, ngày 05 tháng 05 năm 2024 | 09:45 AM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Tài liệu

TỦ SÁCH THĂNG TIẾN GIÁO DÂN

 

 

 

 

 

 

 

GIÁO DÂN HỢP TUYỂN

 

SỐ 3 THÁNG 7/2012 VỚI CHỦ ĐỀ

 

GIÁO DÂN VIỆT NAM SỐNG ĐẠO

 

XƯA VÀ NAY

 

 

 

 

 

 

GIÊRÔNIMÔ NGUYỄN VĂN NỘI

 

VÀ NHÓM BẠN THỰC HIỆN

 

LỜI NGỎ

 

1. Sau khi phát hành Giáo dân hợp tuyển (GDHT)số 1 ở Sài-gòn, chúng tôi liền gửi ngay bản gốc ra Huế cho linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng, Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Dân của Tổng Giáo Phận Huế, để ngài tùy nghi sử dụng cho lợi ích của anh chị em giáo dân Huế. Sau khi phát hành GDHTsố 2, chúng tôi cũng gửi ngay cho linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng cũng với tinh thần chia sẻ và mục đích phục vụ như lần trước. Cha Gioakim Lê Thanh Hoàng là một trong số các linh mục hết sức tích cực lo cho công cuộc thăng tiến giáo dân tại Huế. Ngài đã tổ chức các Đợt Huấn Luyện Giáo Dân Nòng Cốt và các Khóa Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất (Scripture and Leadership Training, SALT) cho giáo dân Huế.

 

2. Ngoài linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng, chúng tôi cũng đã gửi GDHT số 1&2 cho linh mục Gioakim (Khẩu) Nguyễn Văn Hinh, phụ trách các Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Giáo phận Long Xuyên. Cha Gioakim (Khẩu) Nguyễn Văn Hinh cũng là một trong số các linh mục hết lòng chăm lo cho đội ngũ Giáo Dân Nòng Cốt. Ngài đã mở Trung Tâm Mục Vụ Mong Thọ tại chính Giáo Xứ của ngài và đã tổ chức nhiều đợt thường huấn cho các thành viên Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Giáo phận Long Xuyên. Cũng như linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng, linh mục Gioakim (Khẩu) Nguyễn Văn Hinh hoan ngênh và cổ võ nỗ lực của Nhóm Anh Em chúng tôi. Ngài còn đề nghị là sẽ đưa tất cả các số GDHT (đã  và sẽ ra) lên website có tên là Mục Vụ Giáo Dân mà ngài đang nhờ chuyên viên thiết kế.

 

2.Nhưng người mà chúng tôi muốn gửi các số GDHT nhất  là Đức Cha Giu-se Trần Xuân Tiếu, Giám Mục Long Xuyên, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dân của HộiĐồng Giám Mục Việt Nam. Và chúng tôi đã gửi cho ngài cả 2 bản văn GDHT 1 &2 đã dàn trang qua email.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm cách liên lạc với các linh mục, Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Dân một số giáo phận để giới thiệu và chia sẻ việc làm của chúng tôi.

 

3. Giáo dân hợp tuyển số 3 sẽ đến tay mọi người vào giữa Hè 2012. Thời gian Hè là thời gian rảnh rỗi có điều kiện để suy nghĩ và học hỏi thêm. Thường nhiều giáo phận cũng tổ chức các Khóa Huấn Luyện Giáo Dân trong thời gian Hè. Chính vì thế mà chủ đề được chọn cho số này là GIÁO DÂN VIỆT NAM SỐNG ĐẠO XƯA VÀ NAY. Chúng tôi như được khích lệ khi nhận được lời phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, với các Giám Mục Việt Nam trong Hội Nghị Thường Niên lần thứ nhất, từ ngày 9 đến 13 tháng 4 năm 2012, tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc. Vị Đại Diện Tòa Thánh nhắn nhủ Hàng Giáo Phẩm [cũng là nhắn nhủ Hàng Giáo Sĩ, Tu Sĩ và Giáo Dân] Việt Nam:

“Khởi đầu, trong bối cảnh phụng vụ của Giáo hội đầu tuần Bát nhật Phục sinh, Đức Tổng có đôi lời chia sẻ tâm tình về niềm tin phục sinh. Cũng như Chúa Giêsu đã sống lại và ra khỏi mộ, Hội Thánh Việt Nam cũng cần trỗi dậy, thoát khỏi những từ ngữ “chết” trong quyển Sách Thánh để hạ sinh thành Lời rao giảng sống động trong cuộc sống; Hội Thánh Việt Nam không chỉ khép kín trong những mối quan tâm nội bộ, nhưng phải bước ra dấn thân cho công cuộc Loan báo Tin Mừng cho lương dân; cụ thể tại Việt Nam còn hơn 90% anh chị em chưa nghe loan báo Tin Mừng; cuối cùng mỗi cá nhân mục tử cũng cần phải ra khỏi mộ tối để chiếu sáng sự thánh thiện của mình trong việc hi sinh tận tình chăm sóc đoàn chiên đã được giao phó cho mình.»

 

4. Lời phát biểu trên phù hợp với chủ đề của GDHT 3 là “Giáo dân Việt Nam sống Đạo xưa và nay” theo hướng là người giáo dân Việt Nam phải canh tân đổi mới cách sống đạo cho phù họp với thời đại ngày nay. Vì thế mà trong số này chẳng những sẽ có những nhận định lượng giá về cách người giáo dân Việt Nam sống đạo xưa và nay, mà còn có  những gợi ý về một số khía cạnh khác nhau của đời sống đức tin của người giáo dân Việt Nam cần canh tân. Từ những nhận định, lượng giá và gợi ý được nêu, mỗi bạn đọc sẽ tự rút ra những gì tốt đẹp nhất cho cá nhân và cho cộng đoàn đức tin của mình.

GDHT số 3 gồm có 10 bài như sau:

(1) “Canh tân đời sống đức tin» của Linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng.

(2) “Cảm nghiệm về Chúa» của Giám mục G.B. Bùi Tuần.

(3) “Một linh đạo cho giáo dân» của ông Vicentê Vũ Văn An.

(4) “Truyền thống: mối liên kết xưa và nay” của ông Giuse Nguyễn Thế Bài.

(5) “Lòng Đạo Đức Bình Dân vừa là cách sống Đạo vừa là cách truyền giáo” của ông Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.

(6) “Bạn là người công giáo loại nào” của linh mục Anthony Đào Quang Chính OP.

(7) “Thư con gửi cha về việc phát triển tủ sách giáo xứ” của luật sư Giuse Lê Quốc Quân.

(8) “Văn Hóa Nghe và Văn Hóa Đọc” của ông Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.

(9) “Hưởng ứng bài “Văn Hóa Nghe và Văn Hóa Đọc” của ông Giêrônimô Nguyễn Văn Nội, bài của ông Phaolô Nguyễn Nhân Hòa.

(10)  “Sống đạo hôm nay: Chúa muốn chúng ta nên thánh” của ông Bùi Hữu Thư.

 

5. Chúng tôi xin chân thành cám ơn các tác giả có bài trong GDHT số 3/2012 này. Vì việc làm không hề có tính thương mại, chúng tôi tin chắc rằng các tác giả ủng hộ chúng tôi trong việc tạo điều kiện cho nhiều anh chị em Giáo Dân có cơ hội tiếp cận các bài viết giá trị của các ngài.

Chúng tôi rất mong được nhiều Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân tham gia góp bài và góp ý cho các số tới, nhất là các anh chị em giáo dân, theo đề nghị của một người anh em vừa viết cho chúng tôi sau khi nhận được GDHT số 1&2, mà trong số này chúng tôi đã nỗ lực đáp ứng: 

«Thật ấm lòng khi được nhìn và đọc một công trình do Giáo Dân và Vì Giáo Dân, như là "tờ" GIÁO DÂN HỢP TUYỂN. Em sẽ cố gắng đóng góp vào tờ GDHT theo khả năng hạn chế của em. Nếu được góp ý, em ước mong tiếng nói (bài viết) của giáo dân sẽ chiếm "ưu thế", trước là về số lượng, sau sẽ là chất lượng, trong mỗi tập hợp tuyển,
NHƯ THẾ MỚI THÀNH GDHT VÀ CÓ TIẾNG NÓI ĐÁNG ĐƯỢC QUAN TÂM HƠN trong Giáo Hội Việt Nam.»

 

Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi chúc lành cho công việc nhỏ bé của chúng con. Chúng con xin dâng lên Chúa Ba Ngôi tập tài liệu này làm món quà mọn.

 

Sài-gòn, Hè 2012.

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội và Nhóm Bạn


 

 

CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

 

 

Năm thánh Giáo Hội tại Việt Nam đã bế mạc đã bế mạc một cách tốt đẹp ngày 06/01/2011. Kết thúc, nhưng cũng là khởi đầu cho công cuộc canh tân Giáo Hội bằng quyết tâm thực hiện những gì đã được suy tư, nghiền ngẫm, thảo luận, đúc kết, đặc biệt qua Đại Hội Dân Chúa tại Sài gòn từ 21-26/11/2010. Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhận định hoàn cảnh kinh tế xã hội văn hóa, sự phát triển nói chung hiện nay đã tác động sâu rộng trên đời sống đức tin và luân lý. Đây là một thách đố lớn cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. “Nhưng chính thách đố này lại trở thành cơ hội thuận lợi thúc đẩy Giáo Hội canh tân, tự vấn lương tâm trong tư cách cộng đồng cũng như trong tư cách cá nhân, xem chúng ta có thể sống đức tin thế nào cho tốt hơn và thi hành hiệu quả hơn sứ mệnh chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu”[1]. Giáo dục đức tin phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là tinh hoa và cùng đích của hết thảy nổ lực giáo dục gia đình, học đường và xứ đạo.

Nhằm thúc đẩy hành động, Đức Hồng Y Ivan Dias, đặc sứ của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, trong dịp lễ bế mạc Năm Thánh tại Lavang đã có lời mời gọi Giáo Hội tại Việt Nam vạch ra những hướng đi mục vụ và truyền giáo cụ thể trong những năm sắp đến.

Năm sắp đến, như một sự quan phòng của Chúa, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI lại quyết định mở năm đức tin cho toàn thể Giáo Hội, với mong muốn Giáo Hội canh tân đời sống đức tin để tái truyền giáo và truyền giáo.

 

1. Đức tin truyền thống (foi de tradition)

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam qua Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa đã bộc lộ trăn trở “Sống đức tin thế nào cho tốt hơn và thi hành hiệu quả hơn sứ mệnh”  truyền giáo. Sống đức tin là thể hiện lòng tin của mình ra bên ngoài bằng một cung cách sống, xuất phát từ một sự hiểu biết đạo lý, xác tín, dẫn đến hành động. Cung cách sống đạo là hiệu quả của việc giáo dục đức tin và việc thực hành đạo.

 

1.1 Giáo dục đức tin : học giáo lý

Công cuộc đào tạo và giáo dục đức tin nơi người tín hữu Việt Nam được thể hiện qua việc dạy và học giáo lý, tham dự phụng vụ và đời sống cầu nguyện. Dạy và học giáo lý thường được bắt đầu rất sớm từ trong gia đình. Đứa trẻ ngay khi ngồi trên gối mẹ đã tập tành chấp tay lạy Chúa, cúi đầu lạy Mẹ, ngờ nghệch làm dấu thánh giá trước tượng ảnh thánh. Lên tuổi đến trường, em vào các lớp khai tâm. Giáo xứ nào, bên cạnh tháp chuông cũng có phòng học giáo lý. Đứa trẻ cùng các bạn ê a suốt mấy năm mới đến tuổi khôn, chuẩn bị vỡ lòng, xưng tội và rước lễ lần đầu. Vốn liếng giáo lý có khi không đầy hai bàn tay nhưng nơi em đã bắt đầu chớm nở một cung cách sống đức tin. Vào nhà thờ, em giữ thinh lặng trong giờ phụng vụ, rước lễ một cách cung kính, sau rước lễ đã biết tâm sự với Chúa Giêsu: “Giêsu ơi ở cùng con luôn mãi, Chúa lìa con, con biết đâu nương nhờ”. Chẳng bao lâu nghe Cha sở gọi tên đi học Thêm sức ở tuổi 10 - 12. Dịp này cầm được cuốn sách “kinh nghĩa” địa phận Huế (sách bổn), em rất hãnh diện. Học chưa thuộc 10 phần, 8 giái, thì bìa sách đã rách nát ! Sau Thêm sức 2 hay 3 năm, qua lớp Bao đồng, em thuộc thêm được 3 nghĩa, 12 điều và, ở vài giáo xứ, cả các Kinh cầu (trừ Kinh cầu Hài Đồng, vì quá dài). Chương trình Giáo lý Bao đồng ôn tập toàn bộ giáo lý gồm các phần “giữ tin xin chịu”. “Giữ” 10 điều răn Đức Chúa Trời và 6 điều răn Hội Thánh. “Tin” các tín điều trong kinh Tin kính. “Xin” trên nền tảng là kinh Lạy Cha và việc cầu nguyện riêng. “Chịu” là nhận lãnh các bí tích và ơn Chúa.

 

1.2 Tập thực hành

Tháng tư năm 2004, vào các ngày 20-22, Ủy Ban Giáo Mục Đặc Trách Giáo Dân thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phối hợp với Tòa Tổng Giám Mục Huế đã tổ chức cuộc tọa đàm về “Sống đạo theo cung cách Việt Nam - Chứng từ của người giáo dân”. Cung cách sống đạo của người tín hữu Việt Nam được mô tả qua những nét thờ phượng, kinh kệ lễ bái, với những buổi cẩu nguyện đậm nét màu sắc văn hóa dân tộc như các buổi đọc kinh, nguyện ngắm với cung điệu trầm bổng phù hợp với tâm tình dân tộc Việt, những cuộc rước kiệu mang tính lễ hội với muôn hình muôn vẻ. Tất cả tạo nên một tập tục, một nếp sống đạo.

Thế là gia đình, giáo xứ là cái nôi khai sinh đức tin, là môi trường giáo dục thực hành và là một khung thành bảo vệ cung cách sống đức tin. Cộng đồng chuyển tải gia sản đức tin từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cá nhân thừa kế cách sống đức tin của tập thể. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi là “đức tin thừa kế” hay đức tin truyền thống[2], đức tin do ông bà tổ tiên truyền lại cho con cháu.

 

1.3 Đặc tính

Đức tin truyền thống nặng hình thức tập thể, thiếu xác tín cá vị. Đặc biệt nặng về phụng tự và luật lệ,.

Nặng hình thức tập thể. Cơ chế tổ chức và việc giáo dục tôn giáo lâu đời đã hoàn hảo hóa một nếp sống đạo “cha truyền con nối”, cái cung cách thực hành cộng đồng, từ thế hệ cha ông. Tuy là những hành vi cá nhân, nhưng cùng làm chung trong một sinh hoạt tập thể. Một số nhận định của các nhà trí thức về cung cách sống đạo Việt Nam phản ảnh tình trạng đó. Trong bài tham luận dành cho tọa đàm nói trên, giáo sư tiến sĩ Đỗ Quang Hưng thuộc viện nghiên cứu tôn giáo đã trích dẫn bài viết của Tư Cù như sau: “Trong cung cách sống đạo hiện nay, nếp sống của người Kitô hữu thường được quy định bằng những luật lệ, được diễn giải thành những hành vi cụ thể: làm dấu, đọc kinh, xưng tội, sinh hoạt mùa Vọng, mùa Chay, kiêng thịt, ăn chay,... Có lẽ nhiều “chức sắc” trong Giáo Hội vẫn đặt người Kitô hữu vào vị thế như những tín hữu thời trung cổ, nghĩa là những Kitô hữu ít học và cần những hướng dẫn tỉ mỉ, rõ ràng để giữ luật bằng cách chu toàn những việc cụ thể..”.Thiếu xác tín cá vị, thiếu đời sống nội tâm.“Người Kitô hữu cố gắng giữ luật để khỏi phạm tội chứ ít hiểu rằng giữ luật là một sự tín trung với Chúa[3]

Nặng về phụng tự và luân lý  nghĩa là mới “giữ” đạo, thể hiện đức tin qua những thực hành tập thể, cùng đọc kinh, cùng rước kiệu, cùng nguyện ngắm, chú trọng đến hình thức bề ngoài hơn là gặp gỡ Chúa trong tinh thần như bạn hữu, xuất phát từ một xác tín của cá nhân.Giáo sư Nguyễn Khắc Dương, một tân tòng đầy nhiệt huyết đã nhận định : “Hình như người công giáo Việt Nam chỉ mới có lòng sùng đạo (religieux, pieux), có thể là quảng đại, sẵn sàng hy sinh tài sản, thì giờ, sức lực, nhưng mới chỉ là giữ đạo chứ chưa thể hiện đạo, nghĩa là chỉ đặt nặng về phụng tự (cullte) và luật lệ chứ ít thấy có một đời sống nội tâm thiêng liêng sâu sắc (vie intérieure, spirituelle)[4].

Do đó, khi thoát ra khỏi sinh hoạt đạo đức tập thể quen thuộc, người tín hữu dễ dàng bị hụt hẩng. Tác giả Tư Cù ghi nhận: “ Trong một thời gian dài, người Kitô hữu Việt Nam thường tụ tập lại thành xóm đạo và đời sống có phần đóng kín trong những sinh hoạt của làng xóm mình... Mọi sinh hoạt đạo và đời thường được tổ chức một cách kỹ lưỡng và bao trùm hết đời sống. Đời sống Đức tin của mỗi người, do đó vẫn còn được tháp nhập vào sinh hoạt đạo đức trong giáo xứ và vẫn “chạy” trong quỹ đạo của những tổ chức tôn giáo”[5].

 

2. Đức tin xác tín cá vị  (foi de conviction)

 

Đức tin xác tín cá vị là đức tin của mỗi cá nhân, xác tin về các điều mình tin, về sự hiện diện của Chúa trong đời mình. Đức tin ấy chi phối mọi tâm tư hành động của mình họ.

 

2.1 Chúa Giêsu giáo dục đức tin xác tín cá vị

Chúa Giêsu muốn huấn luyện cho mỗi môn đệ một đức tin xác tín riêng của mình, không phải là niềm tin tập thể quần chúng. Vì vậy, một hôm Thầy trò đang đi trên đường đến các làng xã vùng Xêdarê Philipphê, Chúa Giêsu hỏi : “Người ta bảo Thầy là ai? Các ông đáp : Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó[6]. Người không dừng lại ở đây vì Người muốn huấn luyện riêng môn đệ, nên lại hỏi “Còn anh em bảo Thầy là ai ? Ông Simon Phêrô trả lời : Thầy là Đấng Kitô[7]. Vị đại diện các tông đồ thấy rằng Đức Giêsu không thể được xếp vào bất cứ hạng người nào, cho dầu đó là vị đại tiên tri đi nữa. Người phải cao trọng hơn nhiều và vượt hẳn tầm các tiên tri. Bài giảng trên núi, những hành động biểu lộ quyền năng của Người, quyền tha tội, cách thức giảng dạy không dựa trên uy tín của bất cứ tiên tri nào, cách thức nói về truyền thống lề luật, tất cả biểu lộ Người còn cao hơn một tiên tri.

 

2.2 Đức tin chính xác

Chúa Giêsu muốn huấn luyện cho họ một đức tin chính xác : Người là “Con Thiên Chúa Chúa hằng sống”[8]. Vì vậy, Ngườichia sẻ cuộc sống riêng tư của Người với Chúa Cha, rất thân tình. Thánh Luca ghi nhận như là một mâu thuẩn : “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cùng ở đó với Người”[9]. “Một mình” mà lại có “các môn đệ ở đó”. Như vậy các môn đệ được hòa quyện vào trong cái riêng tư của người, cái dành cho một mình Người với Chúa Cha. Từ đó xuất phát những lời nói, hành động và tất cả uy tín của Người. Họ được thấy điều mà đám đông không thấy : Sự hiệp thông và hiệp nhất của Người với Chúa Cha. Người muốn kéo các môn đệ vào trong sự hiệp thông đó.

 

2.3 Điểm phân cấp môn đệ

Sau khi đã rao giảng tại miền Galilê, Chúa Giêsu quyết định đi lên Giêrusalem để chịu thương khó, hoàn tất công trình cứu chuộc. Đây là khúc quanh lịch sử đời của Người. Đây cũng là điểm phân cấp các môn đệ thành hai lớp : những người chỉ theo nghe giảng dạy không dấn thân xa hơn, và những người quyết định đi theo Chúa đến cùng, sống chết với Người. Những người nầy mới là môn đệ thật, sống gắn bó với Người, mới có được quyết định “lên Giêrusalem” với Người.

Hai câu hỏi của Đức Giêsu về dư luận quần chúng và về sự xác tín cá vị của các tông đồ giả thiết một bên là sự hiểu biết của dư luận quần chúng của tập thể vô danh. Sự hiểu biết nầy không nhất thiết là sai lạc. Nhưng còn nhiều khiếm khuyết. Một bên là sự hiểu biết sâu sắc của người môn đệ, cùng với sự xác tín của cá nhân, động lực thúc đẩy đi theo con đường của Đức Giêsu, thông hiệp với Người.

Không có xác tín cá nhân và đầy đủ thì môn đệ sẽ sống theo chiều gió, dễ bỏ cuộc, thậm chí phản bội. Chính vì thế, sau khi Phêrô trả lời Người “Thầy là Con Thiên Chúa”, Đức Kitô cho các môn đệ trung tín biết thêm “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó không úp mở”[10]. Dầu con đường trước mắt đầy chông gai gập ghềnh đau khổ thậm chí chết chóc, Ngài vẫn kiên định đi lên, vì đó là ý Cha trên trời. Ngài muốn cho các môn đệ của Ngài ý thức rõ ràng con đường Ngài sẽ đi và Ngài muốn họ cùng đi với Ngài. Từng bước, Chúa Giêsu huấn luyện đức tin cho từng người môn đệ thâm tín. Đó là đức tin xác tín cá vị.

 

3. Canh tân đời sống đức tin

3.1 Rượu mới phải đựng trong bầu da mới

Thời mới với nhiều thay đổi cần một lối sống đức tin mới. Đã có một thời người giáo dân Việt Nam sống đạo với đức tin truyền thống và đã gặt hái được những hoa thơm trái ngọt. Nay thời buổi ấy không còn nữa. Môi trường văn hóa xã hội đã đổi thay. Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 đã ghi nhận những sự kiện mới : Tiến trình toàn cầu hóa, tiếp cận với những thông tin và thành quả đa dạng về khoa học kỷ thuật, kéo theo nhiều thay đổi trong xã hội. Chủ nghĩa tương đối và hưởng thụ, tình trạng giáo dục bất cập, những cách trình bày chân lý nữa vời trên các phương tiện truyền thông, những chương trình giải trí thiếu lành mạnh, đã đưa nhiều bạn trẻ đến một não trạng và lối sống thực dụng, làm bất cứ điều gì đề hưởng lợi[11]. Mặt khác, những hoạt động khác nhằm xóa dấu ấn của Thiên Chúa trong xã hội cũng như nơi lòng người ; thay vào đó cổ súy cho một  sự tôn vinh con người đến tuyệt đối, con người không cần Thiên Chúa. Sống trong môi trường văn hóa xã hội như vậy làm sao người trẻ tránh được những ảnh hưởng tiêu cực khiến tin vào Thiên Chúa phai mờ  nếu chưa phải mai một.

Mặt khác, “khung thành” gia đình và giáo xứ không còn để bảo vệ con cái mình hữu hiệu như ngày trước, vì con cái theo công ăn việc làm đã ra khỏi nhà, xa giáo xứ. Hằng ngày, không có đức tin xác tín cá vị, họ càm thây bơ vơ lạc lõng không nơi nương tựa, dễ buông xuôi, bỏ những thói quen “giữ” đạo, hết đi lễ ngày Chúa nhật..

 

3.2 Tiềm tàng một nguy cơ

Cung cách sống đức tin truyền thống ẩn chứa một nguy cơ lớn : Người tín hữu có thể bỏ Giáo Hội. Được hỏi về tình trạng sống đạo suy thoái của Giáo Hội tại Pháp, Đức Cha Gilbert Louis, Giám mục địa phận Chalons en Champagne đã chia sẻ : 80% người công giáo Pháp ngày nay không còn đến nhà thờ ngày Chúa nhật, vì nhiều lý do thuộc các lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng lý do sâu xa nhất là đa số người Pháp giữ đạo theo “đức tin truyền thống” chứ ít người có đức tin xác tín cá vị. Bây giờ, dưới tác động mãnh liệt của những thay đổi sâu rộng trong nền văn hóa xã hội, họ đặt lại mọi vấn đề, kể cả đức tin. Hạt giống đức tin được gieo vãi vào lòng khi chịu phép rửa tội, được thể hiện trong sinh hoạt thờ phượng của cộng đồng, được bảo vệ trong “ khung thành” gia đình và giáo xứ. Nay ra khỏi khung thành đó, cá nhân thường mất sức sống như cá lìa khỏi nước. Họ không bỏ Chúa, nhưng họ rời xa Giáo Hội.

 

3.3 Cần một bước chuyển

Môi trường gia đình và giáo xứ ban đầu vẫn cần thiết như vườn ương cho cây đức tin đâm chồi nảy lộc. Nhưng đức tin truyền thống này còn phải được triển nở biến thành đức tin xác tín. Đã hẳn có được một số kiến thức giáo lý là điều cần, thêm một lối thể hiện lòng tin trong cung cách thờ phượng của tập thể là điều có ích, nhưng đức tin ấy phải trở thành đức tin của cá nhân, một sự xác tín cá vị. Một đức tin xác tín và trưởng thành phải đủ khả năng thực hiện những chọn lựa cá nhân. Thuở nhỏ, cha mẹ tôi đã chọn Đức Kitô cho tôi. Nay trưởng thành và hiểu biết, chính tôi phải lãnh trách nhiệm về sự chọn lựa quan trọng làm nên ý nghĩa của đời sống đức tin của tôi. Tôi không thể bằng lòng với một di sản. Ngày nay tôi không thể tiếp tục sống đạo chỉ với niềm tin “thừa kế” !

Phải tìm gặp Đức Giêsu.Chính tôi bây giờ phải nói lên khát vọng sâu xa của bản thân như những người Hy Lạp xưa mong muốn được thấy Chúa Giêsu. Chính cá nhân tôi phải can đảm lên đường tìm gặp Đức Kitô và sống với Người.

Phải làm một bước chuyển.Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chia sẻ những bước đường trưởng thành tâm linh của bản thân Ngài như sau :” Phần đông đã nhận lãnh đức tin từ thuở nhỏ qua Giáo Hội, nhưng sau đó đặt vấn đề, ngờ vực về đức tin của mình, rồi vượt qua các ngờ vực ấy. Cha rất cảm thông. Phần Cha, Cha đã sống tuổi thơ và thanh niên trong một bầu khí đức tin mà có thể nói Cha không bao giờ bị cắt đứt. Vấn đề căn bản của Cha không phải là ngờ vực, mà là vấn đề bước chuyển, từ một đức tin được thừa kế, nặng tình cảm hơn lý trí, qua một đức tín ý thức và trưởng thành đầy đặn, sâu sắc về mặt lý trí, bằng một sự lựa chọn cá nhân. Trên nền tảng của niềm xác tín chủ yếu là Thiên Chúa, “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” theo công thức tuyên tín tuyệt với của Thánh Phêrô. Và rồi Đức Giêsu đã giúp Cha hiểu biết Chúa Cha và sống với Chúa Thánh Thần[12]

Phải sống liên kết với Chúa Giêsu bằng một mối liên hệ thâm tình. Ngày nay, Đức Kitô vẫn đang tiếp tục chất vấn từng người, từng thế hệ Kitô hữu : “Đối với các con, các con nghĩ Thầy là ai?”, bởi vì Người biết rõ rằng rất nhiều người tưởng mình có đức tin, mang danh là kitô hữu, nhưng chưa hẳn là gặp gỡ Người. Dựa trên kinh nghiệm mục vụ, Đức Hồng Y Suenens quả quyết : “ Quá nhiều kitô hữu được rửa tội và thêm sức lúc còn bé, nhưng lớn lên không chứng thực nguồn phong phú của bí tích nằm sẵn nơi mình. Sở dĩ có tình trạng này là vị họ chưa từng gặp gỡ thật sự Chúa Giêsu Kitô, chưa khám phá khuôn mặt, lời nói, những đòi hỏi của Ngài và chưa từng liên kết với Ngài bằng một mối liên lạc thâm tình[13]”.

Theo Đức Hồng Y, tin vào Đức Kitô thật sự là phải gắnbó với Đấng đã phục sinh cách trọn vẹn, để Người làm linh hoạt cuộc sống chúng ta và biến chúng ta trở thành tông đồ của Ngài giữa lòng thế giới. Đúng như chứng tá sống động của Thánh Phaolô, vị tông đồ Dân Ngoại. Sau lần gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh trên đường Damas, con người Saolô kiêu căng và đầy thù hận đối với kitô hữu ấy đã được biến đổi hoàn toàn, từ tâm tư đến hành động, thành một thụ tạo mới mang tên Phaolô, sống một cuộc sống mới, trung kiên theo Đức Kitô và chu toàn một sứ mạng mới là đem Tin Mừng cứu độ cho chư dân.

 

Lời kết

Giáo Hội tại Việt Nam, ban đầu nhỏ bé như “hạt cải”, nhưng qua hơn bốn thể kỷ với những bước thăng trầm, đã lớn lên thành cây đại thụ. Sức sống ấy đang tiếp tục lan tỏa nhờ Giáo Hội luôn luôn tự hỏi “sống đức tin thế nào cho tốt hơn và thi hành hiệu quả hơn sứ mạng chúng ta lãnh nhận từ Chúa Giêsu”.[14]

Thời đã qua “sống đức tin theo cung cách Việt Nam” với đức tin truyền thống,  đã đem lại thành quả tốt đẹp. Thời nay, để được tốt hơn, cần phải tăng cường đức tin xác tín nơi mỗi người, sống gắn bó với Chúa Giêsu với một đời sống nội tâm thật sâu sắc thân tình.

Giáo Hội tại Việt Nam chắc hẳn quyết tâm giáo dục đào tạo lại con cái mình “để thi hành hiệu quả hơn sứ mệnh đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu”[15].

 

Huế Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu 2012

Lm. Gioakim Lê Thanh Hoàng

 

[Tác giả gửi trực tiếp cho GDHT]

 

 


 

CẢM NGHIỆM VỀ CHÚA

 

NHỮNG TÔN GIÁO QUÁ NGHIÊNG VỀ LÝ TRÍ đang đổ vỡ thê thảm, đang khi những tín ngưỡng đưa con người đến những cảm nghiệm thiêng liêng lại trở nên hấp dẫn lạ lùng. Đó là nhận định của một số nhà quan sát tôn giáo và xã hội.

 

Nhận định trên đây phản ánh thực tế ở nhiều nơi. Nó không  trở thành một tiêu chuẩn  cho phép hạ giá lý trí, đề cao tình cảm. Nhưng nó là một dấu chỉ thời đại, gợi ý cho các nhà hoạt động tôn giáo suy nghĩ, để nếu cần, sẽ phải điều chỉnh lại cách sống đạo, dậy đạo và truyền đạo.

 

Những kinh nghiệm tốt về Chúa

 

Thời nay, theo đánh giá của quần chúng, một tôn giáo tốt là một tôn giáo chuyển hóa được con người, tất nhiên về đàng lành. Trên thực tế, tại địa phương ta, hầu như ít có ai được chuyển hóa chỉ do sức mạnh của những lý lẽ đơn thuần. Kinh nghiệm cho thấy, có những bài giảng hùng hồn cao sâu, có những lớp giáo lý sôi nổi, lý luận sâu sắc, nhưng đã không đem lại được chút cảm nghiệm nội tâm nào cho ai, vì thế chẳng người nào đã chuyển biến. Đang khi đó, một bầu khí chan hòa bác ái, một gương phục vụ quên mình, lại đánh động được những cõi lòng. Nhờ những cảm nghiệm nội tâm khác tthường, họ như gặp được một Ai đó thiêng liêng, rất xa mà lại rất gần. Và họ đã chuyển hóa.

Nói cho đúng, những chuyện như thế chẳng có gì mới lạ. Từ xưa vốn thế thôi. Trong Kinh Thánh và chuyện các thánh đã có những người kể lại những gì mình đã cảm nghiệm về Chúa, chứ không phải những nhà nghiên cứu về đạo Chúa.

 

Người ngoài, khi thấy họ, nghe ho, sẽ dễ coi họ là những người hiểu biết Chúa. Không phải vì họ có những kiến thức sâu sắc về Chúa, nhưng vì cách họ nói, cách họ sống tỏa ra một mùi vị thiêng liêng, hồn nhiên, tươi mát, phát ta tự đáy lòng, như thể họ có một cảm nghiệm nào đó về Thiên Chúa vô hình.

 

Trong những cảm nghiệm khác nhau về Chúa, hiện nay có một cảm nghiệm được nói tới nhiều, đó là cảm nghiệm về Đức Ki-tô đang gần gũi chúng ta như một tình yêu phục vụ tận tâm khiêm tốn và thông minh.

 

Chúng ta thử dừng lại cảm nghiệm này, với ý muốn học hỏi. Từ đó hy vọng sẽ hiểu được những cảm nghiệm khác. Cảm nghiệm ấy từ đâu tới và như thế nào?

 

Nhìn sâu vào cảm nghiệm tốt về Chúa

 

Cảm nghiệm này khởi xuất từ những nhận thức. Có những người nhận thức sâu sắc về sự Chúa hiện diện trong lịch sử, khắp nơi, trong mọi cái tốt, cái đẹp, cái đúng, cái hay dù cũ dù mói. Với xác tín như vậy, họ dễ nhận ra hình ảnh Đức Kitô sống động trong các người xung quanh họ.

 

Họ nhìn thấy hình ảnh Đức Kitô quỳ rửa chân cho các môn đệqua những người hôm nay tại đây, đang chăm sóc bệnh nhân, các kẻ cô đơn cùng cực, các người mà họ phục vụ vì bổn phận và vì tự nguyện. Chính họ cảm thấy như mang trong mình nỗi khổ đau của người khác.Họ xót xa với niềm xót xa không phải chỉ là riêng tư, mà cũng đến từ một Đấng trên cao là Cha nhân lành giầu long thương xót.

 

Họ nhìn thấy hình ảnh Đức Kitô sống mầu nhiệm nhập thể,qua nhữngngười truyền giáo hôm nay tại đây, đaag mặc vào mình trọn vẹn thân phận con người địa phương, mà mình được sai đến, ngọai trừ tội lỗi, để đồng hành.để chia sẻ, để phục vu. Chính họ cảm thấy thao thức trào lên trong lòng họ trước cảnh bao chiên lạc. Thao thức này không chỉ đến từ trách nhiệm, mà cũng đến từ một Chúa chiên lành, dám bỏ 99 con chiên lại, để đi tìm một con chiên lạc (cf  Lc 15,4).

 

Họ nhìn thấy hình ảnh Đức Kitô hòa mình vào cuộc sống dân thường, qua nhữngtông đồ hôm nay tại đây, chấp nhận mình là men, là muối âm thầm phục vụ giữa phố phường, thôn xóm. Chính họ cảm thấy niềm trân trọng dânh cao trong lòng họ trước gương bao người tốt chung quanh đang phục vụ đồng bào với những việc nhỏ cho những người bé mon. Niềm trân trọng này không chỉ đến từ một lương tri, mà cũng đến từ một Đấng đã quả quyết ai làm việc tốt, dù bé nhỏ nhất, cho một người, dù bé mọn nhất, sẽ được kể là làm cho chính Chúa (x.Mt 25,35).

 

Họ nhìn thấy hình ảnh Đức Kitô đang đến để nhân lọai được sự sống và được sống dồi dào,qua những người hôm nay tại đây và trên thế giới đang thăng tiến con người bằng những khám phá khoa học, sáng tạo nghệ thuật, nâng cao văn hóa và kinh tế. Chính họ cảm thấy ray rứt khôn nguôi trước cảnh bao đồng bào mình, bao người trên thế giới còn đang bị đầy đọa trong cảnh túng nghèo, bất công. Ray rứt ấy không chỉ đến từ tình liên đới, mà cũng đến từ cõi lòng Đấng xưa đã nói: “Ta thương xót dân này” (x. Mt 15,32).

 

Họ nhìn thấy hình ảnh Đức Kitô đang tự hiến tế mình, qua những người đang nhẫn nhục tha thứ, quảng đại trong cuộc sống gia đình, xã hội. Chính họ cảm thấy niềm vui sâu thẳm trước cảnh bao người hôm nay, tại đây đang rất tế nhị và bao dung trong cách ứng xử đối với nhau. Niềm vui ấy không chỉ đến từ một trái tim tình người, mà cũng đến từ một Đấng đã nói: “Cây sậy đã giập, Người không nỡ bẻ gẫy. Ngọn đèn sắp tàn, Người không nỡ tắt” (x. Mt 12,19).

Nhất là họ nhìn thấy Đức Kitô đang thường xuyên cứu độhọ, qua Hội Thánh, qua gia đình, xã hội với biết bao ơn lành. Người thương họ hơn họ đáng được thương. Chính họ cảm thấy tự xấu hổ trước bao ơn lành đã nhận lãnh mà không đến đáp. Sự xấu hổ ấy từ một lương tâm, mà cũng đến từ Thần Linh của Đức Kitô, giúp họ nhìn ra sự thật gần gũi nhất, đó là cái tôi nhầy nhục của họ.

Những cái nhìn như thế dẫn tới sự gặp gỡ Đức Kitô với những tâm tình cảm tạ, và gặp gỡ đưa tới cộng tác bằng việc làm bác ái. Họ sẽ làm những việc bác ái như Người, với Người. Bác ái có kế họach, có ưu tiên, có phân định.

 Những chiều kích của cảm nghiệm tốt Chúa

 

Còn nhiều cảm nghiệm khác về Chúa.

 

Tất cả đều mang đặc tính chung này: con người cảm nghiệm không những tiếp thu Lời Chúa mà còn cảm thụ hồn của Lời Chúa, cảm nghiệm được tâm tình của Đức Kitô trong chính Lời Người.

 

Người cảm nghiệm về Chúa không những đọc Lời Chúa trong Kinh Thánh, mà cũng đọc Lời Chúa trong thời sự và lịch sử, nhất là trong cuộc đời mình. Họ hiệp thông với Chúa và cũng hiệp thong với nhân lọai. Họ mở lòng mình ra về phía Chúa và cũng cởi mở về phía con người.

 

Như vừa thấy, trong những cảm nghiệm trên đây, trái tim và lý trí cùng phối hợp với nhau. Trái tim rất bén nhạy, và lý trí giúp trái tim ứng xử sao cho sáng suốt. Lý trí rất thông minh, và trái tim giúp lý trí suy nghĩ sao cho có tình có nghĩa.

Những cảm nghiệm như trên về Chúa đánh thức trong ta một tiềm năng quan  trọng, đó là nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa trong mọi người. Con người là hình ảnh Thiên Chúa. Không những ta tin như thế mà ta cũng thấy như thế. Do đó ta nhận ra mọi người đều có một cái gì là thánh, cũng như trong lịch sử mọi người đếu có một cái gì như lịch sử thánh. Biết nhìn mọi người một cách cởi mở như vậy, ta sẽ gặp được Đức Kitô đang ở giữa nhân loại hôm nay như một tình yêu phục vụ tận tâm, khiêm nhường và thông minh. Lòng ta thanh thản, yêu thương chan hòa, tin tưởng dấn thân bên cạnh Người. Những cảm nghiệm như trên, tuy không tuyệt đối cần thiết, nhưng rất hữu ích, nhất là trong thòi đại này, con người cảm thấy mệt mỏi với những lý thuyết khô cứng, những nếp sống máy móc, những tiêu chuẩn lạnh lùng, và vì thế họ đi tìm những gì linh thiêng, và huyền nhiệm.<

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô