Đối Thoại
Quyền Lực Ngôn Từ
Lưỡi ta còn không?
Trương Nghi, nhà du thuyết lừng danh thời Xuân Thu Chiến Quốc, với sách lược “Liên Hoàn.” Theo sách truyền, lúc đầu ông đến nước Sở. Chẳng may, Tướng Quốc nước Sở mất viên Ngọc Bích. Trương Nghi bị nghi oan ăn trộm, nên bị cực hình tra khảo rồi bị đuổi đi.
Về đến nhà, vợ thương than: “Nếu chàng không đọc sách du thuyết, thì đâu đến nỗi gặp phải nỗi nhục lớn như thế này?” Trương Nghi mặt không sắc giận, há miệng hỏi lại vợ: “Nàng nhìn xem lưỡi ta còn không?” Người vợ gật đầu. Trương Nghi cười đáp: “Thế là đủ rồi.”
Quả thực sau này, theo thuyết liên hoàn, Trương Nghi đã trở thành Liên Tướng Quốc. Kinh nghiệm Trung Quốc cổ đại chỉ ra rằng: “Một lời nói có thể hưng bang, một lời nói có thể diệt quốc.”
“Ôn cố tri tân”
Thời kỳ đại chiến thế giới lần thứ hai, người Mỹ coi “Miệng lưỡi, bom nguyên tử, tiền vàng là ba thứ vũ khí để sinh tồn và cạnh tranh. Rồi khoa học đã thay thế cho sức mạnh vũ khí, thế nhưng địa vị bá chủ của miệng lưỡi vẫn giữ nguyên.”[1]
Thế kỷ 21, cách mạng khoa học kỹ thuật và thông tin đang dâng cao ngút trời. Nói năng không những đã trở thành một bộ phận cấu thành cuộc sống thường ngày, mà còn là điều kiện tiên quyết cho sự thành bại của sự nghiệp con người. Trình độ và năng lực nói năng đã trở thành một tiêu chí quan trọng không thể thiếu để đo chỉnh thể tố chất của con người.
Ngay cả trong lãnh vực Kinh Thánh, Thánh Vịnh ca tụng: “Giữa thế nhân, Ngài vô song tuyệt mỹ, nét duyên tươi thắm nở môi người hoàn hảo.”[2] Theo kinh nghiệm: “Nhờ cân nhắc và kiềm chế miệng lưỡi mình, bạn có thể sẽ tránh được 97% các dịp tội và lỗi lầm, và như thế bạn sẽ anh dũng tiến đến sự thánh thiện.”[3] A. Bêne cũng cho rằng: “Phần lớn sự cọ sát xung đột trong cuộc sống thường ngày bắt nguồn từ những âm thanh, ngữ điệu và thói quen nói năng làm cho con người bực mình.”
Trong mục vụ đối thoại và hòa giải, chúng ta ý thức toàn diện và toàn thể năng lực của lời nói.
Lm. Gioankim Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
[1]Triệu Truyền Đống (Bản dịch: Nguyễn Quốc Siêu). Phương Pháp Biện Luận. Giáo Dục, 1996, 5.
[2]Giacôbê 3:2.
[3]Mgr. Felix A Losito. Đạt Đến Thánh Đức Phi Thường Qua Lời Nói. Kinh Đô, TX, 1997, 3, 8.
Các tin khác