1. Báo Vatican mô tả năm 2023 là năm khủng khiếp của chiến tranh, năm 2024 còn tồi tệ hơn

Trong bài viết nổi bật nhất trên trang nhất trong ấn bản hôm Thứ Tư, 12 Tháng Sáu, tờ Quan Sát Viên Rôma đã mô tả năm 2023 là một annus horribilis, nghĩa là một năm khủng khiếp về số lượng các cuộc xung đột vũ trang.

Trích dẫn một bài báo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, Valerio Palombaro báo cáo rằng “2023 là năm có số lượng xung đột cao nhất kể từ năm 1946: 59 cuộc xung đột trải rộng trên 34 quốc gia”, trong đó ba năm qua là những “đẫm máu nhất về số lượng nạn nhân kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.”

Palombaro nói thêm: “Năm 2024 hiện tại cũng hứa hẹn sẽ đặc biệt đẫm máu”, đề cập đến các cuộc xung đột ở Gaza, Ukraine và Sudan.

Palombaro ghi nhận những luận điệu hạt nhân mới nhất đã được đưa ra khi mối quan hệ của Mạc Tư Khoa với Washington xuống mức thấp mới trong bối cảnh Ukraine được phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp trên lãnh thổ Nga.

Trước áp lực ngày càng tăng từ Ukraine và các đồng minh NATO, Mỹ ngày 30 Tháng Năm đã cấp phép cho Ukraine sử dụng một số vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu hạn chế ở Nga.

Trong một diễn biến mới nhất, Alexander Dugin, một đồng minh có ảnh hưởng của Putin, tuyên bố trong một chương trình truyền hình rằng Nga phải “xác định lại vị trí của mình trên thế giới”.

“Đất nước chúng ta chỉ có một con đường, hoặc trở nên vĩ đại hoặc không tồn tại. Nước Nga hoặc sẽ vĩ đại hoặc sẽ không tồn tại. Mọi thứ đều đang bị đe dọa”, Dugin nói.

Dugin, người năm ngoái đã nói rằng cuộc nói chuyện về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine là “vô trách nhiệm”, nay lại nói ngược lại. Ông tin rằng phương Tây là “một nền văn minh bệnh hoạn đang đọ sức với phần còn lại của thế giới” và là “nguồn gốc của vấn đề.”

Dugin nói: “Để chống lại nó và không bất lực, trước nền văn minh điên cuồng, hung hãn, đế quốc và thuộc địa này, vũ khí hạt nhân là cần thiết để ngăn chặn”.

Dugin, 62 tuổi, được coi là kiến trúc sư chủ chốt trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Con gái của ông, nhà hoạt động chính trị Darya Dugina, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe vào tháng 8 năm 2022.

2. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và lãnh đạo Giáo hội Armenia tại Vatican

Lần đầu tiên sau 10 năm, hôm Thứ Tư, 12 Tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đức Thượng Phụ Aram I, lãnh đạo Giáo hội Cilicia Armenia có thẩm quyền đối với khoảng 800.000 Kitô hữu Armenia ở Li Băng, Syria, Síp, Iran và Hy Lạp.

Cuộc gặp diễn ra đằng sau cánh cửa đóng kín trong văn phòng riêng của Đức Thánh Cha và Vatican không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào. Lần cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Đức Thượng Phụ Aram I tại Vatican là vào tháng 6 năm 2014. Nhân dịp đó, Đức Thánh Cha đã cảm ơn Đức Thượng Phụ vì sự cam kết đạt được sự hiệp nhất Kitô giáo và khẳng định rằng nỗi đau khổ của các vị tử đạo Armenia phải được tôn kính “như những vết thương của chính thân xác Chúa Kitô.”

Giáo hội Cilicia của Armenia hiệp thông hoàn toàn với Giáo hội Tông đồ Armenia, có hơn 5 triệu thành viên trên toàn thế giới. Ngoài sự hiện diện trong khu vực được đề cập, Giáo hội Cilicia của Armenia còn có hai giáo phận và 34 giáo xứ ở Hoa Kỳ, cùng với sáu giáo xứ ở Canada.

Trong khi hiệp thông hoàn toàn, Giáo hội Cilicia Armenia độc lập về mặt hành chính với Giáo hội Tông truyền ở Armenia.

Armenia là quốc gia đầu tiên chấp nhận Kitô giáo làm quốc giáo khi Vua Tiridates III được Thánh Grêgôriô Soi sáng cải sang Kitô Giáo vào đầu thế kỷ thứ tư. Năm 506, một thượng hội đồng Armenia đã bác bỏ các giáo lý Kitô học của Công đồng Chalcedon vào năm 451, mà không có giám mục Armenia nào tham dự.

Kể từ thời điểm đó, Giáo hội Armenia tuyên bố mình có quyền tự trị, dưới quyền tài phán của một Đức Thượng Phụ lấy tên là Catholicós, một danh hiệu ban đầu được gán cho nhà lãnh đạo một cộng đồng Kitô giáo bên ngoài ranh giới của Đế chế Rôma.

Vào tháng 12 năm 1996, Thánh Gioan Phaolô II và Đức Thượng Phụ của toàn thể người Armenia Karekin II đã ký một tuyên bố chung khẳng định nguồn gốc chung của Giáo hội Armenia và Giáo Hội Công Giáo Rôma.

Đức Thượng Phụ Aram I sinh ra ở Beirut, Li Băng, và học tại Chủng viện Thần học Armenia ở Antelias và tại Học viện Đại kết Bossey ở Geneva. Ngài là Catholicós của Giáo hội Cilicia Armenia từ năm 1995.

Ngoài việc chuyên về triết học và lịch sử Giáo hội ở Trung Đông, ngài còn là người sáng lập Hội đồng các Giáo hội Trung Đông và cũng là người sáng lập cuộc đối thoại thần học giữa Chính thống giáo Byzantine và Chính thống giáo Đông phương.



Source:Catholic News Agency

3. Vatican: Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến việc tiếp nhận người đồng tính vào chủng viện

Trong cuộc gặp hôm Thứ Ba, 11 Tháng Sáu, với khoảng 160 linh mục tại Đại học Giáo hoàng Salêdiêng, Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa thảo luận về vấn đề tiếp nhận người đồng tính vào các chủng viện.

Văn phòng Báo chí Vatican đưa tin rằng trong cuộc họp kín, Đức Thánh Cha đã quay trở lại chủ đề tiếp nhận những người đàn ông “có khuynh hướng đồng tính luyến ái vào các chủng viện, nhắc lại sự cần thiết phải chào đón họ và đồng hành cùng họ trong Giáo hội cũng như chỉ dẫn thận trọng của Bộ Giáo sĩ về việc gia nhập chủng viện.”

Tuyên bố không nêu rõ chỉ dẫn nào từ Bộ Giáo sĩ mà Đức Thánh Cha đang đề cập đến.

Theo hướng dẫn được công bố vào năm 2005 bởi Bộ Giáo dục Công Giáo lúc bấy giờ - Bộ Văn hóa và Giáo dục hiện tại - Giáo hội “không thể chấp nhận vào chủng viện và Truyền chức Thánh cho những người thực hành đồng tính luyến ái, có khuynh hướng đồng tính luyến ái có cội rễ sâu xa, hoặc ủng hộ điều được gọi là 'văn hóa đồng tính nam.'“

Chủ đề này đã xuất hiện nhiều lần trong những tuần gần đây.

Vào đầu tháng 6, tờ báo Ý Il Messagero đã đăng một bức thư của Đức Thánh Cha gửi cho một thanh niên bị loại khỏi chủng viện vì là người đồng tính, là người mà ngài khuyến khích “tiến tới” với ơn gọi của mình.

Vào ngày 20 tháng 5, trong một cuộc họp kín khác với các giám mục Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô được tường trình đã sử dụng ngôn ngữ chế nhạo về sự hiện diện của đồng tính luyến ái trong các chủng viện.

Đáp lại các báo cáo về ngôn ngữ được cho là của giáo hoàng, vào ngày 28 tháng 5, Vatican đã đưa ra một tuyên bố chỉ ra rằng Đức Giáo Hoàng “không bao giờ có ý xúc phạm hoặc bày tỏ ý kiến bằng những thuật ngữ kỳ thị người đồng tính, và ngài gửi lời xin lỗi đến những người bị xúc phạm bởi việc sử dụng một thuật ngữ được người khác báo cáo.”

Theo Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, tại cuộc họp ngày 11 tháng 6, sau lời chào mừng của Đức Giám Mục Michele di Tolve và một lúc cầu nguyện, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham gia đối thoại với các linh mục tham dự.

Trong số các chủ đề được thảo luận, Đức Thánh Cha đề cập đến căn tính của linh mục và nét đẹp của chức tư tế. Đức Thánh Cha đã trích dẫn mẫu gương của Cha Lorenzo Milani là “một sự vĩ đại, một ánh sáng cho các linh mục người Ý”.

Cuộc thảo luận trên phạm vi rộng cũng bao gồm tầm quan trọng của việc đồng hành với những người đau khổ, đặc biệt là người già.

Các chủ đề khác được thảo luận bao gồm tình hình hiện tại ở Âu Châu, Thánh địa, Ukraine, Miến Điện và Cộng hòa Dân chủ Congo, cùng những chủ đề khác.

Đây là cuộc gặp thứ ba mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức với các linh mục ở Rôma trong vòng chưa đầy một tháng. Vào ngày 14 tháng 5, ngài gặp các linh mục lớn tuổi nhất và vào cuối tháng ngài đến thăm các linh mục trẻ nhất.



Source:Catholic News Agency