Sứ Vụ Người Giáo Dân Trong Giáo Hội
DẪN NHẬP
Người giáo dân tham gia vào ba sứ vụ chính: tư tế, tiên tri và vương đế.
Các sứ vụ bắt nguồn từ bí tích Rửa tội.
Chúng ta nhớ lại, trước khi sức dầu thánh, vị chủ sự đọc: “Thiên Chúa toàn năng là Cha Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta, Người đã giải thoát con khỏi tội và tái sinh con bởi nước và Chúa Thánh Thần.
Chính Người sức dầu cứu độ cho con, để sau khi nhập đoàn với dân Người, con luôn luôn tỏ ra là chi
thể của Đức Kitô là tư tế, tiên tri và vương đế đến cõi sống đời đời.”[1]
NỘI DUNG
1. Sứ Vụ Tư Tế
Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục thượng phẩm và vĩnh cửu, vì cũng muốn giáo dân tiếp tục công việc
chứng tá và việc phục vụ của mình, nên đã nhờ Thánh Thần ban cho họ sự sống. Và không ngừng
thôi thúc họ thực hành những điều thiện hảo.
Thực vậy, những kẻ mà Người đã cho tham dự mật
thiết vào sự sống và sứ mệnh Người, Người cũng cho họ dự phần vào chức vụ tư tế, để họ thực hành
việc phụng thờ thiêng liêng hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi loài người.
Bởi thế, vì giáo dân đã được hiến dâng cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được
mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn.
Thực vậy, mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn
việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần. Và cả
đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên của lễ thiêng
liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô, vì những của lễ ấy được thành kính dâng lên Chúa
Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành lễ tạ ơn.
Như thế, giáo dân cung hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài bằng hành động
thánh thiện khắp nơi.[2] Thi hành sứ vụ tư tế bằng chức tư tế cộng đồng. Chúa Kitô, Linh Mục
Thượng Phẩm được chọn nơi loài người, để biến dân tộc mới thành một "vương quốc, thành những
tư tế cho Thiên Chúa, Cha Người".
Thực vậy, những người đã lãnh phép Thánh Tẩy, nhờ được tái sinh và xức dầu của Thánh Thần,
được cung hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh. Hầu qua mọi hoạt động của
con người Kitô hữu, dâng của lễ thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Ðấng đã gọi họ từ bóng
tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài. Vì thế, tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, trong khi kiên tâm cầu
nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa, họ phải dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp
lòng Thiên Chúa, phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc
sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát.
Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ
về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức
linh mục duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình. Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do
chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của
lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng.
Phần tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác dâng thánh lễ, và thi hành chức vụ đó trong việc
lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và
bác ái tích cực.[3]
2. Sứ Vụ Ngôn Sứ
Chúa Kitô, vị Tiên Tri cao cả, Ðấng đã dùng chứng tá đời sống và sức mạnh của lời nói để công bố
Nước Chúa Cha. Người chu toàn chức vụ tiên tri, cho đến lúc sự vinh hiển của Người tỏ ra trọn vẹn.
Người chu toàn chức vụ đó không những nhờ hàng giáo phẩm, là những người nhân danh và lấy
quyền Người mà giảng dạy nhưng cũng nhờ các giáo dân; sở dĩ Người đã đặt họ làm chứng nhân,
đồng thời ban cho họ cảm thức đức tin và ơn dùng ngôn từ nữa là để sức mạnh Phúc Âm sáng ngời
trong đời sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã hội.
Nếu giáo dân vững lòng tin cậy mà lợi dụng thời gian hiện tại và kiên trì trông đợi vinh quang một ngày
kia sẽ đến, họ sẽ tỏ ra là con cái của lời giao ước; nhưng niềm hy vọng đó, họ không nên giấu kín
trong lòng, trái lại họ phải diễn tả nó qua những cơ cấu của cuộc sống trần gian, bằng cách hoán cải
không ngừng và chiến đấu chống lại "bá chủ của thế gian tăm tối này và bọn tà thần".
Như những bí tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hữu, tiên
báo trời mới và đất mới thế nào, thì giáo dân cũng mạnh mẽ loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi
như thế, nếu họ không ngần ngại nối kết đời sống đức tin với việc tuyên xưng đức tin làm một. Công
cuộc rao giảng Phúc Âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang
một sắc thái và hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh chung của trần gian.
Có một bậc sống rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ đó, bậc sống được một bí tích đặc biệt thánh hóa, đó
là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc
tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến
đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và
cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của
nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế bằng gương lành và chứng
tá, gia đình Kitô giáo làm cho thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang kiếm
tìm chân lý.
Vì thế, giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quí là truyền bá Phúc Âm cho thế giới, cả lúc họ
bận tâm lo lắng những việc trần thế. Dù khi thiếu thừa tác viên có chức thánh hoặc khi các ngài bị
ngăn trở vì bách hại, có những giáo dân thay thế các ngài thi hành một vài phận vụ thánh tùy khả
năng của họ; dù có một số giáo dân đã dốc toàn lực vào việc tông đồ, tất cả vẫn phải cộng tác vào
việc mở mang và phát triển Nước Chúa Kitô trên trần gian. Vì vậy giáo dân phải khéo léo tìm hiểu sâu
xa hơn chân lý Chúa mạc khải, và tha thiết nài xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan cho mình.[4]
3. Sứ Vụ Vương Giả
Chúa Kitô đã vâng lời cho đến chết, và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh, và đã vào trong vinh
quang nước Người. Mọi vật đều suy phục Người, cho đến khi Người cùng với mọi tạo vật suy phục
Chúa Cha, để Thiên Chúa nên tất cả mọi sự.
Người cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính đó để họ được hưởng sự tự do vương giả, và
chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi họ, bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện, hơn nữa để, khi
phụng sự Chúa Kitô nơi tha nhân, họ khiêm nhường và kiên nhẫn dẫn đưa anh em mình đến cùng
Ðức Vua, Ðấng mà phụng sự Người là thống trị.
Thực thế, Chúa cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở rộng nước Người, nước của chân lý và sự sống,
của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình; trong nước này, chính tạo vật cũng
được hưởng tự do rạng ngời của con cái Thiên Chúa. Lời Chúa hứa thật trọng đại và lệnh Người
truyền cho các môn đệ thật lớn lao: "Thực vậy, tất cả mọi sự đều thuộc về anh em, còn anh em thuộc
về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa".
Vì thế, tín hữu phải nhận biết bản tính sâu xa của tạo vật, giá trị của chúng, và cùng đích của chúng là
ca tụng Thiên Chúa; đồng thời phải giúp nhau sống đời thánh thiện, nhờ những việc trần thế, để thế
gian thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong công lý, bác
ái và hòa bình.
Giáo dân giữ lấy vai trò chính yếu trong khi chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó. Nhờ khả năng chuyên
môn trong những việc trần thế, nhờ các hoạt động của họ, những hoạt động được ân sủng Chúa Kitô
nâng lên bậc siêu nhiên, giáo dân hãy đem toàn lực hợp tác để nhờ lao công con người, kỹ thuật và
văn hóa nhân loại khai thác những của cải được tạo dựng hầu mưu ích cho mọi người và phân chia
cân xứng hơn giữa họ theo ý định của Ðấng Tạo Hóa và sự soi sáng của Ngôi Lời Ngài; và tùy cách
thức riêng của chúng, chúng giúp phát triển toàn diện sự tự do của con người và sự tự do của Kitô
hữu. Như thế, nhờ các phần tử của Giáo Hội, Chúa Kitô sẽ đem ánh sáng cứu độ của Người chiếu soi
toàn thể nhân loại mỗi ngày một hơn.[5]
Ðàng khác, khi các thể chế và cảnh sống của thế giới gây nên dịp tội, giáo dân phải góp sức làm cho
các thể chế và cảnh sống đó trở nên lành mạnh, để chúng phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công
bình, và giúp phát huy việc luyện tập các nhân đức hơn là ngăn trở chúng.
Hành động như thế, giáo dân sẽ làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công
trình của loài người. Và nhờ vậy, cánh đồng thế giới mới được chuẩn bị kỹ càng hơn để đón nhận hạt
giống Lời Thiên Chúa, và nhiều cửa được mở rộng thêm hơn cho Giáo Hội để sứ điệp hòa bình thấm
nhập vào thế gian. Chính công cuộc cứu độ đòi hỏi tín hữu phải lưu tâm phân biệt đâu là quyền lợi và
nghĩa vụ của họ với tư cách một phần tử của Giáo Hội, đâu là quyền lợi và nghĩa vụ với tư cách một
phần tử trong xã hội loài người.
Họ phải cố gắng hòa hợp cả hai loại nghĩa vụ và bổn phận đó với nhau. Và hãy nhớ rằng trong mọi
lãnh vực trần thế, lương tâm Kitô giáo phải luôn hướng dẫn họ, vì không một hoạt động nào của con
người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa.
Vì thế, trong thời đại chúng ta, hơn bao giờ hết, người tín hữu cũng phải làm sáng tỏ sự phân biệt và
hòa hợp các nghĩa vụ và bổn phận này trong phương thức hành động của họ, để sứ mệnh của Giáo
Hội có thể đáp ứng những hoàn cảnh đặc biệt của thế giới ngày nay cách trọn vẹn hơn. Thực vậy, nếu
phải công nhận rằng xã hội trần gian, vì lo lắng việc trần thế cách hợp pháp nên có quyền điều hành
theo những qui tắc riêng biệt, thì cũng phải loại bỏ cách chính đáng tà thuyến chủ trương xây dựng xã
hội bất cần đạo lý, và chủ trương chống lại hay hủy diệt tự do tín ngưỡng của người công dân.[6]
Như mọi Kitô hữu khác, giáo dân cũng có quyền được các chủ chăn có chức thánh ban phát dồi dào
ơn trợ lực chứa đựng trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, đặc biệt là Lời Thiên Chúa và các bí
tích. Như con cái Thiên Chúa và như anh em trong Chúa Kitô, họ cũng sẽ trình bày với các vị ấy
những nhu cầu và khát vọng của mình một cách tự do và tín cẩn. Nhờ sự hiểu biết, khả năng chuyên
môn và uy tín của họ, họ có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ cảm nghĩ mình về những việc
liên quan đến lợi ích của Giáo Hội. Họ nên thực hiện điều đó, nếu cần, nhờ vào các cơ quan đã được
Giáo Hội thiết lập nhằm mục đích ấy; và họ hãy luôn chân thành, can đảm và khôn ngoan, kính trọng
và yêu mến những người thay mặt Chúa Kitô vì nhiệm vụ thánh của các ngài.[7]
Như mọi tín hữu khác, với tinh thần vâng lời của người Kitô hữu, giáo dân cũng hãy mau mắn chấp
nhận những điều mà các chủ chăn có nhiệm vụ thánh đại diện Chúa Kitô, đã quyết định với tư cách
những thầy dạy và những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội; làm như thế, họ đã theo gương Chúa Kitô,
Ðấng đã vâng lời cho đến chết, để mở đường hạnh phúc của sự tự do con cái Thiên Chúa cho tất cả
mọi người.
Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng cho Thiên Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các
ngài hoan hỷ mà không than vãn thi hành nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta, nhiệm vụ mà các ngài
sẽ phải trả lẽ. Phần các chủ chăn có chức thánh, các ngài phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và
trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội, các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan
của họ, tin cẩn giao phó cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn
để hành động; hơn nữa, các ngài cũng nên khuyến khích họ tự đảm lấy trách nhiệm.
KẾT LUẬN
Với tình cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét, trong Chúa Kitô, những kế hoạch, thỉnh cầu và khát
vọng của họ. Ðàng khác, các chủ chăn phải nhìn nhận và tôn trọng sự tự do chính đáng của mọi
người trong lãnh vực trần thế.[8]
Họ hy vọng rằng, sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo
Hội: thực vậy, nhờ sự liên lạc đó, giáo dân ý thức trách nhiệm mình một cách vững vàng hơn; lòng
hăng say của họ được phát triển, và họ góp sức dễ dàng hơn vào công việc của các chủ chăn.
Phần các chủ chăn, nhờ sự trợ lực kinh nghiệm của giáo dân, các ngài có thể phán đoán minh bạch
và đúng đắn hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế; như vậy, toàn thể Giáo Hội được
vững mạnh nhờ tất cả mọi chi thể, sẽ chu toàn hữu hiệu hơn sứ mệnh mình đối với sự sống của thế
gian.[9]
Lm. Gioankim Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
[1] Sách Các Phép, Hà Nội, 1983, 26.
[2]Công đồng Vat.II, Ánh sáng muôn dân, số 34.
[3]Ibid., số 10.
[4] Công đồng Vat.II, Ánh sáng muôn dân, số 35.
[5] Công đồng Vat.II, Ánh sáng muôn dân, số 36.
[6] Ibid., 36.
[7] Ibid., 37.
[8] Ibid., 37.
[9] Ibid., 37.
Các tin khác