Kinh Truyền Tin (11/12): Sự hồ nghi đôi khi cần thiết cho sự phát triển thiêng liêng Trưa Chúa nhật 11/12,
Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với rất đông các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Đức Thánh Cha nhắc rằng đôi khi người vĩ đại như Gioan Tẩy giả cũng phải trải qua đêm tối. Nhưng sự hồ nghi đôi khi cần thiết cho sự phát triển thiêng liêng. Văn Yên, SJ - Vatican News Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã có một bài giảng ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng, về việc ông Gioan, khi đang ở trong tù, đã sai môn đệ của ông đi hỏi Chúa Giêsu có thật Ngài là Đấng phải đến không. Và Chúa Giêsu đã cho ông câu trả lời thuyết phục. Bài giảng của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin --- Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành! Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng này nói với chúng ta về việc Gioan Tẩy Giả, khi ở trong ngục, đã sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,4). Thực tế, ông Gioan, khi nghe nói về các công việc của Chúa Giê-su, đã bắt đầu nghi ngờ liệu Người có thực sự là Đấng Mê-si-a hay không. Thật vậy, ông đang nghĩ đến một Đấng Mê-si-a nghiêm khắc, Đấng khi đến sẽ thực thi công lý với quyền năng bằng cách trừng phạt những kẻ tội lỗi. Tuy nhiên, giờ đây Chúa Giêsu đã có những lời nói và cử chỉ đầy lòng trắc ẩn đối với mọi người, mà trung tâm hành động của Người là lòng thương xót với sự tha thứ, nhờ vậy “Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (c. 6). Tuy nhiên, chúng ta nên chú ý đến sự khủng hoảng này của Gioan Tẩy giả, bởi vì nó cũng có thể nói lên điều gì đó quan trọng đối với chúng ta. Hồ nghi đôi khi cần thiết Bản văn nhấn mạnh rằng Gioan đang ở trong tù, và điều này, hơn cả nơi chốn thể lý, cho thấy tình trạng bên trong mà ông đang trải qua: trong tù nơi bóng tối, ông không có khả năng nhìn rõ và nhìn xa hơn. Thật vậy, Gioan Tẩy Giả không còn có thể nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia được mong đợi nữa. Và vì nghi ngờ, ông nên sai các môn đệ đi kiểm chứng: “Anh em đi và xem người này có phải là Đấng Mê-si-a không”. Chúng ta ngạc nhiên vì điều này xảy ra với chính Gioan, người đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu ở sông Giođan và đã chỉ cho các môn đệ biết Người là Chiên Thiên Chúa (x. Ga 1,29). Nhưng điều đó cũng có nghĩa là ngay cả người có niềm tin lớn nhất cũng đi qua đường hầm của sự nghi ngờ. Và thực ra, đường hầm hồ nghi không thể tránh khỏi này không phải là điều xấu, đôi khi nó cần thiết cho sự phát triển thiêng liêng: nó giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa luôn lớn hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng về Người; những việc Người thực hiện vượt quá sự tính toán của chúng ta; hành động của Người thì khác, và vượt xa những nhu cầu và mong đợi của chúng ta; và do đó chúng ta không bao giờ được phép ngừng tìm kiếm Người và hoán cải theo khuôn mặt thật của Người. Một nhà thần học vĩ đại đã từng nói về Thiên Chúa rằng, “chúng ta cần tái khám phá Thiên Chúa theo từng giai đoạn... đôi khi tin rằng chúng ta đang lạc mất Người” (H. DE LUBAC, Sulle vie di Dio, Milano 2008, 25). Điều này đã xảy ra với Gioan Tẩy giả: trong sự nghi ngờ, ông vẫn tìm kiếm Người, chất vấn Người, “bàn luận” với Người và cuối cùng khám phá được Người. Tóm lại, Gioan, người được Chúa Giêsu định nghĩa là người cao trọng nhất giữa những phàm nhân đã lọt lòng mẹ (x. Mt 11:11), dạy chúng ta rằng đừng đóng Thiên Chúa vào trong các kế hoạch của chúng ta. Thật là nguy hiểm khi có cám dỗ tạo nên nơi chúng ta một Thiên Chúa theo tiêu chuẩn của chúng ta, một Thiên Chúa để sử dụng. Không, Thiên Chúa thật thì rất khác. Đừng để mình bị giam hãm trong định kiến Anh chị em thân mến, đôi khi chúng ta cũng thấy mình ở trong tình huống của Gioan, trong một nhà tù nội tâm, không thể nhận ra sự mới mẻ của Chúa, Đấng mà có lẽ chúng ta giam giữ như một tù nhân của tư tưởng cho rằng mình biết tất cả về Người. Anh chị em thân mến, không bao giờ chúng ta có thể biết tất cả về Thiên Chúa, không bao giờ. Có lẽ chúng ta có sẵn trong đầu về một Thiên Chúa quyền năng làm theo ý chúng ta, hơn là một Thiên Chúa khiêm nhường hiền lành, thương xót và yêu thương, Đấng can thiệp bằng cách luôn tôn trọng sự tự do và lựa chọn của chúng ta. Có lẽ chúng ta cũng phải hỏi Người: “Ngài, với sự khiêm nhường như thế, có phải là Thiên Chúa đến cứu độ chúng con không?”. Và điều đó nơi chúng ta cũng xảy ra tương tự với anh chị em mình: chúng ta có sẵn ý nghĩ, định kiến của mình về họ và chúng ta dán những nhãn thô cứng cho người khác - đặc biệt là cho những người khác biệt với chúng ta. Vì thế, Mùa Vọng là thời gian đảo ngược các ánh nhìn, là thời gian cho phép chúng ta để cho mình được kinh ngạc trước lòng thương xót lớn lao của Thiên Chúa, là thời gian để, khi chuẩn bị máng cỏ cho Hài Nhi Giêsu, chúng ta học biết lại về Chúa của chúng ta; là thời gian để thoát ra khỏi những khuôn mẫu có sẵn và những định kiến nhất định về Thiên Chúa và về anh chị em mình; Mùa Vọng là thời gian, thay vì nghĩ đến những món quà dành cho mình, chúng ta có thể dành những lời nói và cử chỉ an ủi cho những người bị thương tích, như Chúa Giêsu đã làm với những người mù, người điếc và thương tật. Xin Đức Mẹ, như một người Mẹ, nắm lấy tay chúng ta trong những ngày chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh này và giúp chúng ta nhận ra nơi sự nhỏ bé của Hài Nhi sự cao cả của Thiên Chúa Đấng đến với chúng ta.
Các tin khác