Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024 | 01:46 AM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Tài liệu

THƯỜNG HUẤN LINH MỤC 2023

 

XÂY DỰNG CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU

TRONG MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH

 

Giáo Hội Công Giáo đang sống tinh thần hiệp thông, tham gia và sứ vụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI mời gọi bởi Đức Phanxicô đối với mọi thành viên của Giáo Hội. Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI đã khởi đầu với lễ khai mạc của Đức Thánh Cha vào ngày 10 tháng 10, 2021. Đỉnh cao của Thượng Hội Đồng Giám Mục là cuộc họp giữa các Giám Mục với Đức Phanxicô tại Roma vào tháng 10/2023 và tháng 10/2024.

 

Để sống tinh thần hiệp thông, tham gia và sứ vụ trong Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI, Dân Chúa trong Giáo Phận được mời gọi bởi Đức Giám Mục để xây dựng cộng đoàn Kitô hữu trong Hội Thánh hiệp hành. Vớiý hướng nàyvànhiệm vụ được giao phó, con tìm hiểu ba tài liệu sau để trình bày đến quý cha:

 

-        Hiệp Hành trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh soạn thảo bởi Ủy Ban Thần Học Quốc Tế và được Bộ Giáo Lý Đức Tin cho phép xuất bản vào ngày 2/3/2018.

 

-        Cải Tổ Mục Vụ Cộng Đoàn Giáo Xứ để Phục Vụ Sứ Mạng Loan Báo Tin Mừng được phê chuẩn bởi Bộ Giáo Sĩ vào ngày 27/6/2020.

 

-        Tông Huấn Praedicate Evangelium – Anh Em Hãy Rao Giảng Tin Mừng – được ban hành bởi Đức Phanxicô vào ngày 19/3/2022.

 

Trong bài thuyết trình đầu tiên, con giới thiệu tài liệu “Hiệp Hành trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh” như một chỉ dẫn cụ thể cho tiến trìnhxây dựng lối sống hiệp hành trong giáo xứ. Kế đến, bài thuyết trình thứ hai trình bàyhuấn thị “Cải Tổ Mục Vụ Cộng Đoàn Giáo Xứ để Phục Vụ Sứ Mạng Loan Báo Tin Mừng” của Bộ Giáo Sĩ. Huấn thị này gợi ý cho việc gắn kết mọi thành phần Dân Chúa trong một giáo xứ hướng đến sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Sau cùng, con sử dụng bài thuyết trình của cha Phạm Hồng Thái trong kỳ Thường Huấn Linh Mục Sài Gòn 2022 để giới thiệu tông huấn Praedicate Evangelium của Đức Phanxicô về “Cải Tổ Giáo Triều Roma.” Dựa trên Tông Huấn, những gợi ý mục vụ sẽ được xác định cho việc canh tân cộng đoàn giáo xứ trong một Hội Thánh hiệp hành. Cuối mỗi phần trình bày, con sẽ đề nghị một vài câu hỏi để quý cha suy nghĩ và trao đổi trong các cụm giáo hạt.

Bài I: Hiệp Hành Trong Đời Sống Và Sứ Vụ Của Giáo Xứ

 

Antôn Trần Thanh Tân

 

Những năm gần đây, hiệp hành (synodality) là một thuật ngữ thường được đề cập đến trong các bản văn của huấn quyền Giáo Hội và của nhiều thần học gia Công Giáo. Thuật ngữ này được biết đến với người Công Giáo từ khi Đức Phanxicô sử dụng nó vào ngày 17 tháng 10, 2015, trong bài diễn văn trước các giám mục nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (1965 – 2015). Một đoạn văn thường được trích dẫn bởi các thần học gia và huấn quyền trong bài diễn văn của Đức Phanxicô là định nghĩa của ngài về Giáo Hội hiệp hành:

 

Giáo Hội hiệp hành là Giáo Hội của sự lắng nghe … một sự lắng nghe lẫn nhau nơi mà mọi người có điều gì đó để học … mọi người lắng nghe nhau, và mọi người lắng nghe Thánh Thần, Thần Khí của sự thật (Gioan 14:17), để biết những gì mà Thiên Chúa muốn nói với các Hội Thánh (Khải Huyền 2:7).[1]

 

Làm thế nào “Giáo Hội hiệp hành” như định nghĩa bởi Đức Phanxicô có thể được tiếp nhận (to be received & implemented) trong đời sống và sứ vụ của một giáo xứ? Để trả lời câu hỏi này, bài thuyết trình đầu tiên của kỳ thường huấn sẽ trình bày và áp dụng những suy tư soạn thảo bởi Ủy Ban Thần Học Quốc Tế trong tài liệu “Hiệp Hành trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh” (HHDSSV).[2]Bài thuyết trình cho thấy rằng theo Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, “văn hóa” hay “lối sống hiệp hành” được hiện thực hóa trong giáo xứ khi những cơ cấu có tính hiệp hành như Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ và Hội Đồng Tài Chính được thiết lập và duy trì. Thêm vào đó, thành viên trong giáo xứ được mời gọi “hoán cải mục vụ và truyền giáo,” nghĩa là canh tân não trạng, thái độ, thực hành và cấu trúc tổ chức để trung thành hơn mỗi ngày với bản chất của Giáo Hội là truyền giáo (Ad Gentes 2).[3]

 

Để làm rõ khẳng định trên, phần một của bài thuyết trình giới thiệu tài liệu “Hiệp Hành trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh” soạn thảo bởi Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.[4]Dựa vào Thánh Kinh và Truyền Thống, bài thuyết trình chứng minh rằng hiệp hành là lối sống của Giáo Hội trong lịch sử. Phần hai của bài thuyết trình áp dụng những suy tư của Ủy Ban Thần Học ở chương ba của tài liệu để cho thấy Dân Chúa trong một giáo xứ có thể cùng đi với nhau khi những cơ cấu hiệp hành được tôn trọng và sử dụng. Sau cùng, bài thuyết trình áp dụng những suy tư ở chương bốn của HHDSSV để giải thích làm thế nào hoán cải mục vụ và truyền giáo giúp những thành viên trong giáo xứ cùng nhau thi hành sứ mạng của Đức Kitô.

 

I. Giới Thiệu Tài Liệu “Hiệp Hành trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh”

 

Ba năm sau bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các giám mục nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế soạn thảo tài liệu Hiệp Hành trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh (HHDSSV). Tài liệu này được phê duyệt bởi Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, và được phép của Đức Phanxicô để xuất bản vào ngày 2 tháng 3, 2018.

 

Nội dung của HHDSSV bao gồm dẫn nhập, kết luận, và bốn chương:

 

Dẫn nhập: Thời đại của tính hiệp hành

Chương 1: Tính hiệp hành trong Kinh Thánh, Truyền Thống, và lịch sử Giáo Hội

Chương 2: Hướng đến một nền thần học về tính hiệp hành

Chương 3: Thực hiện tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội

Chương 4: Hoán cải để canh tân tính hiệp hành

Kết luận: Dân Chúa cùng nhau lữ hành dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần

 

Theo Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, hiệp hành là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội như được chứng minh bởi Thánh Kinh và Truyền Thống:

 

Giáo huấn của Thánh Kinh và Truyền Thống cho thấy rằng tính hiệp hành là một chiều kích chính yếu của Hội Thánh. Nhờ tính hiệp hành, Hội Thánh biểu lộ và định hình mình như là Dân Thiên Chúa lữ hành và như một cộng đoàn do Chúa Phục Sinh triệu tập.[5]

 

Nhưng hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội nghĩa là gì? Bản văn của Ủy Ban Thần Học cho thấy rằng “hiệp hành” (synodality) đến từ danh từ “hội nghị” (synod).[6]Danh từ “hội nghị” được tạo thành bởi hai từ Hy Lạp (syn hodos), nghĩa là “với ai đó trên con đường.”[7]Như vậy, “hiệp hành” nghĩa là “cùng đi với nhau trên một con đường.” Giáo Hội hiệp hành là Giáo Hội như Dân Mới của Thiên Chúa cùng đi với nhau trên con đường hướng dẫn bởi Thần Khí của Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (Gioan 14:6).[8]

 

Từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội, lối sống hiệp hành được thể hiện rõ nét trong công đồng của các Tông Đồ tại Giêrusalem (Cv. 15). Đối diện với câu hỏi quan trọng và gây chia rẽ về việc phải cắt bì hay không theo truyền thống Môsê để đón nhận ơn cứu độ, Giáo Hội tại Antiôkia (Thổ Nhĩ Kỳ) gởi Phaolô và Banaba đi Giêrusalem để thảo luận với các Tông Đồ và trưởng lão (Cv. 15: 2). Khi gặp các tông đồ và trưởng lão tại Giêrusalem, Phaolô và Banaba trình bày những điều mà Thiên Chúa đã làm qua các ông; nhờ đó, nhiều người trong dân ngoại tin vào Tin Mừng. Tuy vậy, một số người Do Thái thuộc phái Pharisêu trở thành Kitô hữu nói rằng: Để dân ngoại được cứu độ, “phải làm phép cắt bì cho họ và truyền cho họ giữ luật Mô-sê” (Cv. 15: 5).

 

Sau khi lắng nghe quan điểm của hai bên, đại diện các Tông Đồ, Phêrô làm chứng cho tình yêu và ân sủng của Chúa đã cứu độ ông và những ai tin vào lời ông rao giảng. Theo Phêrô, “chính nhờ ân sủng của Chúa Giê-su mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách thức như những người dân ngoại” (Cv. 15, 11). Tiếp lời Phêrô, Banaba và Phaolô kể lại các điềm thiêng dấu lạ mà Thiên Chúa đã dùng hai ông mà thực hiện giữa dân ngoại (Cv. 15, 12). Sau đó, Giacôbê đại diện Giáo Hội tại Giêrusalem lên tiếng thay cho toàn thể cộng đoàn: “Phần tôi, tôi xét là chúng ta không được gây phiền hà cho những người dân ngoại trở lại với Thiên Chúa, nhưng chỉ viết thư khuyên bảo họ kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết” (Cv. 15, 19-20).

Trình thuật về công đồng Giêrusalem của các Tông Đồ cho thấy “văn hóa hiệp hành” hiện diện trong đời sống của Giáo Hội khi các Tông Đồ như Phêrô, Giacôbê, Phaolô, Banaba, lắng nghe nhau và lắng nghe Thánh Thần qua cách nhìn của mỗi người. Các quan điểm xung khắc ban đầu giữa những Kitô hữu thuộc phái Pharisêu tại Giêrusalem và những Kitô hữu đến từ Antiôkia với đại diện của họ là Phaolô và Banaba đã tìm thấy sự đồng thuận như hoa trái của phân định cộng đoàn để phục vụ sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.

 

Ngoài bằng chứng trên từ sách Công Vụ Tông Đồ để giải thích về hiệp hành như lối sống trong Giáo Hội tại công đồng Giêrusalem, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế phân tích lịch sử Giáo Hội từ thiên niên kỷ thứ nhất (1 – 1000) đến thiên niên kỷ thứ hai (1001 – 2000) để cho thấy văn hóa hiệp hành trong Giáo Hội được thể hiện rõ nét qua các công đồng đại kết. Một cách cụ thể, qua những công đồng như Nixêa (325), Constance (1414 – 1418), Trentô (1545 – 1563) và Vatican I (1869 – 1870), Giáo Hội như Dân Thiên Chúa có thể bảo vệ, loan truyền đức tin nhận từ các Tông Đồ, và tiếp tục thi hành sứ mạng của Chúa Giêsu.[9]

 

Nói tóm lại, theo Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, hiệp hành là một đặc tính, văn hóa hay lối sống đã và đang hình thành Giáo Hội trong lịch sử và thời gian. Giáo Hội không thể tồn tại, duy trì, phát triển và loan báo Tin Mừng nếu những thành viên trong Giáo Hội không lắng nghe nhau và lắng nghe Thánh Thần nói qua các vị chủ chăn. Qua sự hiệp thông và phân định giữa những thành viên trong Giáo Hội với cùng một đức tin, một phép rửa, và một Chúa, Giáo Hội cùng đi với nhau trong sự hướng dẫn của Thánh Thần trên con đường của Đức Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (Gioan 14: 6).

 

Làm thế nào hiệp hành như văn hóa hay lối sống của Giáo Hội trình bày ở trên được cụ thể hóa trong một giáo xứ của giáo phận? Để trả lời câu hỏi này, phần hai của bài thuyết trình áp dụng những suy tư của Ủy Ban Thần Học ở chương ba của tài liệu HHDSSV để cho thấy rằng thành viên trong một giáo xứ có thể lắng nghe Thánh Thần và cùng đi với nhau khi những cơ cấu hiệp hành được tôn trọng và sử dụng.

 

II. Cơ Cấu Duy Trì và Xây Dựng Lối Sống Hiệp Hành trong Giáo Xứ

 

Theo Ủy Ban Thần Học Quốc Tế,

 

Giáo xứ là cộng đoàn … nơi mà người tín hữu học cách sống như những môn đệ của Chúa Giêsu trong một mạng lưới các mối tương quan huynh đệ và kinh nghiệm hiệp thông trong nhiều ơn gọi và các thế hệ, các đặc sủng, các thừa tác vụ và chức năng tạo thành một cộng đoàn chân chính, nơi mọi người cùng chung sống với sứ vụ của mình và phục vụ trong hòa hợp nhờ những đóng góp cụ thể của hết mọi người.[10]

 

Định nghĩa về giáo xứ của Ủy Ban Thần Học cho thấy rằng, trước hết, giáo xứ là cộng đoàn các tín hữu được thiết lập bởi Đức Giám Mục trong Giáo Hội địa phương, quản trị bởi một linh mục, dưới quyền của Đức Giám Mục. Kế đến, giáo xứ là nơi mà các tín hữu học cách sống như những môn đệ của Chúa Giêsu trong mạng lưới các mối tương quan giữa các thế hệ, sở hữu những đặc sủng (charisma) khác nhau ban tặng bởi Thánh Thần. Sau cùng, giáo xứ là nơi mà mọi thành viên thi hành sứ vụ truyền giáo như ơn gọi phục vụ của mình trong sự hòa hợp giữa những người con cái của Thiên Chúa. Nói cách khác, giáo xứ là một cộng đoàn những người môn đệ của Đức Kitô và là nơi chốn của sự hiệp thông; qua đó, linh mục, dưới quyền của Đức Giám Mục, tập họp Dân Chúa để cử hành phụng vụ, giảng dạy cho họ lời của Đức Ki-tô, và hướng dẫn họ thực thi đức ái qua các việc từ thiện và truyền giáo.

 

Để xây dựng và duy trì lối sống hiệp hành trong giáo xứ, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đề nghị thiết lập và duy trì hai cơ cấu: (1) Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ; (2) Hội Đồng Tài Chính.

 

Trong giáo xứ có hai cơ cấu có tính cách hiệp hành: hội đồng mục vụ giáo xứ và hội đồng tài chính, với sự tham gia của giáo dân trong việc tham vấn và lập kế hoạch mục vụ … Mang lại năng động hiệp hành hữu hiệu trong một Hội Thánh địa phương cũng đòi hỏi hội đồng mục vụ Giáo Phận và các hội đồng mục vụ giáo xứ phải hoạt động theo cách phối hợp và được nâng cấp một cách thích hợp.[11]

 

Mặc dù Ủy Ban Thần Học Quốc Tế không minh nhiên giải thích vì sao Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ và Hội Đồng Tài Chính là hai cấu trúc cần được thiết lập trong giáo xứ để xây dựng văn hóa hiệp hành, người đọc có thể hiểu ý định của Ủy Ban Thần Học khi Ủy Ban đề cập đến “sự tham gia của giáo dân trong việc tham vấn và lập kế hoạch mục vụ.” Nói cách khác, một giáo xứ hiệp hành là cộng đoàn của sự hiệp thông nơi mà mọi Kitô hữu lắng nghe nhau, lắng nghe Thánh Thần, tham gia đồng trách nhiệm, để biết những điều mà Thần Khí muốn nói với Hội Thánh. Những thành viên này bao gồm mục tử, giáo dân, và tu sĩ được chọn để hình thành Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ và Hội Đồng Tài Chính.

 

Những cơ cấu hiệp hành này giảm trừ “chủ nghĩa giáo sĩ” (clericalism) mà Đức Phanxicô đã đề cập đến trong một số bài giảng của ngài.[12]Theo Đức Giáo Hoàng, chủ nghĩa giáo sĩ hay văn hóa giáo sĩ trị được hình thành và nuôi dưỡng không những bởi các giáo sĩ nhưng còn cả sự đóng góp của các giáo dân.[13]Điều đáng ngạc nhiên ở đây là chính các giáo dân đã và đang góp phần vào sự hình thành văn hóa giáo sĩ trị trong Giáo Hội, nơi đó giáo dân tôn trọng giáo sĩ và vai trò của giáo sĩ đến độ lãng quên hay hạ thấp vai trò và ơn gọi của giáo dân như những môn đệ của Đức Kitô, những người nhận từ Đấng Phục Sinh sứ vụ truyền giáo. Chủ nghĩa giáo sĩ, theo Đức Phanxicô “không những hủy hoại tính cách của các Kitô hữu nhưng còn có khuynh hướng giảm trừ ân sủng của bí tích Rửa Tội mà Thánh Thần đã đặt trong tim của Dân Chúa.”[14]

 

Trong bài giảng lễ Thứ Năm Tuần Thánh tại Vatican vào ngày 18 tháng 4, 2019, Đức Phanxicô giải thích gốc rễ của chủ nghĩa giáo sĩ qua câu chuyện giữa các môn đệ và Chúa Giêsu trong tương quan với đám đông tìm đến nghe Ngài giảng dạy (Matthêô 14: 13 – 21). Khi các môn đệ muốn Chúa Giêsu giải tán đám đông để các ông nghỉ ngơi và ăn uống vì chiều tối đến, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy cho họ ăn” (Matthêô 14:16). Dựa trên trình thuật này của Phúc Âm Matthêô, Đức Phanxicô nói với các giám mục và linh mục đồng tế với ngài trong thánh lễ Truyền Dầu rằng khởi đầu của chủ nghĩa giáo sĩ đến từ ước muốn của giáo sĩ khi họ đặt quyền lợi và sự thoải mái của mình trên nhu cầu phục vụ tha nhân.[15]Khi giáo sĩ tìm kiếm sự thoải mái cho riêng mình, lấy mình làm trung tâm, xem mình thuộc về một nhóm ưu tuyển đến độ lãng quên lệnh truyền của Chúa Giêsu để phục vụ chăm sóc đàn chiên, những môn đệ ấy đã và đang sống trong văn hóa của chủ nghĩa giáo sĩ.

 

Đối diện với chủ nghĩa giáo sĩ có khuynh hướng cản trở văn hóa hiệp hành trong đời sống Giáo Hội, đặc biệt trong bối cảnh của giáo xứ, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đề nghị thiết lập và duy trì Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ và Hội Đồng Tài Chính. Việc thiết lập và duy trì hai cấu trúc hiệp hành này ở cấp độ giáo xứ minh họa cách cụ thể định nghĩa về hiệp hành của Đức Phanxicô trong bài giảng của ngài kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới: “Giáo Hội hiệp hành là Giáo Hội của sự lắng nghe.”[16]Nói cách khác, theo Đức Phanxicô, linh mục quản xứ cần lắng nghe, phân định với những thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ và Hội Đồng Tài Chính trước khi quyết định những vấn đề quan trọng trong giáo xứ của mình.

 

Điểm đặc biệt trong đề nghị của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế không những là sự thiết lập và duy trì cơ cấu hiệp hành như Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ và Hội Đồng Tài Chính, nhưng còn là sự phối hợp cùng hoạt động giữa Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ và Hội Đồng Mục Vụ giáo phận. “Mang lại năng động hiệp hành hữu hiệu trong một Hội Thánh địa phương cũng đòi hỏi hội đồng mục vụ Giáo Phận và các hội đồng mục vụ giáo xứ phải hoạt động theo cách phối hợp và được nâng cấp một cách thích hợp.”[17]Sự phối hợp giữa hai cấu trúc trong một giáo phận bảo đảm văn hóa hiệp hành trong giáo hội địa phương giữa linh mục đoàn và giám mục, giữa các linh mục với giáo dân của mình.

 

Nhưng làm thế nào đề nghị của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế liên quan đến Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ và Hội Đồng Tài Chính có thể được tiếp nhận vào đời sống của giáo xứ? Để trả lời câu hỏi này, phần ba của bài thuyết trình áp dụng những suy tư của Ủy Ban Thần Học ở chương bốn của tài liệu HHDSSV để giải thích làm thế nào hoán cải mục vụ và truyền giáo là cần thiết để những thành viên trong giáo xứ tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô.

 

III. Hoán Cải Mục Vụ và Truyền Giáo để Hiệp Hành

trong Giáo Xứ

 

Theo Ủy Ban Thần Học, Giáo Hội được mời gọi hoán cải mục vụ và truyền giáo nếu những thành viên của Giáo Hội muốn hiệp hành tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô. Sự hoán cải liên quan đến “việc thay đổi não trạng, thái độ, thực hành và cấu trúc, để ngày càng trung thành hơn với ơn gọi của Giáo Hội.”[18]Nói cách khác, những thành viên trong giáo phận hay giáo xứ chỉ có thể hiệp hành với hai cấu trúc đề cập ở trên khi những suy nghĩ sau cần được loại bỏ:

 

(1)   tập trung trách nhiệm truyền giáo trong thừa tác vụ của các mục tử

(2)   giáo sĩ không đánh giá đúng về đời sống thánh hiến và đặc sủng của tu sĩ

(3)   giáo sĩ hiếm khi vận dụng sự đóng góp đặc thù và chuyên môn của giáo dân, bao gồm cả những phụ nữ, trong các lĩnh vực của họ.[19]

 

Việc thay đổi não trạng liên quan đến vai trò của giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ và sự cộng tác hiệp hành trong cùng một sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là một tiến trình lâu dài đòi hỏi sự ý thức và học hỏi của toàn thể mọi thành phần của Dân Chúa. Liên quan đến sự hoán cải mục vụ và truyền giáo trong đời sống một giáo xứ của Giáo Hội tại Việt Nam, cơ cấu hiệp hành đề cập đến bởi Ủy Ban Thần Học như Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Tài Chính đã được tiếp nhận.

 

Một cách cụ thể, trong khi Hội Đồng Tài Chính giúp các linh mục quản xứ hình thành ngân sách hàng năm cho giáo xứ và quản lý những chi tiêu của giáo xứ, Hội Đồng Mục Vụ bao gồm linh mục quản xứ và một số giáo dân được mời gọi cộng tác với cha xứ trong việc quản trị, tổ chức và điều hành các sinh hoạt mục vụ, góp phần xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn phụng thờ Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng (x. Giáo Luật 536, 537).

 

Trong thời gian hướng đến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Hiệp Hành, sự tham gia đồng trách nhiệm của giáo dân trong Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Tài Chính trở nên cần thiết. Tư duy “giáo sĩ trị” sẽ gây tác hại trầm trọng cho việc tham gia của giáo dân và tu sĩ, có nguy cơ gạt bỏ họ ra bên lề đời sống của Giáo Hội. Ở cấp độ giáo xứ, vai trò của giáo dân và tu sĩ rất quan trọng: đóng góp công sức, tiền của xây dựng cơ sở vật chất và các hoạt động mục vụ; dấn thân thực thi bác ái; tích cực tham gia các cử hành phụng vụ. Không có sự tham gia của giáo dân và tu sĩ vào đời sống giáo xứ, linh mục quản xứ sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiến trình xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn hiệp thông để hiệp hành truyền giáo theo lời mời gọi của Đức Kitô.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Câu Hỏi Thảo Luận

 

1.     Theo kinh nghiệm của cha, Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Tài Chính đóng góp như thế nào để hình thành văn hóa hiệp hành trong đời sống của giáo xứ?

2.     Các tổ chức của giáo xứ như Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Tài Chính theo Quy Chế của Giáo Phận có gì khác biệt hay ngược lại với lối sống hiệp hành trình bày bởi Ủy Ban Thần Học? Theo cha, điều gì cần được cải thiện hay thay đổi với cấu trúc của Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Tài Chính để những thành viên trong giáo xứ hiệp hành với nhau?

3.     Chia sẻ kinh nghiệm của cha về những thách đố khi xây dựng lối sống hiệp hành trong những sứ vụ của giáo xứ, đặc biệt trong việc cử hành Thánh Lễ và thi hành những hoạt động mục vụ như thăm viếng người nghèo, dạy giáo lý thiếu nhi …

 

 

 

 

 

 

Bài II: Canh Tân Mục Vụ Giáo Xứ Để Loan Báo Tin Mừng

 

Antôn Trần Thanh Tân

 

Dựa vào tài liệu “Hiệp Hành trong Đời Sống và Sứ Vụ Hội Thánh” soạn thảo bởi Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, bài thuyết trình đầu tiên của kỳ thường huấn đề nghị thiết lập và duy trì Hội Đồng Tài Chính và Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ để xây dựng “văn hóa hiệp hành” trong giáo xứ. Thêm vào đó, thành viên trong giáo xứ được mời gọi hoán cải mục vụ để trung thành với bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Nhưng làm thế nào giáo xứ trở thành cộng đoàn truyền giáo?

 

Bài thuyết trình thứ hai của kỳ thường huấn cho thấy giáo xứ trở thành cộng đoàn truyền giáo khi những thành viên trong giáo xứ ý thức rằng Đức Kitô thiết lập Giáo Hội để tiếp tục sứ mạng của Ngài. Được xây dựng trên nền tảng của các tông đồ, Giáo Hội tồn tại và phát triển khi những thành viên thi hành sứ mạng theo những canh tân mục vụ đề nghị bởi Bộ Giáo Sĩ trong huấn thị “Cải Tổ Mục Vụ Cộng Đoàn Giáo Xứ.”[20] Để làm rõ khẳng định trên, phần một của bài thuyết trình trích dẫn Thánh Kinh và Huấn Quyền liên quan đến Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội để tiếp tục sứ mạng của Ngài. Phần hai cho thấy phần lớn Dân Chúa trong nhiều giáo xứ chưa tham gia sứ mạng truyền giáo vì họ chưa hoàn toàn ý thức ơn gọi Kitô hữu của mình. Sử dụng huấn thị “Cải Tổ Mục Vụ Cộng Đoàn Giáo Xứ,” phần ba đề nghị những canh tân mục vụ để xây dựng văn hóa hiệp hành giữa những thành viên trong giáo xứ.

 

I. Truyền Giáo như Sứ Mạng của Giáo Hội

 

Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội qua toàn bộ cuộc đời, cái chết, và sự phục sinh của Ngài.[21] Một cách cụ thể, Ngài chọn và gọi nhóm mười hai môn đệ để họ ở với Ngài và học từ Ngài. Ngài giúp các ông hiểu về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Ngài sai các ông lên đường truyền giáo (Maccô 3:13; cf. Mathêô 10:1-42). Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể như dấu chỉ hữu hình sự hiện diện của Ngài với các môn đệ. Ngài rửa chân cho họ để nêu gương về sự phục vụ trong Giáo Hội (Gioan 13: 1-15). Trước khi về cùng Cha, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về sứ mạng truyền giáo và mời gọi họ trở thành những chứng nhân Nước Trời: Anh em “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là những chứng nhân về những điều này” (Luca 24: 46-48).

 

Công đồng Vatican II tiếp nối lời mời gọi truyền giáo của Chúa Giêsu khi các giám mục của công đồng khẳng định bản chất của Giáo Hội là truyền giáo: “Giáo Hội lữ hành là truyền giáo trong chính bản chất của Giáo Hội, vì Giáo Hội đến từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần như nguồn sống của Giáo Hội, theo ý định của Chúa Cha” (Ad Gentes 2).[22] Nói cách khác, Giáo Hội được thiết lập bởi Chúa Giêsu để tiếp nối sứ mạng của Ngài dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sứ mạng ấy được thể hiện qua nhiều sứ vụ khác nhau tùy thuộc vào những bối cảnh cụ thể như loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, làm chứng cho niềm tin vào Chúa Giêsu, xây dựng giáo xứ nơi những người chưa tin vào Đức Kitô … Nguồn gốc của sứ mạng Giáo Hội đến từ ý định của Chúa Cha, “Đấng mong mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, vì chỉ có một Chúa, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, Đấng trở thành giá chuộc cho muôn người (1 Timothy 2:45)” (Ad Gentes 7).

Sau khi công đồng Vatican II kết thúc vào ngày 8 tháng 12 năm 1965, các giáo hoàng như Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Biển Đức XVI và Phanxicô đã tiếp nhận (reception) huấn quyền của công đồng khi các ngài mời gọi mọi thành viên trong Giáo Hội loan báo tin mừng.[23] Nói theo ngôn ngữ của Đức Phaolô VI trong tông huấn Loan Báo Tin Mừng, Evangelii Nuntiandi, “Giáo Hội là một nhà truyền giáo và Giáo Hội khởi đầu bằng cách được truyền giáo.”[24] Cùng quan điểm với Đức Phaolô VI, Đức Phanxicô khẳng định như sau trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng,Evangelii Gaudium: “Giáo Hội … là cộng đoàn của những môn đệ truyền giáo, những người đã khởi đầu, những người tham gia vào các sứ vụ và hỗ trợ nhau, những người sinh hoa trái và hạnh phúc với những hoa trái của chính mình.”[25]

 

Giáo Hội, theo Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium của công đồng Vatican II, là một mầu nhiệm, là Thân Thể Đức Kitô, là Bí Tích, và là Dân Mới của Thiên Chúa (Lumen Gentium 1, 7, 13).[26] Những thành viên của Giáo Hội bao gồm không chỉ các giám mục, linh mục và tu sĩ nhưng còn các giáo dân. Vì vậy, vai trò truyền giáo mà Chúa Giêsu mời gọi Giáo Hội qua Thánh Kinh, Vatican II và huấn quyền của các giáo hoàng từ Phaolô VI cho đến Phanxicô không chỉ dành riêng cho các tu sĩ và giáo sĩ, nhưng còn cho mọi giáo dân khi họ đón nhận bí tích rửa tội, thêm sức, và thánh thể để tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô như lời Ngài truyền dạy các tông đồ tại Galilê: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em, và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mathêô 28: 19-20).

 

Những phân tích trên cho thấy rằng theo Thánh Kinh và Huấn Quyền Giáo Hội từ Vatican II cho đến Đức Phanxicô, sứ mạng của Giáo Hội là truyền giáo. Nói cách khác, loan báo Tin Mừng là lý do Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội đã loan báo Tin Mừng như thế nào ở các giáo xứ và giáo phận của Việt Nam? Phải chăng mọi thành phần trong Dân Chúa đều đã ý thức về truyền giáo như lệnh truyền của Chúa?

 

II. Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ của Chúa

 

Lệnh truyền của Chúa Giêsu với các tông đồ trong Tin Mừng Matthêô 28: 19-20 bao gồm bốn động từ: (1) hãy đi, (2) làm cho muôn dân trở thành môn đệ, (3) rửa tội muôn dân và (4) giảng dạy họ. Theo các học giả Kinh Thánh Tân Ước, “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” là động từ chính yếu và là trung tâm của bốn động từ trong lệnh truyền của Chúa Giêsu đối với các môn đệ. Nói cách khác, ba động từ còn lại bổ sung ý nghĩa cho động từ chính yếu và chỉ có thể được hiểu trong tương quan với động từ chính yếu này. Như thế, điều mà Chúa Giêsu truyền dạy Giáo Hội trước khi Ngài trở về cùng Cha là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ,” rửa tội cho họ, và giảng dạy họ những điều mà Giáo Hội đón nhận từ cuộc đời, cái chết, và sự phục sinh của Chúa.

 

Trong ngôn ngữ Hy Lạp của Kinh Thánh Tân Ước, “môn đệ” nghĩa là người học trò. Người học trò của Chúa Giêsu là người yêu mến Ngài, bước theo Ngài, và dấn thân vào tiến trình học tập với Ngài. Hiểu như thế về ý nghĩa của từ “môn đệ,” chúng ta nhận ra rằng sứ vụ truyền giáo mà Chúa Giêsu mời gọi chưa thể hoàn thành trong nhiều giáo xứ của Giáo Hội tại Việt Nam.

 

Khi nói chuyện với các linh mục Dòng Tên nhận trách nhiệm mục vụ giáo xứ, các ngài thừa nhận rằng những người biết Chúa, kinh nghiệm sự hiện diện của Ngài, lắng nghe lời Ngài, và tham dự thánh lễ hàng ngày trong cộng đoàn giáo xứ mà các cha đang phục vụ tại Hiển Linh – Thủ Đức, Thiên Thần – Quận II, Hòa Minh – Đà Nẵng, và Ngọc Mạch – Hà Nội, chiếm khoảng 10% đến 15% tổng số những thành viên trong giáo xứ. Nếu 85% đến 90% những thành viên trong một giáo xứ, những người đã được rửa tội và được mời gọi trở nên môn đệ của Chúa để loan báo Tin Mừng, chưa thực sự biết Chúa Giêsu cách thiết thân và yêu mến Ngài như một môn đệ, làm thế nào giáo xứ trở thành cộng đoàn truyền giáo?

 

Để giáo xứ trở thành cộng đoàn loan báo tin mừng, phần kế tiếp của bài thuyết trình sử dụng huấn thị về “Cải Tổ Mục Vụ Cộng Đoàn Giáo Xứ” của Bộ Giáo Sĩ.[27] Huấn thị này đề nghị những canh tân mục vụ trong giáo xứ với mục đích khuyến khích sự hiệp hành giữa những thành viên để loan báo tin mừng như sứ vụ chính yếu của Giáo Hội.

 

III. Canh Tân Mục Vụ trong Giáo Xứ để Hiệp Hành Loan Báo Tin Mừng

 

Huấn thị về “Cải Tổ Mục Vụ Cộng Đoàn Giáo Xứ” được ban hành bởi Đức Hồng Y Beniamino Stella, tổng trưởng của Bộ Giáo Sĩ, tại Rôma vào ngày 29 tháng 6 năm 2020, lễ trọng kính thánh Phêrô và Phaolô. Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển ngữ Huấn Thị, và sau đó, đăng nó trên website của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vào ngày 9 tháng 9, 2022. Nội dung của huấn thị bao gồm 11 chương bàn về những chủ đề như giáo xứ trong hoàn cảnh hiện nay, truyền giáo như kim chỉ nam để canh tân mục vụ giáo xứ, các thừa tác vụ trong giáo xứ … Huấn thị trình bày ba ý tưởng sau đây giúp canh tân mục vụ giáo xứ và xây dựng văn hóa hiệp hành trong sứ vụ loan báo tin mừng: (1) ý thức về giá trị của giáo xứ để truyền giáo trong bối cảnh hiện nay; (2) thay đổi não trạng của giáo sĩ; và (3) hình thành tổ chức đồng trách nhiệm trong giáo xứ.

 

1.     Ý Thức về Giá Trị của Giáo Xứ để Truyền Giáo trong Bối Cảnh Hiện Nay

 

Cùng một định hướng như huấn quyền của Vatican II và các giáo hoàng như Phaolô VI và Phanxicô, huấn thị nhấn mạnh đến truyền giáo như bản chất của Giáo Hội. Để thực hiện công cuộc truyền giáo trong hoàn cảnh hiện nay, những thành viên trong giáo xứ cần ý thức về vai trò và giá trị không thể thay thế của giáo xứ. Huấn thị định nghĩa giáo xứ như “một ngôi nhà ở giữa các ngôi nhà và là lời giải đáp cụ thể mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu, Đấng đang sống và hoạt động giữa cộng đoàn.”[28] Giáo xứ đóng vai trò như “nơi thờ phượng, một dấu chỉ của việc Chúa Phục Sinh luôn hiện diện giữa Dân Người.”[29] Nói cách khác, giáo xứ là một không gian cụ thể mà nơi đó, Dân Chúa quy tụ xung quanh Đấng Phục Sinh hiện diện qua các linh mục để được nuôi dưởng bởi lời và mình máu của Ngài; nhờ đó, họ biết Chúa hơn mỗi ngày, trở thành môn đệ được sai đi loan báo tin mừng. Hiểu như thế về vai trò của giáo xứ, chúng ta nhận ra giá trị không thể thay thế của giáo xứ trong công cuộc truyền giáo.

 

Khi xác định truyền giáo như kim chỉ nam cho canh tân mục vụ trong giáo xứ, huấn thị nhấn mạnh rằng giáo xứ “không chỉ là một không gian địa lý [như đã đề cập ở trên], mà còn là bối cảnh nơi đời sống con người được thể hiện qua các mối quan hệ, qua việc phục vụ lẫn nhau, và qua truyền thống lâu đời. Chính trong ‘lãnh thỗ hiện sinh’ này mà Hội Thánh đang phải đối diện với những thách đố đang diễn ra trong lòng cộng đoàn.”[30] Những thách đố với giáo xứ hôm nay, theo Bộ Giáo Sĩ, đến từ những thay đổi văn hóa trong thế giới và những mối quan hệ biến chuyển theo lãnh thổ. Một cách cụ thể, Bộ Giáo Sĩ đề cập đến “văn hóa kỹ thuật số ảnh hướng đến các thế hệ trẻ,” “chủ nghĩa toàn cầu hóa,” “chủ nghĩa cá nhân,” và “sự thiếu ràng buộc giữa các cá nhân trong một thế giới ảo” như những dấu chỉ thời đại thách đố đời sống và sứ vụ của giáo xứ hiểu theo nghĩa truyền thống.[31]

 

Đối diện với những thách đố để truyền giáo trong bối cảnh hiện nay, Bộ Giáo Sĩ đề nghị cải tổ cơ cấu trong Giáo Hội khởi đầu với “sự thay đổi não trạng và đổi mới tâm hồn, nhất là những người được trao phó trọng trách lãnh đạo mục vụ. Để trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô, các mục tử và đặc biệt các cha xứ là những ‘cộng sự viên đặc biệt của Giám Mục,’ phải biết rõ nhu cầu cấp bách cải cách các hoạt động mục vụ theo hướng truyền giáo.”[32] Đây là một chủ đề thú vị khi Bộ Giáo Sĩ và Đức Phanxicô, như trình bày ở bài thuyết trình đầu tiên, cùng nhấn mạnh đến “chủ nghĩa giáo sĩ” (clericalism) và sự cần thiết phải thay đổi não trạng của giáo sĩ để xây dựng “văn hóa hiệp hành” trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh.

 

2.     Thay Đổi Não Trạng của Giáo Sĩ

 

Như đã đề cập đến trong bài thuyết trình đầu tiên, Giáo Hội hiệp hành theo Đức Phanxicô là Giáo Hội của sự lắng nghe, một sự lắng nghe lẫn nhau, mà qua đó, mọi người đều có điều gì đó để học từ Thánh Thần, Đấng đang nói qua những thành viên của Giáo Hội.[33] Để những thành viên trong giáo xứ có thể lắng nghe nhau và cùng tham gia vào sứ vụ của Đức Kitô, Bộ Giáo Sĩ chỉ ra rằng “cần phải vượt qua, không những quan niệm giáo xứ tự quy chiếu về mình mà còn quan niệm ‘giáo sĩ hóa việc mục vụ.’”[34] Quan niệm “giáo sĩ hóa việc mục vụ” đặt giáo sĩ làm trung tâm của sứ vụ truyền giáo đến độ lãng quên huấn quyền của Vatican II thể hiện qua bản văn của Bộ Giáo Sĩ khi khẳng định rằng “chính toàn thể cộng đoàn [Dân Thiên Chúa] là chủ thể chịu trách nhiệm về việc truyền giáo, vì Hội Thánh không chỉ là hàng giáo phẩm, mà là toàn thể Dân Thiên Chúa.”[35]

 

Vì Hội Thánh là toàn thể Dân Thiên Chúa và giáo sĩ chỉ là một phần trong Dân Thánh, nên “mỗi khi, trong tư cách là Hội Thánh, là mục tử, là người tận hiến, mà chúng ta quên mất điều xác tín này thì chúng ta đã lầm đường lạc lối.”[36] Nói cách khác, mục tử cần lắng nghe, tôn trọng, và khuyến khích những thành phần khác nhau trong giáo xứ tham gia vào các sứ vụ. Với sự cộng tác của những thành viên của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ và Hội Đồng Tài Chánh, linh mục quản xứ “phải khôn ngoan thực hành nghệ thuật phân định để giúp cho đời sống giáo xứ được phát triển và trưởng thành, khi tôn trọng các ơn gọi và thừa tác vụ khác nhau.”[37]

 

Thêm vào đó, linh mục quản xứ cần hướng dẫn các thành viên trong giáo xứ nhận ra trách nhiệm làm chứng cho Đức Kitô trong đời sống của họ. Huấn thị viết như sau về trách nhiệm của mục tử: “Người mục tử, khi quảng đại phục vụ đoàn chiên, cũng phải dạy dỗ các tín hữu sao cho mỗi thành viên trong cộng đoàn cảm thấy mình có trách nhiệm và trực tiếp tham gia để đáp ứng các nhu cầu của Hội Thánh, bằng nhiều hình thức trợ giúp khác nhau trong tình liên đới, mà giáo xứ cần để chu toàn bổn phận mục vụ một cách tự do và hiệu quả.”[38]

 

Theo Bộ Giáo Sĩ, ngoài việc thay đổi não trạng “giáo sĩ hóa việc mục vụ” để canh tân mục vụ giáo xứ và loan báo tin mừng, Giáo Hội địa phương cần canh tân cơ cấu qua việc sử dụng các tổ chức đồng trách nhiệm như Hội Đồng Kinh Tế và Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ. Những hội đồng này góp phần vào tiến trình xây dựng văn hóa hiệp hành khi thành viên trong giáo xứ cùng nhau loan báo tin mừng của Đức Kitô.

 

3.     Hình Thành Các Tổ Chức Đồng Trách Nhiệm

trong Giáo Xứ

 

Cùng quan điểm với Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Bộ Giáo Sĩ khuyến khích thiết lập và duy trì Hội Đồng Kinh Tế và Hội Đồng Mục Vụ trong giáo xứ để xây dựng văn hóa hiệp hành. Điểm đặc thù của huấn thị về Cải Tổ Mục Vụ Cộng Đoàn Giáo Xứ so với bản văn của Ủy Ban Thần Học là những hướng dẫn chi tiết và cụ thể về sự vận hành của hai Hội Đồng này.

Như đã đề cập ở trên, vì Giáo Hội là Dân Thiên Chúa và các linh mục là một thành phần của Dân Thiên Chúa, các ngài cần sự cộng tác của giáo dân và tu sĩ trong việc quản trị tài sản và công cuộc loan báo tin mừng. Hội Đồng Kinh Tế được thiết lập “như một tổ chức tư vấn, do cha sở điều hành và có ít nhất ba người tín hữu khác; tối thiểu cần phải có ba người để Hội Đồng này được xem như là một ‘tập hợp’ nhân sự.”[39] Nhân sự của Hội Đồng Kinh Tế, theo Bộ Giáo Sĩ, không nhất thiết thuộc về chính giáo xứ. Những người này phải là những chuyên viên thuộc lãnh vực tài chính và luật pháp để có thể phục vụ cách hữu hiệu “trong việc phát triển, trong nội bộ cộng đoàn giáo xứ, nền văn hóa đồng trách nhiệm, sự minh bạch trong quản trị và phục vụ các nhu cầu của Hội Thánh.”[40]

 

Ngoài Hội Đồng Kinh Tế, huấn thị của Bộ Giáo Sĩ khẳng định tầm quan trọng của Hội Đồng Mục Vụ để xây dựng văn hóa hiệp hành trong Giáo Hội: “Các Hội Đồng Mục Vụ thật là cần thiết. Một Giám Mục không thể điều hành giáo phận mà không có các Hội Đồng Mục Vụ. Một linh mục chính xứ cũng không thể nào điều hành được nếu không có Hội Đồng Mục Vụ.”[41] Bộ Giáo Sĩ giải thích như sau trong huấn thị về sự cần thiết của Hội Đồng Mục Vụ để góp phần xây dựng văn hóa hiệp hành trong giáo xứ:

 

Hội Đồng Mục Vụ không thể chỉ là một cơ quan hành chánh, nhưng phải làm Dân Thiên Chúa nổi bật ở vị trí trung tâm và giúp thể hiện điều đó. Dân Chúa là chủ thể và là những người giữ vai trò tích cực trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng, bởi từng tín hữu thành viên đã đón nhận ơn của Chúa Thánh Thần trong Bí Tích Thánh Tẩy và Bí Tích Thêm Sức.[42]

 

Để thực sự hiện thực hóa “văn hóa hiệp hành” trong giáo xứ, “Hội Đồng Mục Vụ phải bao gồm những người thực sự đại diện cho cộng đoàn, mà Hội Đồng diễn tả qua tư cách các thành viên (linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân). Điều này làm nên một môi trường đặc biệt trong đó người tín hữu có thể thực thi quyền lợi và bổn phận nói lên ý kiến riêng của mình với các mục tử về tài sản của cộng đoàn giáo xứ và truyền thông cho các tín hữu khác.”[43] Được như thế, giáo xứ trở thành một cộng đoàn truyền giáo khi các thành viên cùng nhau lắng nghe và phân định để biết những điều mà Thần Khí của Đức Kitô muốn nói với Hội Thánh.

 

Câu Hỏi Thảo Luận

 

1.     Chia sẻ kinh nghiệm của cha trong việc kết nối mọi thành phần Dân Chúa, chẳng hạn giữa thành viên của giáo xứ với các hội dòng cũng như giữa các ban ngành đoàn thể trong giáo xứ. Đâu là những khó khăn và cách thức để vượt qua những khó khăn này?

2.     Chia sẻ kinh nghiệm của cha khi giúp Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Tài Chính cộng tác với cha như những “cộng sự viên” đích thực, chứ không như những “người thợ” chỉ đâu đánh đó. Theo kinh nghiệm của cha, cần có những xác tín và những thái độ nào?

3.     Chia sẻ kinh nghiệm của cha trong việc làm cho mọi hoạt động mục vụ của giáo xứ hướng về truyền giáo, theo cả hai nghĩa “đến với muôn dân” (Ad Gentes) và “ở giữa muôn dân” (Inter Gentes).

 

 

 

 

Bài III: Từ Cải Tổ Giáo Triều Rôma Đến

Canh Tân Giáo Xứ Theo Tinh Thần Giáo Hội Hiệp Hành

 

Giuse Phạm Hồng Thái

 

Vào ngày 19.03.2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Tông hiến Praedicate Evangelium (Anh em hãy loan báo Tin Mừng) và có hiệu lực ngày 05.06.2022 nhằm cải tổ Giáo Triều Rôma (Curia Romana). Việc cải tổ này giúp Giáo Hội thể hiện dung mạo của một Giáo Hội hiệp hành: Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ. Từ việc cải tổ Giáo Triều, chúng ta có thể học được những gì cho việc xây dựng một giáo xứ mang tính hiệp hành?

 

I. Tại Sao Phải Cải Tổ Giáo Triều Rôma?

 

1. Giáo Triều Rôma Là Gì?

 

Theo Giáo Luật 1983: “Giáo Triều Rôma thường được Đức Giáo Hoàng sử dụng để giải quyết những vấn đề của Giáo Hội phổ quát, hoàn thành nhiệm vụ của mình nhân danh và dưới quyền Đức Giáo Hoàng để mưu ích và phục vụ các Giáo Hội. Giáo Triều Rôma gồm có phủ Quốc Vụ Khanh hay Văn Phòng Thư Ký của Đức Giáo Hoàng, Hội Đồng Công Vụ Giáo Hội, các Bộ, các Tòa Án, và các cơ quan khác; cơ cấu và thẩm quyền của những tổ chức đó do luật riêng ấn định (GL, đ.360).

 

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô: “Giáo Triều Rôma là cơ quan điều hành trung ương, được Đức Giáo Hoàng trao quyền quản lý thành quốc Vatican và phục vụ Giáo hội Công giáo hoàn vũ với Đức Giáo Hoàng, người kế vị Thánh Phêrô, và các giám mục, những người kế vị các tông đồ, theo những phương thức phù hợp với bản chất của mỗi người, hoàn thành chức năng của mình với tinh thần Phúc Âm, làm việc vì lợi ích và nhằm phục vụ sự hiệp thông, hiệp nhất và gây dựng Giáo hội hoàn vũ và đáp ứng các yêu cầu của thế giới mà Giáo Hội được kêu gọi để hoàn thành sứ mệnh của mình (Praedicate Evangelium 1).

 

Vào thứ bảy, 19.03.2022, lễ thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tông hiến Praedicate Evangelium (Anh Em hãy Loan Báo Tin Mừng) thay thế tông hiến Pastor Bonus do Đức Gioan Phaolô II đã ban hành và có hiệu lực vào Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, 05.06.2022. Tông hiến mới trình bày một Giáo Triều với 16 Bộ, 03 tòa án, và 06 cơ quan kinh tế. Với Tông hiến này, việc cải tổ Giáo Triều được xem là hoàn tất.

 

 

2. Mục Tiêu của Cuộc Cải Tổ Giáo Triều

 

Trong tông hiến Praedicate Evangelium, Đức Thánh Cha nói về mục đích của cuộc cải tổ: “Cuộc cải tổ không phải là một mục đích tự thân, nhưng là một phương tiện mang lại chứng tá Kitô hữu mạnh mẽ.”[44] Cuộc cải tổ không nhằm vào việc thay đổi mục đích của hoạt động Giáo Triều [như đã được thiết lập bởi Đức Phaolô VI trong tông huấn Regimini Ecclesiae Universae (1967) và Gioan Phaolô II trong tông huấn Pastor Bonus (1988)], nhưng là mang lại một sự năng động mới cho Giáo Triều Rôma [để phục vụ sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội trong bối cảnh thế giới hôm nay].[45]

 

II. Sự Năng Động cho Giáo Triều Rôma

 

[Sự năng động mới] này được thấy chủ yếu trong các nguyên tắc mà chính văn kiện công bố, thậm chí trước khi nêu rõ các thẩm quyền của các Bộ. Có 11 nguyên tắc (principles and criteria) mà chúng ta có thể tóm tắt thành 3 trục:

 

- Phục vụ Đức Thánh Cha và sự hiệp thông của Giáo Hội, như Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Giáo triều Rôma liên quan đến giáo hoàng.”

- Phục vụ thừa tác vụ mục vụ của các Giám Mục,

- Sự hiệp thông và cộng tác giữa tất cả mọi người và tất cả các thể chế tạo nên Giáo Triều Rôma.

 

Đó là tính liên tục của Giáo Hội “đi ra”

 

Từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về sự cần thiết của một Giáo Hội “chuyển động”, một Giáo Hội “đi ra”. Đó không phải là một Giáo Hội hay Giáo Triều được xem như một cơ quan nhưng là một cộng đồng phải loan báo Tin Mừng, một sứ mạng mà Chúa Kitô đã giao phó cho tất cả Dân Thiên Chúa. Giáo Triều phải đặt mình trong một thái độ mục vụ, thái độ phục vụ các mục tử, đối thoại với họ, để giải quyết các vấn đề cụ thể mà mỗi người đang đương đầu.

 

Thúc đẩy các vùng truyền giáo

 

Theo các văn kiện của Công đồng Vatican II (1962 – 1965), việc loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho toàn thế giới là “một phận vụ rất quan trọng và thánh thiện của Giáo Hội” (x. Sắc lệnh Ad Gentes, số 29). Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh nhiệm vụ chính yếu này của Giáo Hội trong tông hiến Praedicate Evangelium, trong đó ngài cải tổ Giáo Triều, thiết lập Bộ Loan Báo Tin Mừng (x. đ.53), giao các hội giáo hoàng về truyền giáo (Pontifical Mission Societies) cho phân bộ đặc trách loan báo Tin Mừng cho các dân ngoại và các giáo phận mới (x. đ.67).

 

Nối kết việc cải tổ Giáo Triều với Công Đồng Vatican II

 

Ưu tiên rao giảng Tin Mừng. Làm thế nào để loan báo Tin Mừng trong một thời kỳ thay đổi mà cuối cùng chứng tỏ? Đó là thay đổi thời đại. Đó là hợp nhất thành một Bộ Loan Báo Tin Mừng (Dicastery for Evangelization) do Đức Giáo Hoàng lãnh đạo [kết hợp] giữa Bộ Loan Báo Tin Mừng và các Hội Đồng Giáo Hoàng về việc Tân Phúc Âm hóa (x. đ. 53-54).

 

Vai trò của giáo dân

 

Đức Thánh Cha đã nhắc lại: “Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục và những người lãnh nhận chức thánh không phải là những người duy nhất loan báo Tin Mừng trong Giáo Hội ... Mỗi Kitô hữu với quyền năng của bí tích Thánh Tẩy, là một tông đồ truyền giáo trong chừng mực gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô.”[46]Do đó, [Giáo Hội cần] sự tham gia của giáo dân nam và nữ trong vai trò quản trị và trách nhiệm. Nếu “bất cứ thành viên tín hữu nào” có thể chủ trì một bộ hay một cơ quan giáo triều “do năng quyền đặc thù, quyền cai trị và chức năng đặc thù của họ,”[47]đó là bởi vì mọi thể chế của Giáo triều đều hành động theo quyền lực được Đức Giáo hoàng giao phó cho họ.

 

Các Bộ được gọi là “dicasterium” và không còn gọi là “congregatio”. Giáo Triều Roma có 16 Bộ, 3 Tòa án, 6 cơ quan kinh tế. Các Bộ hay Dicasterium tương đương với “ministerium”, nghĩa là một cơ quan có chức năng, có cứu cánh. Các Hội Đồng (congregatio) cũng gọi là dicasterium.

 

III. Để Hướng Đến Giáo Hội Hiệp Hành, Cơ Cấu Phải Hiệp Hành

 

-        Xây dựng một Giáo Hội tham gia

 

Giáo Hội tham gia là sự tham gia của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội vào các hoạt động của Chúa Kitô. Mọi tín hữu trong Giáo Hội luôn được mời gọi hưởng ứng tích cực vào sự tham gia này. Giáo Hội là một cộng đoàn các Kitô hữu. Cộng đoàn này có một thân thể với Chúa Kitô là Đầu và mọi người là chi thể. Mỗi chi thể đều dự phần vào sứ mạng của Dân Chúa trong Giáo Hội cũng như trong thế giới, một cộng đoàn bình đẳng và đồng trách nhiệm. Cộng đoàn này luôn được mời gọi hãy sống với Chúa Kitô. Đó là sống thánh thiện, chia sẻ sứ vụ và hiệp thông với nhau. Sự hiệp thông của Giáo Hội là nét căn bản nhất cho mọi hoạt động tham gia của Giáo Hội.

 

-        Một cơ cấu phải có sự hiệp thông của nhiều người

 

Theo quản trị học, sự quản trị có thể đặt nền tảng trên ba (3) cột mốc này: con người – công việc – con người và công việc. Việc cải tổ Giáo Triều đặt nặng cột mốc con người và công việc. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, tính hiệp hành phải được cổ vũ trong mỗi Bộ. Cải cách Giáo triều phải có sự đóng góp của con người (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân).[48]Khi ngài nói về sự hiệp thông ở trong các Bộ, sự hiệp thông vốn phải là một dấu hiệu của sự hiệp thông trong Giáo Hội, một Giáo Hội vốn là dấu chỉ và bí tích của những gì Thiên Chúa muốn thực hiện với nhân loại. Đó chính là nền tảng của hiệp hành.

 

IV. Từ Cải Tổ Giáo Triều Đến Cải Tổ Giáo Xứ

 

1. Tạo điều kiện cho giáo dân quản trị giáo xứ

 

Trong việc cải tổ Giáo Triều, Đức Thánh Cha chấm dứt tình trạng toàn quyền của giáo sĩ trong ban điều hành các thể chế Tòa Thánh. Theo Đức Thánh Cha, quyền lực quản trị trong Giáo Hội không đến từ trật tự bí tích mà đến từ qui định của giáo luật. Vì vậy, bất cứ ai thực thi quyền lực trong Giáo Triều sẽ làm trong tư cách là đại diện của Đức Giáo Hoàng. Việc cải tổ Giáo triều cũng thiết lập “kỹ năng” (qualifications & expertise) như một tiêu chuẩn để chỉ định, nhưng trước hết phải khởi đi từ chính sứ vụ hơn là kỹ năng của người này người kia.[49]Và một số Bộ hay một số chức vụ, chức thánh vẫn cần thiết như Bộ trưởng Bộ giáo lý đức tin hay linh mục coi sóc giáo xứ.

 

[Cùng một thể thức như canh tân Giáo Triều], cha xứ cần lập Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ (HĐMVGX) và các ban ngành đoàn thể. Mỗi cha xứ sẽ vạch ra những đường hướng sống đạo, những mục tiêu cần vươn tới, những công việc cần thực hiện dựa theo những cuộc họp với HĐMVGX và các ban ngành đoàn thể. Sau đó, cha xứ dành cho HĐMVGX vạch ra kế hoạch thực hiện. Cha xứ chỉ giám sát, hướng dẫn hay giải quyết những phát sinh mà thôi, không can thiệp sâu vào những hoạt động đó. Ngoài ra, cha xứ còn tạo những cơ hội qua việc tổ chức các loại hình hoạt động tông đồ hay phụng tự để giáo dân tham gia vào.

 

Ba hình thức hoạt động tông đồ trong giáo xứ [của một linh mục] là quản trị, phụng vụ, và giáo lý [giảng dạy]. Ngoài những trách vụ mà giáo luật và mục vụ dành cho mục tử, các cha xứ cần tạo điều kiện cho giáo dân tham gia hoạch định và thực hiện. Ngoài ra, cha xứ cần nâng đỡ và tạo những điều kiện thuân lợi để giáo dân cống hiến hết những năng lực của mình. Một phương châm đáng nhớ: “Hãy cho giáo dân những nguyên liệu và vật tư để họ có thể gia công tốt.”

 

Phải tránh chủ nghĩa “giáo sĩ trị”. Linh mục theo chủ nghĩa giáo sĩ trị là người luôn qui về mình: thành phần ưu tuyển, là người thuộc giai cấp trên, là người chuyên quyền, độc đoán quyết định. [Theo Đức Phanxicô], linh mục theo giáo sĩ trị là người coi thường giáo dân, muốn điều khiển giáo dân nhưng dửng dưng trước sự đau khổ của họ. Linh mục theo chủ nghĩa giáo sĩ trị là người coi mình có tất cả những câu trả lời cho mọi vấn đề nên không biết lắng nghe, không biết gặp gỡ giáo dân, không cho giáo dân tham gia, có chăng thì chỉ là sai vặt giáo dân. Linh mục theo giáo sĩ trị coi chức vụ là quyền lực để ra lệnh, để điều khiển chứ không chấp nhận sự tham gia. Đức Thánh Cha Phanxicô định nghĩa : “Chủ nghĩa giáo sĩ trị phát xuất từ cái nhìn đặc quyền và ưu tuyển về ơn gọi, theo đó chức vụ được nhận lãnh bị xem như là một quyền lực để hành sử hơn là một ân huệ nhưng không và quảng đại để phục vụ và trao ban. Chủ nghĩa giáo sĩ trị khiến chúng ta tin rằng chúng ta thuộc về một tầng lớp cao cấp, có tất cả các câu trả lời cho mọi vấn đề và không còn cần phải lắng nghe hoặc học hỏi bất cứ điều gì. Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một sự sa đọa của hàng giáo sĩ.”

 

2. Mọi hoạt động phải mang tính loan báo Tin Mừng

 

Trong tông hiến Praedicate Evangelium, Đức Thánh Cha Phanxicô dành ưu tiên cho việc Loan Báo Tin Mừng [của Giáo Hội]. Ngài đặt Bộ Loan Báo Tin Mừng lên hàng đầu và là trung tâm, với các phân bộ, với việc hiệp nhất các Hội Giáo Hoàng về truyền giáo, với việc nhận làm Bộ Trưởng cho Bộ này.[50]Việc cải tổ Giáo Triều đã được chuẩn bị từ đầu triều đại giáo hoàng với tông hiến Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng.[51]Việc cải tổ Giáo Triều nhằm tạo ra một sự đột phá về Loan báo Tin Mừng. Nó nhắc nhở cứu cánh của Giáo Hội, định hướng của Giáo Hội. Nó ghi khắc sứ mạng của Giáo Hội trong sự ủy thác của Chúa Kitô: “Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (x. Mc 16, 15).[52]

 

[Cùng một đường hướng như tông hiến Praedicate Evangelium], khi chăm lo cho một xứ đạo, cha xứ phải coi mình như một người cha nhân hậu, có một tâm hồn độ lượng, một quan điểm nhân văn, lấy dân làm gốc, hiền lành khiêm nhường, thân thiện gần gũi, thương yêu tất cả mọi người không trừ ai, dù đó là người cá biệt, khô khan nguội lạnh, thậm chí những người đối lập, đối đầu, đối kháng, đối nghịch với cha xứ. Yếu tố đầu tiên để tạo một giáo xứ tham gia, một tập thể loan báo Tin Mừng không phải là những chương trình hay định hướng to lớn, những thành công hiển hách nhưng là con người của vị mục tử. Một mục tử biết yêu thương là một mục tử sẽ làm cho tình yêu lan tỏa. Bên cạnh đó, cha xứ phải cổ võ và định hướng mọi hoạt động mục vụ theo hướng loan báo Tin Mừng để giới thiệu Đức Giêsu, Tin Mừng, Giáo Hội, các giá trị tôn giáo căn bản như sự thật, công bằng, tình yêu và tự do.

 

3. Xây dựng một giáo xứ đầy yêu thương

 

[Theo Đức Phanxicô], việc cải tổ Giáo Triều Rôma phải quan tâm đến con người. Vì thế, một điểm đáng chú ý là Sở Từ Thiện của Đức Giáo Hoàng được nâng lên thành Bộ Phục Vụ Bác Ái (Dicastery for the Service of Charity), không còn là “người lo việc bác ái của Đức Thánh Cha” (Office of the Papal Almoner), nhưng là một cơ quan trung ương của Tòa Thánh: “Bộ này sẽ thi hành sứ vụ ở mọi nơi trên thế giới để nhân danh Đức Thánh Cha giúp đỡ những người nghèo, người yếu thế, người bị loại trừ.”[53]Trong cuộc cải tổ này, ba Bộ đứng hàng đầu: Bộ Loan Báo Tin Mừng, Bộ Giáo Lý Đức Tin (Dicastery for the Doctrine of the Faith), Bộ Phục Vụ Bác Ái.

 

[Cùng một cách thức như cải tổ Giáo Triều], trong một giáo xứ, cha xứ phải là người cổ võ việc bác ái không mệt mỏi cho những người nghèo. Cha xứ phải biết đau xót vì còn nhiều người nghèo, những người không biết đọc biết viết, không biết phân biệt phải trái, không biết Tin Mừng hay lẽ đạo, … Ngoài những hoạt động bác ái của giáo xứ, cha xứ cần khuyến khích Hội Đồng Mục Vụ, các ban ngành đoàn thể tích cực làm việc bác ái. Là mục tử, linh mục phải biết mùi chiên, thăm viếng giáo dân, ban các bí tích cho các bệnh nhân hàng tháng, giúp đỡ những dụng cụ lao động, xây sửa nhà đơn giản, mở quĩ khuyến học giúp học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, mở lớp tình thương về kiến thức hay nghề nghiệp nếu có điều kiện, quĩ trợ giúp người khuyết tật, người tàn phế, giúp tư vấn đời sống. Cha xứ cần xác định làm bác ái chứ không làm từ thiện. Làm từ thiện là qui về mình hay đoàn thể của mình. Còn làm bác ái là nhằm làm thăng tiến con người, tôn trọng nhân quyền và phẩm giá con người tức là qui tha nhân.

 

[Nói tóm lại], việc cải tổ Giáo Triều Rôma của Đức Phanxicô nhằm thay đổi hoạt động của Giáo Hội theo những thay đổi của thời đại, đồng thời cũng làm thay đổi thời đại. Đó là một Giáo Hội hiệp hành. Nó cũng phải là định hướng cho mọi hoạt động của giáo xứ theo hướng hiệp hành.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Câu Hỏi Thảo Luận

 

1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành tông hiến Praedicate Evangelium để cải tổ Giáo Triều Rôma nhằm loan báo Tin Mừng một cách hữu hiệu hơn. Cơ quan hay bộ phận nào trong giáo xứ của cha cần cải tổ để củng cố hiệp thông và thúc đẩy truyền giáo?

 

2. Một trong những điểm nổi bật của việc Cải Tổ Giáo Triều là tạo điều kiện cho giáo dân tham gia ngay trong vai trò quản trị và đảm nhận trách nhiệm của họ. Theo cha, có thể vận dụng điều này cho giáo xứ? Nếu không, thì tại sao? Nếu có, thì vận dụng thế nào?

 

3. Một trong những điểm nổi bật khác của việc Cải Tổ Giáo Triều là ưu tiên cho việc Loan Báo Tin Mừng và Phục Vụ Bác Ái. Cha đã làm những gì để ưu tiên cho hai lĩnh vực này trong giáo xứ?

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ TRƯƠNG

 

HUẤN THỊ BỘ GIÁO SĨ

 

Cải Tổ Mục Vụ Cộng Đoàn Giáo Xứ

Phục Vụ Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng của Hội Thánh

 

Dẫn nhập

 

1.  Suy tư Giáo hội học của Công đồng Vaticanô II, cùng với những chuyển biến xã hội và văn hóa trong những thập niên vừa qua, dẫn đến quyết định cho các Hội Thánh địa phương phải tổ chức lại việc ủy thác chăm sóc mục vụ tại cộng đoàn giáo xứ. Điều này có thể phát sinh những kinh nghiệm mới, nhờ việc đề cao chiều kích hiệp thông và, dưới sự hướng dẫn của các mục tử, thực hiện sự kết hợp hài hòa các đặc sủng và ơn gọi nhằm phục vụ công cuộc Loan báo Tin Mừng, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của việc Phúc-âm-hóa ngày nay.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, khởi đầu sứ vụ Phêrô, đã nhắc đến tầm quan trọng của “tinh thần sáng tạo”, nghĩa là “tìm kiếm những cách thức mới”, tức là “tìm cách thức tốt nhất để Loan báo Tin Mừng”; về điều này, Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Hội Thánh, và cả Bộ Giáo Luật, đều cung cấp cho chúng ta rất nhiều khả năng, nhiều tự do để tìm thực hiện những điều ấy.”[54]


 

2.  Những hoàn cảnh được phác thảo trong Huấn thị này trình bày một cơ hội quí giá để hoán cải mục vụ theo hướng truyền giáo. Các cộng đoàn giáo xứ sẽ tìm thấy trong tài liệu này lời mời gọi ra khỏi chính mình, khi đưa ra những phương thế cải tổ, cả về mặt cơ cấu, trong tinh thần hiệp thông và cộng tác, gặp gỡ và liên kết, thương xót và quan tâm đến công cuộc Loan báo Tin Mừng.

 

I. HOÁN CẢI MỤC VỤ

 

3.  Hoán cải mục vụ là một trong những chủ đề chính trong “giai đoạn mới của công cuộc Loan báo Tin Mừng”[55] mà Hội Thánh được mời gọi phải thúc đẩy ngày nay, nhờ đó các cộng đoàn Kitô hữu ngày càng trở nên những trung tâm giúp mọi người gặp gỡ Đức Kitô.

 

Về phương diện này, Đức Thánh Cha khuyên nhủ rằng: “Nếu có điều gì khiến chúng ta trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là việc có rất nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi từ tình bằng hữu với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không còn ý nghĩa và mục đích cho đời sống. Thay vì sợ đi lạc, tôi mong rằng chúng ta nên sợ mình bị giam hãm trong những cơ chế khiến chúng ta có một cảm giác an toàn giả tạo, trong những luật lệ khiến chúng ta thành những quan tòa khắc khe, trong những thói quen khiến cho chúng ta cảm thấy an toàn, trong khi ở cửa nhà chúng ta người ta đang đói khát và Đức Giêsu không ngừng nói với chúng ta: “Anh em hãy cho họ ăn đi!” (Mc 5,37)”[56]

 

4.  Được thúc đẩy bởi mối quan tâm này, Hội Thánh “trung thành với truyền thống của mình và đồng thời cũng ý thức sứ mệnh phổ quát của mình, có thể liên kết với nhiều hình thức văn hóa khác nhau, qua đó, chính Hội Thánh cũng như các nền văn hóa được thêm phong phú”[57]. Sự gặp gỡ phong nhiêu và đầy sáng tạo giữa Tin Mừng và văn hóa sẽ dẫn đến sự tiến bộ thực sự: một mặt, Lời Thiên Chúa nhập thể trong lịch sử nhân loại và đổi mới lịch sử ấy; mặt khác, “Hội Thánh […] có thể được thêm phong phú và thực sự là như thế nhờ sự phát triển của đời sống xã hội nhân loại”[58], nhờ đó sứ mạng mà Chúa Kitô trao phó cho Hội Thánh được đào sâu và diễn tả tốt hơn trong thời đại chúng ta ngày nay.

 

5.  Hội Thánh loan báo Ngôi Lời “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Ngôi Lời Thiên Chúa đó, Đấng hằng yêu thích ở giữa loài người với sự giàu có vô tận của Người[59], được các dân tộc khác nhau trên thế giới đón nhận, khơi dậy nơi họ những khát vọng cao quý nhất, như lòng khát khao Thiên Chúa, phẩm giá của từng con người, sự bình đẳng giữa mọi người và sự tôn trọng khác biệt trong gia đình nhân loại duy nhất, sự đối thoại như phương thế để tham dự, nỗi khát khao hòa bình, sự tiếp đón như một biểu lộ tình huynh đệ và liên đới, cùng nhau chăm lo thế giới tạo thành với tinh thần trách nhiệm.[60]

 

Cho nên, thật không thể tưởng tượng được rằng một sự mới mẻ như thế mà chưa được loan truyền đến tận cùng trái đất, lại còn giảm sút đi, hay còn tệ hơn nữa là biến mất.[61] Để cho hành trình của Ngôi Lời được tiếp tục, cộng đoàn Kitô hữu phải có một quyết định truyền giáo dứt khoát “có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, cách hành động, giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là để tự bảo tồn”[62].

 

 

 

 

 

 

II. GIÁO XỨ TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY

 

6.  Việc hoán cải theo hướng truyền giáo đề cập trên đây, đương nhiên đưa tới việc phải cải tổ các cơ cấu, liên quan đến giáo xứ cách riêng, tức là cộng đoàn qui tụ quanh Bàn Tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.

 

Giáo xứ có một lịch sử lâu dài, và ngay từ khởi đầu, đã đóng một vai trò nền tảng trong đời sống Kitô hữu, trong sự phát triển và hoạt động mục vụ của Hội Thánh. Chúng ta có thể thấy điều này trong các Thư của Thánh Phaolô. Nhiều văn bản của Ngài cho chúng ta thấy việc thành lập các cộng đoàn nhỏ như những hội thánh tại gia, mà Thánh Tông đồ gọi đơn giản là “nhà” (x.Rm 16,3-5; 1Cr 16,19-20; Pl 4,22). Với những “nhà” này, chúng ta hình dung sự ra đời của những giáo xứ đầu tiên.

 

7.  Từ lúc khai sinh, giáo xứ được hình dung như đáp ứng cho một nhu cầu mục vụ rõ rệt, cụ thể là đem Tin Mừng đến với dân chúng bằng việc thông truyền đức tin và cử hành các Bí tích. Nguyên nghĩa của từ “giáo xứ” cho thấy rõ ý nghĩa của cơ chế này: giáo xứ là một ngôi nhà ở giữa các ngôi nhà[63] và là lời giải đáp cụ thể mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô, Đấng đang sống và hoạt động giữa cộng đoàn. Vì thế, nét đặc trưng cụ thể của giáo xứ là một nơi thờ phượng, một dấu chỉ của việc Chúa Phục Sinh luôn hiện diện giữa Dân người.

 

8.  Tuy nhiên, cấu trúc hình thành theo địa giới của giáo xứ phải đối diện với một đặc điểm rất riêng của thế giới chúng ta ngày nay, trong đó, tính di động gia tăng và nền văn hóa kĩ thuật số mở rộng các ranh giới của đời sống. Một mặt, ngày nay người ta ít gắn bó hơn trong một khung cảnh địa lý rõ ràng và cố định, mà lại sống trong “một ngôi làng toàn cầu và đa nguyên”; đàng khác, không thể tránh khỏi nền văn hóa kĩ thuật số làm thay đổi khái niệm về không gian, cùng với ngôn ngữ và hành vi của con người, nhất là nơi thế hệ trẻ.

 

Hơn nữa, có thể dễ dàng giả định rằng công nghệ phát triển liên tục rốt cuộc sẽ làm cho tư duy của chúng ta thay đổi, cùng với nhận thức về bản thân và về đời sống xã hội. Sự thay đổi nhanh chóng, các mô hình văn hóa nối tiếp nhau, việc đi lại dễ dàng và tốc độ truyền thông đang làm thay đổi nhận thức về không gian và thời gian.

 

9.  Là một cộng đoàn tín hữu sống động, giáo xứ tự thấy mình ở trong một bối cảnh mà sự ràng buộc về lãnh thổ rõ ràng càng ít đi, trong khi những điểm nối kết càng ngày càng gia tăng và những mối tương quan liên vị có nguy cơ tan biến vào một thế giới ảo không còn có một dấn thân hay trách nhiệm nào với người thân cận của mình nữa.

 

10.Điều đáng lưu ý là những thay đổi văn hóa đó và những mối quan hệ biến chuyển theo lãnh thổ, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, đang thúc đẩy Hội Thánh phân định lại cách mới mẻ về cộng đoàn, “đó là nhìn thực tại bằng con mắt của Thiên Chúa, trong nhãn quan hiệp nhất và hiệp thông”[64]. Toàn thể Dân Chúa cần mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa Thánh Thần để khởi đầu tiến trình “canh tân” bộ mặt Hội Thánh.

 

III. GIÁ TRỊ CỦA GIÁO XỨ NGÀY NAY

 

11.Nhờ sự phân định này, giáo xứ được mời gọi nhận ra các dấu chỉ của thời đại, khi đáp ứng nhu cầu của các tín hữu và những biến chuyển lịch sử. Cần phải có một sức sống mới giúp tái khám phá ơn gọi của những người đã được rửa tội là trở nên môn đệ của Đức Giêsu Kitô và là nhà thừa sai rao giảng Tin Mừng, dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II và Huấn quyền sau Công đồng.

 

12.Các Nghị phụ Công đồng đã tiên liệu trước khi viết: “việc chăm sóc các linh hồn cần phải luôn thấm nhuần tinh thần truyền giáo”[65]. Tiếp nối giáo huấn này, Thánh Gioan Phaolô II chỉ rõ rằng: “Mặc dù giáo xứ phải được xây dựng hoàn hảo hơn và được hội nhập vào rất nhiều hình thức khác nhau, giáo xứ vẫn là một tổ chức thiết yếu quan trọng hàng đầu trong cơ cấu hữu hình của Hội Thánh”, nhờ đó “việc Loan báo Tin Mừng trở thành là trục trung tâm của mọi hoạt động mục vụ, đòi hỏi của việc Loan báo Tin Mừng là cơ bản, quan trọng nhất, và ưu tiên”[66]. Rồi đến Đức Bênêđictô XVI, ngài đã dạy rằng: “giáo xứ là ngọn hải đăng tỏa chiếu ánh sáng đức tin và như thế đáp ứng những khát vọng sâu xa và chân thực nhất của tâm hồn con người, đem lại ý nghĩa và hy vọng cho đời sống cá nhân và gia đình”[67]. Sau cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở “giáo xứ phải khích lệ và đào tạo để các thành viên trở nên người loan báo Tin Mừng”[68].

 

13.Để làm gia tăng hơn nữa tầm quan trọng trung tâm của sự hiện diện thừa sai của cộng đoàn Kitô hữu trong thế giới[69], điều quan trọng không phải chỉ là suy tư về một kinh nghiệm mới của giáo xứ, nhưng còn là suy tư về thừa tác vụ và sứ vụ của linh mục, là người cùng với giáo dân, có nhiệm vụ trở thành “muối và ánh sáng trần gian” (x.Mt 5,13-14), một “ngọn đèn đặt trên đế” (Mc 4,21), soi tỏ khuôn mặt của một cộng đoàn Loan báo Tin Mừng, có khả năng đọc được các dấu chỉ của thời đại và làm chứng bằng lối sống thuyết phục theo Tin Mừng.

 

14.Bắt đầu bằng việc xem xét những dấu chỉ của thời đại, cần phải sản sinh ra những dấu chỉ mới trong khi lắng nghe Chúa Thánh Thần. Vì giáo xứ không còn là nơi tụ họp chính yếu và là trung tâm xã hội như thời xưa nữa, nên giáo xứ cần phải tìm ra những hình thức mới để đồng hành và gần gũi qua các sinh hoạt thường ngày. Không nên xem nhiệm vụ này như một gánh nặng, nhưng là một thách đố để nhiệt tâm theo đuổi.

 

15.Noi gương Thầy mình, các môn đệ của Chúa, trong trường học của các Thánh và của các mục tử, đã học biết, không phải không có khổ đau, chờ đợi thời giờ và đường lối của Thiên Chúa, nhờ đó xác tín rằng: Người vẫn luôn hiện diện cho đến tận thế, và Chúa Thánh Thần – trái tim đang đập trong đời sống Hội Thánh – sẽ quy tụ con cái Chúa đang tản mác khắp nơi trên thế giới. Vì thế, cộng đoàn Kitô hữu đừng sợ bắt đầu và tiến hành những chương trình tại những nơi có các nền văn hóa đa dạng, với hy vọng chắc chắn rằng: đối với các môn đệ của Đức Kitô, “không có gì thực sự của con người mà không âm vang trong trái tim họ”[70].

 

IV. TRUYỀN GIÁO: KIM CHỈ NAM ĐỂ CANH TÂN

 

16.Trước thực tế đang thay đổi nói trên đây, mặc dù rất dấn thân quảng đại, mô hình giáo xứ hiện thời không còn đáp ứng được những kì vọng của các tín hữu nữa, nhất là khi người ta xét thấy sự đa dạng của các loại cộng đoàn hiện hữu hôm nay[71]. Quả thực, một đặc điểm của giáo xứ là việc bám rễ tại trung tâm nơi dân chúng sống ngày này qua ngày khác. Tuy nhiên, lãnh thổ giáo xứ không chỉ là một không gian địa lý, mà còn là bối cảnh nơi đời sống con người được thể hiện qua các mối quan hệ, qua việc phục vụ lẫn nhau và qua truyền thống lâu đời. Chính trong “lãnh thổ hiện sinh” này, mà Hội Thánh đang phải đối diện với những thách đố đang diễn ra ngay trong lòng cộng đoàn. Vì thế, bất cứ hoạt động mục vụ nào mà chỉ giới hạn trong lãnh thổ của giáo xứ đều trở nên lỗi thời, đó là điều mà chính người giáo dân nhận thấy khi giáo xứ của họ có vẻ bảo thủ, chỉ biết hoài cổ thay vì bạo dạn hướng về tương lai[72]. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, về phương diện giáo luật, nguyên tắc tòng thổ vẫn có hiệu lực, khi được quy định bởi pháp luật[73].

 

17.Hơn nữa, những hoạt động theo thói quen đều đặn không có tác dụng gì đến đời sống con người cụ thể sẽ chỉ là một cố gắng sống còn cằn cỗi, thường chỉ được mọi người thờ ơ đón nhận. Nếu giáo xứ không sống tinh thần năng động loan báo Tin Mừng, thì có nguy cơ giáo xứ tự qui chiếu vào chính mình và xơ cứng, cho những kinh nghiệm thiếu hương vị Tin Mừng và thiếu lòng nhiệt thành truyền giáo, chỉ biết đến những nhóm nhỏ mà thôi.

 

18.Canh tân công cuộc Loan báo Tin Mừng đòi hỏi một cách tiếp cận với những sáng kiến mục vụ đa dạng, làm sao cho Lời Chúa và đời sống bí tích có thể chạm tới từng người tùy theo bậc sống của họ. Ngày càng thấy rõ hơn rằng tư cách thành viên của Hội Thánh ngày nay không hệ tại ở nơi ta sinh ra và lớn lên, cho bằng là việc ta tham dự vào một cộng đoàn do được thừa nhận[74], nơi đó người tín hữu có một kinh nghiệm rộng mở hơn về Dân Thiên Chúa, cảm nhận thực sự mình thuộc về một thân thể gồm nhiều bộ phận kết hợp với nhau, mỗi người làm việc vì thiện ích chung (1Cr 12,12-27).

 

19.Ngoài nơi chốn và lý do làm ta trở nên thành phần của Hội Thánh, cộng đoàn giáo xứ còn là bối cảnh nhân loại, trong đó ta tực hiện công cuộc Loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, nơi cử hành các Bí tích và sống tình bác ái, với một lòng nhiệt thành truyền giáo; và đây là điều không những là một phần nội tại của hành động mục vụ mà còn là tiêu chuẩn đánh giá tính xác thực của Hội Thánh Chúa Kitô. Thời nay đặc biệt, có khi nhiều người bị loại ra bên lề xã hội và cô đơn, cộng đoàn giáo xứ được mời gọi trở nên dấu chỉ sống động của sự gần gũi của Chúa Kitô qua các mối dây liên kết huynh đệ, hằng quan tâm đến những hình thức nghèo khổ mới.

 

20.Từ những gì đã được nói đến trên đây, chúng ta cần phải xác định những viễn tượng giúp canh tân cơ cấu giáo xứ “truyền thống” theo định hướng truyền giáo. Đây là trọng tâm của việc hoán cải mục vụ hằng mong đợi, vốn cần phải đạt tới những việc như loan báo Lời Chúa, đời sống bí tích và việc làm chứng bác ái, nói khác đi, là những lãnh vực thiết yếu mà giáo xứ phát triển và thích nghi để phù hợp với Mầu nhiệm mà mình tin.

 

21.Đọc kĩ sách Công vụ Tông đồ, chúng ta nhận thấy vai trò chính yếu của tác nhân Lời Thiên Chúa, là quyền năng biến đổi bên trong làm hoán cải các tâm hồn. Lời Chúa là lương thực dưỡng nuôi các môn đệ của Người và làm cho họ trở nên chứng nhân Tin Mừng trong những hoàn cảnh khác nhau của đời sống. Thánh Kinh hàm chứa một sức mạnh mang tính tiên tri khiến cho Lời Chúa luôn đầy sức sống. Cho nên giáo xứ cần phải hướng dẫn các tín hữu biết đọc và suy gẫm Lời Chúa qua nhiều phương thức khác nhau để rao truyền[75], truyền đạt rõ ràng và dễ hiểu để loan báo Chúa Giêsu bằng lời chứng luôn luôn mới mẻ của lời loan báo tiên khởi (kerygma)[76].

 

22.Cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo”[77] và vì vậy, là nhân tố cơ bản làm nên cộng đoàn giáo xứ. Chính nơi đó, Hội Thánh ý thức ý nghĩa danh xưng của mình (Ecclesia), nghĩa là Dân Thiên Chúa được kêu gọi cùng qui tụ lại để ca tụng, khẩn cầu, xin ơn và tạ ơn. Khi cử hành Thánh Thể, cộng đoàn Kitô hữu đón mừng sự hiện diện sống động của Đức Chúa – Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, đón nhận lời loan báo toàn thể mầu nhiệm Cứu độ.

 

23.Qua đó, Hội Thánh thấy cần phải tái khám phá nghi thức khai tâm Kitô giáo, khai sinh ta trong đời sống mới, nghĩa là được tham dự vào mầu nhiệm sự sống của chính Thiên Chúa. Đó là một hành trình tiếp diễn tường xuyên. Không chỉ gắn kết với các cử hành hay biến cố, bởi vì hành trình này được xác định trước hết, không phải như là nghĩa vụ phải chu toàn một “nghi thức vượt qua”, nhưng đúng hơn, đây là việc không ngừng bước theo Chúa Kitô. Trong bối cảnh ấy, thật là hữu ích khi thiết lập một hành trình nhiệm huấn tác động thực sự đến đời sống[78]. cả việc dạy giáo lý cũng cần phải được trình bày như một sự công bố liên tục Mầu nhiệm Đức Kitô, nhằm nuôi dưỡng tâm hồn người tín hữu, làm cho tầm vóc Đức Kitô lớn lên mãi (x. Ep 4,13) qua việc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa của sự sống.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ cần phải “lưu ý đến hai dạng thánh thiện giả hiệu có thể khiến chúng ta đi lạc đường: Ngộ đạo thuyết và thuyết Pêlagiô. Đây là hai lạc thuyết xuất hiện từ những thế kỉ đầu Kitô giáo, nhưng vẫn tiếp tục hoành hành nơi chúng ta ngày nay”[79]. Trong trường hợp thuyết Ngộ đạo, chúng ta gặp phải một thứ đức tin trừu tượng chỉ thuộc về trí khôn và những tri thức xa rời dẫn người ta đến chỗ chỉ cậy dựa vào sức riêng của chính mình mà thôi, và bỏ qua hoạt động của Chúa Thánh Thần.

 

24.Trong sự tương tác mầu nhiệm giữa hành động của Thiên Chúa và con người, việc Loan báo Tin Mừng của các tín hữu hệ tại ở những gì họ tuyên xưng bằng chứng tá đời sống, qua các mối tương quan liên vị sinh ra niềm tin tưởng và hy vọng. Thời đại ngày nay vốn được ghi dấu bởi sự thờ ơ, cá nhân chủ nghĩa và không chấp nhận người khác, nên việc tái khám phá tình huynh đệ là rất quan trọng và cần thiết vì sứ vụ Loan báo Tin Mừng, gắn bó mật thiết với các mối quan hệ nhân linh[80]. Như thế, cộng đoàn Kitô hữu sống Lời Chúa Giêsu, Người thúc đẩy chúng ta “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 5,4), vâng lời Thầy và xác tín thả lưới chúng ta sẽ bắt được một “mẻ cá lớn”[81].

 

25.Nền “văn hóa gặp gỡ” lấy con người làm trung tâm nên thúc đẩy việc đối thoại, liên đới và cởi mở đón nhận người khác. Bởi thế, giáo dân cần phải là “nơi chốn” đăc biệt cho sự gắn kết mọi người với nhau và nuôi dưỡng các mối tương quan cá nhân lâu bền, từ đó giúp người ta cảm nhận mình thuộc về và được yêu thương.

 

26.Cộng đoàn giáo xứ được thực sự mời gọi pháy huy “nghệ thuật cảm thông”. Nếu bám rễ sâu, giáo xứ sẽ trở nên thực sự là một nơi giúp vượt qua sự cô đơn, vốn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, cũng như là “một thánh điện để những ai khát dọc đường đến mà uống, và là một trung tâm thừa sai thường xuyên phái đi Loan báo Tin Mừng”[82].

 

 

 

V. “MỘT CỘNG ĐOÀN CỦA CÁC CỘNG ĐOÀN”: một giáo xứ bảo bọc, phúc-âm-hóa và quan tâm đến người nghèo

 

27.Chủ thể của việc truyền giáo và hoạt động loan báo Tin Mừng của Hội Thánh luôn là toàn thể Dân Thiên Chúa. Giáo Luật nhấn mạnh rằng: giáo xứ không phải là một tòa nhà hay tập hợp các công trình kiến trúc, mà là một cộng đoàn tín hữu nhất định, nơi đó Cha sở là chủ chăn thực sự[83]. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng: “giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh tại một lãnh thổ nhất định, là nơi để nghe Lời Chúa, để tăng trưởng đời sống Kitô hữu, để đối thoại, rao giảng, làm việc bác ái, thờ phượng và cử hành”, và ngài khẳng định rằng giáo xứ là “một cộng đoàn của các cộng đoàn”[84].

 

28.Các thành phần khác nhau làm nên giáo xứ được mời gọi hiệp thông và hiệp nhất. Khi mỗi thành phần đều nhìn nhận vai trò bổ túc của mình trong việc phục vụ cộng đoàn, một mặt, người ta sẽ thấy được thừa tác vụ được thực hiện trọn vẹn qua sự cộng tác giữa cha sở và các linh mục phụ tá của ngài, đàng khác, người ta cũng nhận ra những đặc sủng khác nhau của các thầy phó tế, những người thánh hiến và giáo dân cùng cộng tác để xây dựng thân thể duy nhất của Chúa Kitô (x. 1Cr 12, 12).

 

29.Giáo xứ là một cộng đoàn được Chúa Thánh Thần qui tụ để loan báo Lời Chúa và tái sinh những con cái mới của Chúa nơi giếng rửa tội. Được vị mục tử tập họp, giáo xứ cử hành lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa, làm chứng cho đức tin trong đức ái, sống tình trạng thừa sai thường xuyên, để không một ai bị loại trừ khỏi sứ điệp cứu độ ban sự sống.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả như sau: “Giáo xứ không phải là một cơ chế lỗi thời, chính vì giáo xứ có tính linh hoạt cao, có thể đảm nhận những hình thức rất khác biệt đòi hỏi một sự uyển chuyển và tinh thần sáng tạo truyền giáo của người mục tử và của cộng đoàn. Chắc hẳn giáo xứ không phải là cơ chế duy nhất Loan báo Tin Mừng, nếu cho thấy mình có khả năng tự canh tân và không ngừng thích nghi, giáo xứ sẽ tiếp tục là chính “Hội Thánh đang sống giữa những căn nhà của con cái mình”. Điều này giả định là giáo xứ thực sự tiếp xúc với các gia đình và với đời sống của người dân, và không trở thành một tổ chức vô dụng xa cách quần chúng, hay là một nhóm người ưu tuyển khép kín […] Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng: lời kêu gọi các giáo xứ của chúng ta xét mình và canh tân vẫn chưa đủ sức để các giáo xứ đến gần người dân hơn, để giáo xứ trở thành môi trường sống hiệp thông và tham gia, và làm cho giáo xứ hoàn toàn hướng về việc truyền giáo”[85].

 

30.“Tính thiêng liêng và tính Giáo Hội của các Đền Thánh” – vốn là những “tiền đồn truyền giáo” đích thực – không phải là không liên quan đến giáo xứ, vốn cũng có đặc điểm như các Đền Thánh bởi tinh thần hiếu khách, đời sống cầu nguyện và thinh lặng giúp canh tân tâm linh, việc cử hành Bí tích Hòa giải và chăm lo cho người nghèo khổ. Các cuộc hành hương của giáo xứ tới những Đền Thánh là những phương thế quí giá có thể giúp củng cố tình hiệp thông huynh đệ, và khi trở về giáo xứ, mọi người cởi mở và hiếu khách hơn[86].

 

31.Theo hướng đó, một Đền Thánh giống giáo xứ ở chỗ bao gồm mọi đặc điểm và công việc cần phải có trong cộng đoàn giáo xứ, đáp ứng khát khao tìm kiếm nội tâm của các tín hữu và là nơi họ có thể gặp được dung nhan lòng thương xót của Chúa Kitô trong một Hội Thánh lúc nào cũng niềm nở hiếu khách.

 

Năng viếng các Đền Thánh có thể giúp người tín hữu khám phá chính mình là người “đã được Chúa Thánh Thần xức dầu” (1 Ga 2,20), nghĩa là họ được thánh hiến nhờ Bí tích Rửa tội. Ở những nơi như thế, người ta học biết cách cử hành sốt sắng sự hiện diện mầu nhiệm của Thiên Chúa ở giữa Dân Người qua phụng vụ, qua vẻ đẹp của sứ mệnh Loan báo Tin Mừng của những người đã được thanh tẩy, và qua lời mời gọi thực thi đức ái trong đời sống hằng ngày[87].

 

32.Là một “thánh điện” rộng mở cho mọi người, giáo xứ được mời gọi vươn ra đến với mọi người, không trừ ai, cần phải nhớ rằng người nghèo và người bị loại trừ phải luôn luôn chiếm vị trí ưu tiên trong lòng Hội Thánh. Như Đức Bênêđictô XVI khẳng định: “Tin Mừng phải được rao giảng đặc biệt cho người nghèo”[88]. Ngoài ra, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định: “Công cuộc tân Phúc-âm-hóa là một lời mời gọi nhìn nhận quyền năng cứu độ đang hoạt động trong đời sống của người nghèo và đặt họ vào tâm điểm cuộc lữ hành của Hội Thánh. Chúng ta được mời gọi nhận ra Đức Kitô nơi họ, lên tiếng bênh vực quyền lợi của họ, nhưng cũng để trở thành bạn hữu của họ, lắng nghe họ, nói thay cho họ và đón nhận sự khôn ngoan nhiệm mầu mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta qua họ”[89].

 

33.Cộng đoàn giáo xứ thường là nơi gặp gỡ nhân bản và cá vị, đầu tiên của người nghèo, với khuôn mặt của Hội Thánh. Đặc biệt các linh mục, phó tế và tu sĩ phải là những người trước hết biết chạnh lòng thương đến “thân xác đầy thương tích”[90] của anh chị em mình, thăm viếng những người đau yếu, nâng đỡ người thất nghiệp và gia đình họ, từ đó mở rộng cửa cho những ai khốn khó. Bằng việc quan tâm đến những người cùng khổ, cộng đoàn giáo xứ Phúc-âm-hóa và được Phúc-âm-hóa bởi người nghèo, tái khám phá lời mời gọi rao giảng Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh[91], đồng thời nhắc ta nhớ “luật tối thương” của đức ái mà theo đó chúng ta sẽ bị xét xử[92].

 

I.        TỪ HOÁN CẢI CON NGƯỜI ĐẾN CẢI TỔ CƠ CẤU

 

34.Trong tiến trình canh tân và tái cơ cấu, giáo xứ phải tránh nguy cơ rơi vào bệnh quan liêu quá hình thức trong việc tổ chức các sự kiện, cùng với các hoạt động không thể hiện tính năng động của việc loan báo tin Mừng, mà chỉ dựa vào tiêu chuẩn tự bảo tồn[93].

 

       Trích dẫn lời Thánh Phaolô VI, Đức Thánh cha Phanxicô vẫn quen thẳng thắn nói: “Giáo hội phải đi sâu vàu vào để nhận thức chính mình, suy gẫm về mầu nhiệm của mình […]. Trong Giáo hội, có những cơ chế cản trở nỗ lực Loan báo Tin Mừng, cũng thế, những cơ chế tốt chỉ có ích khi có một sức sống liên lỉ khởi động, nâng đỡ và lượng định chúng. Nếu không có một sức sống mới và một tinh thần Phúc âm thực sự, nếu Giáo hội không “trung thành với ơn gọi của chính mình”, thì mọi cơ chế nới nào chẳng bao lâu cũng sẽ bị biến chất”[94].

 

35.Việc cải tổ cơ cấu mà Hội Thánh thực hiện đòi hỏi phải thực sự thay đổi não trạng và đổi mới tâm hồn, nhất là những người được trao phó trọng trách lãnh đạo mục vụ. Để trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô, các mục tử và đặc biệt các cha xứ là những người “cộng sự viên đặc biệt của giám mục”[95], phải biết rõ nhu cầu cấp bách cải cách các hoạt động mục vụ theo hướng truyền giáo.

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

TÔNG HIẾN

PRAEDICATE EVANGELIUM

 

MỞ ĐẦU

 

1. Praedicate evangelium, “Anh em hãy rao giảng Tin Mừng (x. Mc 16,15; Mt 10,7-8): là nhiệm vụ Chúa Giêsu đã giao phó cho các môn đệ của Người. Nhiệm vụ này tạo thành "sự phục vụ đầu tiên mà Hội Thánh có thể thực hiện cho mỗi người và cho toàn thể nhân loại trong thế giới ngày nay" [1]. Hội Thánh được mời gọi để làm điều này: loan báo Tin Mừng của Con Thiên Chúa, Đức Kitô là Chúa, và cùng với đó là khơi dậy nơi mọi dân tộc việc lắng nghe đức tin (x. Rm 1: 1-5; Gl 3: 5).

 

     Trên hết, Hội Thánh hoàn thành sứ mệnh của mình khi làm chứng, bằng lời nói và việc làm, về lòng thương xót mà chính Hội Thánh đã tự do đón nhận. Chúa và là Thầy của chúng ta đã để lại cho chúng ta một tấm gương về điều này khi Người rửa chân cho các môn đệ và nói rằng phúc cho chúng ta nếu chúng ta cũng làm như vậy (x. Ga 13, 15-17). Bằng cách này, "qua những việc làm và cử chỉ của mình, cộng đoàn loan báo Tin Mừng tự hoà mình vào trong đời sống hằng ngày của những người khác, thu hẹp khoảng cách, hạ mình đến mức chịu sỉ nhục nếu cần, và mặc lấy đời sống của con người, chạm vào da thịt đau khổ của Chúa Kitô nơi dân chúng" [2 ]. Làm như thế, dân Thiên Chúa chu toàn mệnh lệnh của Chúa, vì khi truyền cho chúng ta loan báo Tin Mừng, Người đã thúc giục chúng ta chăm sóc những anh chị em yếu đuối nhất, bệnh tật nhất và đau khổ nhất.

 

Sự hoán cải truyền giáo của Hội Thánh

 

2. Sự “hoán cải truyền giáo” của Hội Thánh [3] có mục đích đổi mới Hội Thánh theo hình ảnh sứ mạng tình yêu của chính Chúa Kitô. Vì thế, các môn đệ của Người, nam cũng như nữ, được mời gọi trở thành “ánh sáng thế gian” (Mt 5,14). Đây là cách thức mà Hội Thánh phản ánh tình yêu cứu độ của Đức Kitô, Đấng là Ánh Sáng thế gian (x. Ga 8,12). Chính bản thân Hội Thánh trở nên rạng rỡ hơn khi mang đến cho con người món quà siêu nhiên là đức tin, "ánh sáng dẫn đường cho cuộc hành trình của chúng ta xuyên thời gian" và phục vụ Tin Mừng để ánh sáng này "phát triển để chiếu sáng hiện tại cho đến khi nó trở thành một ngôi sao chiếu sáng những chân trời cuộc hành trình của chúng ta, ở thời điểm mà con người đặc biệt cần ánh sáng” [4].

 

3. Việc cải tổ Giáo Triều Rôma cũng được đặt trong bối cảnh bản chất truyền giáo của Hội Thánh. Đúng là như thế vào những thời điểm mà niềm khao khát cải cách được cảm thấy cấp bách nhất, như đã xảy ra vào thế kỷ 16, với Tông hiến Immensa aeterni Dei của ĐGH Sixtô V (1588), và trong thế kỷ 20, với Tông hiến Sapienti Consilio của Đức Piô X (1908). Sau khi Công Đồng Vatican II được cử hành, Đức Phaolô VI, khi đề cập rõ ràng đến những ước muốn được các Nghị phụ Công Đồng bày tỏ [5], với Tông hiến Regimini Ecclesiae universalae (1967) của ngài, đã sắp xếp và thực hiện một cuộc cải tổ Giáo triều. Sau đó, Đức Gioan-Phaolô II đã ban hành Tông hiến Pastor bonus (1988), để luôn luôn cổ vũ sự hiệp thông trong toàn thể Hội Thánh.

Tiếp nối hai cuộc cải cách trên đây và với lòng biết ơn về sự phục vụ quảng đại và có thẩm quyền mà rất nhiều thành viên của Giáo Triều đã cống hiến cho Giáo hoàng Rôma và cho Hội Thánh hoàn vũ trong suốt những thời gian qua, Tông hiến mới này nhằm mục đích làm cho việc thực thi công vụ ngày nay của Giáo Triều hài hoà hơn với hành trình loan báo Tin Mừng mà Hội Thánh đang sống, nhất là trong giai đoạn này.

 

Hội Thánh: mầu nhiệm hiệp thông

 

4. Đối với việc cải tổ Giáo Triều Rôma, điều quan trọng là cũng phải ghi nhớ và coi trọng một khía cạnh khác nữa của mầu nhiệm Hội Thánh: trong Hội Thánh, sứ mệnh được liên kết chặt chẽ với sự hiệp thông đến nỗi có thể nói rằng mục đích của việc truyền giáo chính là "làm cho mọi người biết và sống sự hiệp thông ‘mới’, sự hiệp thông đã đi vào lịch sử thế giới trong Con Thiên Chúa làm người"[6].

Đời sống hiệp thông này cống hiến cho Hội Thánh khuôn mặt của tính đồng nghị; nghĩa là, một Hội Thánh lắng nghe lẫn nhau, “trong đó mỗi người đều có điều gì đó để học hỏi. Dân trung thành, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma: người này lắng nghe người kia, và mọi người lắng nghe Chúa Thánh Thần, Thần Chân Lý (x. Ga 14:17),để biết Người đang nói gì với các Hội Thánh (x. Kh 2, 7)"[7]. Như vậy, tính đồng nghị này của Hội Thánh sẽ được hiểu như là sự “đồng hành của Đàn Chiên của Chúa trên những nẻo đường của lịch sử hướng tới Chúa Kitô” [8]. Đó là vấn đề về sứ mệnh của Hội Thánh, về sự hiệp thông vì sứ mệnh và sự hiệp thông tự nó là truyền giáo.

 

Sự canh tân của Hội Thánh cũng như của Giáo Triều trong Hội Thánh không thể không phản ánh tác động qua lại cơ bản này, để cộng đoàn tín hữu có thể tiếp cận tối đa sự hiệp thông truyền giáo mà các Tông đồ đã được trải nghiệm với Chúa trong cuộc đời tại thế của Người (cfr Mc 3,14) và, sau ngày lễ Ngũ Tuần, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, cộng đoàn Giêrusalem sơ thời cũng đã sống sự hiệp thông ấy (x. Cv2,42).

 

Sự phục vụ của Quyền tối thượng và của Giám mục đoàn

 

5.    Trong số những ơn do Chúa Thánh Thần ban cho để phục vụ loài người, thì ơn của các Tông Đồ vượt trội hơn cả, vì họ đã được Chúa chọn và thiết lập thành một “nhóm” ổn định, trong đó Phêrô được chọn đứng đầu các tông đồ [9]. Chúa đã giao phó cho các Tông đồ một sứ mệnh sẽ kéo dài cho đến tận thế. Vì điều này, họ đã quan tâm đến việc cắt đặt những người kế vị [10], để giống như Phêrô và các Tông đồ khác, họ tạo thành một Tông Đồ Đoàn duy theo ý muốn của Chúa, vì vậy ngay cả ngày nay, trong Hội Thánh, là xã hội được tổ chức theo phẩm trật [11] , Giáo hoàng Rôma, người kế vị Thánh Phêrô, và các Giám mục, những người kế vị các Tông đồ, đều hợp nhất với nhau trong một tập thể giám mục duy nhất mà các Giám mục thuộc về nhờ sự thánh hiến bí tích và thông qua sự hiệp thông phẩm trật với người đứng đầu Giám Mục Đoàn và với các thành viên của Giám Mục Đoàn, tức là, với chính Giám Mục Đoàn [12].

 

6.    Công Đồng Vaticanô II dạy: “Sự hiệp nhất của Giám Mục Ðoàn còn được biểu lộ qua mối tương giao giữa mỗi Giám Mục với các Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát. Ðức Giáo Hoàng Roma, Ðấng kế vị Phêrô, là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các Giám Mục cũng như giữa các tín hữu. Còn mỗi Giám Mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong các Giáo Hội địa phương của mình. Các Giáo Hội này được thành lập theo hình ảnh Giáo Hội phổ quát: chính nhờ và trong các Giáo Hội ấy mà có một Giáo Hội công giáo, duy nhất. Vì thế mỗi Giám Mục đại diện cho Giáo Hội mình, và tất cả các Giám Mục cùng với Giáo Hoàng đại diện cho toàn thể Giáo Hội trong mối dây bình an, yêu thương và hiệp nhất” [13].

 

7.    Điều quan trọng cần nhấn mạnh là nhờ sự Quan phòng của Thiên Chúa, theo thời gian nhiều Giáo hội đã được các Tông đồ và những người kế vị thành lập ở những nơi khác nhau, đã tập hợp lại thành các nhóm khác nhau, đặc biệt là các Giáo hội cổ xưa theo thể chế Thượng phụ. Sự xuất hiện của các Hội Đồng Giám Mục trong Giáo hội Latinh biểu thị một trong những hình thức gần đây nhất, trong đó sự hiệp thông các giám mục (communio Episcoporum)nói lên việc phục vụ cho sự hiệp thông các Giáo hội (communio Ecclesiarum) dựa trên sự hiệp thông các tín hữu (communio fidelium). Do đó, trong khi vẫn bảo đảm quyền bính riêng của mỗi giám mục với tư cách là mục tử của Hội Thánh địa phương được giao phó cho ngài, các Hội đồng Giám mục, bao gồm các Liên Hội Đồng vùng và châu lục, cùng với các Cơ cấu phẩm trật tương ứng của phương Đông, hiện là một trong những cách thức quan trọng nhất để diễn tả và phục vụ sự hiệp thông Hội Thánh tại các khu vực khác nhau cùng với Đức Giáo Hoàng Rôma, người bảo chứng cho sự hiệp nhất của đức tin và sự hiệp thông [14].

 

 

 

 

 

Việc phục vụ của Giáo Triều Rôma

 

8.    Giáo Triều Rôma phục vụ Đức Giáo hoàng, người kế vị thánh Phêrô, là nguyên tắc và nền tảng vĩnh viễn, hữu hình của sự hiệp nhất giữa các Giám mục và đông đảo các tín hữu [15]. Nhờ sự liên kết này, công việc của Giáo Triều Rôma cũng có mối quan hệ hữu cơ với Giám Mục Đoàn và với từng Giám mục, cũng như với các Hội Đồng Giám Mục và các Liên Hội Đồng vùng và châu lục của họ, và các Cơ Cấu phẩm trật phương Đông, đem lại những lợi ích tuyệt vời cho việc mục và diễn tả sự hiệp thông thân ái và hiệu quả giữa các Giám mục. Giáo Triều Rôma không đặt mình ở vị trí giữa Giáo hoàng và các Giám mục, mà tự đặt mình vào việc phục vụ cho cả hai theo cách thức phù hợp với bản chất của mỗi bên.

 

9.    Sự chú ý mà Tông hiến này dành cho các Hội Đồng Giám Mục, và cho các Cơ Cấu phẩm trật phương Đông theo cách tương ứng và thích hợp, là nhắm mục đích nâng cao tiềm năng của các cơ chế này [16], chứ không đóng vai trò như là người đứng giữa Giáo hoàng Rôma và các Giám mục, nhưng là để hoàn toàn phục vụ các ngài. Các thẩm quyền được chỉ định cho họ trong các điều khoản này nhằm thể hiện chiều kích tập thể của thừa tác vụ giám mục và gián tiếp củng cố sự hiệp thông trong Hội Thánh [17], tạo cơ sở cụ thể cho việc thực thi chung một số chức năng mục vụ vì lợi ích các tín hữu của các quốc gia liên quan, hay của một lãnh thổ nhất định [18].

 

Mỗi Kitô hữu là một môn đệ truyền giáo

 

10. Đức Giáo hoàng, các Giám mục và các thừa tác viên được phong chức khác không phải là những người duy nhất rao giảng Tin Mừng trong Hội Thánh. Họ "biết rằng họ được Chúa Kitô thiết lập không phải để họ tự mình đảm nhận toàn bộ gánh nặng của sứ mệnh cứu độ của Hội Thánh đối với thế giới" [19]. Nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi Kitô hữu là một môn đệ-truyền giáo “theo mức độ họ gặp được tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu” [20]. Không thể bỏ qua việc cập nhật Giáo triều, do đó, cuộc cải cách phải dự liệu sự tham gia của giáo dân, ngay cả trong các vai trò cai quản và trách nhiệm. Sự hiện diện và tham gia của họ cũng rất cần thiết, vì họ hợp tác cho lợi ích của toàn thể Hội Thánh [21] và nhờ cuộc sống gia đình, nhờ sự hiểu biết của họ về các thực tại xã hội và nhờ đức tin giúp họ khám phá những con đường của Thiên Chúa trong thế giới, họ có thể có những đóng góp giá trị, đặc biệt là khi nói đến việc cổ xuý gia đình và tôn trọng các giá trị của sự sống và tạo vật, của Tin Mừng như chất men của các thực tại trần thế và sự phân định các dấu chỉ của thời đại.

 

11. Việc cải tổ Giáo Triều Rôma sẽ thành hiện thực và có thể thực hiện được nếu nó nảy mầm từ một cuộc cải cách bên trong, nhờ đó chúng ta biến "khuôn mẫu linh đạo của Công Đồng" trở thành của mình, được diễn tả qua "câu chuyện xưa về Người Samaritanô nhân hậu"[22], người đàn ông đã dừng lại trên đường của mình để đến gần và cứu giúp một người không thuộc dân tộc của mình đang dở sống dở chết, một người hoàn toàn xa lạ với mình. Đây là một linh đạo bắt nguồn từ tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước, khi chúng ta còn nghèo khổ và tội lỗi, và là Đấng nhắc nhở chúng ta rằng bổn phận của chúng ta là phục vụ anh chị em mình như  là phục vụ chính Đức Kitô, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất, và khuôn mặt của Chúa Kitô được nhận ra trên khuôn mặt của mỗi con người, đặc biệt là những người nam người nữ đang đau khổ (x. Mt 25,40).

 

12. Do đó, cần biết rõ rằng “cuộc cải cách tự nó không phải là một mục đích, nhưng là một phương tiện để cung cấp một chứng tá Kitô giáo mạnh mẽ; để thúc đẩy việc truyền bá phúc âm hiệu quả hơn; để cổ vũ một tinh thần đại kết phong phú hơn; để khuyến khích một cuộc đối thoại xây dựng hơn với tất cả mọi người. Cuộc cải cách, được đa số các Hồng y ước muốn mãnh liệt trong khuôn khổ các Tổng Công Nghị diễn ra trước Mật Nghị, sẽ phải hoàn thiện hơn nữa bản sắc của chính Giáo Triều Rôma, đó là hỗ trợ Người kế vị Thánh Phêrô thực thi chức vụ Mục tử tối thượng của mình vì lợi ích và việc phục vụ Hội Thánh hoàn vũ và các Hội Thánh địa phương. Bằng việc thực thi mục vụ này, sự hiệp nhất của đức tin và sự hiệp thông của dân Chúa được củng cố và sứ mệnh riêng của Hội Thánh trên thế giới được phát huy. Chắc chắn không dễ để đạt được một mục tiêu như vậy: nó đòi hỏi thời gian, sự quyết tâm và trên hết là sự cộng tác của tất cả mọi người. Nhưng để thể hiện được điều này, trước hết chúng ta phải phó thác vào Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn đích thực của Hội Thánh, đồng thời cầu xin Người ban ơn phân định đích thực” [23].

 

II

CÁC NGUYÊN TẮC VÀ TIÊU CHÍ PHỤC VỤ

CỦA GIÁO TRIỀU RÔMA

 

Để có thể thực hiện hiệu quả sứ mệnh mục vụ mà Giáo hoàng Rôma đã lãnh nhận từ Đức Kitô là Chúa và Mục tử, trong sự quan tâm của ngài đối với toàn thể Hội Thánh (x. Ga 21: 51tt), và để duy trì và vun đắp mối quan hệ giữa tác vụ Phêrô và tác vụ của tất cả các Giám mục, Đức Giáo hoàng "khi thực hiện quyền bính tối cao, đầy đủ và trực tiếp của mình đối với toàn thể Hội Thánh, ngài sử dụng các Bộ của Giáo Triều Rôma, vì thế các Bộ này làm tròn công việc của họ nhân danh ngài và trong thẩm quyền của ngài, vì lợi ích của các Giáo hội và để phục vụ các mục tử thánh”[24]. Theo cách này, Giáo Triều là để phục vụ Đức Giáo hoàng và các Giám mục, các vị này "cùng với người kế vị thánh Phêrô cai quản nhà của Thiên Chúa hằng sống" [25]. Giáo Triều thi hành việc phục vụ này cho các Giám mục trong các Hội Thánh địa phương của họ liên quan đến trách nhiệm của họ với tư cách là những người kế vị các Tông đồ.

 

1.    Phục vụ sứ mệnh của Giáo hoàng. Giáo Triều Rôma trước hết là một công cụ phục vụ cho người kế vị thánh Phêrô để giúp ngài trong sứ mệnh là "nguyên lý vĩnh viễn và hữu hình và nền tảng sự hiệp nhất của các Giám mục cũng như của đoan tín hữu đông đảo”[26], cũng vì lợi ích của các Giám mục, các Giáo hội địa phương, các Hội Đồng Giám Mục và các Liên Hội Đồng vùng và châu lục của họ, các Cơ Cấu phẩm trật phương Đông và các định chế và cộng đồng khác trong Hội Thánh.

 

2.    Đồng trách nhiệm trong hiệp thông. Theo tinh thần "phân quyền lành mạnh" [27], cuộc cải cách này có ý để cho các mục tử, khi thực hiện "nhiệm vụ chuyên biệt của họ trong tư cách là thầy dạy" và mục tử [28], có thẩm quyền giải quyết những vấn đề họ biết rõ [29] và không ảnh hưởng đến tính duy nhất của giáo lý, kỷ luật và sự hiệp thông của Hội Thánh, luôn luôn hành động với sự đồng trách nhiệm vốn là hoa trái và sự thể hiện của mầu nhiệm hiệp thông cụ thể là Hội Thánh [30].

 

3.    Phục vụ cho sứ mệnh của các Giám mục. Trong bối cảnh cộng tác với các Giám mục, việc phục vụ mà Giáo Triều cung cấp cho các giám mục bao gồm trước hết việc nhìn nhận và hỗ trợ công việc họ cống hiến cho Tin Mừng và cho Hội Thánh, bằng những lời khuyên kịp thời, bằng việc khuyến khích sự hoán cải mục vụ mà họ cổ vũ, bằng sự liên đới hỗ trợ cho sáng kiến ​​truyền giáo của họ và sự lựa chọn mục vụ ưu tiên của họ cho người nghèo, bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương và mọi đóng góp có lợi cho gia đình nhân loại, sự hiệp nhất và hòa bình; nói tóm lại là các sáng kiến ​​của họ để các dân tộc có được sự sống dồi dào trong Đức Kitô. Sự phục vụ này của Giáo Triều cho sứ mệnh của các Giám mục và cho sự hiệp thông cũng được đề xuất thông qua việc thể hiện với tinh thần huynh đệ các nhiệm vụ cảnh giác, hỗ trợ và gia tăng sự hiệp thông hỗ tương, thân tình và hiệu quả của Đấng Kế vị Thánh Phêrô với các Giám mục.

 

4.    Hỗ trợ cho các Giáo Hội địa phương và các Hội Đồng Giám Mục của họ và các Cơ Cấu phẩm trật phương Đông. Hội Thánh Công Giáo đón nhận vô số dân tộc, ngôn ngữ và nền văn hóa trên thế giới và do đó, Hội Thánh Công Giáo có sẵn một kho tàng kinh nghiệm hữu hiệu liên quan đến việc loan báo Tin Mừng, không thể bị mất đi. Giáo Triều Rôma, trong việc phục vụ lợi ích của toàn thể sự hiệp thông, có khả năng thu thập và xây dựng từ sự hiện diện của Hội Thánh trên thế giới những sự hiểu biết và kinh nghiệm phong phú về các sáng kiến ​​và đề xuất sáng tạo tốt nhất liên quan đến việc truyền giáo của từng Giáo Hội địa phương, các Hội Đồng Giám Mục và các Cơ Cấu phẩm trật phương Đông cũng như các cách hành động khi đối mặt với những vấn đề, thách thức, như là những đề xuất sáng tạo. Việc thu thập những kinh nghiệm này của Hội Thánh trong tính phổ quát của mình làm cho các Hội Thánh địa phương, các Hội Đồng Giám Mục và các Cơ Cấu phẩm trật phương Đông tham gia với tư cách hỗ trợ. Đối với dạng trao đổi và đối thoại này, các cuộc viếng thăm "ad limina Apostolorum" và các tường trình của các Giám mục về chúng là một công cụ quan trọng.

 

5.    Tính đại diện của Giáo Triều Rôma. Mỗi cơ quan của Giáo Triều thi hành sứ mệnh của mình do quyền bính nhận được từ Giáo hoàng Rôma mà nhân danh ngài tổ chức này hoạt động với quyền đại diện trong việc thực thi nhiệm vụ hàng đầu của mình. Vì lý do này, bất kỳ tín hữu nào đều có thể chủ trì một Bộ hay một Cơ quan, tuỳ theo thẩm quyền, khả năng cai quản và chức năng đặc biệt của các cơ quan này.

 

6.    Đời sống thiêng liêng. Giáo Triều Rôma góp phần vào sự hiệp thông của Hội Thánh với Thiên Chúa chỉ bằng cách vun đắp mối quan hệ của tất cả các thành viên của mình với Chúa Giêsu Kitô, nhiệt thành tiêu hao mình cho các kế hoạch của Thiên Chúa và các ơn mà Chúa Thánh Thần ban cho Hội Thánh của Người, và bằng cách phục vụ cho lợi ích ơn gọi nên thánh của tất cả những người đã được rửa tội. Do đó, điều cần thiết là trong tất cả các cơ quan giáo triều, việc phục vụ mầu nhiệm Hội Thánh luôn duy trì được sự kết hợp với một kinh nghiệm về giao ước với Thiên Chúa, được thể hiện bằng việc cầu nguyện chung, việc canh tân đời sống thiêng liêng và việc định kỳ cử hành Thánh Thể chung với nhau. Cũng vậy, khởi đầu với sự gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, các thành viên của Giáo Triều chu toàn nhiệm vụ của mình với ý thức hân hoan là môn đệ-truyền giáo phục vụ toàn thể dân Chúa.

 

7.    Tính liêm chính và chuyên nghiệp của cá nhân. Khuôn mặt của Chúa Kitô được phản chiếu qua nhiều khuôn mặt của các nam nữ môn đệ của Người đang phục vụ sứ mạng của Hội Thánh với các đặc sủng của mình. Do đó, những người phục vụ trong Giáo Triều được chọn trong số các giám mục, linh mục, phó tế, các thành viên của các Tu Hội Thánh hiến và các Tu Đoàn Tông đồ và những giáo dân nổi bật về đời sống thiêng liêng, kinh nghiệm mục vụ tốt, có nếp sống lành mạnh và tình thương đối với người nghèo, tinh thần hiệp thông và phục vụ, có năng lực trong các việc được giao phó, khả năng nhận biết các dấu chỉ của thời đại. Vì vậy, cần phải dành sự quan tâm kỹ lưỡng cho việc tuyển chọn và đào tạo nhân sự, tổ chức công việc cũng như cho sự phát triển cá nhân và chuyên nghiệp của mỗi người.

 

8.    Hợp tác giữa các Bộ. Sự hiệp thông và tham gia phải là những nét đặc trưng của công việc nội bộ của Giáo Triều và của mỗi Cơ quan của Giáo triều. Giáo Triều Rôma ngày càng phải phục vụ nhiều hơn cho sự hiệp thông đời sống và sự hiệp nhất hành động xung quanh các Mục tử của Hội Thánh phổ quát. Vì lý do này, những người chịu trách nhiệm của các Bộ định kỳ gặp gỡ Đức Giáo hoàng Rôma, trong tư cách cá nhân và trong các cuộc họp chung. Các cuộc họp định kỳ thúc đẩy sự minh bạch và hành động phối hợp để thảo luận các kế hoạch làm việc của các Bộ và việc áp dụng các kế hoạch ấy.

 

9.    Các cuộc hội họp liên bộ và nội bộ. Biểu hiện sự hiệp thông và cộng tác hiện có trong Giáo Triều, các cuộc họp liên bộ giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến một số Bộ. Nhiệm vụ triệu tập các cuộc họp này thuộc về Phủ Quốc Vụ Khanh vì cơ quan này thực hiện chức năng của Văn phòng Giáo hoàng. Sự hiệp thông và cộng tác cũng được biểu hiện qua các cuộc họp định kỳ thích hợp giữa các thành viên của cùng một Bộ: các cuộc họp toàn thể, các hội nghị tham vấn và các đại hội. Tinh thần này cũng phải làm sinh động các cuộc gặp gỡ của các Giám mục với các Bộ, cả theo hình thức cá nhân và tập thể, như trong dịp các chuyến viếng thăm "ad limina Apostolorum".

 

10. Biểu hiện của tính công giáo. Tính công giáo của Hội Thánh phải được phản ánh trong việc tuyển chọn các hồng y, giám mục và các cộng tác viên khác. Tất cả những người được mời phục vụ trong Giáo Triều Rôma là dấu hiệu của sự hiệp thông và liên đới với Giáo hoàng Rôma từ phía các Giám mục và các Bề trên của các Tu hội Thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ, các vị này cung cấp cho Giáo Triều Rôma những cộng tác viên chất lượng từ các nền văn hoá khác nhau.

 

11. Giảm bớt các Bộ. Cần phải giảm số lượng các Bộ, bằng cách sáp nhập các Bộ có mục đích rất giống nhau hoặc bổ sung cho nhau và hợp lý hóa chức năng của chúng nhằm tránh chồng chéo các năng lực và giúp cho công việc hiệu quả hơn.

 

12. Việc Cải cách, như Đức Phaolô VI mong muốn, trước hết có ý bảo đảm rằng trong chính Giáo Triều và trong toàn thể Hội Thánh, tia lửa lòng mến của Thiên Chúa có thể "làm bùng cháy lên các nguyên tắc, các giáo thuyết và các ý hướng mà Công Đồng đã dự liệu, và khi được lòng mến thiêu đốt, các điều này có thể thực sự mang lại trong Hội Thánh và thế giới sự đổi mới về tư tưởng, sinh hoạt, phong tục, sức mạnh luân lý, niềm vui và hy vọng, đó chính là mục đích của Công Đồng”[31].

 

 

 

 

 

 



[1]
Xem Address of His Holiness Pope Francis, “Ceremony Commemorating the 50th Anniversary of the Institution of the Synod of Bishops,” https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2015/october/documents/papa-francesco_20151017_50-anniversario-sinodo.html

[2] Xem Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, “Tính Hiệp Hành trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh,” chuyển dịch bởi Nguyễn Văn Hương (Đồng Nai: Nhà xuất bản Đồng Nai, 2021).

[3] The pilgrim Church is missionary by her very nature, since it is from the mission of the Son and the mission of the Holy Spirit that she draws her origin, in accordance with the decree of God the Father. See https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_decree_19651207_ad-gentes_en.html

[4] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế là một tổ chức của Giáo Triều Roma (Roman Curia) chuyên về soạn thảo những tài liệu liên quan đến đức tin và luân lý với mục đích hỗ trợ huấn quyền của Giáo Hội, đặc biệt là Bộ Giáo Lý Đức Tin (the Dicastery for the Doctrine of the Faith). Phần lớn thành viên của Ủy Ban Thần Học là các thần học gia được chuẩn nhận bởi Đức Giáo Hoàng sau khi ngài lắng nghe những đề nghị từ Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

[5] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, “Tính Hiệp Hành trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh,” 42.

[6] Ibid., 5.

[7] Ibid., 3.

[8] Ibid., 3.

[9] Ibid., 26-37.

[10] Ibid., 83.

[11] Ibid., 84.

[12] Để hiểu biết về chủ nghĩa giáo sĩ, xem George B. Wilson, Clericalism: The Death of Priesthood (Collegeville, MN: Liturgical Press, 2008).

[13]Xem https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2018-08/pope-francis-letter-people-of-god-sexual-abuse.html

[14] Ibid.

[15] Xem https://www.thetablet.co.uk/news/11607/pope-to-priests-clericalism-takes-root-when-you-seek-comfort-instead-of-the-people

[16] Xem Address of His Holiness Pope Francis, “Ceremony Commemorating the 50th Anniversary of the Institution of the Synod of Bishops,” https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2015/october/documents/papa-francesco_20151017_50-anniversario-sinodo.html

[17] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, “Tính Hiệp Hành trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh,” 84.

[18] Ibid., 104.

[19] Ibid., 105.

[20] Bộ Giáo Sĩ, Cải Tổ Mục Vụ Cộng Đoàn Giáo Xứ để Phục Vụ Sứ Mạng Loan Báo Tin Mừng của Hội Thánh,” chuyển ngữ bởi Giám Mục Luy Nguyễn Anh Tuấn và Nhóm Dịch Thuật của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, xem kết nối https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-giao-si-huan-thi-cai-to-muc-vu-cong-doan-giao-xu-de-phuc-vu-su-vu-loan-bao-tin-mung-cua-hoi-thanh-46479#_Toc113642225

[21] Adelbert Denaux, “Did Jesus Found the Church?” Louvain Studies 21 (1996). 25-45.

[22] Xem Ad Gentes, 2 từ https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_decree_19651207_ad-gentes_en.html

[23] Xem James Mallon, Divine Renovation: From a Maintenance to a Missional Parish (Toronto, Cananda: Novalis Publishing, 2014), Chapter 2.

[24] Evangelii Nuntiandi 15, The Church is an evangelizer, but she begins by being evangelized herself. Xem https://www.vatican.va/content/paul-vi/en/apost_exhortations/documents/hf_p-vi_exh_19751208_evangelii-nuntiandi.html.

[25] Evangelii Gaudium 24, The Church which “goes forth” is a community of missionary disciples who take the first step, who are involved and supportive, who bear fruit and rejoice. An evangelizing community knows that the Lord has taken the initiative, he has loved us first (cf. 1 Jn 4:19), and therefore we can move forward, boldly take the initiative, go out to others, seek those who have fallen away, stand at the crossroads and welcome the outcast. Xem https://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium.html

[26] Xem https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19641121_lumen-gentium_en.html

[27]Bộ Giáo Sĩ, Cải Tổ Mục Vụ Cộng Đoàn Giáo Xứ để Phục Vụ Sứ Mạng Loan Báo Tin Mừng của Hội Thánh,” chuyển ngữ bởi Giám Mục Luy Nguyễn Anh Tuấn và Nhóm Dịch Thuật của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, xem kết nối https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-giao-si-huan-thi-cai-to-muc-vu-cong-doan-giao-xu-de-phuc-vu-su-vu-loan-bao-tin-mung-cua-hoi-thanh-46479#_Toc113642225

[28] Ibid., 7.

[29] Ibid.

[30] Ibid., 16.

[31] Ibid., 8, 9, 24.

[32] Ibid., 35.

[33] Xem Address of His Holiness Pope Francis, “Ceremony Commemorating the 50th Anniversary of the Institution of the Synod of Bishops.”

[34] Bộ Giáo Sĩ, Cải Tổ Mục Vụ Cộng Đoàn Giáo Xứ để Phục Vụ Sứ Mạng Loan Báo Tin Mừng của Hội Thánh,” 38.

[35] Ibid.

[36] Ibid., 37.

[37] Ibid., 39.

[38] Ibid., 40.

[39] Ibid., 102.

[40] Ibid., 103, 106.

[41] Ibid., 108.

[42] Ibid., 110.

[43] Ibid., 112.

[44] Xem Praedicate Evangelium 12  https://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_constitutions/documents/20220319-costituzione-ap-praedicate-evangelium.html

[45] Ibid., 3.

[46] Ibid., 10.

[47] Ibid., II, 5.

[48] Ibid., II, 6-7.

[49] Ibid., III, 2, 7.

[50] Ibid., V, 53-54.

[51] Xem https://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium.html

[52] Xem Praedicate Evangelium 1  https://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_constitutions/documents/20220319-costituzione-ap-praedicate-evangelium.html

[53]Ibid., 79.

[54]ĐGH Phanxicô, Diễn từ nói với các Cha sở Gp. Roma (16.9.2013): http://cosarestadelgiorno.wordpress.com/2013/09/16/.

[55]Cf. Id., Evangelii Gaudium (24.11.2013), s.287: AAS 105 (2013), 1136.

[56] Ibid.,s.49:AAS 105 58 (2013), 1040.

[57] CĐ.Vaticanô II, Gaudium et Spes (7.12.1965, s.58: AAS 58 (1966), 1079.

[58] Id., s.44: AAS 58 (1966), 1065.

[59] Cf. TH. EPREM,Commentary on Tatian’s Diatessaron 1,18-19; SC 121, 52-53

[60]ĐGH PHANXICÔ, Laudato Si’ (24.5.2015), s.68: AAS 107 (2015), 847.

[61]Cf. TH,GH PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam (6.8.1964): AAS 56 (1964), 639.

[62]ĐGH Phanxicô, Evangelii Gaudium, s.27: AAS 105 (2013), 1031.

[63] Cf. TH.GH GIOAN PHAOLO II, Christifideles Laici (30.12.1988), s. 26: AAS 81 (1989), 438.

[64] ĐGH Phanxicô, Tiếp kiến chung (12.6.2019): L’Osservatore Romano 134 (13.6.2019), 1.

[65] Cđ. Vaticanô II, Christus Dominus (28.10.1965), s.30: AAS 58 (1966), 688.

[66] TH. GH GIOAN PHAOLO II, Diễn văn trước Tham dự viên Khoáng đại Hội nghị Bộ Giáo sĩ (20.10.1984), s.3 và 4: Insegnamenti VII/2 (1984), 984 và 985; x. Id., Catechesi Tradendae (16.10.1979), s.67: AAS 71 (1979), 1332.

[67] ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng khi thăm viếng mục vụ giáo xứ Our Lady of Evangelisation, Rome (10.12.2006): Insegnamenti II/2 (2006), 795

[68]  ĐGH Phanxi cô, Evangelii Gaudium, s. 28: AAS 105 (2013), 1032.

[69] Cf. Gaudium et Spes, s.4: AAS 58 (1966), 1027.

[70] Cf. Gaudium et Spes, s.1: AAS 58 (1966), 1027.

[71] Cf. Evangelii Gaudium, các số 72-73: AAS 105 (2013), 1050-1051.

[72] Cf. Thượng Hội đồng Giám mục Thế Giới, Đại hội Khoáng đại Thường lệ XV (3-28.10.2018): “Giới trẻ, Đức Tin và Phân định Ơn gọi”, Văn kiện chung kết, s.129 “Trong bối cảnh này, một nhận thức về giáo xứ được xác định chỉ bởi biên giới lãnh thổ và không có khả năng làm cho các tín hữu tham gia vào các sáng kiến đa dạng, nhất là những người trẻ giam hãm giáo xứ trong sự tù túng không thể chấp nhận được và trong những chu kì mục vụ lặp đi lặp lại một cách nhàm chán”: L’Osservatore Romano 247 (29-30.10.2018), 10.

[73] Cf. Bộ Giáo Luật (BGL), các điều khoản 102; 1015-1016; 1108 [1.

[74] Christifideles Laici, s.25: AAS 81(1989), 436-437.

[75] Cf. Evangelii Gaudium, s.174:AAS 105 (2013), 1093.

[76] Cf. Ibid., ss. 164-165: AAS 105 (2013), 1088-1089.

[77]Cđ. Vaticanô II, Lumen Gentium (21.11.1964), s.11: AAS 57 (1965), 15.

[78]Cf.Evangelii Gaudium, các số 166-167: AAS 105 (2013), 1089-1090.

[79]ĐGH Phanxicô, Gaudete et Exultate (19.3.2018), s.35: AAS 110 (2018), 1120. Những lời sau đây của Đức Phanxicô có liên quan đến thuyết Ngộ đạo và thuyết Pêlagiô đều đáng nhắc đến ở đây: “Tính chất trần thế này có thể được bồi tiếp theo hai cách liên kết sâu xa với nhau. Một đàng là sự hấp dẫn của thuyết Ngộ đạo, một niềm tin thuần túy chủ quan mà mối quan tâm duy nhất là một kinh nghiệm nào đó hay một tập hợp các ý tưởng và các thông tin nhằm an ủi và soi sáng, nhưng rốt cuộc lại cầm tù người ta trong chính các tư tưởng và tình cảm của họ. Đàng kia là thuyết Tân-Pêlagiô chỉ quan tâm đến bản thân theo kiểu thần Promêtê của những người rốt cuộc chỉ tin vào sức mình và tự cảm thấy mình hơn người khác bởi vì giữ được ít nhiều qui định hoặc vẫn còn trung thành không lay chuyển với tác phong Công giáo cổ xưa”.Evangelii Gaudium, s.94: AAS 105 (2013), 1059-1060; X. thêm Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Placuit Deo  (22.02.2018): AAS 110 (2018), 429.

[80]Cf. Thư gởi Diognetus V, 1-10:Patres Apostolici, ed. F.X. Funk, Tập 1, Tubingae 1901, 398.

[81]Cf. TH.GH GIOAN PHAOLO II, Tông thư Novo Millennio Ineunte (6.01.2001), s.1: AAS 93 (2001), 266.Ỏ

[82] Evangelii Gaudium, s.28: AAS 105 (2013), 1032.

[83]Cf.BGL các điều khoản 515; 518; 519.

[84] Evangelii Gaudium, s.28: AAS 105 (2013), 1031-1032.

[85] Ibid.

[86] Cf. ĐGH Phanxico, Christus Visit (25.3.2019), s.238, Vatican 2019.

[87] Cf. Id., Tông sắc Misedicordiae Vultus (11.4.2015), n.3: AAS 107 (2015), 400-401.

[88] ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn từ vo7i1cac1 Giám mục Brazil (11.5.2007), s.3: Insegnamenti III/I (2007), 826.

[89] Evangelii Gaudium, s. 198: AAS (2013), 1103.

[90] Cf. ĐGH Phanxicô, Suy niệm buổi sáng tại nhà nguyện Santa Maria (30.10.2017).

[91]Cf. Evangelii Gaudium, ss.186-216: AAS 105 (2013), 1098-1109.

[92]Cf. Gaudete et Exultatet, ss. 95-99: AAS 110 (2018), 1137-1138.

[93]Cf. Evangelii Gaudium, s. 27: AAS 105 (2013), 1031; cf. ibid., s.189: AAS 105 (2013),1099: “Thay đổi cơ cấu mà không tạo ra những xác tín và những thái độ mới, thì chính những cơ cấu đó sớm muộn gì cũng trở nên biết chất, ngột ngạt và vô hiệu”.

[94] Ibid., s.26: AAS 105 (2013), 1030-1031.

[95] Christus Dominus, s.30: AAS 58 (1966), 688.

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô