Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024 | 05:01 AM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Thông tin

Nhật ký Tĩnh Tâm Linh mục của Linh mục đoàn Huế năm 2014 (10-14/3/2014)

 

 

Ngày thứ hai: 11.3.2014

 

Lúc 08g00 - Bài giảng thứ hai: “Tôi nhắc anh hãy làm sống lại đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận đượcqua việc đặt tay của tôi(2 Tm 1,6).

 

Cuộc đời chúng ta dệt toàn ân sủng, vì chúng ta là những người được Chúa thương: “Kính gửi tất cả anh em ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an”(Rm 1,7); “Hỡi anh em là những kẻ được Chúa yêu mến, chúng tôi phải luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa về anh em, vì Thiên Chúa đã chọn anh em ngay từ lúc khởi đầu, để cứu độ anh em nhờ Thần Khí thánh hoá và nhờ lòng tin vào chân lý” (2 Tx 2,13).

 

Không hạnh phúc nào cao quý hơn! Hẳn thật khi đến truyền tin, thần sứ Gabriel cũng chi biết thưa: ‘Chào bà đầy ân sủng’; và ân sủng là gì, nếu không phải chính Thiên Chúa: ‘Chúa ở cùng Bà’! Đối với linh mục, ân sủng được ban nhằm phục vụ Thân Mình Chúa Giêsu, tức Hội Thánh, nên được gọi là đặc sủng: (x. 1 Cr 12). Ở đây, ta thấy lời khuyên của thánh Tông đồ thật tha thiết: ‘Admoneo te ut resuscites gratiam Dei, quae est in te per impositionem manuum mearum’. Đặc sủng Thiên Chúa không phải một thoi vàng, nhưng là một khả năng hoạt động, một sự sống. Sự sống ấy, phải chăng đã có những lúc như ‘mê ngủ’? Hãy đánh thức nó dậy, hãy xin một Thần Khí mới để Ngài sinh động (ranimer), hay nói quyết liệt hơn, để Ngài PHỤC SINH ân sủng đã được ban qua việc đặt tay của Đức Giám mục.

 

- Ân sủng ở trong ta và đi liền cuộc sống của ta như một sứ vụ, chứ không phải một nghề (như người ta lầm tưởng).

 

- Ân sủng ấy được ban qua việc đặt tay. Ở đây, thánh Phaolô muốn ám chỉ thừa tác Linh mục hay Giám mục. Qua việc đặt tay, Thánh Thần được ban cho các tiến chức và biến các ngài thành khí cụ đầy quyền năng của một Alter Christus. Từ đó, thiết lập một tương quan đặc biệt giữa tiến chức và Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy tự hỏi: mình đã cảm nhận tương quan ấy như thế nào chưa? Hai vấn đề cần đặt ra ở đây:

 

Thánh Thần là ai đối với tôi?

 

Trong sứ vụ, tôi cần Ngài đến mức nào?

 

Về câu hỏi thứ nhất, thiết tưởng cần nhắc lại khẳng định của Vatican II: ‘Cũng như linh hồn ở trong thân xác thế nào, Thần Khí ở trong Giáo Hội cũng như thế’ (LG 4). Xác không hồn, là thây ma, Hội Thánh không có Thánh Thần, là cái gì? Chúng ta là chi thể của Hội Thánh, đặc biệt là các thừa tác viên linh mục, chúng ta đâu còn sức sống, đâu còn sự thánh thiện, đâu còn nhiệt huyết truyền giáo…nếu Thánh Thần không đổ tràn tình yêu Thiên Chúa vào lòng chúng ta: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”(Rm 5,5).

 

Rất tiếc Thánh Thần luôn là Đấng bị quên lãng (Felipe Gomez Ngô Minh S.J, Chúa Thánh Thần, trang 7). Thánh Bênađô đã có lần than phiền: ‘Veniunt ad sanctificatos et non ad Sanctificatorem’, ‘người ta đến với những vị được thánh hoá, chứ không đến với Đấng Thánh Hoá’. Điều ấy chứng tỏ cảm thức của chúng ta còn quá hời hợt về Chúa Thánh Thần. Kinh Tin Kính dạy ta rằng Ngài có đó, cũng như linh hồn có đó, nhưng mấy ai cảm nhận dược hoạt động của Ngài? Các tín hữu tiên khởi không phải như thế đâu: Sách Công vụ Tông đồ mô tả Hội Thánh sơ khai như một bầu trời náo nhiệt do những việc làm đa dạng gieo vãi tình yêu Thiên Chúa (ĐC JB Bùi Tuần). Ngày nay, nhất là sau Vatican II, xuất hiện những phong trào Thánh Linh nhằm gây cảm thức về hoạt động Thần Khí này. Nhưng theo Đức Phaolô VI, chừng ấy chưa đủ, vì thiên về những hiện tượng ‘kỳ lạ’. Không, Thánh Thần là sự sống, là Đấng thánh hoá, Ngài đang đồng hành với chúng ta. Thánh  Phaolô viết: ‘Nếu anh em sống nhờ Thần Khí thì anh em cũng nhờ Thần Khí mà tiến bước’ (Gl 5,25).

 

Riêng hàng linh mục chúng ta, kinh nghiệm mỗi ngày chứng thực chúng ta rất cần Chúa Thánh Thần.

 

- Vì linh mục được thánh Phaolô sánh ví như một bà mẹ đang cưu mang các Kitô hữu, ngài viết: ‘Tôi đang quằn quại đau đớn cưu mang anh em cho đến lúc Đức Kitô thành hình trong anh em’ (Gl 4,19). Vậy, như Đức Maria, ngài cưu mang Đức Kitô làm sao được, nếu không bởi phép Chúa Thánh Thần?

 

- Linh mục phải thánh hoá bản thân và ‘đoàn chiên, dưới tác động của Thánh Thần’: “Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí”(2 Cr 3,18).

 

- Để đi truyền giáo, điều kiện số một, là phải có Chúa Thánh Thần: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”(Cv 1,8) và như Chúa Giêsu phải được Thánh Thần sai đi, linh mục chỉ hăng say lên đường khi có sức đẩy của Thần Linh Thiên Chúa: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4,18).

 

- Để hoà giải tội nhân với Thiên Chúa, linh mục phải nhận lãnh Thần Khí qua việc thổi hơi của Đấng Phục Sinh: “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ"(Ga 20,22-23).

 

- Để cử hành các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, linh mục phải cùng Giáo Hội xin ơn Thánh Thần trước khi truyền phép: ‘Chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa, thánh hoá những của lễ này để trở nên cho chúng con Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con’ (Kinh Thánh thể II).

 

- Để soạn bài giảng dựa trên Thánh Kinh, tức trên những Lời, được chính Thánh Thần linh ứng, linh mục cần sự soi sáng của Thần Khí dường nào!.

 

- Sau hết, linh mục phải thánh hoá bản thân và đoàn chiên, đương nhiên cần đến Đấng Thánh Hoá. Thánh Thần sẽ đổ tràn tình yêu cho chúng ta: ... “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5), đồng thời khuôn đúc chúng ta nên đồng hình dạng với Đức Kitô qua đời sống nội tâm: “Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái...”(Eph 3,16-17). Nói tóm, như thánh Tông đồ khuyên dạy: ‘Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, thì chúng ta cũng nhờ Thánh Thần mà tiến bước’ (Gl 5,25).

 

+++

 

Lúc 10g15 - Thánh Lễ Đồng tế: cầu xin Ơn Chúa Thánh Thần.

 

Chủ tế: Đức TGM Phanxicô Xaviê

 

Suy niệm Lời Chúa trong Thánh Lễ: Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Hiệu

 

 

 

Bài suy niệm Lời Chúa trong Thánh Lễ:

 

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đến chia sẻ thân phận làm người. Ngài thấu hiểu những nhu cầu của con người, nên Lời Kinh Chúa Dạy ôm trọn cả kiếp người. Thân phận con người, vừa thấp hèn vừa cao quý, được bộc lộ qua từng câu kinh. Và vì thế, Kinh Lạy Cha cũng giúp chúng ta, những linh mục, hiểu người để lưới người.

 

Quả vậy, con người vừa xác thân vừa tinh thần. Thế nên, xin cho được “lương thực hằng ngày dùng đủ”, mà cũng xin cho được thực hiện Ý Cha trên trời.

 

Con người chỉ là tương đối, được mời gọi vươn tới tuyệt đối, là hữu thể khiếm khuyết nhưng luôn mang khát vọng vô biên. Thế nên, đang chật vật xin Chúa “tha tội”, mà cũng xin cho Nước Chúa trị đến. Nơi ấy, con người được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.

 

Con người ấy yếu hèn mà cũng cao quý lắm. Trong con người, ranh giới giữa thiên thần và quỷ dữ chỉ là đường tơ kẻ tóc, đến nỗi xin “chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, tức là xin đừng rơi vào nguy cơ phạm tội hoặc thử thách quá sức. Thế nhưng, con người cũng cao quý lắm, vì họ có thể trở thành chứng nhân để Danh Chúa được tỏ rạng giữa muôn dân, như Lời Chúa nói qua miệng Ngôn sứ Isaia: “Dân Ta sẽ làm hiển thánh Danh Ta”(Is 29, 22).

 

Biết mình, là sáng, hiểu người, là khôn” (Lão Tử). Để lưới người về cho Chúa, chúng ta phải hiểu người. Chúng ta hiểu người yếu hèn để bao dung và cũng phải biết người có định mệnh cao cả để giáo dục, giúp người vươn tới chân lý và sự thiện.

 

Trong sứ mạng “thu phục nhân tâm” ấy, làm sao để dung hòa giữa lý và tình, giữa dạy và dỗ, giữa luật lệ và thương xót? Làm sao để lòng bao dung không biến thái thành mị dân, thỏa hiêp? Và làm sao đừng quá nặng lý, khiến mục tử khép kín từ tâm, không cất công đi tìm chiên lạc? Sống sao cho hài hòa, thấu lý đạt tình là cả một nghệ thuật. Chúng ta hãy học Chúa Giêsu, Vị Linh Mục tối cao, Ngài hiểu con người hơn ai hết.

 

Đức Giêsu không cứu độ con người trịch thượng từ bên trên, cũng không bàng quàng từ bên ngoài, nhưng cảm thông từ bên trong. Để cứu độ, Con Thiên Chúa đã cúi mình xuống thật sâu đến chia sẻ thân phận làm người để cảm thông, chia sẻ, chờ đợi, lắng nghe, thấu hiểu... để rồi cứu con người khỏi vũng sâu tội lổi và trả lại cho họ quyền làm con Thuên Chúa. Ngài bao dung xếp đồng hàng với tội nhân đến xin Gioan làm phép rửa, ngồi đồng bàn với các tội nhân để cứu họ.... Thế nhưng, Ngài cũng quyết liệt rao giảng Tin Mừng, kiên định thực hiện Ý Cha.

 

Đức Giêsu đã cứu độ thành công, đã thấu đạt chân lý và tình yêu, nhưng giá phải trả là cái chết trên thập giá. Như vậy, để lưới được người, linh mục phải quên mình. Tất cả cho con người được hạnh phúc đích thực và Ý Chúa được thể hiện. Đó là nghệ thuật sống mang tên “Giêsu”.

 

Qua Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu không chỉ dạy chúng ta cầu nguyện, mà còn dạy chúng ta sống nữa. Amen.

 

+++

 

Lúc 14g45 - Bài giảng thứ ba: “Anh hãy nên mạnh mẽ trong ân sủng Đức Kitô” (2 Tm 2,1)

 

Một khi được đặt tay, linh mục đã nhận lấy quyền năng Chúa Thánh Thần do Chúa Kitô phục sinh ban tặng để trở thành tông đồ. Thánh Phaolô chỉ đòi hỏi nơi người môn đệ quý yêu của mình sự quả cảm kiên cường. Đó là đức tính số một, mà qua kinh nghiệm bản thân, thánh Tông đồ nhận thấy cần thiết hơn cả. Nên nhớ thánh Phaolô đang ở tù và chờ ngày tử vì đạo, trong khi đó tâm hồn Timôthê đang bấn loạn vì nỗi sợ sắp mất thầy! Tuy nhiên, thánh Tông đồ có lý khuyên môn đệ mình can đảm, vì anh đang “ở trong ân sủng của Đức Kitô”.

 

Nhưng ‘ở trong ân sủng’ nghĩa là gì? Thưa: ân sủng, dịch nôm na là ơn. Nhưng nói đến ơn, là ta liên tưởng đến quà kèm theo, để diễn tả tình thương của người tặng. Ơn vĩ đại bao gồm mọi ơn, không gì khác hơn, là Đức Kitô. Thánh Tông đồ quả quyết: ‘Đến như Con Một Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta’ (Rm 8,32). Tác vụ linh mục là một đặc sủng kết nối chúng ta với Đức Kitô. Chúng ta hãnh diện nhắc lại xác quyết của thánh Phaolô: ‘Chính trong Đức Kitô, anh em trở nên phong phú về mọi phương diện…khiến anh em không còn thiếu bất cứ ân huệ nào’ (1 Cr1,5.7). Linh mục thừa kế sứ vụ các tông đồ, nên qua việc đặt tay của Giám mục, các ngài nhận lời hứa: ‘Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em – nói xong, Ngài thổi hơi vào các ông và bảo – Anh em, hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ…’ (Ga 20,21-22)

 

Với quyền năng cao cả ấy, thánh Phaolo có lý do khuyên nhủ Timôthêu:‘Con hãy nên mạnh mẽ trong ân sủng của Đức Kitô Giêsu’ (2,1). Để Timôthê hình dung sự mạnh mẽ đó như thế nào, thánh Tông đồ đưa ra ba hình ảnh: một chiến binh, một vận động viên và một bác nông phu.

 

Là một chiến binh tinh nhuệ, đương nhiên Timôthê phải xông ra chiến trường để đối mặt với quân thù. Với tư cách là một vận động viên, ông phải làm sao chiếm được cúp vàng. Sau hết, là người nông phu, Timôthê phải dãi dầu mưa nắng.

 

Có thể ai đó sẽ vặn hỏi: đối với Kitô hữu, làm gì có kẻ thù? Trước đây, có một Giám mục lấy cụm từ Miles Chtisti làm khẩu hiệu Giám mục, bị coi là kẻ hiếu chiến! Nhưng Thánh Kinh cũng đã nêu lên sự hiện hữu của ba kẻ thù! Thánh Phêrô cảnh giác chúng ta: ‘Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, kẻ thù của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé’ (1 Pr 5,8). Nhưng ma quỉ ở đâu? Nó thiêng liêng, làm sao ta thấy được? Thưa: ngày nay, nó hiện hình khắp nơi, thậm chí đôi khi chính chúng ta cũng đóng vai quỉ, đây thánh Phaolô quả quyết: ‘Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng. Đâu có gì lạ, khi kẻ phục vụ nó, đội lốt người phục vụ công chính’ (2 Cr 11, 14-15).

 

Kẻ thù thứ hai được gọi là thế gian. Phải hiểu chữ thế gian theo nghĩa nào? Thánh Gioan đã trả lời: ‘Thế gian là dục vọng xác thịt, dục vọng của đôi mắt, và thói khoe mình có của’ (1 Ga 2,16). Đức Gioan-Phaolô II, trong Tông thư “Redemptionis donum” giải thích: Thế gian chính là các đam mê: đam mê xác thịt, đam mê đôi mắt, tức các của cải lợi lộc. Cuối cùng là đam mê danh vọng. Nói theo kiểu thông thường, đó là thú, lợi, danh! Như vậy thế gian là mặt trái của ta, nằm trong ta và hơn một lần đồng hóa với ta. Cuộc chiến chống thế gian mang tính triền miên dai dẳng. Nhưng than ôi, mấy ai dám xáp chiến với nó?

 

Hình ảnh thứ hai được dùng để chỉ các tông đồ, là vận động viên. Hình ảnh khá quen thuộc, nó mô tả típ người hào hùng của xứ Hi lạp, nơi xuất phát Olympic thời đó! Trong bản văn, thánh Phaolô nhấn mạnh: ‘Phải thi đấu đúng luật’. Vận động viên không thể chạy sao cũng được: Tiền vệ không được lẫn quẫn ở sân nhà, còn hậu vệ không thể để cho thủ môn đơn thân chống địch trước khung thành của mình. Và còn gì nực cười hơn người chạy điền kinh mà chăm chú ngắm ‘hoa bên đường’ hay cao hứng tạt vào quán nhậu ! Chạy đua thì phải nhắm đích mà chạy chứ! Phaolô tự buộc mình: ‘Tôi quên phía sau mà lao mình tới trước, tôi chạy đến đích điểm của tôi trong Đức Kitô’ (Pl 3,14).

 

Người tông đồ còn được ví như bác nông phu, hình ảnh thật quá quen thuộc đối vói dân Việt chúng ta. Chúng ta quả thật là nhà nông, vì Giáo Hội được ví như thửa ruộng: “Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên” (1 Cr 3,9). Người ta thường đề cao tính cần cù của nhà nông, Nhưng chỉ cần cù mà thôi, chưa đủ. Họ phải am tường thiên thời, địa lợi, cộng thêm óc sáng kiến và một chút máu liều, mới dám đầu tư cho việc cơ giới hóa canh nông. Con không dám múa rìu trước mặt thợ đâu, quí Ngài đã trải nghiệm quá nhiều trong cánh đồng truyền giáo, tuy nhiên, cũng cần thêm câu: Trời cho hơn lo làm! Một đời sống cầu nguyện như Cha Thánh xứ Ars, thiết tưởng đó là ‘kỷ thuật cao nhất’ đối với Nhà Nông ‘thiêng liêng’!

 

Hơn bao giờ hết, lời khuyên của thánh Tông Đồ: ‘Anh hãy nên mạnh mẽ trong ân sủng Đức Kitô’ phải được các linh mục tâm niệm và cụ thể hóa trong đời mục vụ. Là chiến sỹ tinh nhuệ, nhưng phải nhắm địch mà bắn, chứ đừng bắn nhau! Là vận động viên trên đường chạy đua, nhưng các ngài đừng quên có Thần Khí đang đồng hành: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25). Là người nông phu, nhưng luôn nhớ mình không đơn độc, nhưng hãy có tinh thần hợp tác, liên đới và khiêm hạ như thánh Gioan Tẩy Giả ‘Ngài cần lớn lên, còn tôi xin bé lại’ (Ga 3,30). Như thế, sẽ đẹp biết bao khi Chúa Giêsu đến, Ngài sẽ nói: ‘Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa’ (Mt 25, 35).

 

WTGP-HUẾ

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô