Thứ hai, ngày 29 tháng 04 năm 2024 | 05:21 PM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Tài liệu

NGƯỜI KITÔ HỮU TRƯỞNG THÀNH (I)

 

KHÁI NIỆM VỀ SỰ TRƯỞNG THÀNH

 

“ Sống đạo thiếu trưởng thành”. 

“Người Công Giáo Việt Nam mình thiếu trưởng thành”. 

“Nhiều người Công Giáo Việt Nam sống đạo không trưởng thành”. 

 

Đó là những câu nói mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn được nghe một số linh mục, và giáo dân than phiền với nhau. Về phía linh mục thì những lời than phiền như thế mục đích nhắm vào thành phần giáo dân. Ngược lại, đối với giáo dân thì những lời than phiền ấy không chỉ nhắm vào anh chị em tín hữu, mà còn nhắm vào cả thành phần tu hành trong đó có các linh mục và tu sỹ nam nữ nữa. Nhưng thế nào là một Kitô hữu trưởng thành? Và làm cách nào để có thể xác định sự trưởng thành ấy? 

 

Trong đời sống thường ngày, có những lãnh vực hết sức nhậy cảm và phức tạp mà khi đề cập đến rất khó tránh khỏi những ngộ nhận, và tranh cãi.  Thí dụ, những đề tài liên quan đến chính trị, văn hóa, nghệ thuật, tình yêu, và tôn giáo. Do đó, khi nêu lên đề tài trưởng thành tâm linh, người viết nhớ lại nhận xét của một linh mục: “Đời sống tâm linh mình đã trưởng thành chưa mà đề cập đến việc trưởng thành của người khác?”. Và cả hai đều đồng ý rằng, việc đề cập đến vấn đề trưởng thành ở đây đúng ra là mong tìm kiếm những suy tư, những kinh nghiệm, và những cách thức nhằm giúp cho mình cũng như cho nhau hướng về mục đích cuối cùng là sự trưởng- thành- hóa đời sống tâm linh của mỗi người. Vì trong việc trưởng thành đời sống tâm linh, không chỉ ngồi chờ đó cho đến khi thấy mình trưởng thành rồi mới nói, mới nghĩ tới mà là vừa sống, vừa thực hành, và vừa học hỏi. 

 

CON NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH 

Nếu nói trưởng thành về mặt pháp luật, thì một em bé khi đạt tới tuổi 18, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã chấp nhận và coi như trưởng thành. Từ đây, mọi việc người trẻ đó làm, nếu liên quan đến pháp luật thì phải chịu trách nhiệm, vì luật pháp đã công nhận sự trưởng thành của em đó. 

Nhưng nếu xét về mặt tâm lý thì con người ở vào tuổi 30 mới được coi như đã trưởng thành. Việt Nam cũng có câu: “Tam thập nhi lập”, có nghĩa là 30 tuổi được coi như trưởng thành. Với mức độ trưởng thành này, mỗi người có thể tự quyết và làm chủ được những tư tưởng, ước muốn, và hành động mình. Vì trưởng thành về tâm lý đồng nghĩa với khả năng giải quyết những khủng hoảng, những khó khăn, lấn cấn về mặt tình cảm. 

Người trưởng thành có khả năng làm chủ được tình cảm và những xúc động của mình. Nhận thức được lúc nào buồn, lúc nào vui, và khi buồn thì phải làm gì, khi vui thì phải vui như thế nào. Con người trưởng thành không để những xô lấn của tình cảm, của những xung đột bên trong và bên ngoài cuộc sống ảnh hưởng đến lề lối suy nghĩ, cung cách và thái độ sống của mình.  Ngoài ra, trưởng thành tâm lý cũng giúp phát triển và trưởng thành tâm linh, vì trong tâm lý cũng có sự phát triển về đạo đức và luân lý.    

 

Chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh trưởng thành ấy bằng một so sánh mà ít nhiều chúng ta vẫn thường gặp thấy trong cuộc sống. Thí dụ, một em bé sinh ra với hội chứng Down Syndrome hay với hội chứng tâm lý phát triển bất bình thường, hoặc còn được gọi là khuyết tật về tâm lý (Mental Retardation); đồng thời so sánh với một em bé sinh ra bình thường và phát triển tâm lý bình thường. 

Ở những em mang hội chứng Down Syndrome hay khuyết tật về tâm lý,  các em này muốn hay không muốn cũng không có thể sử dụng trí khôn mình để đạt tới những suy nghĩ, tính toán và quyết định những việc quan trọng liên quan đến cuộc sống của mình. Các em cũng không làm chủ được cảm tình và cảm xúc của mình. Lúc vui cũng như lúc buồn, lúc cười cũng như lúc khóc, các em hầu như phản ứng theo bản năng tự nhiên, một bản năng không đạt được những đòi hỏi và tiêu chuẩn tối thiểu của một người cùng tuổi ở mức độ bình thường. Các em không biết đến tương lai, và cũng không có khả năng tự lo lắng cho tương lai của mình. 

Ngược lại, một em sinh ra bình thường có khả năng vận dụng trí khôn. Lên 7 tuổi đã có thể nói dối một cách hết sức tài tình, khiến cha mẹ hoặc người khác tin là có thật. Ở vào tuổi 15, cũng theo tâm lý phát triển, các em có thể suy luận và tranh biện như một người lớn. Các em biết lúc nào vui, lúc nào buồn. Khi vui thì phải làm gì, cũng như khi buồn thì phải làm gì. Các em có thể làm chủ được cảm tình và thái độ sống. Nhưng nhất là các em có khả năng hướng về tương lai và một cách nào đó, có những phương thức tạo đạt được những ước mơ tương lai ấy. 

 

Tóm lại, một người mà dù thân xác phát triển, khoẻ mạnh, nhưng tâm lý và lý trí phát triển dưới mức bình thường so với chỉ số thông minh hoặc mức độ tình cảm chung được gọi là những người khuyết tật tâm lý. Những người này phải được giáo dục và hướng nghiệp dành cho những người khuyết tật tâm lý. Họ không thể sống bình thường dưới những tiêu chuẩn một người bình thường ở các lãnh vực: 

1.    Có khả năng về ngôn ngữ. Thí dụ, nhận thức và diễn đạt tư tưởng bằng ngôn ngữ.

2.    Có khả năng tự săn sóc cho chính mình. Thí dụ, ăn, uống, tắm rửa, chải đầu, đánh răng, xúc miệng.

3.    Có khả năng chuyển động. Thí dụ, chạy, nhẩy, bơi lội, cầm, nắm.

4.    Có khả năng học hỏi và thăng tiến. Thí dụ, học nói, học đọc, học viết, học làm toán, học lý luận.

5.    Có khả năng hướng dẫn cuộc sống. Thí dụ, lo liệu cuộc sống cá nhân, gia đình, những mối liên hệ họ hàng, bằng hữu. 

6.    Có khả năng sống tự lập. Thí dụ, quản lý được tài chánh, tiền của, lo lắng sức khỏe, và dùng những tiện ích công cộng. 

7.    Có khả năng ổn định được sự nghiệp. Thí dụ, huấn nghiệp, công ăn việc làm, tài năng, kiếm tìm công ăn việc làm, và hoà đồng vào công việc thường ngày.  

 

Nếu một em bé, hoặc một người lớn mà thiếu 3 trong 7 những khả năng trên, em bé đó, hoặc người lớn đó được coi như người khuyết tật về tâm lý, dù những khuyết tật ấy đến từ bất cứ nguyên nhân nào. Thí dụ, di truyền, tai nạn, bệnh hoạn, hoặc do những lỗi lầm của cha mẹ gây ra. 

 

LÀM NGƯỜI TRƯỚC LÀM THÁNH 

Thánh Gioan Boscô đã nói: “Muốn làm thánh thì phải làm người trước đã”. Câu nói rất đúng để diễn tả và bảo đảm cho con đường tu đức cũng như đời sống tâm linh của một người. 

 

Xét về phương diện tâm linh, ta không có thẩm quyền phê phán sự hoàn thiện của một người mà sự phát triển tâm lý không bình thường như vừa trình bày trên. Tuy nhiên, mức độ nhận định nhìn dưới con mắt bình thường thì không thể cho đó là mẫu sống lý tưởng mà tất cả những ai với trí khôn và tâm lý bình thường phải noi theo, bắt chước. Do đó, hành động dẫn đến hoàn thiện theo quan niệm của Thánh Gioan Boscô là sự hoàn thiện của một người được coi như đã trưởng thành về thể lý, tâm lý, và sự trưởng thành ấy được tâm-linh- hóa, đạo-đức-hóa. Thí dụ, tôi gặp một người nghèo khó đang ngồi ăn xin và tôi động lòng trắc ẩn. Tôi ý thức rằng người ăn xin ấy là một người có phẩm giá và tư cách của họ. Tôi thông cảm với hoàn cảnh hiện tại của họ, và tôi quyết định giúp người ấy một phần nào đó theo khả năng và do lòng quý mến của tôi. Hành động ấy được coi là một hành động trưởng thành, của một người trưởng thành với tâm tình bác ái, đạo đức. 

 

Trưởng thành tâm linh đi liền với trưởng thành tâm lý. Tuy nhiên, còn hơn thế nữa, trưởng thành tâm linh đối với người Kitô hữu tùy thuộc vào sự tác động của Thánh Linh, và vào sự chấp nhận cũng như sống đạo của mỗi Kitô hữu. Với cái nhìn tâm linh và theo ngôn ngữ của tu đức học, thì sự trưởng thành ấy chỉ đạt được khi người Kitô hữu đã bước đến giai đoạn nhiệm hiệp, tức là hiệp nhất và kết hợp với Thiên Chúa một cách khắng khít, một cách bền bỉ, và hòa tan trong Ngài. Con đường đi đến sự trưởng thành tâm linh vẫn theo các nhà tu đức học gồm ít nhất là ba chặng: Khởi sinh, Thanh Luyện, và Nhiệm Hiệp. 

- Khởi sinh: Giai đoạn đầu tiên con người đón nhận ThiênChúa vào với cuộc đời mình. Điểm khởi đầu của tiến trình hoàn hảo hóa cuộc sống tâm linh. Tùy theo tâm lý, ảnh hưởng của giáo dục, và môi trường. Cũng như tùy theo sự hiểu biết, mỗi người sẽ có dịp và cơ hội nhận diện Thượng Đế có mặt trong cuộc đời, và trong đời sống của chính mình. Giai đoạn này có thể pha lẫn nhiều cảm tình và tình cảm thường pha lẫn với những sinh hoạt tâm linh đạo đức tạo nên sự hấp dẫn khó lòng từ chối. 

- Thanh luyện: Con đường từ tâm lý đến tâm linh rất cầnđược tôi luyện,và gạt bỏ dần yếu tố tình cảm. Và sự trưởng thành tâm linh cần được đánh dấu bằng những phấn đấu với những đam mê bất chính, những xúc cảm nhất thời, thường chỉ đưa con người dần vào những hành động cảm tình và ấu trĩ. Chính vì thế, đây là thời gian khó khăn và vất vả nhất. 

Sự trưởng thành thể lý, tâm lý và tâm linh trong giai đoạn này như phải hoà lẫn, và tan biến vào cuộc sống mỗi ngày, khiến người Kitô hữu một mặt vẫn cần phải có những cảm tình cần thiết để giữ được vẻ hấp dẫn và hài hòa cho đời sống tâm linh, mặt khác cần phải từ từ cắt bỏ những đam mê và cảm tình không cần thiết để cho suy tư và hành động tinh thần mang trọn vẹn ý nghĩa và chủ đích cao cả của nó. Theo các nhà tu đức học, rất nhiều người đã bỏ cuộc, hoặc chỉ dậm chân tại chỗ ở giai đoạn này bởi vì đã không trưởng thành về mặt tâm lý, nên để cảm tình và những đam mê làm ngăn cản bước tiến của tinh thần. Và vì thế, đã không thắng vượt được những quan niệm, suy nghĩ, và lối sống đạo dựa trên cảm tình, hình thức, và đôi khi mang tính chất mê tín hoặc cuồng tín. Một số nhà tu đức còn gọi đây chính là “đêm tối tăm”. Ngụ ý cần phải có ánh sáng lý trí soi chiếu, và sự trưởng thành về tâm lý để thắng vượt những thử thách. 

 

Tóm lại, để là một người trưởng thành thì ngoài sự nở nang, phát triển về thể xác, còn phải được phát triển về tâm lý, và điều này được kiểm chứng bằng đời sống quân bình thường ngày trong cách giao thiệp, nói năng, cư xử, và trong cách thức giải quyết những khó khăn, khủng hoảng trong cuộc sống tình cảm. Ngoài ra, theo tôn giáo, thì sự trưởng thành thể lý và tâm lý cần thiết để giúp cho con người phát triển và đi tới sự trưởng thành tâm linh. 

- Nhiệm hiệp: Đây là giai đoạn cuối của tiến trình thánhhóa bản thân,của con đường tu đức, của sự trưởng thành toàn diện của người Kitô hữu. Trong giai đoạn này, con người có thể rờ thấy, động chạm, và nhìn thấy Thưởng Đế. Đó là những va chạm thường ngày với anh chị em đồng loại. Con người có thể động chạm đến Thượng Đế bằng những động chạm với anh chị em. Nhìn ra họ là hiện thân của Thiên Chúa. Giúp đỡ và khuyến khích họ. 

Ở giai đoạn này, con mắt, lỗ tai, miệng lưỡi và suy tư của họ luôn nhìn thấy, nghe thấy, và cảm thấy Thiên Chúa qua anh chị em mình, những người mà ta mỗi ngày có liên quan trực tiếp hay gián tiếp trong những môi trường sống. Thánh nhân, do đó, theo cái nhìn của Thánh Gioan Bosô phải là một người trưởng thành và quân bình về mặt tâm lý và tình cảm. 

 

Sự gắn bó khăng khít, và trưởng thành giữa thể lý, tâm lý và tâm linh được tìm thấy qua Chúa Giêsu, người thật và Thiên Chúa thật. Theo Thánh Kinh ghi nhận, sau 30 năm sống ẩn dật trong nhà Nagiaréth, ngài đã bước vào sứ mạng cứu thế ở tuổi 30. Nghi thức phép rửa ở sông Giođan với Gioan Tiền Hô và sau đó là 40 đêm ngày chay tịnh trong hoang địa đã chấm dứt tuổi trẻ của một thanh niên mang tên Giêsu. Giờ đây, người thanh niên ấy, Ông Giêsu đã trưởng thành và bước vào đời với một sứ mạng hết sức trọng đại, đó là sứ mạng rao truyền nước Thiên Chúa và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. 

Trong Thánh Kinh, một mặt Chúa Giêsu nói phải vào nước Thiên Chúa bằng tinh thần thơ trẻ, nhưng rồi ngài lại nói: “Hãy vào cửa hẹp. Cửa dẫn tới chỗ diệt vong thì rộng rãi, và đường dẫn đến nó trơn tru có nhiều người bước vào. Nhưng cửa hẹp là đường dẫn đến sự sống, con đường gập ghềnh khó đi, và ít kẻ tìm gặp con đường ấy” (Mt 7:13-14).  Điều này có nghĩa là không ai vào được nước Trời, nếu như cứ sống vẩn vơ, sống lè phè như một đứa con nít.  

Khi Chúa nói tinh thần thơ trẻ, là ngài muốn nhấn mạnh đến cái cốt lõi của đời sống tu đức, của đời sống đạo. Người Kitô hữu phải làm sao mật thiết và sống với ngài như một em bé đối với cha mẹ em vậy. Đó là tinh thần thơ ấu Phúc Âm, tinh thần trẻ Phúc Âm. Ngài không bảo chúng ta sống lệ thuộc và sống dựa dẫm như một em nhỏ. Nhất là ngài không muốn chúng ta sống ở mức độ thiếu trưởng thành.   

 

TỰ TIN VÀ HÃNH DIỆN LÀ KITÔ HỮU 

Ngoài đa mê, tội lỗi, và bệnh tật tâm linh, thái độ thiếu tự tin về vai trò và ơn gọi của mình trong Giáo Hội được coi là một điều tồi tệ và khuyết điểm lớn nhất của người Kitô hữu. 

Điểm quan trọng nhất của sự trưởng thành tâm lý là ở chỗ con người có thể sống một cách tự tin và hạnh phúc về mình. Ngược lại với thái độ và lối sống trưởng thành ấy là thái độ thiếu tự tin và bất an. 

Một người trưởng thành tuy có lầm lẫn, và khuyết điểm nhưng vẫn không nản lòng, hoặc tự ty mặc cảm. Họ biết rất rõ về giới hạn và con người của mình. Nên trong mọi việc họ rất từ tốn và thận trọng. Không bốc đồng. Không ảo tưởng. Không ảo giác. Không làm gì quá khả năng và điều kiện cho phép. Đó là những đức tính căn bản của sự tự tin. Ngược lại, người thiếu tự thường sống bằng cảm tính nhiều. Ưa mơ mộng, và ảo tưởng, ảo giác, dị đoan và mê tín. Bởi vì những thứ ấy sẽ trấn át và khỏa lấp những đức tính cản bản của thái độ và lối sống tự tin. 

Tóm lại, một người tự tin, hay trưởng thành về tâm lý thường không quyết đoán hàm hồ. Không sợ hãi và ủy mỵ, nhưng vững vàng và tin tưởng. Khuyết điểm đến với họ không để họ gục ngã hay bỏ cuộc, nhưng chỉ là một dịp cho họ nhìn lại con người của chính mình, và tìm cách sửa sai, và tiến tới. 

 

Với ơn gọi và cuộc đời Kitô hữu, họ rất tự tin và hãnh diện. Không sợ hãi. Không mặc cảm về niềm tin, và cả những gì người khác phê bình, chỉ trích về đạo của mình. Họ biết, đạo là con đường dẫn đến hoàn thiện, nhưng việc thực hành đạo lại do con người, và vì đó có sơ hở và khuyết điểm. Con người theo đạo sơ hở và khuyết điểm chứ không phải đạo. Câu nói: “Đi đạo thì tin đạo chứ không tin người có đạo” được hiểu theo hai nghĩa tiêu cực và tích cực, và nó giải thích rõ ràng về thái độ tự tin của người trưởng thành trong niềm tin khi đối đầu với những khuyết điểm về tôn giáo của mình. Hoặc khi phải trực diện với khuyết điểm của chính mình trong khi thực hành niềm tin. Thí dụ, trong cơn khủng hoảng về tình dục của Giáo Hội Hoa Kỳ, người Kitô hữu trưởng thành vẫn luôn có lý do để sống và tin tưởng hơn. Họ biết con người là yếu đuối, dù con người đó là ai? Linh mục, tu sỹ nam nữ, hay giám mục.Và từ đó, họ càng thôi thúc mình sống đạo một cách tích cực hơn để sửa sai lại những khuyết điểm ấy, đồng thời cầu nguyện chăm chỉ hơn cho chính mình và cho các tu sỹ, linh mục, và giám mục. 

 

Ngoài ra, kẻ thù của tự tin còn là tự tôn, tự cao, và tự đại. Nếu tự tin là thái độ sống của người trưởng thành, thì tự ty, tự tôn, tự cao và tự đại là thái độ sống của những người thiếu trưởng thành. Không chỉ ở trong lãnh vực tâm lý mà còn trong phạm vi tâm linh nữa. 

Đi đạo, tin đạo mà còn sợ hãi, nghi ngờ là thiếu tự tin. Sống đạo và hành đạo với tâm thức độc quyền biết và hiểu về đạo là một quan niệm và lối sống ấu trĩ và thiếu trưởng thành. Cái mà chúng ta gọi là tự tôn, tự cao, và tự đại kia chính là sự thiếu hiểu biết về con người, khả năng và thực chất của mình. Đây cũng là điều mà Chúa Giêsu đã nói về ảnh hưởng của sự chân thật, khiêm tốn và tự tin: “Sự thật sẽ giải thoát chúng con” (Gio 8:32). 

 

Cho đạo mình là nhất rồi khinh thường và coi rẻ niềm tin và tôn giáo của người khác là thiếu trưởng thành về tâm linh. Hiện tượng quá khích, và cuồng tín thường xẩy ra trong đời sống tâm linh mà chỉ có đạo mình là nhất. Ngay hôm nay, trong thế giới hiện tại, ở một vài quốc gia Hồi Giáo, những ai chuyển đổi niềm tin đi tìm một chân lý mới đều bị khép tội bỏ đạo và phải chết. Đây là một hình thức thiếu trưởng thành tâm linh. Những chính quyền mà sợ hãi tôn giáo. Sợ tôn giáo ảnh hưởng và chi phối đường lối sinh hoạt của chế độ, là những chính quyền ấu trĩ, thiếu trưởng thành và hiểu biết. Bởi vì, sẽ không có một sức mạnh quyền lực nào có thể lấn át và khống chế được niềm tin. Theo cái nhìn tâm lý, niềm tin là một sức mạnh vô địch, vì nó được phát xuất và lớn lên cùng với sự phát triển của con người. Niềm tin tự nó đã được ghi khắc trong tâm khảm con người, dù chế độ nào, dù chính quyền nào, hay dù bạo lực nào cũng không thể xóa nhòa đưọc. 

 

NHỮNG DẤU HIỆU CỦA LỐI SỐNG ĐẠO THIẾU TRƯỞNG THÀNH   

Trước khi đi đề cập đến những dấu hiệu của lối sống đạo thiếu trưởng thành, người Kitô hữu cũng cần nhìn lại rõ hơn về ơn gọi của mình với câu hỏi “Người Kitô hữu là ai?” Câu trả lời được Công Đồng Vaticanô II định nghĩa trong Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen gentium) như sau: “Danh hiệu Kitô hữu có nghĩa là tất cả những ai không thuộc thành phần chức thánh hay bậc tu trì được Giáo Hội công nhận, nghĩa là những người đã được Bí Tích Thánh Tẩy sáp nhập vào thân thể Chúa Kitô, được nhập tịch Dân Chúa, được trở thành kẻ tham gia theo cách của mình vào chức vụ tư tế, chức vụ rao giảng Lời Chúa, và chức vụ vương giả của Chúa Kitô. Họ là những người thi hành sứ mệnh của toàn dân Kitô hữu trong Giáo Hội và giữa trần thế theo nhiệm vụ riêng của mình.” (1) 

 

Người Kitô hữu, qua phép Thánh Tẩy, được tháp nhập vào Giáo Hội, được sống và sinh hoạt trong Giáo Hội như cành nho được dính liền và sống bởi thân nho. Họ cũng có sứ mạng và bổn phận sống và thực hành đức tin qua vai trò tiên tri, tư tế, và vương giả của mình. Đời sống của họ gắn bó và ảnh hưởng đến toàn Giáo Hội, và vì thế, Đức Piô XII đã gọi là “Giáo Hội”. (2) 

Hơn 60 năm trước, Đức Piô XII đã gọi người Kitô hữu là “Giáo Hội” và coi vai trò của họ như  những người “đứng ở mặt trận tiền phong trong đời sống của Giáo Hội. Nhờ họ, Giáo Hội trở nên nguyên lý sự sống cho xã hội loài người.” Rất tiếc, phần đông Kitô hữu Việt Nam, cho đến nay vẫn sống như những người ở ngoài Giáo Hội. Họ không được giao phó những công việc cần thiết hợp khả năng, cũng như được tín nhiệm để hoàn tất ơn gọi của họ trong Giáo Hội. Trước mắt nhiều giáo sỹ, họ vẫn là những “con chiên”, và hơn thế, là những con chiên dốt nát cần phải được chăn dắt tận tình. Do đó, chúng ta không lấy làm lạ tại sao những dấu hiệu của lối sống thiếu trưởng thành vẫn ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống tâm linh của rất nhiều Kitô hữu Việt Nam. Điển hình là: 

-         Sống đạo theo tình cảm.

-         Sống đạo theo hình thức.

-         Theo đạo không sống đạo.

-         Thần tượng hóa giới tu hành.

-         Sống lệ thuộc vào giáo hội cơ chế.  

***

 

 1. SỐNG ĐẠO THEO TÌNH CẢM

Cảm tình là những tác động dùng để phản ảnh nỗi vui mừng, sự buồn bực, giận dữ, khó chịu, hoặc thư sướng trong cách thức và hình thái cư xử của mỗi người chúng ta. Những trạng thái này gồm: hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Toàn bộ những cảm xúc này quyện lẫn và hòa tan vào một người và làm nên tư cách và lối sống của người đó. Không ai giống ai, và cũng không ai buộc phải như ai. Thí dụ, có người nóng nẩy, hoặc có người lại hiền hòa và chậm dãi trong những phản ứng của họ trước những sự kiện xẩy ra trong đời sống thường ngày. Hoặc người này dễ khóc, dễ bồi hồi xúc động; trái lại, người kia bình tĩnh và trầm mặc trước một biến cố xẩy ra cho họ. Cùng một hoàn cảnh, cùng một biến cố mà người thì khóc lóc, người thì trầm lặng; người thì nóng nẩy, vội vã, người khác bình tĩnh, thư thái.   

 

Tùy theo mức độ di truyền, ảnh hưởng của văn hóa, xã hội, và đường lối giáo dục của gia đình, học đường, hoặc môi trường chung quanh, mà mỗi người có một cảm quan và tình cảm sống khác nhau. Thí dụ, nếu tôi thừa hưởng nơi bố tôi cái tính vui vẻ, dễ dãi, sau đó sinh ra, tôi lại được sống dưới sự hướng dẫn của một người bố có tinh thần vui tươi, cộng thêm môi trường gia đình, học đường, và xã hội chung quanh khiến tôi trở thành một người có tính tình vui tươi, cởi mở. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không phải chiến đấu với cái dục vọng và tham lam vẫn có trong tôi. Hoặc một người thừa hưởng được một di truyền về đam mê và giầu nghị lực, nhưng vì không được hướng dẫn đúng với đường lối giáo dục, và bị ảnh hưởng của môi trường xấu đã biến khả năng mạnh mẽ ấy thành một lối sống thảo khấu, tàn ác, bất nhân, đầy tham vọng. 

 

Trong tương quan xã hội, tình cảm thiếu trưởng thành ở một em nhỏ được cho là những cử chỉ nhõng nhẽo, vòi vĩnh, và hờn dỗi. Nhưng đối với một người lớn thì được cho là bất nhất, thay đổi, thiếu nhất quán, và thiếu quyết tâm. Thông thường, người trưởng thành về mặt tình cảm ít khi phải lấn cấn, và thay đổi nhiều mỗi khi phải quyết định một việc gì, bởi vì họ không để những buồn, vui, giận, ghét, yêu thích của họ chi phối trong những quyết định của mình. 

 

Tình cảm thiếu trưởng thành dù là ở một em nhỏ hay một người đã lớn làm cho người khác có thể hiểu và thông cảm, nhưng không được chấp nhận và khen thưởng. Nếu cha mẹ, hoặc phụ huynh coi việc nhõng nhẽo, hoặc hờn dỗi của con mình là đúng, và bênh vực những hành động này, họ sẽ bị chê là chiều con, hoặc nhu nhược. Riêng đối với những người lớn tuổi, hành động thiếu trưởng thành về mặt tình cảm sẽ được coi là những người ấu trĩ, và không thể tin tưởng để trao phó trách nhiệm. Hoặc nếu có trách nhiệm thường là hành xử theo cảm tình, và những việc làm như thế bao giờ cũng mang lại những hậu quả không mấy tốt đẹp. 

 

Sống đạo một cách trưởng thành về mặt tình cảm, do đó, là một lối sống vượt trên những cảm xúc nhất thời. Vượt trên những yếu tố có tính cách vui, buồn, bực bội, hoặc dễ dãi theo cảm tình. Một cách nào đó, người Kitô hữu không thể sống đạo với những yếu tố bên ngoài, hoặc những thôi thúc và dồn nén theo cảm tình. Người Kitô hữu trưởng thành về mặt tình cảm luôn luôn trung thành với giáo lý, với đức tin và với Thiên Chúa. Khi vui cũng như khi buồn. Lúc gặp may mắn cũng như khi gặp thử thách. Thành công hay thất bại. Được người đời khen hay chê. Luôn luôn vẫn một niềm trung tín và đặt trót tin tưởng vào Thiên Chúa, và không để mình bị chi phối, hoặc khủng hoảng về những chuyện xẩy đến cho mình hay cho những người thân yêu của mình. 

 

Xét về những yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng chung đến những sinh hoạt Giáo Hội, thí dụ, cơn khủng hoảng tình dục như đã xẩy ra cho Giáo Hội Hoa Kỳ gây tốn kém cho Giáo Hội này hơn 2 tỷ Mỹ Kim tiền bồi hoàn, kéo theo một Hồng Y, một số Tổng Giám Mục, Giám Mục phải từ chức.  Hoặc như biến cố gây rung động đức tin Kitô Giáo như vụ The Da Vinci Code, cuốn tiểu thuyết của Dan Brown xuất bản tháng 3 năm 2003 và được đóng thành phim trình chiếu vào tháng 5 năm 2006, trực diện phỉ báng Giáo Hội, và thiên tính của Chúa Giêsu. Hay như cơn khủng hoảng lãnh đạo, những khó khăn hiện nay của Giáo Hội Việt Nam khi đối phó với nhà cầm quyền vô thần Cộng Sản. Dư luận về giám mục này theo Cộng Sản. Linh mục kia quốc doanh. Linh mục khác có vợ và con. Tất cả những thứ đó tuy có phần nào làm cho các Kitô hữu phải suy nghĩ, đặt vấn đề, nhưng từ trong thâm tâm, và nơi niềm tin bất biến vào Thiên Chúa, người Kitô hữu trưởng thành là người vẫn tin đạo, vẫn sống đạo, và vẫn hành đạo, vì biết rằng Giáo Hội này là của Chúa. 

 

Chính Thiên Chúa đã sáng lập nên Giáo Hội, và ngài đã, đang và sẽ điều hành Giáo Hội theo ý muốn của ngài. Những người nắm giữ các chức vụ trong Giáo Hội tuy hành động theo ý họ, hoặc theo những quyền lợi riêng tư của họ, nhưng Thiên Chúa vẫn có khả năng biến những sự dữ ấy nên những điều thiện hảo cho những ai có lòng yêu mến và tin kính ngài, theo Thánh Phaolô: “Tất cả đều là hồng ân”. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu phán với Phêrô khi đặt ông làm đá tảng cho tòa nhà Giáo Hội mà ngài sẽ xây dựng: “Con là Đá, và trên Đá này thầy sẽ xây giáo hội thầy, mà cửa hỏa ngục cũng không phá nổi” (Mt 16:18). 

 

Chúa Giêsu xây Giáo Hội. Giáo Hội ấy cũng chính là mỗi người chúng ta theo như lời Đức Piô XII. Như vậy, thái độ trưởng thành của người Kitô hữu chính là sống niềm tin và sống đời Kitô hữu mình một cách tin tưởng, trưởng thành và vượt trên những cảm tình của mình, hay của những người khác. 

 

CẢM TÌNH ẢNH HƯỞNG ĐỜI SỐNG TÂM LINH:

Câu hỏi được đặt ra ở đây là cảm tình ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của các Kitô hữu như thế nào? Và đâu là những dấu hiệu của những hành động ấy? Sau đây là một vài câu trả lời: 

1- Trong một buổi họp hội đồng giáo xứ, linh mục chính xứ vì bất đồng ý kiến với một số vị trong hội đồng. Dù biết mình đuối lý những để chứng tỏ mình là người có quyền, linh mục chính xứ đã đập bàn, quát tháo các thành viên trong hội đồng, và giận dữ ra khỏi phòng họp. 

2- Trong một buổi cung nghinh Thánh Tượng Đức Mẹ Thánh Du, vì không được bầu làm trưởng ban tổ chức, một ông chủ tịch đã vùng vằng bỏ họp ra về. Ông đã giận linh mục chính xứ và cũng từ đó thôi luôn không tham dự các sinh hoạt của giáo xứ. Bỏ thánh lễ, và bỏ đạo. Theo ông, linh mục chính xứ đã làm ông mất mặt trước cộng đoàn giáo xứ, vì ông đã là chủ tịch thì đương nhiên phải được bầu làm trưởng ban tổ chức. 

3- Một bà hội trưởng Hội Đạo Binh Đức Mẹ, vì không được chị em tín nhiệm bầu lại trong nhiệm kỳ khóa hai nên nghỉ sinh hoạt với hội, và cũng cấm luôn người con trai không cho làm huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể trong giáo xứ nữa mặc dù trước ngày và giờ bầu cử, bà luôn miệng nói rằng mình sẽ nghỉ và nhường chức hội trưởng cho những chị em khác xứng đáng hơn mình.  

4-  Trong một buổi tĩnh tâm, hội thảo khi đến nghi thức hòa giải (làm hòa với Thiên Chúa và anh chị em),  người điều khiển chương trình vừa tuyên bố, “Tiếp sau đây là nghi thức hòa giải với Thiên Chúa. Ai thấy mình cần làm hòa với Thiên Chúa xin mời đến toà cáo giải. Ở đây chúng ta có 3 linh mục ngồi tòa. Hai vị cũ, và một vị mới mở tay tháng trước, tức là tân linh mục.” 

Mọi người ùn ùn đứng dậy xếp hàng chờ hòa giải với Thiên Chúa. Hàng của vị tân linh mục đông gấp hai lần các vị khác. Và người ta nghe được những tiếng xì xào: 

- Đã xưng thì xưng cha mới, chứ cha cũ xưng mãi chán lắm! 

Và trong khi đang đứng sắp hàng chờ xưng tội, một bà đã khều một bà khác và nói:

- Chị xưng tội chưa? Sao còn ngồi đó.

- Em mới xưng tuần trước rồi, thôi không xưng nữa đâu. Bà này đáp lại.

- Thì xưng cho vui ấy mà. Tôi cũng mới xưng tuần trước. Người ta xưng mà mình ngồi đó coi kỳ quá. 

Đập bàn, la mắng, quát tháo và bỏ ra khỏi phòng họp. Hành động như vậy là vị linh mục đã tỏ ra tư cách thiếu trưởng thành, và thiếu khả năng lãnh đạo. Vị linh mục này đã để những cảm tình nóng nẩy, và những ý kiến riêng tư mình chi phối những quyết định lớn lao của giáo xứ, và hành động theo cảm tình, theo cái ấu trĩ của một người đã lớn tuổi. Từ ngữ chuyên môn trong ngành tâm lý gọi là thiếu  chức nghiệp. 

Bỏ đạo vì không được giao phó trách nhiệm trưởng ban tổ chức cuộc rước. Vị chủ tịch kia cũng đã hành động và sống đạo theo tình cảm và trọng cái vẻ bề ngoài. Ông đã bỏ mất đức tin chỉ vì  hoàn cảnh không cho phép đạt được những điều ông ưa thích. Hành động của ông giống như hành động của những đứa trẻ ưa làm nũng, và hễ điều gì không được ý thì nằm lăn ra khóc lóc và ăn vạ. 

Nghỉ sinh hoạt vì không được bầu làm hội trưởng thêm một nhiệm kỳ nữa. Đây cũng là tâm thức thiếu trưởng thành. Nó cũng giống như suy nghĩ và hành động của vị chủ tịch mà vì không được đặt làm trưỏng ban tổ chức buổi cung nghinh đã bỏ đạo. Với cái nhìn tâm linh thì nó là những tác động của một đức tin yếu kém và một lòng mến lỏng lẻo. 

 

Xưng tội ai cho vui. Xưng tội linh mục mới và không xưng tội linh mục cũ. Hành động này rõ ràng nói lên một lối sống đạo tình cảm và thiếu hẳn ý thức về tôn giáo và đạo lý. Làm sao lại có thể đùa chơi với bí tích Hòa Giải bằng một hành động theo cảm tình và hời hợt đạo lý như vậy. 

Những câu truyện vừa nêu trên như những thí dụ mà chúng ta vẫn thường thấy xẩy ra đầy rẫy trong sinh hoạt tôn giáo hằng ngày, dù được nói tới hay không nói tới. Vậy đâu là nguyên nhân của một lối sống đạo tình cảm như thế ? 

 

ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN:

Quan niệm về một lối sống đạo cảm tình này có thể phần nào được tìm thấy qua tâm lý chung của người Việt Nam. Thật vậy, có lẽ trước con mắt của những người ngoại quốc, người Việt Nam vẫn được coi như một dân tộc giầu tình cảm, giầu tình tự dân tộc. Với cái nhìn xã hội, thì họ là những người hiếu khách, và vui vẻ. 

Hình ảnh và quan hệ gia đình. Sự liên hệ xóm giềng, và những liên đới trong mối tương quan làng xóm có lẽ đã tạo nên tâm lý nhậy bén, xúc cảm với những người cùng chung một mái ấm gia đình, cùng chung một huyết thống, và cùng chung một làng xã. 

Nhưng có thể cũng là do ảnh hưởng của tâm lý sống còn sau những tháng năm dài lê thê của 1000 năm nô lệ Tầu, 100 nô lệ Tây. Và ngay cả hôm nay, dưới những hà khắc và tàn bạo của chế độ Cộng Sản. Trước những bi thương và đau đớn cùng đường ấy, bản năng sinh tồn của con người đành phải tìm cách để vươn lên, để sống còn, mà một trong những phương thức sống còn là gây hoặc tạo cảm tình tốt đối với những người chung quanh. Không muốn biến mình thành kẻ thù của những người chung quanh. Nhưng khi diễn tả cảm tình tốt, thì một trật, những cảm tình xấu, tức là những hành động theo tự nhiên không kiểm chứng cũng bột phát. Và đó là lý do ảnh hưởng của tình cảm đã chi phối tư tưởng và hành động sống đạo của hầu hết Kitô hữu Việt Nam. 

Tuy không có một thống kê nào được thực hiện để nói lên tương quan văn hóa và xã hội ảnh hưởng trên cảm tình sống đạo của người Kitô hữu Việt Nam, nhưng chúng ta có thể nhận thấy ảnh hưởng này qua sinh hoạt cá nhân, sinh hoạt của những hội đoàn, hội ái hữu, hiệp hội tại các xứ đạo ở Việt Nam, và ngay cả tại hải ngoại. Vô số những hội đồng hương xuất hiện. Hội đồng hương của những người cùng giáo phận cũ, giáo xứ cũ ở Việt Nam. Hội đoàn này đua với hội đoàn kia về cờ đoàn, về đồng phục, và về số hội viên. Một người có thể tham gia nhiều hội đoàn để được tiếng là năng nổ và đạo đức. Đặc biệt, là nếu sau này có chết đi thì được nhiều hội đoàn đến đọc kinh, thăm viếng, và đưa xác! Chúng ta vẫn thường nghe những câu nói, đại khái: 

- Đám cưới con gái ông Tấn có đến 7 cha đồng tế, vì ông ta quen biết nhiều với các cha, và sinh hoạt trong nhiều đoàn thể. 

Hoặc:   

- Đám tang ông Tự lớn quá! Cả chục cha làm lễ. Các vòng hoa phúng điếu đặt ra cả ngoài nhà thờ. Đại diện các hội đoàn lên phân ưu mãi không hết. Vì con ông ấy sinh hoạt và làm chủ tịch cộng đoàn nhiều nhiệm kỳ, và còn làm cố vấn của nhiều hội đoàn, đoàn thể.  

 

SỐNG ĐẠO THEO TÌNH CẢM:

Không ai có thể loại bỏ yếu tố tình cảm trong đời sống thể lý, tâm lý và tâm linh của một người. Cũng thánh Gioan Boscô khi nói về yếu tố tình cảm liên quan đến đời sống đạo đức đã nói: “Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn.” Bởi vì sự buồn rầu luôn là một kết quả tiêu cực trong cuộc sống. Nó không những làm héo hắt tim gan, mà còn dẫn đến những ý nghĩ và tư tưởng bi quan, yếm thế. 

Do đó, để cảm tình chi phối và hành động theo cảm tình không biểu thị cho một tâm hồn đạo đức trưởng thành, vì hành động tâm linh đòi hỏi sự trưởng thành. Một Kitô hữu không thể trở thành một thánh nhân được nếu mặt mũi lúc nào cũng ủ rũ, cũng buồn bực, và miệng không nở một nụ cười.   

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô