ĐÀO LUYỆN GIÁO DÂN
THIÊN NIÊN KỶ MỚI
ĐÀO LUYỆN MỤC VỤ
1. Ý nghĩa
Mục vụ
Là “Khoa học và Nghệ thuật” phục vụ, chăm sóc Con Người và Môi Trường.
Là truy tìm “Tài Năng” tiềm ẩn trong mỗi cá nhân, giúp biến đổi thành mãnh lực.
Là lãnh đạo tinh thần.
Là nghệ thuật lãnh đạo Dân Chúa.
Như người Mục tử chăn dắt đàn chiên.
Mục vụ thời nay, tập trung vào Con Người và Môi Trường.
2. Mục đích
Thực thi giới răn: “Yêu Người.”
Đáp trả Kinh Thánh: “Cựu Ước-Tân Ước” và văn hóa “Đông-Tây.”
Qua hai định hướng: “Liên đới - Trách nhiệm” và “Yêu thương - Phục vụ.”
Hầu đạt tới Con Người toàn diện như Đức Kitô, với ba chiều kích: “Thể chất, Tinh thần, Tâm linh.”[8]
3. Đào luyện Mục Vụ: “Liên đới-Trách nhiệm”
3.1. Lý do
3.1.1. Đáp trả Cựu Ước
Trước khi ăn quả Chúa cấm, Eva không liên đới với Adam và với Chúa.
Sau khi ăn, đã đổ lỗi mà không chịu trách nhiệm.
3.1.2. Đáp trả văn hóa Tây Phương
Văn hóa Tây Phương đề cao chủ nghĩa tự do cá nhân.
Dẫn tới thiếu liên đới và trách nhiệm.
Hậu quả khôn lường.
3.2. Nội dung
3.2.1. Dẫn nhập
Câu truyện về loài hoa Thủy Tiên, trong thần thoại Hy Lạp.
Có chàng Narcis đẹp trai.
Biết bao cô gái để mắt. Anh không màng. Suốt ngày say mê săn bắn.
Một hôm vào rừng săn, quên cả thời gian. Mãi đến xế chiều, anh giật mình, vì đã đi quá sâu, quên cả lối về.
Anh hốt hoảng kêu:
“Có ai đó không?”
Chỉ duy có tiếng vọng: “Có ai đó không?”
Đến khi kiệt sức, anh ngồi trên bờ giếng trong vắt.
Ngó thấy một khuôn mặt thật đẹp. Đẹp đến nỗi anh cũng phải si mê. Nên cúi xuống, đưa hai bàn tay vục xuống, ôm lấy khuôn mặt đó.
Nhưng mỗi khi vừa chạm tới, khuôn mặt loang loáng từ chối và càng chìm xuống xa hơn.
Chàng si mê nhân tình, cố liều.
Cuối cùng chàng đã lao xuống giếng.
Chết.
Hóa thành loài hoa Thủy Tiên.
Loài Hoa rất yếu đuối.
Narcis đã chết vì chủ nghĩa tự do cá nhân.
3.2.2. Đọc Lời Chúa
Dụ ngôn người Samari tốt lành[9]
“Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Ðức Giêsu rằng:
"Nhưng ai là người thân cận của tôi?"
Ðức Giêsu đáp:
"Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.
Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.
Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói:
"Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác".
Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?"
Người thông luật trả lời:
"Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy".
Ðức Giêsu bảo ông ta:
"Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy".
3.2.3. Suy niệm
Chúa dạy: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
Nghĩa là hãy sống tinh thần “Liên đới và Trách nhiệm.”
Cha Coriden khẳng định:
“Tình Liên Đới là chất keo đính kết các tín hữu với nhau…
Nó mang sức mạnh và sự ổn định đến cho cộng đoàn, và là động cơ thúc đẩy các hoạt động vì công lý và bác ái của cộng đoàn.”[10]
Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất coi trọng sự Liên Đới, đến nỗi Ngài cho Liên Đới là một Nhân Đức. Ngài nói “nó là một quyết tâm mạnh mẽ và kiên định để dấn thân vì lợi ích chung.”[11] Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI xác nhận tinh thần “Đồng Trách Nhiệm” giữa hàng giáo sĩ và hàng giáo dân.
Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, vừa công bố:
“Sứ Điệp về Đồng Trách Nhiệm Trong Cộng Đoàn Kitô Hữu.”
Ngài khẳng định:
“Giáo Phận Long Xuyên không có con đường nào khác ngoài con đường trở về xây dựng Giáo Phận thành một Hội Thánh Tham Gia và Hiệp Thông trong tinh thần Đồng trách Nhiệm.”
Sống “Liên đới - Trách nhiệm” là con đường mục vụ thời nay.
Đáp trả tinh thần Cựu Ước và nền văn hóa Tây phương.
Minh hoạ:
Gương sống đạo “Liên Đới - Trách Nhiệm”
Câu chuyện: Tội vô tình.
Có một tu viện công giáo, trước kia rất sầm uất, như một trung tâm thu hút khách hành hương. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác gì như ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thưa thớt, cuộc sống thật buồn!
Tu Viện Trưởng tìm hiểu nguyên nhân hay lỗi lầm gì đã đưa tu viện tới tình trạng thảm thương này. Có vị Ẩn Sĩ cho biết:
“Tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội Vô Tình.”
Và ông giải thích:
“Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quí vị, nhưng quí vị không nhận ra Ngài.”
Nhận được lời giải đáp, Tu Viện Trưởng liền triệu tập mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà.
Các tu sĩ mở to đôi mắt và quan sát nhau.
Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy?
Và từ đó mọi người đều sống “Liên đới-Trách nhiệm,” đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế.
Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện.
Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện.
Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn (Trích món quà Giáng sinh).
Thực hành
Quan tâm, đối xử với nhau như với Đức Giêsu Cứu Thế.
1. Cụ thể, qua tiếp xúc, giao lưu, đối thoại, chúng ta nhận ra ưu và khuyết điểm nơi người chung quanh. Rồi tìm cách khích lệ, phát huy ưu điểm và giúp khắc phục khuyết điểm, để mỗi ngày chúng ta được thăng tiến. Hầu nên giống Chúa Kitô hơn.
2. Liên đới-Trách nhiệm với xã hội, các Tôn giáo trong địa phương…
3. Liên đới-Trách nhiệm với các tang gia, gia đình neo đơn, khó khăn…
4. Đào luyện Mục Vụ: “Yêu Thương-Phục Vụ”
4.1. Lý do
4.1.1. Đáp trả Tân Ước
Chúa Giêsu dạy:
“Ta đến để phục vụ.”[12]
Và truyền: “Hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con.”[13]
4.1.2. Đáp trả văn hóa Đông Phương
Văn hóa Phương Đông có gốc nông nghiệp. Mặt bằng nông nghiệp tác động thêm vào việc hình thành tính cách con người. Vì thế, con người vốn sẵn tính ghen ghét, lại càng thêm: “Đố kỵ cào bằng.”
Mặt khác, do ảnh hưởng của văn hóa khu vực, nhất là với Trung Hoa. Cụ thể là với Khổng Giáo, vốn trọng “Thầy”: “Nhất tự vi Sư, bán tự vi Sư.”
Do đó, người ta thích làm chức năng “ Thầy Dạy,” không thích làm chức năng của người đầy tớ: “Phục vụ.”
Thế nên, mục vụ: “Yêu thương – Phục vụ” là đáp trả Tân Ước và văn hóa Phương Đông.
Hơn nữa, hệ quả sẽ tạo nên môi trường đất tốt cho hạt giống Đức Tin nảy mầm.
4.2. Nội dung
4.2.1. Dẫn nhập
Đức Tin là một Ân Huệ.
Đức cố Giáo Hoàng Gioan PhaolôII diễn tả như hạt giống, Thiên Chúa đã gieo vào đáy thẳm sâu của tâm hồn mỗi con người. Hạt giống ấy chỉ đâm chồi nảy lộc sinh hoa kết trái trong môi trường “Yêu Thương và Phục Vụ.”
Vì thế Giáo Hội Công Giáo chỉ xin được phục vụ.
Giáo Hội Việt Nam chọn con đường “Yêu thương – Phục vụ.”
4.2.2. Đọc Lời Chúa
"Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được." (Mt 13:31-33)
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga, 13: 34)
“Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt. 20: 28)
“Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc. 22: 27)
4.2.3. Suy niệm
“Yêu thương và Phục vụ” là môi trường cho hạt giống Đức Tin nảy mầm.
Sau đây là kinh nghiệm mục vụ của Thánh Phanxicô khó khăn.
Tôi thường hay kể câu chuyện về Thánh Phanxicô.
Câu chuyện đề cập tới ba “Tên Trộm” khét tiếng, đã trở nên ba “Thầy Dòng” nổi tiếng, chỉ vì cách xử sự “Hiền lành - Khiêm nhường” và giàu tình thương của Ngài. Quan tâm tới những nhu cầu Con Người, nhất là những con người bị loại trừ.
Ngài đã truyền cho Thầy Dòng coi hầm rượu phải tìm cho bằng được ba tên trộm mà thầy đã sỉ nhục và đuổi đi khi chúng đến xin của ăn và rượu uống. Khi tìm thấy, theo lệnh của thánh Phanxicô, thầy này phải quì xuống xin lỗi và trao bị bánh và rượu của thánh Phanxicô cho chúng.
Ba tên trộm khét tiếng, sau khi ăn uống xong, đã đến xin gặp Phanxicô.
Cuối cùng, họ đã xin nhập dòng tu.
Sau trở thành những thầy dòng nổi tiếng.
4.2.4. Kết luận:
Sống đạo “Yêu Thương và Phục Vụ.”
Hạt giống đức tin trong cõi thẳm sâu của lòng con người, mà Thiên Chúa đã gieo từ thuở đời đời. Chúng đã gặp được Thiên Chúa ở Lòng Xót Thương và đã mọc lên.
Mục vụ của Phanxicô là mục vụ “Yêu Thương và Phục Vụ.” Nó bắt nguồn từ tinh thần nghèo khó, kính trọng tạo vật và chú tâm tới nhu cầu con người.
Thực hành:
“Cùng với Đức Kitô,” tôi luôn sẵn sàng “Yêu Thương - Phục Vụ.”
Điều này sẽ được thực thi trong gia đình và môi trường sống mọi ngày.
Lm. Gioankim Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
Các tin khác