họ.

 

          Còn nhóm thứ ba là Sađucêu.  Đây là một nhóm tư tế cao cấp trong Do thái giáo. Họ có quyền cả về sinh hoạt tôn giáo và chính trị Do thái từ trước thời Đức Kitô. Họ chỉ chấp nhận Ngũ Kinh, coi Maisen là vị tiên tri vĩ đại và hoài nghi các tiên tri khác.  Họ không tin linh hồn bất tử và sự sống lại (họ trái ngược và kình địch với nhóm biệt phái) vì hai lý do : một là họ bảo giáo lý về sự sống đời sau không có trong Thánh Kinh (đối với họ chỉ có luật Maisen thôi), hai là họ nghĩ rằng : quyền năng của Thiên Chúa không vượt qua con người.

 

          2. Một cái bẫy được giương ra

 

          Với trí khôn minh mẫn và trào phúng, họ cố làm cho câu chuyện sống lại trở nên lố bịch và buồn cười, họ đã nại đến thế giá ông Maisen mà Đức Giêsu không thể không nhìn nhận (Đnl 23,5) để bịa ra câu chuyện về sự sống lại.

 

          Theo luật Maisen, luật mà Thánh Kinh gọi là luật Levirat (Dt 25, 5-10), khi có người anh em trong gia đình chết mà không có con, người anh em còn sống phải lấy chị dâu hay em dâu góa  để gây dòng họ cho anh em mình. Đứa con đầu tiên sinh ra  do sự phối ngẫu này được xem như là con đẻ của người anh xấu số,  được phép nhân danh người quá cố để tiếp tục sống  trong cộng đoàn Israel. Theo phái Sađucêu, việc áp dụng luật như vậy, nhất thiết chứng minh rằng không có sự sống lại. Họ hỏi Đức Giêsu : Nếu một người đàn bà theo luật Levirat lấy liên tiếp 7 anh em mà không có con thì khi sống lại  bà là vợ ai ?

 

          Thực ra, trong thực tế không có trường hợp nào xẩy ra như vậy; nhưng ở đây chỗ quá đáng của 7 anh em có mục đích cho ta thấy việc sống lại  là một việc không thể tin được.

 

          Cái sai lầm của những người Sađucêu đặt ra câu chuyện này là ở chỗ quan niệm có tính cách vật chất về sự sống lại. Họ nghĩ đời sống trần gian này thế nào, thì khi sống lại  ở đời sau cũng vậy : Đời này dựng vợ gả chồng thì đời sau cũng chồng nào vợ nấy.

 

II. MỘT GIẢI ĐÁP ĐƯỢC THỰC HIỆN

 

          Đức Giêsu đã trả lời bằng cách  bác bỏ quan niệm sai lầm  về sự sống lại mà phái Sađucêu chế giễu. Ngài chứng minh rằng :”Con cái đời này cưới vợ gả chồng”, sự sống tại trần thế có cưới vợ gả chồng  vì lẽ đời sống con người có sinh có tử, và vì có tử nên con người cần phải dựng vợ gả chồng để truyền sinh và nối dõi.

 

          Trong đời sống mai hậu họ không còn cưới vợ gả chồng vì hai lý do : một là vì họ sẽ không thể chết được nữa, và họ được ngang hàng với các thiên thần; hai là vì họ trở nên con cái Thiên Chúa, và là con cái của sự sống lại, nghĩa là được thừa hưởng một thế giới mới và sự sống mới từ nơi Thiên Chúa.

 

          * “Quả thật, họ không thể chết nữa”, vì được ngang hàng với các thiên thần : khi sống đời đời, người ta sẽ không còn lo lắng việc đời nữa, ngoài việc phụng sự và ngợi khen Thiên Chúa, giống như nhiệm vụ của các thiên thần.

 

          * “Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” : Kiểu nói của người Sêmít này có nghĩa là  một khi được Thiên Chúa nhận là con cái thì họ cũng được thừa hưởng thế giới mới và sự sống mới nhờ việc sống lại (x. Ep 1,5; Rm 8,18-21).

 

          Còn nói về việc kẻ chết sống lại thì Đức Giêsu dựa vào Thánh Kinh để chứng minh có sự sống lại. Ngài nêu ra một đoạn trong sách Xuất hành mà nhóm Sađucêu công nhận để chứng minh chân lý ấy : khi hiện ra với Maisen trong bụi gai đang cháy, Thiên Chúa đã tự xưng là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác và Thiên Chúa của Giacóp (x. Xh 3,6). Mà Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống : Các tổ phụ Abraham, Isaác và Giacóp dù đã qua đời, nhưng câu nói của Thiên Chúa với Maisen có hàm ý là các vị ấy hiện vẫn còn sống. Vì Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống đang điều khiển lịch sử loài người. Ngài không thể là Thiên Chúa của những kẻ chết, mà phải là của những kẻ sống. Con người gồm cả hồn lẫn xác, nên không những linh hồn con người thiêng liêng không bao giờ chết được, mà cả thân xác con người, dù có hóa thành bụi đất, thì nhờ quyền năng của Thiên Chúa Hằng Sống, cũng sẽ được sống lại trong ngày tận thế (x. Ga 11,23-26).

 

III. CUỘC SỐNG ĐỜI NÀY VÀ MAI HẬU.

 

          1. Chết là một qui luật phổ biến

 

          Có biết bao vĩ nhân thế giới, biết bao anh hùng cái thế đã qua đi mà chỉ còn trong sử sách. Ngay Hoàng đế Tần Thủy Hoàng của Trung hoa xưa đã truyền lệnh cho các thầy thuốc tìm ra thuốc  trường sinh cho nhà vua mà đành chịu bó tay. Ông đã chết như mọi người. Kinh nghiệm này đã được Văn Thiên Trường nói lên như một khẳng định :

 

                             Nhân sinh tự cổ thùy vô tử

                             Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

 

          “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử” : từ xưa đến nay ai mà không chết ? Đúng vậy. Đời người ngắn ngủi lắm. Thi sĩ Cao Bá Quát cũng nói lên kinh nghiệm đó trong mấy vần thơ :

                             Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,

                             Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.

                             Thôi công đâu chuốc lấy sự đời,

                             Tiêu khiển một vài chung lếu láo.

 

          Thi sĩ nghĩ rằng đời người vắn vỏi lắm, dài nhất là 3 vạn 6 ngàn ngày, nghĩa là 100 năm, sau đó thì ai cũng chết, mà chết là hết tất cả, cho nên còn sống bao lâu thì hãy lo ăn chơi, hưởng thụ, uống rượu “tiêu khiển một vài chung lếu láo”.

 

          2. Nhưng chết là gì ?

 

          Có nhiều cách định nghĩa về cái chết nhưng không định nghĩa nào thấy thỏa đáng. Chúng ta chỉ biết rằng con người kết thúc cuộc đời này khi linh hồn lìa khỏi  xác. Chỉ khi nào linh hồn lìa khỏi xác thì mới là chết thật.

 

          Chết là một sự chuyển đổi chứ không phải là một mất mát, đi vào ngõ cụt hay đi vào hư vô.

 

Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu trước khi sinh thì đã nói với chị em đang đứng chung quanh :”Em không chết đâu, em đi vào cõi sống.

 

 Ngay cả những người ngoại giáo từ ngày xưa đã tin như thế, nên Hòai Nam Tử đã nói :”Sinh ký tử qui” : sống là sống gửi, còn chết mới là về. Về đâu ?  Đi về cội nguồn, đi về một kiếp khác chứ không phải đi vào hư vô.

 

 Cũng trong niềm tin đó, thi sĩ Nguyễn Du trong “Đoạn trường tân thanh” đã khẳng định :”Thác là thể phách còn là tinh anh”.

 

          Lời than thở của thánh Augustinô đã nói lên nỗi khát khao của con người  được an nghỉ trong Chúa sau khi lìa cõi đời này :”Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con hướng về Chúa, nên hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”.

 

                                      Truyện : Đại tá David Marcus.

          Đại tá David Marcus bị chết trong trận chiến ở Israel tháng 6 năm 1948. Trong bóp của ông, người ta thấy một tấm thẻ ghi lại những lời thi vị hóa cái chết như sau :

          “Tôi đang đứng trên bờ biển. Bên cạnh tôi một con tầu đang trương buồm trắng phất phơ trong gió sớm hướng về đại dương. Con tầu trông thật đẹp và mạnh mẽ. Tôi đứng nhìn theo nó cho đến khi nó chỉ còn là  một dải mây trắng nơi trời và nước hòa lẫn với nhau. Lúc đó có người đứng cạnh tôi thốt lên :”Kìa, con tầu biến mất rồi” ! – Biến đi đâu ? – Biến khỏi tầm mắt tôi, thế thôi ! Nó vẫn là cột buồm, là vỏ tầu rộng lớn như lúc nó rời cạnh tôi và cũng vẫn đủ khả năng mang hàng hóa tươi sống  đến nơi đã định.  Kích thước con tầu chỉ giảm đi trong ánh nhìn của tôi chứ không phải nơi chính nó. Và ngay lúc đó tiếng người cạnh tôi vang lên :”Kìa ! Nó biến mất rồi”! thì lại có nhiều tiếng khác ở chân trời đàng kia vang lên đầy hoan hỉ :”Kìa ! Nó đến rồi”! Và đó chính là lúc chết (M. Link).

 

          3. Kiếp sống mai hậu

 

          Nhiều người tự nghĩ : nếu cuộc sống chỉ có đời này, và chết là hết, thì liệu những việc tôi đang làm đây có ý nghĩa gì không ? Và nói như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Corintô : “Nếu chết là hết, thì quả thực chúng ta là những kẻ khốn nạn nhất trong cả thiên hạ” (x. Cr 15,19). Quả thật, nếu không có niềm tin vào sự sống lại, không có niềm tin vào sự phán xét công minh và yêu thương của Thiên Chúa sau khi chết, có lẽ không ai trong chúng ta ngu dại gì mà sống ngay thẳng, thành thật; và cũng chẳng có ai  dù đủ kiên trì để chịu đựng những thử thách, bất công, hoặc cũng chẳng ai dại gì mà đi chia sẻ, giúp đỡ người khác nếu điều đó không có lợi cho mình.

 

          Tiền nhân chúng ta tin tưởng :”Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng” : Có công thì được thưởng, có tội thì phải phạt.  Điều này rất hợp với tự nhiên, bởi vì kinh nghiệm đã cho thấy nhiều người ngay lành gặp phải rủi ro trong khi những người tội lỗi gặp nhiều may mắn, nếu không có thưởng phạt đời sau, thì sao cho hợp lẽ công bằng ?

 

          Mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã rất chú ý đến  hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử”(near death experience) : nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau :

          -  Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.

          -  Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).

 

          Chúng ta chưa ai có kinh nghiệm về cuộc sống mai hậu nên không thể hiểu được và cũng không diễn tả được, nhưng chúng ta hãy tin vào Lời Chúa. Đức Giêsu cho chúng ta biết trật tự, cách tổ chức, sinh hoạt, cách thế hiện hữu trong cuộc sống mai hậu không giống như cuộc sống đời này. Không thể lấy kinh nghiệm hiện hữu của cuộc sống này để áp dụng vào  việc suy đoán cách hiện hữu của cuộc sống mai hậu. Đối với cuộc sống mai hậu, con người không hề có một kinh nghiệm nào và cũng không có một từ ngữ nào  tương xứng để diễn tả.  Thánh Phaolô có nói về sự siêu nghiệm ấy như sau :”Điều mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người là điều mà mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ được”(1Cr 2,9).

 

          Đức Giêsu đã khẳng định : Đời sống của các kẻ sống lại được  hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống, là đời sống hoàn toàn mới lạ so với đời sống trần gian này. Đời sống đó không có kiểu mẫu nào ở đời này cả. Đó là một cuộc sống không thể nào tưởng tượng ra nổi, một cuộc sống hoàn toàn được biến đổi, một cuộc sống của những người “con Thiên Chúa”, những “người được hưởng ơn phục sinh” :”Họ giống như các thiên thần”.

 

                                      Truyện : Bác sĩ Paul Nagai.

          Chết không phải là hết. Paul Nagai, từ sau quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki, đã  trở thành con người bất hủ, vì sự tận tụy và tấm lòng hy sinh vô bờ bến của ông đối với các nạn nhân.

          Chính ông đã để lại mấy dòng tâm sự làm cho ta biết tại sao ông từ vô thần đã trở thành con người có tin tưởng.

 

          “Trong kỳ nghỉ xuân – lời ông -  lúc đó tôi học hết năm thứ hai đại học y khoa, mẹ tôi bị trúng phong. Tôi hối hả chạy đến đầu giường mẹ tôi, người chỉ còn một chút hơi thở.  Mẹ tôi trừng trừng nhìn tôi, mà thở ra. Cái nhìn cuối cùng  của cặp mắt bà mẹ đã sinh ra, đã giáo dục và đã thương tôi đến cùng, cặp mắt này nói cho tôi một cách rõ rệt : dầu sao khi người khuất núi, người vẫn còn luôn luôn ở bên Takashi yêu dấu của bà. Tôi nhìn trong con mắt đó, tôi con người đã không tin có linh hồn và tự nhiên tôi cảm thấy : linh hồn mẹ tôi có; linh hồn mẹ tôi lìa khỏi xác nhưng còn tồn tại mãi mãi”.

 

          Sau đó ông thêm rằng :”Con người tôi đã đổi hẳn, dầu tôi làm hết sức cũng không thể làm cho tôi tin phục rằng cái đã gọi là mẹ tôi đã bị hoàn toàn tiêu diệt… Con mắt tôi lần đầu tiên mở ra nhìn thấy  cái thế giới siêu hình” (Văn Quy, Đi về đâu, tr 7-8).

 

          4. Tin vào sự sống lại

 

          Chúng ta rất phấn khởi và đầy tin tưởng khi đọc lời tung hô Alleluia :”Vạn tuế Đức Kitô, Đấng đầu tiên từ cõi chết sống lại. Người vinh hiển quyền năng. Vạn vạn tuế”. Người là đầu thân thể đã sống lại để cho chi thể được sống lại với Người.

 

          Mỗi khi chúng ta đọc kinh Tin kính, chúng ta vẫn tuyên xưng :”Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Chúng ta tuyên xưng như thế và chúng ta tin điều đó dễ dàng. Chứ thực ra vấn đề này không dễ dàng cả vào thời Đức Giêsu lẫn ở thời nay.

 

          Người Kitô hữu tin rằng không chỉ có linh hồn tham dự vào cuộc sống mai hậu, mà cả thân xác  cũng sẽ sống lại  sau khi hư nát một thời gian, để tham dự vào sự sống thần linh và vĩnh cửu đời sau. Thân xác ấy sẽ được biến đổi để phù hợp với cách hiện hữu mới ấy. Niềm tin vào sự sống lại được xây dựng trên nền tảng sự sống lại của Đức Kitô, mà các Tông đồ là những người đã thấy tận mắt, đã sẵn sàng chịu đau khổ và chết để làm chứng. “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”(Cv 2,32; 10,41).Đây là một trong những niềm tin căn bản nhất của người Kitô hữu, đến nỗi có thể nói  ai không tin vào sự sống lại thì không phải là Kitô hữu.

 

          Tin vào sự sống lại không phải là niềm tin vu vơ, phản khoa học, nhưng ngược lại chính các nhà khoa học thượng thặng lại tin nhận điều đó. Ông Eymieu đã công bố bản thống kê 432 nhà bác học thế kỷ 19 thì có 367 vị tin có Thiên Chúa và sự sống lại. Bác sĩ Dennaert người Đức cho biết trong số 300 nhà bác học  lỗi lạc nhất ở 4 thế kỷ vừa qua có 242 vị tin, 38 vị không rõ lập trường, 20 vị không tin và dửng dưng (Văn Quy, Đi về đâu, tr 39).

 

                                      Truyện : Con bọ nước.

          Một nhà sản xuất và giám đốc của một hãng phim lớn, ông Cecil B. DeMille vừa có nhiều năng khiếu về nghệ thuật, lại có đời sống nội tâm sâu xa nữa. Ông nhận xét sự chia sẻ của mình với bạn bè như sau :

         

          “Trong khi đi thuyền canô trên hồ Maine, ông chú ý thấy một bầy con bọ nước cánh cứng ngay  dưới mặt nước. Một con trong bầy ngoi lên trên mặt nước và từ từ bò lên mạn thuyền canô. Sau cùng, nó phấn đấu leo lên được bên trên thuyền, bám vào thành gỗ và lăn ra chết. DeMille đã quên bẵng đi con bọ nước này cho đến mấy tiếng đồng hồ sau đó ông lại chú ý thấy một con bọ nước khác. Trong ánh mặt trời ấm áp, cái vỏ cứng bên ngoài của nó  đã trở nên khô và dòn. Chăm chú theo dõi, ông thấy cái vỏ của nó đã vỡ đôi ra, và từ bên trong nổi ra một hình thức mới, một con chuồn chuồn,  cất cánh bay lên không gian với mầu sắc tráng lệ lóng lánh trong ánh mặt trời. Chỉ trong một thoáng, con chuồn chuồn đã bay được xa hơn là con bọ nước bò đi chậm chạp trong nhiều ngày. Nó bay lượn vòng quanh, phóng lên, lao xuống, chập chờn trên mặt nước.

 

          DeMille chú ý thấy cái bóng của nó in hình trên mặt hồ. Con bọ ở dưới nước cũng có thể nhìn thấy điều đó, nhưng bây giờ người đồng loại của chúng  trước đây đã hiện hữu trong một tình trạng vượt xa sự hiểu biết của chúng. Còn con bọ nước vẫn đang sống trong thế giới nhỏ bé và giới hạn, trong khi người anh chị em bà con  của nó  đã có được tất cả sự tự do giữa trái đất và bầu trời.

 

          Khi nói với bạn bè của ông điều đã nhìn thấy, DeMille đã kết luận với câu hỏi gợi ý như sau :”Có thể nào Thượng Đế vĩ đại của vũ trụ làm điều đó cho con bọ nước, lại không làm cho con người sao”(Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa…, tr 367-368).

 

          5. Chuẩn bị cho cuộc đời mai hậu

 

          Chúa dựng nên con người để hưởng hạnh phúc, nhưng không phải chỉ là hạnh phúc tạm bợ đời này, mà là hạnh phúc vĩnh hằng đời sau. Sống là một cuộc hành trình tiến về đời sau, về với Đấng hằng đợi chờ và yêu thương ta mãi mãi. Đừng mải mê với những hạnh phúc mau qua, những lạc thú bên đường mà quên cùng đích cuộc đời là phải gặp được Chúa. Có những kẻ sống như thể mình không bao giờ phải chết, họ ung dung hưởng thụ những lạc thú trần tục. Họ đã chết ngay khi còn đang sống. Có những kẻ sống như thể chỉ có đời này, tự điển sống của họ không có từ “đời sau”. Họ đang sống mà như đã chết.

 

          Cuộc đời này tuy ngắn ngủi, nhưng lại rất quan trọng : nó ảnh hưởng một cách quyết định đến cách thế hiện hữu của ta trong cuộc sống mai hậu. Một người sống đầy tình người, đầy yêu thương ở đời này chắc chắn tình trạng đời sau sẽ khác hẳn  với người đời này sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình.

 

           Đời này là nhân, đời sau là quả : nhân nào sinh quả nấy, cây nào sinh trái nấy, “Cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, cũng như cây xấu không thể sinh trái tốt”(Mt 7,17-18). Người làm tốt sẽ được thưởng, người làm điều xấu sẽ bị phạt như thư Rôma và sách Khải huyền viết :”Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm”(Rm 2,6; Kh 2,23).

 

          Nói đến nguyên tắc “gieo gì thì gặt nấy”, phương Tây có một câu ngạn ngữ rất hay :

 

          Nếu bạn muốn hạnh phúc một ngày, hãy mua một cái áo mới.

          Nếu bạn muốn hạnh phúc một tuần, hãy làm thịt một con heo.

          Nếu bạn muốn hạnh phúc một năm, hãy cưới vợ lấy chồng.

          Nếu bạn muốn hạnh phúc một đời, hãy làm người sống tử tế.

          Nếu bạn muốn hạnh phúc muôn đời, hãy làm người có đạo tốt.

 

          Để kết luận, chúng ta tự hỏi : Tôi sẽ chọn cho mình cách sống nào ? Sống để chiếm lấy vĩnh cửu hay là chỉ những kẻ chọn lấy đời này và đánh mất đời sau ? Đời sau vẫn cứ là huyền nhiệm lớn không thể tả. Chẳng ai biết thiên đàng, hỏa ngục như thế nào. Người ta chụp được rất nhiều hình ảnh lạ mắt, nhưng chưa từng có ai  lấy được hình ảnh của thiên đàng hay hỏa ngục. Vì không thể tìm được chân dung, người tín hữu nói riêng và loài người nói chung, dễ bị cuốn hút vào những cái thấy được của cuộc đời này, bám chặt vào nó  đến nỗi có lúc đã trở nên tội lỗi và lún sâu vào tội lỗi.

 

          Chúng ta hãy tâm niệm rằng Sống là để chết. Ta biết mình đang đi về đời sau để gặp Đấng mà mình tin yêu suốt đời. Vì thế, cái chết không làm cho chúng ta bi quan, ngược lại, cái chết dạy ta biết cách sống. Ta hãy sống như sẽ chết, để khi chết, ta trở về nguồn cội đích thật của mình là quê hương vĩnh cửu. Nơi đó Chúa đang chờ để ban hạnh phúc muôn đời cho kẻ đã “xét đáng được dự phần đời sau” là chính chúng ta.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                   Giáo xứ Kim phát

                                                                   Đà lạt

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô