Thứ bảy, ngày 11 tháng 05 năm 2024 | 12:04 PM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Truyền thông

 

TỌA ĐÀM VỀ ƠN GỌI VÀ SỨ VỤ NGƯỜI GIÁO DÂN

 

THEO CÔNG ĐỒNG VATICAN II

 

Sáng 29/09/2012 t ại Trung Tâm Mục Vụ Sài-gòn

 

ĐT I. Giáo huấn của Giáo hội về ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo hội và xã hội (Giuse Lm Nguyễn Trọng Viễn OP).

ĐT II. Người giáo dân trưởng thành (Gd Giêrônimô Nguyễn Văn Nội).

ĐT III. Sự dấn thân của giáo dân trong các lãnh vực trần thế: Ơn gọi nên thánh trong môi trường sống (Bs Giuse Nguyễn Đăng Phần).

 

 

 

Bài 1: Giáo huấn của Công đồng (và các Giáo hoàng kế tiếp) về ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo hội và thế giới[1].

 

1. Vài dòng về lịch sử người giáo dân[2]

 

          Người giáo dân đã có mặt ngay từ buổi đầu của lịch sử Giáo hội và chắc chắn sẽ còn luôn có mặt trong suốt những chặng đường lịch sử của Giáo hội trên đường hướng về ngày Cánh Chung. Tuy nhiên, vị thế của người giáo dân trong dòng lịch sử đó không phải lúc nào cũng được công nhận như một thành phần thiết yếu và chủ động, và cũng không phải lúc nào cũng xếp vào hạng "những con chiên ngoan ngoãn, thụ động, chỉ có nghĩa vụ để người khác hướng dẫn mình và theo các chủ chăn mình như đàn cừu dễ bảo".

 

          Chúng ta cũng nhìn lại những bước "thăng trầm" đó.

 

1.1. Giáo dân trong Kinh Thánh và trong Giáo hội sơ khai

 

          Trong Kinh Thánh không có từ ngữ "giáo dân". Nhưng Kinh Thánh dùng nhiều từ khác để chỉ chung một cộng đoàn thuộc về Thiên Chúa như : Giáo hội Chúa (Chúa Kitô), Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô. Các phần tử các dân tộc trong cộng đoàn đó thì đươc gọi là : "những người được chọn", "các thánh", "các môn đệ", nhất là từ ngữ "anh em".

 

          Qua tất cả những từ ngữ Thánh kinh đó, người ta đọc được những ý nghĩa chung :

 

- Đây là một dân cánh chung, được Thiên Chúa kêu gọi để tiến vào vương quốc của Ngài, thừa hưởng đời sống vĩnh cửu của Chúa trong Đức Kitô.

 

- Họ là những người đáp lại lời Chúa gọi, gia nhập vào hàng ngũ dân Chúa, được hiệp thông với Đức Kitô và nhờ Đức Kitô được thông hiệp đời sống thần linh của Chúa. Từ đó, họ cũng thông hiệp với nhau nữa.

 

          Như thế, một công đoàn Kitô hữu trước tiên và căn bản mang ý nghĩa là một cộng đoàn được thánh hiến cho Thiên Chúa, khác biệt với thế giới chứ không diễn tả một sự phân biệt bên trong giữa giáo sĩ và giáo dân. Tất cả mọi người được Thiên Chúa kêu gọi, được lãnh bí tích Thánh Tẩy đều là những người được thừa kế gia sản Thiên Chúa ban trong Đức Kitô, có sự bình đẳng về phẩm giá và đều lãnh trách nhiệm chung về sứ vụ Chúa giao cho, bởi vì họ được chọn để làm ích cho "nhiều người".

 

          Điều đó không có nghĩa là không có khác biệt nào về vai trò của các thành phần : "Thần khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách là vì ích chung" (1 Cr 12,7 tt).

 

1.2. Từ ngữ “giáo dân” xuất hiện

 

          Dần dần các công đoàn Kitô hữu phát triển rộng lớn hơn, người ta cảm thấy cần phải củng cố tổ chức để điều hành sinh hoạt của cộng đoàn, cần phải xác định vai trò đặt tên cho mỗi thành phần riêng biệt cũng như cần chỉ định rõ công tác của mỗi thành phần trong các buổi cử hành phụng vụ. Thế là từ ngữ "giáo dân" xuất hiện, trước tiên, trong thư của thánh Clement (năm 95), để chỉ một người tín hữu bình thường, phân biệt với phó tế và linh mục; sau đó, trong thư thánh Justin, để chỉ những người đối đáp với vị chủ tế trong phụng vụ Thánh Thể.

 

1.3. Giáo dân trong Giáo hội thời tử đạo

 

          Trong thời kỳ Giáo hội bị bách hại, có hai luồng tư tưởng chính vẫn tồn tại song song hoặc nhiều khi đối nghịch nhau :

 

- Một đàng khi phải chịu bách hại khổ đau, Giáo hội ý thức mãnh liệt mình là dân Cánh chung tha thiết mong chờ Chúa đến để giải thoát và hoàn tất công trình cứu độ của Ngài. Tất cả mọi thành phần trong Giáo hội, giáo sĩ cũng như giáo dân, đều có một nỗi mong chờ chung và đều gấp rút thi hành sứ vụ Chúa trao cho, nỗ lực rao giảng tin mừng để chuẩn bị đón Ngày Chúa Quang Lâm mà họ tưởng chừng như đã sắp tới. Trong tình hình như thế, Giáo hội ý thức mạnh mẽ về một sự khác biệt, một sự đối kháng giữa mình với thế giới.

 

- Đàng khác, vì Giáo hội vẫn phải tồn tại, vẫn phát triển và vẫn phải tổ chức đời sống của những cộng đoàn, nên không thể không chú tâm tới việc sắp xếp, tổ chức một phẩm trật để điều hành, để quyết định nhiều vấn đề trong cộng đoàn. Hơn nữa, thời đó, ảnh hưởng của tư tưởng Platon đang lan rộng, nhiều giáo phụ coi phẩm trật trong Giáo hội như là phản ảnh của trật tự của thiên quốc, các chức vụ trong Giáo hội không chỉ là sự khác biệt cần phải có trong cách tổ chức một cộng đoàn, nhưng còn là những trách vụ đại diện đặc biệt của Thiên Chúa, của Đức Kitô.

 

          Từ đó, dần dần hình thành một cơ cấu phẩm trật trong Giáo hội, cơ cấu này vì chưa có được một nền tảng thần học vững chắc nên thường nặng về tính cách pháp lý nhiều hơn.

 

1.4. Giáo dân trong Giáo hội thời Trung Cổ

 

          Với chiếu chỉ Milan 313, vua Constantin đã mở màn cho một giai đoạn mới trong lịch sử Giáo hội. Giáo hội được sống tự do, an bình, được công khai sống đạo và truyền đạo. Đó quả thật là một hạnh phúc lớn lao của cả Giáo hội cũng như của mọi người Kitô hữu sau bao năm bị cấm cách. Tuy nhiên điều đó không phải là nó không kéo theo những hậu quả làm thay đổi sâu xa của bộ mặt của Giáo hội.

 

          Cuộc sống an bình làm cho ý thức về một Giáo hội Cánh Chung càng ngày càng giảm bớt, đồng thời củng cố thêm nhu cầu cần phải tăng cường cơ cấu tổ chức. Ngay sau khi hết thời bắt hại, khuynh hướng quyền bính đã phát triển mạnh mẽ và người giáo dân càng ngày càng trở thành những người cấp dưới trong Giáo hội. Cuối thế kỷ IV cuốn sách mang tên "Giáo huấn các Tông Đồ" đã viết : "Người giáo dân chỉ là những đứa con nít phải canh chừng".

 

          Hơn thế nữa, trong lòng đế quốc Roma, Giáo hội càng ngày càng phát triển có thêm nhiều đặc quyền và trở thành một thế lực bao trùm hầu hết thế giới tây phương. Giáo hội và trần thế ban đầu thì nương tựa, hỗ trợ mật thiết cho nhau, sau đó gần như đồng nhất thành một. Sự khác biệt, đối lập giữa Giáo hội và thế giới biến mất và thay thế vào đó là sự phân biệt, đôi khi sự đối kháng ngay trong lòng Giáo hội. Người ta bắt đầu sắp xếp các thứ bậc, phân biệt các cách sống đạo, đặt ra mỗi ngày mỗi nhiều thêm chức tước...

 

          Theo dòng thời gian và cùng nhịp độ với hoàn cảnh xã hội, chính trị thuận lợi cho cho Giáo hội, khoảng cách giữa hàng giáo sĩ, tu sĩ và người giáo dân càng ngày càng rộng thêm hơn :

 

     - Khoảng đầu thế kỷ V, các linh mục có y phục riêng.

 

- Khoảng cuối thế kỷ V, chức "cắt tóc" được thiết lập để đánh dấu những người của Giáo hội.

 

- Từ thế kỷ thứ VII, với phụng vụ bằng tiếng La tinh, giáo dân  càng ngày càng thụ động hơn và càng có thêm những khoảng cách trong cộng đoàn phụng vụ : phần lễ quy được đọc thầm, các lời nguyện linh mục đọc ở ngôi thứ nhất số ít (con, tôi) thay vì là chúng con (chúng tôi).

 

          Những sự phân biệt về phưong diện tổ chức như thế đương nhiên kéo theo những hậu quả về phương diện phẩm giá và quan niệm tu đức. Trong một thế giới (Tây phương) hầu như toàn tòng, sứ mệnh truyền giáo mất dần ý nghĩa, thay vào đó là nỗ lực sống đời sống luân lý. Mức độ của đời sống trọn lành cũng được đánh giá ăn khớp theo tổ chức phẩm trật : trước hết là giáo sĩ, đến tu sĩ rồi giáo dân.

 

          Ban đầu người ta gọi các tu sĩ là những "con người thiêng liêng" sau cũng áp dụng cho cả các giáo sĩ triều, đối ngược lại với những "con người xác thịt", tức là người giáo dân. Giáo sĩ và tu sĩ được ví như bên phải và giáo dân như bên trái trong một thân thể. Nền tảng của phẩm giá người Kitô hữu không còn là bí tích Thánh tẩy nhưng là bí tích Truyền Chức, lời khấn dòng, bí tích Hôn nhân. Trọng tâm của đời sống Kitô hữu không còn là trung thành và phát triển gia sản chung mà mọi người được thừa hưởng khi được Thánh Tẩy, mà là nỗ lực từ bỏ ma quỷ, thế gian và xác thịt....

 

          Tóm lại, Giáo hội dần dần biến từ một Giáo hội Cánh chung, nghĩa là một Giáo hội lữ hành qua trần gian để tiến về vương quốc Thiên Chúa trong ngày cánh chung, để trở thành Giáo hội luân lý, đóng chốt trong trần gian và nỗ lực thiêng liêng hóa trần gian.

 

          Tuy nhiên, trong thời kỳ này, dù bị đánh giá thấp so với các "bậc" khác trong Giáo hội, người giáo dân khá hăng say nhiệt thành; họ cố gắng nên thánh trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều hội đoàn được thành lập để liên kết với nhau, giúp đỡ nhau sống đời sống Kitô giáo tốt đẹp, thánh hóa đời sống hôn nhân, nghề nghiệp, của cải và đời sống binh nghiệp. Những hội đoàn này hoạt động khá sầm uất, họ có thánh quan thày riêng, cờ hiệu và đồng phục riêng. Trong đó đặc biệt phải kể đến các tổ chức dòng ba. Những tổ chức này đã phát triển rộng rãi và vẫn còn tồn tại mãi đến ngày nay.

 

          Cũng vào thời kỳ này, Giáo hội ý thức được một khía cạnh chưa hề có trong thời Giáo hội chịu bách hại : đó là sứ vụ trần thế của người giáo dân. Giáo hội muốn hướng đời sống trần thế trực tiếp quy hướng vào việc phụng thờ Thiên Chúa, hướng tới ơn cứu độ, tới đời sống luân lý theo tinh thần Kitô giáo. Tất cả đời sống trần thế được đóng khung trong khuôn khổ tôn giáo và theo những luật lệ của Giáo hội. Tuy nhiên, sứ vụ này mới chỉ được hiểu về phương diện chính trị mà thôi, và cũng chỉ mới được áp dụng cho các ông hoàng, là những người giáo dân ưu tuyển. Giáo hội chăm chút đến đời sống đạo đức của các ông hoàng, nêu lên ý nghĩa đạo đức trong trách vụ cai quản quốc gia, chức tước của các ông cũng được thánh hóa với nhiều nghi thức gần như là chức thánh. Sở dĩ như vậy, là vì khi đó Giáo hội tin tưởng rằng một ông hoàng đạo đức, biết xử dụng tốt luật pháp và quyền hành chính trị thì có thể bảo đảm cho một dân chúng tốt.

 

1.5. Giáo dân trong thời cận đại 

 

          Từ thế kỷ XVI đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử thế giới. Những biến chuyển trong giai đoạn này của thế giới tây phương không chỉ liên đến tây phương, nhưng có nhiều liên lụy với toàn thế giới. Những yếu tố chính trong khúc ngoặt lịch sử này là :

 

     - Trào lưu nhân bản thuyết nhấn mạnh tính cách tự lập và cao qúi của con người.

 

- Những khám phá mới về khoa học, kỹ thuật có ảnh hưởng sâu rộng : máy in, máy hơi nước, la bàn....

 

- Những cuộc khám phá và những mối liên lạc giao thương với các lục địa khác với châu Âu, có những nền văn hóa và tôn giáo không phải là Kitô giáo.

 

- Cuộc cách mạng Pháp 1789 khởi đầu một phong trào cách mạng khắp nơi, muốn tách rời Giáo hội và nhà nước.

 

- Trào lưu vô thần phát triển ngay trong lòng châu Âu Kitô giáo.

 

- Cuộc cải cách Tin lành và các trào lưu cải cách  trong Giáo hội Công giáo (các dòng tu mới, công đồng Trente....). Nhiều yếu tố lớn trong Giáo hội và xã hội như vậy đưa đến một tiến trình tước đoạt, giảm thiểu ảnh hưởng của Giáo hội mỗi ngày mỗi mạnh hơn. Nhiều lãnh vực trước kia nằm trong tay Giáo hội nay tìm cách giữ sự độc lập riêng, trước tiên là về phương diện chính trị sau đó là văn hóa, khoa học, kỹ thuật, giáo dục cho đến cả lãnh vực bác ái và luân lý nữa.

 

          Thế là sau hơn 10 thế kỷ, Giáo hội một lần nữa lại cảm thấy mình chỉ là một nhóm nhỏ giữa dòng một thế giới "trần tục" bao la. Sự phân biệt, đối kháng giữa Giáo hội và thế giới lại xuất hiện như trước kia và xuất hiện như một thách thức nghiêm trọng. Cũng từ đó mối hiệp nhất trong lòng Giáo hội lại bắt hình thành, địa vị của người giáo dân được khôi phục lại dần dần.

 

          Trước hết phải kể đến cuộc cải cách Tin Lành. Trào lưu này đưa tới một sự phân ly đau đớn cho Giáo hội, nhưng không phải là không có một số nét góp phần thúc bách cải tổ Giáo hội và đánh giá lại vị thế, vai trò của người giáo dân trong Giáo hội. Một số nét tích cực của phong trào cải cách Tin Lành là :

 

     - Ý thức được tình trạng "chưa được Phúc Âm Hóa" ở nhiều miền, đặc biệt các vùng nông thôn, phong trào tin lành đã phát khởi một trào lưu rao giảng Tin mừng, làm rõ bản chất của Giáo hội trước hết là để phục vụ Tin Mừng.

 

- Đề cao việc đọc trực tiếp Kinh Thánh, dịch Kinh Thánh ra tiếng địa phương để người giáo dân không biết tiếng La tinh có thể đọc được.

 

- Khôi phục lại giá trị chức tư tế cộng đồng. Luther viết : "Chính phép Thánh tẩy, việc loan báo Tin mừng và đức tin là những yếu tố duy nhất tạo nên tình trạng Giáo hội và thiết lập dân Kitô giáo".

 

          Đáng tiếc là Luther đã đi quá xa khi đề cao chức tư tế công đồng để chống lại chức tư tế thừa tác và hàng giáo phẩm. Phản ứng chống lại những quá đáng của Tin lành, công đồng Trente nhấn mạnh đến tính cách đặc biệt của chức linh mục thừa tác và không nói đến chức tư tế cộng đồng của người giáo dân. Tuy nhiên, trong đời sống, các nhà cải cách Công giáo không hề quên rằng bất cứ ai đã chịu phép rửa tội đều có trách nhiệm đối với sức sống của Giáo hội. Chẳng hạn vào cuối thế kỷ XVI. Philippê Nêri khi bắt đầu công cuộc tông đồ ở Roma cũng mới chỉ là một người đã chịu thánh tẩy. Tại Pháp, bà Acarie, đã biến nhà mình thành một trong những trung tâm tích cực nhất của cuộc cải cách Công giáo. Cả những nhà cải cách thuộc hàng giáo sĩ cũng nhắm đến mục tiêu "canh tân đời sống Kitô giáo" dựa trên việc khám phá lại ơn gọi do bí tích thánh tẩy (Jean Jacques Olier).

 

1.6. Giáo dân trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX

 

          Cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 đã đưa đến một trào lưu không thể nào cưỡng lại được nữa : các quốc gia dần dần tách khỏi bàn tay của Giáo hội để biến thành những xã hội hoàn toàn tục hóa. Ban đầu nỗ lực của các vị giáo hoàng là tìm cách khôi phục lại một xã hội Kitô giáo như xưa, và không có cách nào khác lại phải cậy nhờ đến sự đóng góp của người giáo dân. Thế là hàng rào giới hạn sức lực của người giáo dân được mở ra, nhiều giáo dân nhiệt thành hăng hái lao vào cuộc, rồi các hiệp hội được thành lập nhằm tới các mục tiêu bác ái (chẳng hạn : Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô) hoặc mục tiêu tông đồ (chẳng hạn : Hiệp hội Thanh Niên Công giáo Pháp ra đời năm 1886).

 

          Thế nhưng, trào lưu thế tục hóa không vì thế mà suy giảm; các vị giáo hoàng nhận ra là không thể quay ngược lại dòng lịch sử. Từ đó, ý thức tông đồ của Giáo hội cũng dần dần biến chuyển đến chỗ: phải làm chứng cho Chúa Kitô ở giữa lòng đời, làm chứng cho những gì căn bản và thuần khiết nhất của Kitô giáo, làm chứng bằng chứng tá của chính đời sống tràn đầy tình bác ái, đầy lòng tin, cậy, mến, chứ không phải bằng cách thiết lập một thế giới Kitô giáo như xưa. Ý thức mới này, may mắn thay lại mở màn cho một cuộc canh tân sâu xa hơn nhiều : canh tân ý thức đức tin, canh tân ý thức về đòi hỏi của Tin Mừng, canh tân phụng vụ, canh tân ý thức sứ vụ về những phương pháp tông đồ trong lòng xã hội trần tục.

 

          Kết quả là một số phong trào Công giáo tiến hành được hình thành và hoạt động tích cực. Khởi đầu là phong trào Thanh Lao Công do linh mục Cardjin lập năm 1924 và được Đức Thánh Cha Piô XI hỗ trợ.

 

          Về phần mình, Giáo hội tìm lại được sự thống nhất các thành phần, ý thức được tầm quan trọng của một chi thể mà lâu nay không được nhìn nhận đúng mức; nhất là Giáo hội sống lại tinh thần Cánh chung, là tính cách cốt yếu của Giáo hội.

 

          Các người giáo dân trong thời đại này cũng tìm lại được phẩm giá của mình trong Giáo hội, ý thức mạnh mẽ sứ vụ được Chúa trao cho giữa trần gian. Trong lãnh vực tông đồ rõ ràng người giáo dân có nhiều điều kiện thuận lợi hơn tu sĩ và giáo sĩ. Nhất là sứ vụ trần thế được làm cho sáng tỏ hơn lúc nào hết. Khi thi hành công việc "làm đẹp bộ mặt thế giới" người giáo dân không chỉ mang tinh thần "để sống cho qua ngày", nhưng ý thức được ý nghĩa công việc đó là tiếp tục công trình sáng tạo của Chúa, là sắp xếp các sự vật cho thích hợp và hướng tất cả theo ý định ngàn đời của Thiên Chúa.

 

2. Tiến đến một nên thần học về giáo dân

 

          Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, một công đồng chung đã dành hẳn một chương trong một hiến chế quan trọng để trực tiếp bàn về người giáo dân. Những khẳng định thần học về phẩm giá và ơn gọi của người giáo dân trong Cộng Đồng Vatican II, ngày nay, như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, "vẫn có tính hiện đại đáng ngạc nhiên đôi khi còn có tầm mức tiên tri"[3]. Những suy tư đó vẫn là nền tảng cho những triển khai thần học sau Công đồng, cũng như viẹc áp dụng những suy tư ấy vào đời sống thực tế của Giáo hội, để người giáo dân thực sự là một ơn huệ Chúa ban, góp phần giúp Giáo hội chu toàn được sứ mạng của mình. Chúng ta cũng nhìn lại giáo huấn của Công đồng.

 

2.1. Những bước chuẩn bị

 

          Chẳng phải ngẫu nhiên mà Công đồng đã có được một sáng kiến độc đáo và hình thành được một công trình như thế. Thánh Thần đã chuẩn bị, hướng dẫn và cũng chính Ngài đã thúc đẩy những bước tiến quyết định trong Giáo hội. Thánh Thần không chỉ làm việc nơi Công Đồng, qua các nghị phụ, nhưng còn làm việc trong toàn thể đời sống của Giáo hội. Học thuyết của Công đồng không phải chỉ là một sáng kiến độc đáo mà còn là một sự tổng hợp, đúc kết, quảng diễn những gì đang sinh động trong đời sống Giáo hội, và sau cùng chính thức trình bày với toàn thể Dân Chúa. Ở đây, chúng ta có thể kể ra một vài dữ kiện tiêu biểu trên quãng đường đó trước khi đi vào giáo huấn căn bản của Vatican II về người giáo dân.

 

* Đóng góp của các thần học gia : Trong khoảng thập niên 30 của thế kỷ này, người ta thấy xuất hiện một số công trình nghiên cứu của các thần học gia bàn về phẩm trật trong Giáo hội và người giáo dân. Trong số đó đặc biệt phải kể đến đóng góp của cha Yves Congar OP.

 

* Đức Piô XII : trong bài nói chuyện với các tân hồng y ngày 20-2-1946, đức thánh cha Piô XII đã nói :

 

"Những người giáo dân đứng hàng ngũ những người tiên phong của đời sống Giáo hội. Nhờ họ mà Giáo hội trở thành nguyên lý sống động của xã hội nhân loại. Vì thế họ phải ý thức rõ rệt hơn rằng mình chẳng những thuộc về Giáo hội mà chính là Giáo hội".

 

          Khẳng định đó của Đức Thánh Cha chắc chắn đã có một tiếng vang lớn. Thượng Hội Đồng Giám Mục 1987 và tông huấn "Kitô hữu giáo dân" của đức Gioan Phaolô II cũng đã nhắc lại ý tưởng đó[4].

 

* Những đại hội thế giới về tông đồ giáo dân : trong khi đó, từ sau thế chiến thứ nhất, đã có một số phong trào công giáo tiến hành nảy sinh ở các nước Tây phương và đã góp phần làm cho ý thức của Giáo hội về vai trò làm tông đồ của người giáo dân thêm mạnh mẽ. Cao điểm là những đại hội thế về tông đồ giáo dân năm 1951 và 1957.

 

- Tại đại  hội 1957, đức thánh cha Piô XII một lần nữa lại đưa ra một ý niệm quan trọng, góp phần hình thành rõ nét hơn về vai trò của người giáo dân cũng như tính cách đặc thù trong ơn gọi giáo dân.

 

"Mối tương quan giữa Giáo hội và thế giới đòi phải có sự can thiệp của các tông đồ giáo dân. Việc "thánh hiến trần gian", trong cốt yếu, chính là công việc của người giáo dân, là những người hòa nhập một cách chặt chẽ vào đời sống kinh tế xã hội".

 

- Đức Gioan XXIII : Sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, trước một xã hội tan nát nhưng cũng đồng thời manh nha nhiều yếu tố mới, đức thánh cha Gioan XXIII lại nhắc đến vai trò của người giáo dân như là lời đáp lại tiếng kêu khẩn thiết của thế giới :

 

"Giáo hội hôm nay phải đương đầu với một trách nhiệm lớn lao : đem sắc thái nhân bản và Kitô giáo vào trong nền văn minh hiện đại, sắc thái mà nền văn minh này đòi hỏi và dường như khẩn khoản nài xin, nhằm lợi ích phát triển và sự hiện hữu của nền văn minh ấy. Giáo hội chu toàn các trách nhiệm ấy, đặc biệt nhờ các giáo dân, là những người phải cảm thấy mình dấn thân vào việc thực hiện những hoạt động nghề nghiệp như là việc chu toàn một nghĩa vụ, như là một dịch vụ mà do họ thực hiện trong sự kết hiệp mất thiết với Thiên Chúa, trong đức Kitô, để làm vinh danh Ngài"[5].

 

2.2. Học thuyết Công Đồng

 

          Công đồng Vatican II dành hẳn chương IV trong hiến chế tín lý Ánh Sáng Muôn Dân để bàn về phẩm giá vai trò của người giáo dân. Tuy nhiên chương IV này lại liên hệ mật thiết, đúng hơn là đặt nền tảng ở chương II nói về Dân Thiên Chúa. Vì thế trước khi đi vào những suy tư thần học của chương IV, chúng ta phải nhìn đến nền tảng chung của mọi thành phần trong Giáo hội, bởi vì phẩm giá và ơn gọi của các thành phần chỉ thực sự có được và có ý nghĩa đích thực trong nền tảng chung ấy mà thôi.

 

2.2.1. Giáo hội : Dân Thiên Chúa

 

          Ý niệm “Dân Thiên Chúa” giữ một vị trí then chốt trong toàn thể tư tưởng của hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân[6]. Ý niệm đó trình bày hình ảnh Giáo hội trong chiều kích lịch sử. Giáo hội là dân lữ hành trong trần gian và hướng về ngày cánh chung. Khi diễn tả Giáo hội là Dân Thiên Chúa, Công Đồng thực sự đã lấy lại được một cách nhìn đã có từ trước, theo đó, Giáo hội chỉ thực sự là mình và chỉ thực sự đóng đúng vai trò của mình khi đặt mình trong dòng lịch sử cứu độ.

 

Theo cha Yves Congar OP, nguyên việc sắp xếp thứ tự các chương trình trong Hiến chế đã cho thấy một ý nghĩa quan trọng. Thứ tự các chương như sau :

 

1/ Mầu nhiệm Giáo hội.

 

2/ Dân Thiên Chúa.

 

3/ Phẩm trật trong Giáo hội.

 

4/ Người giáo dân. ............................

 

          Theo thứ tự này, Công đồng muốn nói lên rằng chính Giáo hội như Dân Thiên Chúa mới đích thực là nền tảng chung, là thực tại căn bản quy tụ và hiệp nhất mọi thành phần, chứ không phải như não trạng của một số người vẫn coi hàng giáo phẩm là nền tảng của Giáo hội.

 

Về nội dung của ý niệm Dân Thiên Chúa, chúng ta thấy có những điểm chính như sau :

 

* Sự liên tục trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa

 

          Giáo hội được Thiên Chúa kêu gọi làm dân của Ngài, một dân mới, kế tục và thay thế cho dân cũ là Israel. Dân mới này được triệu tập từ khắp muôn dân, đón nhận mọi người, hợp thành một dân duy nhất "trong Thánh Thần chứ không theo xác thịt"[7]. Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Dân Mới có một vai trò đặc biệt, không thể thay thế, không thể hoán đổi. Giáo hội thực sự là Dân cánh chung trong quãng thời gian mong chờ ngày cánh chung này.

 

* Gia nhập Dân Thiên Chúa

 

          Mỗi người Kitô hữu được Chúa gọi không phải là đơn độc, một mình theo Chúa và một mình có trách nhiệm với Ngài, nhưng được mời gọi để gia nhập vào Dân Thiên Chúa, vào trong một cộng đồng đức tin, tham dự vào Thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô là Giáo hội. Thuộc về Đức Kitô, đồng thời cũng có nghĩa là thuộc về Giáo hội. Công đồng nói :

 

"Thực vậy, chính Người đã lấy máu mình mà chuộc lấy Giáo hội (Cv 20,28). Người đỗ tràn Thánh Thần và ban các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu hình. Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin và mong đợi Chúa Kitô, Đấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình, Ngài thiết lập họ thành Giáo hội để Giáo hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người"[8].

 

          Ý niệm giáo dân chỉ thực sự có ý nghĩa trong ý nghĩa chung của Giáo hội, vì Giáo hội là một thực tại nền tảng, không phải do các thành phần góp thành, nhưng chính Giáo hội thể hiện tính cách chung của mình nơi mỗi thành phần. Thần học về người giáo dân chỉ là một trắc diện trong toàn thể thần học về Giáo hội. Vì vậy, những khẳng định về giáo dân bao giờ cũng phải gắn liền với những xác quyết rộng lớn hơn, bao trùm hơn, trọn vẹn hơn đó là những khẳng định về mầu nhiệm Giáo hội.

 

Như thế, là Kitô hữu, trước tiên có nghĩa là được sát nhập vào dân của Chúa. Mọi ân huệ, phẩm giá và sứ vụ của người Kitô hữu đều phát xuất từ cộng đoàn dân Chúa mà họ được hiệp thông. Ơn gọi Kitô hữu, giáo dân hay các ơn gọi khác, chỉ có ý nghĩa trong cộng đoàn dân Chúa.

 

* Sống đức tin như một lịch sử ơn cứu độ.

 

Phải công nhận rằng, từ lâu trong Giáo hội, vẫn có một não trạng “siêu lịch sử” chi phối suy tư thần học và cung cách sống đạo. Khuynh hướng ấy giả thuyết rằng việc gặp gỡ Thiên Chúa và đạt được ơn cứu độ của Ngài diễn ra hoàn toàn trong một nơi huyền nhiệm nào đó của tâm hồn, một tầm hồn không bị nhiễm bẩn do những thực tại của không gian và thời gian. Do đó, người ta nỗ lực thoát khỏi những biến động của thời cuộc, nhìn những biến cố lịch sử xung quanh mình như một thế giới đi song song hoặc bên ngoài đời sống thiêng liêng.

 

Khởi từ Vatican II, có một nỗ lực triển khai trong chiều hướng thần học lịch sử và cụ thể, để đưa Giáo hội thoát khỏi một lối nhìn siêu lịch sử và mở ra cho Giáo hội sự hiểu biết đa dạng, xuyên qua không gian và thời gian, qua những nền văn hoá và văn minh. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa con người và Thiên Chúa, dưới ánh sáng đức Tin, là ý nghĩa đích thực của tất cả lịch sử và do đó, trở nên “lịch sử cứu độ” hay “nhiệm cục cứu độ”. Chân lý cứu độ không còn là một hệ thống các ý tưởng soi sáng từ trên cao, nhưng là một lịch sử hướng tới tương lai đầy tràn ý nghĩa mà con người không ngừng khám phá, xây dựng, thông hiểu và tác tạo nên.

 

Suy tư thần học trong những thập niên cuối thế kỷ XX, nhờ vào các nhà thần học như Newmann, Teilhard de Chardin, Congar, Chenu, Danielou, Rahner, de Lubac, Schillebeeckx ..., luôn ý thức rằng chiều kích thời gian thấm sâu vào đời sống tinh thần của con người và tạo nên tính chất thiết yếu của mọi kinh nghiệm nhân sinh cũng như kinh nghiệm đức Tin. Kinh nghiệm đức Tin chính là nhận ra “nơi chốn” thực hiện nhiệm cục cứu độ, kinh nghiệm ấy được thực hiện trong chính lịch sử. Theo nghĩa này, không có đức Tin, không có ơn cứu độ, không có thần học nào ở ngoài lịch sử; bởi vì đức Tin là sự trả lời đối với một biến cố, ơn cứu độ cũng chính là một biến cố và thần học chỉ có thể hiện hữu khi dựa vào những sự kiện, từ Abraham cho đến đức Giêsu Kitô, và đến Giáo hội, một Giáo hội vốn sống trong không gian và thời gian.

 

Kitô giáo không phải là một hệ thống các tư tưởng, nhưng là “nhiệm cục cứu độ”. Chúng ta không thể hiểu được thế giới nếu loại bỏ thời gian và những đặc tính riêng biệt, cụ thể của thế giới. Chính đường nét ấy thể hiện tính mới mẻ riêng biệt của mặc khải Do Thái – Kitô giáo, so với những quan niệm Đông phương cũng như Hy Lạp.

 

2.2.2. Bí tích Thánh Tẩy

 

          Chính bí tích Thánh tẩy hay nói rộng hơn các bí tích khai tâm Kitô giáo, là nguyên lý tháp nhập mỗi người vào trong Dân Chúa. Qua bí tích Thánh tẩy, người Kitô hữu được cùng chết, cùng phục sinh với Đức Kitô. Người Kitô hữu chết đi cho con người cũ và sống lại thành nên một thụ tạo mới; được biến đổi hoàn toàn; có một phẩm giá, một địa vị mới và bước vào một lãnh vực mở ra một chân trời mới huyền nhiệm. Qua bí tích Thánh tẩy, người Kitô hữu trở nên con Thiên Chúa, nên "những người con trong Người Con" - được hội nhập vào thân thể duy nhất của Đức Kitô là Giáo hội và được trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần.

 

          Cũng như Dân Thiên Chúa là thực tại nền tảng cho các thành phần trong Giáo hội, thì bí tích Thánh tẩy là bí tích tháp nhập mỗi người vào Dân Thiên Chúa cũng thực sự là nền tảng của mọi bí tích khác và làm nên nền tảng chung của mọi Kitô hữu, giám mục, linh mục, tu sĩ cũng như giáo dân. Nền tảng chung này là : phẩm giá và ơn gọi làm con Chúa. Nền tảng chung đó thực sự đã bao hàm tất cả những gì cao quý nhất của cuộc đời Kitô hữu và xác định một sự bình đẳng thực sự giữa mọi thành phần trong Giáo hội. Chúng ta có thể nói được là : các ơn gọi khác nhau cũng như các bí tích khác chính là những cách thức thể hiện cụ thể và riêng biệt một ơn gọi chung, là ơn gọi làm con chúa được lãnh nhận trong bí tích Thánh tẩy.

 

          Đức thánh cha Gioan Phaolô II, trong tông huấn "Kitô hữu giáo dân" đã viết : "Thật không quá đáng khi nói rằng toàn bộ đời sống của giáo dân nhằm tới việc thông hiểu tính mới mẻ căn bản của Kitô giáo, phát sinh từ bí tích Thánh Tẩy"[9].

 

Và công đồng Vatican II trong hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân viết :

 

"Thế nên chỉ có một dân Thiên Chúa được Ngài tuyển chọn 'Chỉ có một Thiên Chúa, một đức Tin, một Thánh tẩy' (Ep 4,5), cùng chung một phẩm giá của những chi thể, vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được là con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất, một đức ái không phân chia (...) giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động của mọi tín hữu, để xây dựng thần thế Chúa Kitô"[10].

 

          Như thế, hình ảnh Giáo hội không còn là hình ảnh một kim tự tháp, nhưng là một sự hiệp thông của mọi thành phần bình đẳng, hiệp thông vào ơn gọi và sứ vụ chung của Giáo hội.

 

2.3. Ba chức vụ : Tư tế - Ngôn sứ - Vương giả

 

          Truyền thống Tân Ước xác nhận nơi Đức Kitô có tất cả những chức vụ liên quan đến vai trò của vị Cứu Tinh được nói trong Cựu Ước, đó là các chức vụ : Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả.

 

          Đức Kitô không phải là một vị tư tế, tiên tri hay vị vua như các vị khác trong Cựu Ước, nhưng Ngài chính là vị Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả đặc biệt và duy nhất, theo nghĩa hoàn hảo nhất.

 

          Nhờ bí tích Thánh tẩy, người Kitô hữu, mọi Kitô hữu, được tháp nhập vào Đức Kitô, thì cũng được thông chia ba chức vụ đó của Ngài. Không phải chỉ là một danh nghĩa bên ngoài, nhưng đó là một sự thông phần thực sự. Như vậy người Kitô hữu cũng phải thực sự đảm nhận trách nhiệm và thi hành tác vụ thích hợp với ba chức vụ đó của Chúa Kitô.

 

a. Chức vụ tư tế

 

          Chúa Kitô là vị linh mục duy nhất, bởi vì chỉ có Ngài mới dâng lên Chúa Cha của lễ đích thực có thể xóa được tội lỗi con người. Của lễ đó chính là Mình Máu Ngài chứ không phải chỉ là máu chiên bò như các tư tế khác đã dâng và không cứu độ ai. Để thi hành chức vụ này cách trọn vẹn, Ngài cũng gọi một Dân là Giáo hội và Giáo hội được thánh hóa thành Dân Thánh, Dân Tư Tế.

 

          Khi lãnh bí tích Thánh tẩy, người Kitô hữu được tham dự vào chức tư tế của Đức kitô, người ta gọi là chức Tư tế Cộng đồng. Nhờ chức tư tế cộng đồng này, Kitô hữu có thể thực sự thánh hóa đời sống mình, thánh hóa mọi sinh hoạt, mọi trách vụ và kể cả các thử thách trong cuộc sống nữa. Tất cả những điều đó được thực sự kết hiệp với lễ vật của Đức Kitô mà dâng cho Chúa Cha, khi mà người Kitô hữu sống những hoàn cảnh đó trong đức tin, và trong lúc tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh thể. Hiến chế Giáo hội viết :

 

"Thực vậy những kẻ mà Người đã cho tham dự mật thiết vào sự sống và sứ mạng của Người, Người cũng cho họ dự phần vào chức vụ tư tế để họ thực hành việc phụng thờ thiêng liêng, hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu độ nhân loại(...)

 

.... Mọi hoạt động,  kinh nguyện và công cuộc tông  đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô