ĐÀO LUYỆN LINH ĐẠO: SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH
THỰC HÀNH
Phương pháp có thể thay đổi, nhưng những nguyên tắc sau đây luôn phải tuân giữ: “Chúa Thánh Linh và sống giây phút hiện tại.” Để đạt được mục đích trên, chúng ta biết tầm quan trọng của việc lắng nghe Chúa Thánh Linh, để biện phân trong mục vụ, với con người toàn diện, cả về thể chất, tinh thần và tâm linh.[1]
Chúng ta cần tin vào hướng dẫn của Công Đồng Vat. II, nhất là hướng dẫn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong thời đại. Đặc biệt là Chúa Thánh Linh trong đời sống Linh Đạo và Mục Vụ. Ngài là tác nhân chính trong đời sống tâm linh, như Ngài đã hướng dẫn Chúa Giêsu. [2] Và chính Chúa Giêsu đã gửi Ngài tới chúng ta.[3] Và chúng ta không ngừng được đổi mới trong Ngài.[4]
Linh đạo Kitô giáo chính là đáp lại Thánh Thần. Vai trò của Ngài là làm cho chúng ta nên thánh. Nghĩa là càng ngày càng biến đổi chúng ta: “Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người.” [5]
Từ nhận thức này, hằng ngày cầu xin Thánh Linh soi sáng nội tâm và mục vụ. Xin Ngài chiếu ánh sáng vào nội tâm và trong công việc mục vụ, để rồi luôn hằng dâng lời cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa và xin Ngài tha thứ những lỗi lầm thiếu sót. Và nhất là quyết tâm phục vụ với sự hiện diện của Thánh Thần, qua tình yêu, niềm vui, bình an và nhẫn nhục.[6] Chúng ta tin rằng, khi đáp trả Thánh Thần, Ngài sẽ làm cho trở nên giống Chúa Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Vị Mục Tử Nhân Lành.[7]
Điều này không những giúp thăng tiến trong mục vụ mà còn giúp đọc những dấu chỉ thiêng liêng trong thời đại của chúng ta. Hầu tránh những tình trạng hiểm nghèo không cần thiết. Và điều rất quan trọng, để giúp trưởng thành trong mục vụ, chúng ta phải luôn tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong mục vụ của chúng ta: “Hãy làm mục vụ trong giây phút hiện tại, với trái tim nhiệt thành yêu mến Chúa và tha nhân.”[8]
Như câu chuyện về một người học trò hỏi Thầy xem có điều gì kỳ diệu hơn là cái Đẹp sáng tạo? Thầy im lặng trầm tư…rồi trả lời: Có. Học trò hỏi tiếp. Thưa Thầy: Điều đó là gì ạ? Thầy đáp: “Là Nhận Thức của anh về những Kỳ Quan và cái Đẹp sáng tạo.”[9]
Như thế, không có nhận thức, không cảm được sự kỳ diệu của sự sáng tạo. Cũng vậy, không ý thức về giây phút hiện tại, chúng ta cũng khó nhận ra được hiện diện của Đấng Tạo Hóa.
Thứ đến là câu chuyện về một học sinh đã trở thành Thầy giáo, (sau khi học Thầy mười năm) trở lại thăm Thầy cũ. Vào đúng ngày mưa, nên Thầy này phải đi guốc và che dù. Khi vào, Thầy cũ xin Thầy này vui lòng để guốc và dù ở hành lang. Và sau đó, hỏi thêm rằng: Thầy để dù bên phải hay bên trái guốc? Thầy này không trả lời được và tỏ ra rất lúng túng. Thầy đã không thực hành Nhận Thức, vì thế, Thầy này đã trở lại học thêm mười năm nữa. Hầu đạt tới Nhận Thức thường xuyên.[10]
Qua hai câu chuyện trên, nhắc nhở chúng ta về lời dậy của Chúa Giêsu: “Hãy Tỉnh Thức.” [11] Tỉnh thức về giây phút hiện tại, mình đang ở đâu. Có biến cố, đàm luận, kinh nghiệm gì đang xẩy ra và chuyển biến tâm tư như thế nào.
Qua đó, giúp chúng ta nhận thức sự hiện diện của Thiên Chúa trong mỗi và trong mọi hoạt động. Và nếu mất nhận thức trong giây phút hiện tại, hãy bắt đầu lại.[12] Theo kinh nghiệm, đây còn là phương pháp giúp tôi sống hạnh phúc và bình an, vì giúp tôi ý thức sống có Chúa, sống kết hợp mật thiết với Chúa và sẵn sàng chia sẻ Chúa cho người khác.
Kết thúc phần đào luyện “Linh đạo thời nay,” chúng ta nên để ý tới ba vấn đề. Trước hết, chú tâm tới Chức năng của Chúa Thánh Linh: “Đấng làm cho người ta nên thánh.” Người làm mục vụ phải đọc và phải đọc lại về vai trò của Chúa Thánh Linh, trong chiều kích thần học và kinh nghiệm mục vụ. Các nhà lãnh đạo tinh thần phải múc lấy trong Tân Ước, Thánh Thư và sách Khải Huyền, như của ăn nuôi dưỡng tâm hồn, trước những thách đố trong thời đại hôm nay.
Có thể nói, đời sống nội tâm là lửa, toả sáng và sức nóng trong giảng dậy và phục vụ: “Đó là Chúa Thánh Thần.” Thứ đến, quan tâm tới khoa thần học linh đạo và khoa tâm lý. Điều này, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về đời sống thánh thiện, đời sống ân sủng với bản tính tự nhiên của con người, trong khi đào luyện linh đạo mục vụ, vì chúng ta biết rằng: “Ân thánh không phá đổ bản tính tự nhiên.” [13] Sau nữa, trung tâm của lịch sử hiện nay là “Con Người.” Công Đồng Vat.II đề cập đến “Con Người” dưới mọi khía cạnh.[14] Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI quả quyết rằng: “Phải biết con người, nếu muốn biết Thiên Chúa,”[15] vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa.[16] Chúa Thánh Thần, khoa Thần Học Linh Đạo, khoa Tâm Lý Con Người, bộ ba này sẽ giúp chúng ta khám phá ra ân sủng và kinh nghiệm đổi mới trong việc đào luyện linh đạo - mục vụ.[17]
Lm. Gioankim Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
[1] Robert J. Wicks, Handbook of Spirituality for ministers, Paulist Press, 1995, 207-227.
[2] Ibid., 207.
[3] Jn 16:5-7.
[4] Eph 4:23.
[5] Lc 10:25-28; 34-45; Mt 25:33-36.
[6] [6]Robert J. Wicks, Handbook of Spirituality for ministers, Paulist Press, 1995, 224-226.
[7] Jn 10:11.
[8] Ibid., 206.
[9]Robert J. Wicks, Handbook of Spirituality for ministers, Paulist Press, 1995, 274.
[10] Ibid., 275.
[11] Mc 13,32-37; Lc 17,26-30.35-36; Mt 24,36-44.
[12] Robert J. Wicks, Handbook of Spirituality for ministers, Paulist Press, 1995, 280.
[13] Jordan AUMANN, OP. Thần Học về Đời sống Tâm Linh ( Spiritual Theology) , London, 1993, 44.
[14] Công Đồng Vat.II. MV. số 3 đoạn 1.
[15]Phaolô VI. Diễn văn bế mạc Công Đồng, 8-2-1965 : AAS 58 (1996), 54.
[16]Công Đồng Vat.II. MV. 12, 24, 29,34, 41, 68.
[17]Jordan AUMANN, OP. Thần Học về Đời sống Tâm Linh ( Spiritual Theology), London, 1993.
Các tin khác