Thứ hai, ngày 13 tháng 05 năm 2024 | 03:36 AM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Tài liệu

ƠN GỌI TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN 3

5. 3 - Ơn gọi và phẩm giá vì là thành phần của Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô

Vị đầu tiên đã diễn tả khúc triết mầu nhiệm Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô là thánh Phaolô: “Đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tùy theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho. Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12,3-8). Nếu trong đoạn trên thánh nhân nói nhiều đến những thành phần khác nhau với những đặc sủng khác nhau, thi trong thư 1Cr 12,12-22 ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết và lệ thuộc vào nhau giữa các thành phần, đến nổi cũng như trong một thân xác không bộ phận nào có thể nói không cần đến bộ phận khác.

Gần đây hơn, Đức Piô XII đã lấy Nhiệm Thể Chúa Kitô làm chủ đề ưa chuộng của mình mà ngài đã đặc biệt trình bày trong Thông Điệp Nhiệm Thể Chúa Kitô Mystici Corporis.

Công Đồng Vatican II cũng đã dùng căn bản gíáo hội Nhiệm Thể Chúa Kitô để diễn giải về sự liên kết hiệp thông giữa các tín hữu, và về ơn gọi cùng sứ vụ tông đồ giáo dân.

“Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa tội tháp nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, phép Thêm sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần” (AA số 3).

5. 4 - Bình đẳng, giống nhau và khác biệt

Như tất cả mọi người Công Giáo hay không Công Giáo, chúng ta đều thâm tín rằng mọi người. nam và nữ, đều bình đẳng như đã được minh định trong Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, cũng như đã được xác định trong Hiến Chế Mục vụ Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay “Gaudium et Spes” (viết tắt GS) của Công Đồng Vatican II: “Càng ngày phải nhận thức bình đẳng giữa mọi người hơn, bởi vì mọi người đều có một tâm linh và được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa nên có cùng một bản tính và một nguồn gốc…” (số 29). Nhân quyền và bình đẳng ầy con người không phải bị mất đi, hay bị thu hẹp, hoặc bị phủ nhận khi chịu phép Thanh Tẩy và trở thành người Công Giáo, dù thuộc thành phần giáo dân sống bên cạnh thành phần giáo sĩ hay tu sĩ.

Trái lại sự bình đẳng vì đồng nhân phẩm ấy càng được củng cố và có nền tảng vững chắc vì nhờ phép Thanh Tẩy con người đã trở thành Dân Thiên Chúa, thành một chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô. Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” khẳng định: “Chỉ có một Dân Thiên Chúa được Ngài tuyển chọn: “chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Ep 4,5). Các chi thể cùng chung một phẩm giá vì đã được tái sinh trong Đức Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất, và một đức ái không phân chia…”. “Mặc dù theo ý Chúa Kitô có những người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các mầu nhiệm hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô” (LG số 32).

Tuy có giống nhau và bình đẳng về nhân phẩm, tuy có cùng chung một căn tính và ơn gọi căn bản và, như sẽ nói sau đây, cùng chung chức vụ tư tế vương quyền của Chúa Kitô, song có khác biệt về vai trò, phần vụ và công tác, gọi là thừa tác vụ, về ơn gọi theo bậc sống và ơn gọi riêng. Những khác biệt đó không làm phân ly chia cách hay tranh chấp chống đối, trái lại bổ túc cho nhau trong mục tiêu thực hiện chung là “xây dựng Thân Thể Chúa Kitô”.

“Nếu Chúa phân biệt các thừa tác viên có chức thánh với những thành phần khác của Dân Thiên Chúa thì sự phân chia này vẫn hàm chứa một sự hiệp nhất, vì chủ chăn và các tín hữu khác liên kết với nhau do những mối dây liên hệ chung” (LG số 32).

Ở đây khi nói đến khác biệt, vai trò, thừa tác vụ, và phẩm trật, Giáo Hội đặc biệt nhấn mạnh đến lãnh đạo là phục vụ, là khiêm nhượng, và luật cao đẳng tuyệt đối phải tôn trọng là luật yêu thương. Công Đồng lấy lại câu nói trứ danh của Thánh Augustinô nói về chức vụ giám mục của mình khi sống giữa tín hữu anh em là những người cùng có ơn gọi chung với mình: “Nếu vị thế của tôi cho anh em làm tôi run sợ, thì đời sống cùng với anh em là niềm an ủi của tôi. Cho anh em tôi là giám mục, cùng với anh em tôi là Kitô hữu. Giám mục là một chức vụ. Kitô hữu là một ân huệ. Chức vụ giám mục chỉ mang lại cho tôi những hiểm nguy, trong khi đối với tôi Kitô hữu đảm bảo cho tôi ơn cứu rỗi” (LG số 32).

6. Ơn gọi và sứ vụ với 3 chức vụ tư tế ngôn sứ và vương giả

Công Đồng Vatican II là công đồng đầu tiên duy nhất từ trước đến nay bàn thảo sâu rộng về giáo dân và về Giáo Hội học về giáo dân. Tài liệu làm nền tảng cho mọi tài liệu khác của Công Đồng chính là Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, trong đó dành 2 trong 4 chương đầu để bàn về thần học và Giáo Hội học về giáo dân.

Trong Hiến chế này, Công Đồng đã nói về bản tính và sứ mệnh của người giáo dân dựa trên 3 chức vụ mà họ có do phép rửa và sự nhập hiệp của họ vào thân thể của Chúa Kitô như sau: “Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì đựợc Giáo Hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được nhập hiệp vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Rửa, đã trở nên Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ, và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình” (LG số 31).

Trong Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân, Công Đồng cũng đã xác định vì 3 sứ vụ ấy mà họ phải chu toàn phận sự của họ: “Giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân Thiên Chúa trong Giáo Hội và ở giữa trân gian” (AA số 2).

6. 1 - Chức vụ tư tế

Giáo Hội thường nói đến Nước Chúa như một “vương quốc những tư tế”, vì thành phần trong Nước Chúa là phần thân thể của Đưc Kitô, và Đức Kitô là “Linh mục Thượng Phẩm”. vì nếu Đức Kitô là Đầu và là Thượng Phẩm thì không lý gì mà các chi thể khác lại không được chức tư tế (LG số 10).

Sắc lệnh Tông Đồ Giáo dân nói rõ thêm: “Người giáo dân được thánh hiến vào chức vụ tư tế vương giả và dân tộc thánh (Xc. 1Pr 2,2-10), hầu trong mọi việc của họ làm thành những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu” (AA số 3).

Người giáo dân tham gia vào chức vụ tư tế của Chúa Giêsu thế nào? Họ lấy gì làm vật hiến tế? - Có thể nói bằng chính cuộc đời, toàn bộ cuộc đời với mọi hành động, suy nghĩ và dự phóng của mình. Đức Gioan Phaolô II giải thích: “Bằng việc dâng hiến chính mình và các hoạt động của họ… những lời cầu nguyện cũng như các hoạt động tông đồ, đời sống hôn nhân, gia đình, những công việc lao động hằng ngày, các việc giải trí, tinh thần thể xác, nếu tất cả đều được hướng dẫn do Thần Linh Thiên Chúa, ngay cả những thử thách của cuộc đời, miễn là chịu đựng một cách nhẫn nại, tất cả trở thành của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa Cha nhờ Đức Giêsu Kitô. Trong thánh lễ, các của lễ này hiệp với Mình Chúa được dâng lên cho Đức Chúa Cha với tâm hồn sốt sắng. Như thế người giáo dân thánh hiến cho Thiên Chúa chính cả trần thế này” (CL số 14).

6. 2 - Chức vụ ngôn sứ

Người giáo dân tham dự vào chức vụ ngôn sứ tức chức vụ rao giảng của Chúa Kitô là gì? phải hiểu thế nào?

Nhắc lại rằng: “Đức Kitô là Đấng lấy cuộc sống mình cũng như lấy sức mạnh của lời nói để tuyên bố vương quốc của Chúa Cha”, Đức Gioan Phaolô II giải thích: “Sự tham dự này làm cho người giáo dân có đủ năng cách và dấn thân để nhận lãnh Phúc Âm trong Đức Tin, để rao giảng bằng lời nói và hành động, và để tố cáo một cách bạo dạn không do dự những gì là điều ác... Họ làm chứng cho Đức Kitô phục sinh… Họ tham dự vào ý thức đức tin siêu nhiên của Giáo Hội “không thể sai lầm trong đức tin”… Hơn nữa họ được gọi để chiếu sáng sự mới lạ và sức mạnh của Phúc Âm trong đời sống thường ngày, trong đời sống gia đình và xã hội của họ, cũng như để diễn tả niềm hy vọng vinh quang “ngay cả trong những cơ cấu của cuộc sống trần thế” (CL số 14).

Về sự “không thể sai lầm trong đức tin”, một đoàn sủng của Dân Chúa, nghĩa là gồm cả giáo dân, là một xác định có tính thần học và tín lý, đã gây nhiều tranh cãi trước thời công đồng và ngay trong các phiên hợp của Công Đồng, chúng ta nên nghe thêm giải thích của Hiến chế: “Dân thánh Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô bằng cách phổ biến chứng từ sống động về Người… Toàn thể tín hữu được Chúa Thánh Thần xức dầu (Xc. 1Ga 2,20.27) không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin (supernatural discernment in matters of faith, sens surnaturel de la foi) của toàn thể Dân Chúa, khi “từ các Giám mục cho đến người giáo dân rốt hết” đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa” (LG số 12).[21]

6. 3 - Chức vụ vương giả

Người tín hữu giáo dân tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô: “Vì họ thuộc về Đức Kitô là Chúa Tể, là Vua vũ trụ, nhờ đó họ được tham dự vào trách vụ vương giả của Ngài... Họ sống vương quyền Kitô hữu trước tiên bằng cách chiến đấu để chiến thắng thế gian tội lỗi ngay trong chính mình họ, rồi hiến dâng mình để phục vụ trong đức bác ái và trong công bằng... họ được gọi đặc biệt để đem lại cho các tạo vật những giá trị nguyên thủy của nó... họ liên kết mọi thụ tạo vào lợi ích chân thật của con người. Làm như thế, họ được tham dự vào việc thi hành quyền bính của Đức Kitô Phục Sinh” (CL số 14).

Hành xử quyền vương giả của mình, người tín hữu giáo dân “khi phụng sự Chúa Kitô nơi tha nhân, đưa tha nhân đến Đức Vua” và mở rộng Nước của Người, “nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu, và hòa bình”. Đặc biệt khi ta phụng sự Thiên Chúa chính là lúc ta thống trị. Hành xử vương quyền của mình còn là: “Nhờ khả năng chuyên môn trong những việc trần thế, nhờ các hoạt động được ơn sủng Chúa Kitô nâng lên bậc siêu nhiên, nhờ lao động, kỷ thuật, văn hoá để khai thác những tài sản hầu mưu ích cho mọi người” (LG số 36).

Có thể hiểu như thế này: nếu chức vụ ngôn sứ làm “cho người giáo dân có đủ năng cách và dấn thân để nhận lãnh Phúc Âm trong Đức Tin, để rao giảng bằng lời nói và hành động, và để tố cáo một cách bạo dạn không do dự những gì là điều ác...”, thì chức vụ vương giả, làm vua, là để bổ túc cho sứ vụ ngôn sứ, là để kinh bang tế thế, sửa sang những thực tại trần thế hư đốn cho ra tốt đẹp, ích nước lợi dân, và bình trị an dân theo quan niệm và nêu gương của Đức Giêsu là rửa chân, là phục vụ, hy sinh thân mình, ngược lại với thói đời cai trị là để ăn trên ngồi tróc, áp chế người dưới và nghèo yếu.

Chính vì chức vụ vương giả mà người giáo dân phải dấn thân vào các hoạt động xây dựng trần thế như sẽ nói sau này.

6. 4 - Sứ vụ được ủy nhiệm đích danh

Ngày nay có nhiều tổ chức chính trị, xã hội, bác ái, văn hóa, kinh tế, y tế, giáo dục,… trong số đó có Phong Trào Giáo Dân, được tổ chức theo tinh thần của Hiến Chế Tín Lý, Hiến Chế Mục Vụ, Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, Bộ Giáo luật 1983, Tông Huấn Người Tín Hữu Giá Dân; trong các tổ chức ấy có giáo dân, có thể có cả giáo sĩ, song do sáng kiến và lãnh đạo của giáo dân,… Sự thành lập và tổ chức những hiệp hội hay cơ sở này do thúc đẩy của tinh thần Vatican II khuyến khích tín hữu hãy có sáng kiến và mạnh dạng sống ơn gọi và sứ vụ tông đồ giáo dân của mính.

“Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ (they are assigned to the apostolate by the Lord Himself, c'est le Seigneur lui - même qui les députe à l’apostolat), vì phép Rửa tội tháp nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, phép Thêm sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần” (AA số 3).

“Giáo dân làm việc tông đồ là thông phần vào sứ mệnh cứu độ của chính Giáo Hội (the Church itself, de l’Eglise elle - même) Mỗi tín hữu đều được chính Chúa (the Lord Himself, le Seigneur Lui - même) đề cử làm tông đồ qua việc lãnh nhận phép Rửa và Thêm Sức. Họ được đặc biệt kêu gọi làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian” (LG số 33).

Chúng ta cần lưu ý đến những từ ngữ chính Chúa, chính Giáo Hội chỉ định, đề cử. Nó có nghĩa là người giáo dân được chính Chúa đề cử, ủy nhiệm, giao công tác, kêu gọi đích danh, không qua môi giới bất cứ ai; cũng như họ “thông phần vào sứ mệnh cứu độ của chính Giáo Hội”, chớ không phải thông phần vào sứ mệnh cứu độ của một trung gian, như hàng giáo sĩ hay giáo phẩm chẳng hạng. Những sứ vụ và ủy nhiệm này không có tính tùy phụ vì lý do kiến hiệu kỷ thuật hay quản trị, song có tính thiết yếu vì mang tính cách bí tích do phép Rửa và Thêm sức, cũng như phát xuất từ sự tháp nhập vào Thân thể Chúa Kitô, và được tăng cường thần lực cùng hiệu năng bởi Chúa Thánh Thần.

Về điều này, nhà thần học trứ danh Karl Rahner, cũng là một chuyên viên của Vatican II đã nói: “Việc tông đồ của người giáo dân được đặt nền tảng trực tiếp trên chính con người của họ… và được xác định bởi hoàn cảnh của họ trong trần thế”.[22]

Nếu hồi xưa đến giờ quan niệm rằng việc tông đồ là phải do sáng kiến và thẩm quyền của giáo sĩ,và vì thế mà định làm gì thì phải hỏi ý kiến và xin quyết định của các linh mục, phải gia nhập Công Giáo tiến hành, phải có sự khuyến khích và thúc đẩy của các cha. Thì bây giờ, bởi được gọi và ủy nhiệm đích danh làm tông đồ, người tín hữu giáo dân phải có trách nhiệm và trả lời về nhiệm vụ tông đồ của mình, mà không thể nói rằng tại bị lý do gì, cũng không thể đổ lỗi cho cha xứ hay cho giám mục đã không cho phép, không chỉ dẫn, hay không khuyến khích nâng đỡ, trừ ra những lãnh vực thừa tác vụ thuộc về Giáo Hội.

Điều này cần có một sự trưởng thành của người giáo dân nhờ học hỏi, trao dồi kiến thức cần thiết như Giáo Hội dạy.

Trong phạm vi hoạt động Công Giáo Tiến Hành thì khác.

6.5 - Công Giáo Tiến hành

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô