ĐỐI THOẠI VÀ HÒA GIẢI
ĐỘNG LỰC ĐỨC TIN
Dẫn nhập
Đặc điểm đối thoại là: “Thông tin cho nhau nhằm đưa đến một mục đích chung. Một thái độ cung kính và thân thiện. Tương quan tích cực và xây dựng, với những người và cộng đồng của các tín ngưỡng dị biệt, nhằm tìm cách quen biết nhau, và làm phong phú cho nhau.”[1]
“Qua đối thoại, chúng ta để cho Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta; vì chúng ta mở lòng ra đối thoại với nhau thế nào thì chúng ta cũng mở lòng ra với Thiên Chúa như vậy.”[2] Đối thoại như thế cũng tương tự như hòa giải, vì hòa giải dẫn tới bình an và ơn cứu độ.
Và thực thế, mục vụ đối thoại và hòa giải đều dẫn đến “Chân, Thiện, Mỹ.” Đó là là những Ưu Phẩm của Thiên Chúa. Nên chúng ta cần chú ý đến nền tảng Đức Tin.
Động lực Đức Tin
1. Tinh thần Cầu Nguyện
Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa là chủ trái tim con người. Ngài là Tình Yêu, và chủ động yêu thương và dạy bảo từng người. Vậy động lực chính của đối thoại hòa giải là gì? Là Ân Sủng và Tình Yêu. Nên tinh thần Cầu nguyện và Thần Học Mục Vụ Đối Thoại Hòa Giải là cực kỳ thiết yếu. Đúng như Lời Chúa: “Không có Thầy các không làm được gì.”
Trước hết là tinh thần Cầu nguyện: “Thiên Chúa ở trong tất cả.”
Câu chuyện một người học trò hỏi Thầy: “Thiên Chúa ở đâu? Thầy đáp: “Hãy nói cho ta biết ở đâu Thiên Chúa không ở?” Kinh nghiệm đối thoại của thánh Ignatiô, Ngài đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Chiêm niệm trong hành động. Tất cả trong tình yêu. Đó là hành động hoàn hảo: “Trong Ngài chúng ta sống, di chuyển và hiện hữu.”[3]
2. Thần học mục vụ đối thoại hòa giải
Thứ đến là Thần Học mục vụ Đối Thoại: “Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.”
Thiên Chúa là tương quan: Cha, Con, Thánh Thần. Đó là sứ điệp “Đối Thoại”.[4] Ngoài ra, ngày nay người ta còn đề cập tới Chúa Kitô, mẫu hòa giải hoàn hảo của Thiên Chúa, với hai bản tính, bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người.
Theo M. Aubert: “Đối thoại đòi phải biết đổi chỗ đứng …là con đường tinh thần mà người tín hữu phải đi…tìm ra con đường của mình và tìm thấy người khác ở ngay trong nội tâm của mình.” Hòa giải cũng cần như vậy. Và cả hai đều liên quan tới ngôn từ.
Sau cùng là Thần Học ngôn từ.
Thánh Phaolô khẳng định với chúng ta: “Dù tôi nói đuợc các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, nếu tôi không có đức bác ái, thì tôi chỉ là người khua chuông gõ mõ. Dù tôi nói tiên tri, dù tôi thấu hiểu mọi mầu nhiệm cùng mọi khoa học, hay dù tôi có đức tin mạnh mẽ khiến được núi non di chuyển, nếu tôi không có đức bác ái, thì tôi chỉ là hư vô. Dù tôi hiến thân cho lửa thiêu đốt, nếu tôi không có đức bác ái, thì những hy sinh ấy cũng thành vô ích. Người có đức bác ái thì nhẫn nại, nhân từ, không ghen tị, không khoe khoang, không kiêu kỳ, không tham lam, không tìm tư lợi, không giận dữ, không mưu mô gian ác, không vui khi thấy sụ bất công, chỉ vui khi thấy sự thật. Người có đức bác ái tha thứ mọi sự, trông cậy mọi sự, và chịu đựng mọi sự.[5]
Tôi muốn coi “Bác ái” là thần học ngôn từ trong văn hóa đối thoại giao tiếp, vì phát xuất từ Lời Chúa qua suy tư thần học mục vụ của thánh Phaolô. Điều này giúp tôi xác tín về sự ngự trị của tình yêu trong ngôn từ mục vụ đối thoại, hòa giải.
Kết luận
Vì tầm quan trọng của vấn đề, nên thánh Phaolô khẩn thiết: “Chúng tôi nài xin anh chị em nhân danh Đức Kitô hãy hòa giải với Thiên Chúa.”[6] Trong thực tế, thánh Phaolô đã làm gương cho chúng ta, khi Ngài can thiệp van xin Philemon cho Ônêximô: “Khẩn thiết xin Philemon hòa giải tình trạng nô lệ của Ônêximô và nhận như người anh em và là phần tử của gia đình Thiên Chúa.”[7]
Như thế hòa giải có nghĩa là tái lập tương quan. Chúa Kitô đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Nhiều cản trở giữa con người, như chủng tộc, tình trạng xã hội, phái tính, cá tính… nhưng Chúa Kitô có thể phá vỡ những rào cản này.
Chúa Giêsu Kitô có thể thay đổi tương quan giữa Onesimus với Philemon từ tình trạng nô lệ tới danh phận anh em. Chúa Kitô có thể chuyển đổi tương quan vô vọng nhất của chúng ta tới tương quan yêu thương sâu đậm.[8]
Dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, chúng ta cần tiếp tục suy tư và dấn thân đối thoại hòa giải. Hành động như thể là do sức mình, nhưng kết quả như thể do ân sủng Thiên Chúa, trong môi trường mục vụ văn hóa của chúng ta thời nay.
Lm.Gioankim Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
[1]Gioan Phaolô II, Đối Thoại và Rao Truyền, 9.
[2]Gioan Phaolô II, Chia sẻ với các vị lãnh đạo các tôn giáo ngoài Kitô, tại Madras, Ấn Độ, 5/2/86.
[3]TĐCV 17:28.
[4]Gioan Phaolô II, Chia sẻ với các vị lãnh đạo các tôn giáo ngoài Kitô, tại Madras, Ấn Độ, 5/2/86.
[5] 1 Cor 12:31 – 13:1-7.
[6] 2 Cor 5:20
[7] Plm 1:15f.
[8] Wilson, Neil S., Ed. et all, The Handbook of Bible Application, Tyndale House Publishers, Inc., Wheaton, IL, pg 516f.
Các tin khác