, ngày 19 tháng 05 năm 2024 | 10:04 PM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Tài liệu

 

"Nhận Định Thiêng Liêng và Quản Trị Trong Hội Thánh"

 

Là một tài liệu quí giá và công phu với ngôn từ giản dị rất dễ hiểu, được Cha Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ soạn thảo cho các hội dòng tại VN, tuy nhiên những điều tác giả trình bày lại rất thực tế đến nỗi có thể áp dụng trong hầu hết mọi hoàn cảnh, kể cả trong các gia đình, những cộng đoàn lớn nhỏ, giáo xứ, giáo phận. Xin đặc biệt ưu ái đến với những giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ vùng sâu vùng xa, nơi mà giao thông và mọi phương tiện đều khó khăn, Quí vị có thể tự "Nhận Định Thiêng Liêng" như một cuộc Linh Thao thực sự hữu hiệu - một khí cụ tối ưu của truyền thống Dòng Tên.

 

BBT chúng con hân hạnh được chia ra làm nhiều phần đăng liên tiếp trên các số báo GSVN. Hoặc quí vị có thể tải về máy trọn bản văn đầy đủ tại địa chỉ:

 http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=11781

 Hoặc cũng có thể gởi email cho BBT:  giaosivietnam@gmail.com  

hoặc  conggiaovietnam@gmail.com để có thể nhận qua email trọn bản văn trên file word.

 

Chúng con cũng xin chân thành cám ơn Cha Giuse đã dành cho chúng con món quà giá trị và rất ý nghĩa này, đăc biệt là đúng vào thời điểm khởi đầu Sứ vụ Giáo hoàng của người con ưu tú của Dòng Tên: Đức Thánh Cha Phanxicô. Tài liệu này sẽ giúp hiểu thêm chính cung cách Quản Trị của Ngài.

BBT CGVN.

 

NB.Linh mục Giuse Nguyễn Công Đoan, Dòng Tên, ngoài các trách nhiệm trong nội bộ Dòng Tên tại Việt Nam, đã góp phần dưới nhiều hình thức trong việc phục vụ các Dòng Tu tại Tổng Giáo Phận Saigon từ năm 1975-2003. Sau đó ngài đã được Cha Bề Trên Tổng Quyền Peter-Hans Kolvenbach bổ nhiệm làm Phụ tá Bề Trên Tổng quyền đặc trách Vùng Đông Á - Úc. Từ năm 2008, ngài là Giám đốc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh tại Giêrusalem, và phụ trách các tu sĩ Dòng Tên phục vụ tại Thánh Địa.

*****************************

 

MỘT MÔ HÌNH NHẬN ĐỊNH CỘNG ĐOÀN

 

Công Nghị Giêrusalem sẽ là cơ hội cho chúng ta chứng kiến một cuộc nhận định mang tính cộng đoàn làm mô hình cho mọi cuộc nhận định cộng đoàn.

 

Đọc Cv 11 chúng ta có cảm tưởng vấn đề “đồng bàn” giữa tín hữu gốc Do Thái và gốc dân ngoại đã được giải quyết thỏa đáng và mọi người ở Giêrusalem đồng ý sau cuộc chất vấn thánh Phêrô, nhưng sau khi hai ông Phaolô và Ba-na-ba thực hiện cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng lần thứ nhất, vấn đề lại trở nên sôi động ngay tại Antiokhia. Thư thánh Phaolô gởi tín hữu Ga-lát còn cho thấy ngay cả sau Công nghị Giêrusalem nó vẫn còn dai dẳng, lan cả tới vùng Ga-lát, và thậm chí bản thân thánh Phêrô cũng không còn tự tin như lúc bị chất vấn ở Giêrusalem (x.Gl 2,11-14). Một số người bảo thủ ở Giêrusalem vẫn cho rằng chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu chưa đủ để có thể “đồng bàn” với tín hữu gốc Do Thái, chưa đủ để được cứu độ, được làm Dân Thiên Chúa.

 

Những người bảo thủ từ Giêrusalem xuống Antiokhia gieo hoang mang. Phản ứng tức thời là tranh luận. Nhưng tranh luận cũng không giải quyết được gì hơn, vì những người gây hoang mang không phải là thành phần lãnh đạo và không được lãnh đạo cử đi, như bức thư của Công Nghị thông báo quyết định nêu rõ (Cv 15,24). Thái độ của những ngừơi gây rối này ngược hẳn với thái độ của ông Ba-na-ba, họ hành động theo sáng kiến riêng, họ không nhận ra ơn Chúa mà chỉ tìm cách áp đặt ý kiến của họ, vì thế không thể đối thoại với họ. Diễn biến của vụ việc đưa cộng đoàn Antiokhia tới quyết định (như vậy phải giả thiết là cộng đoàn này cũng đã qua một cuộc nhận định, tuy bản văn không nói trực tiếp) cử phái đoàn chính thức lên Giêrusalem “gặp các tông đồ và các kỳ mục để bàn về vấn đề đangtranh luận này”.

 

Trên đường từ Antiokhia lên Giêrusalem, phái đoàn đã có dịp kể cho các cộng đoàn ở Phê-ni-xi và Sa-ma-ri về “việc các dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiếntất cả các anh em rất đỗi vui mừng”. Thêm một sự tương phản nữa. Những ai biết đón nhận ơn Thiên Chúa thì đều rất đỗi vui mừng. Còn những người theo ý riêng mình, không nhận ra ơn Thiên Chúa thì chỉ gây hoang mang. Phê-ni-xi và Sa-ma-ri đã được rao giảng Tin Mừng cùng thời với Antiokhia. Những người chống đối đều xuất phát từ Giêrusalem và không được các cộng đoàn khác chấp nhận. Còn giới lãnh đạo tại Giêrusalem thì sao?

 

Dấu hiệu tốt đẹp đầu tiên là: tới Giêrusalem, các ông được Hội thánh, các Tông đồ vàkỳ mục tiếp đón, và các ông kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông. Nhưng phe chống đối đã có mặt và lên tiếng tuyên bố lập trường. Thế là khỏi cần chờ đoàn đại biểu Antiokhia khiếu nại, các Tông Đồ và các kỳ mụcbèn họp nhau đề xem xét việc này.

 

Diễn biến cuộc họp này như thế nào?

 

Mở đầu vẫn là một cuộc tranh luận không có kết luận.

 

Phải đổi phương pháp làm việc. Thánh Phêrô là người khởi xướng. Thay vì tranh luận, hãy nghe và nhìn xem Thiên Chúa đã hành động như thế nào.

 

Thánh Phêrô đứng lên kể lại kinh nghiệm bản thân của mình như là người đầu tiên được chọn để rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại và đưa ra những kết luận:

 

1) Thiên Chúa đã chấp nhận dân ngoại cũng như người Do Thái, bằng chứng là Ngườiđã ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta.

 

2) Thiên Chúa không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin đểthanh tẩy lòng họ (hiểu ngậm là cũng như chúng ta!) Sau này thánh Phaolôsẽ đẩy đến cùng hệ luận này : người ta được cứu độ là nhờ đức tin chứ không phải nhờ thi hành những việc Luật Môsê truyền.

 

3) Vậy thì đừng thử thách Thiên Chúa mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cảcha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi.

 

4) Cuối cùng là một nguyên tắc tuyệt đối : Chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng tatin mình được cứu độ, cũng một cách như họ.

 

Vậy thì người Do Thái cũng như người ngoại đều bình đẳng khi đón nhận ơn cứu độ nhờ tin vào Chúa Giêsu và ân sủng Ngài đem tới. Sau này thánh Phaolô sẽ giải quyết khúc mắc : vậy thì có luật Môsê để làm gì (x. Gl,3).

 

Hiệu quả trước tiên và tức khắc của lời phát biểu của thánh Phêrô là kéo được toàn thể hội nghị vào thái độ lắng nghe, tạo điều kiện cho hai ông Ba-na-ba và Phaolô có thể đứng lên kể lại “các dấu lạ điềm thiêng TC đã dùng hai ông mà làmgiữa các dân ngoại”. Nên chú ý tới kiểu nói “dấu lạ điềm thiêng”, là kiểu nói quen thuộc của Cựu Ước để nói về ơn Chúa giải thoát It-ra-en khỏi ách nô lệ Ai-Cập.

 

Đến lượt ông Giacôbê (người có uy tín nhất ở cộng đoàn Giêrusalem,  những người gây rối vẫn núp dưới tên ông) đứng lên tổng hợp những gì đã nhận ra sau khi nghe ông Phêrô, hai ông Phaolô và Ba-na-ba. Ông mở rộng tầm nhìn cho hội nghị: nhìn vào kế hoạch của Thiên Chúa. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thươngchọn trong các dân ngoại một dân mang danh Người. Ông Giacôbê viện dẫn lời ngôn sứ A-môt để chứng minh đó là kế hoạch của Thiên Chúa đã được loan báo tự ngàn xưa. Ông Phêrô, ông Phaolô hay ông Ba-na-ba có được sai đi rao giảng cho dân ngoại, thì chỉ là để thực hiện kế hoạch ấy của Thiên Chúa. Vậy thì lãnh đạo của Hội Thánh phải làm gì? Không được gây phiền hà cho nhữngngười gốc dân ngoại trở lại với ThiênChúa, nói cách khác: đừng cản trở kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên cũng phải chú ý tới những người gốc Do Thái, đừng gây “sốc” cho họ, bởi vì “từ những thế hệ xa xưa, trong mỗi thành ông Môsêđều có những người rao giảng: họ đọc lời của ông trong các hội đừơng mỗi ngày sa-bát”.

 

Thế là đã rõ, phải tìm một sự tương nhượng để Do Thái và dân ngoại có thể sống chung với nhau trong một Hội Thánh duy nhất. Đừng gây phiền hà cho người gốc dân ngoại bằng cách quàng vào cổ họ cái ách của luật Môsê mà chính người Do Thái không mang nổi, nhưng người gốc dân ngoại  cũng phải tránh làm những chuyện “chọc vào mắt” người Do Thái như ăn thịt đã cúng cho ngẫu tượng, ăn tiết canh, cháo huyết…

 

Bản văn không nói tới một cuộc biểu quyết nào. Mọi người như đã nhất trí, Công Nghị chuyển ngay sang việc cử một phái đoàn chính thức đi An-ti-o-khi-a để công bố quyết định của Công Nghị với văn bản rõ ràng trên giấy trắng mực đen. Đó cũng là cách chấm dứt mọi tranh luận,  đồng thời chận bước và bịt miệng những kẻ gây rối.

 

Chúng ta hãy để ý đến lời công bố “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định”. Công Nghị ý thức rõ ràng mình đã làm việc theo sự dẫn dắt của Thánh Thần và quyết đinh này vừa là của Thánh Thần vừa là của Công Nghị. Khi thánh Phêrô và các Tông Đồ đứng trước tòa, thánh Phêrô tuyên bố: về những sự kiện đó, chúng tôixin làm chứng cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người. Vậy thì việc làm chứng cho Chúa Giêsu cũng như vịêc quản trị cộng đoàn đều phải làm cùng với Thánh Thần và theo Thánh Thần.

 

Đọc lại trình thuật về Công Nghị Giêrusalem, chúng ta thấy rõ vai trò và cách thức nhận định cộng đoàn. Tranh luận không giải quyết được vấn đề, bởi vì mỗi người vẫn bênh vực quan điểm của mình. Chỉ khi cùng nhau tìm hiểu, chiêm ngưỡng kế hoạch của Thiên Chúa và tuân theo kế hoạch ấy người ta mới có thể đồng tâm nhất trí. Kết quả của tranh luận bao giờ cũng có kẻ thắng người thua nên khó đi tới sự đồng tâm nhất trí. Phải làm theo “phe thắng”, nhưng vẫn cứ muốn tìm người ủng hộ quan điểm của mình, mong cho công việc thất bại để chứng tỏ mình có lý : “tôi đã bảo mà!”, “thấy chưa?”. Và trong tâm trạng đó thì khó mà tích cực cộng tác để thực hiện những điều đã quyết định, nếu không phải là đi tới mức bất hợp tác, thậm chí “ phá thối”. Chỉ khi vâng phục Thánh Thần người ta mới có thể hết mình thực hiện điều đã quyết định.

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN ĐỊNH THIÊNG LIÊNG

 

Trong Tân Ước, ngoài những thực hành gặp trong sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta còn gặp những lời nhắc nhở, mời gọi như : “ Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không” (I Ga 4,1). “Anh em đừng dập tắt thần khí” (I Tx 5,19). Hai lời khuyên này bổ túc cho nhau. Đừng dập tắt thần khí, nhưng đồng thời phải cân nhắc, phải nhận định xem “có phải bởi Thiên Chúa không”. Đó là trách nhiệm của mỗi người trong cuộc sống và cũng là trách nhiệm đặc biệt khó khăn của những người có trách nhiệm dìu dắt cộng đoàn. Một nguyên tắc bổ sung khác làm cho ta an tâm, đó là nguyên tắc của ông Ga-ma-li-en: “nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tât sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì qúi vị không thể nào phá huỷ được” (Cv 5,38-39). Cả những người có trách nhiệm lãnh đạo cũng như các thành viên khác của cộng đoàn đều phải dựa vảo nguyên tắc trên đây. Khi đứng trước những cái mới mẻ trong cộng đoàn, có  lúc thấy được rõ ràng, có lúc phải kiên nhẫn chờ đợi như ông Ga-ma-li-en đã khuyên Thượng Hội Đồng. Vấn đề chúng ta đặt ra là làm thế nào để nhận ra một sự thôi thúc trong lòng, một ý định nảy sinh, một trào lưu mới, một sáng kiến trong Giáo Hội, trong cộng đoàn… có phải bởi Thánh Thần hay bởi tà thần, có phải bởi Thiên Chúa hay bởi thế gian, xác thịt. Cũng có khi không phải là nhận định về một cái gì đã có trước mắt, mà nhận định xem Chúa muốn tôi, chúng ta làm gì trước một hoàn cảnh nào đó: có thể là cả cuộc sống (chọn bậc sống), có thể là một hoàn cảnh mới đòi thích ứng, đòi sáng kiến để đáp ứng.

 

Ở đây chúng ta có thể nhờ kinh nghiệm và chỉ dẫn của thánh I-nhã, người đã có một bề dày kinh nghiệm về nhận định thiêng liêng cá nhân và cộng đoàn. Sau khi đem cả tuổi trẻ của mình đi tìm danh vọng và quyền lực, một quả đại bác đã quật ngã người thanh niên quí tộc của dòng họ Loyola trong khi tử thủ pháo đài Pamplona. Trên giường bệnh, người thanh niên vừa đúng tuổi “tam thập như lập” này vẫn chưa chịu đầu hàng, vẫn sẵn sàng chịu mọi đau đớn để các thày thuốc đập khúc xương chỗ đầu gối vừa lành, nối lại cho ngay ngắn để tiếp tục mang đôi giầy qúi tộc, trong lòng vẫn tiếp tục dệt giấc mộng vàng danh vọng theo tiểu thuyết kiếm hiệp. Rồi một cái gì mới mẻ đã xâm nhập vào tâm hồn khi bất đắc dĩ phải đọc cuộc đời Chúa Kitô và hạnh các thánh, vì kho sách kiếm hiệp của lâu đài đã cạn. Xen kẽ với những mộng mơ kiếm hiệp, lại có những ước vọng noi gương các thánh, chinh phục những đỉnh cao ngược với danh vọng và quyền lực. I-nhã bắt đầu nhận thấy có sự khác biệt trong lòng tùy lúc mình đã thả hồn theo giấc mộng công danh hay theo khát vọng noi gương các thánh. Mơ mộng công danh để lại một sự khô khan trống vắng lạnh lẽo, khát vọng nên thánh để lại sự bình an ngọt ngào an ủi. Đó là bước khởi đầu của một kinh nghiệm rất phong phú về phân định thần loại mà ngài sẽ để lại trong kho  tàng khôn ngoan của Hội Thánh. 30 năm sau, khi nhìn lại cuộc đời mình, ngài nói rằng lúc ấy chẳng có ai dạy dỗ ngài, nhưng Thiên Chúa đã dạy dỗ ngài như thày giáo dạy một cậu học trò nhỏ.

 

Kinh nghiệm này ngài đã truyền đạt trong cuốn sách nhỏ “Linh Thao”, vận dụng cùng với nhóm bạn đầu tiên trong cuộc nhận định cộng đoàn đưa tới việc thành lập Dòng Chúa Giêsu và trong việc soạn thảo Hiến chương Dòng Chúa Giêsu cũng như việc quản trị Dòng mới này suốt 15 năm, tạo ra một nếp sống và một đường lối quản trị theo Thánh Thần, tồn tại hơn 450 năm qua giữa bao thử thách, sóng gió, kể cả cái chết (suốt 40 năm, 1774-1814) khi dòng bị chính Đức Giáo Hoàng ký lệnh giải thể.

 

Trong sách Linh Thao, thánh I-nhã cho những nguyên tắc để phân biệt thần loại và cách thức thực hiện một cuộc chọn lựa để quyết định về bậc sống hoặc để chỉnh đốn cuộc sống. Những chỉ dẫn này giúp chúng ta biết cách thức “cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không”. Những nguyên tắc này chia làm hai nhóm, nhóm thứ nhất tương ứng với tuần thứ nhất của tiến trình Linh Thao, tức là thời gian suy niệm về tội lỗi để xin ơn hoán cải sâu xa. Nhóm thứ hai tương ứng với tuần thứ hai tức la thời gian chiêm ngắm Chúa Giêsu trong mầu nhiệm nhập thể và cuộc sống công khai, để xin ơn “biết Chuá hơn, yêuChúa hơn và theo Chúa hơn”. Ta thử đọc lại những nguyên tắc ngài đã nêu trong sách :

 

313. QUY TẮC ĐỂ CẢM BIẾT VÀ NHẬN RA PHẦN NÀO NHỮNG THÚC ĐẨY KHÁC NHAU TRONG LINH HỒN ĐIỀU TỐT ĐỂ ĐÓN NHẬN VÀ ĐIỀU XẤU ĐỂ LOẠI BỎ (các quy tắc này thích hợp hơn cho tuần thứ nhất).

 

314. QUY TẮC I: Đối với những người sa ngã hết tội trọng này sang tội trọng khác, kẻ thù thường quen bày cho họ những vui thú bề ngoài, xui họ tưởng đến những khoái lạc và vui thú giác quan để dễ cầm giữ và thúc đẩy họ tiến sâu vào thói hư và tội lỗi. Với những người như thế, thần lành dùng phương pháp ngược lại, bằng cách thôi thúc cho lương tâm cắn rứt họ bằng luật tự nhiên của lẽ phải.

 

315. QUY TẮC II:Nơi những người tiến mạnh trong việc diệt trừ tội lỗi và đang tiến lên hơn mãi trên đường phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, thì lại có phương pháp ngược lại với quy tắc thứ nhất. Vì khi đó, đường lối riêng của thần dữ là cắn rứt, làm buồn phiền và đặt chướng ngại bằng cách gây băn khoăn lo lắng với những lý lẽ giả tạo để người ta khỏi tiến tới, còn cách thức riêng của thần lành là làm cho can đảm và sức mạnh, an ủi, nước mắt, ơn soi giục và an nghỉ, giảm bớt và hủy diệt các trở ngại để cho người ta tiến lên trong đàng lành.

 

316. QUY TẮC III:Về an ủi thiêng liêng. Gọi là an ủi trong khi linh hồn phát khởi một thúc đẩy nội tâm, khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Đấng Tạo Hóa và Chúa mình, và do đó, không có thể yêu một tạo vật nào trên mặt đất vì chính tạo vật ấy, nhưng chỉ yêu trong Đấng tạo dựng mọi sự. Đó cũng là trường hợp linh hồn chảy nước mắt giục lòng mến Chúa, hoặc bởi đau đớn vì tội lỗi mình, hay vì sự thương khó của Đức Kitô, Chúa chúng ta, hay vì những điều khác trực tiếp hướng về việc phụng sự và ca ngợi Chúa. Sau cùng, còn gọi là an ủi mọi gia tăng của lòng tin- cậy- mến, cùng mọi niềm vui bề trong mời gọi và lôi kéo (tâm hồn) đến những sự trên trời và phần rỗi riêng của linh hồn mình, làm cho linh hồn được nghỉ ngơi và an bình trong Đấng Tạo Hóa và Chúa mình.

 

317. QUY TẮC IV:Sự sầu khổ thiêng liêng. Gọi là sầu khổ tất cả những gì trái ngược với quy tắc thứ ba, như sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong, thúc đẩy về những gì thấp hèn và phàm tục, lo lắng về những xao động và cám dỗ xúi ta mất tin tưởng, trông cậy, lòng mên; (linh hồn) cảm thấy lười biếng, khô khan, buồn sầu và như bị lìa xa Đấng Tạo Hóa và Chúa mình. Vì như an ủi trái ngược với sầu khổ thế nào, thì các tư tưởng do an ủi sinh ra cũng trái ngược với các tư tưởng do sầu khổ sinh ra như vậy.

 

318. QUY TẮC V: Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi, nhưng hãy cương quyết bền vững trong những quyết định và dốc lòng có trước khi bị sầu khổ, hoặc những quyết định đã có khi được an ủi trước đây. Vì cũng như trong khi được an ủi, phần nhiều là thần lành hướng dẫn khuyên nhủ ta thế nào, thì trong cơn sầu khổ, thần dữ cũng (làm) như vậy, mà theo lời khuyên của nó, ta chẳng thể gặp được con đường đưa tới đích.

 

319. QUY TẮC VI:Trong cơn sầu khổ, nếu như không nên thay đổi những điều đã quyết định, thì lại rất nên cương quyết thay đổi chính mình để chống lại với cơn sầu khổ ấy, chẳng hạn bằng cách chăm chú cầu nguyện, suy gẫm hơn, xét mình nhiều hơn và gia tăng sự hãm mình theo cách nào thích hợp.

 

320. QUY TẮC VII:Đang gặp sầu khổ, ta hãy nghĩ rằng, để thử luyện ta, Chúa đã để ta với sức tự nhiên chống trả các xao động và cám dỗ của kẻ thù; như vậy ta vẫn có thể chống trả được, nhờ ơn Chúa vẫn giúp đỡ dù ta không cảm thấy rõ ràng. Vì Chúa rút bớt lòng sốt sắng nồng nàn, lòng mến bao la và ân sủng mạnh mẽ nhưng vẫn để lại ân sủng đủ cho sự cứu rỗi đời đời.

 

321. QUY TẮC VIII:Đang cơn sầu khổ hãy gắng giữ sự nhẫn nại, là sự trái ngược với những xáo trộn xảy đến, và nghĩ rằng, chẳng bao lâu nữa sẽ được an ủi, nếu hết sức chiến đấu với cơn sầu khổ ấy, như đã nói ở quy tắc thứ sáu.

 

322. QUY TẮC IX:Có ba nguyên do chính khiến ta gặp sầu khổ:

Thứ nhất: vì ta không sốt mến đủ, lười biếng hay chểnh mảng trong các việc thiêng liêng; vậy là vì lỗi ta mà sự an ủi thiêng liêng lìa bỏ ta;

Thứ hai: để thử coi sức ta tới đâu và ta có thể vươn tới đâu trong việc phụng sự và ca ngợi Chúa, khi không được thưởng công bằng bấy nhiêu an ủi và ân sủng bao la;

Thứ ba: để ta học biết và nhận thức tận thâm tâm rằng, không phải tự ta làm phát sinh hay duy trì được lòng sốt sắng vô ngần, lòng mến mạnh mẽ, nước mắt hoặc ơn an ủi thiêng liêng, mà mọi sự đều là ân điển của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và để ta đừng “làm tổ ở nhà người khác”, và đừng tự đắc đến trở thành kiêu ngạo, khoe khoang, tự gán cho mình lòng sốt sắng hay các hoa trái khác của ơn an ủi thiêng liêng.

 

323. QUY TẮC X: Khi được ơn an ủi, phải nghĩ tới cách xử sự trong cơn sầu khổ sẽ đến, đồng thời dành lấy sức cho lúc đó.

 

324. QUY TẮC XI:Ai được an ủi, phải gắng tự khiêm và tự hạ chừng nào có thể, bằng cách nghĩ mình nhỏ hèn biết mấy trong cơn sầu khổ, khi không có ân sủng này. Trái lại, người lâm cơn sầu khổ phải nghĩ mình có thể làm được nhiều nhờ ơn đủ của Chúa trợ giúp, để chống trả mọi kẻ thù, nhờ lấy sức nơi Đấng Tạo Hóa và Chúa mình.

 

325. QUY TẮC XII:Kẻ thù xử sự như đàn bà, vì khi ta chống trả thì nó yếu, và khi ta để mặc thì nó mạnh. Quả vậy, đặc tính của đàn bà khi gây gỗ với người đàn ông, là mất can đảm và chạy trốn khi người đàn ông thẳng tay chống trả. Trái lại, nếu người đàn ông bắt đầu chạy trốn và mất can đảm, thì cơn giận, sự trả thù và sự hung dữ của người đàn bà thật không sao lường được.

 

Cũng vậy, đặc tính của kẻ thù là yếu nhược, khiếp đảm và bỏ chạy với những chước cám dỗ của nó, khi người tập tành trong đàng thiêng liêng thẳng tay chống trả các cám dỗ của nó bằng cách làm điều ngược hẳn lại. Trái lại, nếu người ấy bắt đầu sợ hãi và mất can đảm trước cơn cám dỗ, thì trên mặt đất này, không có vật nào hung dữ cho bằng kẻ thù của bản tính loài người trong việc theo đuổi ý định xấu xa của nó cách dữ dằn chừng ấy.

 

326. QUY TẮC XIII: Kẻ thù cũng còn sử xự như kẻ si tình lẳng lơ, muốn giữ bí mật để khỏi bị lộ. Quả vậy, một người đàn ông đồi bại dùng lời xảo trá quyến rũ một thiếu nữ con nhà lành, hoặc vợ một người đứng đắn, thì muốn cho những lời dụ dỗ của hắn được giữ kín; trái lại hắn rất bất mãn khi thiếu nữ mách với cha, thiếu phụ mách với chồng những lời quyến rũ và ý xấu xa của hắn, vì hắn dễ dàng suy ra rằng, không thể nào thành công được với chuyện hắn đã bắt đầu.

 

Cũng vậy khi kẻ thù của bản tính loài người đưa những sự xảo trá và xúi giục của nó vào linh hồn ngay lành, thì mong muốn những điều đó được tiếp nhận và giữ kín. Nhưng khi linh hồn tỏ ra với cha giải tội tốt hay một người đạo đức nào khác am tường những dối trá và sự hiểm độc của nó, thì nó rất bất mãn, vì nó kết luận rằng không thể đạt tới điều xấu xa mà nó đã bắt đầu, vì sự dối trá rõ rệt của nó đã bị phanh phui.

 

327. QUY TẮC XIV:Kẻ thù lại còn xử sự như một tướng quân để thắng và cướp những gì nó muốn. Vì như một vị chỉ huy cầm đầu đội quân, sau khi đặt doanh trại và xem xét lực lượng hoặc cách bố trí của một thành trì, sẽ tấn công vào điểm yếu nhất; thì cũng vậy, kẻ thù của bản tính loài người lượn quanh để dò xét những nhân đức đối thần, các nhân đức trụ[1] và các nhân đức luân lý khác của ta, và điểm nào nó thấy ta yếu nhất và dễ nguy nhất cho phần rỗi đời đời của ta, nó sẽ tấn công vào đó và cố hạ ta.

 

 

328. QUY TẮC VỀ CÙNG MỘT VẤN ĐỀ ĐỂ PHÂN BIỆT CÁC THẦN RÕ HƠN(Các quy tắc này thích hợp hơn cho tuần thứ hai.)

329. QUY TẮC I: Đặc điểm của Chúa và các thiên thần khi soi giục là ban sự sảng khoái và vui vẻ thiêng liêng liêng thật, xóa bỏ mọi buồn sầu và xao xuyến do kẻ thù đưa vào. Còn đặc điểm của kẻ thù là chống lại sự sảng khoái và niềm an ủi thiêng liêng ấy bằng cách đưa ra những lý do giả tạo, cầu kỳ và ngụy biện không cùng.

 

330. QUY TẮC II:Chỉ có Thiên Chúa, Chúa chúng ta, mới ban ơn an ủi cho linh hồn mà không cần có nguyên do trước; vì quyền riêng của Đấng Tạo Hóa là vào, ra, đánh động linh hồn, lôi cuốn trọn vẹn linh hồn làm cho linh hồn yêu mến Ngài. Tôi nói không có nguyên do, nghĩa là, không có một tình cảm hay một nhận thức về một đối tượng nào trước, nhờ đó sự an ủi phát sinh do tác động của trí tuệ và ý chí.

 

331. QUI TẮC III:Khi có nguyên do, thần lành cũng như thần dữ đều có thể an ủi linh hồn, nhưng nhằm mục đích trái ngược nhau: thần lành nhằm mưu ích cho linh hồn, để nó lớn lên và ngày càng tốt lành hơn, còn thần dữ nhằm điều ngược lại, để rồi lôi cuốn linh hồn theo ý xấu xa đồi tệ của nó.

 

332. QUI TẮC IV: Đặc điểm của thần dữ là giả dạng thần lành đi vào theo chiều hướng của linh hồn trung tín để rồi kéo linh hồn ra theo đường của nó; nghĩa là nó bày ra những tư tưởng tốt lành thánh thiện hợp với tâm hồn công chính, rồi lần lần gắng lôi kéo linh hồn ra theo những mưu mô ẩn kín và những ý đồi tệ của nó.

 

333. QUI TẮC V: Cần chú ý nhiều về diễn biến của tư tưởng. Nếu từ đầu đến cuối đều tốt, hướng hẳn về đường lành, là dấu hiệu của thần lành. Nhưng nếu diễn biến của tư tưởng đưa ta tới điều xấu hoặc lo ra, hay không được tốt như điều trước đó linh hồn đã định làm, hoặc làm giảm sút, khiến ta lo lắng, bối rối, mất sự bình an, yên tĩnh đã có từ trước, đó là dấu hiệu rõ ràng điều ấy bởi thần dữ, kẻ thù của sự tiến tới và phần rỗi ta.

 

334. QUI TẮC VI: Khi đã cảm thấy và nhận ra kẻ thù của bản tính loài người bởi cái đuôi rắn của nó và mục đích xấu xa nó muốn đưa tới, thì điều có ích cho người bị cám dỗ là sau đó duyệt lại diễn biến của những tư tưởng tốt nó bày ra và khởi đầu của những tư tưởng ấy, và xem nó đã lần lần tìm cách khiến ta rời sự dịu ngọt và niềm vui siêu nhiên vốn có trước, cho đến chỗ đưa ta tới ý định đồi tệ của nó như thế nào; để nhờ nhận biết và ghi lại những kinh nghiệm đó, ta sẽ giữ mình cho khỏi những dối trá thường lệ của nó sau này.

 

335. QUY TẮC VII: Đối với những người đang tiến tới, thần lành soi dẫn linh hồn cách êm ái, nhẹ nhàng và dịu ngọt, như giọt nước thấm vào miếng bọt biển; còn thần dữ thì thúc đẩy cách chát chúa, ồn ào và sôi động, như giọt nước rơi trên đá. Với những người sa sút, thì các thần nói trên hành động ngược lại. Lý do là tùy theo tình trạng của linh hồn trái ngược hay hòa hợp với các thần nói trên, vì khi trái ngược, thì các thần xâm nhập cách ồn ào, dễ cảm thấy và nhận ra, còn khi hòa hợp thì các thần ấy xâm nhập lặng lẽ như vào nhà mình, cửa mở.

 

336. QUY TẮC VIII: Khi an ủi không có nguyên do, thì không có cạm bẫy, vì như đã nói trên, đó là ơn của riêng Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Song người sống thiêng liêng được Chúa ban ơn yên ủi phải tỉnh thức, và chú ý xem xét và phân biệt thời gian được an ủi với thời gian tiếp sau, khi linh hồn còn nóng nảy và sung sướng vì ơn an ủi vừa qua và dư hưởng của ơn ấy. Qủa vậy, trong thời gian tiếp sau ấy, nhiều khi tự mình suy nghĩ theo tư tưởng và suy luận riêng, hoặc do ảnh hưởng của thần lành hay thần dữ, ta hoạch ra những dự định và ý kiến mà không phải do Thiên Chúa, Chúa chúng ta, trực tiếp ban cho, và vì thế, cần xét xem thật kỹ trước khi hoàn toàn tin tưởng ở những điều ấy và đem ra thực hành.

 

Còn tiếp

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô