, ngày 19 tháng 05 năm 2024 | 01:10 AM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Tài liệu

 

 

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC –

ĐẠI HỘI THƯỜNG KỲ LẦN THỨ XIII

™ - - -

 

TÂN PHÚC ÂM HOÁ ĐỂ THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

 

BẢN DỊCH VIỆT NGỮ

LM. Dominico NGÔ QUANG TUYÊN

 

THÀNH VATICANÔ - VATICAN CITY - CITÉ DU VATICAN

2012

 

MỤC LỤC

 

 

LỜI TỰA

NHẬP ĐỀ

Các điểm qui chiếu

Chúng ta mong đợi gì ở Thượng Hội Đồng

Đề tài của Đại Hội THĐ

Từ Công Đồng Vaticanô II đến tân phúc âm hoá

Cấu trúc của Tài liệu làm việc này

 

CHƯƠNG I

ĐỨC GIÊSU KITÔ, TIN MỪNG CỦA THIÊN CHÚA CHO NHÂN LOẠI

Đức Giêsu Kitô, Người rao giảng Tin Mừng

Hội Thánh được phúc âm hoá và là người rao giảng Phúc âm

Tin Mừng, một món quà cho mọi người

Bổn phận loan báo Tin Mừng

Loan báo Tin Mừng và canh tân Hội Thánh

 

CHƯƠNG II

THỜI ĐIỂM CHO MỘT CUỘC TÂN PHÚC ÂM HOÁ

Vấn đề ‘ tân phúc âm hoá’

Các lãnh vực của việc tân phúc âm hoá

Ranh giới mới của lãnh vực truyền thông

Những thay đổi trong lãnh vực tôn giáo

Các Kitô hữu trong các lãnh vực này

Sứ mạng ad gentes, sự chăm sóc mục vụ và tân phúc âm hoá

Biến đổi giáo xứ và loan báo Tin Mừng

Một định nghĩa và ý nghĩa của ‘ tân phúc âm hoá’

 

CHƯƠNG III

THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN

Địa vị tối thượng của đức tin

Hội Thánh thông truyền đức tin mình đang sống

Khoa sư phạm đức tin

Những người liên quan đến việc thông truyền đức tin

Gia đình, nơi rao giảng Tin Mừng kiểu mẫu

Được gọi để rao giảng Tin Mừng

Giải trình về đức tin của mình

Những hoa trái của Đức Tin

 

CHƯƠNG IV

TÁI SINH ĐỘNG HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ

Khai tâm Kitô giáo, một tiến trình phúc âm hoá

Các đòi hỏi của việc rao giảng ban đầu

Thông truyền đức tin, giáo dục con người

Đức tin và tri thức

Cơ sở cho một chương trình mục vụ loan báo Tin Mừng

Địa vị trung tâm của các Ơn Gọi

 

KẾT LUẬN

Đức Giêsu Kitô, Tin Mừng phát sinh niềm hi vọng

Niềm vui loan báo Tin Mừng

Chú thích:

 

LỜI TỰA

“Xin tăng thêm đức tin cho chúng con!” (Lc 17,5) là lời cầu xin của các Tông Đồ với Chúa Giêsu, khi họ nhận ra rằng đức tin, một hồng ân của Thiên Chúa, là con đường duy nhất để có mối quan hệ thân tình với Người, và hoàn thành ơn gọi tông đồ của mình. Lời cầu xin của các Tông Đồ phát xuất từ việc họ ý thức rằng các hạn chế của họ khiến họ không thể tha thứ cho những người khác. Đức tin cũng cần thiết để thực hiện các dấu chỉ về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa ở trần gian. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây vả bị héo khô để khích lệ các môn đệ. “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: ‘ Dời chỗ đi, nhào xuống biển!’, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì điều ấy sẽ được ban cho. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu nguyện và xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11,22-24). Tác giả Tin Mừng Mátthêu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin trong việc thể hiện những việc kỳ diệu. “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em tin và không chút nghi nan, thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả, mà hơn nữa, anh em có bảo núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!", thì sự việc sẽ xảy ra như thế. (22) Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được” (Mt 21,21).

 

Nhiều lần Chúa Giêsu quở trách ‘ Nhóm Mười Hai’ vì họ thiếu lòng tin. Khi họ hỏi tại sao họ không thể trừ quỉ, Chúa đáp: “Vì anh em kém lòng tin” (Δια την όλιγοπιστίαν ύμών) (Mt 17 ,20). Trên Hồ Tibêriát, trước khi làm cho sóng yên biển lặng, Đức Giêsu quở trách các môn đệ: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” (όλιγόπιστοι) (Mt 8 ,26). Họ cần phải tin cậy vào Thiên Chúa và sự Quan Phòng của Người, chứ không được lo lắng về những của cải vật chất. “Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!” (Mt 6,30; xem Lc 12,28). Một tình huống tương tự cũng đã xảy ra trước phép lạ hoá bánh ra nhiều. Khi các môn đệ nhận ra họ đã quên không mang theo bánh khi qua bên kia hồ, Chúa Giêsu nói: “Sao anh em lại nghĩ đến chuyện không có bánh, người đâu mà kém tin vậy? (9) Anh em chưa hiểu ư? Anh em không nhớ chuyện năm chiếc bánh nuôi năm ngàn người sao? Và anh em còn thu lại được bao nhiêu giỏ?” (Mt 16,8-9).

 

Tin Mừng Mátthêu đặc biệt chú ý tới câu truyện Đức Giêsu đi trên mặt nước và lên thuyền với các Tông Đồ. Sau khi làm cho các Tông Đồ hết sợ, Ngài chấp nhận thách thức của Thánh Phêrô: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài” (Mt 14,28). Thoạt đầu, Thánh Phêrô đi trên mặt nước tiến về phía Đức Giêsu mà không gặp khó khăn gì. “Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm, ông la lên: ‘Thưa Ngài, xin cứu con với!’ Ðức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: ‘Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi ? ” (Mt 14,30-31). Sau đó, Chúa Giêsu và Thánh Phêrô cùng lên thuyền và gió yên. Chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ này, các Tông Đồ bái lạy Chúa và tuyên xưng đức tin: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14,33).

 

Vào thời chúng ta hôm nay, có thể thấy kinh nghiệm của Thánh Phêrô được phản ánh nơi nhiều người Kitô hữu cũng như cả những cộng đoàn Kitô giáo, đặc biệt tại các nước Kitô giáo lâu đời. Thực vậy, vì thiếu đức tin, nhiều Giáo Hội địa phương đang chứng kiến tình trạng suy thoái nơi các Kitô hữu trong việc thực hành bí tích và sống đạo, tới mức độ mà một số thành viên thậm chí có thể được gọi là ‘ những người không tin’ (άπιστοι ; xem Mt 17,17 ; 13,58). Đồng thời, nhiều Giáo Hội địa phương, sau thời kỳ phấn khởi ban đầu, nay đang cho thấy những dấu hiệu mệt mỏi và sợ hãi trước những tình hình rất phức tạp của thế giới hôm nay. Giống như Thánh Phêrô, họ đang ngày càng sợ hãi trước những sức mạnh đối nghịch và những cám dỗ đủ loại cũng như những thách thức vượt quá các khả năng con người của họ. Nhưng cũng như sự cứu rỗi của Thánh Phêrô chỉ đến từ một mình Đức Kitô, thì cũng thế, khi được tham dự một cách thân thiết vào một cộng đoàn Hội Thánh, các tín hữu có thể trải nghiệm ơn cứu độ của Đức Kitô. Chỉ một mình Chúa Giêsu có thể giơ tay ra để chỉ cho họ thấy con đường chắc chắn trong hành trình đức tin.

 

Các suy tư vắn tắt này về đức tin trong các sách Tin Mừng có thể giúp làm sáng tỏ đề tài của Đại Hội Thường Kỳ lần thứ XIII của THĐ Giám Mục : «Tân Phúc Âm Hoá để thông truyền Đức Tin Kitô Giáo». Tầm quan trọng của Đức Tin còn được Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhấn mạnh khi Ngài quyết định cử hành một Năm Đức Tin bắt đầu từ ngày 11 tháng 10, 2012, để kỷ niệm lần thứ 50 ngày khai mạc Công Đồng Vaticanô II và kỷ niệm lần thứ 20 ngày công bố Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Cả hai dịp mừng kỷ niệm này sẽ diễn ra trong thời gian cử hành THĐ. Một lần nữa, những lời Chúa nói với Thánh Phêrô, tảng đá trên đó Người xây Hội Thánh, có một ý nghĩa đặc biệt (xem Mt 16,19): “Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32). “Cánh cửa Đức Tin” (Cv 14,27) một lần nữa sẽ lại mở ra cho tất cả chúng ta.

 

Như vẫn thế, mục tiêu của việc rao giảng Tin Mừng là thông truyền đức tin Kitô giáo. Nhiệm vụ này trước tiên liên quan đến các cộng đoàn môn đệ Đức Giêsu được tổ chức thành các Giáo Hội địa phương, các giáo phận của Giáo Hội Phương Tây cũng như Phương Đông (diocesan and eparchial), nơi mà những người phụng thờ Thiên Chúa thường xuyên tụ tập lại để cử hành phụng vụ, nghe Lời Thiên Chúa, cử hành các bí tích - đặc biệt là Thánh Thể - và chứng kiến việc truyền lại kho tàng đức tin cho các thành viên của các gia đình, các cộng đoàn và các giáo xứ. Các Giáo Hội ấy chu toàn nhiệm vụ này bằng việc rao giảng và làm chứng về đời sống Kitô giáo qua việc phục vụ dự tòng, huấn giáo và công việc bác ái. Phúc Âm Hoá nói chung là công việc hằng ngày của Hội Thánh. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, công việc gọi là phúc âm hoá bình thường này có thể được đổ đầy sinh lực mới. Cần có có phương pháp mới và các cách diễn tả mới để chuyển tải cho con người hôm nay chân lý vĩnh cửu của Chúa Giêsu Kitô, chân lý luôn luôn mới mẻ và là nguồn mạch mọi sự mới mẻ. Chỉ có một đức tin chân chính và kiên cường, được làm chứng một cách thấm thíc trong cuộc đời của các vị tử đạo, mới có thể tạo sức bật cho nhiều đề án mục vụ ngắn hạn hay dài hạn, thổi luồng sinh khí mới vào các cơ cấu hiện hành và thúc đẩy một sự sáng tạo mục vụ hầu đáp ứng các nhu cầu của con người ngày nay và các mong đợi của xã hội hiện thời.

 

Năng động lực mới này trong cộng đoàn Kitô giáo sẽ dẫn tới hoạt động truyền giáo mới (sứ mạng ad gentes) đang cấp bách hơn bao giờ, trước sự kiện rất nhiều người vẫn chưa biết Chúa Giêsu Kitô, không chỉ ở những xứ sở xa xôi nhưng cũng ở cả những nước đã được phúc âm hoá..

 

Khi để mình được Chúa Thánh Thần làm cho sinh động, các Kitô hữu sẽ trở nên đồng cảm hơn với các anh chị em mình, những người tuy đã được rửa tội song đã rời xa Hội Thánh và việc sống đạo. Việc tân phúc âm hoá trước tiên nhắm tới những hạng người này, để họ có thể tái khám phá vẻ đẹp của đức tin Kitô của họ và niềm vui của một mối quan hệ thân thiết với Chúa Giêsu Kitô trong Hội Thánh và cộng đoàn tín hữu.

 

Tài liệu làm việc này trình bày các chủ đề nói trên và sẽ được dùng làm nghị trình cho đại hội sắp tới của THĐ. Tài liệu này là một bản đúc kết các câu trả lời cho các câu hỏi trong bản Đề Cương (Lineamenta). Đó là các câu trả lời đã được gửi tới bởi các Thượng Hội Đồng Giám Mục có thẩm quyền tự trị (sui iuris) của các Giáo Hội Công Giáo Phương Đông, các Hội Đồng Giám Mục, các cơ quan của Giáo Triều Rôma và Hiệp Hội các Bề Trên Tổng Quyền cũng như các tổ chức và các cộng đoàn tín hữu khác, là những người muốn tham gia vào việc suy tư của Hội Thánh về đề tài của THĐ. Được sự trợ giúp của Hội Đồng Thường Trực và những đóng góp quí giá của các chuyên gia, Văn Pḥng Tổng Thư Ký của THĐ đã chuẩn bị tài liệu này để mô tả nhiều khía cạnh đầy hứa hẹn của công cuộc phúc âm hoá được phản ánh trong Hội Thánh tại cả 5 châu lục. Đồng thời, tài liệu này cũng đề nghị xem xét một số đề tài khác nhau để Hội Thánh có thể tiếp tục thể hiện thoả đáng công việc rao giảng Tin Mừng của mình, trong khi cũng lưu tâm tới nhiều thách thức và khó khăn của thời điểm hiện tại. Được khích lệ bởi lời Chúa nói,“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1) và được hướng dẫn rõ ràng bởi ĐTC Bênêđitô XVI, các nghị phụ THĐ đang chuẩn bị bản thân mình để suy tư về các vấn đề này trong một bầu khí cầu nguyện, lắng nghe và hiệp thông về tâm tình và hành động. Họ sẽ không đảm đương công việc này một mình; họ sẽ được đồng hành bởi những người đang tiếp tục cầu nguyện cho THĐ. Hướng về sự hiệp thông với Hội Thánh Khải Hoàn, các thành viên Đại Hội Thường Kỳ lần thứ XIII tin cậy vào lời chuyển cầu của các thánh, đặc biệt của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đầy ơn phúc, vì “Người đã tin rằng lời Chúa phán cùng Người sẽ được thực hiện” (Lc 1,45).

 

Thiên Chúa Nhân Hậu và Từ Bi không ngừng chìa tay ra cho nhân loại và cho Hội Thánh, và Người luôn luôn sẵn sàng thi hành công lý cho những người được tuyển chọn; họ được mời gọi nắm lấy tay Người và tin tưởng tìm kiếm sự giúp đỡ của Người. Đây không phải là một tình huống giả định, như ta có thể thấy rõ trong những lời rất nghiêm túc của Chúa Giêsu: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Vì vậy, ở thời đại hôm nay, Hội Thánh và mọi người Kitô hữu cần lặp đi lặp lại lời cầu nguyện sau đây: “"Con tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của con!” (Mc 9,24).

 

Để bảo đảm đại hội của THĐ đáp ứng những mong đợi này và các nhu cầu của Hội Thánh thời nay, chúng ta khẩn cầu ơn Chúa Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa “đã tuôn đổ đầy tràn trên chúng ta” (Tt 3,6), và một lần nữa chúng ta kêu lên với Chúa Giêsu, “Xin tăng thêm đức tin cho chúng con!” (Lc 17,5).

 

NHẬP ĐỀ

1.       Như Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã loan báo khi bế mạc Đại Hội Đặc Biệt cho Trung Đông của Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM), Đại Hội Thường Kỳ lần thứ XIII của THĐGM sẽ được tổ chức từ ngày 7 đến 28 tháng 10, 2012 với đề tài: “Tân Phúc Âm Hoá Để Thông Truyền Đức Tin Kitô Giáo”. Để giúp chuẩn bị sự kiện này, chúng tôi đã soạn bản Đề Cương (Lineamenta) gồm các câu hỏi phải được trả lời bởi các Hội Đồng Giám Mục (HĐGM), các Thượng Hội Đồng có thẩm quyền tự trị (sui iuris) của các Giáo Hội Công Giáo Phương Đông, các cơ quan của Giáo Triều Rôma và Hiệp Hội các Bề Trên Tổng Quyền. Văn Phòng Tổng Thư Ký đã nhận được các lời nhận xét của các giám mục, các linh mục, các tu sĩ thuộc đời sống thánh hiến, các hiệp hội giáo dân và các phong trào của Hội Thánh. Con số đông đảo những người tham gia tiến trình chuẩn bị đã xác nhận rằng việc ĐTC chọn đề tài này là một chọn lựa đúng lúc trong tâm trí các Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh. Tất cả các nhận xét và bình luận này đã được thu thập và đúc kết trong bản Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) này.

 

Các điểm qui chiếu

2.       Đại Hội sắp tới của THĐ được triệu tập vào đúng thời điểm có ý nghĩa đặc biệt đối với Hội Thánh Công Giáo. Thực vậy, thời gian cử hành Đại Hội sẽ trùng với dịp kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Vaticanô II, kỷ niệm 20 năm ngày công bố cuốn Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo và là ngày khai mạc Năm Đức Tin đã được Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI công bố.[1] Vì vậy THĐ sẽ là một cơ hội tốt để tập trung vào chủ đề hoán cải và nhu cầu nên thánh, là điều mà cả ba dịp kỷ niệm này đều nhấn mạnh. THĐ cũng sẽ là nơi để lãnh hội và đề nghị lại cho con người lời mời gọi tái khám phá đức tin. Lời mời gọi này đã được Công Đồng Vaticanô II đưa ra lần đầu tiên và được lặp lại trong Năm Đức Tin do ĐTC Phaolô VI công bố, và một lần nữa được ĐTC Bênêđitô XVI gửi tới chúng ta trong thời đại này. Tất cả những điểm này sẽ được dùng làm khung cho công việc của THĐ khi bàn về đề tài tân phúc âm hoá.

 

3.       Trong quãng thời gian diễn ra các sự kiện trên đây, các văn kiện khác cũng đáng được xét đến không chỉ vào thời gian chuẩn bị này cho Đại Hội, mà cả trong chính Đại Hội. Bên cạnh việc tham chiếu trực tiếp và minh nhiên về các giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II, không thể có một cuộc thảo luận nào về việc rao giảng Tin Mừng mà không xét đến những gì đã được phát biểu về đề tài này bởi ĐTC Phaolô VI trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi, và ĐTC Gioan Phaolô II trong cả Thông Điệp Redemptoris missio và Tông Thư Novo millennium ineunte của ngài. Tất cả các văn kiện này đã được trưng dẫn trong một số câu trả lời như một điểm để tham chiếu và so sánh.

 

Chúng ta mong đợi gì ở Thượng Hội Đồng

4.       Nhiều câu trả lời đã nhấn mạnh tính cấp bách của việc phải đánh giá về cách thức Hội Thánh hôm nay đang đáp lại ơn gọi cơ bản của mình là rao giảng Tin Mừng và các nguồn lực của mình để đáp ứng những thách thức của thời đại hôm nay và tránh mọi nguy cơ phân tán năng lượng hay xé lẻ các cố gắng. Nhiều Giáo Hội địa phương (các giáo phận tại Phương Đông và Phương Tây, các Giáo Hội có thẩm quyền tự trị sui iuris) và nhiều HĐGM và các Thượng Hội Đồng Giám Mục của các Giáo Hội Phương Đông  trong nhiều năm qua đã đánh giá các chương trình của họ trong việc loan báo và làm chứng Đức Tin. Các câu trả lời đã cung cấp một danh sách rất ấn tượng về các sáng kiến đã được đưa ra bởi những thành phần khác nhau trong Giáo Hội. Trong mười năm qua, một số Giáo Hội địa phương đã lập hồ sơ và lên kế hoạch cho các đề án mục vụ về phúc âm hoá và về việc canh tân công cuộc này. Các chương trình ở cấp giáo phận, quốc gia và châu lục đã được hoạch định để gây ý thức và cung cấp sự nâng đỡ. Các trung tâm đào tạo cũng đã được thiết lập cho các Kitô hữu được gọi dấn thân vào các đề án này.

 

5.       Trước sự kiện có rất nhiều sáng kiến và các báo cáo kết quả của chúng gồm cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực - vì không phải mọi sáng kiến đều mang lại các kết quả mong muốn - việc triệu tập THĐ được coi là một cơ hội thích hợp nhất cho toàn thể Hội Thánh Công Giáo để lắng nghe, phân định và nhất là đưa ra một giải đáp thống nhất cho những gì chúng ta được kêu gọi thực hiện. Chúng ta hi vọng rằng đại hội THĐ sắp tới sẽ là một sự kiện tạo sinh lực cho các cộng đoàn Kitô giáo và đồng thời cung cấp những câu trả lời cụ thể cho nhiều câu hỏi mà Hội Thánh hôm nay đang phải đối diện, cũng như cung cấp các nguồn lực có thể sử dụng cho hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Chúng ta kỳ vọng rằng THĐ không chỉ là một nguồn khích lệ mà còn là nơi để đối chiếu các kinh nghiệm và chia sẻ các nhận xét về các tình huống và các phương thức hành động.

 

Đề tài của Đại Hội THĐ

6.   Khi triệu tập Đại Hội Thường Kỳ lần thứ XIII của THĐGM, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI muốn nhắc nhở các cộng đoàn Kitô về nhiệm vụ hàng đầu mà Hội Thánh đang đối diện vào đầu thiên niên kỷ mới này. Tiếp nối sáng kiến của vị tiền nhiệm, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người từng coi Năm Thánh 2000, được cử hành 30 năm sau Công Đồng Vaticanô II, như là một dịp để Hội Thánh thi hành sứ mạng truyền giáo với niềm phấn khởi mới, ĐTC Bênêđitô XVI muốn đi sâu hơn vào sứ mạng này và nhấn mạnh tính chất mới mẻ của nó. Sứ mạng truyền giáo mà các Tông Đồ đã tiếp nhận-ra đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ và đào tạo họ thành chứng nhân (xem Mt 19,20)-và sứ mạng mà Hội Thánh đã thi hành và vẫn còn trung thành qua các thế kỷ, sứ mạng ấy hôm nay đang đứng trước những thay đổi về văn hoá-xã hội ảnh hưởng sâu xa tới nhận thức của con người về chính mình và về thế giới, và do đó, ảnh hưởng tới cách họ tin vào Thiên Chúa.

 

7.       Tất cả những thay đổi ấy đang góp phần làm nhiều người lạc hướng, dẫn tới những hình thức mất tin tưởng vào tất cả những gì đã được truyền lại về ý nghĩa cuộc đời và khiến họ không còn muốn gắn bó một cách toàn diện và vô điều kiện vào điều đã được mặc khải như là chân lý sâu xa về hiện hữu của chúng ta. Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng tình trạng rời xa đức tin trong các xã hội và các nền văn hoá vốn thấm nhuần Tin Mừng suốt nhiều thế kỷ. Người ta ngày càng coi đức tin như là một chuyện cá nhân và riêng tư; đức tin đã trở thành một giả định ngay cả đối với nhiều người Kitô hữu; họ tiếp tục quan tâm tới những hệ luỵ xã hội, văn hoá và chính trị trong việc rao giảng Tin Mừng, đó là điều chính đáng, nhưng họ đã không được đào tạo đủ để tạo sức sống cho đức tin và cộng đoàn của họ, một đức tin giống như ngọn lửa vô hình của đức ái luôn nuôi dưỡng và tạo sự sống cho mọi hoạt động khác của cuộc đời. Tình hình này có nguy cơ làm suy yếu đức tin, và do đó làm suy yếu khả năng làm chứng cho Tin Mừng, nhưng không may tình hình này đã trở thành một thực tế tại hầu hết các nước mà ở đó đức tin Kitô giáo đã góp phần xây dựng nền văn hoá và xã hội trong nhiều thế kỷ.

 

8.       Ngay khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài, ĐTC Bênêđitô XVI đã từng nhấn mạnh rằng phải đối phó với tình hình này. Lúc ấy ngài nói: “Như Đức Kitô, toàn thể Hội Thánh và tất cả các mục tử của Hội Thánh phải lên đường dẫn đưa dân ra khỏi sa mạc, hướng tới đất sự sống, tới tình bằng hữu với Con Thiên Chúa, tới Đấng ban cho chúng ta sự sống, và sự sống dồi dào.”[2] Hội Thánh thấy mình có trách nhiệm tạo ra những công cụ mới và những cách diễn tả mới để bảo đảm rằng lời đức tin-lời đã sinh ra sự sống thực của Thiên Chúa trong chúng ta - được nghe nhiều hơn và được hiểu rõ hơn, ngay cả trong những sa mạc mới của thế giới này.

 

9.       Việc triệu tập THĐ về Tân Phúc Âm Hoá và Thông Truyền Đức Tin là một phần của nỗ lực kiên quyết của Hội Thánh nhằm tạo nhiệt huyết mới cho đức tin và cho việc làm chứng của người Kitô hữu và các cộng đoàn của họ. Quyết định tập trung các nghị quyết của THĐ về đề tài này thực ra là một yếu tố trong một kế hoạch thống nhất có nhiều giai đoạn, trong số đó những sự kiện gần đây là việc thiết lập một hội đồng thúc đẩy việc tân phúc âm hoá, cũng như việc công bố Năm Đức Tin. Vì vậy, chúng ta mong đợi việc cử hành THĐ sẽ tạo thêm sức sống và năng lượng cho Hội Thánh trong việc đảm đương một cuộc tân phúc âm hoá, giúp chúng ta tái khám phá niềm vui vì đã tin và tìm lại được sự phấn khởi trong việc loan truyền đức tin. Vấn đề không phải là nghĩ ra một cái gì mới hay tung ra những sáng kiến chưa từng có trong việc thông truyền Tin Mừng, nhưng là sống đức tin trong tinh thần rao giảng về Thiên Chúa: “Việc truyền giáo [...] đổi mới Hội Thánh, tăng sinh lực cho đức tin và căn tính Kitô giáo, và cống hiến niềm phấn khởi mới và động lực mới. Đức tin được kiện cường khi được trao ban cho người khác!”[3]

 

Từ Công Đồng Vaticanô II đến tân phúc âm hoá

10.     Ý tưởng đổi mới hoạt động rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh đã có một lịch sử lâu dài, và gần đây hơn đã được phát biểu trong các quyết định được nhắc tới trước đây của ĐTC Bênêđitô XVI. Chính ý tưởng này đã từng là nguồn cảm hứng cho các giáo huấn và tác vụ tông đồ của các Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II. Trên thực tế, ý tưởng này đã bắt nguồn từ Công Đồng Vaticanô II và từ ước muốn của Công Đồng là đáp lại một cảm giác mất phương hướng mà các Kitô hữu đã trải nghiệm khi đối diện với những thay đổi và những chia rẽ sâu xa mà thế giới thời bấy giờ đã trải nghiệm. Sự đáp ứng của Hội Thánh không mang tính chất bi quan hay cam chịu,[4] nhưng hàm chứa sức mạnh tái sinh của lời kêu gọi mọi người được cứu rỗi,[5] là ước muốn của Thiên Chúa cho từng cá nhân.

 

11.     Như vậy, việc rao giảng Tin Mừng trở thành một trong số các đề tài trung tâm của Công Đồng Vaticanô II. Trong Đức Kitô, Ánh Sáng Muôn Dân,[6] toàn thể nhân loại lấy lại được căn tính nguyên thuỷ và đích thực của mình,[7] vốn đã bị tội lỗi làm lu mờ, và Hội Thánh với khuôn mặt phản chiếu Ánh Sáng này, có trách nhiệm tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô và làm cho sứ mạng ấy hiện diện và hiện thực tại khắp nơi trên thế giới hôm nay.[8] Từ viễn tượng này, rao giảng Tin Mừng là một trong các đòi hỏi chính của Công Đồng khi kêu gọi có sự canh tân và nhiệt tình trong sứ mạng này. Là những thừa tác viên có chức thánh, các giám mục[9] và các linh mục[10] có nghĩa vụ tuyệt đối phải rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, sứ mạng cơ bản này của Hội Thánh cũng là nghĩa vụ của mọi tín hữu đã được rửa tội.[11] Sắc Lệnh Ad Gentes rõ ràng vạch ra rằng rao giảng Tin Mừng là nội dung hàng đầu của sứ mạng Hội Thánh và cho thấy việc rao giảng Tin Mừng xây dựng các Giáo Hội địa phương và các cộng đoàn Kitô giáo nói chung như thế nào. Nhìn theo hướng này, rao giảng Tin Mừng không chỉ là một hoạt động như bao nhiêu hoạt động khác, nhưng trong năng động lực của Hội Thánh, nó là năng lượng cho phép Hội Thánh thể hiện mục tiêu của mình, đó là đáp lại tiếng gọi mọi người nên thánh.[12]

 

12.     Ngay sau Công Đồng, ĐTC Phaolô VI sáng suốt nhận định rằng nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cần phải được đề nghị lại một lần nữa một cách mạnh mẽ và thúc bách hơn, vì tình trạng xa rời Kitô giáo của nhiều tín hữu, mặc dù đã được rửa tội, đang sống một nếp sống không phù hợp với đức tin Kitô của mình hay có biểu hiện một loại đức tin nào đó nhưng không hiểu biết đầy đủ về các nguyên tắc cơ bản của đức tin. Ngày càng có nhiều người cảm thấy có nhu cầu biết Đức Giêsu Kitô theo một cách khác với những gì họ đã học khi còn nhỏ.[13] Trung thành với giáo huấn của Công Đồng,[14] ĐTC Phaolô VI nói thêm rằng hoạt động truyền giáo của Hội Thánh “phải không ngừng tìm kiếm những phương tiện và ngôn ngữ thích hợp để trình bày hay trình bày lại cho họ sự mặc khải của Thiên Chúa và lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô.”[15]

 

13.   ĐTC Gioan Phaolô II đã coi bổn phận rao giảng Tin Mừng là một điểm trọng yếu trong kho huấn quyền đồ sộ của ngài, khi ngài đúc kết vào khái niệm tân phúc âm hoá tất cả những ǵ ngài đã khai triển một cách hệ thống trong nhiều bài diễn từ của ngài, đó là, tân phúc âm hoá là nhiệm vụ đang chờ đợi Hội Thánh hôm nay, đặc biệt tại các quốc gia đã có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Chương trình này trực tiếp ảnh hưởng tới mối quan hệ của Hội Thánh với thế giới bên ngoài, nhưng trước tiên nó đòi hỏi một sự canh tân liên tục từ bên trong, một bước di chuyển liên tục từ tình trạng được phúc âm hoá sang phúc âm hoá. Đức Thánh Cha cắt nghĩa: “Tại các nước và các dân tộc mà đức tin và đời sống Kitô hữu trước đây từng phát triển và có khả năng nuôi dưỡng một cộng đoàn đức tin hiệu quả và năng động, nay đang chịu thử thách nặng nề, và trong một số trường hợp, thậm chí đang trải qua những biến đổi triệt để, do hậu quả của thái độ thờ ơ, chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa vô thần không ngừng lan rộng. Tình trạng này đặc biệt xảy ra tại các quốc gia được gọi là Thế Giới Thứ Nhất, trong đó sự thịnh vượng kinh tế và chủ nghĩa tiêu thụ, mặc dù bên cạnh nó là một tình hình bi thảm của sự nghèo khó và khốn cùng, đang khơi dậy và duy trì một lối sống ‘như thể là Thiên Chúa  không hiện hữu’ [...] Tại các vùng hay các quốc gia khác, nhiều truyền thống đạo đức cốt yếu và nhiều hình thức dân gian của Kitô giáo vẫn còn được duy trì; nhưng hôm nay di sản tinh thần và thiêng liêng này có nguy cơ biến mất do tác động của vô số các tiến trình khác nhau, trong đó có tiến trình tục hoá và sự phát triển tràn lan các giáo phái. Chỉ có một cuộc tân phúc âm hoá mới có thể bảo đảm sự tăng trưởng của một đức tin rõ ràng và sâu xa, và giúp làm cho các truyền thống này trở thành một sức mạnh đem lại tự do đích thực. Rõ ràng việc cấp bách cần làm là cải thiện cấu trúc Kitô giáo của xã hội tại khắp nơi trên thế giới. Nhưng để có được điều này, việc cần làm trước tiên là làm lại cấu trúc Kitô giáo của chính cộng đoàn Hội Thánh tại các quốc gia và các dân tộc.”[16]

 

14.     Công Đồng Vaticanô II và tân phúc âm hoá cũng là những chủ đề được lặp đi lặp lại trong các giáo huấn của ĐTC Bênêđitô XVI. Năm 2005, trong lời chúc Giáng Sinh cho các thành viên của Giáo Triều Rôma―trùng hợp với kỷ niệm năm thứ 40 bế mạc Công Đồng Vaticanô - Đức Thánh Cha nói, phải phản ứng lại ‘ lối diễn giải không liên tục và đứt đoạn” bằng một ‘lối diễn giải cải tổ’, canh tân trong sự liên tục của một Hội Thánh-Chủ Thể duy nhất mà Chúa Kitô đã truyền lại cho chúng ta. Hội Thánh là một chủ thể tăng trưởng trong thời gian và phát triển, nhưng vẫn luôn luôn là chủ thể ấy, một chủ thể duy nhất của Dân Chúa lữ hành.”[17] Khi công bố Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha hi vọng rằng sự kiện này “sẽ cống hiến cơ hội tốt đẹp để giúp mọi người hiểu rằng các bản văn mà các Nghị Phụ Công Đồng để lại, nói theo lời của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “đã không mất đi chút nào giá trị và sự rạng rỡ của chúng”. Ngài còn thêm: “Tôi cũng muốn nhấn mạnh lại một lần nữa những điều Tôi đã có dịp nói về Công Đồng một vài tháng trước khi Tôi nhậm chức Kế Vị Thánh Phêrô: ‘Nếu chúng ta cắt nghĩa và thực hiện Công Đồng theo lối diễn giải đúng, thì Công đồng có thể là và có thể ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn cho công cuộc đổi mới hết sức cần thiết của Hội Thánh’.[18] Do đó, như một số câu trả lời cho bản Lineamenta vạch ra, các lời trên đây của ĐTC Bênêđitô XVI, nối tiếp các vị tiền nhiệm ngài, có thể là một hướng dẫn đáng tin cậy trong việc thảo luận đề tài thông truyền đức tin trong việc tân phúc âm hoá, trong một Hội Thánh ý thức về những thách đố của thế giới hôm nay, nhưng luôn gắn chặt vào Truyền Thống sống động của mình, và Công Đồng Vaticanô II là một phần của truyền thống ấy.

 

Cấu trúc của Tài liệu làm việc này

15.     Chúng ta mong đợi việc thảo luận của THĐ sẽ dẫn đến một sự phát triển và đào sâu những gì Hội Thánh đã thực hiện trong những thập niên gần đây. Số lượng rất lớn các sáng kiến và các văn kiện đã được đề ra về công cuộc phúc âm hoá và việc canh tân công cuộc phúc âm hoá cho thấy rằng nhiều Giáo Hội không chủ yếu đợi cho biết phải làm gì, mà là đang tìm một nơi để được nghe về tất cả những gì đã được thực hiện cho tới bây giờ. Có hơn một câu trả lời nói rằng nguyên chỉ lời loan báo đề tài và công việc đã bắt đầu với bản Lineamenta cũng đã đủ để khiến cho các cộng đoàn Kitô cảm thấy mạnh mẽ hơn và quyết tâm hơn đối với tính chất cấp bách hôm nay của nhiệm vụ tân phúc âm hoá, và thêm một lợi ích nữa là hưởng được niềm vui của tinh thần hiệp thông, giúp họ đối diện các thách đố hằng ngày với một thái độ khác.

 

16.     Nhiều câu trả lời không coi nhẹ vấn đề Hội Thánh đang đối diện trong thách thức của cuộc tân phúc âm hoá, đó là, những thay đổi đã được thảo luận trước đây không chỉ tác động tới thế giới và văn hoá, nhưng cũng tác động tới chính bản thân Hội Thánh, nghĩa là các cộng đoàn, các hoạt động của Hội Thánh và quan niệm của Hội Thánh về chính mình. Vì vậy, tình hình này đòi hỏi một tiến trình phân định, và sự phân định này cũng có thể là cách đáp ứng tình hình hiện nay một cách can đảm và có trách nhiệm hơn. Đi theo ý tưởng này, bản Tài liệu làm việc này được soạn thành bốn chương có ích để cung cấp nội dung và ý nghĩa cơ bản để kích thích và phát triển công việc suy tư và phân định này.

 

17.   Chương I dành cho việc tái khám phá tâm điểm của việc tân phúc âm hoá, đó là, sự trải nghiệm đức tin Kitô giáo: gặp gỡ với Đức Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa Cha cho nhân loại, là Tin Mừng biến đổi chúng ta, tập hợp chúng ta lại và dẫn đưa chúng ta, nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần, tới một sự sống mới mà chúng ta bây giờ đã trải nghiệm rồi, ngay trong việc chúng ta cảm nhận mình được qui tụ thành Hội Thánh. Đồng thời, sự sống này là nguyên nhân của niềm vui thúc đẩy chúng ta làm những chứng nhân và người hân hoan loan tin về hồng ân đã nhận, đi khắp các nẻo đường trên thế giới, trong khi ngóng đợi sự hoàn thành Nước Thiên Chúa. Chương II cố gắng tập trung chú ý vào việc phân định các thay đổi tác động tới cách chúng ta sống đức tin và ảnh hưởng đến các cộng đoàn Kitô giáo của chúng ta. Tiếp đến là việc đánh giá các lý do để thông truyền ý tưởng về công cuộc tân phúc âm hoá cũng như các cách thức khác nhau mà nhiều Giáo Hội địa phương có thể cảm thấy mình có liên quan. Chương III đề cập tới các nơi, các phương tiện, con người và các hoạt động cơ bản trong việc thông truyền đức tin Kitô giáo - phụng vụ, huấn giáo và các việc bác ái - và cách thức mà trong tiến trình thông truyền, đức tin cần phải được tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện. Sau cùng, trong một hình thức tương tự, Chương IV và là phần kết bàn về các lãnh vực hoạt động mục vụ, đặc biệt các lãnh vực dành cho việc rao giảng Tin Mừng và thông truyền đức tin. Các lãnh vực bàn tới có tính quen thuộc, nhưng khai triển nhiều hơn về các lãnh vực gần đây nhất đã phát sinh để đáp ứng tác động và các mối quan tâm phát sinh từ suy tư về tân phúc âm hoá trong các cộng đoàn Kitô và cách thức các cộng đoàn này sống đức tin của mình.

 

 

CHƯƠNG I

ĐỨC G

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô