NỘI QUY
UỶ BAN GIÁM MỤC VỀ GIÁO DÂN
CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
I. THÀNH LẬP VÀ MỤC ĐÍCH CỦA UỶ BAN GIÁM MỤC VỀ GIÁO DÂN
Điều 1: Uỷ ban Giám mục về Giáo dân được Hội đồng Giám mục Việt Nam thành lập và trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam theo dự thảo Quy chế và Nội quy Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980, điều 12.
Điều 2: Uỷ ban Giám mục về Giáo dân có mục đích là phụ giúp Hội đồng Giám mục Việt Nam điều hành các sinh hoạt liên quan tới giáo dân.
II. NHÂN SỰ CỦA UỶ BAN GIÁM MỤC VỀ GIÁO DÂN
Điều 3: Theo Quy chế Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980, điều 12, Uỷ ban Giám mục về Giáo dân gồm các Uỷ viên, Ban Thường trực và các Ban Chuyên môn.
Các Uỷ viên Uỷ ban Giám mục về Giáo dân gồm:
(a) Một Giám mục đặc trách do Hội đồng Giám mục chỉ định làm chủ tịch và một số Giám mục được Hội đồng Giám mục đề cử làm uỷ viên.
(b) Đại diện các giáo phận và đại diện các hội đoàn công giáo tiến hành cấp quốc gia, mỗi giáo phận và mỗi hội đoàn một vị. Các vị này có thể là linh mục, tu sĩ hoặc giáo dân.
(c) Một số linh mục, tu sĩ và giáo dân khác được Giám mục đặc trách đề cử vào Uỷ Ban do khả năng chuyên môn hay tính đại diện của họ.
Ban Thường trực gồm:
(a) Một Giám mục đặc trách Giáo dân. Một Giám mục được Hội đồng Giám mục Việt Nam chỉ định làm đặc trách với tư cách Chủ Tịch Uỷ Ban Giám mục về Giáo dân;
(b) Một Linh mục làm Tổng Thư Ký điều hành Văn Phòng Thường Trực của Uỷ Ban, một linh mục hay một tu sĩ hoặc một giáo dân làm Thư Ký, một giáo dân làm Thủ Quỹ. Ba vị này do Giám mục đặc trách đề cử với sự tán thành của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
(c) Một số linh mục, tu sĩ và giáo dân có chuyên môn liên hệ tới Giáo Dân do Hội nghị toàn thể các Uỷ viên Uỷ ban Giáo dân đề cử vào Ban Thường trực.
Các Ban Chuyên môn của Uỷ ban Giám mục về Giáo dân gồm:
(a) Uỷ ban Giám mục về Giáo dân sẽ lập ra các Ban Chuyên môn tuỳ theo nhu cầu, gồm những người có chuyên môn có thể đóng góp cho các hoạt động của Uỷ ban Giám mục về Giáo dân.
(b) Các chuyên viên này có thể được mời làm việc cho Uỷ ban Giám mục về Giáo dân hoặc ngắn hạn, hoặc lâu dài. Mỗi ban chuyên môn có trưởng ban, thư ký, thủ quỹ để điều hành và báo cáo công việc lên Ban Thường trực.
III. NHIỆM VỤ CỦA UỶ BAN GIÁM MỤC VỀ GIÁO DÂN
Điều 4: Nhiệm vụ chung của Uỷ ban Giám mục về Giáo dân là:
(1) Giúp mọi tầng lớp Giáo dân Việt Nam hiểu rõ ơn gọi và phẩm giá và chu toàn sứ mệnh của mình trong Giáo hội và ngoài xã hội theo tinh thần Công đồng Vatican II và dưới sự hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
(2) Định hướng và hỗ trợ các sinh hoạt mục vụ cho giáo dân và của giáo dân trong các giáo phận.
(3) Phát huy sự tham gia của người giáo dân vào sứ mạng của Giáo hội ở các cấp: giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, quốc gia.
(4) Nghiên cứu, dịch thuật các văn kiện, tài liệu của Toà Thánh và từ các nguồn khác liên quan tới giáo dân cũng như thực hiện và khuyến khích thực hiện việc biên soạn các tài liệu cần thiết nhằm giúp giáo dân cập nhật hoá kiến thức và mỗi ngày một nâng cao trình độ và kinh nghiệm sống đạo cho kịp với nhu cầu và đòi hỏi của thời đại.
(5) Làm cầu nối giữa các tổ chức giáo dân trong nước với các tổ chức giáo dân các Giáo hội thuộc khu vực và trên thế giới, nhất là với Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân của Tào Thánh.
Điều 5: Nhiệm vụ của Giám mục đặc trách Uỷ ban Giám mục về Giáo dân:
Nhiệm vụ của Giám mục đặc trách do Hội đồng Giám mục Việt Nam quy định.
Điều 6: Nhiệm vụ của Ban Thường trực:
(1) Ban Thường trực là người thực hiện các nhiệm vụ của Uỷ ban Giám mục về Giáo dân.
(2) Ban Thường trực có trách nhiệm chuẩn bị các hội nghị thường kỳ và bất thường và thực hiện các quyết định của các hội nghị ấy, có trách nhiệm theo dõi và hỗ trợ công việc của các ban chuyên môn. Cũng có trách nhiệm thực hiện mọi công việc ích lợi cho giáo dân toàn quốc.
(3) Ban Thường trực chịu trách nhiệm tổ chức Văn Phòng cách khoa học và hiệu năng.
Điều 7: Nhiệm vụ của Tổng Thư Ký, Thư Ký, Thủ Quỹ và Văn Phòng
(1) Nhiệm vụ của Tổng Thư Ký là thay mặt Giám mục đặc trách điều hành mọi công việc của Uỷ ban Giám mục về Giáo dân trong việc đối nội cũng như đối ngoại.
(2) Nhiệm vụ của Thư Ký là giúp việc cho Tổng Thư Ký.
(3) Nhiệm vụ của Thủ Quỹ là quản lý tài chánh, thu chi.
IV. NHIỆM KỲ CỦA UỶ BAN GIÁM MỤC VỀ GIÁO DÂN
Điều 8: Nhiệm kỳ của các Uỷ viên Uỷ ban Giám mục về Giáo dân do Hội đồng Giám mục Việt Nam ấn định, cho đến khi vị Giám mục đặc trách thay đổi, tức 3 năm (điều 16)
V. SINH HOẠT CỦA UỶ BAN GIÁM MỤC VỀ GIÁO DÂN
Điều 9: Hội nghị thường kỳ và bất thường Uỷ ban Giám mục về Giáo dân.
(1) Hội nghị thường kỳ của Uỷ ban Giám mục về Giáo dân sẽ được tổ chức sáu tháng một lần. Hội nghị bất thường sẽ được tổ chức khi có chỉ thị của Hội đồng Giám mục hoặc được 4/5 uỷ viên yêu cầu với các lý do chính đáng.
(2) Hội nghị thường kỳ và hội nghị bất thường chỉ được hội họp khi có hơn 3/4 số uỷ viên Uỷ ban Giám mục về Giáo dân có mặt.
(3) Giám mục Chủ tịch Uỷ ban Giám mục về Giáo dân triệu tập và chủ trì các hội nghị thường kỳ và bất thường của Uỷ ban.
(4) Ban Thường trực soạn thảo chương trình nghị sự và gửi trước cho các uỷ viên và thông bao cho các Toà Giám mục.
(5) Hội nghị thường kỳ hoặc bất thường thảo luận và quyết định về các vấn đề được nêu trong nghị trình.
Điều 10: Tham gia Hội nghị quốc tế cấp vùng, cấp châu lục và cấp toàn thế giới.
(1) Uỷ ban Giám mục về Giáo dân của Hội đồng Giám mục Việt Nam có trách nhiệm tham gia các hội nghị quốc tế liên quan tới giáo dân ở cấp vùng, cấp châu lục hay cấp toàn thế giới.
(2) Uỷ ban Giám mục về Giáo dân của Hội đồng Giám mục Việt Nam có quyền đề cử người có trách nhiệm chuẩn bị nội dung cho các đại biểu đi dự hội nghị cấp vùng, cấp châu lục hay cấp quốc tế cũng như có trách nhiệm thực hiện quyết định của các hội nghị ấy trong phạm vi quốc gia của mình.
VI. QUỸ HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN GIÁM MỤC VỀ GIÁO DÂN
Điều 11: Quỹ hoạt động của Uỷ ban Giám mục về Giáo dân sẽ do các nguồn sau đây:
(1) Khoản phân bổ hàng năm của Hội đồng Giám mục Việt Nam cho Uỷ ban Giám mục về Giáo dân.
(2) Khoản trợ giúp tự nguyện của các cá nhân, đoàn thể trong và ngoài Giáo hội, trong và ngoài nước, kể cả các cơ quan của Toà Thánh.
VII. VIỆC BAN HÀNH VÀ THAY ĐỔI NỘI QUY UỶ BAN GIÁM MỤC VỀ GIÁO DÂN
Điều 12: Nội quy này chỉ có giá trị khi được Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn và ban hành.
Điều13: Chỉ có Hội đồng Giám mục Việt Nam mới có quyền thay đổi, điều chỉnh các điều khoản trong Nội quy này.
Hà Nội ngày 22 tháng 09 năm 2001
Ký tên và đóng dấu
F.X NGUYỄN VĂN SANG
Chủ tịch Uỷ Ban Giáo Dân của HĐGMVN
Bản Nội Quy này đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
phê chuẩn và ban hành
Hà Nội ngày 22 tháng 9 năm 2001
Ký tên và đóng dấu
G.M. PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HOÀ
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Các tin khác