Sứ Vụ Người Giáo Dân Giữa Trần Thế
Canh tân trật tự trần thế theo tinh thần Kitô giáo
Những phận vụ và sinh hoạt trần thế thuộc lãnh vực riêng của giáo dân, tuy không độc quyền thuộc về họ. Vì vậy, khi hoạt động, cá nhân hay đoàn thể, với tư cách công dân trần thế, không những họ phải tôn trọng các luật lệ riêng của mỗi ngành nhưng còn phải ra sức tự luyện khả năng chuyên môn thực sự trong các lãnh vực ấy. Họ sẽ sẵn lòng hợp tác với những người cùng theo đuổi những mục đích chung. Nhìn nhận các đòi hỏi và hưởng nhờ sức mạnh của đức tin, khi cần, họ sẽ không do dự đề nghị và thực hiện những sáng kiến mới.
Một khi được đào luyện cách thích hợp, lương tâm họ phải đem luật Chúa thấm nhập cuộc sống của xã hội trần gian. Giáo dân hãy mong đợi ánh sáng và sức mạnh tinh thần nơi các linh mục. Tuy nhiên, họ đừng vì thế mà nghĩ rằng: các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể có ngay một giải pháp cụ thể cho mọi vấn đề xảy ra, kể cả những vấn đề quan trọng. Cũng đừng lầm tưởng các chủ chăn vốn có sứ mạng ấy. Nhưng tốt hơn là chính họ, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và cẩn thận chú ý các giáo huấn của Giáo Hội, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình.[1]
Thường thì chính vũ trụ quan Kitô giáo sẽ hướng dẫn họ chọn một giải pháp nhất định nào đó tùy hoàn cảnh. Tuy nhiên, cũng có những tín hữu khác, dầu khá thực tâm, sẽ thẩm định cách khác về cùng một vấn đề, như thường thấy xảy ra; và sự thẩm định đó vẫn được coi là hợp lý như thường.
Nhiều người dễ dàng gán ghép với sứ điệp Phúc Âm những giải pháp mà họ đề ra, mặc dầu nhiều khi ngoài ý muốn của họ. Nhưng nên nhớ trong các trường hợp trên, không ai được độc quyền giành lấy thẩm quyền của Giáo Hội để biện minh cho lập trường riêng . Phải luôn luôn nỗ lực soi dẫn nhau bằng đối thoại thành thực, bảo toàn tình tương ái và trước hết mưu cầu công ích. Người giáo dân có những phận vụ tích cực phải chu toàn trong toàn thể đời sống Giáo Hội. Không những họ phải đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần thế giới nhưng còn được kêu gọi làm chứng cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh, ngay giữa lòng cộng đoàn nhân loại.[2]
Hẳn thật ý định Thiên Chúa về thế giới là loài người đồng tâm canh tân và liên tục làm cho trật tự trần thế thêm tốt đẹp. Tất cả những gì tạo nên trật tự trần thế như giá trị của cuộc sống và của gia đình, văn hóa, kinh tế, nghệ thuật và nghề nghiệp, tổ chức cộng đồng chính trị, bang giao quốc tế, và những thực tại tương tự khác, cũng như sự biến chuyển và tiến bộ của chúng, tất cả những thực tại đó, hoặc xét ngay trong chính bản tính của chúng, hoặc xét chúng như thành phần của toàn thể trật tự trần thế, chẳng những chúng là phương thế giúp con người đạt tới mục đích tối hậu, mà chúng còn có giá trị riêng do Thiên Chúa phú bẩm: "Vì Thiên Chúa nhìn thấy vạn vật Ngài đã tạo thành thảy đều rất tốt đẹp".
Sự thiện hảo tự nhiên ấy của vạn vật còn có thêm một giá trị đặc biệt do sự liên lạc của chúng với con người, vì chúng được tạo dưng để phục vụ con người. Sau cùng, Thiên Chúa đã vui lòng qui tụ mọi loài, tự nhiên cũng như siêu nhiên, nên một trong Chúa Giêsu Kitô "để Người được nắm quyền tối cao trên hết thảy". Nhưng sự đặt định này chẳng những không làm cho trật tự trần thế mất sự tự lập, mất cứu cánh riêng cũng như các định luật và những phương tiện riêng, hay mất tầm quan trọng đối với ích lợi của con người, mà trái lại còn làm cho sức mạnh và giá trị riêng của trật tự đó thêm hoàn hảo, đồng thời nâng cao cho hợp với thiên chức toàn vẹn của con người trên trái đất.[3]
Qua dòng lịch sử, việc sử dụng những sự vật trần thế mắc phải những sai lạc trầm trọng, bởi vì loài người đã bị nhiễm tội nguyên tổ, thường sa vào nhiều lầm lẫn về Thiên Chúa đích thực, về bản tính con người và về những nguyên tắc của luật luân lý: do đó, phong hóa và những định chế của loài người bị hư hỏng, và chính nhân vị đôi khi cũng bị chà đạp. Ngày nay cũng vậy, nhiều người vì quá tin tưởng vào tiến bộ khoa học và kỹ thuật, nên dường như muốn tôn thờ sự vật trần thế, đến nỗi trở thành nô lệ sự vật hơn là làm chủ chúng.[4]
Công cuộc hoạt động của toàn thể Giáo Hội là phải làm cho con người có khả năng xây dựng đúng đắn toàn thể trật tự sự vật trần thế và qui hướng chúng về Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô. Các vị chủ chăn có nhiệm vụ trình bày rõ ràng các nguyên tắc về mục đích việc tạo dựng và việc xử dụng sự vật trần thế được canh tân trong Chúa Kitô.[5]
Còn giáo dân phải đảm nhận việc canh tân trật tự trần thế như là nhiệm vụ riêng, và trong nhiệm vụ đó, nhờ được ánh sáng Phúc Âm soi chiếu tinh thần của Giáo Hội hướng dẫn, và bác ái Kitô giáo thúc đẩy, họ phải trực tiếp và cương quyết hành động. Với tư cách là công dân, họ phải đem khả năng chuyên môn cùng tinh thần trách nhiệm để cộng tác với các công dân khác. Họ phải tìm sự công chính nước Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi sự.
Phải canh tân trật tự trần thế cách nào để vẫn tôn trọng toàn vẹn các định luật riêng của nó mà vẫn làm cho trật tự đó phù hợp với các nguyên tắc cao cả của đời sống Kitô giáo, cùng thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau của các địa phương, các thời đại và các dân tộc. Trong những công cuộc của việc tông đồ này nổi bật hơn cả là hoạt động xã hội của người Kitô hữu. Thánh Công Ðồng ước ao hoạt động đó lan đến mọi lãnh vực trần thế kể cả lãnh vưc văn hóa.[6]
Giữa giai đoạn vừa rực rỡ cũng vừa bi thảm của lịch sử, trước ngưỡng cửa của đệ tam thiên niên, những hoàn cảnh đổi mới trong Giáo Hội cũng như của thế giới, trong thực tại xã hội, kinh tế chính trị và văn hóa hôm nay đòi hỏi một cách đặc biệt hoạt động của người tín hữu giáo dân. Đồng thời, dẫn đưa tín hữu giáo dân đến lắng nghe Đức Kitô đang mời gọi họ vào làm việc trong vườn nho của Ngài, và cộng tác một cách hăng say đầy ý thức trách nhiệm trong sứ mệnh của Giáo hội. Nếu trước đây ai làm ngơ bổn phận này là điều không thể chấp nhận được, thì hiện giờ thái độ lại càng đáng bị khiển trách hơn.
Không ai được phép ở không, không làm gì.[7] Chúng ta hãy đọc lại dụ ngôn Phúc âm: "Vào lúc năm giờ chủ nhân lại đi ra, ông còn gặp một số người khác đứng đấy và người bảo họ: "Tại sao các ông Còn đứng đây, suốt ngày không làm gì cả. "Họ trả lời, "Vì không ai mướn chúng tôi". Ngài bảo: "Các ông cũng thế, hãy vào làm vườn nho của Ta.”[8] Khi mà trong vườn nho của Chúa đầy tràn công việc đang đợi chờ tất cả chúng ta, thì không ai được biếng nhác. "Chủ nhân vườn nho" lại còn khẩn khoản đi mời lại: "Các ông cũng thế, hãy vào làm vườn nho cho Ta".
Chắc chắn lời của Chúa vẫn vang vọng trong thâm tâm của mỗi người Công Giáo. Bỡi vì mỗi người đã được trở nên giống như Đức Kitô nhờ Đức Tin và các bí tích khai tâm Kitô giáo, đã được ghép vào Giáo Hội như một phần thân thể sống động và đã trở nên một công dân linh hoạt của sứ mệnh cứu rỗi. Tiếng gọi của Chúa cũng đã được lưu truyền qua các biến cố lịch sử Giáo Hội và nhân loại, như Công Đồng nhắc nhở chúng ta: "Dân Chúa nhờ Đức Tìn thúc đẩy biết rằng Thánh Linh Chúa chiếu sáng khắp vũ trụ đang hướng dân mình, đã cố gắng nhìn nhận trong các biến cô, những đòi hỏi và ước vọng của thời đại chúng ta, và cũng là những đòi hỏi, uớc vọng của mình, đâu là dấu chỉ chân thật của sự hiện diện và ý định Thiên Chúa. Bởi vì Đức Tin cho chúng ta một ánh sáng mới, để nhìn xem mọi sự và giúp chúng ta biết được ý muôn của Chúa về ơn gọi toàn diện của con người, hướng tâm trí đi tìm những giải pháp hoàn toàn nhân bản".[9]
Kết luận
Đức Giêsu Kitô, hy vọng của nhân loại. Hiện tại và tương lai một cánh đồng rộng lớn cần nhiều canh tác đang xuất hiện trước những công nhân được gởi tới bởi "chủ nhân" để làm việc trong vườn nho Ngài. Trong cánh đồng mà Giáo Hội đang hiện diện và hoạt động này gồm mọi người chúng ta chủ chăn, linh mục, phó tế, nam nữ tu sỹ và tín hữu giáo dân. Có những tình trạng trái ngược được lưu tâm cách sâu xa ảnh hưởng đến Giáo Hội: Chúng tác dụng một phần nào sinh hoạt nhưng không làm tê liệt hoặc hạn chế thành quả của Giáo Hội. Bởi vì Thánh Linh, Đấng ban cho Giáo Hội sự sống, sẽ nâng đỡ hoạt động của Giáo Hội. Mặc dù có nhiều khó khăn, đình trệ và mâu thuẫn đủ loại do giới hạn của con người, do tội lỗi và Thần Dữ, Giáo Hội hiểu rằng mọi nỗ lực của nhân loại để tạo sự hiệp thông và tham gia hợp tác, rồi ra cũng được đền đáp qua việc can thiệp của Đức Giêsu Kitô, vị Cứu Tinh của nhân loại và thế giới.
Giáo Hội biết rõ mình được Đức Kitô sai đến như "dấu hiệu và phương thế của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hợp nhất của toàn nhân loại.”[10] Vì thế bất chấp mọi biến cố, nhân loại có thể cậy trông, và phải hy vọng: chính Chúa Kitô là Phúc âm sống động, là Tin Mừng đem lại vui mừng mà Giáo Hội, loan báo cho chúng ta mỗi ngày, và chính Giáo Hội đã trở thành chứng nhân cho mọi người. Trong việc loan truyền và trình bày nhân chứng này, người tín hữu giáo dân chiếm một chỗ độc đáo và không thay thế được: nhờ họ, Giáo Hội Chúa Kitô được hiện diện trong nhiều địa hạt khác nhau giữa thế giới như dấu hiệu và nguồn mạch hy vọng và tình yêu.[11] Vì thế quyền lợi và nghĩa vụ đang mời gọi họ.
Lm. Gioankim Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
[1] Công Đồng Vat.II, Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân, 7.
[2] Ib id., 43.
[4] Ibid.
[5] Ibid.
[6] Xem Leô XIII, Tđ Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), trg 647. - Piô XI, Tđ Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), trg 190. - Piô XII, Nuntius radiophonicus, 1-6-1941: AAS 33 (1941), trg 207.
[7]Tông Huấn, Người Tín Hữu Giáo Dân, 3.
[8]Mt. 20: 6- 7.
[9]Công Đồng Vat.II, Vui Mừng và Hy Vọng -Gaudium et Spes, 11.
[10]Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 1.
[11] Công Đồng Vat.II, Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân, 7.
Các tin khác