Thứ bảy, ngày 11 tháng 05 năm 2024 | 08:12 PM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Tài liệu

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.,

Bài thuyết trình trong buổi hội thảo tại Trung Tâm Học Vấn Đaminh,

với chủ đề: "Tôn Giáo tại Việt Nam hiện nay theo nhãn quan Xã Hội Học",

ngày 22 tháng 10 năm 2016.

 

 

Nhập đề

Trước khi vào đề, xin phép đưa ra hai nhận xét về vài từ ngữ: 1/ Nghiên cứu tôn giáo, khoa học tôn giáo, xã hội học tôn giáo; 2/ Đời tu.

A. Tôn giáo

1/ “Nghiên cứu tôn giáo” và “Khoa học tôn giáo” có thể xem như đồng nghĩa. “Nghiên cứu tôn giáo” (đôi khi cũng gọi là “tôn giáo học”) dịch từ tiếng Anh religious studies, còn “Khoa học tôn giáo” dịch từ tiếng Pháp sciences des religions (đúng hơn là tiếng ĐứcReligionwissenschaft). Tuy nhiên “tôn giáo” có thể dùng như tính từ hoặc như danh từ, và vì thế có sự khác biệt trong cách sử dụng. Dùng như tính từ, “khoa học tôn giáo” tương đương với sciences religieuses; thuật ngữ này được dùng trong các trường công giáo để ám chỉ các “môn đạo”, (thí dụ: Kinh Thánh, thần học, giáo sử), đối lại với “môn đời”, sciences profanes, chẳng hạn như toán, lý hóa, văn chương. Trong khi đó, “tôn giáo” dùng như danh từ,sciences des religions được hiểu như việc áp dụng phương pháp của khoa học nhân văn (sử học, tâm lý học, xã hội học, ngôn ngữ học,.v.v..) vào việc nghiên cứu tôn giáo.[1]

2/ Một cách tương tự như vậy, “tôn giáo” trong Xã Hội Học có thể dùng như tính từ hoặc như danh từ. Như tính từ, sociologie religieuse là một ngành của mục vụ, nhằm tìm hiểu tình hình thực hành đạo của một đơn vị (giáo xứ, giáo phận), chẳng hạn: hạn tuổi của các thành viên, có bao nhiêu người đi lễ ngày Chúa Nhật.[2] Như danh từ,sociologie des religions áp dụng các nguyên tắc của Xã Hội Học vào việc nghiên cứu tôn giáo, dĩ nhiên dựa trên các dữ kiện, để phát biểu những giả thuyết, nguyên tắc. Xin nhấn mạnh đến số nhiều khi bàn đến “Xã Hội Học tôn giáo”, bởi vì trên thế giới này có nhiều tôn giáo, với những cấu trúc khác nhau. Chỉ cần so sánh cách tổ chức của Phật giáo và Công Giáo thì đủ rõ.

Công Giáo được tổ chức thành giáo phận, giáo xứ, giáo họ, giáo điểm; mỗi Chúa Nhật, các tín hữu họp nhau tại nhà thờ để học hỏi giáo lý và cử hành phụng vụ. Đối lại, rất nhiều người tự nhận là Phật tử nhưng chẳng biết gì về giáo lý nhà Phật, và cả đời có lẽ chỉ một hai lần bước vào cửa nhà chùa; họ giữ đạo tại tâm chứ đâu cần quan tâm đến tổ chức của đạo. Trên thực tế, hầu hết các tác giả dùng religion ở số ít, bởi vì các tác phẩm về Xã Hội Học ra đời tại châu Âu, nơi chỉ có một tôn giáo là Kitô giáo. Trong bối cảnh ấy, tôn giáo được hiểu về cấu trúc Kitô giáo, tức là Giáo Hội. Chỉ cần đọc lại định nghĩa cổ điển của ông Emile Durkheim về tôn giáo thì đủ rõ: “Tôn giáo là một hệ thống có tính chất gắn bó của những niềm tin và những thực hành liên quan đến những điều thiêng liêng, nghĩa là được tách biệt, cấm đoán. Những niềm tin và thực hành gắn bó tất cả những ai gia nhập vào một cộng đồng tinh thần, được gọi là Giáo Hội.[3]Nếu đem định nghĩa này sang ở Việt Nam thì có lẽ chỉ có thể áp dụng cho đạo Cao đài, chứ không thể áp dụng cho Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, bởi vì họ không có một tổ chức giáo hội.

B. Đời tu

Có hai điểm cần lưu ý: a) vấn đề dịch thuật; b) chỗ đứng trong tôn giáo.

1/ Dịch thuật. “Đời tu” dịch thuật ngữ Vie religieuse / religious life. Tuy nhiên, trong các sách Xã Hội Học, thuật ngữ này được hiểu như là “đời sống tôn giáo”, chẳng hạn tựa đề tác phẩm cổ điển của Émile Durkheim: Les Formes élémentaires de la vie religieuse. Vì thế cần phải dè dặt, khi nào phải dịch là “đời sống tôn giáo” và khi nào là “đời sống tu trì”. Luôn tiện, nên lưu ý: đối lại với “religieux” là “séculier”, nhưng xin đừng vội dịch là “thế tục, trần tục”, bởi vìprêtre séculier / secular priest không phải là “linh mục thế tục”, mà chỉ là linh mục giáo phận (triều); hoặc institut séculier / secular institute không phải là “viện thế tục”, mà chỉ là “tu hội đời”.

2/ Về vị trí của đời tu trong tôn giáo. Không phải tất cả các tôn giáo đều dành cho các tu sĩ một tầm quan trọng ngang nhau: a/ Trong Phật giáo, các tu sĩ giữ một yếu tố trọng yếu (Phật, Pháp, Tăng), và trở thành hàng lãnh đạo (không có hàng giáo phẩm), tuy chỉ ở cấp địa phương chứ không cao hơn. b/ Đối lại, Giáo Hội Tin lành không có các tu sĩ. c/ Giáo Hội Chính thống vừa có hàng giáo phẩm vừa có hàng tu sĩ, nhưng chỉ có một “dòng” (ordo) duy nhất là các đan sĩ. d/ Trong bài này, chúng ta tìm hiểu các Dòng tu trong Giáo Hội Công Giáo: trên nguyên tắc, họ không thuộc giới lãnh đạo tôn giáo (thuộc về hàng giáo sĩ) mặc dù đôi khi các tu sĩ cũng được kể vào hàng “chức sắc” (có chức vụ phẩm sắc); khác với Chính thống, các Dòng tu Công Giáo rất đa dạng.

Các Dòng tu có thể được nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh: lịch sử, thần học, pháp luật, Xã Hội Học. Môn này, xét như một ngành của khoa nhân văn, nhìn Dòng tu như một hiện tượng xã hội, chứ không đụng đến khía cạnh “siêu nhiên”. Ngoài ra, Xã Hội Học là một môn học thực nghiệm, chứ không mang tính quy phạm. Xã Hội Học khác với “Giáo huấn xã hội của Giáo Hội” là một ngành của thần học luân lý, phát biểu những nguyên tắc luân lý cho một thể chế xã hội. Thí dụ Giáo huấn xã hội định nghĩa hôn nhân gồm bởi một người nam và một người nữ cam kết sống chung với nhau trọn đời; nhưng Xã Hội Học sẽ khảo sát xem có bao nhiêu đôi hôn nhân hạnh phúc, bao nhiêu đôi hôn nhân tan vỡ, và lý do tại đâu. Trong lãnh vực mà chúng ta đang bàn, Xã Hội Học khảo sát Dòng tu như một hiện tượng xã hội: nó được thành hình như thế nào? được quản trị ra sao? nó phát triển hoặc suy tàn như thế nào? Ngoài ra, Dòng tu hiện hữu ở trong một xã hội rộng lớn hơn, đó là Giáo Hội (xã hội tôn giáo) và xã hội chính trị. Giữa Dòng tu và các thực thế ấy có những tương quan như thế nào? Thực ra, những sách chuyên môn trong lãnh vực này cũng không dồi dào cho lắm. Dù sao, chúng tôi hy vọng giới thiệu vài đường hướng khảo cứu hơn là đưa ra các kết luận đã đạt được.[4]

Bài này gồm hai phần chính. Trong phần thứ nhất, chúng ta khảo sát Dòng tu như một “nhóm”, để theo dõi sự thành hình, phát triển, và tàn tạ của nó. Phần thứ hai nhìn Dòng tu trong một khuôn khổ rộng hơn của Giáo Hội và xã hội, để theo dõi những đợt khai sinh và khai tử của các Dòng tu, cũng như những ảnh hưởng của văn hóa đương thời trong cách tổ chức và hoạt động. Thiết tưởng cần nhấn mạnh rằng các cuộc nghiên cứu ra đời khung cảnh của châu Âu, nơi mà Kitô giáo giữ địa vị độc tôn trong suốt nhiều thế kỷ.

I. DÒNG TU NHƯ MỘT XÃ HỘI

“Xã hội” là một danh từ loại suy, bởi vì áp dụng cho nhiều thực thể, từ gia đình, thôn ấp, cho đến tỉnh thành, quốc gia, cộng đồng nhân loại. Đó là những thực thể nảy sinh cho bản tính hợp quần của con người. Bên cạnh đó, có những đoàn thể hiệp hội “tự do” được lập ra vì một mục tiêu nào đó: một hội thể thao, hội từ thiện, một câu lạc bộ văn hóa,.v.v... Dòng tu được xếp vào loại nào? Không dễ gì xếp loại, bởi vì nó đòi hỏi các thành viên phải gắn bó suốt đời, dựa theo một quy chế, cắt đứt các mối ràng buộc gia đình. Chúng ta tạm đặt tên cho là một “nhóm” (group), với những quy luật giống với nhiều nhóm xã hội theo một chu kỳ cuộc sống (life cycle) trải qua các 4 chặng :[5] sáng lập, xây dựng, phát triển, suy thoái và canh tân. Chúng ta hãy theo dõi các chặng ấy, với những thách đố và nguy cơ của chúng.

A. Những chặng của chu kỳ

Ở đây chúng ta nghiên cứu các chặng “sinh bệnh lão tử” của một Dòng tu dưới khía cạnh trừu tượng; trong phần thứ hai, chúng ta sẽ tìm hiểu chu kỳ trong bối cảnh lịch sử của Giáo Hội. Dòng tu bắt đầu từ ý tưởng của một “lãnh tụ” thức thời, nắm bắt được một nhu cầu của thời đại, chẳng hạn như: sự sa sút của đời sống đạo, nỗi cơ cực tinh thần hoặc thể chất của dân gian. Vị đó tìm thấy một giải pháp để đáp ứng với đòi hỏi đó, và được sự hưởng ứng của một vài người, sẵn sàng họp thành một nhóm. Tuy nhiên, để có thể hoạt động lâu dài, cần phải tạo ra một cơ chế (định chế: institution). Cơ chế cần thiết cho sự sống còn của nhóm, nhưng đồng thời cũng có nguy cơ tiêu diệt nhóm khi nó trở thành tự lập: thay vì phục vụ cho một mục tiêu, cơ chế trở thành mục tiêu để phục vụ chính mình. Đây là sự thách đố lớn lao nhất của một Dòng tu: duy trì sự căng thẳng giữa nhiệt khí (tinh thần) và định chế.[6]

1/ Giai đoạn khởi đầu

Dòng tu bắt đầu nhờ một “lãnh tụ” (vị sáng lập) có tài thu hút một nhóm đồ đệ. Họ sống chung với nhau cách tự phát dưới sự hướng dẫn của lãnh tụ. Nhờ tài của lãnh tụ, những khó khăn nội bộ cũng như những ngăn trở từ bên ngoài có thể vượt qua được. Đây là thế hệ khai sáng, gồm những người say mê với lý tưởng, chứ không nhắm tư lợi gì cả.

Các tác giả đã dành nhiều nghiên cứu về vai trò của “lãnh tụ”. Nên biết là thuật ngữ “charisma” tuy có nguồn gốc Kinh Thánh, nhưng được phổ biến nhờ Max Weber.[7] Thuật ngữ này không mang ý nghĩa thần học về ân sủng, nhưng muốn nêu bật một người “biệt tài”, có khả năng nắm bắt một nhu cầu thực sự và khả năng tìm ra một giải đáp hữu hiệu cho nhu cầu đó. Trên thực tế, có lẽ nhiều người đương thời cũng nhận ra nhu cầu của thời đại; nhưng ít người tìm được biện pháp thích ứng. Như chúng ta sẽ thấy trong phần thứ hai, vào thế kỷ XII-XIII, có rất nhiều người khởi xướng phong trào thúc đẩy Giáo Hội trở về với Phúc âm, nhưng họ dễ đi đến chỗ ly khai với Giáo Hội; đang khi thánh Phanxico và thánh Đaminh đã lập dòng để thực hiện lý tưởng mà vẫn duy trì sự hiệp thông với Giáo Hội.

2/ Giai đoạn định chế hóa

Sang đến thế hệ thứ hai, dòng tăng thêm những phần tử mới và có lẽ vị sáng lập đã qua đi, cần phải xác định rõ rệt mục tiêu của dòng, thiết lập chương trình huấn luyện, và nhất là nhất là soạn một quy chế để được Giáo Hội nhìn nhận như một thực thể. Đã đến lúc cần phải đặt ra các định chế. Lúc này, Dòng phải đối diện với một sự giằng co: hoặc tiếp tục với nhiệt tình của ban đầu với nguy cơ là sẽ tan biến lúc nào không biết, hoặc đã ấn định các quy luật rõ rệt với nguy cơ biến thành một cơ chế cứng nhắc, với các chức vụ cai quản có nguy cơ suy giảm tương quan huynh đệ vốn có. Chỉ cần đọc lại tiểu sử của thánh Phanxico thì thấy rõ sự dằn vặt của ngài khi phải viết đi viết lại bản luật.

3/ Giai đoạn phát triển và củng cố định chế

Từ nay dòng sẽ được điều hành nhờ các bản văn pháp lý (hiến pháp, quy chế): các tương quan giữa các phần tử được xác định qua những chức vụ, những cơ quan điều hành. Bộ máy cơ chế tạo ra một tình trạng vững bền, nhưng lại mất tính sáng tạo. Dòng được đánh giá qua sự tăng gia các phần tử, sự phát triển hoạt động, gây ảnh hưởng trong Giáo Hội và xã hội.

4/ Giai đoạn suy tàn và vực dậy

Với dòng thời gian, dòng phải đối diện với những khó khăn bên trong và bên ngoài. Bên ngoài, thời thế đổi thay, đòi hỏi dòng phải canh tân nếu không muốn trở thành cổ hủ, bị gạt ra bên lề xã hội. Đôi khi Giáo Hội cũng yêu cầu dòng phải đổi mới. Bên trong, có những yêu cầu phải tìm lại hứng khởi ban đầu.

Trên thực tế, liệu dòng có đủ khả năng để canh tân đổi mới, hay đành cam chịu cảnh đào thải tất nhiên của lịch sử? Thật không dễ: công cuộc canh tân đòi hỏi những con người “biệt tài”, không kém gì vị sáng lập. Mặt khác, những cuộc canh tân thường gây ra những chia rẽ giữa các nhóm bảo thủ / canh tân; rộng phép / ngặt phép, như lịch sử đã cho thấy nơi các dòng Phanxico, Carmelo, Augustino.

B. Những mối giằng co

Thực ra, trong suốt chu kỳ hiện hữu, dòng luôn trải qua nhiều giằng co giữa “tinh thần” và “cơ chế”: tinh thần (nhiệt khí, đặc sủng) mang lại sức sống, cơ chế cần thiết cho việc tổ chức và phát triển bền vững. Vì đâu có những giằng co đó? Bởi vì Dòng tu bắt nguồn từ một lý tưởng cao thượng, một cảm nghiệm tâm linh của vị sáng lập; tuy nhiên dòng cần hoạt động trong trần thế này, phải sử dụng các phương tiện của trần thế. Đó là hai chiều kích khó dung hòa nhưng đều cần thiết để cho dòng tồn tại: nếu “thiêng liêng” quá, nghĩa là không cần sử dụng tài sản, kỹ thuật, thì liệu có thể hoạt động được không? Nếu thiếu một guồng máy quản trị thì có thể phát triển được không? Đàng khác, việc sử dụng các phương tiện trần thế dễ đưa dòng rơi vào sự “tục hóa”: cũng chạy theo tiền bạc, lợi nhuận, danh giá, và sớm muộn gì cũng xảy ra các tranh chấp địa vị.

Sự giằng co giữa hai yếu tố “tinh thần” và “thể chế” có thể mô tả cách cụ thể hơn nữa ở ba lãnh vực sau đây: ơn gọi, sinh hoạt, canh tân.

1/ Ơn gọi

Trong giai đoạn khởi đầu, vị sáng lập và các “đồng chí” nuôi dưỡng một tinh thần cao thượng. Họ sẵn sàng đón nhận những bấp bênh của tương lai.

Thế nhưng, khi dòng đã được tổ chức ổn định, đã đạt được uy tín trong Giáo Hội và xã hội, thì những phần tử xin gia nhập không hoàn toàn được thúc đẩy bởi một lý do cao thượng nữa. Tuy rằng, lý do chính vẫn là đi tìm sự thánh thiện trọn lành của đời tu, nhưng động lực ngầm có thể khác: danh giá, địa vị, nghề nghiệp,.v.v... nói tắt là một chỗ đứng trong xã hội. Nếu đòi hỏi mỗi phần tử mới gia nhập phải có tinh thần triệt để như nhóm sáng lập thì e rằng chẳng có ai được thâu nhận. (Chúng ta hãy nghĩ đến yêu sách của Chúa Giêsu theo Lc 9,59-60: ai muốn làm môn đệ thì phải từ bỏ tất cả, thậm chí không được phép về chôn cất thân sinh của mình).Thực tế, tinh thần của phần lớn những người vào dòng chỉ ở mức trung bình; đối lại, dòng đòi hỏi các ứng sinh phải có trình độ cao đẳng đại học, chứ không chỉ là những người có tâm tình đạo đức. Nguy cơ trước mắt là dòng sẽ sớm trở thành hội các nhà trí thức hơn là hội các thánh nhân.

2/ Sinh hoạt

Sinh hoạt của các phần tử đã được quy định trong hiến pháp, quy chế, tục lệ, kim chỉ nam,.v.v... Một dòng càng muốn tổ chức quy củ thì càng cần có cơ chế vững mạnh. Tuy nhiên, nguy cơ của cơ chế là bóp nghẹt tinh thần, là yếu tố tạo nên sức sống cho Dòng tu! Duy trì được sự giằng co này không phải là đơn giản.

Chúng ta chỉ cần lấy việc cầu nguyện làm thí dụ. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa nhờ sự thúc đẩy của Thần khí.[8] Có nghĩa là gì? Phải chăng đến giờ cầu nguyện, tất cả mọi người vào nhà thờ ngồi yên, chờ cho Thần khí đánh động? hay là phải mở sách kinh ra đọc? Thực tế, chúng ta mở sách kinh ra đọc, đến nỗi dần dần có thể nhắm mắt đọc thuộc lòng, và rồi chẳng để ý đến lời mình đọc nữa, đọc như con vẹt. Biết như vậy, nhưng không thể làm khác được! Nếu cứ để cho mỗi người đọc kinh tự phát, thì có lẽ lúc đầu có rất nhiều người phát biểu dài lê thê bất tận, nhưng sẽ tới lúc cạn ý, và tất cả sẽ ngồi nhìn nhau mà chẳng nói nên lời! Sự giằng co giữa tinh thần và thể chế là như thế đó. Không thể lúc nào cũng có thể sáng tác, nhưng cần phải dựa trên tục lệ, thói quen để hành động, với nguy cơ là hành động máy móc, không có hồn.

Mặt khác, luật lệ cần cho việc điều hành một đoàn thể; tuy nhiên, việc tuân hành luật lệ cứng nhắc dễ đưa tới tình trạng vụ luật, điều mà Chúa Giêsu rất nhiều lần chỉ trích nơi phái Pharisees.

3/ Canh tân

Trên đời này mọi vật đều thay đổi, chỉ có Thiên Chúa mới bất biến mà thôi. Câu nói này có thể giúp chúng ta đi tìm nơi nương tựa nơi Đấng vĩnh hằng, giữa những biến thiên của vạn vật. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu câu đó cách khác: chỉ có Thiên Chúa mới không thay đổi (và không thể thay đổi), còn mọi cái khác đều có thể và cần thay đổi. Trên thực tế, thế giới chung quanh ta thay đổi nhanh chóng; vì thế chúng ta cần phải thích nghi với thời thế nếu không muốn bị đào thải. Nhận xét này đưa đến nhiều hệ quả.

- Dòng tu có được sử dụng các khám phá kỹ thuật hay không: điện thoại di động, truyền thanh, truyền hình, xe hơi? Những điều này có trái ngược với lời khấn khó nghèo không? Hay là chúng ta cần phải cương quyết khước từ những tiện nghi ấy, ngõ hầu làm chứng tá cho sự thanh thoát?

- Mặt khác, với dòng thời gian, dù muốn dù không, tinh thần tu trì cũng xuống dốc. Bản thân mỗi người cảm thấy sức lực tàn tạ theo tuổi đời. Tập thể cũng vậy thôi. Chúng ta đành chấp nhận thực tế phũ phàng ấy, hay là chúng ta cần phải vùng lên, phải lấy lại nhiệt khí nguyên khởi, lấy lại tình yêu thuở ban đầu?

- Tất cả mọi người đều thâm tín về sự cần thiết phải canh tân Hội Dòng. Nhưng canh tân như thế nào? Canh tân có nghĩa là đuổi kịp thời trang, hay canh tân là trở về với sáng khởi nguyên thủy? Nếu trở về với thời nguyên thủy là đi ngược dòng lịch sử, đi lùi chứ đâu phải là canh tân. Đối với dòng Đaminh, phải hiểu canh tân như thế nào? Phải chăng là trở lại với thời buổi của thánh Đaminh cách đây 800 năm, hay là phải có can đảm nhìn về tương lai, vạch ra những dự phóng cho thế kỷ XXI -XXII? Trả lời theo nghĩa nào cũng bí! Tông huấnVita consecrata đưa ra một chìa khóa mà không ai dùng được, đó là “trung thành sáng tạo” (số 37; 73, được lặp lại trong Evangelii gaudium 81): có người nhấn mạnh đến trung thành (đưa tới bảo thủ), có người nhấn mạnh đến sáng tạo (đưa tới mất gốc); đa số chọn con đường êm dịu, chẳng cần trung thành cũng chẳng cần sáng tạo: họ an phận sống phật phờ cho qua ngày.

II. DÒNG TU TRONG XÃ HỘI

Trong phần thứ nhất, chúng ta nghiên cứu Dòng tu như một cộng đoàn xã hội, chú ý đến chu kỳ sinh sống của nó. Trong phần thứ hai, chúng ta đặt xã hội Dòng tu trong một bối cảnh xã hội rộng lớn hơn của Giáo Hội và xã hội chính trị. Nói cách khác, phần thứ nhất nói đến tương quan đối nội, phần thứ hai bàn đến tương quan đối ngoại.

Trước khi đi sâu vào vấn đề, xin nhắc lại điều đã nói ở đầu, đó là khoa Xã Hội Học ra đời bên châu Âu, nơi mà Kitô giáo giữa địa vị độc tôn (có thể tạm so sánh với xã hội Việt Nam vào thế kỷ XI-XIV, dưới thời nhà Lý và nhà Trần). Vì thế mối tương quan với Giáo Hội và xã hội hầu như đồng nhất. Chúng ta sẽ theo dõi sự thành hình của các hình thức Dòng tu trong khung cảnh tiến triển của Giáo Hội châu Âu (một cách chính xác hơn, phải nói là phía Tây Âu) từ thế kỷ IV đến thế kỷ XX. Trước hết, chúng tôi sẽ trình bày vắn tắt lịch sử của các Dòng tu (sự kiện), và kế đó vài nhận xét (giải thích).

A. Sự phát triển và suy tàn của các Dòng tu

Trong phần thứ nhất, chúng ta đã thấy vài học giả nêu lên giả thuyết về “chu kỳ đời sống” của một Dòng tu. Bây giờ, mở rộng ra nhãn giới, người ta cũng có thể nói đến “chu kỳ đời sống” của các Dòng tu trong lịch sử Giáo Hội nói chung. Thật vậy, có “những đợt sóng” xuất hiện những hình thức tu trì mới, và rồi, do nhiều lý do khác nhau, các Dòng tu cũng nếm cảnh suy tàn. Chúng ta tạm chia thành 5 đợt.[9]

1/ Sa mạc

Đợt sóng đầu tiên kéo dài khoảng từ năm 200 đến 500, thường đặt tên là “Thời kỳ Sa mạc”. Các cuộc bách hại tôn giáo đã nguôi dần và cơ hội nên thánh do việc tử đạo cũng giảm bớt; từ đó, nhiều nhà văn Kitô giáo như ông Origen nêu bật rằng các tín hữu có thể nên hoàn thiện nhờ việc tiết chế và chay tịnh. Đạo lý “Hai con đường” được truyền bá, theo đó đời sống trinh khiết trọn đời xa tránh thế gian thì cao hơn những người kết hôn. Được khuyến khích bởi những học thuyết như vậy, nhiều nhà khổ hạnh rời bỏ thành phố để đi tìm “sự tử đạo trắng” trên nơi hoang địa. Vào khoảng năm 400, người ta tính có đến 5000 đan sĩ ở bên Ai Cập, đó là chưa kể ở những vùng khác ở Syria, Palestine, Tiểu Á. Các đan sĩ tìm cách chiến đấu với Satan qua việc khổ chế hãm mình, nhằm đạt đến sự kết hợp với Thiên Chúa: có những người chỉ ăn trái chà là để sống, hoặc chỉ ăn mỗi ngày một lần, hoặc thức trắng đêm không ngủ.

Các phụ nữ không thể vào sa mạc như nam giới. Họ từ bỏ thế gian bằng cách là không kết hôn, và sống ẩn dật trong nhà. Các người phụ nữ này (trinh nữ hoặc quả phụ) dấn thân phục vụ một giáo đoàn qua việc cầu nguyện, ăn chay, học hành, tham dự phụng vụ. Đôi khi họ họp thành đoàn, và sinh sống nhờ lòng quảng đại của các ân nhân. Tại Ai Cập, con số các phụ nữ tận hiến ước chừng 10 ngàn, đông gấp đôi nam giới.

2/ Đan tu (500-1200)

Những cuộc tấn công của người man di và sau này của người Hồi giáo (thế kỷ VII) đã kết thúc giai đoạn sa mạc. Trước đó, vì có những nhóm ẩn sĩ hăng hái thi đua nhau thực hành khổ chế, nên vài vị lãnh đạo sáng suốt như thánh Basilio và Benedicto đã viết những bản luật để kiềm chế họ và thúc giục họ vào đời sống cộng đoàn. Hình thức đan tu cộng đoàn đã được Giáo Hội tán đồng và phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ VI đến thế kỷ XIII, và còn tồn tại đến nay. Các đan sĩ đặt tài sản làm của chung, cũng như cầu nguyện, làm việc, ăn uống chung. Họ tránh được những khổ chế thái quá của giai đoạn sa mạc nhờ việc tuân thủ những gì đã được ấn định trong Bản Luật, dưới sự hướng dẫn của viện phụ hoặc linh hướng. Tuy nhiên, hình thức ẩn tu vẫn còn tồn tại đó đây, và đôi khi cũng được dung nạp với đời sống cộng đoàn, chẳng hạn như dòng Chartreux (năm 1080).

Dòng Biển Đức đã nhiều lần trải qua chu kỳ suy thoái và canh tân, nổi tiếng nhất là tại Luxeuil (tk VII), Cluny (tk X), Citeaux (tk XII). Mặc dù chủ trương của các phong trào canh tân là trở về tinh thần nguyên thủy, nhưng trên thực tế, họ đã du nhập nhiều hình thức mới, chẳng hạn: tạo ra dây liên kết với đan viện mẹ (Cluny) hoặc qua các Tổng Hội (Citeaux).

Đang khi các nam đan viện phát triển mạnh vào thời Trung cổ, tỉ lệ nữ giới không cao lắm: từ khoảng 25-30% hồi thế kỷ VII, sụt xuống 5% vào thế kỷ XI.

3/ Hành khất (1200-1500)

Thế kỷ XIII chứng kiến một sự phát triển về thương mại và kinh tế: kinh tế dựa trên tiền bạc và lợi nhuận. Trung tâm xã hội di chuyển từ nông thôn lên thành thị. Sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo khá rõ rệt. Các đan viện không đáp ứng với nhu cầu của các giáo dân tại các thành thị.

Trong bối cảnh này, một hình thức tu trì mới xuất hiện, bắt nguồn từ những con người xuất thân từ giữa thành thị, thuộc thành phần trung lưu, khước từ tài sản của mình, đi rao giảng Tin mừng cho mọi người, chứ không chỉ khép mình trong khuôn khổ đan viện.

Giai đoạn các dòng hành khất kéo dài từ năm 1200 cho đến 1500. Nhiều dòng đã xuất hiện và phát triển nhanh chóng. Dòng Humiliati (được thành lập năm 1170) gồm các giáo dân, sống đời đơn sơ, phục vụ người nghèo, và đi giảng (một điều dành riêng cho hàng giáo sĩ). Vào năm 1216, chỉ nguyên trong thành phố Milano, họ đã có 150 tu viện. Ông Pierre Valdes, một thương gia giàu có ở Lyon, cũng thu gặt được kết quả khả quan. Năm 1209, Phanxico Assisi đã quy tụ một số anh em và nhóm được đức thánh cha chấp nhận. Tại Tổng Hội năm 1220 đã có khoảng từ 3 đến 5 ngàn anh em đã tham dự. Dòng Đaminh được thành lập năm 1215 đã có 12 Tỉnh Dòng vào năm 1228, và đến năm 1256 đã có 13 ngàn tu sĩ.

Các phụ nữ cũng muốn tham gi

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô