Trang Mạng: mucvugiaodan.org
THỨC TỈNH
NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG THIÊN NIÊN KỶ MỚI
Có một câu chuyện nổi tiếng.
Kể về một con sư tử.
Hắn đến bên đàn cừu.
Và rất đỗi ngạc nhiên, khi nó nhận ra ở giữa đàn cừu đó có một con “Sư-Tử-Cừu.”
Con “Sư-Tử-Cừu” này vốn được đàn cừu nuôi dưỡng từ khi còn tấm bé.
Nó cũng kêu be be và cũng chạy quanh như một chú cừu.
Con Sư-tử-thật sục thẳng tới chỗ nó.
Và khi đối diện với Sư-tử-thật, chàng Sư-tử-cừu run lẩy bảy.
Sư-tử-thật bảo nó:
- “Chú mày làm gì giữa đám cừu này?”
Sư-tử-cừu đáp:
- “Tôi là một con cừu”.
Sư-tử-thật bảo: “Ồ, không phải thế đâu. Chú mày theo ta”.
Thế là nó đưa chàng Sư-tử-cừu đến một ao nước trong veo gần đó và bảo:
- “Chú mày nhìn đi nào!”
Vừa khi trông thấy hình ảnh mình phản chiếu dưới mặt nước, "Sư-Tử-Cừu" gầm lên vang dội. Nó phóng rất mạnh ra khỏi hàng rào giữ cừu, biến vào rừng!
Ngay lúc đó, nó đã được biến đổi.
Nó không bao giờ quay lại với sự ngộ nhận trước đây của mình nữa.[1]
Câu chuyện mang nhiều ý nghĩa.
Nhưng ở đây chỉ có mục đích:
Chứng minh sức mạnh của sự “Thức Tỉnh.”
“Người Giáo Dân Thiên Niên Kỷ Mới.” Trang Mạng: "MụcVụGiáoDân.Org"
Tất cả đều mang tính thức tỉnh.
Người tín hữu giáo dân đã tự nhận ra mình: “Thật đáng tin, đáng trân quý, và tràn đầy sức mạnh.” Họ là thành phần trong Gia Đình Dân Thiên Chúa. Là chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô. Nhờ bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, họ trở nên con cái Thiên Chúa. Họ được mời gọi nên thánh. Và được chia sẻ bình đẳng trong các sứ vụ của Chúa Kitô “Tư tế, Tiên tri, và Vương đế.” Như mọi tín hữu khác trong Giáo Hội. Nhưng khác biệt của họ là tính cách trần thế,[2]
Nên cần được đào luyện cân xứng. Đặc biệt là những người phục vụ cộng đoàn xứ đạo. Hầu trở nên người giáo dân lãnh đạo, người giáo dân trí thức, giáo dân doanh nhân, người giáo dân tông đồ trong mọi lãnh vực, như văn chương nghệ thuật, giới nghệ sĩ, bác sĩ… Đó là những chứng nhân trần thế, loan báo tin mừng trong thời đại hôm nay.
Thực vậy, trong Giáo Hội, giáo dân đóng một vai trò riêng biệt trong việc xây dựng Giáo Hội. Họ cộng tác vào toàn thể đời sống Giáo Hội.
Cụ thể trong việc phục vụ giáo hội với tư cách đặc biệt.
Như trong phụng vụ, trong kinh nhật tụng. Trong các việc mục vụ phụng vụ với chức tư tế cộng đồng.
Trong mục vụ, họ tham dự vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm, vào những sáng kiến chung của giáo phận. Người giáo dân có thể tham gia trong uỷ ban mục vụ giáo phận, trong các hội đồng giáo xứ, giáo phận, liên giáo phận, quốc gia và quốc tế chuyên lo việc tông đồ.
Chỗ đứng và vai trò của họ trong các Thánh Bộ, trong việc giáo dục và giảng dậy.
Họ tham gia sinh hoạt trong cộng đoàn xứ đạo, trên bình diện liên xứ đạo, liên giáo phận, quốc gia và quốc tế. Cộng tác viên giữa giáo dân với chủ chăn. Hỗ trợ các cha xứ trong việc tông đồ, trong việc quản trị, và quản lý tài sản giáo hội.
Các Gíám Mục phải thăng tiến phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân, làm cho họ lớn lên trong ơn nghĩa thánh. Các linh mục phải nâng cao vai trò của giáo dân, lưu tâm đến sự tự do chân chính, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng của họ. Tôn trọng sáng kiến, trách nhiệm và ý kiến dị biệt. Hầu cho họ được tự do trong việc tìm kiếm, suy nghĩ và diễn tả.
Trong việc tông đồ giáo dân, các chủng sinh không đủ chuẩn làm linh mục, được giúp đỡ. Hầu họ có thể dấn thân trong việc tông đồ giáo dân, tham gia vào các hội dòng lo hoạt động tông đồ dành cho giáo dân một cách hữu hiệu.
Sau cùng, giáo dân không những chỉ làm chứng cho Đức Kitô giữa lòng giáo hội, mà còn phải đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần thế giới, nhân loại trong việc rao giảng Đức Kitô, đó là nghĩa vụ truyền giáo. Họ cũng cần chuẩn bị để làm việc tại các xứ truyền giáo.[3]
Giữa thế trần, họ có phận sự và sinh hoạt trần thế, tuy không độc quyền .[4]
Trong môi trường xã hội, họ được trao ban ân sủng và khả năng riêng biệt để noi theo Đức Kitô trong tinh thần tám mối phúc thật. Họ được mời gọi tiến bước trong sự thánh thiện với đời sống thiêng liêng riêng biệt, kết hợp với Chúa Kitô và hiện diện trong thế giới. Ơn gọi tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa.[5]
Tóm lại, họ có ơn gọi và sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo, nhưng tham dự và chu toàn với cách thế riêng. Như tham dự vào việc phụng vụ bằng chức vụ tư tế chung; vào nhiệm vụ ngôn sứ của Đức Kitô bằng chứng tích đức tin, cộng tác viên của chân lý; vào chức vương đế bằng việc làm cho nước Thiên Chúa ngày càng lan rộng qua việc làm và hoạt động trong thế giới.[6]
Quyền lợi và bổn phận làm tông đồ. Nhân chứng cho Đức Kitô trong đời sống và trong nghề nghiệp. Nỗ lực thánh hoá bản thân và rao giảng Phúc Âm cho thế giới.[7] Nhiệm vụ riêng của họ là thực thi công bình bác ái để canh tân trật tự thế giới. Nghĩa là đem luật Chúa và tinh thần Phúc Âm Đức Kitô, thấm nhuần thế gian, để thế gian được biến đổi theo ý Thiên Chúa, như men trong bột.
Họ phải diễn tả nếp sống mới trong môi trường xã hội để niềm tin và đời sống giáo hội không còn xa lạ với xã hội nhưng thấm nhiễm và cải hóa xã hội đó. Họ làm cho giáo hội hiện diện giữa trần thế. Cho các giá trị Kitô giáo và nhân bản thấm nhiễm vào các phương tiện truyền thông xã hội. Họ cộng tác với những người thiện chí, theo đưổi phát triển nhằm mục đích chung. Để đạt được đích này, cần lưu tâm tới khả năng chuyên môn.[8] Muốn có chuyên môn, họ cần được đào luyện. Nhất là về linh đạo, mục vụ và truyền giáo thời nay.
Quả thực, Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, nếu chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm. Do đó, ngay khi thiết lập Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Kitô giáo trưởng thành.[9]
Trong việc đào luyện linh đạo, mục vụ và truyền giáo cho người tín hữu giáo dân trưởng thành, chúng ta sẽ chú ý tới những thách đố thời nay, qua ánh sáng của Công Đồng Vatican II và huấn quyền.
Những thách đố đó là:
- Thế giới khoa học kỹ thuật, chuyển từ trạng thái “Tĩnh” sang trạng thái “Động.”
Dẫn đến bất định.
- Khuynh hướng chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tự do cá nhân, ích kỷ. Cắt đứt liên đới, thiếu tinh thần trách nhiệm. Ngại yêu thương phục vụ.
Dẫn đến chối bỏ tình yêu.
- Chủ trương thực tiễn, thực dụng, số lượng.
Dẫn đến vô tín.
Ba thách đố có liên quan mật thiết với nhau.
Và có nguồn gốc từ lịch sử loài người trong Kinh Thánh.
Tôi xin tóm tắt Cựu Ước.
Gia đình Adam, Eva được tự do sống trong đại phúc. Nhưng đã kết thúc trong đại họa, vì chủ nghĩa tự do. Eva hành động thiếu liên đới và sau khi đã hành động thì thiếu trách nhiện, đổ lỗi cho người khác.
Còn trong Tân Ước
Hạnh phúc thực sự của con người là khám phá ra mình là con Thiên chúa, qua gương làm con của Đức Gisêsu Kitô, Thiên Chúa làm người. Ngài chỉ cho biết Thiên Chúa là Tình Yêu, con người muốn sống hạnh phúc thật, hãy thực hành yêu thương và phục vụ như Ngài.
Linh đạo, mục vụ và truyền giáo là đáp trả thời đại. Và đã trả đáp cụ thể.
Sau khi người tín hữu giáo dân được đào luyện, họ phải được cơ hội tham gia vào giáo hội. Để trở thành giáo hội tham gia, căn cứ vào định hướng của Công đồng Vat.II.
Tôi ước mơ: “Giáo dân là mùa xuân Hội Thánh.”[10] Để mơ ước biến thành hiện thực, tôi chú ý tới hai điều.
1. Một là đổi mới cơ chế Giáo hội
Từ cơ chế lãnh đạo chỉ huy sang cơ chế lãnh đạo hiệp thông. Đổi mới này, căn cứ theo các định nghĩa về giáo hội là Dân thiên Chúa, là gia đình của Chúa và là chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô, là vườn nho. Và căn cứ vào nguyên tắc khôn ngoan mục vụ của Công đồng: “Phân biệt, không phân tán,”[11] khi dùng công thức “Cả…Cả” thay cho công thức “Hoặc là…Hoặc là”.
Ví dụ: Con người gồm “cả xác cả hồn”; mục vụ gồm “cả thực tại cả ân sủng”.
2. Hai là đào luyện anh tài (Người giáo dân lãnh đạo)
Người tông đồ giáo dân, góp phần lãnh đạo cơ sở. Theo kinh nghiệm quốc tế, “Các kế hoặch phát triển không chú ý tới yếu tố văn hóa sớm muộn đều dẫn tới thất bại.”[12]
Vì thế tôi đã để ý tới đặc trưng văn hóa Việt Nam. Hai nét rất tương đồng giữa nhận định của đức thánh giáo hoàng Piô X về “Người Tông Đồ Giáo Dân” và truyền thống lãnh đạo “Trọng Dân”.
Đức thánh giáo hoàng Piô X, chủ trương cứu giáo hội và thế giới suy sụp hiện nay. Đó là do một số giáo dân trong các xứ đạo, có khả năng làm tông đồ. Còn văn hoá lãnh đạo trọng dân, thì cho rằng “Dĩ Dân vi Bản; “Dân vi qúi”.
Nhưng không phải là toàn dân, mà là anh tài trong dân, vì người dân rất trọng và theo anh tài. Truyền thống Á Châu nói chung, và Việt Nam nói riêng, coi “Anh tài là nguyên khí dựng Nước.”
Chúng ta có thể chuyển dịch: “Người tông đồ giáo dân lãnh đạo là nguyên khí góp phần dựng lại mùa xuân Hội Thánh.” Thế nên tôi đã đặc biệt đề nghị chú ý huấn luyện lãnh đạo chuyên biệt một nhóm người trong xứ đạo. Chương trình huấn luyện lãnh đạo chuyên biệt có thể áp dụng không những chỉ cho những người lãnh đạo như Hội đồng Mục Vụ mà còn cho cả những người lãnh đạo các giới, lãnh đạo các nhóm đạo đức.
Tất cả họ trở thành ban lãnh đạo chung cộng đồng, tựa như một gia đình giáo xứ thu nhỏ, hợp tác tự tin, đồng trách nhiệm với cha xứ hầu đem lại thành quả mục vụ hữu hiệu trong việc làm nên mùa xuân hội thánh ở địa phương.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tới vai trò lãnh đạo, yếu tố quyết định việc đổi mới thành công trong Hội Thánh. Như nhận xét của John C. Maxwell: “Mọi nỗ lực bạn có thể thực hiện mà nó có liên quan tới người khác, sẽ thịnh hay suy tuỳ thuộc vào lãnh đạo. Khi bạn xây dựng tổ chức hay cộng đồng, xin bạn hãy nhớ năm điều này:
“Con người quyết định tiềm lực
Tương quan quyết định đạo đức
Cơ cấu quyết định tầm cỡ
Tầm nhìn quyết định hướng đi
Và lãnh đạo quyết định thành công.”[13]
Thành công có liên quan tới lòng tin. Cổ nhân thường dậy: “Nhân, dân, bất tín bập lập.” Nghĩa là người không có niềm tin, không được người khác tin, không làm nên cơ đồ. Kinh nghiệm gần đây, lịch sử Hoa Kỳ cho thấy: “Khủng hoảng niềm tin cũng chính là khủng hoảng về lãnh đạo.”[14]
Muốn xây dựng niềm tin, cần xây dựng hình tượng người lãnh đạo theo gương Môsê và Đức Kitô: “Người Lãnh Đạo – Đầy Tớ.” Phục vụ con người. Yêu mến con người. Phát huy con người. Săn sóc toàn diện đời sống con người, trong đó có cả dân tộc và giáo hội.[15]
Nói theo ngôn ngữ của Phúc Âm, là để loan báo tin mừng cho toàn dân. Đó là văn hóa Tin Mừng “Liên Đới và Trách Nhiệm; Yêu Thương và Phục Vụ.” Nền văn hóa Phúc Âm này, đáp trả thời đại tự do chủ nghĩa và chỉ coi giá trị bằng số lượng và thực tại.[16]
Giáo Hội mời gọi mọi người hãy nghiên cứu sứ điệp Phúc Âm. Vì giáo hội tin rằng sứ điệp ấy sẽ đáp ứng khát vọng thầm kín nhất của lòng người, đáp ứng nhu cầu tâm linh con người. Thông qua con đường thời đại truy tìm chân lý, đối thoại và hòa giải.[17]
Có thể nói đó là: “Tin Mừng Hòa Giải; Tin Mừng Bình An,”[18] Dẫn tới thành công và thịnh vượng, hạnh phúc lâu dài.
Sau cùng, chương trình có mang lại hiệu quả mong muốn không?
Ông Milton Friedman, nhà kinh tế đoạt giải Nobel, nói rằng:
“Cách đánh giá duy nhất về một lý thuyết hay một ý tưởng là khả năng đưa ra những tiên đoán chính xác về tương lai dựa trên lý thuyết hay ý tưởng đó.”[19]
Theo đó, “Người Giáo Dân trong Thiên Niên Kỷ Mới,” khi “In Dấu” vào thực tế, tôi tin lời tiên tri “Người Giáo Dân là Mùa Xuân Hội Thánh,” nhất định sẽ trở thành hiện thực. Và theo nguyên tắc: “Lãnh Đạo là “Ảnh Hưởng,” thì “Người Giáo Dân trong Thiên Niên Kỷ Mới,” sẽ góp phần làm nên “Mùa Xuân Dân Tộc Việt Nam,” cũng nhất định sẽ trở thành hiện thực” ./.
Lm. Gioankim Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
[1] Anthony De Mello, S.J., Thức Tỉnh (Image Books – Doubleday 1992), tr. 67-68.
[2]Công Đồng Vat.II, GH, 31-32. 43; TĐ 2, 29; TG 15.
[3] Công Đồng Vat.II, (Đà Lạt, 1972), 1053-55.
[4] Ibid., MV, 43.
[5] Ibid., GH, 31, 41; TĐ, 4.
[6] Ibid., GH, 31, 34, 35, 36; TĐ, 2, 7, 10; MV, 43.
[7] Ibid., TĐ, 2, 3; TG, 21, 15; GH, 31, 35.
[8] Ibid., TĐ, 2,7-8, 14, 41; GH, 31, 36; MV, 43; TG, 15, 21; TT 5. 13-15, 21.
[9] Công đồng Vat.II, TG, 21.
[10]Nguyễn Nhân Hòa, Tuyển Tập Giáo Dân, số ra mắt, “Để Giáo Dân Là Mùa Xuân…”, 2005, tr. 33.
[11]Công Đồng Vat.II, Giáo Hội, “Mầu Nhiệm Giáo Hội”, 8. Chú thích, 8.
[12]Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam (HCM, 1996), tr. 10.
[13] John C. Maxwell, The 21 Irrefutable Laws Of Leadership (USA, 1998), p. 225.
[14] Nguyễn Dy Loan, Công đồng chung Vat.II Bốn mươi năm sau,... (Đ.H.T.T., 2006), tr. 14-15.
[15]Công Đồng Vat.II, MV, 3, 21, 41, 47; TĐ, 8; TG, 12; GD, 0,3.
[16] Giáo Hoàng Benedictô XVI, Muối Cho Đời, Lịch sử thật của thế giới, P.T.G.D.H.N., 2006.
[17]Công Đồng Vat.II, MV, 21, 41.
[18] Ep 6:15.
[19] Brian Tracy, Change your thinking change your life; Nguyễn Tư Triệt, Đời thay đổi khi tư duy thay đổi (NXBT, 2003), tr. 12.
Các tin khác