Thứ bảy, ngày 11 tháng 05 năm 2024 | 04:29 AM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Tài liệu

LUYỆN TẬP NHÂN ĐỨC (P.3)

 

III. ĐỨC CÔNG BÌNH
1. Khái niệm về đức Công Bình.

1.1. Định nghĩa.

Công Bình là nhân đức làm cho ta sẵn lòng trao trả quyền lợi hoặc tài sản của ai cho người ấy.

Đó chỉ là áp dụng nguyên tắc tự nhiên: "của nào thuộc chủ ấy", mà ai ai cũng công nhận. Chúa Giêsu đã dạy: "hãy trả cho Xêda cái gì của Xêda" (Mt 23,24). Khổng Tử cũng nói: "kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân".
Đó là khuôn vàng thước ngọc ta phải cứ trong việc cư xử với tha nhân. Có công bình mới có an ninh trật tự. Phải, có công bình người ta mới biết tôn trọng quyền lợi nhau, tránh thói gian tham, giữ lòng ngay thật, gạt bỏ bất công và nhờ thế, duy trì được an ninh xã hội.
1.2. Phân loại.

1.2.1. Công bình chung: Công Bình chung chi phối sự liên lạc giữa xã hội với tư nhân. Đối với xã hội, tư nhân phải biết ơn và sẵn sàng đóng góp tiền của sức lực, mà xã hội có quyền đòi hỏi. Ích chung trọng hơn ích riêng, nên khi cần, nhân dân cũng phải hy sinh tính mạng và tài sản, ít là một phần vì công ích. Ngược lại, xã hội phải bảo đảm tính mạng, tài sản và quyền lợi của tư nhân. Lại phải tuỳ tài lực người ta mà trọng dụng, tuỳ tội phúc mà thưởng phạt, kẻo lỗi đức công bình phân phối.

1.2.2. Công Bình riêng: Công bình riêng chi phối sự liên lạc giữa tư nhân với tư nhân. Chẳng những ta phải tôn trọng quyền sở hữu về của cải, mà cả các quyền lợi khác về thể xác hoặc tinh thần, như tính mạng, danh giá, tự do của người ta nữa.
2.Thực hành đức Công Bình.

 

2.1. Về tài sản.

 

Phải tôn trọng tài sản người ta, tránh sự cắp vặt, gian lận, quanh quéo, trong điều nhỏ mọn cũng thế. Công nợ không nên vay, khi không chắc trả được. Nếu đã vay thì liệu trả cho sớm. Đồ đạc sách báo mượn của ai phải giữ cẩn thận như của mình, và phải nhớ trả càng sớm càng tốt. Nếu chẳng may hư hỏng cách nào, thì phải bồi thường cho xứng. Tiền bạc người ta ký thác, tài sản của hội đoàn phải sổ sách phân minh, để lỡ mình có chết bất ngờ, thì người ta khỏi thiệt hại. Nếu là linh mục, thì còn phải giữ sổ lễ và sổ của chung cho minh bạch, để chẳng may mình có qua đi, người ta biết đường mà liệu.
 

2.2. Về danh giá.

Phải tôn trọng danh thơm tiếng tốt người ta.

2.2.1. Tránh võ đoán : Phải tránh sự võ đoán, cũng gọi là xét đoán dông dài, nghĩa là kết tội người ta theo sự bề ngoài, không rõ căn nguyên, không tường lý sự, chỉ nghe theo thiên kiến hoặc dục vọng của mình.
Võ đoán là tiếm đoạt quyền của Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài có quyền phán xét loài người. Võ đoán cũng là tội bất công, vì lên án khi chưa nghe người ta tự bào chữa. Theo đức công bình và bác ái, ta hãy giữ đừng xét đoán ai khi mình không có phận sự; hoặc nếu có xét đoán thì xét đoán rộng cho người ta hết sức.
2.2.2. Tránh nói hành : Phải tránh tật nói hành, nghĩa là tỏ tội lỗi, hay nết xấu kín nhiệm của người ta, mặc dầu là có thực. Kẻ bị nói xấu, lẽ dĩ nhiên là buồn rầu, khi thấy danh giá mình bị tổn thương, uy tín mình bị suy giảm, và bởi đó, công việc mình bị thiệt thòi.
2.2.3. Tránh vu cáo : Phải tránh vu cáo, nghĩa là đổ lỗi cho người ta khi người ta không có. Tội bất công này thường là con đẻ của tính độc ác và ghen tị. Một kẻ nói ra, trăm người hoạ lại, danh tiếng người ta chẳng mấy chốc đã bị xé rách tơi bời, thiệt hại biết đâu mà kể.
Đức Công Bình buộc phải đền trả sự thiệt hại đã làm. Của cải đền trả còn dễ. Danh giá đền trả mới khó thay! Dầu khó, ta cũng phải liệu rút lời lại, và tìm dịp khen bù kẻ ta đã chê bai. Cách tốt hơn cả là giữ mình đừng nói xấu, vu cáo, cũng đừng a dua, trái lại hãy khéo léo lái qua câu chuyện khác; hoặc hơn nữa, cố gắng làm trạng sư của người vắng mặt, như bà thánh Têrêsa đã làm xưa.
A. Đức Công Bình và các nhân đức liên hệ:

 

Đức Thờ Phượng.

 

Đức Thờ Phượng cũng thuộc đức Công Bình, vì nó khiến ta trả món nợ tôn sùng cho Thiên Chúa. Nhưng nó không hẳn là công bình, vì ta không thể tôn sùng Thiên Chúa như Ngài đáng được. Ta sẽ bàn về: Khái niệm đức Thờ Phượng và cách thức thực hành đức ấy.
1. Khái niệm đức Thờ Phượng.

 

1.1. Bản chất.

 

Theo thần học, thờ phượng là động tác tôn kính, nhằm mục đích chứng minh lòng thần phục đối với Đấng tạo thành. Động tác này gồm hai yếu tố: trí khôn và lòng muốn. Trí khôn phải nhận thức sự ưu tú trác tuyệt của Thiên Chúa. Lòng muốn phải nhận chịu quyền điều khiển tối cao của Ngài. Động tác ấy được thực hiện ngấm ngầm trong thâm tâm, hoặc biểu lộ ra ngoài, đó là thờ phượng.
Vậy, thờ phượng là nhân đức uốn lòng ta tôn kính Thiên Chúa, vì sự ưu tú trác tuyệt và quyền chủ tể tối cao của Ngài.
Đối tượng của đức Thờ Phượng là sự tôn kính Thiên Chúa, chứ không phải là chính Thiên Chúa như nhân đức đối thần.
Lý do của đức thờ phượng là sự cao sang trổi vượt và quyền hành tối cao của Chúa, khiến vạn vật phải phục tùng và qui hướng về Ngài.
Tác động thờ phượng có hai thứ: bề trong và bề ngoài.
1.1.1. Tác động bề trong là thờ lạy, đội ơn, tạ tội và xin ơn. Trong mấy việc ấy, quan trọng nhất là thờ lạy, nghĩa là sấp mình xuống trước mặt Chúa, để nhìn nhận Ngài là thần minh tuyệt đối, nguồn gốc mọi sự tốt lành, giữ quyền sinh tử vạn vật trong tay.
1.1.2. Tác động bề ngoài, dùng để phát biểu tác động bề trong. Quan trọng nhất là Thánh Lễ Misa. Ngoài ra còn lời cầu nguyện công tư, lời khấn, lời thề hợp pháp cùng các việc siêu nhiên bên ngoài, làm vinh danh Thiên Chúa mà thánh Phêrô gọi là: "của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa" (1 Pr 2,5).
1.2. Sự cần thiết của đức Thờ Phượng.

Vạn vật đều phải theo khả năng mà tạ ơn Thiên Chúa. Thánh Kinh rằng: "Các tầng trời chúc tụng vinh quang của Chúa" (Cv 18,2). Nhưng loài người có trí để suy, có lòng để mến, càng phải thờ Chúa cách hoàn toàn hơn nữa, chẳng những nhân danh riêng mình, lại còn nhân danh chung vạn vật.

Khốn thay! Loài người mải miết làm ăn, chơi nhảy, mấy ai lưu tâm đến phận sự ấy. Vì thế Giáo Hội đã tuyển trạch một số người chuyên lo việc thờ phượng, thay cho nhân loại, đó là bậc tu sĩ và giáo sĩ. Danh từ tu sĩ theo La Tinh có nghĩa là kẻ thờ phượng, vì đời họ được dệt nên bằng những việc thờ phượng liên tục. Và linh mục, với hai phương thần diệu: kinh thần vụ và lễ Misa, hằng ngợi khen Thiên Chúa cách vô cùng xứng đáng, như Chúa Giêsu đã làm xưa.
2.Thực hành đức Thờ Phượng.

Muốn thực hành đức Thờ Phượng, phải luyện lòng sốt sắng, nghĩa là hun đúc chí muốn làm các việc đạo đức cách hăng hái và quảng đại. Xét cho cùng, lòng sốt sắng chỉ là cách biểu lộ đức mến Chúa.

2.1. Đối với bậc khởi sinh.

 

Hãy giữ chu đáo luật đọc kinh cầu nguyện, luật thánh hoá Chúa nhật lễ trọng. Hãy tránh phóng tâm, mơ mộng và du hý phàm trần, vì đó là nguồn gốc sinh ra sự chia trí. Hãy chuyên chăm đời sống nội tâm, nghĩa là năng nhớ mình ở trước nhan Chúa, và hồi tâm định trí mỗi khi cầu nguyện.
 

2.2. Đối với bậc tiến sinh.

Hãy cố gắng kết hiệp với Chúa Giêsu trong tinh thần thờ phượng, vì trót đời, khi sống cũng như lúc chết, Ngài đã làm hiển danh Cha Ngài cách vô cùng hoàn hảo.

2.2.1. Tinh thần ấy gồm hai tâm tình: cung kính và mến yêu. Cung kính là tôn trọng và kính sợ Chúa, là Đấng tạo thành vạn vật, chủ tể càn khôn mà ta được sung sướng thần phục. Yêu mến là mến yêu Chúa Cha nhân lành, khả ái, đầy lòng thương ta. Cũng phải kể vào đây tâm tình thán phục, biết ơn và ca ngợi nữa.
2.2.2. Gương mẫu đức Thờ Phượng là Thánh Tâm Chúa Giêsu. Từ khi giáng trần đến khi tắt thở, Ngài hằng tán tụng khong khen Đức Chúa Cha, xưng ra Thiên Chúa là tất cả, loài người là hư không. Công việc ấy, ngày nay, Ngài còn đang tiếp tục trong bí tích Thánh Thể cũng như trong linh hồn ta, mà Ngài thông cho tâm tình thờ phượng. Vậy ta hãy năng kết hợp cùng Thánh Tâm để thờ phượng Thiên Chúa cho xứng đáng.
2.2.3. Chúa Giêsu đã thờ phượng Cha Ngài bằng cách hiến tế trên thánh giá. Ta cũng phải hiến tế bản thân, biến đời ta thành những chuỗi dài những lễ hy sinh dâng lên trước toà Chúa. Như thế là ta đã thờ phượng Chúa cách liên lỉ vậy.
B. Đức Công Bình và các nhân đức liên hệ:

 

 

Đức Phục Tùng.

 

Đức Phục Tùng cũng thuộc đức Công Bình, vì nó giúp ta trả món nợ tôn kính và vâng lời đối với bề trên. Trong giai đoạn này sẽ bàn về: Căn bản, sự cao quý và cách thực hành đức Phục Tùng.
 

1. Căn bản đức Phục Tùng.

Phục tùng là nhân đức khiến ta bắt ý mình theo ý bề trên, vì lẽ ngài là đại diện Thiên Chúa.

Đối với Kitô giáo, phục tùng bề trên không phải là vâng lời một con người, song là vâng lời Thiên Chúa xuyên qua vị đại diện chính thức của Ngài. Đó là căn bản đức Phục Tùng Công Giáo.
1.1. Đối với Thiên Chúa.

Thiên Chúa là chủ tể tối cao, mọi loài phải tùng phục tuyệt đối, là thụ tạo, loài người phải vâng phục Thiên Chúa. Là con Chúa, loài người càng phải lấy lòng hiếu thảo mà vâng lời Cha. Đối với Chúa Giêsu, loài người là thần dân đã được Ngài giải phóng bằng giá rất cao, nên cũng phải tuân theo các luật Ngài ban bố.

1.2. Đối với Đại Diện Thiên Chúa.

Phục tùng Chúa, ta cũng phải phục tùng những đại diện chính thức của Ngài. Loài người không thể sống lẻ loi, Chúa đã muốn họ hợp thành xã hội. Xã hội nào cũng phải có cấp trên để lãnh đạo, cấp dưới để vâng theo, chẳng vậy sẽ hỗn loạn và không mưu được công ích. Quyền hành cấp trên là do Thiên Chúa "chẳng có quyền nào chẳng bởi Chúa. Vâng phục bề trên là vâng phục Chúa, chống cưỡng bề trên là chuốc lấy án phạt đời đời" (Rm 13,1-2). Còn bổn phận người trên là thi hành quyền bính để mưu vinh danh Chúa và ích chung cho xã hội. Nếu lạm dụng sẽ có lỗi trước mặt Chúa và thượng cấp. Bổn phận người dưới là vâng lời các vị đại diện Chúa, như vâng lời Ngài vậy: "Ai nghe các con là nghe Ta; ai khinh các con là khinh Ta" (Lc 10,16).

1.2.1. Bề Trên chính thức : Bề trên chính thức là ai? Thưa, đó là những người Chúa đã đặt lên chỉ huy các xã hội.
Trong gia đình là cha mẹ. Trong quốc gia là Quốc Trưởng và các cộng sự viên. Trong Giáo Hội là Đức Giáo Hoàng đối với thế giới Công giáo : vị giám mục đối với giáo phận, cha sở và cha phó đối với giáo xứ, như giáo luật đã qui định. Sau hết, trong tu viện, bề trên chính thức là những người được đặt lên theo hiến pháp, mà các tu sĩ đều phải tình nguyện vâng lời, trong phạm vi tu luật.
1.2.2. Giới hạn quyền bính : Quyền hành Bề Trên là quyền có giới hạn; không phải muốn sao cũng được. Trước hết không được truyền điều gì nghịch với luật Chúa và Hội Thánh; và nếu có truyền thì bề dưới cũng không được thi hành, như lời thánh Phêrô dạy: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta" (Cv 5,25). Cũng không được truyền điều gì anh hùng, hay khó khăn quá không thể làm được, vì "chẳng buộc ai làm điều gì bất khả". Nhưng khi hồ nghi, thì phải cho Bề Trên là hữu lý. Sau nữa, Bề Trên không được truyền điều gì vượt quá quyền hạn. Thí dụ Bề Trên dòng truyền việc gì ngoài giới hạn Hiến Pháp và Tu Luật đã chỉ định.
2. Sự cao quí của đức Phục Tùng.

 

2.1. Đức Phục Tùng kết hiệp ta với Chúa.
Theo thánh Tôma, trong các nhân đức luân lý, sau đức thờ phượng, chẳng có đức nào cao quý bằng đức Phục Tùng, vì nó kết hiệp ta với Chúa hơn mọi nhân đức khác.
Quả thế, đức Phục Tùng khiến ta biết bỏ ý mình theo ý Chúa, hoá nên đồng tâm nhất trí với Ngài. Hợp nhất về ý chí là hiệp nhất hoàn toàn; vì ý chí là chúa các tài năng, nó đã phục, thì các tài năng đều phục hết. Hy sinh về ý chí là hy sinh lớn nhất; vì ta trọng tự do hơn tiền tài, khoái lạc. Bởi thế Thánh Kinh dạy: "Vâng lời trọng hơn của lễ" (1V 15,29).
2.2. Đức Phục Tùng là mẹ sinh ra và giữ gìn các nhân đức.

Đức Phục Tùng, trước hết, được đồng hoá với lòng mến Chúa, như lời Chúa dạy: "Nếu các con mến Cha, thì hãy giữ các giới răn". Thánh Gioan phụ hoạ: "Ai tuân giữ giới răn thì thực là kẻ có lòng mến Chúa tinh ròng" (1Ga 2,5). Như thế đức Phục Tùng minh chứng và phát huy đức mến vậy.

Ngoài ra, đức Phục Tùng cũng khiến ta thực hành các nhân đức khác, vì đó là điều Chúa muốn, như lời thánh Tôma rằng: "Tất cả các nhân đức đều thuộc về đức Phục Tùng, vì lẽ Chúa đã truyền phải giữ".
2.3. Đức Phục Tùng thánh hoá đời sống.

Những việc tầm thường, nếu làm vì đức vâng lời, thì cũng là những việc lành, đẹp lòng Chúa, đáng thưởng đời sau. Trái lại, việc tốt mà trái ý bề trên, thì chẳng còn đáng kể là tốt nữa. Đức Vâng Lời vì như cây đũa thần, chỉ vào đâu là đó hoá ra vàng. Người vâng lời làm ít mà được nhiều, vì "kẻ phục tùng sẽ được nhiều thắng trận" (dụ/ ng 21,28).

Thánh Phanxicô Salê viết: "Phục Tùng là cách tử đạo trọng nhất trong các cách tử đạo, vì chẳng chết một lúc, một lần, mà chết liên miên trót cả đời sống".
Đức Phục Tùng, như thế, giúp ta lập công trạng lớn lao. Vậy ta phải cố gắng thực hành cho được.
 

3.Thực hành đức Phục Tùng.

 

3.1. Ap dụng: Linh hồn hãy tuỳ bậc nhân đức của mình mà thực hành sự vâng lời.

3.1.1. Áp dụng cho khởi sinh: Khởi sinh hãy lưu tâm giữ lề luật Chúa và Giáo Hội cho chín chắn, cùng siêng năng thi hành mệnh lệnh bề trên cách tinh mật và siêu nhiên.

3.1.2. Áp dụng cho tiến sinh: Tiến sinh hãy năng suy gẫm gương phục tùng Chúa Giêsu từ khi sinh ra cho đến khi chết. Khi vừa giáng trần, Ngài đã tự hiến để làm trọn thánh ý Đức Chúa Cha; trải ba mươi năm trường, Ngài đã vâng phục thánh Giuse và Đức Mẹ; và sau cùng, Ngài đã vâng lời cho đến chết, lại chết trên thập giá! (Pl 2,8).
Nhuần thấm tinh thần cao cả ấy, tiến sinh hãy thành tâm vâng phục bề trên, cả trong những điều trái ý cực lòng, không than van năn nỉ.
3.1.3. Áp dụng cho đạt sinh: Đạt sinh hãy đi xa hơn, bắt trí phán đoán của mình tùng phục trí phán đoán của bề trên. Ở bậc tiến sinh, ta đã dâng ý chí cho Chúa; song ở bậc đạt sinh ta còn dâng nốt trí hiểu cho Ngài nữa. Nói khác đi ta sẽ có cùng một ý nghĩ như bề trên, và trở nên như cái gậy đặt trong tay người vậy. Tuy nhiên, không cấm ta trình bày quan điểm của mình với bề trên, nhưng phải làm cách cung kính, bình thản và sẵn sàng theo ý người.
3.2. Tư cách phục tùng.

Phải vâng lời cách siêu nhiên, phổ cập và tinh tuyền.

3.2.1. Vâng lời cách siêu nhiên: Vâng lời siêu nhiên là nhìn nhận Chúa nơi bề trên; không gì giúp ta dễ vâng lời cho bằng. Thánh Phaolô bảo: "Anh em hãy vâng lời chủ mình cách tôn trọng, kính nể và đơn sơ như vâng lời Chúa vậy". Tài đức bề trên không phải là lý do cho tùng phục. Nết xấu của người không phải là lý do cho ta bất tuân. Hãy vâng phục, chỉ vì người là đại diện của Chúa.
3.2.2. Vâng lời cách phổ cập: Vâng lời phổ cập là vâng lời trong hết mọi sự chính đáng bề trên dạy, trừ điều nghịch luật Chúa thì không kể. Bề trên có thể lầm khi truyền khiến; nhưng ta không lầm lúc vâng lời.
3.2.3.Vâng lời cách tinh tuyền: Vâng lời tinh tuyền, là vâng lời mau lẹ, vui vẻ và tinh mật, làm đúng ý bề trên, không tìm đường giảm bớt. Thánh Anphong viết: "ma quỷ cũng vâng lời, nhưng cách miễn cưỡng. Tu sĩ nào vâng lời miễn cưỡng thì có lẽ gọi được là xấu hơn ma quỷ, vì nó không khấn vâng lời".
4. Phận sự Bề Trên.

Phần trên, ta đã nói về phận sự của bề dưới. Nhưng không phải là bề trên không có phận sự. Phận sự của bề trên, thực ra, còn khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Vì "vâng lời thì dễ hơn truyền khiến". Bề dưới chỉ phải vâng phục một người; còn bề trên thì xem ra phải vâng phục tất cả, nghĩa là người phải khéo léo lựa ý mọi kẻ thuộc quyền.

4.1. Đối với Thiên Chúa: Người lãnh đạo phải nhớ quyền mình có là quyền thừa uỷ của Chúa, nên phải làm theo ý Ngài, và sẽ phải trả lẽ về mọi hành động của mình, như lời Thánh Kinh: "kẻ quyền hành sẽ phải hành hình dữ dội" (Khôn ngoan 6,7). Vì thế kẻ làm bề trên phải sợ hơn là mừng.
4.2. Đối với cộng đồng : Người lãnh đạo được đặt lên để để lo ích chung cho cộng đồng, nghĩa là để phụng sự người ta, không phải để người ta phụng sự, như lời Chúa phán: "Kẻ lớn trong các con sẽ là đầy tớ các con" (Mt 23,11).
4.3. Đối với bề dưới : người lãnh đạo có phận sự làm ích cho người thuộc quyền. Người phải làm gương cho bề dưới, nhất là về sự phục tùng thượng cấp của mình. Người phải công bằng, tuỳ tài đức mà sử dụng, tuỳ nhu cầu mà giúp đỡ, không được thiên tư. Người cũng phải yêu thương bề dưới, cảm thông sự yếu đuối của họ, nâng đỡ nhiều hơn quở phạt. Vì thế, khi truyền khiến, hãy lưu tâm đến tâm lý và sức lực mỗi người.
Có như vậy, sự lãnh đạo cũng như sự phục tùng sẽ trở nên êm dịu, dễ dàng hơn, và sinh ích cho cả đôi bên.[1]

 


[1] Linh mục Châu Diên, Tu Đức Học, p.314-325, viết theo quyển Théologie ascétique et mystique của cha Tanquerey

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô