Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024 | 07:48 AM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Thông tin

Nhật ký Tĩnh Tâm Linh mục của Linh mục đoàn Huế năm 2014 (10-14/3/2014)

 

- Ngày thứ tư: 13.3.2014

 

 

Lúc 08g00 - Bài giảng thứ sáu: “Con hãy… giàu lòng Tin” (2 Tm 2,22)

 

Để trở thành Kitô hữu, chúng ta phải lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Trong thư Rm 6.3-5, thánh Phaolô mô tả bí tích này như một cuộc Vượt qua, mà kết quả là đời sống mới, với ba khả năng, hay ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến. Kitô hữu được hoàn thiện trong mức độ tăng trưởng của ba nhân đức này. Vì thế, thánh Phaolô nhắc đến ba nhân đức này rất nhiều lần và vui mừng khi thấy chúng phát triển trong đời sống các tín hữu: Eph 1,15-18; Pl 1,7-10; Cl 1,4-5; 1 Tx 1,8;  2 Tx 1,3-5; 1 Tm 1,5; 2 Tm 1,5; Tit 1,2; Philemon 5.

 

 

 

Ý thức tầm quan trọng của ba nhân dức đối thần trong việc xây dựng đời kitô hữu, Các Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Phanxicô đã liên tiếp ban hành những thông điệp Deus Caritas est, Spe salvi, Lumen Fidei cũng nhằm mục đích ấy. Là các vị chủ chăn, chắc chắn chúng ta đã nghiền ngẫm và trình bày cho các cộng đồng liên hệ, sau khi đã nắm bắt nội dung phong phú của các văn kiện trên.

 

 

 

Giờ đây, trong khung cảnh tuần tĩnh tâm, thiết nghĩ chúng ta cần để cho lời thánh Tông đồ cật vấn chúng ta: Một vị chủ chăn như Timôthê phải giàu lòng tin và lòng mến.

 

 

 

Trước hết, xin nêu một thắc mắc: Tại sao thánh Phaolô không nêu cả ba nhân đức đối thần, mà chi đề cập đến tin và mến mà thôi? Theo Đức Bênêđictô  XVI, trong Thánh Kinh, ba nhân đức đối thần thường hoán chuyển cho nhau, bởi Tin là Tin Vào, chứ không phải Tin Có. Tin vào cũng đồng nghĩa với cậy trông. Niềm cậy trông càng vững chắc, khi kèm theo lòng yêu mến (x. TĐ Spe Salvi, phần dẫn nhập).

 

 

 

Vậy tại sao phải giàu lòng tin?

 

 

 

Sách Công Vụ Tông Đồ nêu rõ: Ông Barnaba (Cv 11,24), Ông Stephanô (Cv 6,5-6), Ông Phaolô (Gl 2,20b) là người đầy lòng tin, nên họ đã được chọn làm chiến sĩ Tin Mừng. Chiến sĩ hẳn thật muốn chiến thắng phải có lòng tin, Thánh Gioan khẳng định: ‘Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là đức tin của chúng ta’ (1 Ga 5,4). Đức Phanxicô coi đức tin như nguồn phát sinh nhiệt huyết truyền giáo. Ngài viết: ‘Một khi đã mở lòng cho tình yêu Thiên Chúa, một khi đã lắng nghe giọng nói của Ngài và nhìn thấy ánh sáng của Ngài, không ai có thể giữ lại cho mình mà thôi’ (Lumen Fidei 37). Để làm biểu tượng cho đức tin, người ta thường vẽ hình ngọn nến. Ngọn nến ấy, chúng ta đã nhận ngày lãnh bí tích Rửa tội. Chính Chúa Giêsu cũng đã ám chỉ đức tin của ta, khi Ngài phán: ‘Anh em là ánh sang thế gian…” (Mt 5,15, Rm 13,11-14). Nhìn vào gương mẫu của các nhà truyền giáo tiền bối trên quê hương Việt Nam. Đồng thời đối chiếu với bản thân, chúng ta thấy sức mạnh đầy quyền năng của Đức Tin.

 

 

 

Chúng ta phải làm gì để có đức tin đầy quyền năng ấy?

 

 

 

Thưa, câu trả lời nằm ngay trong định nghĩa đức tin!

 

 

 

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho ta câu định nghĩa rất đơn sơ: TIN là mở lòng ra cho Thiên Chúa. Vì mở ra cho Thiên Chúa, nên Đức Mẹ có khả năng nói FIAT; Samuel dám thưa: “Này con đây!”; thánh Giuse mau mắn đón Maria về; Abraham từ bỏ quê hương đi theo tiếng Chúa gọi, dù chẳng rõ đâu là điểm đến; Phaolo chấp nhận một cuộc phiêu lưu: ‘quên phía sau, tôi lao mình tới trước’…(Pl 3,14).

 

 

 

Công Đồng Vatican II cho chúng ta một định nghĩa khác, mang tính hiện sinh hơn: ‘Tin là một sự vâng phục’ (Rm 16,26)…qua đó con người hiến toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do… Để được niềm tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và trợ lực bên trong của Thánh Thần. Ngài thúc đẩy và qui hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt ly trí và cho con tim cảm được sự ngọt ngào của chân lý… (x. DV 5).

 

 

 

Trong câu định nghĩa này, ta thấy đức tin huy động mọi khả năng của con người, tức lý trí, ý chí, con tim nhờ sự trợ lực của Thánh Thần để diễn tả tình yêu dâng hiến một cách trọn vẹn. Phải chăng trong ngày lãnh thừa tác linh mục, chúng ta đã bày tỏ niềm tin này khi tuyên hứa vâng phục Đấng Bản Quyền của chúng ta ? Như thế, đức tin kéo theo lòng mến, hay nói theo Kinh Thánh Đức Tin được lòng mến tác động.

 

 

 

++++++++++

 

 

 

Lúc 10g15 - Thánh Lễ Mừng Kim Khánh Linh Mục của Quý Cha:

 

 

 

- Augustinô Hồ Văn Quý (15.9.1963),

 

 

 

- Louis Nguyễn Văn Bính (21.12.1963),

 

 

 

- Batôlômêô Nguyễn Quang Anh (27.5.1964),

 

 

 

- Phaolô Nguyễn Văn Hiển (27.5.1964).

 

 

 

Chủ Tế: Đức TGM Phanxicô Xaviê

 

 

 

Dẫn vào Thánh Lễ:

 

 

 

Kính thưa cộng đoàn,

 

 

 

Hôm nay, Ngày Giáp Năm Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Giáo Hoàng. Một sự trùng hợp đầy ý nghĩa khi cộng đoàn linh mục chúng ta cũng mừng kim khánh linh mục của bốn cha: Aug Hồ Văn Quý, Louis Nguyễn Văn Bính, Bart Nguyễn Quang Anh và Cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển.

 

 

 

Được gọi chọn làm linh mục là cả một hồng ân cao quý, được Chúa thương gìn giữ trung thành suốt năm mươi năm với Giáo Hội và Thiên Chúa trong vai trò mục tử, là cả một phép lạ lớn lao.

 

 

 

Xin hiệp ý tạ ơn Chúa với quý Cha trong ngày vui nầy vì bao nhiều hồng ân Thiên Chúa đã tuôn đổ và bao phủ trên cuộc đời của quý Cha suốt nữa thế kỷ qua. Xin cầu chúc quý Cha luôn được bình an và hạnh phúc trong những năm tháng còn lại của cuộc đời với niềm xác tín rằng Chúa đang yêu thương quý cha.

 

 

 

Nhân có hội nầy, Giáo phận Huế cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với quý Cha về những đóng góp lớn lao mà quý cha đã cống hiến cho giáo phận nhà và cho các linh hồn trong vai trò mục tử. Xin Thiên Chúa chúc lành và trả công bội hậu cho quý Cha.

 

 

 

Bài chia sẻ Lời Chúa của Đức Cha chủ tế:

 

 

 

Đức Cha chủ tế suy niệm về mầu nhiệm của Ơn Gọi Linh mục:

 

 

 

“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã gọi chọn anh em." (Ga.15, 12-17) và nhắc nhở anh em linh mục về ân huệ rất trọng đại đó vì ơn gọi này phát xuất từ chính Thiên Chúa

 

 

 

Linh mục cũng là con người yếu hèn, bùn đất như bao nhiêu người khác, nhưng tình yêu Thiên Chúa đã cất nhắc linh mục lên hàng khanh tướng.

 

 

 

Ơn gọi của linh mục có trước cả khi chúng ta xuất hiện trên trần gian nầy như cảm nghiệm của ngôn sứ Giêrêmia khi ngài thốt lên: "Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hiến ngươi. Ta đã đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân" (Gr. 1,4-5).

 

 

 

Bí tích truyền chức thánh ban cho linh mục chức tư tế thừa tác, làm cho linh mục trở thành bạn của Chúa Kitô: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ...nhưng gọi anh em là bạn hữu" (Ga.15, 15). Vì thế người ta không ngần ngại gọi linh mục là người của Thiên Chúa, là hiện thân của Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu đã đồng hoá linh mục với chính bản thân của Ngài: "Ai nghe anh em là nghe Thầy, ai từ khước anh em là từ khước chính Thầy" (Lc.10, 16).

 

 

 

Khi thi hành tác vụ thánh, nhất là trong các bí tích, linh mục ý thức mình thi hành với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô, để trao ban ơn thánh : "Cha rửa con... Cha tha tội cho con...Nầy là Mình Thầy, nầy là máu Thầy...". Vì thế, người tín hữu phải vận dụng đức tin hết sức, mới có thể đón nhận Chúa Kitô trong con người linh mục, lắm lúc rất yếu hèn và đầy khuyết điểm.

 

 

 

Tiếp tục suy niệm, Đức Cha chủ tế nói về linh mục phải nên giống Chúa Giêsu:

 

 

 

Cùng với tước vị cao quí đó, Chúa Giêsu đòi linh mục phải cố gắng mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Ngài là Đầu và là Mục tử.

 

 

 

Muốn nên giống Chúa Giêsu, linh mục phải thuộc trọn về Chúa như Chúa đòi hỏi: "Anh em không được làm tôi hai chủ". Mặc dầu phải sống trong thế gian nhưng linh mục không thuộc về thế gian vì "Thầy đã tách anh em ra khỏi thế gian" (Ga 15,19).

 

 

 

Muốn nên giống Chúa Giêsu, linh mục phải sống  kết hiệp với Ngài  bằng đời sống cầu nguyện. Nếu cầu nguyện là nhu cầu tâm linh của mọi Kitô hữu, thì nó càng phải gắn bó mật thiết với đời sống linh mục: một linh mục không cầu nguyện có thể nói đó một mâu thuẩn nội tại tự bản chất.

 

 

 

Muốn nên giống Chúa Giêsu, linh mục cũng phải mang lấy tâm tình, thái độ và các đức tính của Ngài. Trước hết tinh thần khó nghèo. Ngài đòi hỏi nơi các linh mục của Ngài một thái độ dứt khoát: "Anh em không được làm tôi hai chủ vừa Thiên Chúa vừa tiền của". Với chàng thanh niên giàu có muốn nên trọn lành, Chúa cảnh cáo: “Anh còn thiếu một điều... ” Chúa Giêsu đã để lại một hình ảnh rất ấn tượng về cuộc đời của Ngài: "Con chim có tổ con chồn có hang, Con Người không có nơi để gối đầu" (Mt 8,20). Sinh ra trong một chuồng bò ở Bêlem, nghèo xơ xác, và chết trên đồi Gôngôta trần trụi không một tấm áo che thân.

 

 

 

Để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Chúa Giêsu còn mời gọi  Linh mục của Ngài sống tinh thần vâng phục: "Lạy Cha nầy con xin đến để thi hành thánh ý Cha" (Dt 10,10). "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy" (Ga 4,34). Trong vườn cây dầu, Ngài đã can đảm thưa: "Xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha" (Mt 26,39).

 

 

 

Để nên giống Chúa Kitô, linh mục phải mang một con tim nhân ái, bao dung và tha thứ. Khi thấy đám đông dân chúng bơ vơ không người chăn dắt, Chúa đã động lòng thương xót. Khi thấy dân chúng theo Ngài quên cả ăn uống, Ngài đã yêu thương bằng cách làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi sống họ. Khi thấy người tội lỗi bị tấn công như người phụ nữ ngoại tình chẳng hạn, Ngài đã lên tiếng bênh vực họ.

 

 

 

Lòng bao dung được thể hiện rỏ nét nhất trong sự tha thứ: "Phải tha đến bảy mươi lần bảy" (Mt.18, 22). Trên thập giá, Ngài đã cầu xin: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Lc.23, 34).

 

 

 

Đặc biệt để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Ngài đã chọn lựa hai nhân đức quan trọng để mời gọi chúng ta học với Ngài, đó là hiền lành và khiêm tốn: "Anh em hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mt.11, 29). Thật lạ lùng vì nơi Chúa Giêsu có biết bao nhiêu điều để học hỏi, thế mà Chúa lại chọn lựa hai đức tính hiền lành và khiêm tốn để mời chúng ta bắt chước. Chúa có lý do của Ngài vì đó là chìa khoá mở của tâm hồn người khác. Thật khó lòng đóng cửa tâm hồn mình lại trước một con người hiền lành và khiêm tốn. Trái lại, sự hung dữ kiêu căng lại là rào cản của thông cảm và đối thoại.

 

 

 

Đến đây, Đức Cha chủ tế hướng đặc biệt về 4 Cha mừng lễ Kim Khánh:

 

 

 

Nêu lên một vài nét chính yếu mà Chúa Giêsu, vị linh muc thượng phẩm mời gọi các môn đệ của ngài noi theo, trong ngày mừng Kim khánh của quý Cha để khi đối chiếu với cuộc đời linh mục của mình, chúng ta khiêm tốn ý thức rằng chúng ta còn quá xa với lý tưởng mà Chúa mời gọi. Cảm nhận nầy giúp chúng ta sống tâm tình sám hối và vươn lên.

 

 

 

Trong bất cứ kỷ niệm nào của đời linh mục như giáp năm chịu chức, Ngân khánh, Kim khánh, chúng ta luôn cảm nhận hai tâm tình buồn vui lẫn lộn: Vui vì thấy Chúa thương chúng ta quá nhiều, nhưng cũng buồn vì thấy chúng ta chưa đáp trả một cách quảng đại và tương xứng. Có lẽ tâm tình đó đang trào dâng lên trong mỗi người chúng ta và đặc biệt trong quý Cha mừng kim khánh linh mục hôm nay.

 

 

 

Và Đức Cha chủ tế kết thúc phần chia sẻ Lời Chúa với lời cầu nguện:

 

 

 

Xin hiệp ý với Quý Cha dâng lên Thiên Chúa tâm tình buồn vui lẫn lộn nầy, để ca tụng lòng thương xót của Chúa, để tri ân những hồng phúc Ngài đã ban tặng và để khiêm tốn tạ tội vì những thiếu sót trong suốt cuộc đời linh mục của mình. Cầu xin Thiên Chúa và Mẹ La Vang tiếp tục đồng hành và nâng đỡ Quý Cha trong suốt thời gian còn lại, để mãi mãi quý cha là chứng nhân đích thực về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Amen.”

 

 

 

+++++++++++++++++

 

 

 

Sau Thánh Lễ, Linh mục Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại Diện, nói lời chúc mừng Quý Cha Kim Khánh:

 

 

 

Trọng kính Đức Tổng Phanxicô Xaviê,

 

 

 

Trọng kính Đức Tổng Têphanô,

 

 

 

Trọng kính Cha Nguyên Viện phụ giảng phòng,

 

 

 

Trọng kính Cha Nguyên Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris,

 

 

 

Kính thưa Quý Cha Hạt trưởng,

 

 

 

Kính thưa Quý Cha kính mến,

 

 

 

Vâng ý Đức Tổng Phanxicô Xaviê, xin cho con được phép thay mặt Quý Cha Hạt trưởng và Quý Cha, thưa lên những tâm tình chân thành, chúc mừng Quý Cha Kim Khánh.

 

 

 

Kính thưa Cha Augustinô,

 

 

 

Cha Louis,

 

 

 

Cha Barthôlômêô,

 

 

 

và Cha Phaolô đáng kính,

 

 

 

Trong bầu khí thân mật và ấm cúng, vào giây phút sắp kết thúc Thánh lễ trang trọng do Đức Tổng Giám mục chủ tế cùng với tất cả quý Linh mục trong Giáo phận đồng tế, chúng con xin dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, hân hoan mừng Kim Khánh Linh Mục, và dâng lên Quý Cha niềm cảm mến kính phục.

 

 

 

Bước vào chức Linh mục là khởi đầu lộ trình từ bỏ để dâng hiến trọn vẹn, toàn tâm toàn ý cho Thiên Chúa và Hội thánh. Lộ trình 50 năm đời Linh mục của Quý Cha gắn liền với những thay đổi và biến động của xã hội và lịch sử. 10 năm đầu đời Linh mục, sự bình an của xã hội đi từ những giao động đến vỡ tan, mà tâm chấn động ấy là Huế và Quảng Trị, nơi Quý Cha đang thi hành sứ vụ Linh mục.

 

 

 

Sau năm 1975, với những gì ít ỏi còn lại sau chiến tranh, về vật chất cũng như về con người, Quý Cha lượm nhặt lại, trong điềm tĩnh, dịu dàng và miệt mài, từng bước hồi sinh những tâm hồn, những giáo xứ mà ở đó sự sống Đức Tin chỉ còn leo lét. Quý Cha là trụ cột Giáo phận và là gương sáng cho chúng con trong giai đoạn đầy dẫy khó khăn ấy.

 

 

 

Từ cương vị Giám đốc Đại Chủng viện, được bổ nhiệm về Bố Liêu, Cha Augustinô xây lại Nhà thờ - lúc ấy chỉ còn là một đống hoang tàn - liên lĩ làm việc, để không những làm sống lại Giáo xứ, mà còn không quản đường xa vất vã, làm hồi sinh Đức Tin tại các vùng Hà Mi, Bích Khê, An Lộng, Đầu Kênh, Mỹ Lộc, Quảng Lượng, Lệ Xuyên, An Trạch, Long Quang, Vân Tường, Tường Vân. Ngoài ra, dù gặp nhiều khó khăn, Cha còn mở rộng việc thăm viếng an ủi giáo dân Phước Tuyền, Khe Sanh, Tân Lập, Tân Liên. Cạnh đó, hầu như không đêm nào mà Cha quên cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa, ít là một giờ trước khi kết thúc ngày sống. Cha đã để lại cho chúng con gương sáng của một Linh mục vâng lời, yêu mến Thánh Thể và truyền giáo.

 

 

 

Các nhiệm sở ghi dấu sâu đậm nhất trong 50 năm đời Linh mục của Cha Louis là Phường Đúc, Đại Chủng viện và Kim Long. 18 năm ở Phường Đúc, 4 năm ở Kim Long, Cha tu sửa Nhà Thờ Phường Đúc và ghi lại dấu ấn của một vị mục tử luôn tận tâm với đàn chiên. 16 năm ở Đại Chủng viện Huế, Cha làm gương sáng, tận tụy với bổn phận cao quý là đào luyện các Linh mục tương lai. Không chủng sinh nào mà không lưu giữ trong tâm tư hình ảnh một vị giáo sư, đồng thời cũng là một người cha sống tình hiền phụ, vừa cương nghị vừa yêu thương. Những năm cuối ở Đại Chủng viện và ngay cả lúc nầy về Nhà Chung, Cha miệt mài, say sưa làm việc, để khi hoàn thành cuốn Văn phạm tiếng Latin - phải nói là đồ sộ, hết sức đầy đủ - Cha bắt tay vào việc biên soạn bộ Tự điển La-Việt, nay đã xong vần A-B. Dù chỉ mới 2 vần đầu, đã dày bằng cuốn Tự điển Việt-Bồ-La trước đây (của Alexandre de Rhodes, năm 1651), có nhiều bản đồ chỉ dẫn, có những trích dẫn Thánh Kinh, làm chúng con thấy thật gần gủi, thật dễ hiểu. Chúng con ước mong Cha phải hoàn thành vần Z, rồi mới xếp bút lên đường. Cha đã để lại cho chúng con một tấm gương làm việc không phí một giây.

Khi nói đến Cha Barthôlômêô, theo ấn tượng nơi nhiều người, Cha là vị Linh mục, trong khi vẫn sống trọn vẹn chức thánh và giáo sư Đại chủng viện, đã nghiên cứu và nghiền ngẫm Dịch lý Á Đông, để kết hợp nhuần nhuyễn với lời "Fiat" của Kitô giáo, mà sống hai chữ "thuận theo": thuận theo lẽ trời đất, hòa hợp với thiên nhiên, ôn hòa với mọi người, ai cho thì nhận, ai cần thì giúp. Trên 15 năm làm Cha Sở Tây Linh, Tây Lộc và Kim Long, mỗi nơi Cha đều để lại dấu ấn còn tồn tại cho đến nay: xây bờ thành và cửa tam quan cho Tây Lộc, sửa Nhà Thờ cho Tây Linh, dựng Bàn Thờ đá cho Kim Long. Cha đã nêu gương sống nhẹ nhàng, thanh thoát, dễ dàng với mọi người, bất kể lương giáo hay chủng sinh.

Sau năm 1975, Cha Phaolô về làm Quản xứ Nước Ngọt 24 năm, kiêm Thủy Yên, Thủy Cam, Phú Xuyên, Đập và Phước Hưng, và Quản xứ Tây Linh 12 năm. Cha sống nghiêm chỉnh đời sống tận hiến cho Chúa và cho đàn chiên. Từng bước một, trong kiên nhẫn và yêu thương, Cha chữa lành những vết thương về Đức Tin và luân lý nơi con cái, luôn nỗ lực làm việc để kiến tạo một cộng đoàn vững mạnh về mọi mặt, nhất là về Đức Tin. Song song với công việc thiêng liêng ấy, Cha cống hiến các cơ sở vật chất cho Giáo xứ và dân cư trong vùng. Tại Nước Ngọt, Cha xây 1 đập nước, đắp 4 cây số đường lộ với 3 chiếc cầu, xây trường mẫu giáo. Tại Tây Linh, Cha sửa mái Nhà Thờ, mái nhà xứ, nhà các nữ tu, xây nhà Giáo lý, làm sân Nhà thờ.

Các việc làm trên của Quý Cha Kim Khánh chỉ là tiêu biểu cho nhiều công việc khác. Nhưng dù là tiêu biểu, cũng chỉ là một phần nhỏ so với vô vàn lao nhọc mà Quý Cha đã sẵn lòng cam chịu, để dựng lại các cộng đoàn mà ngày nay chúng con đang thừa hưởng.

Chúng con xin được hiệp với Quý Cha dâng lên Thiên Chúa lời tri ân cảm tạ, vì Ngài đã thực hiện những việc kỳ diệu trong đời sống của Quý Cha, để Quý Cha trở nên những bậc đàn anh đáng kính của chúng con.

Với tất cả lòng chân thành, chúng con xin cám ơn Quý Cha, suốt 50 năm Linh mục, đã nêu gương từ bỏ mọi sự mà hiến dâng đời mình cho Chúa, và gương vâng phục, can đảm, khi phải sống dưới một bầu trời không mấy thuận lợi cho sự phát triển của Đức Tin.

Sau 50 năm dãi dầm với chức Linh mục, ngày nay sức khỏe của Quý Cha không cho phép đảm nhận các hoạt động, chung sức với chúng con trên các cánh đồng truyền giáo, nhưng xin Quý Cha tin tưởng rằng chúng con rất cần lời cầu nguyện, sự chỉ dạy của Quý Cha, xứng đáng hưởng lòng kính phục, tri ân và tôn quý của chúng con.

Để thể hiện phần nào tấm lòng tri ân kính phục ấy, qua quỹ tương trợ Linh mục, chúng con kính dâng lên Quý Cha món quà bé nhỏ. Xin Quý Cha vui lòng đón nhận và cầu nguyện cho chúng con.

++++++++++

Lúc 14g45 - Bài giảng thứ bảy: “Con hãy… giàu lòng mến” (2 Tm 2,22)

Lời dạy của thánh Phaolô quan trọng đến nổi chúng ta dành tới ba bài để suy niệm. Vì linh mục cũng như Timôthê, là những chủ chăn và là chiến sĩ rao giảng Tin Mừng. Các ngài được mời gọi nên thánh với đức tin kiên cường và với lòng mến nồng nhiệt.

Mức độ tin, mến được thánh Tông Đồ diễn tả bằng hạn từ GIÀU. Thế nào là giàu? Chân phước giáo hoàng Gioan-Phaolô II, trong tông thư Redemptionis Donum giải thích: Giàu không phải vì có nhiều của, nhưng là có khả năng để cho’. Gương điển hình, đó là bà góa trong Luca 21,2. Bà đã dâng cúng cho Đền Thờ vỏn vẹn hai xu, nhưng được Chúa Giêsu khen là cho nhiều nhất, vì bà đã dâng hết những gì bà có. Nói cách khác, bà đã ‘yêu hết lòng, hết linh hồn và hết sức…’.

Đức thánh Cha Bênêdictô XVI đã cặn kẻ phân tích chữ YÊU để xác định nôi dung của nó theo Thánh Kinh: eros, philia, agape (tình luyến ái, tình vị tha và tình bạn). Tân Ước đã dùng Agapè để nói lên Bản tính Thiên Chúa: ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ (1 Ga 4,8.16). Vì chúng ta mang bản tính Thiên Chúa, nên Tân Ước cũng dùng từ Agapè để chỉ tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và với tha nhân (Ga 15,12). Agapè tình bạn gắn bó mãnh liệt đến nỗi coi tha nhân ‘như mình vậy’ và dám hy sinh mạng sống vì họ (Ga 15,13). Tính vị tha và mãnh liệt như thế chứng tỏ tình bạn là một hồng ân của Chúa Thánh Thần: ‘Tình yêu Thiên Chúa được đổ tràn vào lòng anh em nhờ Thánh Thần của Người’ (Rm 5,5).

Không ai trong chúng ta mà không ngưỡng mộ tấm gương can đảm của các anh hùng tử đạo. Các ngài cũng mang thân yếu đuối mỏng dòn chúng ta, làm sao lại có thể chấp nhận cái chết cách thanh thản và hiên ngang như vậy được, nếu không ‘được thúc bách bởi tình yêu Đức Kitô’ (2 Cr 5,14)? Thật đúng như lời tác giả sách Diệu ca: ‘Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu’ (Dc 8,7). Tuy nhiên, linh mục chúng ta không cần phải đi tìm đâu xa lý tưởng tử đạo. Cuộc đời của chúng ta đã là một cuộc tử đạo triền miên rồi, đặc biệt qua đời sống độc thân và phục vụ .

Ân huệ độc thân vì Nước Trời.

Chúng ta sống đời độc thân linh mục như một ân huệ, vì Thiên Chúa cho ‘ai hiểu, mới hiểu được’ (Mt 19,11). Công Đồng Vatican II minh định thêm: ‘Nhờ sống đời độc thân thánh hiến, chúng ta mới có khả năng yêu mên Chúa và tha nhân một cách mãnh liệt hơn’ (PC 12). Tuy nhiên chúng ta cũng không quên rằng quà tặng cao quí ấy được chứa đựng trong một ‘bình sành dễ vỡ’ (2 Cr 4,7). Ba đức tính cần thiết cho việc bảo toàn nó, là khiêm tốn, khôn ngoan và tự chủ. Hơn ai hết, linh mục ý thức mình đang nhân danh Giáo Hội, dâng lên Chúa Giêsu một tình bạn chung thủy và bất khả phân ly (x. Eph 5, 23-25). Tình bạn này không dừng lại nơi tình cảm mà còn phải lớn lên qua ‘PHỤC VỤ’

Tình yêu phục vụ

Đời phục vụ của các mục tử không thiếu hy sinh gian khổ. Các ngài hẳn phải giàu lòng mến hơn bất cứ bậc sống nào. Để có thể hy sinh cho giáo đoàn, thánh Phaolô tuyên bố với dân Philiphê: ‘Tôi luôn có anh em canh cánh bên lòng, bởi lẽ tôi yêu anh em bằng chính tình yêu Đức Kitô’ (Pl 1,8). Tình yêu Đức Kitô cũng là tình yêu do Thần Khí. Sau đây là những hoa trái của Thánh Thần. Thiết nghĩ chúng ta cần đem đối chiếu với bản thân: Hoa trái của Thần Khí là Bác ái, bình an, hoan lạc, kiên nhẫn, nhân hậu, tốt lành, trung tín, hiền lành, tự chủ (Ga 5,22). Chín hoa quả của Thần Khí này được C.Spicq tái phân làm ba nhóm: Bác ái, hoan lạc, bình an là những dấu chứng nội tại. Kiên nhẫn, nhân hậu, từ tâm là những dấu chứng ngoại tại. Trung tín, hiền lành và tự chủ là những điều kiện để thực thi bác ái (Xin triển khai)

Kết luận

Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn bộ cuộc sống những ai đã gặp gỡ Chúa Giêsu(Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, 1).

Suốt những ngày qua, chúng ta đã gặp Chúa qua Lời Mạc Khải. Hẳn tâm hồn chúng ta được chan chứa niềm vui; Niềm vui được tha thứ, niềm vui được đổi mới, niềm vui ra khơi! Động năng của việc ra khơi không gì khác hơn là tình yêu của Chúa Giêsu (2 Cr 5.14). Chính trong ân sủng Ngài, chúng ta được nên mạnh mẽ như một chiến binh, một vận động viên tinh nhuệ, hay như một nông phu cần cù trong cánh đồng truyền giáo. Chúng ta cố gắng nên công chính sau khi dã thực hiện một cuộc Vượt Qua cùng với Đức Kitô từ sự chết của tội lỗi đến Phục Sinh. Tin tưởng vào ân huệ của Chúa Thánh Thần, mà chúng ta đã lãnh nhận qua việc đặt tay của Đức Giám mục, chúng ta quyết chí phát triển mỗi ngày ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến. Ước gì đức tin giúp chúng ta nhìn ra thánh ý Thiên Chúa để có khả năng thưa Fiat trong mọi cảnh ngộ.

Ước gì Thánh Thần ‘mở mắt lòng chúng ta để nhận ra gia tài phong phú mà Thiên Chúa dành sẵn cho mình trên trời’ (Eph 1,18), để chúng ta có khả năng sống khiêm tốn và khó nghèo như Đức Kitô, Đấng đã chấp nhận tự hủy vì chúng ta.

Ước gì sự độc thân thánh hiến được coi như một ân huệ luôn nở hoa (x. Ga 15,8), khi chúng ta biết nhân danh Giáo Hội dâng lên Đức Kitô một tình yêu quảng đại và chung thủy (x. Eph 5,23-25).

Ước gì chúng ta ‘phục hồi và gia tăng lòng nhiệt thành, niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng, ngay cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt’ (EG 10).

Ước gì thế giới của thời đại chúng ta (…) nhận được Tin Mừng không phải từ nhà truyền giáo buồn rầu và chán nản, thiếu kiên nhẫn và lo âu, nhưng từ thừa tác viên của Tin Mừng, mà cuộc sống tỏa sáng niềm vui vì đã nhận được niềm vui của Đức Kitô trước cho bản thân mình (EG 10c).

Đôminicô Phạm Văn Hiền

BT/PS 13.1.2014

WTGP - HUẾ

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô