Thứ bảy, ngày 05 tháng 10 năm 2024 | 06:34 AM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Tài liệu

Đức Maria: Đặc Sủng Thánh Thần Đầu Tiên Trong Giáo Hội

ĐỨC MARIA: TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI

(MARIA UNO SPECCHIO PER LA CHIESA)

Tác giả: Raniro Cantalamessa

Chuyển ngữ: Nhóm linh mục DaLat

***

***

DẪN NHẬP: ÐỨC MARIA - BỨC THƯ VIẾT BỞI NGÓN TAY THIÊN CHÚA

PHẦN I: ÐỨC MARIA - TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG NHẬP THỂ

PHẦN II: ĐỨC MARIA - TẤM GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

PHẦN III: ĐỨC MARIA: MẪU GƯƠNG CHO GIÁO HỘI TRONG LỄ NGŨ TUẦN

***

CHƯƠNG VII: “CHUYÊN CẦN CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC MARIA”

CHƯƠNG VIII: "THÁNH THẦN SẼ ĐẾN TRÊN NGƯỜI"

ÐỨC MARIA, CON NGƯỜI CỦA THÁNH LINH

ÐẶC SỦNG THÁNH THẦN ÐẦU TIÊN TRONG GIÁO HỘI

 

 

I. THÁNH THẦN TÁI HOẠT ĐỘNG

Nếu có thể nói đến một ơn đặc biệt của Giáo Hội hôm nay thì phải nói đó là ơn liên hệ đến chính Chúa Thánh Thần. Thế kỷ của chúng ta, đặt trong lịch sử Giáo Hội, sẽ mãi là thế kỷ Thánh Thần hoạt động. Không những do việc tái khám phá chỗ đứng của Chúa Thánh Thần trong thần học và phụng vụ Công Giáo sau Công Ðồng, mà hơn thế nữa, vì Giáo Hội cảm nghiệm thấy Thánh Thần đang liên tục được đổ xuống “trên mọi xác phàm”, và từ đó làm nẩy nở các phong trào Thánh Linh, đặc sủng Thánh Thần khác nhau (mouvements pentecotistes et charismatiques) trong hầu hết các Giáo Hội Kitô. Ðối với rất nhiều Kitô hữu, sấm ngôn của tiên tri Joel, không chỉ là một trưng dẫn thú vị được thánh Phêrô đưa ra trong bài giảng ngày Lễ Ngũ Tuần, nhưng đã thành hiện thực sống động trước mắt họ. Họ có thể làm chứng rằng“Trong những ngày sau hết, Thiên Chúa đã đổ Thần Khí của Ngài trên mọi xác phàm: trên các con trai, con gái, người thanh niên, kẻ già lão, trên các tôi nam tớ nữ của Ngài” (x. Ge 3,1tt; Cv 2,17-18).

Bất chấp mọi khó khăn, làn gió Hiện Xuống mạnh mẽ lại thổi trong Giáo Hội, và đó là hy vọng lớn lao nhất cho công cuộc hiệp nhất các Kitô hữu. Chính luồng gió này đã tạo nên sự hiệp nhất đại kết buổi ban đầu. Vào thời đó, có sự phân chia, phân rẽ sâu xa về mặt tôn giáo, chia cắt người Do Thái với dân ngoại: và chúng ta cũng đã biết sự chia cắt đó gây rất nhiều đau khổ cho Giáo Hội tiên khởi. Vậy Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy Giáo Hội như thế nào để Giáo Hội đi đến với dân ngoại và đón nhận cả họ nữa trong cùng một niềm tin vào Ðức Kitô? Ngài đã phán bảo chính thủ lĩnh của Giáo Hội là thánh Phêrô đến nhà Cornelio, viên bách quản ngoại đạo, và trong lúc vị tông đồ còn đang phải giải thích các lý do khiến một người Do Thái không thể bước vào nhà một người dân ngoại, thì Thánh Thần cho ngài tham dự vào một cuộc Hiện Xuống mới trên mọi người hiện diện, với những dấu hiệu, đặc tính y như lần Thánh Thần ngự xuống lần đầu tiên trên các tông đồ. Phêrô chỉ còn biết rút ra kết luận: “Nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cũng đồng một ơn huệ như Người đã ban cho chúng ta... thì tôi là ai mà có thể ngăn cấm được Thiên Chúa?” (Cv 11,17).

Ðó là điều đang tái diễn trong Giáo Hội hôm nay, một Giáo Hội cũng bị xâu xé bởi những phân ly, phân rẽ khác, ngay giữa những Kitô hữu với nhau. Thiên Chúa sai Thánh Thần của Ngài đến, thường là dưới những hình thức như nhau, trên các tín hữu thuộc các Giáo Hội Kitô khác nhau, để khiến chúng ta rút ra cùng một kết luận như thánh Phêrô: chúng tôi là ai mà có thể từ chối các anh em này, hay coi họ như người ở ngoài Thân Mình đích thực của Ðức Kitô, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một Thánh Thần như chúng ta? Làm sao cả họ nữa lại không thể thuộc về Thân Mình Chúa Kitô trong khi họ được Thần Khí của Ðức Kitô nuôi dưỡng thúc đẩy?

Một trong những điểm đang được Thánh Thần chữa lành các thương tích và chuẩn bị cho sự hiệp nhất, đó là điểm liên hệ đến Mẹ Thiên Chúa. Tôi mong muốn qua cuốn sách này, đóng góp phần nhỏ bé của mình theo chiều hướng đó. Trong suy tư thần học sau Công Ðồng, mối quan tâm mới về Chúa Thánh Thần cũng tác động đến khoa Thánh Mẫu học. Và điều này biểu hiện theo chiều ngược lại, không đi từ Ðức Maria tới Giáo Hội nhưng từ Giáo Hội tới Ðức Maria. Giáo Hội một khi tự khám phá thấy mình là Giáo Hội Thần Khí (Église pneumatique), được Thánh Thần thúc đẩy, làm cho sinh động, thì tự nhiên nhận thấy khuôn mẫu của mình là Ðức Maria, người mà nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, đã cưu mang Ðầu và Cứu Chúa của Giáo Hội.

Mối quan hệ giữa “Ðức Maria và Thánh Thần” là một khía cạnh khá mới mẻ trong suy tư của Giáo Hội Latin cũng như Giáo Hội Ðông phương. Tất cả những gì người ta có thể góp nhặt được trong tư tưởng của các Giáo Phụ và các tác giả Trung Cổ, kể cả thánh Bernado, đều không vượt ra khỏi việc lặp lại một vài dữ kiện Kinh Thánh hiếm hoi, tức là Ðức Maria đã chịu thai “bởi tác động của Chúa Thánh Thần” với những chú giải rời rạc, thường nhằm làm sáng tỏ ngôi vị Thánh Thần hơn là chính Ðức Maria. Trái lại, ngày nay chúng ta chứng kiến nhiều cố gắng khác nhau có tính hệ thống nhằm quan hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần. Ở đây cũng như những nơi khác, tôi mong muốn dừng lại ở Lời Chúa, ở các dữ kiện Kinh Thánh. Ðiều đó cho phép ta nói ít hơn về mối tương quan trên, buộc phải chừng mực, nhưng bù lại, nó giúp cho ta đứng trên một cơ sở vững chắc hơn và dễ được tất cả các Kitô hữu chấp nhận. Những hệ thống thần học lớn, nhất thiết phải dành nhiều chỗ cho những giả thiết và những nguyên tắc gắn liền với hệ thống này hay hệ thống nọ, và do đó có tính đặc thù hơn.

Ngày nay, yếu tố mới soi sáng cho mối liên hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần chủ yếu là do sự kiện: chúng ta có được hiểu biết sâu rộng hơn so với quá khứ về sự tiến triển trong mạc khải về Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh, tôi muốn nói đến một hiểu biết đầy đủ hơn về khoa Thánh linh học Thần Khí (Pneumatologie biblique). Hiểu biết này chúng ta có được là nhờ những công trình nghiên cứu Kinh Thánh hiện đại, nhất là nhờ một khoa học mới mẻ mà các Giáo Phụ chưa biết tới, đó là khoa thần học Kinh Thánh.

Khi đọc Kinh Thánh, các Giáo Phụ theo phương pháp phân tích thuộc thời đại các ngài, phương pháp này giải thích từng cuốn sách, hết bản văn này sang bản văn khác, và mỗi bản văn thì giải thích hết chữ này sang chữ khác. Các ngài thiếu phương pháp lịch sử, là phương pháp giúp nắm bắt sự phát triển của một chủ đề xuyên qua toàn bộ Kinh Thánh, và ghi nhận không những những điểm giống nhau mà cả những điềm khác nhau giữa thời đại này với thời đại khác, giữa môi trường này với môi trường kia. Các ngài có cảm thức về tính duy nhất hơn là cảm thức về tính khác biệt trong Kinh Thánh. Có thể nói rằng, mỗi lần đọc Kinh Thánh là các ngài đọc “toàn thể trong từng phần”, nghĩa là nơi mỗi bản văn các ngài muốn giải thích, các ngài đều thấy đó là một phản ánh của toàn thể Kinh Thánh, không hề có sự đối nghịch. Chúng ta thì ngược lại, thích đọc “từng phần trong toàn thể”, định vị một bản văn trong văn mạch của nó, soi sáng một đoạn Kinh Thánh bằng văn thể, bằng môi trường nguyên thủy của nó.

Áp dụng vào chủ đề “Ðức Maria và Chúa Thánh Thần”, tôi muốn theo phương pháp thật đơn giản. Tôi sẽ thử giải thích phương pháp này. Ðể biết về mối liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và Ðức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể, và trong lễ Hiện Xuống (Ngũ Tuần), chúng ta có Tin Mừng Luca; và riêng về mầu nhiệm Nhập Thể, có Tin Mừng Matthew. Vậy chúng ta xem thử đâu là quan niệm đặc biệt của thánh Luca về Chúa Thánh Thần. Tác động của Chúa Thánh Thần khi Ngài đến tìm một người hay trên Giáo Hội, đối với Luca là tác động gì? Từ đó chúng ta khám phá ra điều mà, theo thánh Luca, Chúa Thánh Thần thực hiện nơi Ðức Maria. Nhờ thế, chúng ta có thể tìm cách khai thác những dữ kiện hiếm hoi liên quan đến Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, nhưng không khởi sự bằng cách khai triển mang tính chất hệ thống và suy lý, vì điều này tất sẽ dễ đưa vào những yếu tố chủ quan, mà sẽ khởi sự bằng cách khai triển rộng bên trong Kinh Thánh, và như thế sẽ có được tính thuần nhất và khách quan, vì được đặt trong cùng một não trạng và được diễn tả bằng ngôn ngữ của cùng một tác giả. Ðiều này có nghĩa là giải thích một bản văn dựa vào văn mạch của nó, như người ta phân tích một miếng vải nhỏ khi biết được tấm vải lớn từ đó nó được cắt ra. Chúng ta sẽ thấy công trình Chúa Thánh Thần thực hiện cho toàn thể Giáo Hội được phản ánh, thu nhỏ nơi Ðức Maria như thế nào.

II. ÐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN TRONG TIN MỪNG LUCA

Trong sách Công Vụ, thánh Luca trình bày Ðức Maria chuyên cần cầu nguyện trong sự chờ đợi Chúa Thánh Thần. Ở đầu sách Tin Mừng, ngài trình bày cũng chính Ðức Maria là người đợi Thánh Thần ngự xuống trên mình. Một số yếu tố gợi cho thấy có sự song song(parallélisme) chặt chẽ giữa việc Chúa Thánh Thần xuống trên Ðức Maria vào ngày Truyền Tin và việc Ngài xuống trên Giáo Hội vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Sự song song này hoặc do chủ ý của thánh sử, hoặc do sự tương hợp khách quan giữa hai hoàn cảnh.

Thánh Thần được hứa ban cho Ðức Maria như là “quyền năng Ðấng Tối Cao” “sẽ đến”trên Người (x. Lc 1,35). Thánh Thần cũng được hứa ban cho các tông đồ như là “quyền năng Trên ban” “sẽ đến” trên họ (x. Lc 24,29; Cv 2,8). Sau khi nhận lãnh Thánh Thần, Ðức Maria đã cất lời ngợi khen chúc tụng(megalynei) những việc lớn lao (megala) Chúa đã thực hiện nơi Người, bằng một ngôn ngữ thần hứng (Lc 1,46-49). Cũng vậy, sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các tông đồ bắt đầu dùng những ngôn ngữ khác nhau mà công bố những việc lớn lao (megaleia) của Thiên Chúa(x. Cv 2,11). Công Ðồng Vatican II đã cho thấy có một mối liên hệ giữa hai biến cố: nơi nhà Tiệc Ly, ta thấy “Ðức Maria tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Ðấng đã rợp bóng trên Người trong ngày Truyền Tin”.[1]

Tất cả những điều này chỉ có tầm quan trọng tương đối so với khẳng định hết sức rõ ràng về Ðức Maria được thuật lại trong Tin Mừng:“Thánh Thần sẽ đến trên Người và quyền năng Ðấng Tối Cao trên Người rợp bóng” (Lc 1,35). Song song với khẳng định rõ ràng này, chúng ta có thể thấy trong Tin Mừng Luca có một sự kiện khác cũng bộc lộ cho thấy điều đó. Sau khi được Thánh Thần ngự xuống, Ðức Maria được sai đến với ai thì người đó, đến lượt mình, cũng được Thánh Thần đụng chạm tới hoặc thúc đẩy bên trong (Lc 1,41; 2,27). Chắc chắn rằng chính sự hiện diện của Ðức Giêsu mới phát tỏa Thần Khí, nhưng Ðức Giêsu lại ở trong Ðức Maria và hành động nhờ Người: Người là như Hòm Bia hay Ðền Thờ Chúa Thánh Thần: đó chính là điều được gợi lên qua hình ảnh đám mây đã rợp bóng trên Người và cũng gợi nhớ đám mây tỏa sáng trong Cựu Ước, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa hay việc Người đến nơi Trướng Tao Phùng (x. Xh 13,22; 19,16).

Thánh Matthew xác nhận dữ kiện căn bản đó về Ðức Maria và Chúa Thánh Thần khi ngài viết rằng, Ðức Maria “đã có thai do tự Thánh Thần” (Mt 1,18), và thai sinh nơi Người là “do tự Thánh Thần” (Mt 1,20).

Giáo Hội đã đón nhận dữ kiện được Mạc Khải này và đã nhanh chóng đặt nó vào giữa kinh Tin Kính của mình. Từ cuối thế kỷ II, người ta đã gặp thấy trong kinh Tin Kính các Tông Ðồ lời khẳng định: “Ðức Giêsu sinh bởi Thánh Thần và bởi Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria”. Trong Công Ðồng chung Constantinople năm 381, là Công Ðồng định tín về thần tính của Chúa Thánh Thần, điều khoản đức tin này đã có chỗ đứng trong kinh Tin Kính Nicée-Constantinople: Ðức Kitô được trình bày là “Bởi phép Chúa Thánh Thần, người đã Nhập Thể trong lòng Trinh Nữ Maria”.

Như thế, đây là một dữ kiện đức tin được tất cả các Kitô hữu đón nhận, Ðông phương cũng như Tây phương, người Công Giáo cũng như người Tin Lành, và là một nền tảng chắc chắn, có bề dày của nó. Ðức Maria xuất hiện như là người được liên kết với Chúa Thánh Thần bằng một mối dây khách thể, cá vị và bất khả hủy: mối dây đó là chính con người Ðức Giêsu mà hai Ðấng cùng sinh ra, dù rằng phần đóng góp của mỗi bên hoàn toàn khác nhau. Nếu người ta muốn tách rời Ðức Maria khỏi Chúa Thánh Thần thì cũng phải tách rời chính Ðức Kitô nữa, vì các hoạt động khác nhau của Ðức Maria và Chúa Thánh Thần đã được cụ thể hóa và thể hiện (khách thể hóa, objectivées) nơi Ngài cách vĩnh viễn. Dù người ta có muốn hay không muốn gọi Ðức Maria là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, như thánh Phanxicô Assisi và các vị thánh khác sau ngài đã gọi, thì vẫn phải nhận rằng: Ðức Giêsu đã nối kết Ðức Maria và Chúa Thánh Thần còn sâu xa hơn một người con nối kết cha và mẹ mình, vì nếu đứa con, chỉ nguyên sự hiện diên của nó, đã nói lên việc cha và mẹ kết hợp với nhau theo xác thịt trong giây lát, thì người con là Ðức Giêsu nói lên rằng Chúa Thánh Thần và Ðức Maria đã kết hợp “theo Thần Khí” và do đó, là sự kết hợp cách bền vững, vĩnh viễn. Ngay cả nơi Giêrusalem Thiên Quốc, Ðức Giêsu Phục Sinh vẫn là Ðấng đã được “sinh ra bởi Chúa Thánh Thần và bởi Ðức Trinh Nữ Maria”. Trong Bí tích Thánh Thể cũng vậy, chúng ta nhận lãnh Ðấng đã được “sinh ra bởi Chúa Thánh Thần và bởi Trinh Nữ Maria”.

Giờ đây, dựa vào thánh Luca và Tin Mừng Nhất Lãm nói chung, chúng ta hãy tìm hiểu Chúa Thánh Thần là Ðấng nào và Ngài đã thực hiện điều gì. Ở đây chúng ta có thể dựa vào sự tiến triển trong hiểu biết về Chúa Thánh Thần mà tôi đã nói ở trên. Luca và nhất là Matthew, đã đi theo tới cùng một hướng phát triển của Mạc Khải về Chúa Thánh Thần, hướng phát triển này gắn liền với Cựu Ước. Theo hướng tư tưởng đó, Chúa Thánh Thần được trình bày như là “sức mạnh của Thiên Chúa khiến con người có thể tuyên ngôn và thực hiện các hành động mà tự sức con người không thể nào làm được”.[2]

Ðể nắm vững khía cạnh đặc biệt của quan điểm trên, chúng ta cần nhớ lại một hướng phát triển mạc khải về Chúa Thánh Thần quan trọng khác, hướng này đạt tới đỉnh cao của nó nơi thánh Gioan và thánh Phaolô: theo hướng tư tưởng này, Chúa Thánh Thần được xem như sức mạnh thánh hóa, chiếm hữu con người, biến đổi cõi lòng và làm nên một tạo vật mới. Trong trường hợp thứ nhất, Chúa Thánh Thần đến trên một người để làm cho người đó có khả năng thực hiện một hành vi vượt quá sức mình. Hành động của ngài không dừng lại nơi người nhận lãnh, tiên tri, thủ lãnh, người được linh hứng hay một ai khác, nhưng qua người đó, tác động đến cộng đoàn hay lịch sử. Nơi bản thân và trước mặt Thiên Chúa, người lãnh nhận Thánh Thần có thể vẫn như trước kia, rất ít hoặc không hề được biến đổi do việc Thánh Thần đi qua con người mình. Trong trường hợp thứ hai thì không như thế: tác động của Chúa Thánh Thần trực tiếp nhằm vào người lãnh nhận Ngài, dừng lại, lưu lại nơi người đó và làm nảy sinh một tình trạng mới, một đời sống mới. Hiển nhiên đây không phải là sự mâu thuẩn nội tại trong Kinh Thánh nhưng là hai cách thể hiện, cũng chân thật và có giá trị cứu độ như nhau của cùng một Thánh Thần, và độc giả Kinh Thánh không được tách biệt hay đối lập (như một đôi khi người ta đã làm một cách đáng tiếc), nhưng phải liên kết chúng với nhau. Cả ở đây nữa, cũng cần phải tìm lại “cái toàn thể” (le tout) và trong trường hợp này, cái toàn thể là chính Chúa Thánh Thần trong thực tại trọn vẹn của Ngài gồm cả Ðoàn Sủng và Ðức Ái.

Quan niệm về Chúa Thánh Thần như là sức mạnh của Thiên Chúa, làm cho con người có khả năng thực hiện những hành động vượt trên sức nhân loại, lộ rõ hầu như trong mọi lần Tin Mừng Nhất Lãm đề cập đến Thánh Thần. Thánh Thần đến trên Ðức Giêsu khi Ngài chịu Phép Rửa và chúng ta thấy Ðức Giêsu chiến thắng Satan trong những cơn cám dỗ, xua trừ ma quỉ, loan báo Nước Trời, giảng dạy với uy quyền và thực hiện những việc lạ lùng (Mt 12,28). Hoạt động của Chúa Thánh Thần, mỗi lần thể hiện, đều đưa tới kết quả rõ ràng, có thể sờ chạm được. Vai trò độc nhất vô nhị của Ðức Giêsu bộc lộ qua việc Ngài là Ðấng mang Thánh Thần cách trọn vẹn, tối hậu, Ngài hành động luôn luôn là trong Thần Khí và là Ðấng“đầy” Thánh Thần (x. Lc 4,1; 14,18), không như các tiên tri hay những người được linh hứng trong quá khứ, vì họ hành động trong Thần Khí chỉ trong một số thời điểm.

Hướng tư tưởng trên phát xuất từ Cựu Ước, trong đó Thần Khí (Ruăh) thường được xem như là sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa, sức mạnh này xâm chiếm con người và làm cho người đó được đầy khôn ngoan hoặc có được các năng khiếu nghệ thuật (x. Xh 31,3; 35,31); ban cho người khác đặc sủng tiên tri (Mt 3,8); đổ tràn trên người khác nữa và ban cho người đó có khả năng cai trị phi thường (Is 11,2) hay khả năng biện biệt (x. Dn 13,45-46).

Hai trích dẫn của thánh Luca, một trong sách Tin Mừng và một trong sách Công Vụ, làm sáng tỏ quan niệm nói trên về Thần Khí trong dòng tư tưởng của Cựu Ước. Trích dẫn thứ nhất lấy trong Isaia 61,1: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi...”. Trích dẫn này muốn nói lên rằng: sức mạnh đặc sủng của Thần Khí đã đổ xuống đầy tràn viên mãn nơi Ðức Giêsu, trong tư cách là người và là Ðấng Messiah, khiến Ngài có thể đem Tin Mừng cho người nghèo khó, cho kẻ mù được thấy và giải thoát kẻ bị áp bức. Trong trích dẫn thứ hai, lấy từ sách Joel 3, thánh Luca cũng khẳng định hoạt động của Thần Khí, nhưng là đối với Giáo Hội. Chính Thánh Thần làm cho Giáo Hội sẵn sàng trước sứ vụ tiên tri bằng cách ban cho Giáo Hội đủ các hình thức đặc sủng: chiêm điềm mộng, thị kiến và nhất là Thần Khí tiên tri (x. Cv 2,17-18).

Tuy nhiên, có một khía cạnh khiến cho hoạt động đặc sủng và tiên tri của Thánh Thần trong Giáo Hội khác biệt hơn so với Cựu Ước. Ngày xưa Thánh Thần được dành riêng cho một vài người và chỉ ban cho họ trong một số trường hợp nào đó, tùy theo sứ mạng riêng biệt của họ. Từ nay, Ngài được ban cho tất cả mọi thành phần của cộng đoàn mới và ban một cách thường xuyên. Như thế, lời ước nguyện của Moses đã được thực hiện: “Phải chi toàn dân Giavê đều được làm tiên tri bởi được Giavê ban Thần Khí xuống trên họ” (Ds 11,2a). vâng, mong ước đó đã trở thành hiện thực; tất cả mọi người trong toàn dân Thiên Chúa đều là tiên tri.

III. ÐỨC MARIA: NGƯỜI ĐƯỢC ĐẶC SỦNG ĐẦU TIÊN CỦA GIÁO HỘI

Tất cả những điều trên cho chúng ta biết gì về mối liên hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần? Cho biết rằng: sau Ðức Giêsu, Ðức Maria là người được đặc sủng lớn lao nhất trong lịch sử cứu độ. Nhưng không theo nghĩa là người được hưởng số lượng đặc sủng nhiều nhất. Ngược lại là khác, vì xét bên ngoài, Người dường như không thực thi được mấy đặc sủng. Ðâu là những phép lạ Người thực hiện được? Về các tông đồ, người ta bảo ngay cả bóng của các ngài cũng chữa lành được những bệnh nhân (Cv 5,15). Còn về Ðức Maria, chúng ta không hề thấy Người làm được phép lạ, hành vi ngoạn mục hay kỳ diệu nào lúc sinh thời. Người là kẻ được đặc sủng lớn lao nhất chính là vì nơi Người, Thánh Thần đã thực hiện hành vi tuyệt vời nhất trong số các hành vi kỳ diệu của Ngài, đó là hành vi khơi dậy nơi Ðức Maria, không phải một lời khôn ngoan, không phải ơn cai trị, không phải một thị kiến, một giấc chiêm bao hay một lời tiên báo, mà là chính sự sống của Ðấng Messiah!

Khi chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng Luca: “Thánh Thần sẽ đến trên Người và quyền năng Ðấng Tối Cao trên Người rợp bóng”, thì từ nay chúng ta hiều “Thánh Thần”đó là gì: là “quyền năng của Ðấng Tối Cao”, là sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa hình thành nên sự sống của Hài Nhi vô song đó. Trong đoạn văn này cũng như trong Matthew 1,20 “niềm tin vào sự can thiệp sáng tạo của Thần Khí Thiên Chúa đã có trong Cựu Ước”.[3] Thánh Ambrosio chú giải Lc 1,35 rất hợp lý khi ngài viết: “Việc sinh con của Ðức Trinh Nữ Maria là công trình của Thánh Thần... vì thế Thần Khí mà chúng ta biết là tác giả việc Nhập Thể của Chúa, là Thần Khí “sáng tạo”, đó là điều chúng ta không thể nghi ngờ... Ðiều đó bởi một người thì hoặc do bởi bản thể hoặc do bởi quyền năng người đó... Vậy Ðức Maria lãnh nhận trong lòng điều do bởi Thánh Thần là theo nghĩa nào? Chắc chắn không phải bởi bản thể của Ngài, vì như vậy Thánh Thần sẽ trở thành xương, thịt. Vậy nếu Ðức Trinh Nữ đã thụ thai nhờ hoạt động và quyền năng của Thánh Thần thì ai có thể phủ nhận Thánh Thần đó là Thánh Thần Sáng Tạo”.[4] Thánh Ambrosio đã đồng hóa Thánh Thần được nói đến trong Lc 1,35 với chính Ngôi Thánh Thần, Ngôi Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Và điều này sẽ trở thành cách hiểu chung của toàn Giáo Hội, dưới ánh sáng mà giáo lý về Chúa Thánh Thần, trong quá trình phát triển, đón nhận từ nơi thánh Phaolô và Gioan, dù rằng thánh Augustin sau này cẩn thận xác định rõ: Việc gán cho Thánh Thần công trình Nhập Thể cũng như việc linh hứng Thánh Kinh chỉ là sự qui gán thích hợp mà thôi (par appropriation), chứ tự thân thì đó là công trình của cả Ba Ngôi.[5]

Ðể hiểu rõ đặc tính độc nhất vô nhị của mối quan hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể khởi đi từ mối quan hệ mà hành vi sáng tạo của Thiên Chúa thiết lập giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, một mối quan hệ khác biệt và cao hơn, sánh với tất cả các tiên tri. Cho đến Gioan Tẩy Giả, lời Thiên Chúa “đến” trên các tiên tri (factum set verbum Domini super…) (x. Lc 3,2), theo nghĩa, Lời trở thành một “thực tại hoạt động” (réalité active)nơi họ. Còn nơi Ðức Maria, Lời không chỉ đến trong một khoảnh khắc, nhưng bởi phép Chúa Thánh Thần, Lời đã lưu ngụ nơi Người, Lời không chỉ trở thành thực tại hoạt động, mà đả trở thành xác phàm (Ga 1,14). Hơn nữa, dù tiên tri đã “ăn” đã nhét đầy lòng cuộn sách ghi Lời Chúa (x. Gr 15,16; Ed 3,1tt; Kh 10,8tt). Nhưng điều đó có nghĩa gì sánh với điều đã xảy đến nơi Ðức Maria? Lòng Người tràn đầy Lời, không phải chỉ theo nghĩa ẩn dụ mà là trên bình diện thực tại.

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
TGM Tokyo mời gọi các tín hữu kiên nhẫn và hiệp nhất trong hành trình Thượng hội đồng
TGM Tokyo mời gọi các tín hữu kiên nhẫn và hiệp nhất trong hành ...
Sứ Thần Tòa Thánh tại Đức: Không có đức tin thì các cải cách sẽ không thành công
Sứ Thần Tòa Thánh tại Đức: Không có đức tin thì các cải cách ...
“Giấc mơ về một thế giới huynh đệ hơn”
“Giấc mơ về một thế giới huynh đệ hơn”
Giáo Hội tại Luxemburg và Bỉ chờ đón Đức Thánh Cha
Giáo Hội tại Luxemburg và Bỉ chờ đón Đức Thánh Cha