Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024 | 12:48 PM - Giới thiệu | Ý nghĩa logo
Linh đạo

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Thánh Thérèse Hài Đồng Giêsu: Tác Phẩm “Linh Đạo”

 

I. CÁC TÁC PHẨM CỦA THÁNH NỮ THÉRÈSE LISIEUX

Thánh Thérèse không còn phải là một người xa lạ đối với các tín hữu Việt Nam, bởi vì không những thánh nữ đã được Đức Thánh Cha Piô XI đặt làm bổn mạng các nơi truyền giáo vào năm 1927 (tức 02 năm sau khi tuyên hiển thánh), nhưng thánh nhân đã từng có dự định sẽ sang đan viện Carmel Hà Nội. Chúng tôi sẽ không dừng lại ở phần tiểu sử cho bằng giới thiệu những tác phẩm hầu giúp hiểu biết thêm về linh đạo của vị thánh.

Nói đến các tác phẩm của thánh Thérèse Lisieux, còn gọi là Thérèse Hài Đồng Giêsu, quý vị sẽ nghĩ ngay đến truyện“Một Tâm Hồn” . Tuy nhiên, cuốn truyện đó chỉ mới hé mở một phần về cuộc đời và tư tưởng của vị thánh. Hơn thế nữa, truyện “Một Tâm Hồn” không phù hợp trung thực với nguyên bản do chính tác giả viết ra, nhưng đã được các chị em trong Dòng thêm bớt sửa đổi! Việc tìm hiểu các thủ bản của tác giả đã trở nên một đề tài sôi bỏng vào những thập niên 60-70 của thế kỷ XX. Chúng tôi xin nói qua vấn đề xuất bản các tác phẩm của Thérèse, mà phần cốt yếu là truyện “Một Tâm Hồn” và các “Thư”.

Truyện “Một Tâm Hồn” gồm bởi 3 bản tự thuật viết vào 3 hoàn cảnh khác nhau. Sau đó, 3 bản tự thuật này được sửa chữa, và thêm vào một lời dẫn nhập nói về nguồn gốc gia thế, và một chương chót thuật lại những ngày cuối đời, và được xuất bản dưới tựa đề “Tiểu sử của một linh hồn”. Ngoài 3 bản tự thuật vừa nói, Thérèse còn viết nhiều bài thơ, vở kịch, lời nguyện và các thư. Khác với các bản tự thuật được viết ra theo lệnh của bề trên, các lá thư bộc lộ tâm tình cách tự phát hơn. Thérèse viết bức thư đầu tiên khi mới lên 3 tuổi(nói đúng ra, đó chỉ là viết ké vào thư của Céline gửi cho chị Marie). Từ đó cho đến khi qua đời, chị thánh viết trên dưới 265 lá thư nữa.

A. Việc biên soạn truyện “Một Tâm Hồn”

Thực ra, chị Thérèse không hề nghĩ tới việc biên soạn tác phẩm để xuất bản. Sự thành hình của truyện “Một Tâm Hồn” hoàn toàn có tính cách ngẫu nhiên. Một buổi chiều mùa đông năm 1894, khi đang ngồi bên lò sưởi, Thérèse kể lại vài kỷ niệm thời thơ ấu cho các bà chị của mình đã vào Dòng trước. Chị Marie “ThánhTâm Chúa Giêsu” (Marie du Sacré Coeur, bà chị cả) ngỏ ý với Bề trên (Mẹ Agnès de Jesus, tức là chị Pauline), yêu cầu Thérèse viết lại những kỷ niệm đó. Sau khi phân vân một hồi, Bề trên tán thành đề nghị ấy. Thérèse đã dành suốt năm 1895 để hoàn tất, và tới ngày 21 tháng Giêng năm 1896, đã có thể trao cho Bề trên tập hồi ký làm quà mừng thánh bổn mạng.[1]

Bản tường thuật thứ hai,[2] được viết vào những ngày 13-16 tháng 09, cũng năm 1896, theo lời yêu cầu của chị Marie ThánhTâm ChúaGiêsu. Được phép của Bề trên, chị xin Thérèse hãy thuật lại ánh sáng đã nhận được nhân dịp tĩnh tâm riêng hồi đầu tháng, đặc biệt là chuyện về “con đường nhỏ”. Chính trong thủ bản này,thánh Thérèse khám phá ra ơn gọi của mình giữa lòng Hội Thánh, đó là Tình yêu (Dans le coeur de l’Eglise, ma Mère, je serai l’Amour).

Bản tường thuật thứ ba,[3] được thành hình vào những tháng cuối đời của Thérèse. Sau khi đã nhận được các bản tường thuật, Mẹ Agnès thấy còn nhiều thiếu sót. Thérèse đã viết khá đầy đủ về buổi thiếu thời, theo như được yêu cầu. Nhưng giai đoạn ở trong nhà Dòng thì chỉ thấy phớt qua. Vì thế, Mẹ Agnès (vừa mãn nhiệm kỳ Bề trên) đã xin người kế vị là Mẹ Marie de Gonzague, yêu cầu Thérèse quảng diễn thêm giai đoạn sống trong dòng Carmel. Lúc đó là vào đầu tháng 06 năm 1897, tức là 04 tháng trước khi chị qua đời. Bản tường thuật này được viết trên giường bệnh, bằng bút chì.

Tóm lại, các bản tường thuật được viết ra chính yếu do sự vâng lời Bề trên, trong những điều kiện bất lợi: thiếu bàn làm việc, thiếu thời gian, giấy mực thô sơ,... Xét vì là những tự thuật viết cho Bề trên, thế nên tác giả không chú ý đến văn chương trau chuốt.

B. Việc xuất bản truyện “Một Tâm Hồn”

Thérèse qua đời ngày 30/09/1897. Một tháng sau, ngày 29/10/1897, Bề trên đan viện Lisieux, Mẹ Marie de Gonzague,đã gửi các bản tự thuật của Thérèse cho linh mục Godefroid Madelain, nhờ cha đọc lại và sửa chữa nếu cần. Sau khi đã đọc đi đọc lại, cha Godefroid đã phân chia thành từng chương, đẽo gọt văn từ đây đó. Khi gửi trả lại thủ bản cho Mẹ Bề trên vào đầu tháng 03 năm 1898, cha đã đề nghị nhiều sửa chữa. Có những đoạn (ghi nét màu xanh) cần phải bỏ khi in, lý do bởi hoặc là vì quá tư riêng hay là quá cao siêu khiến cho nhiều người không hiểu. Có những đoạn lặp đi lặp lại, cũng nên loại bỏ.

Vào đúng giáp năm ngày qua đời (tức ngày 30/09/1898), truyện “Một Tâm Hồn” được chính thức xuất bản (dày 475 trang), với phép của Giám mục Hugonin, bản quyền sở tại. Tác phẩm được tái bản nhiều lần, mỗi lần thêm một số lá thư hoặc bài thơ của thánh Thérèse.

Những phụ chương đó, cộng vào những nguồn thông tin khác nhau, đã khiến các học giả đặt nghi vấn về đường lối xuất bản những tác phẩm của thánh Thérèse. Từ đó bắt đầu một chiến dịch truy tầm nguyên bản các bút tích. Người khởi xướng chiến dịch này là cha Ubald de Alençon (đồng hương với thánh Thérèse). Trong một bài báo đăng tại Barcelona năm 1926, cha hoài nghi về tính cách trung thực của quyển sách “Một Tâm Hồn”, bởi vì trình bày khuôn mặt thánh Thérèse cách ủy mị, khác với một Thérèse mà cha đã biết. Tiếp theo đó, nhiều học giả cũng nêu nghi vấn tương tự.

Tuy nhiên, phải chờ đến năm 1942, công cuộc xuất bản các nguyên bản của thánh Thérèse mới được tiến hành. Linh mục A. Combes đã được đan viện Lisieux chấp thuận cho nghiên cứu các thủ bản. Và có thể nói rằng, đã có một sự kiên quyết cũng như gây áp lực mạnh, nhà Dòng mới cho xuất bản các lá thư của Thérèse vào năm 1948.[4] Cha A. Combes thấy vẫn còn thiếu sót, và yêu cầu nhà Dòng phải cho xuất bản hết tất cả các thủ bản của thánh Thérèse, ngõ hầu có thể biết rõ toàn bộ bản lĩnh và tư tưởng của tác giả. Đến lượt các Bề trên Dòng Nam Carmel phải can thiệp thì đan viện Lisieux mới chịu cho phát hành tất cả các thủ bản.

Từ năm 1956, lần lượt các thủ bản được đưa ra ánh sáng, khởi đầu là bản chụp của 3 bản tự thuật (Manuscrits autobiographiques de Sainte Therese de l’Enfant Jesus). Việc xuất bản các tác phẩm đã hoàn tất vào năm 1973, kỷ niệm bách chu niên Thérèse chào đời (Edition du Centenaire). Toàn bộ các tác phẩm được chia thành 8 quyển:

1. Các bản tự thuật (Manuscrits autobiographiques), với những lời dẫn nhập, chú thích.

2. Truyện “Một Tâm Hồn”, theo ấn bản đầu tiên vào năm 1898.

3-4. Các lá thư (Correspondance génerale). Trong số 266 lá thư, có 199 thư do Thérèse viết; phần còn lại là những trích dẫn các chỗ nhắc tới các bức thư của tác giả.

5. Các bài thơ (Poésies). Gồm 54 bài thơ do Thérèse sáng tác nhân dịp một lễ nào đó trong cộng đoàn (thí dụ: khấn dòng). Hầu hết các bài thơ là những lời nguyện.

6. Các vở kịch (Théâtre au Carmel - Récréations pieuses) và các lời nguyện (Prières): Gồm 8 vở kịch soạn ra để giúp vui cho cộng đoàn; và 21 lời nguyện. Trong số các lời nguyện, quan trọng nhất là bản kinh dâng mình cho Tình Yêu lân tuất.

7. Những cuộc đàm thoại cuối cùng (Les derniers entretiens). Các tư tưởng, tâm tình, ước ao, do chị em thu lại như là chúc thư của thánh nữ, trong thời gian 06 tháng cuối của cuộc đời.

8. Những lời chót (Novissima Verba). Thuật lại những cuộc đàm thoại cuối, do Mẹ Agnès ghi lại.

Dĩ nhiên, để hiểu biết hơn về cuộc đời của thánh Thérèse, các sử gia còn phải đối chiếu các tác phẩm vừa kể với những nguồn sử liệu khác nữa. Đừng kể những tài liệu nói về hoàn cảnh chính trị tôn giáo tại Pháp vào thế kỷ XX (được coi như là bối cảnh), một nguồn tư liệu quan trọng khác là lịch sử của đan viện Carmel tại Lisieux.[5] Đan viện này được thành lập năm 1838, nghĩa là 50 năm trước khi Thérèse gia nhập.[6] Lúc đó, đan viện đã có 24 nữ đan sĩ, trong số đó có 02 người là chị ruột của Thérèse: Pauline (Agnes), vào Đan viện năm 1882 và Marie vào năm 1886. Chị Pauline làm Bề trên Lisieux từ năm 1893-1896 (20/02/1893- 20/03/1896), và hầu như liên tục trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, cho tới khi qua đời vào năm 1951. Nên biếtthêm, một người chị nữa của Thérèse tên là Céline, sau khi thân phụ qua đời, cũng vào Đan viện Lisieux năm 1894 (tức 06 năm sau khi Thérèse gia nhập Đan viện). Như vậy, vào đầu năm 1897, trong tổng số 25 nữ đan sĩ của đan viện Lisieux, thì có 04 chị em ruột của gia đình Thérèse, cộng thêm một người chị họ là Marie Guérin.

Một nguồn tài liệu khá quan trọng để hiểu biết về thánh Thérèse chính là hồ sơ án phong thánh, khởi đầu từ năm 1907 tại cấp Giáo phận,[7] và từ năm 1915 ở cấp Tòa Thánh.[8] Vào dịp bách chu niên sinh nhật của thánh nữ, toàn thể hồ sơ được tái bản, gồm 02 chặng: Chặng tòa án cấp Giáo phận và Chặng tòa án cấp Tòa Thánh.[9]

Dựa theo các nguồn tư liệu vừa nói, chúng ta sẽ tìm hiểu học thuyết về “Con Đường Nhỏ”hoặc “Con Đường Thơ Bé”, một nét mới mà thánh Thérèse đóng góp cho lịch sử linh đạo Kitô giáo.

II. CON ĐƯỜNG NHỎ CỦA THÁNH THÉRÈSE

Chúng tôi đã giới thiệu sơ qua những nguồn tư liệu để hiểu biết cuộc đời và tư tưởng của thánh Thérèse. Ngoài những tác phẩm mang tính cách tự thuật, các sử gia còn phải đối chiếu với bối cảnh chính trị, xã hội, tôn giáo thời đó nữa. Thêm vào đó, một khung cảnh không thể nào bỏ qua là bầu khí đạo đức của đan viện Carmel tại Lisieux. Sự kiện mà thánh Thérèse đã có lòng tôn kính đối với “Thánh nhan Chúa Giêsu” không phải là chuyện tình cờ ngẫu nhiên, nhưng dựa theo thói tục mà Mẹ Geneviève (sáng lập đan viện Lisieux: 1805-1891) đã du nhập từ đan viện Tours. Có tác giả còn cho rằng, linh đạo của Lisieux vào thế kỷ XIX chịu ảnh hưởng của trường phái Pháp quốc (De Bérulle, Charles Gay, nhấn mạnh tới hy sinh đền tạ, hiến tế) hơn truyền thống Dòng Carmel (Gioan thánh giá, Thérèse Avila)! Trên thực tế, trong suốt cuộc đời của Thérèse tại Lisieux, đan viện này hầu như không có liên lạc gì với các cha Dòng Carmel hết. Vì lý do thời gian eo hẹp, chúng tôi không thể đi sâu vào hết các chi tiết, nhưng chỉ giới hạn vào vài nét đặc trưng của linh đạo thánh Thérèse Lisieux. Linh đạo này không phải là kết quả của một cuộc nghiên cứu truy tầm các sách vở trong thư viện, nhưng là cảm nghiệm bản thân về mối tương quan với Thiên Chúa. Vì thế, thay vì trình bày tư tưởng của tác giả theo hệ thống mạch lạc, chúng tôi áp dụng một phương pháp khác, đó là theo dõi những bước thăng trầm của cuộc cảm nghiệm này. Thực vậy, như chúng ta sẽ thấy, “Con Đường Nhỏ” của thánh Thérèse không phải trơn tru bằng phẳng như nhiều người lầm tưởng: con đường ấy có lúc êm trôi, phẳng lặng; có lúc sóng gió và tăm tối!

A. Buổi thiếu thời

Thérèse được may mắn sinh ra trong gia đình đạo hạnh. Ngay từ khi còn nhỏ, cô bé đã có ước mơ muốn làm thánh khi đọc tiểu sử các vị anh thư của Pháp quốc, đặc biệt là thánh nữ Jeanne d’Arc. Tuy nhiên, từ chỗ ước mơ tới chỗ thực hiện, quãng đường không ngắn ngủi. Thérèse cũng biết rằng, đường nên thánh phải trải qua nhiều đau khổ. Cô bé cũng sớm nếm cảnh đau khổ: khi mới được 04 tuổi rưỡi (28/08/1877) đã nếm cảnh mồ côi mẹ; lên 06 tuổi(1879), vào dịp xưng tội lần đầu, em đã được thị kiến về bệnh tình của thân phụ. Vào năm 09 tuổi (02/10/ 1882), em đã nếm thêm một cảnh chia ly khác, đó là chị Pauline vào đan viện; từ khi mất mẹ, Thérèse coi bà chị này như hiền mẫu. Vài tháng sau (25/03/1883), Thérèse lâm bệnh nặng: phải chăng tại vì nhớ chị? Dù sao, thì không đầy 02 tháng sau (13/05/1883), em đã lành bệnh nhờ sự chăm sóc của thân nhân, những tuần cửu nhật cầu nguyện, và đặc biệt là sự can thiệp của Đức Mẹ Maria: em thấy bức tượng Đức Mẹ đặt ở đầu giường đã mỉm cười với mình.

Xem ra những thử thách vừa nói thuộc về phạm vi tình cảm trong gia đình. Nhưng có một cuộc thử thách khác có lẽ ảnh hưởng nhiều tới tinh thần đạo đức trong tương lai của Thérèse, đó là cuộc khủng hoảng bối rối, xảy ra trong dịp tĩnh tâm kỷ niệm giáp năm ngày rước lễ vỡ lòng (17/05/1885).[10] Khi hồi tưởng lại cuộc khủng hoảng này (kéo dài 18 tháng), Thérèse gọi là cuộc tử đạo.[11] Sự đau khổ còn tăng thêm đối với Thérèse, khi bà chị Marie rời gia đình vào đan viện khoảng giữa tháng 10 năm 1886. Trong gia đình, bây giờ chỉ còn có cha già với chị Céline. May thay, đến cuối tháng thì các cơn bối rối tan biến. Hơn thế nữa, ra như để bù lại, vào đêm lễ Chúa Giáng sinh năm 1886, Thérèse đã nhận được ơn cải hoán. Sau khi đi lễ về, Thérèse mong đợi nhận được quà như thói quen. Nhưng khi nghe thân phụ nói với chị Céline rằng, đây là lần chót mà các con còn nhận quà Giáng sinh, Thérèse được ơn soi sáng cho biết rằng thời con nít đã qua, và cần phải lớn lên. Thérèse bước sang giai đoạn thứ hai của cuộc đời.

B. Vào Dòng Carmel

Năm 1887 đánh dấu vài bước tiến nữa. Khoảng đầu năm, Thérèse lên 14 tuổi, và cảm thấy ước nguyện mãnh liệt muốn đi tu Dòng Carmel. Như chúng ta đã biết, chị phải đương đầu với nhiều khó khăn, trước là trong gia đình, và sau là về phía ngăn trở Giáo luật. Phải chờ hơn 01 năm sau, các chướng ngại mới được giải quyết ổn thỏa. Vào khoảng tháng 07, khi chiêm ngắm tượng Chúa chịu nạn phán ra “Tôi khát”, Thérèse ước ao muốn giúp Chúa. Dịp may cụ thể đó là chị biết tin tử tội Pranzini sắp bị hành quyết. Chị đã cầu nguyện xin cho anh được ơn trở lại; Và lời cầu nguyện đã mang lại công hiệu, là anh đã ăn năn thống hối trước khi chết. Chị càng thêm xác tín hơn về lòng ước ao cứu vớt các linh hồn.

Thérèse vào đan viện Carmel tại Lisieux ngày 09/04/1888 (năm ấy là lễ Truyền Tin, được dời lại do trùng với Tuần Thánh). Khi được Đức Giám mục thẩm vấn trước khi mặc áo và khấn Dòng, chị trả lời là mình đã có ý hướng đi tu ngay từ khi mới có trí khôn; và động lực thúc đẩy vào Dòng Carmel là để cứu các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục.

Khi nghĩ đến các gian truân đã vượt qua, Thérèse tưởng rằng ngày đặt chân vào đan viện đánh dấu giai đoạn của sự bình an. Tuy nhiên, con đường thăng tiến nội tâm mới còn ở chặng khởi đầu. Xét về tuổi tự nhiên, Thérèse mới có 15 tuổi; xét về tuổi tâm lý và siêu nhiên, chị chưa thể nói là đã trưởng thành. Dù sao, Thérèse luôn thâm tín rằng, sự trưởng thành siêu nhiên đòi hỏi thanh luyện thử thách:

1/. Có lẽ sự thử thách đầu tiên mà Thérèse phải đương đầu là mối tương quan tình cảm gia đình đối với 2 người chị ruột đã vào đan viện trước mình (Pauline và Marie). Các chị em trong cộng đoàn không muốn thấy cảnh gia đình trị! Các đương sự cũng biết điều đó, cho nên họ cũng không muốn để lộ tình cảm ruột thịt, cũng như bị chi phối trong các quyết định của đan viện bởi mối tương quan đó. Chị Pauline (Agnes) không còn phải là hiền mẫu như khi còn ở gia đình nữa; chị sửa sai cô bé liên miên. Thérèse có dịp tập đức khiêm nhường đã vậy, nhưng còn phải tập thanh lọc tình cảm nữa. Tuy không ngừng gắn bó với các chị, nhưng Thérèse phải cố gắng để thăng hoa nó. Mình vào Dòng là để đi theo Chúa Giêsu chứ đâu phải là đi theo các chị ruột của mình? Khi thuật lại tình cảm dành cho các chị ruột trong thời gian sống tại đan viện, Thérèse thú nhận là một sự “tử đạo”, một cuộc “lưu đày”.[12]

2/. Một nguồn đau khổ khác mà Thérèse phải chịu trong đan viện là bệnh tình của thân phụ. Một năm trước khi Thérèse vào Dòng (01/05/1887), ông cụ đã bị cơn liệt. Bệnh tình trở thành nguy kịch hơn sau khi Thérèse rời gia đình. Ông chỉ tham dự lễ mặc áo Dòng của Thérèse(10/01/1889), nhưng vào ngày 12/02 năm ấy, ông được đưa vào dưỡng trí viện tại Caen; vì thế ông vắng mặt vào dịp khấn (08/09/1890) và đội lúp (24/09 cùng năm) của Thérèse. Nhà Dòng cho rằng ông ta bị bệnh tâm thần bởi vì nhớ con cưng của mình! Thérèse chỉ biết lợi dụng cơ hội để suy niệm thêm về mầu nhiệm Nhan thánh đau khổ của Chúa Giêsu. Khuôn mặt ấy tuy bị khạc nhổ sỉ nhục, nhưng vẫn là dung nhan của Con Thiên Chúa. Một cách tương tự như vậy, bệnh tật của thân phụ không làm giảm đi phẩm giá của ông là con yêu quý của Thiên Chúa.

3/. Cộng đoàn đan viện cũng là cơ hội giúp cho Thérèse trưởng thành. Nói chung, cả nhà Dòng đều quá biết cá nhân và gia đình của chị; nhưng không vì thế mà chị được ưu đãi. Trái lại là khác. Mẹ Bề trên Marie de Gonzague rất nghiêm khắc đối với Thérèse (và bà chỉ thay đổi thái độ từ khi được tái cử vào tháng 6 năm 1896, khi Thérèse đã bị bệnh). Các chị em khác thì coi Thérèse là con nít, cần phải chỉ vẽ từng ly từng tí một. Ngày mặc áo và ngày khấn dòng đã bị hoãn lại từ 04 tháng đến hơn nửa năm đã làm Thérèse khá buồn tủi. Cộng đoàn chỉ giao cho Thérèse những công tác lặt vặt, hay phụ tá cho các chị khác, chứ không trao trách vụ quan trọng nào. Sau này, Thérèse được cử làm Giáo Tập viện (1893-1897), nhưng kỳ thực, chị vẫn là phụ tá cho Mẹ Marie Gonzague thôi. Vả lại, cần biết là suốt đời chị vẫn thuộc hàng ngũ tập sinh. Trong đan viện Lisieux, vì đã có hai chị ruột có quyền đầu phiếu rồi; bởi thế cộng đoàn không cho Thérèse được hưởng hết mọi quyền lợi của các khấn sinh.

Đó là những cơ hội để Thérèse khám phá ra con đường nhỏ bé khiêm nhường. Thérèse biết mình không có khả năng làm công chuyện to lớn trong nhà Dòng. Thậm chí, vì sức khỏe yếu kém, nên Thérèse không được phép thực hành các việc hãm mình theo như luật Dòng quy định. Thérèse đã biết khéo lợi dụng những hoàn cảnh ngang trái đó để trở nên khiêm nhường; Chẳng hạn, Bề trên cho phép Thérèse được bồi dưỡng sức khỏe, được ăn nhiều hơn, nhưng trên thực tế, chị phải ăn đồ thừa của những bữa trước còn lại. Khổ hơn nữa, theo lời khai của Chị Guerin trong hồ sơ phong thánh, ngay từ khi vào nhà Dòng, Thérèse đã thấy đồ ăn khó nuốt! Sự hãm mình đích thực của Thérèse là hãm dẹp ý riêng, không thể làm điều mà mình muốn hoặc là phải chiều theo ý của người khác; Nhất là Thérèse khám phá rằng, điều cốt yếu của đường trọn lành là tình yêu.

Chắc hẳn cuộc khám phá này mang tính cách tiệm tiến chứ không đột phát. Dù vậy, chính tác giả cũng thuật lại cho vài nhật kỳ đáng nhớ.

Vào khoảng cuối năm 1894, nhờ đọc hai đoạn Kinh Thánh (Châm ngôn 9,4; Is 66,12-13), Thérèse nhận thấy Thiên Chúa chỉ đòi hỏi có một điều, đó là hoàn toàn tín thác nơi Tình thương Lân tuất của Ngài. Thay vì buồn phiền vì những yếu đuối, không có khả năng thi hành những công tác thiêng liêng mà mình muốn, Thérèse cần phải biết chấp nhận và yêu mến sự nhỏ bé của mình, và để cho Chúa Giêsu dẫn dắt như trẻ thơ. Đây là “Con Đường Nhỏ” mà Thérèse không những rất muốn mang ra thi hành, mà còn truyền thụ cho các Tập sinh và cho hai vị thừa sai mà chị nhận đỡ đầu.

Từ ngày 24/02/1895 trở đi, Thérèse bắt đầu thêm biệt hiệu “bé tí” vào chữ ký (la toute petite Thérèse). Trước đây trong gia đình, người ta đã gọi Thérèse là “cô bé” (petite Thérèse), bởi vì chị là con út.

Nên biết là Thérèse gọi linh đạo của mình là “Con Đường Nhỏ” (petite voie). Danh xưng“Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng” (voie d’enfance spirituelle) là do Mẹ Agnes (Pauline) sử dụng từ năm 1907 (tức là 10 năm sau khi Thérèse qua đời). Cho dù gọi thế nào chăng nữa, con đường đó không đơn giản trơn tru như nhiều người lầm tưởng. Chính Thérèse đã nếm cảnh thử thách hãi hùng khi đi vào con đường đó.

III. CUỘC THỬ THÁCH ĐỨC TIN

Tuy rằng đạo lý “Con Đường Nhỏ” dựa trên bản văn Kinh Thánh, nhưng Thérèse đã khám phá ra ý nghĩa bằng chính cuộc đời của mình, một nữ đan sĩ tầm thường trong đan viện, không được giao phó trọng trách nào hết. Theo lời tự thuật, Thérèse khám phá con đường đó vào khoảng cuối năm 1894. Con đường nhỏ” đối lại với con đường lớn”. Cả hai con đường đều nhắm tới việc nên thánh. Thế nhưng, theo Thérèse, sự đối chọi hai con đường không phải chỉ dựa theo tiêu chuẩn phương tiện, mà nhất là dựa theo quan niệm về Thiên Chúa. Con đường nên thánh cổ truyền được đặt tên là “lớn”, bởi vì đòi hỏi phải thi hành nhiều công tác anh hùng, hoặc là trong việc khổ chế bản thân, hoặc là trong các công tác bác ái giúp đỡ tha nhân,... Con đường “nhỏ” thì chỉ sử dụng những công việc tầm thường hằng ngày, nhưng được thực hiện với nồng độ cao của tình yêu. Thực ra, đây là điểm nòng cốt của linh đạo Thérèse. Thánh nữ nghĩ rằng, các chị em trong Dòng rất quảng đại khi tình nguyện lãnh nhận các việc hãm mình đền tội thay có các tội nhân. Thế nhưng, quan điểm này hàm ngụ hình ảnh của một Thiên Chúa công thẳng, trừng phạt các tội nhân. Vì vậy mà chúng ta cần đứng ra xin lãnh hình phạt thay cho họ. Còn Thérèse thì quan niệm Thiên Chúa là Tình yêu lân tuất. Vậy sự khám phá ấy có ảnh hưởng gì đối với đường tu đức?

A. Tận hiến cho Tình yêu lân tuất

Năm 1895 đã đánh dấu một chặng đường quan trọng trong cuộc đời của Thérèse. Được lệnh của Bề trên viết hồi ký gia đình, Thérèse có dịp ôn lại cuộc đời dưới ánh sáng của tình yêu Chúa. Tuy nhiên, biến cố quan trọng nhất là việc dâng mình cho Tình yêu lân tuất. Có thể coi đây là cuộc cải hoán lần thứ hai trong đời, tiếp theo cuộc cải hoán lần thứ nhất vào đêm Giáng sinh năm 1886.

Vào dịp lễ kính Chúa Ba Ngôi (09/06/1895), đang khi tham dự Thánh lễ, Thérèse nhận được cảm hứng dâng mình cho Tình yêu lân tuất. Như vừa nói trên đây, xưa nay đã có tục lệ dâng mình đền tạ, nghĩa là xin lãnh nhận hình phạt thay cho các tội nhân để đền bù phép công thẳng của Chúa. Nhưng Thérèse đã khám phá rằng, Thiên Chúa là tình yêu lân tuất, chứ không phải là sự Công thẳng. Sự Công thẳng thì đòi hỏi việc bồi thường các sự vi phạm; còn Tình thương thì chỉ đòi hỏi sự đáp lại bằng tình thương. Điều mà Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta là dâng hiến trái tim mình để cho tình yêu Chúa thiêu đốt.

Đó là động lực thúc đẩy Thérèse tiến tới việc dâng mình cho Tình yêu lân tuất của Thiên Chúa. Khởi đầu từ việc chiêm ngắm Tình yêu dạt dào của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ba Ngôi, nơi mà ngọn lửa Tình yêu bừng cháy trong hạnh phúc, Thérèse muốn để cho ngọn lửa đó chiếm đọat tất cả con tim của mình. Thérèse soạn ra bản kinh dâng mình cho Tình yêu lân tuất, và tuyên đọc 02 ngày sau đó cùng với chị Céline (mới vào nhà dòng từ tháng 07 năm1894, và trở thành bạn tâm giao của Thérèse).

Các tin khác

VIDEO

  Bài 2: HIỆP HÀNH: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  Bài 1: Tầm Nhìn Hoàn Vũ | Thường huấn linh mục GP Ban Mê Thuột 2023

  ĐỨC TIN | Tròn Đầy & Trong Sáng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Mục Vụ Văn Hóa: DANH - LỢI - NGHĨA | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh

  Cử Hành Phụng Vụ | Gặp Gỡ Chúa Kitô - Loan Báo Tin Mừng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn văn Hinh

  Thần Học Mục Vụ & Công đồng Vatican II: Con người - Giáo hội - Môi trường

  Hiệp Hành Hội Ý Dựng lại Mùa Xuân | Người Giáo dân Thiên niên kỷ mới

  Bài 4: Văn Hóa Tổ Chức - Đời Sống Cá Nhân

  Hiệp Hành Kín Đáo và Minh Bạch

  Văn Hóa Tổ Chức - Tổ Chức Cộng Đồng | Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (Phần 3)

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 2) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  Tìm hiểu về văn hóa (Phần 1) - Lm Gioan Kim Nguyễn Văn Hinh

  TRỰC TUYẾN BÀI 29: MỤC VỤ THÁNH THIỆN THUẬN THEO

  TRỰC TUYẾN BÀI 28 : MỤC VỤ TÍCH HỢP VĂN HÓA ĐÔNG TÂY

  TRỰC TUYẾN BÀI 27 : MỤC VỤ LỜI CHÚA NGÀY NAY

  TRỰC TUYẾN BÀI : TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 26: MỤC VỤ ĐẠO ĐỨC KINH TẾ DỊCH VỤ

  TRỰC TUYẾN BÀI 25: MỤC VỤ TUẦN THÁNH UY VÀ ĐỨC

  TRỰC TUYẾN BÀI 24: MỤC VỤ GIA TÀI CỦA MẸ

  TRỰC TUYẾN BÀI 23: MỤC VỤ BỔ VÀ TẢ

  mvgd20162016

  TRỰC TUYẾN BÀI 21: MỤC VỤ LUẬT CÂN BẰNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 20: TRUY TÌM MÃNH LỰC

  TRỰC TUYẾN BÀI 19: THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN NHỮNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TIỄN

  TRỰC TUYẾN BÀI 18: NĂM THÁNH THÁNH CẢ GIUSE LÃNH ĐẠO VÀ NIỀM TIN

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 17: MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 - LÒNG BIẾT ƠN TIN VUI ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

  TRỰC TUYẾN BÀI 16: ĐỀ TÀI ĐIỂM TỰA

  TRỰC TUYẾN BÀI 14: VĂN HÓA KHÔNG NHẬN SAI NHƯNG SỬA SAI

  TRỰC TUYẾN BÀI 13: VUN TRỒNG NỀN VĂN HÓA “TÂM LINH – KHOA HỌC”

  TRỰC TUYẾN BÀI 12: NĂM MỚI 2021 XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÂM LINH & KHOA HỌC

  TRỰC TUYẾN BÀI 11: GIÁNG SINH 2020 - LÀM NGƯỜi - GIÊSU

  TRỰC TUYẾN BÀI 10: PHÍA ĐẰNG SAU TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 9: ĐỂ CÓ CHÚA THÁNH THẦN

  TRỰC TUYẾN BÀI 8: LOAN BÁO TIN MỪNG

  TRỰC TUYẾN BÀI 7: PHÒNG ĐÀO LUYỆN TÂM LINH CỦA TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 6: ĐÀO LUYỆN TÍN HỮU DÂN CHÚA

  TRỰC TUYẾN BÀI 5: TẦM NHÌN THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  TRỰC TUYẾN BÀI 4: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH BẮT ĐẦU TỪ THÁNH THỂ HAY THÁNH KINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 3: PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CẢM NGHIỆM- SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

  TRỰC TUYẾN: BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TRỰC TUYẾN BÀI 1: ĐÀO LUYỆN TÂM LINH

  TintucVatican

  Thánh Lễ Tuyên Thánh Jacinta và Francisco Marto

  Muối và ánh sáng

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Nghi thức đóng Cửa Thánh

  Xin Mẹ Thương

  Thế Giới Nhìn Từ Vatican

  Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__3

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__1

  Thường huấn HĐMVGX Giáo hạt Rach Giá 2014__2

  Thường huấn HĐMVGX Ban Mê Thuật

  Quốc tế thiếu nhi 01-6-2014

  Thể dục Dưỡng Sinh

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  Mục vụ Thể chất

  CƠM TRƯA TRUNG THU 2013

  Thi đấu thăng cấp sơ đẳng Vovinam

  Khai mạc kỳ thi thăng cấp Vovinam

  Vovinam

  Đào luyện tâm linh

  Nghệ thuật cân bằng

  Đào Luyện Tinh Thần

  Đào Luyện Thể Chất

Bài viết mới
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người ...
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Công bố tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa về gia đình trong hiến pháp
Người dân Ai Len bỏ phiếu chống đề xuất sửa đổi định nghĩa ...
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười một năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô