Thứ ba, ngày 14 tháng 05 năm 2024 | 11:32 AM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Thánh kinh
 

CHÚA CHA YÊU THẦY THẾ NÀO, THẦY CŨNG YÊU CÁC CON NHƯ VẬY!

       Thứ bảy ngày 28-6-2014 tại Nhà Thờ Đức Bà Paris, Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, đã truyền chức linh mục cho 7 phó tế.

... Với tuổi đời 33, với ánh nhìn thông minh, với vầng trán cao và khuôn mặt hướng về phía trước, tân linh mục Romain Civalero là mẫu người không ngừng bước trước gian nguy. Xin nhường lời cho Cha Romain.

Được giáo dục trong một gia đình Công Giáo không sống đạo, tôi khám phá Đức Chúa GIÊSU KITÔ vào năm tiểu học, nơi mái ấm bác ái ở Roquefort-les-Pins. Sau đó gia đình tôi dời qua sống bên Martinique. Thời gian này tôi cảm thấy xúc động trước tâm tình tôn giáo của vị huynh trưởng hướng đạo. Anh luôn phó thác mọi sinh hoạt cho THIÊN CHÚA.

Lên bậc trung học tôi chuyển về sống tại thủ đô Paris. Ở xa gia đình, tôi bỏ rơi việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Rất may trong số bạn bè lại có mặt vị huynh trưởng hướng đạo cũ của tôi. Chính anh lôi cuốn tôi vào Nhóm Cầu Nguyện. Ngoài ra sự hiện diện của các tu sĩ Cộng Đoàn Saint-Jean cũng giúp nhiều cho Đức Tin của tôi.

Chỉ vỏn vẹn sau một năm sống tại Paris tôi trở về với việc sống đạo thật nghiêm chỉnh. Ngoài việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật tôi còn đi lễ hàng ngày trong tuần và chuyên chăm đọc Kinh Thánh. Chính trong thời điểm này tôi bắt đầu đặt vấn đề ơn gọi linh mục. Nhưng cần có thời gian để thanh luyện ước muốn. - Tôi theo học ngành kỹ sư tại Grenoble rồi sang hành nghề bên nước Ý. Nhưng cuộc sống đạo bắt đầu gặp khó khăn. Tôi cảm thấy khó lòng trung thành với THIÊN CHÚA. Tôi liền quyết định trở lại Paris, nơi mà Đức Tin của tôi được sinh ra và được lớn lên.

Tại Paris, giữa lòng Cộng Đoàn Emmanuel, tôi tìm lại ước muốn trở thành linh mục. Một năm tìm hiểu giúp khẳng định ơn gọi của tôi. Năm 2013 tôi thử làm một kinh nghiệm truyền giáo bên Cameroun nơi đại lục Phi Châu. Tại đây tôi dạy môn thần học luân lý. Ngoài ra tôi được giao phó nhiệm vụ tiếp đón bệnh nhân và người nghèo. Đây là công tác quý hóa đưa tôi chú ý đến cái mỏng giòn của thân phận con người và khiến tôi quan tâm chú ý đến những người tôi gặp trên các đường phố. Giờ đây tôi biết rằng THIÊN CHÚA cũng chờ đợi tôi trong thừa tác vụ này!

... Cha Sébastien Violle 35 tuổi. Xin nhường lời cho tân linh mục.

Tôi chào đời trong một gia đình Công Giáo. Ngay từ thơ bé tôi đã cảm nghiệm sự gần gũi với Đức Chúa GIÊSU KITÔ, đặc biệt trong ngày tôi rước lễ lần đầu. Tôi tự nhủ: ”Mình rước Đức Chúa GIÊSU vào lòng!” Rồi tôi cảm thấy thật hạnh phúc và ước ao được chia sẻ hồng ân THIÊN CHÚA. Tôi gia nhập ban giúp lễ của giáo xứ và là một hướng đạo sinh ..

Thế nhưng khi bước vào bậc trung học tôi bắt đầu lơ là và sống xa rời Đức Tin. Rất may nhờ môi trường tốt lành chung quanh tôi vẫn trung tín trong việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Nhờ vậy mà trong thời gian này tôi cảm nhận tiếng Chúa gọi tôi dâng hiến cuộc đời cho Ngài. Tôi liền quyết định quy chiếu trọn cuộc đời tôi trên Đức Chúa GIÊSU KITÔ bằng cách cầu nguyện đều đặn hơn cũng như thường xuyên tham dự Thánh Lễ trong tuần. Tôi bắt đầu phân định rằng: - Chính nơi giữa lòng Giáo Hội Công Giáo mà tôi được kêu mời trở thành linh mục để phục vụ anh chị em đồng loại.

    Thế nhưng con đường ơn gọi không giản dị trơn tru. Tôi đâu có thể một sớm một chiều tử bỏ tất cả để bước theo tiếng Chúa. Tôi bị dằn co như người thanh niên giàu có trong Phúc Âm. Tôi vẫn như lưu luyến và bám víu vào một cuộc sống thoải mái tiện nghi. Tôi làm cuộc hoãn binh bằng cách học xong ngành luật rồi ra trường và hành nghề luật sư. Thêm vào đó xét vì gia đình chỉ có chị cả và tôi nên tôi không muốn Cha Mẹ phải thất vọng khi tôi chọn ngay con đường linh mục. Dầu sao thì thời gian kéo dài trước khi chính thức gia nhập Chủng Viện vẫn là thời gian cần thiết giúp chín mùi một quyết định quan trọng.

    Sau cùng thì tiếng Chúa gọi mỗi ngày một trở nên cấp thiết hơn và tôi ý thức rõ ràng rằng tôi chỉ được hạnh phúc ngày nào tôi đáp lại tiếng Chúa gọi và niềm hạnh phúc này sẽ lan tỏa chung quanh tôi.

    Thời gian thụ huấn nơi Chủng Viện giúp tôi biết từ khước chính mình trong sự tin tưởng và thắng vượt mọi thử thử thách để đạt được chiến thắng.

... ”Chúa CHA yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong Tình Yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong Tình Yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong Tình Yêu của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy:           Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi CHA Thầy, Thầy đã nói cho anh em biết” (Gioan 15,9-15).      (”PARIS NOTRE-DAME, L'Église en mission à Paris”, Journal du Diocèse de Paris, Hebdomadaire, No 1532, 26 Juin 2014, trang 14-17)  -Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

2 Tháng Mười Một- Lễ Cầu Cho Các Linh Hồn

 Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustine viết, "Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ." Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.

     Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.

 - Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với vết tích tội lỗi, do đó cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa. Công Ðồng Triđentinô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.

 Sự dị đoan vẫn còn dính dấp đến ngày lễ này. Thời trung cổ người ta tin rằng các linh hồn trong luyện tội có thể xuất hiện vào ngày lễ này dưới hình thức các phù thủy, con cóc hay ma trơi. Và họ đem thức ăn ra ngoài mộ để yên ủi người chết.     - Tuy nhiên việc cử hành lễ với tính cách tôn giáo vẫn trổi vượt. Người ta tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng với nến và hoa.

 Lời Bàn:  Có nên cầu nguyện cho người chết hay không là một tranh luận lớn khiến chia cắt Kitô Giáo. Vì sự lạm dụng ơn xá trong Giáo Hội thời ấy nên Luther đã tẩy chay quan niệm luyên tội. Tuy nhiên, đối với chúng ta, cầu cho người thân yêu là một phương cách nối liền với người chết. Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.

 Lời Trích:   "Chúng ta không thể coi luyện tội là một nhà tù đầy lửa cận kề với hỏa ngục--hoặc ngay cả 'một thời gian ngắn của hỏa ngục.' Thật phạm thượng khi nghĩ rằng đó là một nơi chốn mà Thiên Chúa bủn xỉn đang bòn rút từng chút thân xác... Thánh Catherine ở Genoa, vị huyền nhiệm của thế kỷ 15, viết rằng 'lửa' luyện tội là tình yêu Thiên Chúa 'nung nấu' trong linh hồn đến nỗi, sau cùng, toàn thể linh hồn ấy bừng cháy lên. Ðó là sự đau khổ của lòng khao khát muốn được xứng đáng với Ðấng được coi là đáng yêu quý vô cùng,họ đau khổ vì nỗi mơ ước được kết hợp đã cầm chắc trong tay, nhưng lại chưa được hưởng thật trọn vẹn"(Leonard Foley, O.F.M., Tin Chúa Giêsu).

 

Lễ Các Linh Hồn

(2 tháng 11)

(Kn 3, 1-9; Rm 5, 4-11; Ga 17, 24-26)

 

Đời sống con người giống như lữ hành trên một chuyến xe lửa với những trạm dừng và thay đổi tuyến đường. Khi sinh ra, cùng với cha mẹ chúng ta bước lên xe lửa. Mong rằng cha mẹ chúng ta sẽ cùng đồng hành bên cạnh. Tuy nhiên, tới một trạm nào đó, cha mẹ phải xuống khỏi xe lửa và rời chúng ta đi trong đơn côi. Các trạm kế tiếp, có nhiều người bước lên xe lửa. Họ là bạn bè, anh chị em, thân hữu và cả người yêu trong đời. Xe tiếp tục chạy, sẽ có nhiều người ra khỏi xe và để lại chỗ trống. Có những người ra đi không ai chú ý và chúng ta cũng chẳng mấy quan tâm là họ vắng mặt lúc nào. Trên tuyến xe lửa cuộc đời có nhiều niềm vui, hy vọng, mong chờ, tiếng chào hỏi, tiếng cười, nỗi buồn và rồi chia tay. Sống ý nghĩa là có được tình liên đới hài hòa với tất cả mọi người…đòi hỏi chúng ta cống hiến điều tốt nhất của chính chúng ta. Nhiệm mầu của đời sống là chúng ta không biết trạm nào mình sẽ xuống. Bởi thế, chúng ta hãy sống tốt lành, yêu thương và biết tha thứ. Thật là quan trọng, chúng ta nên thực hiện những gì tốt nhất trong đời sống. Khi thời điểm phải ra đi, chúng ta nên để lại những kỷ niệm và ấn tượng thật đẹp cho những ai sẽ tiếp tục cuộc hành trình.

 

Hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta cơ hội để kính nhớ tổ tiên và cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn. Uống nước nhớ nguồn. Xin lễ, cầu nguyện, kính viếng và thương nhớ đến những linh hồn đã ra đi trước chúng ta là một nghĩa cử thảo kính, báo hiếu và biết ơn. Ai ai trong chúng ta cũng có những người thân, thành viên trong gia đình, họ hàng, thân hữu và các ân nhân đã qua đời. Có biết bao nhiêu thành viên trong cùng một niềm tin mà chúng ta không biết. Chúng ta cũng chẳng thể nào kể hết ông bà tổ tiên của chúng ta bao đời đã qua. Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Chúa, nên mọi người xưa nay còn sống cũng như đã qua đời, đều có sự liên hệ tông giống nhân loại. Chúng ta biết rằng mọi người, không phân biệt, đều là loài thụ tạo cao quý có hồn và xác.

 

Khi lìa đời, thân xác của con người là vật chất, nên sẽ bị tan rữa và trở về cát bụi. Còn linh hồn thiêng liêng không thể tan biến. Sách Khôn Ngoan đã diễn tả: Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa (Kn 3, 1). Thân xác con người đều tan rữa hư nát giống nhau. Chỉ có linh hồn còn hiện hữu trong thế giới vô hình.Đích cùng,linh hồn người công chính và linh hồn kẻ bất lương sẽ không giống nhau. Linh hồn người công chính ở trong tay Chúa. Đây là chìa khóa của đời sống tâm linh con người trên trần thế. Có sự khác biệt vô cùng lớn lao trong cuộc sống ngày sau, giữa người thánh và ác nhân. Chúng ta nhớ dụ ngôn ông nhà giầu và Ladarô nghèo khó, sau khi cả hai cùng chết, số phận mỗi người một khác. Ông Abraham đáp lời ông nhà giầu đang bị khổ đau: Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được (Lc 16, 26). Mọi người được sinh ra cùng lữ hành, nhưng khác nhau nơi điểm đến sau cùng. Có người sẽ đến được bến bờ hạnh phúc và có kẻ sẽ chịu hình khổ đời đời.

 

Người khôn ngoan là người biết dự liệu cho mình hành trang đi về cuộc sống mai hậu. Nếu cứ mải mê tìm kiếm những thú vui trần đời, chúng ta sẽ dễ bị lạc vào mê hồn trận và tương lai không biết đi về đâu. Không phải chúng ta chờ đến giây phút cuối đời, rồi cầu nguyện: “Lạy Chúa, lạy Chúa…mà được vào Nước Trời”. Chúng ta phải thực hành thánh ý Chúa Cha. Có nghĩa là chúng ta phải phấn đấu trong gian khổ, tu luyện, trau dồi đức hạnh, tuân giữ các giới răn và cần được thanh luyện. Tác giả sách Khôn Ngoan dạy rằng: Thiên Chúa đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu (Kn 3, 6). Qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta đã nhận lãnh hạt giống đức tin. Chúng ta đã cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta sẽ cùng được sống lại với Người.

 

Truyện kể: Có một bé trai cứ khóc ròng trong lớp học. Cô giáo hỏi: Điều gì làm em buồn khổ thế. Cậu bé trả lời rằng em gái của cậu đã chết, bởi vì người ta đã chôn em dưới nấm mồ và đã lấp đất lại rồi. Cô giáo dẫn bé trai tới chỗ cửa sổ, nơi đó có một số bình đựng đất xốp. Vài tuần trước, các em đã gieo những hạt giống trong đất. Cô giáo giải thích rằng các hạt gieo xuống sẽ không giữ nguyên vẹn. Các hạt giống được trồng trong đất và sau một ít ngày, các hạt này sẽ nẩy mầm, lớn lên thành cây và trổ hoa. Đó là ý nghĩa mà các hạt giống sẽ biến đổi. Cô giáo lấy ngón tay moi một hạt giống dưới đất xốp, hạt đã bắt đầu nẩy mầm non và mọc thêm rễ. Cô giáo giải thích: Hạt giống không chết. Nó đang thay đổi và bây giờ đang trong tiến trình biến đổi rất ý nghĩa.

 

Trước khi Chúa Giêsu về trời, Ngài đã hứa với các môn đệ: Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em (Ga 14, 2). Lời của Chúa Giêsu là lời quyền năng chân thật và là bảo chứng cho niềm tin của chúng ta. Đây không phải là lời hứa xuông, mà là một sự xác tín cho những ai đang mong đợi ngày Chúa đến. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng với Cha của Ngài: Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương Con trước khi thế gian được tạo thành (Ga 17, 24). Đây là chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Mọi loài thụ tạo đều có cùng đích để hướng tới. Đặc biệt đối với con người, Thiên Chúa đã muốn chia sẻ tình yêu và hạnh phúc viên mãn. Khởi đầu thơ gởi Do-thái, tác giả viết: Thuở xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dậy cha ông chúng ta qua ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài (Dt 1, 1-2).

 

Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về ý nghĩa và sứ mệnh làm người. Trong cuộc lữ hành hướng tới cùng đích là Nước Trời. Chúa Giêsu đã mở cửa Nước Trời ngay tại thế để mời gọi chúng ta gia nhập bước vào. Con đường vào Nước Trời là con đường hẹp. Con đường Chúa đã đi qua. Chúng ta hãy bước theo gót chân và đi theo lối bước của Chúa. Chúa là ánh sáng đã đến trong thế gian, ánh sáng soi dọi vào đêm tối để dẫn dắt chúng ta tới nguồn sáng thật. Chính Chúa Kitô đã ban cho chúng ta lời hằng sống, bánh trường sinh và sự sống thật. Ngài đã chiến thắng tử thần và sống lại vinh quang. Chúa đã chết vì tội lỗi của chúng ta để ban lại cho chúng ta sự sống muôn đời. Thánh Phaolô viết: Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta (Rm 5, 8). Tất cả chỉ vì tình yêu, cả công trình sáng tạo và cứu chuộc của Chúa. Chúa đã chết cho tình yêu để chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa: Chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa (Rm 5, 11).

 

Lạy Chúa, cuộc sống này thay đổi chứ không mất đi. Chết không phải là hết, mà là bắt đầu một cuộc sống mới trong Chúa Kitô. Xin cho chúng con biết quý trọng sự sống đời này và chuẩn bị hành trang cho đời sống mai hậu. Chúng con cầu xin cho tất cả các linh hồn đã qua đời được chung hưởng hạnh phúc qua lòng từ bi nhân hậu của Chúa. Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng.

 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York

SUY NIỆM LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

Lời Chúa: *Rm 6,3-9; Ga 6,51-59 *Kn 3,1-9; Lc 23, 33.39-43; *Rm 5,4-11; Ga 17,24-26

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN – A

Lời Chúa: Ml. 1,14b – 2,2b.8-10; 1Tx. 2, 7b-9.13; Mt. 23, 1-12

MỤC LỤC

SUY NIỆM LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

1. Cái chết

2. Bốn bà vợ

3. Suy Niệm & Sống Tháng Các Linh Hồn

4. Suy niệm Lễ Các Linh Hồn

5. Thân xác và linh hồn – John W. Martens

6. Suy niệm Lễ Các Đẳng Linh Hồn – Hiền Lâm

7. Suy niệm của Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

8. Lịch sử ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn

9. Tưởng nhớ người đã ra đi.

10. Bài giảng của ĐTGM. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

11. Lòng biết và thảo kính đối với tổ tiên

12. Bài giảng của ĐGM. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

13. Lễ CÁC ĐẲNG – Lm. Đaminh Vũ Đình Thái

14. Nguồn nước mắt – ĐGM. Gioan B. Bùi Tuần

15. Tri ân tình cha, tình mẹ - Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

16. Luyện ngục

17. Nghĩ về sự chết – ĐGM. Gioan B. Bùi Tuần

18. Luyện ngục

19. Bóng câu cửa sổ

20. Họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa

21. Bên kia sự chết

22. Lễ cầu nguyện cho các linh hồn – JK

23. Các tín hữu đã qua đời.

24. Các linh hồn

 

 

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN – A

1. Khiêm nhường

2. Khiêm nhường

3. Quyền bính để phục vụ – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

4. Hãy sống trong sự thật

5. Là anh em với nhau

6. Đạo đức thật và đạo đức giả

7. Đầy tớ

8. Đóng kịch

9. Bí quyết trở nên người cao cả – Lm. Trần Ngà

10. Biệt phái giả hình

11. Sống chân tình

12. Nói và làm

 

SUY NIỆM LỄCẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

1. Cái chết

Hôm nay chúng ta tụ tập trong nhà thờ này để cử hành lễ các Linh Hồn, để tưởng nhớ đến những người đã khuất nhất là những người đã có một mối liên hệ thương yêu và ơn nghĩa đối với chúng ta như ông bà cha mẹ. Chính vì thế mà tôi muốn chia sẻ một vài ý nghĩa về sự chết. Vậy cái chết là gì và nó đem lại cho chúng ta những bài học nào?

Cái chết là một sự dứt bỏ có tính cách cưỡng bức, nó chia lìa hai người bạn thân thiết nhất đó là linh hồn và thể xác. Cái chết là một cuộc hành trình, một chuyến đi cô đơn nhất vì người ra đi sẽ phải để lại sau lưng tất cả những gì mình quyến luyến nhất, từ những người thân yêu đến tiền bạc và địa vị được gầy dựng do mồ hôi nước mắt. Nó sẽ chấm dứt tất cả những gì chúng ta đã đầu tư trong cuộc đời. Chính vì thế nó thường làm cho chúng ta bàng hoàng và sợ hãi.

Thế nhưng, là người Kitô hữu chúng ta phải nhìn cái chết dưới ánh sáng đức tin. Thực vậy dưới ánh sáng đức tin thì cái chết không phải là một chấm dứt mà là một khởi đầu, không phải là một ra đi mà là một trở về nhà Cha, không phải là một chia lìa nhưng là một kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Từ đó chúng ta rút ra được những bài học quý giá.

Bài học thứ nhất đó là ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Ý nghĩa đó được tóm gọn trong câu giáo lý: Hỏi người ta sống ở đời để làm gì? Thưa, ta sống ở đời để nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời và thương yêu mọi người như anh em. Hầu ngày sau được mưu hạnh phúc đời đời. Câu trả lời này thật ngắn gọn và rõ rệt, giúp chúng ta giải quyết những vấn đề đã từng làm cho chúng ta băn khoăn và thắc mắc. Không hiểu được chân lý này, hay cố tình quên lãng chân lý này, chúng ta sẽ trở nên những kẻ lầm đường lạc lối, không còn thấy được phương hướng cho cuộc sống, liều mình mất đi cả chì lẫn chài, cả đời này lẫn đời sau. Murillo, một hoạ sĩ Tây Ban Nha, đã khắc trên tường phòng mình hàng chữ như sau: Hãy sống như là sẽ phải chết. Hãy tập làm quen với cái chết bằng tinh thần từ bỏ liên tục.

Bài học thứ hai là bài học khôn ngoan. Trong mọi hoàn cảnh, hãy chuẩn bị sẵn sàng để ra trước mặt Chúa mà tính sổ cuộc đời. Đừng bao giờ quên rằng, chúng ta được xét xử dựa trên tình yêu: tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh em, chứ không phải là được xét xử theo dáng bộ bề ngoài và những việc đạo đức nặng phần trình diễn. Bởi vậy trong nhịp sống thường ngày, chúng ta có lo thực thi bác ái hay không, có biết thực tâm tha thứ cho kẻ lỗi phạm đến chúng ta hay không? Có biết nở nụ cười hoà giải đối với những kẻ đã gây nên xích mích, có biết đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những kẻ xung quanh? Có biết làm chứng nhân cho Chúa bằng đời sống yêu thương hay không?

Nếu trong cuộc sống trần gian, chúng ta đã thực sự yêu thương anh em thì chúng ta mới có thể tiến lại gần cùng Thiên Chúa, Đấng có một trái tim cảm thông với đau khổ sẵn sàng để tha thứ và ân thưởng những người thiện chí. Khi tâm hồn chúng ta đã giao hoà cùng Thiên Chúa, thì bấy giờ cái chết không còn nhuốm vẻ tang tóc bi ai nữa. Chúng ta không còn nói như Laffirgue: Điều đau buồn nhất trong cuộc sống là cái chết. Trái lại chúng ta sẽ bảo: Đối với người tín hữu thì điều an ủi và khích lệ nhất trong cuộc sống là cái chết, bởi vì cái chết sẽ chấm dứt những đau khổ phần xác, để rồi dẫn đưa chúng ta vào niềm hạnh phúc vĩnh cửu.

 

2. Bốn bà vợ

(Suy niệm ngày Lễ Các Linh Hồn của Frère Trần An Phong)

Một phú gia kia cưới đến 4 bà vợ.

Ông ta rất thương bà vợ thứ nhất, mỗi khi kiếm được tiền là ông liền mua sắm cho bà đủ thứ áo quần sang trọng, dẫn bà đi ăn tại các nhà hàng trứ danh. Không những thế, ông còn tung tiền mua sắm cho bà đủ thứ hột xoàn, trân châu. Bà muốn gì ông cũng chiều chuộng. Ông cưng bà như cưng trứng, hứng bà như hứng hoa!

Và mỗi lần đi họp, hay đi kinh doanh, ông đều sung sướng và hãnh diện mang theo bà vợ thứ hai. Ông luôn khoe bà với bà con lối xóm, với đồng nghiệp, khách hàng. Bà là niềm hãnh diện của ông!

Mỗi khi gặp khó khăn, cho dù lớn hay nhỏ, ông đều thủ thỉ, tâm sự với bà vợ thứ ba. Ông tin tưởng bà lắm, vì bà luôn là người cố vấn cho ông, một người cố vấn khôn ngoan, trung tín và đầy yêu thương. Bà thật là người bạn đời tri kỷ có một không hai trên đời!

Còn bà vợ thứ tư lại rất thương ông, thương ông tha thiết, thương ông nồng nàn, thương ông chứa chan. Nàng dành hết cả cuộc đời mình để lo cho cuộc sống của ông, sự nghiệp của ông. Nàng không từ chối một hy sinh nào cho chồng cả. Ngay cả những khi ông lầm lỗi, bà cũng can đảm thầm nhắc nhở, khuyên lơn, và rộng lòng tha thứ. Thế nhưng! Ông lại chẳng mấy khi để ý đến nàng.

Rồi một ngày kia, ông phát bệnh. Bệnh ung thư của ông đã đến thời cuối cùng, các bác sĩ đều bó tay. Biết mình chả còn sống được bao lâu, ông bèn cho mời các bà vợ đến để nói lời cuối cùng.

Bà thứ nhất mặc xiêm y lộng lẫy, nữ trang óng ánh, nước hoa lan tỏa khắp phòng, đến bên chồng đang hấp hối.

- Em, anh sắp chết rồi. Em là người anh yêu mến nhất, chăm sóc cho em từng li từng tí. Em có muốn theo anh về bên kia thế giới để chung sống, để lo lại cho anh không?

- Không!

Nàng lạnh lùng đáp.

- Anh đi đường anh, em đi đường em. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.

Nói xong, nàng ngoảnh mặt, vội vã bước ra khỏi phòng. Lời bà như một nhát dao đâm thấu tim ông!

Người phú gia vừa cố gắng nắm tay bà vợ thứ hai, vừa run run hỏi:

- Em, suốt đời anh, em là niềm hạnh phúc, là niềm kiêu hãnh của anh. Giờ đây anh sắp chết, em có muốn theo anh về bên kia, như hào quang chói sáng cho anh, như người tiến cử anh vào cuộc sống huy hoàng không?

- Không! Anh chết rồi, tôi sẽ cưới người khác. Tôi phải thuộc về người khác chứ! Ai lại theo kẻ chết xuống mồ bao giờ.

Nói xong, nàng trở gót bỏ đi. Mỗi tiếng gót giày nàng nện xuống thềm nhà, là một nhát búa đóng đinh xuyên qua tim chàng.

Đau buốt, nát tim, người phú gia quay nhìn bà vợ thứ ba và ân cần hỏi:

- Em, trong suốt cuộc đời, em là người luôn sát cánh cùng anh. Không có chuyện gì mà anh không chia sẻ cùng em. Em luôn bên cạnh anh, lúc vui cũng như lúc buồn. Giờ đây, anh sắp chết, em có chịu theo anh không?

- Anh yêu, em biết anh yêu em lắm, và em cũng yêu anh. Nhưng cùng lắm, em chỉ có thể theo anh ra nghĩa trang, nhìn anh đi vào lòng đất lạnh, rồi thắp cho anh những nén hương lòng. Em sẽ nhớ anh thật nhiều, nhưng theo anh, em không thể nào làm được.

Nói xong, nước mắt nàng tuôn trào.

Bỗng đâu, một giọng nói yếu ớt vang lên:

- Em sẽ theo anh về bên kia thế giới. Anh yêu, cho em theo anh. Đừng bỏ em!

Chàng phú gia lấy hết sức tàn ngồi chổm dậy, nhìn về phía phát xuất ra giọng nói. Và kià! Người vợ thứ tư của chàng đang ôm mặt khóc nức nở. Thân hình nàng qúa mảnh khảnh tựa hồ dễ bị cuốn theo chiều gió. Một người vợ yêu chàng tha thiết, nhưng đã bị chàng bỏ bê cả cuộc đời.

* * *

Trước cái chết, chàng phú gia mới chân nhận ra giá trị tình yêu. Ngày hôm nay, ngày nhớ đến Các Tín Hữu Đã Qua Đời, 2 tháng 11 mỗi năm, mình nhớ đến cái chết, và nhận ra bốn bà vợ của đời mình.

Mình đã quá yêu bà vợ thứ nhất - thân xác mình. Cho dù mình có mặc cho nó đủ thứ lụa là gấm vóc, nuôi dưỡng bằng cao lương mỹ vị, mình cũng chẳng đem theo được về bên kia thế giới.

Mình đã hãnh diện với chức tước, bằng cấp - bà vợ thứ hai - nhưng chức tước ấy sẽ thuộc về người khác khi mình giã từ cõi thế.

Họ hàng, gia đình mình - bà vợ thư ba, sẽ theo mình ra tận nghĩa trang, sẽ hằng năm kỵ giỗ cho mình, nhưng nào ai theo mình xuống huyệt.

Còn cái linh hồn của mình - bà vợ thứ tư - mà mình đã vì qúa chăm lo thể xác, chạy theo tiền tài danh vọng, bon chen chức tước quyền cao, ít khi mình buồn nghĩ đến thì sẽ theo mình đi vào thiên thu.

* * *

"Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!

Suốt cuộc đời, tôi xin hát mừng Chúa,

Sống bao lâu, nguyện đàn ca kính Chúa Trời.

Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế,

Nơi người phàm chẳng cứu nổi ai.

Họ tắt hơi là trở về cát bụi,

Dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan.

Phúc thay người được Chúa Trời nhà Gia-cóp phù hộ

Và cậy trông Chúa, Thiên Chúa họ thờ." (Thánh Vịnh 145: 1-5)

 

3. Suy Niệm & Sống Tháng Các Linh Hồn

(Suy niệm của Lm. Gioan B. Nguyễn Đình Lưu)

“Con hãy nhớ đến mẹ mỗi khi dâng thánh lễ”.Lời thánh Monica cũng chính là ý nguyện mà các linh hồn tiền nhân muốn nhắc nhở cùng chúng ta là con cháu của các ngài.

Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tối Thứ Năm tuần trước có phát đi chương trình: “Những đứa con hiếu thảo”. Một trong những khuôn mặt được giới thiệu đó là anh Kim Sơn. Tuổi thơ của anh là những tháng ngày đen tối, bởi cha mẹ đã sớm ly dị khi đã có với nhau ba mặt con. Thiếu sự yêu thương dạy dỗ, Kim Sơn xa dần trường học để bước vào trường đời. Bài học đầu đời mà Kim Sơn học được đó là bài học lừa lọc, dối trá, đấu đá để dành quyền sống. Kết cục của những tháng ngày ngang dọc là những ngày đen tối trong chốn lao tù, là sự hận đời đen bạc, là nỗi buồn tuyệt vọng cô đơn.

Trong lúc đó, mẹ của anh vẫn tần tảo với gánh bún riêu, lê gót qua các phố chiều, chắt chiu từng đồng, để đổi lấy cho anh những hũ chao, những lon ruốc sả. Trải qua nhiều năm tháng, tình thương của người mẹ không hề xói mòn, hy vọng của mẹ không hề bị dập tắc. Cuối cùng tình mẹ đã chiến thắng. Năm 2005, anh được ra khỏi trại và quyết tâm làm lại cuộc đời. Ổn định cuộc sống, anh lập gia đình và đưa mẹ về sống chung để có dịp phụng dưỡng. Anh dứt khoát không để mẹ phải gánh bún đi bán, anh hứa với lòng mình: mẹ muốn ăn gì, mặc gì, anh sẽ mua cho mẹ. Anh còn tuyên bố: hạnh phúc nhất của đời tôi là được sống với mẹ, là được ở bên mẹ mãi mãi.

Câu chuyện của anh Kim Sơn, hẳn phải làm ấm ấp bao tấm lòng của các bà mẹ, đang được sống trong sự chăm sóc ân cần của con cháu, sau một đời tần tảo vất vả. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng những ngày tháng hạnh phúc trong sự đùm bọc của con cái. Lại càng ít người còn nhớ và lo lắng cho cha mẹ khi các ngài đã qua đời. Chính vì thế mà Giáo hội đã dành ngày 2 tháng 11 này, và trọn tháng 11 để khơi dậy lòng hiếu thảo nơi những người Kitô hữu, cũng là những người con của gia đình.

Ai trong chúng ta lại chẳng một lần sinh ra bởi cha mẹ, chẳng được ấp ủ trong mái ấm gia đình. Đây chính là chiếc nôi của tình yêu, ngôi trường của lòng nhân ái. Từ trong cái xã hội nhỏ bé ấy, chúng ta đã được bú mớm, nuôi dạy, và từng ngày lớn lên trong vòng tay yêu thương của tình cha, và tiếng ru ầu ơ của mẹ. Để đổi lấy cho chúng ta sức khỏe, cha mẹ đã phải đổ bao mồ hôi sức lực để có bữa cơm miếng cá cho con; lại còn biết bao trăn trở lo lắng cho chúng ta về đường đức tin, học vấn. Hôm nay, chúng ta thành người, có địa vị, có cuộc sống an lành, có gia đình ổn định, lại chính là lúc mà các ngài nhắm mắt xuôi tay. Cái giá mà các ngài phải trả cho sự thành đạt, thành nhân của chúng ta, đâu chỉ là công sức, là nước mắt, là những héo hắt khổ đau, mà có khi còn cả mạng sống mình. Ca dao ViệtNam đã mượn hình ảnh rất quen thuộc để diễn tả sự hy sinh ấy:

“Con cò lặn lội bờ ao, gánh gạo nuôi chồng...”

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô