, ngày 19 tháng 05 năm 2024 | 05:50 AM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Tài liệu

 

LINH MỤC PHÊRÔ NGUYỄN THIÊN CUNG


DẪN NHẬP

Đức Giáo Hoàng PHAOLÔ VI có lần đã phát biểu cách sâu sắc và chí lý: “Con người ngày nay ưa thích các chứng nhân hơn là những thầy dạy.”

Đó chính là lý do ra đời của loạt bài viết về “MỘT SỐ CHỨNG TỪ ĐỨC TIN” nầy.

Động cơ duy nhất của loạt bài nầy thuần túy mang tính tôn giáo…

 Hy vọng rằng những chứng từ sống nầy sẽ mang lại được chút gì đó “TIN-CẬY-MẾN” cho những ai đang cần đến chúng…

 

  Linh mục Phêrô NGUYỄN THIÊN CUNG.


 

CHƯƠNG 1

 

 

CHỨNG TỪ ĐỨC TIN

CỦA CỤ PHÊRÔ LÊ VĂN NHIỄU

(1928-1999)

 

Như một chứng từ Đức tin, chúng tôi hân hạnh gửi đến quí vị độc giả và các bạn tập sách nhỏ “ĐƯỜNG VỀ VỚI CHÚA”, hồi ký của cụ Phêrô LÊ VĂN NHIỄU, sinh năm 1928, tại Long Tuyền, Châu Thành, tỉnh Cần Thơ, vốn là một cựu đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, gia nhập đảng CS từ những năm 1946, bị Tòa án Pháp ở Sài gòn kết án tử hình, sau đổi ra chung thân, bị đày ra Côn Đảo, vượt ngục, từ 1954 tập kết ra Bắc, sau 1975 trở về lại quê hương Cần Thơ, bị tù 15 tháng vì bị nghi ngờ những tội không bao giờ phạm bởi các đồng chí của mình, gia đình tan nát, cay đắng, phẫn uất, mang thẻ đảng trả lại cho bí thư huyện ủy, vợ chồng con cái bỏ quê hương xứ sở ra đi, lang thang như kẻ không nhà, hai bàn tay trắng, rày đây mai đó, vợ chết vì bệnh tật, sau đó trôi dạt ra Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận; mẹ và chị, hai người thân duy nhất còn lại ở Miền Nam sau 1975, vì xấu hổ với bà con lối xóm, đành từ bỏ quê hương, đất nước qua sống ở xứ người…

Cảm kích bởi sự đùm bọc đầy yêu thương của Cộng đoàn Giáo xứ Gia An, thuộc Giáo phận Phan Thiết, cụ đã quyết định trở thành người kitô-hữu. Sau khi tòng giáo, cụ đã trở thành một trong những người kitô-hữu nòng cốt của Giáo họ Matthêu Gẫm, Giáo xứ Gia An: chính cụ đã cùng với các em thiếu niên trong Giáo họ Matthêu Gẫm thành lập được một Nhóm chia sẽ Lời Chúa với khoảng hơn 40 thiếu niên, sinh họat rất đều đặn và đầy ý thức trách nhiệm đối với Cộng đoàn Giáo xứ Gia An…

Cụ qua đời ngày 03 tháng 10 năm 1999 tại Gia An, thi hài được chôn cất tại Nghĩa Trang Giáo xứ Gia An…

–ó—

 


 

ĐƯỜNG VỀ VỚI CHÚA

(Hồi ký của cụ Phêrô LÊ VĂN NHIỄU)

 

 

PHẦN I:

 

TUỔI THƠ

 

Gia đình tôi thật ra không thực hành một tôn giáo nào. Cha tôi mất sớm, lúc tôi chưa đầy một tuổi. Khi tôi lớn biết được, thì mẹ tôi tiếp đi bước nữa, với thân phận lẻ mọn. Tôi sống với tình yêu thương của một người cha không cùng huyết thống!

Ông này theo Nho giáo, nhưng có khuynh hướng tự do. Mẹ tôi theo Phật giáo như trăm nghìn đồng bào khác, ít khi đi chùa chiền, lễ bái ngày rằm và mồng một, thỉnh thoảng cũng ăn chay.

Riêng tôi, tôi chống mọi thứ tôn giáo. Đối với tôi, tôn giáo chỉ là một thứ mê tín dị đoan, dành riêng cho bọn đàn bà quê mùa, mù chữ, dốt nát…

Đến bậc trung học, tôi được cha kế và mẹ gởi vào trường Tư thục Công giáo, không phải vì có lòng mộ đạo, nhưng chỉ vì không còn trường nào khác, vì cái cảnh mẹ góa con côi! Lúc được cắp sách đến trường, thì tuổi đã cao quá quy định của luật nhà trường.

Tôi đổi tên họ từ đó, để làm thế vì khai sanh. Khi nhập học ở nhà trường Công giáo, ngoài những môn học thường lệ, học sinh còn phải học giáo lý và đọc kinh trước mỗi giờ học.

Như tất cả các học sinh trong trường, tôi quỳ đọc kinh, hoặc giả bộ đọc, cố ra vẻ trang nghiêm, sùng kính nhiệt thành. Nhưng trong thâm tâm, tôi ghét mọi điều ấy. Như tôi đã nói, trên nguyên tắc tôi chống mọi thứ tôn giáo.

Năm 1943-1945, đất nước đang ở vào một thời kỳ nước sôi lửa bỏng! Một ách hai xiềng! Pháp, Nhật đang tranh giành miếng mồi “Đông dương”.

Dạo ấy các nhóm cách mạng bí mật mọc lên như nấm, nhằm mục đích đánh đuổi thực dân Pháp, giật lấy chính quyền trong tay Nhật, đem lại quyền độc lập tự do cho quê hương xứ sở.

Là một thanh niên có nhiệt tình yêu nước, nên trong khi các bạn học mải vui chơi ngoài phố, tôi say sưa đọc lén đủ thứ các tác phẩm cách mạng từ ở hai người thầy mà tôi rất yêu quý hồi còn học ở bậc tiểu học, chuyển sang tay cho tôi.

Như quyển: Lịch sử loài người nguyên thủy, Chủ nghĩa Mác – Lénine, Cách mạng tháng 10 Nga, Tư bản luận của Mác – Engel, Tình bạn Mác – Engel, tình yêu Mác và Geunie (vợ chồng).

Tất cả những điều tôi ghi nhận được ở những tác phẩm này là: “Tình yêu” giai cấp: công nhân và nông dân là hai giai cấp bị áp bức bóc lột! Phải giải phóng cho họ và đem lại sự công bằng trong xã hội…

Thứ tình yêu này (?) bắt đầu đâm rễ trong tôi, và tôi hiến dâng mình làm đầy tớ cho họ?… cũng như bác Hồ từng dạy: “Cán bộ là đầy tớ dân”.

Tình thầy trò khắn khít ở bậc tiểu học, hai thầy: Ngô Xuân Kỉnh và Đào Trọng Hiếu dẫn dắt tôi đến với con đường Chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1946, tôi rời bỏ nhà trường Tư thục Công giáo, bước vào hoạt động tuyên truyền cách mạng tại thành phố Cần Thơ.

Không bao lâu sau, hai thầy giáo yêu quý của tôi bị lộ, bọn Pháp bắt và giết chết tại sân banh Cần Thơ (10.1946). Tôi bị sở mật thám truy nã ráo riết.

Sau khi hai thầy tôi bị giết chết, tôi trở thành một tay cuồng chiến; bắn giết kẻ thù là mục tiêu: để trả thù cho hai thầy. Ban ngày rút vào bí mật, tối xuất hiện trên các đường phố, rải truyền đơn, ném lựu đạn những nơi hội tụ ăn nhậu của lính Tây, rình đón bắn Việt gian… làm đảo điên, mất ổn định thành phố Cần Thơ!

Ngày 25.02.1948: tôi bị Pháp bắt, chúng dùng đủ mọi cực hình tra tấn, vẫn không khai thác được ở tôi một điều gì… Bởi lẽ, lý tưởng cộng sản luôn nhắc nhủ trong tâm trí của tôi: Thà hy sinh, nhất định giữ tròn khí tiết; trước vong linh hai thầy, đừng để hổ thẹn!

Bọn Pháp thay đổi hình thức giết thân xác tôi! Chúng cho đào một cái hầm tròn, sâu 1m, chu vi đường kính chừng 2m, nắp ván có chừa lỗ vuông vừa người xuống, có nắp đậy và khóa lại, ở trong khu vực dinh của viên đại tá tướng vùng, giữa trời trưa nắng! Được biết ở thời đó (1948), quân đội viễn chinh Pháp phụ trách bình định sáu tỉnh Miền Tây (43 Régiment d’infanterie colonial), bọn này vô cùng độc ác…

Chúng nhét tôi xuống hầm ấy, cùm hai chân lại bằng cùm sắt, mặc cho mưa nắng, bỏ đói không thương xót gì cả. Chúng nói: lúc nào cần khai điều gì, cứ báo cho tên lính người Miên gác trên miệng hầm, chừng đó sẽ được lên miệng hầm và ăn uống đầy đủ.

Giờ đây, ở dưới hầm chịu đựng đầy gian khổ! Đói, khát, nắng mưa và những đau đớn của đòn tra tấn khi mới bị bắt! Vào những ngày này, ngày thì nắng như thiêu đốt, chiều có những cơn mưa rào như trút nước, tưởng chừng như sẽ dìm tôi trong nước. Tôi không hiểu nổi vì sao, hay nhờ một Đấng phù trợ nào, trong tột cùng của đau khổ và cận kề cái chết, thế mà tôi vẫn hồn nhiên, thanh thản, sẵn sàng chấp nhận cái chết, nhất quyết không khai…!

Tôi đã chịu đựng dưới cái hầm cay nghiệt đó được bốn ngày, vào một buổi chiều, khoảng 04-05 giờ, tôi ngồi trầm tư miên man, nhớ đến hai người thầy đã chết trong tang thương để lại sự đau khổ cho hai người vợ, và mấy trẻ đầu xanh! Nhớ đến bạn bè ở nhà trường, và nhất là rồi đây, tôi sẽ để lại cho mẹ và hai chị một đau buồn! Khi biết tôi đã vĩnh biệt ra đi, theo hai người thầy, mẹ tôi thường oán trách họ…

Từ ngày tôi bị bắt, mẹ vẫn bặt tin về tôi. Còn ông cha kế, thì đã loại trừ tôi từ ngày được biết tôi bỏ nhà trường đi theo làm cách mạng

Ông sợ bị liên lụy, ngay cả với mẹ tôi, ông cũng hạn chế gọi là tình nghĩa vợ chồng, vì chính ông là một viên chức hội tề trong làng.

Đầu óc tôi đang miên man hồi tưởng, có tiếng giầy dừng lại ngay nắp miệng hầm, ngưng dòng suy tư tôi ngước nhìn lên, thấy có một ông người Pháp, mặc áo dòng đen, đeo thập tự giá to trên cổ, lòng thòng trước ngực, tôi nhận biết ông là linh mục Công giáo.

Với đôi mắt và dáng vẻ hiền từ, đứng nhìn tôi hồi lâu, hình như ngài cũng ngậm ngùi đau xót với cảnh vô cùng khổ sở, của một thân xác tiều tụy đang phải gánh chịu!

Ngồi xuống để gần kề với tôi hơn, ngài thấy trên cổ tôi có đeo sợi dây bằng bạc và thập tự giá có tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh. Ngài làm dấu: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, sau đó, ngài nhỏ nhẹ hỏi tôi: Con có đạo à? (Tu est catholic?) Tôi trả lời cách tự nhiên: Thưa cha có. (Oui, mon père!). Tôi lấy làm hổ thẹn với lòng mình và với ngài vì đã nói dối. Vì như trên tôi đã nêu, tôi hoàn toàn ghét mọi thứ tôn giáo, ngày còn ở trường Tư thục Công giáo, vì  tình yêu của tình bạn, tôi nhận món quà tặng sợi dây và thập tự giá để làm kỷ niệm mà thôi...

Tình bạn, mỗi đứa một con đường, nhưng tôi vẫn luôn luôn trân trọng gìn giữ như một báu vật. Lúc bước vào con đường đi theo cách mạng, hai người thầy của tôi cũng có lần khuyên: Tôi nên dứt khoát những gì có tính chất về mặt hữu thần… chúng ta là những con người tư duy theo duy vật biện chứng… Lòng có thương và quý trọng hai thầy, nhưng tôi vẫn khiêm tốn đáp lại: Thưa thầy, thầy trò mình đang theo làm cách mạng, mục đích: đem lại hạnh phúc, tự do, và tình yêu thương cho mọi người, và hai thầy đã từng dạy, làm người phải biết giữ “yêu thương”, yêu tổ quốc, quê hương, yêu ông bà cha mẹ, yêu bạn, yêu đồng bào, đồng chí… sở dĩ tôi không rời bỏ vật kỷ niệm nầy, là thể hiện một trong những điều yêu thương đó!

Ông linh mục gọi tay sergent (trung sĩ) người Pháp lấy chìa khóa mở nắp hầm. Ngồi dưới hầm nhìn lên thấy ngài làm dấu thánh giá, tôi cũng làm dấu theo ngài. Ngài đọc kinh bằng tiếng Pháp, tôi chẳng hiểu lời kinh là thế nào, chỉ biết khoanh tay ngồi cúi đầu tỏ ra là một người ngoan đạo… Cha còn căn dặn tôi: con nên năng đọc kinh sáng tối, để cầu nguyện Chúa, rồi con sẽ được Chúa ban ơn.

Thật ra, tôi có thuộc kinh nào đâu, chỉ còn nhớ bập bẹ được kinh Lạy Cha, Kính mừng, kinh Cáo mình mà lúc còn ở nhà trường mỗi học sinh đều phải đọc.

Gần lúc chia tay, ngài hỏi tôi: con có cần cha giúp đỡ điều gì không? Đồng thời cha cũng tự giới thiệu: Ngài là linh mục thuộc giáo phận Cần thơ.

Tôi đề nghị với ngài ba điều:

1.      Nếu xét thấy giết con để có thể dập tắt được phong trào yêu nước giải phóng dân tộc, thì tốt hơn cho con được cái chết nhanh hơn cái chết lê thê như thế này.

2.      Bằng, việc làm của con là chính nghĩa của những người yêu nước thì hãy trả con về tự do.

3.      Cho con được gặp mẹ con lần cuối cùng! Vì con chỉ còn một người mẹ duy nhất với hai chị gái, cha đã mất sớm lúc con chưa đầy một tuổi.


Ngài lắng nghe và trầm lặng, giây lát ngài nói:

-         Ý thứ nhất của con, cha hứa sẽ trao đổi với ngài đại tá Nuzect, con sẽ không bao giờ bị chết mà không qua phán quyết của pháp luật, và sẽ cải thiện có phần tốt hơn về đối xử.

-         Ý thứ hai của con, nó còn tùy thuộc vào pháp luật của nhà nước Pháp sở tại.

-         Ý thứ ba của con, điều này cha sẽ điều đình cho phép con được gặp mẹ con ngày gần đây.

Ông cha Tây lấy địa chỉ gia đình tôi, nhà tôi cũng nằm trong thành phố, nơi tôi đang bị nhốt cách không xa lắm.

Lúc chia tay, cha hỏi: Con có hút thuốc lá không? Thưa cha con nghiện! Thế là ông cha Tây gọi tên Sergent lại khóa nắp hầm.

Sau này, tôi mới hiểu được lý do cha đến, đó là để dự lễ thánh quan thầy của Colonel Nuzect.

Sáng ngày sau, một tên Sergent Pháp và một lính người Campuchia đến mở nắp hầm, người lính Miên xuống hầm, tháo cùm sắt, dìu tôi lên khỏi hầm, đưa tôi lại chỗ nhà tắm của lính, cho tôi tắm rửa sạch sẽ. Thực ra tên lính Miên tắm rửa cho tôi thì đúng hơn, chớ tôi đã kiệt sức hoàn toàn làm sao tự mình tắm nổi. Bộ đồ của tôi tên Sergent Pháp ra hiệu cho tên lính Miên vất đi, y vào kho lấy bộ đồ lính hơi cũ, đem lại, bảo tên lính mặc vào cho tôi!

Sau đó, họ đưa tôi đến một cái phòng trong gian nhà ăn của lính Pháp, trong phòng có sẵn cái nệm nhà binh để trệt ở nền gạch, họ để tôi ngồi vào nệm và cùm hai chân bằng cây cùm sắt, ở dưới hầm mang lên.

Một lúc sau, ông Sergent Pháp cùng anh lính Miên mang lại cho tôi một ca sữa bò, nửa ổ bánh mì nhà binh và mấy lát thịt jambon. Người Pháp nói: uống ăn từ từ vì đã nhịn lâu! đồng thời trao cho tôi một cây thuốc lá nhà binh (Gauloise), một bao diêm và nói: đấy là của ông cha Tây gởi cho mày! Hai tay run rẩy nhận, tôi vô cùng cảm động trước nghĩa cử của ông cha, và bày tỏ lời cám ơn với ông Sergent. Sau khi tay Sergent đi rồi, còn lại tên lính Miên, trách nhiệm canh gác, y nói: Thằng Việt minh này sống dai như đỉa, không chết mẹ mày đi, để khỏi mất công canh giữ ngày đêm. Nói bằng tiếng Miên, nó ngỡ tôi không biết.

Tôi nói: Anh à, cái chết đối với tôi đâu nghĩa lý gì. Miễn sao tôi giữ được nghĩa vụ của mình trong sự nghiệp giải phóng đất nước, đem lại sự hạnh phúc về cho xứ sở. Còn anh, anh có thể quên sao? Đất nước của anh và dân tộc anh cũng đang bị người Pháp bắt làm nô lệ kia mà. Tôi cũng xin nói để anh rõ: Gia đình tôi, hằng năm lúc nào cũng có năm mươi người dân tộc của anh ở phụ giúp công việc (làm thuê), tôi đối xử với họ như người anh, không phân biệt chủ tớ, tôi cũng rất quý trọng ngôn ngữ của dân tộc anh lắm.

Thế là từ đó, anh lính này (Lý Khuôl) và toàn bộ số lính Miên, có phần dịu đi trong cách cư xử, canh gác đối với tôi hằng ngày. Nhất là chị em vợ lính, họ rất tốt, khi thì gói thuốc, lúc hoa quả trái cây…

Số lính Pháp khoảng một tiểu đội và trung đội lính Miên, để bảo vệ tên đại tá, tướng vùng.

Hằng ngày, số người Pháp đến nhà ăn, họ đều làm dấu trước và sau bữa ăn. Họ thấy tôi có đeo thập tự giá ở cổ, hoặc họ được ông cha người Pháp nhắc nhở, phải yêu thương con người, hoặc nghĩ tôi đồng là con chiên của Chúa... Họ đối với tôi có phần thiện cảm hơn là hận thù. Vào những bữa ăn của họ, ông Sergent lấy đĩa chia phần ăn theo họ, đem đến cho tôi. Trong bàn ăn, hình như người nào cũng đồng tình việc làm như vậy.

Theo nguyên tắc, thì tôi không có quyền hưởng chế độ ăn như vậy, mà phải ăn theo chế độ tù, do nhà bếp lính Miên phân phát.

Có lẽ vì phần thể xác của tôi đã quá đỗi tàn tạ, họ có ý phục hồi lại. Từ những cư xử cao cả đó, đêm đêm, tôi tự nhủ với lòng: Ôi! Họ và tôi vốn là hai kẻ thù, mà tại sao giờ đây họ và tôi không còn ranh giới ấy nữa?  Phải chăng họ thương xót tôi là một con chiên bị lạc bầy, nhận lấy hình phạt của Chúa? Hay họ khâm phục tôi là một thanh niên, tuổi còn ngây thơ, vì lòng yêu quê hương, tổ quốc, dám dấn thân vào những hiểm nguy của sự chết?

Suy nghĩ của họ dù ở phương diện nào, cũng khiến cho tôi phải thức tỉnh.

Trước đây, bất cứ lúc nào, thấy người Pháp, là tôi muốn ăn tươi nuốt sống, tìm cách tiêu diệt mới hả dạ, vì mục đích trả thù cho hai người thầy và cho đồng bào, đồng chí.

Giờ đây, tôi mới thấy hoàn toàn sai. Người Pháp, họ cũng có một tấm lòng yêu thương, vị tha. Còn những ước vọng gì đó là xuất phát từ những người cai trị ngồi bên đất nước của họ.

Được hai tuần lễ, tôi nắm bắt tên từng người có mặt ở nhà ăn, kể cả cấp bậc của họ gồm: Adjudant Chef Petit, Sergent Fontena, Caporal Chef Perteoloti… ba ông này quan tâm sự ăn uống của tôi nhiều vào những bữa ăn.

Vào một buổi chiều thứ sáu, khoảng 14 giờ, theo sau ông Adjudant Chef Petit, có một bà sơ người Việt và mẹ tôi! Mẹ tôi mang một giỏ đầy ắp, chưa rõ thứ gì trong đó?! Đến nơi mẹ tôi không nói được lời nào, chỉ òa lên khóc nức nở! Tôi ngậm ngùi chào sơ và mẹ! Và đau đớn thương mẹ! Ngầm thấy sự đau khổ của mẹ đến ngần nào! Tôi là người con trai duy nhất của mẹ tôi. Ngoài hai chị gái, tôi là nguồn mạch sống của mẹ! Sơ động viên, an ủi hồi lâu mẹ tôi trở lại phần nào, đỡ xúc động.

Tôi nói: thưa mẹ, con vô cùng có lỗi với mẹ! Xin mẹ tha thứ; con bỏ con đường học vấn, làm cho mẹ không toại nguyện. Giờ đây lại gây cho lòng mẹ thêm nỗi ưu phiền. Con thật là một đứa con bất hiếu! Ngày nào có mệnh hệ xấu đến với con, xin mẹ bớt nỗi buồn sầu và xin mẹ tha tội cho con!

Bà Sơ trao cho tôi một quyển kinh nhỏ bằng Việt ngữ, và chuyển lời cha Michel hỏi thăm tôi; sơ còn nói thêm: con ráng siêng năng đọc kinh cầu nguyện, khi nào con thấy mình cần là người của Chúa, con cứ tin là có cha đến gặp, ở đây hoặc ở bất cứ chỗ giam giữ nào!

Con xin vô cùng biết ơn cha và sơ! Xin phép cho con được biết quý danh của cha và sơ, ngõ hầu mãi mãi con được khắc cốt ghi sâu.

Sơ giới thiệu: sơ Huyền ở dòng tu Tham Tướng, tu viện Dưỡng lão đường, tỉnh Cần thơ.

Nãy giờ ông Adjudant Chef Petit trầm lặng đứng suy tư, không có vẻ gì nghĩ đến thời gian cho phép.

Một lần nữa: mẹ tôi lại ôm chầm lấy tôi vào lòng, nức nở, hai tay sờ soạng vào đôi chân đang dính với cái cùm sắt và những vết thương đòn tra tấn ở sở mật thám, lòng mẹ tôi đau đớn biết dường nào!

Tôi nhớ, có một lần, còn đang đi học, chơi đá banh ở nhà trường bị mọt mảnh chai cắt sướt ngón chân cái có một tí thôi, chiều về đến nhà, mẹ tôi cuống lên, bắt hai chị tôi chạy như tàu tống “ôn” hết bông băng, đến thuốc viên, rồi mẹ nhịn cơm chiều luôn! Hai chị tôi trêu chọc: “Cục cưng của bả, trầy da mà như…”. Huống hồ chi hôm nay, cả một thân hình đầy thân tích như thế này!

Mẹ tôi không muốn rời tôi ra khỏi vòng tay. Tôi an ủi để mẹ an lòng, đủ rồi mẹ ạ! Thời gian cũng đã nhiều, mẹ về đi để sơ khỏi phải chờ lâu!

Uể oải đứng lên, lấy các thứ trong giỏ, xếp để gần bên tôi, nào thuốc lá thơm, dầu xoa, dầu trừ muỗi, kẹo ngậm và còn căn dặn đủ điều… mẹ sẽ nhờ trạng sư, dù có phải mất cả gia sản.

Ngờ đâu, lần gặp mẹ này, lại là sự chia cắt tình mẫu tử kéo dài 27 năm (1948-1975) tưởng chừng không còn gặp lại.

 


PHẦN II:

 

NHỮNG NGÀY THÁNG ÂM THẦM

 

Vào một buổi sáng, khoảng 7 giờ 30, vừa ăn sáng xong, khoảng nửa giờ sau, ông sergent (trung sĩ) Fontena cầm chìa khóa lại mở cùm chân tôi và nói: Mày được chuyển lên tòa án binh Sàigòn, ông bắt tay và chúc tôi mạnh khỏe, theo sau ông là hai anh lính lê dương (légionnaire) đội mũ kết pi, ăn mặc sắc phục chỉnh tề, mang súng lục và tiểu liên (mitraillete). Họ còng hai tay tôi ra phía sau, một tên phụ xách đồ của tôi ra xe, một chiếc xe bít bùng chờ sẵn ngoài cổng. Theo sau, ông sergent Fontena nói gì với hai tên lính áp giải, tôi nghe không rõ?

Mở cửa xe, tôi thấy có ba người nữa cũng còng kiểu tôi, ngồi trên xe, nhìn kỹ lại, thì ra là anh Trần Kim Hán, đội trưởng đội công tác 2 thành phố Cần Thơ; anh kỹ sư Trịnh Văn Hà, trưởng ban tuyên truyền thành phố Cần Thơ; thầy Võ Viết Lượng, giáo sư trường Collège de Cần Thơ, trưởng phòng ấn loát tài liệu tuyên truyền, gia đình của ba anh đều ở nội thành.

Ba người rất lạnh lùng với tôi, dù trước ngày sa lưới, khi còn đang công tác, họ rất tin tưởng và yêu mến tôi. Thế mà gặp nhau ở hoàn cảnh người nào cũng tả tơi, đầy thương tích, mà sao họ lại quá lãnh đạm, không còn lòng tin nơi tôi nữa? Phải chăng, ở bộ đồ lính Pháp tôi đang mặc? Hay cổ tôi vẫn còn đang đeo Thập tự giá?

Khi còn đang công tác, các anh cũng tỏ vẻ không bằng lòng, cao hơn nữa, dùng mệnh lệnh cấp trên… đối với tôi. Lần này tôi có phần ương ngạnh hơn, không như lần của hai thầy tôi.

Tôi nói: Thập tự giá đâu phải là sự cản trở lòng yêu nước và tính hăng say công tác trên giao; nếu cứ vì một Thập tự giá, các anh cứ loại tôi ra khỏi hàng ngũ chiến đấu để giải phóng đất nước, tôi sẵn chấp nhận.

Trên xe, tôi mừng vì được gặp các anh. Nhưng, họ lặng thinh với những lời chào hỏi của tôi.

Đến bến phà Hậu giang, xe dừng để chờ qua phà, ác nghiệt thay, chiếc xe lại nằm ngay trước nhà tôi. Thời lúc bấy giờ, bến phà chỉ có hai chiếc phà trọng tải nhẹ, qua lại chuyển hết đoàn xe phải mất ba bốn tiếng đồng hồ. Ở thời điểm 1948, miền Tây đi Sài gòn tuần chỉ có hai ngày: thứ ba và thứ sáu, đi phải theo đoàn xe quân sự yểm trợ. Xe khách, xe tải thương buôn từ miền Tây lên Sài gòn cũng đi vào ngày nói trên, gọi là đoàn “Convoire”.

Ngồi trong xe nhìn qua kính chiếu hậu, tôi thấy mẹ tôi đang ngồi ăn trầu với mấy bà hàng xóm, dập dìu bạn học của trường tiểu học và trường tư thục cắp sách đi học buổi sáng, vì hôm ấy nhằm ngày thứ sáu, là những ngày cuối tuần, sau ngày nghỉ thứ năm, nên các bạn có phần hồn nhiên, vui nhộn, vì cách một ngày, nay được gặp lại nhau.

Lòng tôi như se thắt lại! Nhìn mẹ và hai chị qua kính xe, hai người chị chạy ra, chạy vào bên mẹ, lúc thì ấm nước, khi cái quạt… mẹ thì ngồi trầm ngâm, ngậm trầu mà không buồn nhai, đôi mắt nhìn về mông lung, đượm đầy vẻ u buồn.

Nhiều lần tôi muốn thốt thành lời gọi mẹ! Nhưng, không muốn khuấy động vết thương lòng của mẹ! Tôi dừng, để lòng mẹ tôi được yên lặng trong đau khổ, của một trái tim tất cả cho con!

Đoàn xe lăn bánh khi nào tôi không hay biết, vì đầu óc mãi tập trung nghĩ thương mẹ. Khi xe dừng lại, tôi mới biết là đến phà Mỹ Thuận. Bốn người cùng đồng chí, ngồi cùng trong xe, mà cùng xa lạ, không ai nói với tôi lời nào.

Tôi thầm nghĩ, có lẽ các anh không còn tin mình nữa, có phần e dè, cho tôi là đứa đáng nghi ngờ, đã yếu đuối đầu hàng giặc chăng? Hơn nữa các anh bị bắt sau tôi hai ngày, tôi được biết điều nầy khi đang còn ở sở mật thám. Cũng may là trong tra hỏi cung, nó không đề cập đến sự liên quan giữa tôi và các anh, mà nó chỉ điều tra tôi  về một vế quân sự phá hoại, tìm ai là người chỉ huy. Vậy mà, các anh có thể ám chỉ do sự khai báo của tôi, nên các anh mới bị lộ sau hai ngày.

Các anh càng nghi ngờ, tôi càng hãnh diện với lòng… Bất chợt, tên lính lê dương áp giải lên xe mở còng, còn lại một tay, đầu còng kia y móc khóa vào thành xe, người chủ quán bê dĩa cơm theo sau, tên lính lấy trao cho tôi, tôi nhận và cám ơn tên lính, đồng thời lấy tiền trong túi ra đưa cho y và nói: nhờ ông mua thêm cho ba dĩa nữa, y lắc đầu, đóng cửa xe, bỏ đi, không nhận tiền của tôi đưa, cầm dĩa cơm mà đang phân vân sao nỡ ăn khi các anh phải nhịn… cửa xe lại mở, theo sau có người chủ quán lúc nãy bưng ba dĩa cơm, tên lính tiếp tục leo lên xe tháo bớt còng, để các anh ăn cơm. Anh Hà nói với tên lính: chúng tôi không cần sự giả ân giả nghĩa của kẻ thù, chúng tôi không ăn đâu.

Nghe anh Hà nói với tên lính, mà lòng tôi tê tái, nhìn ba anh rồi tôi lấy dĩa cơm ăn. Hồi tưởng lại trước đây, tôi cũng có những sai lầm về suy nghĩ giống như các anh hiện nay: tất cả người Pháp sang đây đều là kẻ thù; chớ có thấy được đâu, họ cũng có một tình thương, bao người mẹ, bao người vợ, bao đứa trẻ thơ nơi quê nhà cũng đang vò võ nhớ nhung… Họ đâu có muốn rồi đây sẽ có thể để lại những vành khăn tang cho người thân… vì nhiều lẽ mà họ phải bị sang Việt Nam.

Người lính lê dương cũng không có vẻ gì bực tức với lời nói của anh Tư Hà, quay sang hỏi tôi: Anh có dùng thêm? Xin cảm ơn, tôi đã đủ. Người phụ nữ đem ba dĩa cơm về quán, rồi quay lại với ly trà đá, chị trao cho tôi.

Từ bến phà Mỹ Thuận đến Sài gòn, họ cứ để còng tôi như thế, trên đường đi, ba anh ra vẻ khinh bỉ rõ rệt, cho tôi là kẻ hèn nhát, tham sanh uý tử, muốn phỉ nhổ vào mặt tôi mới hả dạ. Tôi không buồn giận các anh, mà lại càng thương, tin rằng rồi ngày các anh biết được mọi sự thật, các anh sẽ hối hận và thương tôi càng nhiều.

Tôi vẫn luôn kính trọng các anh, bởi lẽ các anh là người lãnh đạo, từng trau dồi lý tưởng cộng sản cho tôi. Tôi bày tỏ với các anh bằng đôi mắt, em không phản bội đảng, phản bội tổ chức, phản bội để rồi ngày hôm nay các anh phải khổ như tôi.

Đến Sài gòn lúc 14 giờ, xe chuyển đưa chúng tôi vào khám lớn ở đường La Grandièrre cũ, chúng đưa tôi vào phòng gọi là préo 5, trong phòng có khoảng 20 người, lẫn lộn trẻ, già. Một tù trưởng, tên là Của, mình mẩy xăm đầy rồng rắn, sọ người, thanh kiếm chéo ngang, nữ loã thân, nhìn hắn có vẻ là anh hùng dao búa của giới giang hồ. Đàn em dưới tay của hắn khoảng 5-6 thằng, nó xếp chỗ nằm cho chúng tôi gần cạnh cầu tiêu. 17 giờ, đến giờ cơm, giám thị cho nhà bếp mang cơm đến phòng, hôm đó tù được ăn món thịt heo kho, với 20 người cộng 4 mới vào, chỉ lỏng bỏng mươi miếng thịt heo, còn toàn là nước. Bọn thằng Của, bao nhiêu thịt, bọn chúng gom hết, còn lại nước giao về cho số người còn lại trong phòng.

Số trẻ choai choai 15-16 tuổi và những ông già, chia nhau từng thìa nước, bốn người chúng tôi không ai đếm xỉa gì đến cơm.

Giữa sự bất công như vậy, mà mọi người thản nhiên ồn ào trong bữa ăn, nhất là mấy ông nhỏ vui cười như bắp nổ, kể với nhau về những chuyện giang hồ ngoài đời, nào là móc túi, chôm chỉa… khoe với nhau: préo 5 như là nhà, ra vào ví như cóc bỏ đĩa, và ở préo 5 còn sướng hơn những đêm các em phải nhịn đói, nằm cheo veo trên thớt thịt ở các chợ như Bàn cơ, Xóm củi, Cầu bông… giữa những cơn mưa tầm tã, mặc cho muỗi đốt.

Riêng tên Của thì đã bốn lần làm tù trưởng préo 5, còn những đàn em cũng đã vài ba lần. Gần các em, tôi tò mò hỏi: tại sao phần thịt không ai lấy cả? Nếu có ít thì mỗi người cũng được vài miếng, nếu chia đều. Chúng nó trả lời: không dám chia đều đâu… hằng ngày là phải như thế, bất cứ món ăn gì đều là như vậy. Sau bữa ăn, rồi sẽ đến phần các anh đó. Ngơ ngác, tôi hỏi: là sao? Những người mới vô như mấy anh sẽ được kêu lên, thưởng thức vài chiêu đòn dằn mặt, có gì ngon họ lấy hết, chẳng hạn: thuốc hút, đường sữa, quần áo… Tôi hỏi: thế mình phải ngồi khoanh tay chịu như vậy sao? Chớ có ai giám làm gì. Họ có thể đánh chết luôn, rồi treo cổ, đến khuya, họ truy hô có người tự tử. Ở préo này, đã từng có người như vậy rồi.

Tôi khẽ nói với ba anh tất cả, có lẽ ba anh đã nghe, vậy mình có thể cùng nhau chết, nếu trường hợp đó sẽ đến? Anh Hà nói: tụi tôi bây giờ quá kiệt sức, có muốn cũng không thể hành động nổi, phải đành nhẫn nhục thôi.

Lời nói của anh Tư Hà làm tôi thức tỉnh máu ương ngạnh lại, trong cuộc chiến phải biết người, biết ta… tôi tự đề ra hướng chinh phục.

Sau bữa cơm, khoảng 20 giờ, Của cho thằng đàn em xuống chỗ chúng tôi, nó bảo: ê mấy người mới vào, lên để anh Của làm việc. Tên Của ngồi chễm chệ giữa đàn em năm sáu thằng, với cái lò nấu nước bằng mỡ heo, khi chiều nó dành lại. Bọn chúng dùng cái dĩa sành, để miếng vải vào làm tim, để mỡ heo chung quanh, rồi đốt thành lò nấu, treo lủng lẳng một cái lon nước, cho đến khi lon nước sôi, bỏ trà vào, thế cũng là bậc đế vương một cõi rồi.

Tên Của bắt đầu hỏi từng người: mấy người cùng một tội gì mà vào đây? Hay mỗi người mỗi khác tội? Anh Tư Hà trả lời: anh em chúng tôi cùng một ý đánh đuổi bọn Pháp, giành lại độc lập, để mọi người Việt Nam đều có cơm no áo ấm. Không may nay đành phải chịu sa cơ vào đây.

Tên Của nhìn tôi và hỏi: còn cái ông nhỏ, dáng học trò, trói gà không chặt, làm được cái gì mà cũng bày đặt theo làm Việt minh cho khổ?

Nhìn Của, tôi cười xã giao và nói: thưa anh Của, với mấy anh, tuy mảnh khảnh như anh thấy đó, chớ… cái nghề ném lựu đạn và bắn súng ngắn, em bạo tay lắm anh à; ở Cần Thơ, nhiều phen bọn Pháp đã thất điên bát đảo với em đó…

Tên Của hỏi: vậy chú mày làm được mấy lần, bọn nó có chết không? Tôi trả lời: Làm xong, khi tiếng nổ vừa dứt thì lo cắm đầu chạy thục mạng, làm sao kiểm tra nổi; phải vậy, chớ sao anh, yếu làm lén, khi nào mạnh thì…, nhưng, sau đó, rồi cũng được biết, bọn Pháp, Việt gian chết có, bị thương có, tránh sao cho khỏi được!

Tên Của ngồi trầm tư một lúc, rồi y nói: Tôi rất khâm phục về việc các anh làm, sự bất công ở đất Sài gòn này cũng đầy rẫy. Có nhiều người họ làm như các anh, nhiều nhiều lắm, họ đang ở trong Chí Hoà kìa. Các anh ở đây chỉ là tạm thôi, họ sẽ đưa các anh vô đó một vài ngày gần đây thôi. Tôi cũng là một trong những nạn nhân của xã hội bất công, đã nhiều lần vào préo 5 này, hoàn toàn với tội danh bất lương, giành giật lấy miếng ăn để sống. Thậm chí vào đến đây cũng phải giành giật, chớ có đem lại được cho ai điều gì đâu!

Tên Của mời chúng tôi: thôi mấy anh cứ tự nhiên uống nước chơi với tụi tôi. Và biểu đàn em: bay coi, xếp chỗ cho mấy anh nằm lên gần trên này. Anh Hà nói: tụi tôi bị tra tấn nhiều, phần đi đường xa từ lục tỉnh lên, quá mệt mỏi, xin phép các anh để hôm sau đỡ đỡ, anh em còn ở đây mình sẽ tâm tình nhiều.

Về chỗ, soạn chỗ nằm nghỉ, thực tế thì ba anh có đồ đạc gì đâu, ngoài bộ đồ đang mặc bị tả tơi, be bét những máu khô… có lẽ vì các anh chưa gặp được các chị. Tôi mở túi, lấy ra một cái mền, xếp dài để cho bốn người cùng gối, tôi nói: mình gối chung, đêm có lạnh cùng đắp, các anh à…

Trước số đông các phạm nhân xã hội, có lẽ các anh không muốn tỏ lộ sự bực tức đối với tôi? Các anh uể oải nằm gối đầu lên cái mền, lòng tôi nhẹ nhõm. Các anh mệt lắm là phải, vì sáng giờ, cả ngày có miếng gì vào bụng đâu. Tôi tuy vậy cũng được buổi sáng, buổi trưa rồi, có đói cũng không da diết lắm. Không như tôi, các anh cũng còn nhiều nỗi ưu phiền, nào là cha mẹ, vợ con, gia đình và phần trách nhiệm tổ chức bên ngoài để lại những bề bộn có liên quan đến nhiều người khác, bấy nhiêu điều đó cũng đủ làm cho các anh khó mà yên lòng.

Còn tôi thì đau đó lại vui đó, phảng phất thoáng buồn nhớ mẹ và hai chị, gặp ngoại cảnh vui thì hùa vui theo. Tôi lấy trong túi ra dầu xoa bóp, dầu trừ muỗi, ba gói thuốc Cotab và một ít viên kẹo; bộ quần áo pijama trắng hôm ngày mẹ mang vào, chưa có dịp thay vì đôi chân còn kẹt trong cùm. Tôi thay bộ đồ lính Tây ra, cầm một gói thuốc Cotab, hai chai dầu và một ít kẹo đưa cho các anh và nói: các anh dùng kẹo và hút thuốc với em, còn đây là dầu xoa, dầu trừ muỗi, các anh bôi cho đỡ muỗi và xoa bóp chỗ đau.

Sáng giờ trên xe tôi thèm hút thuốc, nhưng chắc chắn có mời, các anh sẽ từ chối, vì vậy tôi đành nhịn hút luôn. Tôi xếp gọn bộ đồ lính lại, cầm hai gói thuốc trên tay và nói: các anh nằm nghỉ, em xin phép lại chơi với họ một lúc.

Đến chỗ bọn Của, tôi ngồi xuống và n&o

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô